Thứ Hai, 28 tháng 10, 2024

Truyện ngắn của hội viên mới Mai Ngọc Tuyền

Truyện ngắn của hội viên
mới Mai Ngọc Tuyền

Nhà văn Mai Ngọc Tuyền sinh ngày 29.1.1962, quê quán Xuân Trường, Nam Định. Ông học các trường: Đại học Mỏ – Địa chất, Đại học Văn hóa (Viết văn Nguyễn Du khóa IV), Đại học Luật – Hà Nội… Từ 1993, ông làm báo và sinh sống tại Hà Nội. Hội viên Hội VHNT Hà Nam Ninh từ năm 1987, Hội Nhà văn Hà Nội từ 2021.
Tác phẩm của Mai Ngọc Tuyền đã xuất bản: Mặt thật, mặt giả (Tiểu thuyết, 1993); Ngõ nhỏ (thơ, 1994); Sương mù (tiểu thuyết 1994, tái bản 2011); Món nợ (tập truyện ngắn 2016); Gõ cửa (thơ 2020); Viễn phố (tiểu thuyết 2023).
Ông nhận được giải thưởng thơ tỉnh Hà Nam Ninh năm 1987 – 1988, Giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam 1994 (Tiểu thuyết – Giải B), Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Khuyến tỉnh Hà Nam 1991 – 1995 (Giải A).
Nhà văn Mai Ngọc Tuyền được kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023.
HOÀNG HÔN TRƯỚC BIỂN
Hoàng hôn. Những tia nắng cuối ngày nhảy nhót, đùa giỡn trên ngọn sóng. Biển lắc lư mái đầu bạc, cười khà khà, phô hàm răng trắng lóa trước những con mắt hấp háy của sao sớm. Con đê biển như con rắn đen nằm im lìm. Từ thân con rắn ấy, vài đụn khói đang hiu hắt bốc lên.
Bà già đội chiếc nón lá rách che sụp nửa khuôn mặt nhăn nheo, nhem nhuốc đang cời than. Lửa bốc lên lớp cỏ khô cháy lem lém, tỏa mùi khét lẹt. Cách chỗ bà mấy mét là hai đống cỏ cũng đang tỏa khói. Trước sự mênh mông vĩ đại của biển chiều, trên con đê vắng, trông bà già thật nhỏ nhoi, cô đơn. Nhưng bà không cảm thấy điều đó. Bà đưa cùi tay bẩn xì mũi rồi đứng lên duỗi cái lưng mỏi. Bà khẽ mỉm cười nhìn về cuối làng.
Từ phía cuối đê, một chiếc xe máy đi tới. Hai người đi xe dừng lại ở chỗ bà già một quãng và đứng ngắm biển. Không để ý đến họ, bà vớ chiếc sàng, cầm que cời đống tro tàn. Bụi than bay lên mờ mịt. Bà sung sướng nhìn những củ cỏ gấu đen nhánh như những con sâu lớn đang lộ ra…
– Kinh quá. Bẩn hết quần áo rồi. Cái bà già này…
Giật mình đột ngột, bà già hơi ngỡ ngàng, bối rối trước chiếc xe máy bóng loáng bên cạnh cậu thanh niên đang chun mũi nhổ nước bọt, phủi bụi than bám trên áo, trên tóc. Bà lắp bắp:
– Xin lỗi. Tôi không cố ý, tôi…
– Không sao đâu bà ạ. Bà đừng chấp cháu nó- Tiếng cười của ông già cùng giọng nói trầm ấm làm bà vững tâm. Bà sững người trước ánh mắt thân thiện. Ông già nhìn những của cỏ gấu đen nhánh, rồi nhìn bà:
– Bà đốt những củ này là để…
– Để bán cho những cửa hàng thuốc nam đấy ông ạ, bà già khẽ trả lời: Đây là củ cỏ, các ông lang gọi là gì tôi không rõ, nhưng thấy bảo quý lắm.
– Mỗi ngày bà kiếm được bao nhiêu. Những củ này chắc đắt lắm?
– Đâu có, ông. Cũng chỉ đủ gạo ăn qua ngày thôi. Mà những củ này tìm cũng khó lắm, bà già khẽ thở dài.
Ông già im lặng. Bắt gặp ánh mắt ái ngại của ông, bà rùng mình. Không phải bà tủi thân vì nghèo khó, cảnh bẩn thỉu, nhem nhuốc. Bà chợt nhớ đến một chuyện khác. Ánh mắt kia…Hình như…tay bà hơi run, mân mê củ cỏ đầy tro bụi. Kìa…ánh mặt trời sắp lặn rồi. Gió bắt đầu nổi to. Biển kêu ù ù…
– Về đi ông ơi. Tối rồi. Từ đây đến thị trấn còn mấy chục cây số cơ đấy – Thằng cháu ông già quay xe, ngồi lên xe máy bảo ông.
– Này bà, ông già vội vã: Bà ở vùng này có biết cô nào, à bà nào tên là Mơ. Cô Mơ con cụ gì ngày xưa cất vó ở cái góc đê kia ấy. Ngày xưa chẳng là tôi về đây tập trận. Tôi có chuyện riêng với bà ấy.
Chiếc sàng từ đôi tay khẳng khiu, đen đúa của bà già rơi xuống. Bà ngơ ngác ngước lên nhìn ông già: gương mắt phương phi, béo tốt. Bộ com-lê đen sang trọng…Bà lắp bắp, miệng méo đi:
– Tôi…là…, không…à..tôi…là bạn của bà Mơ.
Khó có thể tả hết nỗi vui mừng hiện lên trên khuôn mặt ông già. Chẳng kể bụi than, ông bước lại phía bà già, hấp tấp:
– Tôi là Hùng. Bà có nghe bà Mơ kể…Bà có biết bà Mơ giờ ra sao không?
