Thứ Hai, 28 tháng 10, 2024

Hăm lăm giờ một ngày

Hăm lăm giờ một ngày

1. Căn phòng nồng mùi đất sét ngâm, khét mùi dầu pha sơn và hăng hăng của đủ loại màu vẽ hỗn tạp. Lão đã sống chìm trong đó rất lâu rồi, kể từ khi mắt chưa hỏng hẳn. Có lẽ, lâu đủ để biến thứ mùi đó thành mùi hơi thở của lão. Mà không, hơi thở lão còn có thêm thứ mùi khó ngửi nữa là mùi loại thuốc lá Bastos xanh quyện với mùi cặn trà không tiêu hoá hết trong dạ dày. Lão còn hai viên kẹo ngậm khử mùi nới túi ngực, để dành lát ăn xog mới dùng.
Tiếng kim đồng hồ đánh cái cạch rồi hồi chuông dài nhất trong ngày bắt đầu thả binh boong đều đều. Lão đưa tay lần trên mặt bàn cạnh ghế ngồi túm bao thuốc và chiếc quẹt ga. Góc trái bàn sẽ là cái gạt tàn và góc phải là ấm trà nằm gần cái bình thuỷ điện thi thoảng lại reo tiếng nước được hâm sôi lại. Điếu này là điếu thứ năm trong ngày. Và những hơi cuối cùng của điếu này, tiếng chân nàng sẽ dội trên hành lang gỗ cũ kĩ hướng vào phòng lão.
Nàng từng hỏi lão, sao bao năm rồi lão cứ hút mãi thứ thuốc lá khét như rác vườn đốt vào chiều mưa vậy. Lão thích nghe giọng nàng cằn nhằn về lá phổi, về da dẻ và hơi mồm miệng nếu cứ hút cái loại thuốc lá không đầu lọc rẻ như giấy cuộn ấy. Thực ra lão thèm nghe giọng nàng, mùi hơi thở của nàng phả vào lão khi nói. Lúc ấy, lão như nhìn rõ gò má nàng hồng, cọng gân xanh mờ ở cổ và đôi môi mềm có hình bán nguyệt đều đặn mấp máy. Trời già cướp đi của lão đôi mắt. Nhưng hình như đến cái khoảnh đời sắp kiệt như nến khúc cuối này, lão lại có mắt ở khắp châu thân. Lão nhìn mọi thứ qua tiếng động và mùi hương. Cả bằng tay nữa. Và với nàng, có lẽ lão nhìn thấu từ trong ra ngoài bằng cả thứ dục tình diệu kì nàng ban cho lão.
Không biết hôm nay vết thương trên ngực nàng đã bớt đau chưa. Cả khoảng lưng và hông chi chít những cú đấm của thằng chồng vũ phu có còn sưng đỏ không nữa. Nàng không thể biết lão mù nhưng có thể thấy được cả màu sắc lẫn độ nặng của những vết thương do bị đấm đá ấy. Khoảng ngực bên trái, ngay trên núm vú chắc chắn có màu tím loang rộng và chỉ có thể là bị thụi túi bụi liên tục. Khi tay lão chạm lên đó, nàng trân cứng lại, nín thở, cố để lão không nhận ra nàng đau đớn thế nào. Tiếng trái tim nàng đập nhanh và không đều, gần như hoảng loạn cho tới khi môi và lưỡi lão lướt trên đầu vú nàng nó mới chịu chậm lại. Thằng khốn nạn, nó nhè những chỗ nhạy nhất trên người nàng để đánh. Kín đáo, không ai nhận thấy nhưng nàng sẽ đau đớn nhức nhối nhất. Với vết thương như thế, trái tim nàng lúc đó hẳn có thể ngừng đập. Nước mắt lão chảy trên vú nàng, lão vội liếm đi trước khi nàng nhận thấy. Môi và lưỡi lão xoa dịu sự đau đớn ấy bằng cách lôi những khoái cảm đàn bà trỗi dậy. Lão chú tâm làm điều ấy kiên nhẫn và tỉ mẩn. Chờ đợi tiếng rên rỉ nàng bật ra với cơ thể duỗi dài dưới cơ thể lão rồi mới lần tìm những vết thương khác của nàng để xoa dịu. Má lão áp vào khoảng da thịt đàn bà sưng nóng từng vùng, hai mắt lão chảy nước và đôi môi lão khum tròn, thở ra thứ hơi nóng phả lên mong xoa dịu những vùng da đó. Nàng không thể nhận ra là lão nhìn được mọi thứ trên cơ thể nàng. Hãy cứ để niềm kiêu hãnh cuối cùng ấy của nàng được ve vuốt. Dù đôi lúc, trái tim lão đau đớn như chính nó bị bàn tay thằng khốn kia đấm. Dù đôi lúc, lão cố kìm những tiếng chửi thề sắp buột ra. Những tiếng chửi ấy có nghĩa gì khi lão chẳng thể bảo vệ nàng…
– Anh à, phỏng tay mất!