– Cô ấy…bà già nghẹn lời một lúc mới nói khẽ: – …cũng như ông thôi…giờ đã có con cháu…giàu có lắm…
Ông già chợt thở phào:
– Ôi, may quá. Vậy mà tôi cứ lo. Tôi cứ áy náy mãi…Chà…Tôi thật là ngớ ngẩn, ông già chợt cười ha hả, bây giờ thì tôi yên tâm rồi, yên tâm rồi. Chuyến đi của tôi thật không uổng. Thật cảm ơn bà.
– Ông, ông…vậy là sao…ồ không… bà già run rẩy.
– Vâng, chuyện là thế này bà ạ. Ngày ấy đơn vị chúng tôi về đây tập bắn một tuần. Mơ ngày nào cũng mang cơm cho bố cô ấy cất vó ở góc đê kia. Bọn bạn tôi nó thách tôi yêu được cô ấy. Chuyện tưởng đùa. Ai ngờ cô ấy yêu tôi thật. Cô ấy đã cho tôi tất cả. Thế rồi tôi đi, hết đánh Pháp rồi đánh Mỹ…Mấy chục năm qua đi thật như ác mộng. Tôi có gia đình, công thành, danh toại, cháu con nên người…nhưng tôi cứ ân hận…
Ông già nói một thôi, một hồi, rồi lật đật lục trong túi du lịch lấy ra một cái gói nhỏ bọc ni-lon với một xấp tiền:
– Tôi gửi cho bà Mơ gói quà này. Xin bà nói với bà ấy cái khăn kỷ niệm tôi đánh mất rồi. Đời nhiều chuyện khó nói. Mong bà ấy vui lòng tha thứ. Tôi bận lắm…May quá…Thật cám ơn bà. Xin biếu bà ít tiền….
Ông già dúi xấp tiền vào bàn tay bồ hóng già nua đang run rẩy. Rồi cũng thật vội vã, ông nhảy lên xe. Chiếc xe tức thì rồ máy phóng đi.
– Anh Hùng.
Tiếng kêu thảng thốt tức thì bật ra từ miệng bà già rồi tan trong tiếng gió, tiếng sóng biển. Đôi tay khẳng khiu của bà già chới với theo chiếc xe ô tô đang khuất dần phía xa. Bà khuỵu xuống đống tro tàn, nơi những tờ giấy bạc vừa rơi xuống. Trời ơi, chẳng lẽ…Tình yêu, tuổi thanh xuân…chiến tranh… sự chờ đợi…sự vất vả cô đơn của cả một kiếp người…tất cả chỉ là trò đùa??? Biển vẫn réo ù ù.
Những giọt nước mắt nóng bỏng, mặn chát rơi xuống đống tro…Bà già ngẩng lên. Kìa, Mặt trời đang khuất dần, khuất dần…Chỉ còn vệt sáng như cái môi của ông Trời đang cười mỉm…
CỎ XANH
Bao giờ cũng vậy, sau hồi chuông chùa đầu tiên là bắt đầu tiếng chuông nhà thờ đổ. Và cùng trong âm thanh của hai hồi chuông đã ăn nhịp, hòa quyện là tiếng chim cu gáy cất lên. Mặt nước hồ rung rinh, vàng rực, sóng sánh lớp ráng chiều, nghiêng ngả cánh bèo với nụ hoa tim tím. Bóng lũy tre làng, bóng mái chùa, bóng tháp chuông nhà thờ sẫm dần, sẫm dần ẩn vào đáy hồ, nơi cánh cửa của bầu trời đang hé mở với đèn sao của những thiên thần hiện ra.
Đấy là những gì bà chợt nhớ lại ngày xưa. Đúng là xưa. Lâu quá rồi. Bây giờ bà đang đứng bên bờ hồ.Vẫn là cái hồ ở cuối làng. Vẫn tiếng chuông chùa, chuông nhà thờ đổ hồi mà sao bà cảm thấy thiếu vắng quá. Đúng rồi, tiếng chim cu gáy. Nó đâu rồi? Cái hồ cũng chỉ còn bằng một phần ba ngày xưa. Người ta đã san lấp nó để xây nhà. Đâu rồi cánh bèo hoa tím bồng bềnh? Ừ, hồ đã được người ta đấu thầu thả cá và chẳng còn cánh bèo trôi hoang nữa. Đâu rồi bóng lũy tre làng cao vút? Người ta đã phát tre để kéo điện về làng. Bóng mái chùa, tháp chuông nhà thờ thấp xuống bởi những ngôi nhà cao ba, bốn tầng mọc lên. Đâu đây những ánh sao như ánh lửa của những thiên thần một thời, giờ mờ nhạt bởi ánh điện từ xung quanh hồ hắt xuống. Sừng sững hắt bóng xuống hồ là tượng đài liệt sĩ của nghĩa trang liệt sĩ ở bên hồ. Tim bà nhói lên và bà ngỡ ngàng khi nhìn xuống chân, cỏ. Vẫn thảm cỏ xanh ngăn ngắt ấy. Bà ngồi thụp xuống, mắt nhòa lệ. Những lá cỏ như những lưỡi gươm chĩa ra tua tủa, lại như những bàn tay nâng đỡ dịu dàng…
Vậy là bà đã bị bệnh ung thư, căn bệnh nan y mà các thầy thuốc bảo hiện chưa có thuốc chữa. Một buổi bà bỗng thấy đau nhói ở ngực, cái đau nhói ngày một tăng. Bà lẳng lặng một mình vào bệnh viện K. Sau khi khám, chiếu chụp, anh bác sĩ còn trẻ nhìn bà với con mắt là lạ và đòi gặp con cháu bà. Bà hiểu tất cả. Không một chút sợ sệt, bà nhìn thẳng vào mắt người bác sĩ: “Được bao lâu nữa”? “Ít nhất là bốn tháng”. Anh bác sĩ run run nhìn bà. Bà khẽ gật đầu chào bác sĩ rồi lẳng lặng về nhà. Hôm sau bà thu xếp công việc, gói gém đồ đạc, gọi con trai, con dâu căn dặn: “Mẹ về quê tu sửa mồ mả ông bà và tĩnh dưỡng một thời gian, các con hãy bảo ban nhau mà làm ăn”. Con cháu ngơ ngác, nhưng họ biết tính bà và chỉ còn biết tuân theo ý bà, chuẩn bị cho bà về quê. Họ đã không để ý đến dòng lệ đang ứa ra trong khóe mắt bà, tiếng kêu trong trái tim bà: “Các con, các cháu ơi, mẹ sắp ra đi rồi. Ông ơi, tôi sắp về với ông đây…”.