Tiếng nàng hốt hoảng. Ngón tay lão nóng rãy. Lão xoè hai ngón tay cho mẩu thuốc rơi xuống đất, đạp đế giày dụi đi. Tất cả những động tác đó chuẩn xác như khi lão còn nguyên đôi mắt vậy. Vậy là hôm nay nàng đi giày thể thao đế cao su, chắc là đôi Nike lão tặng nàng từ lần sinh nhật trước. Vậy là hôm nay nàng phải lo thêm bữa trưa cho thằng cu con tự kỷ hoặc lão bố chồng tai biến dở chứng hay hoạnh hoẹ. Đôi giày ấy nàng rất quý, chỉ khi nào quá gấp gáp nàng mới đi để di chuyển cho nhanh. Lão xiết tay nàng khi nàng quỳ ôm lấy tay lão kiểm tra vết phỏng
– Em nghỉ mệt chút đi. Hôm nay thằng bé lại không chịu về trường hay người kia đòi em kho thịt nữa?
– Ôi sao anh biết hay vậy? Ông ta đòi canh chua và thịt thủ kho nhiều tiêu xanh..
– Còn thằng bé?
– Nó về trường từ hôm qua. Lần này thằng bé ổn hơn anh à. Cảm ơn anh đã gửi con em cho bác sĩ bạn anh. Đúng là bạn anh rất giỏi, thằng bé giờ tiến bộ lắm.
– Đôi bàn tay nàng nắm lấy hai tay lão. Mùi nước mắm kho thứ thịt ướp tỏi phi át đi hương nước hoa ngòn ngọt của thứ quả mọng nào đó. Lòng lão gợn sự ghen tị. Lão từng muốn những bữa cơm hai món như thế với nàng, muốn nhiều lắm. Nhưng khoảng thời gian nàng có thể dành cho lão quá ít. Lão đã tự dằn vặt mình sao có thể tham lam cướp đi những phút giây nàng ngả lưng nghỉ trưa ít ỏi để thay vào đó là chạy vội dọc con hẻm ngắn thông với bến xe buýt. Chặng xe ấy, nàng phải tính toán chặt khít những bước chân cuống quýt để không lỡ chuyến. Chậm chuyến, trễ thêm mươi phút có thể là cớ để những vết thương trên người nàng dày thêm..
– Anh muốn ăn gì để em làm?
– Anh chuẩn bị cơm bò Nhật sẵn trong bếp đấy. Em hâm ba phút bằng vi ba thôi.
– Anh gọi rồi ư?
– Ừ, anh nấu bằng điện thoại mà!