Bà vẫn ngồi trên thảm cỏ. Cỏ vuốt ve làn da đã trở nên nhăn nheo. Cỏ mơn man bờ môi khô héo của bà. Bà nhắm mắt lại. Hình như bà nghe thấy tiếng chim cu gáy, tiếng đập trái tim hay tiếng chân đâu đó, mơ hồ… Và trong tiếng mõ tụng kinh đều đều, văng vẳng, ở trên cao kia, ai đó đang thầm thì cùng bà. Những hình ảnh cứ dần hiện lên, hiện lên…
Mưa, sắp mưa. Mây đen ùn ùn kéo lên che kín cả một góc trời. Mặt đất tối sầm. Gió bắt đầu thổi mạnh với làn hơi nước mát lạnh. Ánh chớp sáng lòa. Làng mạc, cánh đồng run lên như dẽ. Tiếng sấm nổ rung trời, chuyển đất. Từ phía bìa làng, một con trâu co cẳng chạy vọt về phía hồ nước. Đằng sau con trâu, cô gái trẻ quần ống thấp, ống cao hớt hơ, hớt hải đuổi theo. Ánh chớp lại lóe lên. Cô gái khựng lại rồi bất thần ngồi thụp xuống ôm đầu. Sau tiếng sấm rền, cô lại đứng giổ lên đuổi theo con trâu. Hình như cô đang khóc tức tưởi. Lộp độp, lộp độp… Những hạt mưa đầu tiên to như hạt ngô đã bắn xuống. Con trâu đã chạy cách cô gái một đoạn khá xa. Nó đã tới bờ hồ. Bỗng như trong mơ, một người con trai đã xuất hiện ngay trước con trâu. Anh quát to một tiếng lao đến. Con trâu dừng lại cũng vừa lúc chàng trai túm được sợi dây thừng. Nó nhảy xuống hồ, nhưng chiếc thừng từ đôi tay rắn chắc của chàng trai đã ghì nó lại. Cô gái cũng vừa chạy tới. Anh con trai kêu lên ngạc nhiên và mừng rỡ:
– Ơ kìa, Thảo…Thảo…
Mưa đã ào tới giữa hồ. Bờ bên kia trắng xóa, mù mịt. Người con trai vội vã buộc dây thừng vào chiếc cọc bên bờ nước rồi kéo cô gái chạy lại cái lều gần đấy. Họ vừa tới cửa lều thì mưa ập tới. Chẳng còn kịp suy nghĩ, cô gái chui vào trong lều, sau đó là anh con trai. Đó là cái lều coi đó bỏ hoang, người ta đã lấy đi cái sạp kê làm chỗ nằm ngủ. Cỏ mọc xanh um trên nền đất. Mưa đổ rào rạt trên lớp rạ lợp mái lều. Mưa hắt chéo trước cửa. Nước mưa bắn lên từ những lá cỏ sát chân mái. Tất cả hình như đang ép, đang dồn người con trai và người con gái lại với nhau. Tim cả hai đều đập thùm thụp với ánh mắt ngượng ngịu. Bỗng ánh chớp giật chói lòa và trong tiếng nổ lộng óc, cô gái giật bắn mình choàng, ôm chặt lấy chàng trai…
Bà khẽ mỉm cười, bồi hồi trước cái kỷ niệm xưa. Vâng! Chính bà là Thảo, cái cô gái ngày xưa ấy. Ừ, nếu như ngày ấy không có cơn mưa, nếu như ngày ấy bà không sợ sấm sét. Ôi, tạo hóa thật hay đùa cợt trước sự ngây thơ của con người. Bởi cái lều con con kia làm sao trốn được sấm sét? Bà đã run rẩy, bủn rủn, mê mẩn khi cái bàn tay to khỏe của người con trai vô tình ép vào bộ ngực nở căng tròn. Quỉ dữ đã mê hoặc bà. Bà đã quên đi tiếng sấm sét trên trời. Tiếng sét ái tình đã đánh gục bà. Bà không thể biết trên cao kia, không phải là dư âm của sấm mà là những tiếng cười khà khà…Bà chỉ khe khẽ kêu lên: “Giê su ma, Giê su ma lạy Chúa tôi…”.
Bắt đầu từ cơn mưa ấy, bắt đầu từ cái lều cỏ ấy, mối tình lãng mạn của bà đã nở. Sợi dây tình oan nghiệt đã quấn quít, ràng chặt số phận. Đã bao lần bà mân mê, vuốt ve, cấu xé những lá cỏ. Rồi đến lúc những lá cỏ chứng kiến lời thề nguyền:
– Chúng mình sẽ mãi mãi là của nhau. Chúng mình sẽ sống chết có nhau…
Những lá cỏ từ bao ngày bị đè nén, cấu véo, được dịp thỏa thích chọc ghẹo da thịt đôi tình nhân, nhưng rồi chúng cũng đành chịu thua. Cái làn da mềm mại, trắng ngần kia như có lửa…
Bà già khẽ thở dài. Bà lại như nghe vẳng đâu đây tiếng chim cu gáy. Không, bà không có gì ân hận. Bà đã thật sự sung sướng, hạnh phúc. Mặc dù những phút giây sung sướng hiếm hoi ấy đã phải trả giá bằng cả cuộc đời. Bây giờ bà vẫn như thấy khuôn mặt sáng ngời, hớn hở của anh hôm ấy: “Thảo ơi, anh trúng tuyển bộ đội rồi. Mấy hôm nữa là anh lên đường…”. Bà đã chết lặng người đi. Rồi những giọt nước mắt như cơn mưa rào ập tới. Cái cảm giác hụt hẫng, giận hờn, xót xa, thảng thốt đan xen mơ hồ. Và như kẻ điên khùng, bà ôm ghì lấy người yêu: “Em chỉ muốn được làm vợ anh. Em không sợ họ hàng, sợ điều tiếng. Sao anh không cưới ngay em đi”; ” Không kịp rồi Thảo ơi. Vả lại em còn chưa đủ tuổi…”.
Chao ôi. Đúng là hồi ấy bà còn quá trẻ. Dù đau khổ, buồn bã vì phải chia tay anh, nhưng bà vẫn còn là cô bé hồn nhiên, vô tư. Vô tư đến nỗi mấy tháng sau đó bà cũng chẳng để ý đến những sự khác lạ trong cơ thể. Chỉ đến một bữa cơm, mẹ bà nhìn con gái rất lâu. Mẹ kéo bà vào buồng và bắt cởi áo để bà xem. Bà đã phải thú thật với mẹ. Hai mẹ con cùng ôm nhau khóc…Đến lúc ấy bà mới thấy được sự nghiêm trọng của vấn đề…
Bà đã bỏ làng đi vào một đêm trăng. Có lẽ ngoài Chúa ở trên trời, vầng trăng cuối tháng và con chó mực không ai biết bà đã ra đi như thế nào. Tờ giấy gửi lại cho bố mẹ chỉ ghi vỏn vẹn có mấy chữ:” Bố mẹ hãy tha thứ cho con”…
Đi đâu, về đâu? Đến ngay chính bản thân bà cũng không biết nữa. Bà chỉ biết rằng mình phải ra đi, phải trốn chạy. Trốn chạy người cha nóng tính, trốn chạy họ đạo cùng cái làng Xa Vang hà khắc này. Bà còn nhớ như in hình ảnh một người con gái lỡ thì của họ bên quê mẹ lỡ có mang đã phải chịu hình phạt mà ngày ấy bà đã chứng kiến. Cái đầu cô gái bị gọt tóc trọc lốc, bị bôi vôi trắng, bị đem cột trói vào gốc cây đa, quần áo bị xé rách lõa lồ…là nỗi kinh hoàng cho bao cô gái, là những đầu đề cho những câu chuyện đàm tiếu nhục nhã. Đau đớn về thể xác còn có thể chịu được. Đau đớn về tinh thần thì có giới hạn. Người con gái nọ đã tự tử ngay sau đêm bị bêu riếu đó. Cả họ, cả làng ngơ ngác, đau xót. Cái đêm đưa tang chị, mẹ bà, bà cùng các cô gái đều khóc, đêm về không ngủ được. Không, bà cần giải thoát cho chính bản thân mình, cho đứa con, tình yêu của bà. Bà không thể là nỗi nhục của dòng họ, của cha mẹ vốn rất yêu thương con gái…
Hành trang là chiếc túi du lịch sờn rách, trong đó vỏn vẹn hai bộ quần áo cũ, một cái khăn mặt, mấy đồng bạc tích cóp từ những lần bán cua, ốc. Bà đã đứng thẫn thờ rất lâu trước cái hồ nước, bên thảm cỏ xanh đầy sương long lanh. Đúng cái chỗ này đây. Chỉ đến khi tiếng chuông nhà thờ đổ hồi, bà mới vội vàng hướng về nhà thờ, quỳ xuống cầu Chúa hãy che chở, chỉ bảo cho bà con đường sáng. Rồi bà vượt cánh đồng, hướng về trung tâm huyện lỵ, nơi có bến xe khách…
Cơn đau dội lên. Bà Thảo ôm ngực lả xuống giường. Răng cắn chặt, nước mắt ứa ra. Cứ mỗi cơn đau bà lại thầm lẩm nhẩm: “Đau, đau nữa đi, đau hơn nữa đi. Hành hạ con nữa đi. Chúa ơi”. Oái oăm và kỳ lạ thay, mỗi lần nguyện cầu như thế, và sau mỗi cơn đau, bà lại thấy thanh thản hơn. Nhưng như trời đang rong bão, cơn mưa này vừa qua, nắng vừa hửng, cơn mưa khác lại đã kéo đến, lần sau mịt mù hơn lần trước… Cái nỗi đau trong lòng, cái nỗi đau cơ thể thi nhau tăng cấp, hành hạ thân già mỗi ngày một còm cõi, suy kiệt…
– Cô Thảo. Cô làm sao thế. Trông cô lại tái nhợt đi kìa. Tôi lấy dầu cho cô xoa nhé.
Ông anh cả cuống quít định chạy đi lấy dầu xoa, nhưng bà đã xua tay: “Không sao đâu, tôi bị bệnh dạ dày, đau quen rồi”. Ông anh se sẽ ngồi xuống cạnh giường. Cái thỏa mãn về vật chất, sự hãnh tiến lồ lộ trên khuôn mặt béo tốt của một lão nông tuổi đã ngoài bảy mươi:
– Mả bố mẹ mình vậy là xây to nhất nghĩa địa đấy. Cái tiền cô kính Chúa sửa nhà thờ họ mình cũng có cô là nhất. Nhà lão Sùng có thằng con trước vượt biên đi Mỹ, mới về thăm quê kính Chúa cũng không bằng cô. Nghe đâu cái bọn ở bên nước ngoài ấy, chúng nó bủn xỉn lắm.