Nàng cười. Tiếng cười như va đập giữa gỗ và thủy tinh. Lão mê mệt tiếng cười này cũng ngang với thanh âm dịu dàng, đầy đam mê khi nàng gọi tên lão trên giường. Năm mươi lăm phút kể từ khi nàng bước vào là giữa lão với nàng phải hoàn tất mọi việc. Bắt đầu từ bữa trưa ngồi ăn chung sát bên nhau trên chiếc sô pha kê tại góc phòng vẽ và kết thúc bằng tiếng nước xối trong phòng tắm khi nàng chuẩn bị mặc quần áo ra về. Lão đã từng mắc sai lầm khi buột miệng nói thèm một bữa cơm đủ món bình dân như một gia đình để rồi nàng lui cui làm chiều lão. Cái giá phải trả là trận đòn làm nàng không thể xỏ chân vào quần jeans suốt nửa tháng. Bữa ấy dù hai người chỉ ăn chung thôi cũng làm nàng về muộn. Gã bố chồng cằn nhằn việc nàng chậm cho uống sữa giờ ăn dặm và thằng chồng ngứa tai đã dùng chính cây gậy lão bố vẫn chống đi ra đường hóng gió mà quất sưng hai bên đùi nàng… Từ ấy, lão luôn căng tai đợi tiếng cạch của chiếc cổ con gà sắt thò ra khỏi cửa sổ mở giữa bụng cái đồng hồ gỗ trên tường là xốc nàng dậy, mặc áo cho nàng…
Mùi cơm bò với thứ sốt teryaki ngòn ngọt hoà dịu đi mùi nước mắm kho nấu ám trên người nàng. Lão đốt thêm điếu thuốc, bỏ lại nửa phần cơm, chờ nàng kết thúc bữa trưa với chén trà đặc. Chỉ mười hai bước chân là lão sẽ ngả lưng trên tấm nệm thơm mùi trầm xông phòng. Và đôi tay lão sẽ được lướt trên da thịt nàng, dừng lại vài giây trên những vùng nóng hơn nơi khác. Đôi cánh tay nổi vồng cơ bắp của lão sẽ nâng niu cơ thể ấm mềm đầy khao khát ấy trên ngực, trên bụng mình mà chạm đến từng đỉnh lồi hay hõm đầy mạch đập. Và cảm giác khi hoà mình vào nàng sẽ giống với thứ khao khát hối hả thể hiện sự thăng hoa khi nắm bắt được cách tạo ra cái thần của tác phẩm. Trong nàng, có cả vùng tối lẫn thứ ánh sáng ma mị làm nên bức tranh nhập thần. Và có cả những khối nặng trĩu đau đớn lẫn những nét cong mảnh dẻ để chỉ chạm đúng là vút lên, ngân nga thứ cảm xúc thoát thai ra đường nét điêu khắc. Nàng, không phải chỉ là người tình khiến lão thấy mình được sống. Nàng còn là hiện thân của những gì lão muốn tạo ra. Có lẽ, khi hòa vào nàng, khiến nàng run rẩy với khoái cảm yêu đương, lão đã từng chút tạo nên chính tác phẩm giá trị nhất của cuộc đời mình.
2. Người thợ làm đất thuê cho xưởng họa đang ngủ trưa dưới mái hiên. Bóng mát từ cây tường vi phủ lên bộ đồ bảo hộ và khung cảnh xung quanh khiến khoảnh sân như bức tranh lao động đầy màu sắc của thế kỉ 18. Tán tường vi trĩu bông, rủ từng chùm rung rinh nhẹ trong nắng trưa khiến tuổi thơ êm đềm như hiện ra trước mắt cô. Ngày ấy, cha thường đứng bên ngoài hàng rào ngắm mẹ con cô dọn cơm chiều bên hàng hiên này. Mẹ yêu hoa tường vi và hoa hồng nên cha đã trồng hai loại hoa ấy quanh nhà. Những cây hồng cổ luôn sai hoa và chuyển mùi thơm nồng vào những ngày giáp đông. Hoa hồng đẹp là thế, ý nghĩa và hương thơm đặc biệt là thế nhưng mẹ lại đặt tên cô theo loài Tường Vy rực lên mà mau tàn. Ngày bé, cô từng thấy mẹ bần thần bên gốc tường vi nhặt những đài hoa mới rụng rồi ngắm chúng rơi từ lòng tay xuôi về khoảng đất ôm quanh gốc. Rồi bà ngước đôi mắt ươn ướt và tối sẫm về khoảng ban công thấp thoáng bóng lưng người hoạ sĩ đang cắm cúi trước khuôn toan trắng. Mắt mẹ không nhìn tới được chiếc sô pha bọc len trắng muốt, có một người đàn bà rất đẹp đang nửa nằm nửa ngồi với đôi mắt cũng mơ màng và xa vắng nhìn vào khuôn mặt người chồng trẻ đang vẽ mình…
Lớn hơn chút nữa, khi cha nằm dán lưng trên giường bệnh viện, phần tầng trên ngôi biệt thự cho thuê chính thức được bán cho gia đình người hoạ sĩ. Số tiền rất lớn lúc ấy giúp đưa được cha về nhà và sống thêm vài năm trên xe lăn. Căn biệt thự được sửa lại, với lối đi riêng cho tầng trên bên hông ngõ nhưng khoảng sân thì dùng chung để giữ nguyên vẹn hàng hồng cổ và dãy tường vi tán ngọn. Mẹ thường thở dài, ít khi bước ra sân, bỏ mặc đám hoa cỏ cho cô chăm sóc. Cha thường nhìn mẹ bằng đôi mắt bàng bạc rồi quay sang kiếm khuôn mặt cô để nhoẻn cười. Cha bảo, mẹ buồn vì bệnh tình của cha nhiều lắm nên cô phải quan tâm mẹ nhiều hơn. Khi nào chủ nhà phía trên cho phép thì hãy đưa mẹ lên ban công trên ấy dể ngắm khuôn viên vườn. Hoa hồng hay tường vy đều phải ngắm theo chiều nắng mới thấy hết vẻ đẹp…Ngày ấy cô không hiểu hết lời cha. Chỉ biết gật và ôm lấy ông bởi linh tính những lời ông nói ra giống như lời dặn dò nhiều ẩn ý.
Cha chết trong một tối đầu đông lạnh lẽo, hương hồng cổ thơm nồng không gian. Mẹ lúc đó bận đi giao những đôi găng len đan gia công cho một cửa hàng quần áo ấm. Có lẽ lúc ấy cô đang trong lớp học thêm chuẩn bị cho kì tốt nghiệp cấp ba. Cha chết trong bồn tắm, khuôn mặt nhẵn nhụi thanh thản, quần áo tề chỉnh. Chỉ duy nhất một vết thương trầy trụa trên bàn tay trái. Vết thương ấy khớp với sự cố gắng tột bậc của một người liệt nửa người tự đưa thân thể mình từ chiếc xe lăn vào bồn tắm đầy nước lạnh.
Tối ấy, mẹ ngồi bệt dưới nền nhà tắm, tay vịn lên chiếc xe lăn đổ nghiêng bất động. Ánh mắt mẹ nhìn xác cha cả đời Tường Vy không quên được. Ánh mắt vừa đau đớn vừa nhẹ nhõm giống khi mẹ đan xong mớ hàng len gia công. Trong đầu cô lúc ấy dấy lên sự oán trách với mẹ. Thụ hưởng tình yêu, sự chiều chuộng nâng niu, thấu hiểu của cha nhiều như thế nhưng thứ đớn đau vì mất mát của mẹ cũng nửa vời. Cha mất, khoảng cách giữa hai mẹ con cô xa hơn.
Cha mất chưa đầy năm, mẹ rao bán căn biệt thự. Chẳng ai chịu mua nửa dưới căn nhà và ban thờ người chủ còn hương khói. Công việc đan len lại chuyển sang cho cô làm còn mẹ bận rộn với những cuộc gặp bí mật. Rồi sau giỗ cha lần đầu, mẹ lặng lẽ trốn đi nước ngoài.