Tiếng nói của ông anh như cơn gió thoảng qua tai. Cơn đau đã dịu đi. Cái cảm giác rân rân lan tỏa làn da làm bà thấy dễ chịu. Bà thầm nghĩ: Chao ôi, sao bây giờ đến vùng quê người ta lúc nào cũng chỉ nghĩ đến tiền, tiền. Chả bù cho ngày xưa. Ngày xưa. Tình người sao mà đẹp thế.
– Này cô Thảo. Còn chuyện này tôi muốn nói với cô- Tiếng ông anh cả rụt rè: -Hôm nọ Đức cha có gặp tôi. Cha muốn nói chuyện với cô…Có lẽ cha muốn cô xưng tội.
“Xưng tội”- Bà Thảo giật nảy mình, ngực quặn đau. Tội ư? Xưng tội ư? Đã bao lần bà đã quì trước Chúa, trước Đức Mẹ cầu xin Người tha tội, ban phước lành. Đêm nào bà cũng cầu nguyện trước Chúa, xưng tội trước Chúa. Lẽ nào Chúa còn bắt bà phải xưng tội trước Cha? Lẽ nào bà phải kể hết nỗi đau của mình cho Cha. Cha làm sao hiểu được nỗi lòng bà. Không! Chỉ có Chúa, Chúa mới hiểu? Lẽ nào Chúa chưa tha tội cho bà?
Xưng tội? Bà đã làm gì nên tội? Từ nhỏ bà đã hết sức hiếu thuận với cha mẹ. Khi còn bé ngoài thời gian đi học bà đã hết sức giúp đỡ cha mẹ mọi việc trong nhà, rồi chăn trâu, cắt cỏ không nề hà mình là con gái. Bà ham học lắm và cũng đầy mơ ước, nhưng rồi nhà nghèo, bà xin thôi học để ở nhà đỡ đần cho mẹ, cha. Bà không hề đòi hỏi, vòi vĩnh cha mẹ điều gì. Cả tuổi thơ bà không hề biết thế nào là xà phòng thơm, nước hoa. Cơm độn ngô, độn khoai, độn sắn, bữa đói, bữa no. Từ nhỏ bà đã học thuộc các bài kinh, chăm đi lễ, nghe theo lời răn của Chúa thương yêu mọi người. Và bà chưa hề nói dối ai bao giờ.
Chỉ đến khi bà gặp anh. Trái tim bà thổn thức lửa tình yêu. Bà đã không làm chủ được bản thân mình. Lẽ nào tình yêu lại là tội lỗi? Anh là trai bên lương, bà là con gái họ đạo. Sẽ là cả một thử thách vô cùng lớn để hai người đến được với nhau. Nhưng yêu nhau, cả hai đã không nghĩ nhiều về điều đó. Nếu như không có chiến tranh. Nếu như anh không đi bộ đội. Và nếu như bà chưa có mang…Đêm ấy chia tay, anh ấy chưa hề biết gì cả, bà cũng chưa hề biết gì cả. Nắm tay người yêu, anh hồn nhiên: “Hãy đợi anh Thảo nhé.”. Bà chỉ biết cắn răng, gật đầu với hai hàng nước mắt lặng lẽ tuôn chảy…Bà đã thầm nhủ, thề rằng sẽ đợi, sẽ giữ gìn, sẽ và sẽ… Và bà đã trốn chạy tất cả, tất cả để bảo vệ cho đứa con, cho tình yêu của hai người. Rồi cả những gì đã xảy ra, có những chuyện oái oăm, thật khó nói ra…
Chuyến xe khách ngày ấy đã đưa bà Thảo đến thành phố. Theo chân một nhóm người đi xe, bà lại theo họ lên tàu hỏa. Cho đến ga cuối cùng người ta bảo đây là Thủ đô, bà phải xuống. Thật khó có thể nói hết cảm giác ngỡ ngàng của một cô gái quê chưa bao giờ bước chân ra khỏi lũy tre làng, trước những dãy nhà cao tầng, trước những hào hoa của phố phường. Nhưng rồi biết đi đâu, về đâu? Mấy ngày đêm bà lang thang trên phố. Rồi đồng tiền cuối cùng cũng cạn. Đêm ấy cái đói, cái mệt rã rời, bà nằm thiếp đi trên một bệ cửa…
Có lẽ Chúa đã sắp đặt tất cả. Chúa đã lắng nghe, đưa tay cứu vớt bà. Sáng ấy, người ấy mở cửa sớm ra tập thể dục và người ấy đã bắt gặp bà nằm mê man. Người ấy đã dìu bà vào nhà, gọi mẹ và cả hai cùng chăm sóc bà. Rồi bà đã như cô bé Lọ lem được bà tiên hóa phép. Và lần đầu tiên bà phải nói dối, rằng cha mẹ bà không còn ai, bà ra phố tìm người họ hàng xa, nhưng không tìm thấy. Không biết bà mẹ và người ấy nghĩ thế nào trước những lời nói vụng về, lắp bắp của bà ngày ấy. Người mẹ chỉ mỉm cười và bảo bà ở lại nhà chơi, sau đó hãy hay. Còn anh con trai thì hình như thật sự lúng túng trước cô gái quê xinh đẹp, có vẻ dịu hiền.