Sao người ta có thể bỏ lại đứa con duy nhất trên đời mà đi nhỉ? Ngày đó, trong đầu Tường Vy luôn ong ong câu hỏi đó. Hình như những người đàn bà như mẹ và vợ ông hoạ sĩ trên lầu đều giống nhau. Họ đều rất đẹp nhưng sau vẻ đẹp đó, sự bất mãn cứ lồ lộ ra trong mắt. Đôi mắt vợ người họa sĩ dài và sậm ngằn ngặt như chiếc lá tườngvi cánh mỏng chiều đầu đông. Mắt mẹ lại bàng bạc như màu lá hồng nhung phủ phấn trắng sớm chớm hè.. Dường như, người đàn ông bên họ không thể lấp đầy thứ trái tim họ khao khát..
Căn biệt thự khi hai người đàn bà biến mất trở nên tĩnh lặng kì lạ. Tường Vi ru rú trong nhà cặm cụi đan khăn mùa đông và may găng mùa hè, nửa chờ đợi mẹ quay về sau những lần ra đi bất thành nửa lại không muốn mẹ quay về nữa. Mẹ bảo, mẹ không có số xuất ngoại. Kể cả vượt biên lén lút hay cậy cục làm hôn thê thì rồi cũng chẳng thoát khỏi cái góc nhà tẻ ngắt cha và tình yêu của ông ấy đã nhốt mẹ vào. Mẹ ao ước giá những người ruột thịt đã bỏ rơi mẹ đang định cư đâu đó bỗng chốc quay về đón mẹ sang đoàn tụ. Mẹ bất mãn và ghen tị so sánh nhan sắc mình với người đàn bà trên gác, dẫu có người chồng giỏi giang đẹp đẽ thế vẫn dứt áo ra đi hưởng tự do một cách dễ dàng..
Mãi sau này, cô mới biết để nuôi mộng đi đến sống tại phương trời Tây nào đó, mẹ đã vay nợ khắp nơi, kể cả bạn của cha. Những món nợ khổng lồ đối với một người đàn bà không nghề nghiệp. Mẹ muốn ra đi và sống giống vợ ông hoạ sĩ trên lầu. Nơi ấy, có mùa thu đầy lá phong vàng đỏ, có những đỉnh núi trắng tuyết và những người đàn ông cao to thanh lịch. Nơi ấy, với mẹ là thơ là nhạc, là những tiếng cười và vòng ôm dặt dìu trong ánh sáng của sàn khiêu vũ. Những bức ảnh trên giấy dày có viền răng cưa, chụp những người phụ nữ tóc uốn lọn xoăn ôm ngang lưng người đàn ông đứng bên và hôn nhau say đắm mẹ lôi ra ngắm hàng đêm. Đó là những người bạn ngày xưa của mẹ. Họ từng chấp nhận có thể chết trên những chiếc thuyền cá cũ kĩ nhỏ bé, chấp nhận có thể bị cướp biển tấn công, cưỡng hiếp hoặc giết chết, hoặc có thể gặp bão gió mà chết. Họ cũng lay lắt trong những trại tập trung tị nạn như tù nhân để rồi bằng cách nào đó, kể cả lấy đại một người đàn ông xa lạ có thể đem lại cơ hội mang họ tới nơi họ muốn. Niềm khao khát cuộc sống đó cứ bừng lên trong mắt mẹ khi ngắm mấy bức ảnh. Rồi thì mẹ lại thì thụt vay mượn và đâm đầu vào mớ giấy tờ kẻ nào đó hứa lo cách cho mẹ ra đi…