Thế rồi những gì xảy ra như nó đã xảy ra. Người ấy là bộ đội về phép. Mười ngày phép của anh chỉ còn có ba. Hai ngày sau đó anh đưa Thảo đi tìm nhà người quen. Nhưng đi đến đâu thì cô cũng chỉ tròn xoe mắt ngỡ ngàng. Mấy ngày ấy cô gái quê như cô Tấm trong nhà. Chàng trai cứ quấn quít xung quanh cô gái, chỉ cho cô cách nấu nướng kiểu phố. Bà mẹ ngoài thời gian đi công tác ngoài cơ quan về thấy hai trẻ vui vẻ thì cũng rất vui. Trước hôm trả phép, người ấy bảo: “Thảo ạ, Thảo cứ ở lại đây với mẹ tôi. Tôi đi chiến đấu, ở nhà có mình mẹ, có Thảo ở cùng tôi yên tâm lắm. Rồi mẹ tôi sẽ tìm việc làm cho Thảo”. Bà mẹ cũng bảo: “Cháu cứ ở đây với cô. Rồi cô sẽ tìm việc cho cháu. Hai cô cháu ở với nhau thì vui lắm”. Nghe nói thế, bà Thảo đã sung sướng, tưởng như  mình nằm mơ.
Rồi cái chuyện ấy đã xảy ra. Tối ấy liên hoan chia tay cho người ấy lên đường, mãi muộn cả nhà mới đi ngủ. Lần đầu tiên uống cốc bia hơi đã làm cô gái lâng lâng. Khi cô đang chuẩn bị chìm vào giấc ngủ thì thấy bóng người ấy xuất hiện ở bên giường. Người ấy thì thào, hổn hển: “Thảo, tôi yêu Thaỏ, thích Thảo. Tôi muốn Thảo làm vợ tôi. Ngày mai tôi ra chiến trường, không biết sống chết thế nào. Thảo hãy cho tôi…cho tôi…”. Người con gái chưa kịp phản ứng gì thì cái vòng tay rắn chắc của người con trai đã ôm ghì lấy…Tất cả lại cũng như trong mơ.  Sáng ấy tiễn đưa người ấy lên đường, cô Thảo đã khóc. Lúc ở nhà một mình cô càng khóc dữ hơn. Trưa ấy, bà mẹ đi làm về, thấy hai mắt cô con gái quê đỏ hoe, bà lại càng thêm cảm động.
Vậy là bà đã không giữ được lời hứa, lời thề của mình với anh. Có thể chuyện xảy ra sẽ làm cho cuộc đời bà thuận lợi hơn, nhưng càng làm cho bà đau khổ, dằn vặt hơn. Ngày ấy, sau khi người ấy lên đường, bà đã dự định kể hết, nói hết với bà mẹ người ấy về mọi chuyện của bà, bởi bà biết cái thai sẽ ngày một to ra, bà sẽ không thể không nói. Bà cũng đã nhận thấy cái ánh mắt khác lạ của mẹ người ấy khi nhìn bà. Thế rồi hôm ấy bà dự định sẽ tâm sự, sẽ nói hết với mẹ người ấy. Nhưng chiều ấy, bà mẹ người ấy đi làm về với khuôn mặt hớn hở, đưa cho bà lá thư. Lá thư của người ấy. Thư viết nhiều, trong đó người ấy nói với mẹ là đã trót yêu thương Thảo, đã nỡ cư xử không phải với Thảo, nhờ mẹ chăm sóc Thảo. Thư còn có đoạn viết riêng cho Thảo, người ấy xin lỗi vì những gì đã xảy ra và nhờ Thảo thay người ấy chăm sóc mẹ, đợi người ấy trở về.
Có lẽ phải đến hơn 30 năm bà Thảo mới trở lại làng quê. Hơn ba mươi năm, ở làng, ở quê, kể cả những người trong gia đình, không ai có thể ngờ rằng cái cô Thảo ngày xưa, bây giờ lại trở thành một vị lãnh đạo Trung ương có tên là Kim Thanh. Chỉ riêng nghe tiếng một vị lãnh đạo cỡ Trung ương về thăm cái làng quê hẻo lánh này đã là một sự kiện. Cờ dong, trống mở, khẩu hiệu, chính quyền cùng các đoàn thể, nhất là phụ nữ, các cháu học sinh đón mừng. Cả xã đã mở một cuộc hội nghị lớn. Ai ai cũng ngồi im phăng phắc nghe vị cán bộ nữ ở Trung ương về nói chuyện. Từ chuyện thời sự trong nước, quốc tế đến những chuyện làm ăn, chuyện quan hệ gia đình. Lạ lùng làm sao, vị nữ lãnh đạo này lại hiểu lòng dân, hiểu chuyện của người dân, của địa phương đến vậy. Ai ai cũng ngồi nghe như nuốt lấy từng lời.
Cho đến sau này, đến lúc về hưu, về quê nhận lại họ hàng, chính bà Thảo cũng ngạc nhiên khi mình lại có được thái độ vẻ ngoài bình tĩnh, tự tin đến vậy. Khi ấy, lúc ấy, trong lòng bà, những cảm xúc trào dâng, khó nói thành lời.
Đúng là chuyện đời bể dâu, ai có thể lường.
Ngày ấy, khi cái bụng của cô Thảo mỗi ngày một to, nỗi lo của cô Thảo mỗi ngày một tăng thì cũng là cuộc đời cô lại mỗi ngày lật nhanh sang trang mới. Bức thư của người con trai, cũng là bức thư cuối cùng của anh đã vô tình như xác nhận anh là bố của cái mầm sống trong bụng cô gái quê lưu lạc kia. Rồi cô sinh con mới được mấy tháng thì cũng là lúc bà mẹ nhận được giấy báo tử con trai. Người đến chia vui cũng là chia buồn. Người mẹ trong đớn đau tột cùng, trong bóng mây hoàng hôn, bỗng như có được chút ráng chiều. Trước ngày lễ truy điệu anh, cũng là ngày bà làm giấy tờ nhập hộ khẩu cho người con dâu, người vợ liệt sĩ, làm giấy khai sinh cho đứa cháu nối dõi. Chiến tranh, chuyện mất cha mẹ, giấy tờ, nhiều khi người ta không còn nhớ mình là ai cũng là chuyện thường. Thực tế là cô gái ấy, đứa con mới sinh ấy trong ngôi nhà ấy, bức thư của người con liệt sĩ từ tiền tuyến gửi về, như lời trăng trối. Ai có thể nhìn thấy một chút áng mây vẩn vơ trong sâu thẳm từ đáy mắt của bà mẹ liệt sĩ kia.
Thực tình ngày ấy, bà Thảo đã định nói thật, nói hết sự thật. Nhưng nhìn sự khổ đau, nhìn sự sung sướng, hân hoan của bà mẹ anh ấy, bà không nỡ. Rồi ngay cả sau này, ngay cả khi người mẹ anh ấy sắp rời bỏ cõi trần, bà cũng định nói. Nhưng cứ vài lần bà định nói, rằng, ngày xưa…thì người mẹ lại gạt phắt, rằng “ngày xưa, thật hạnh phúc cho mẹ được gặp con, con lạc vào nhà mẹ, các con có duyên với nhau…”.
Và rồi, tất cả cứ như sự sắp đặt của định mệnh. Mấy tháng nuôi con thơ, rồi vào làm công nhân nhà máy, hoạt động đoàn thể. Vừa làm, vừa học. Vợ liệt sĩ, chịu thương, chịu khó, lại xinh đẹp khiến ai ai cũng quý, cũng thương. Rồi bà được kết nạp vào Đảng. Cái lời nói dối ban đầu như hạt mầm nảy nở, được tung hứng, hỗ trợ từ chính người mẹ chồng trên danh nghĩa. Cái lý lịch trong sạch, có một nguồn gốc rõ ràng từ xa xưa, chỉ đến chiến tranh thì bị ngắt quãng, cha mẹ đều bị chết, cả nhà không còn một ai…
Sự nghiệp của bà Thảo cứ lại như diều gặp gió. Vợ liệt sĩ, con dâu gia đình cốt cán, có truyền thống cách mạng. Xinh đẹp, dịu dàng, ăn nói nhỏ nhẹ, có duyên, hát hay. Cô cán bộ đoàn cứ thế từng ngày, từng tháng được nâng cánh bay lên. Người con của bà, con liệt sĩ được học hành tử tế, rồi được sắp xếp đi học ở nước ngoài, khi về nước được sắp xếp công tác tại một Bộ lớn ở Trung ương và tương lai còn sán lạn hơn bà.
Chỉ giấu kín trong lòng bà là một nỗi u sầu, tủi hờn và còn hơn thế nữa. Cái tủi hờn, tủi nhục có lẽ chỉ có bà biết, Trời đất biết, Chúa biết.
Bà Thảo bước nhẹ chân trên cánh đồng làng. Lúa đang thì con gái xanh non mơn mởn. Hương lúa, hương cỏ mật thơm nồng. Tiếng gió, tiếng chim, tiếng côn trùng rỉ rả ngọt ngào. Đâu rồi cái nơi ngày xưa ấy. Sau một thời làm ăn tập thể, ruộng đất đã chia khoán cho từng hộ. Cái gò đất xưa đã bị đào lấp, san gạt thành con đường lớn để cho xe cải tiến, công nông ra đồng chở lúa. Không còn nhận ra cái nơi ngày xưa bà cùng anh ngồi tâm sự. Chiếu theo tháp chuông nhà thờ thì đúng là nơi này, chỗ này. Dù con đường đã được trải sỏi, xi măng nhưng còn đó là cỏ bên đường. Những đám cỏ ngày nào hình như vẫn xanh, xanh lạ lùng. Chen trong đám cỏ xanh là những bông cúc dại vàng óng. Gió đâu đây bỗng thoảng đến mùi hương. Những bông cúc như vẫy tay chào đón người bạn cũ năm xưa. Bà Thảo bỗng giật mình, gai người. Hình như hồn anh đang lảng vảng đâu đây? Bà choáng váng lặng ngồi xuống bờ cỏ, lại nghe nhói đau trong lòng. Cùng với cảm xúc dào dạt xưa trỗi dậy là những tủi hờn. Bà bỗng bật khóc như mưa.
Đêm ấy, lần đầu tiên sau nhiều tuần, bà Thảo không thấy đau đớn. Tuy nhiên giấc ngủ đến với bà thật chập chờn. Lại chìm trong mộng mị là khuôn mặt gian xảo của ông giám đốc nhà máy, lại ông cán bộ thành phố, rồi lại lạc vào cái căn phòng ấy, con người ấy, vị cán bộ cấp cao. Bà chợt thấy mình không còn mảnh vải trên người, bà vùng bỏ chạy, lại ra cánh đồng xưa. Hình như bà nhìn thấy anh từ xa. Vẫn khuôn mặt ấy, nụ cười ấy, quần áo bộ đội còn mới tinh.
Thì ra những nỗi đau, tủi hổ, dù có giấu kín, bọc kín đến đâu rồi cũng có ngày, có lúc nó vỡ ra, bung ra, tự ngay trong tâm hồn. Công danh, sự nghiệp, tiếng tăm có được tất cả đều nằm trong cái vỏ bọc giả tạo mà bà không hề muốn. Một sự đánh đổi trong ô nhục. Tất cả cứ như sự sắp đặt, trêu ngươi của số phận, sự dẫn dắt của quỷ dữ.
Từ nhà thờ bước ra sân, bà Thảo thấy người như chung chiêng. Vậy là bà đã xưng tội, đã kể hết, nói hết. Một tiếng, hai tiếng, ba tiếng đồng hồ. Thỉnh thoảng chen trong những tiếng kể thì thầm, tiếng khóc nghẹn của bà chỉ là những tiếng thở dài của vị cha xứ. Vị Cha cũng đã có tuổi, mái tóc, chòm râu bạc trắng. Trong căn phòng xưng tội, bà như đang bồng bềnh trên mây. Cơn đau bỗng chốc biến hẳn. Hình như Chúa nhân từ trên cao đang cúi xuống. và rồi bà có thêm niềm tin, để vượt qua chính mình, thật với lòng mình, với Chúa. Những câu “Chúa tha tội cho con” văng vẳng như của Chúa trên cao kia.
Bà Thảo ngước nhìn lên bầu trời xanh, và bỗng cảm thấy người như nhẹ bỗng đi. Bà chợt quên đi cảm giác tự ti, hoài nghi, băn khoăn trước khi bước vào nhà thờ. Bà đã từng tưởng tượng đôi mắt vị Cha xứ khi nghe bà xưng tội. Rồi đây Cha sẽ nhìn bà như thế nào. Khinh thường hay thương hại? Liệu những lời xưng tội của bà có bị lợi dụng? Liệu bà có thể bị biến một trò đùa, một âm mưu? Lòng người thật khó lường. Cuộc thế cũng thật khó lường. Đến như cuộc đời bà là thế còn như một vở kịch, những chiếc áo khoác giả, bị lợi dụng, bị chà đạp…Những ý nghĩ của nhiều năm trước trỗi dậy làm bức tường ngăn trước bà. Nhưng giờ thì còn gì đâu để mà giữ, mà lo lắng. Vậy nhưng…
Và rồi bây giờ thì bà tin, tin rằng đâu đây vẫn còn những mảnh trời thật xanh, những hương cỏ mật như những tấm lòng. Bà tin vị Cha xứ, tin có Chúa, có các Đức Phật. Và trước khi chia tay, vị Cha hay lời Chúa chỉ dẫn, mách bảo:
– Con hãy đến Chùa làng, gặp vị sư trụ trì nói về căn bệnh của mình. Biết đâu…
Lời của vị Cha xứ khiến bà thêm ngỡ ngàng.
– Mẹ, mẹ ngồi đây ạ. Con cứ đi tìm mẹ mãi.
– Tiếng người con trai khiến bà già bừng tỉnh. Bà giật mình: “Kìa con, con ra đây không có bảo vệ, nhỡ ra”. Nhưng người con đã ôm lấy bà: “Không mẹ, bảo vệ là mẹ, là cha, là quê hương mình đây rồi”. Anh con trai thì thầm:
– Vậy là đã hơn chục năm từ ngày ấy mẹ nhỉ?
– Đúng rồi. Ôi vậy là mẹ đã sống thêm được hơn chục năm- Bà già giật mình. Ôi cái tiếng nói, tiếng nói của đứa con trai hơn năm mươi tuổi rồi mà sao giống y như tiếng của anh ngày xưa. Bây giờ anh đang ở đâu? Hơn chục năm bà đã lặn lội khắp các chiến trường phía Nam, sang cả nước bạn để tìm kiếm mộ anh. Mọi thông tin, mọi liên hệ có thể bà đều đã làm. Thậm chí bà đã gặp cả các nhà ngoại cảm để mong được gặp anh. Ai cũng ngạc nhiên khi bà quá nhiệt tình đối với một liệt sĩ mà bà nói rằng một người bạn ở quê. Nhất là với con cháu, rất băn khoăn khi sức bà yếu, lại cứ nay đây, mai đó.
Chuyện rằng, lần ấy bà được Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người bố trí cho một nhà ngoại cảm giúp bà. Rồi không chỉ một lần, hai lần, ba lần, anh đã đến, nhưng anh chỉ cười. Rồi lần cuối cùng anh cười bảo:
– Thảo ơi, Anh về với cỏ rồi, đừng tìm anh nữa nhé.
Sau lần ấy, dù cho các nhà ngoại cảm đã rất cố gắng, nhưng anh vẫn không về nữa.
Vậy mà tuần trước, hơn hai lần bà đã mơ thấy anh, mơ thấy mình đang chạy trên cánh đồng, như những ngày xưa chăn trâu, cắt cỏ. Cùng với cảm nhận về sức khỏe của mình, bà linh cảm hình như bây giờ, đã đến lúc bà sắp được về với anh. Cuộc đời thật là kỳ diệu. Kỳ diệu thay khi bà đã vượt qua căn bệnh ung thư từ mấy thang thuốc của vị sư già. Kỳ diệu thay khi ở tuổi già, nhưng tâm hồn người ta vẫn như xưa. Tình yêu, sự chung thủy đã cảm đất trời, cảm các Đức Phật, Đức Chúa. Vị Cha cũng đã về cùng Chúa, vị sư già cũng đã về với Đức Phật. Còn bà, lần này bà sẽ về với anh, với cỏ. Bà gọi con trai, và lần đầu tiên trong đời, với đứa con duy nhất, bà kể chuyện mình, như những lời trăng trối.
Mấy năm sau nữa.
Chuyện thật lạ lùng, hãnh diện đối với làng Xa Vang. Làng xã tổ chức Lễ vinh danh xã Anh hùng và đón vị lãnh đạo cao cấp về thăm quê. Lại ngay sau đó, là lễ rước hài cốt của nguyên một nữ cán bộ cấp cao, mẹ của vị cán bộ nọ về an táng ở quê. Người ta đồn, lẽ ra theo tiêu chuẩn, bà được đưa vào khu lăng mộ của các vị lãnh đạo cao cấp, nhưng người con trai lại theo di nguyện, đưa tro cốt mẹ về quê. Và rồi, người ta kể rằng, mộ của bà, không xây dựng to lớn, ốp đá hoa cương như điều kiện gia đình có thể, mà chỉ để bình thường, dân dã. Điều đặc biệt, cũng theo di nguyện, trên mộ bà để cho cỏ tha hồ mọc.
31/1/2024
Mai Ngọc Tuyền
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Truyện của hội viên mới Chu Quang Mạnh Thắng

Truyện của hội viên mới Chu Quang Mạnh Thắng Chu Quang Mạnh Thắng sinh năm 1973, quê quán Bắc Giang, hiện sống tại TPHCM. Anh tốt nghiệp Đ...