Dễ gì! Có lần Tường Vy giật mình nhận ra bản thân mình hả dạ khi mẹ bị lừa tiền đến lần thứ ba. Ngày đó, ở tuổi mẹ chỉ có thể đi bằng đường hôn thê. Lão Việt kiều già khằn, mặt nhăn như quả táo héo, khệnh khạng chê bôi cái thành phố chính quê hương lão bằng những ngôn từ kẻ cả, trịch thượng nhất được mẹ niềm nở cung phụng. Tường Vy đôi lần bắt gặp ánh mắt đục lờ của lão nhìn mình phía trên cái miệng đang trễ ra, thiếu điều nhễu cả nước miếng đang đầy ọng. Cô ghê tởm lão ấy, ghê tởm cả ỏn thót cưng nựng của mẹ cho lão và cầu cho mẹ sớm được như nguyện để cô được một mình trong thế giới của những cuốn sách và sự yên tĩnh… Và mẹ lại thất bại khi lão già vớ được một mối hôn thê khác, trẻ hơn mẹ chen ngang. Mẹ trở nên lầm lì và cáu bẳn. Có lần, Tường Vy ngỡ ngàng nghe mẹ chửi thề rồi nguyền rủa cho đôi mắt tay hoạ sĩ trên lầu mù hẳn. Mẹ bảo, đáng đời loại nghệ sĩ nửa mùa, nghèo rớt mà đèo bòng vợ đẹp để đến nỗi nó mang con bỏ đi chỉ biết ngồi đó mà khóc đến mù. Vy biết, đó là do nhiều lần mẹ lên yêu cầu người hoạ sĩ cùng bán nhà nhưng đều bị từ chối.
Làm sao mẹ hiểu được. Mẹ muốn bán nhà để ra đi còn ông ấy muốn giữ nguyên để chờ sự quay về…
Chiều đầu đông năm cuối đại học, mẹ kêu cô về ngay khi gia đình chồng đến dạm ngõ. Bác Lễ, người bạn thường chỉ xuất hiện trong các bữa tiệc có các nhân vật đáng nể tới dự khi cha còn sống đang ngồi cứng ngắc trên sa lông. Cạnh bác là đứa con trai duy nhất với cái lưng dài, gù cong vừa rung chân vừa ngoáy lỗ tai bằng móng ngón tay út. Tường Vy vô cảm khi nghe hai người lớn nói về khoản nợ mẹ không thể trả cho bác Lễ, về mối nhân duyên cấn trừ nợ của cô với gã trai lơ đễnh kia. Nhớ nhất là cái búng tay của anh ta làm văng mẩu dáy tai ra cạnh chiếc bàn trà trải ren trắng khi bác Lễ đều đều:
– Cũng may cho chị là thằng Hải nó ưng mắt con Vy. Giờ chị có rao bán căn nhà này cũng khó có ai mua nếu tầng trên họ không cùng bán. Mà bán rồi thì chị với con bé sẽ ở đâu? Cứ cho là số tiền bán nhà đủ trả số vàng chị nợ tôi đi thì rồi hai mẹ con chị làm gì để sống nếu không còn nơi ở? Thôi thì vì tình nghĩa với anh nhà, tôi đón con Vy về làm dâu với điều kiện căn nhà chị đừng rao bán nữa mà sang tên cho con bé. Con bé về bên tôi làm dâu, tôi cho nó quản lý cửa hàng thì hai mẹ con chị cùng ổn. Như vậy tôi cũng không nợ ân tình với bạn…
Phần cuối cuộc thoả thuận, Vy không phải nghe họ bàn bạc cụ thể nữa. Khi ấy, Hải đứng lên ngoắc Vy ra sân. Không biết do tủi thân, do muốn thoát khỏi mẹ hay lần đầu tiên có người con trai lau nước mắt cho mà Vy gật đầu chịu về làm dâu nhà Hải khá nhẹ nhàng. Nửa năm sau khi tốt nghiệp, đứa con gái đầu ra đời coi như đóng đinh số phận Vy vào nhà bác Lễ. Tấm bằng đại học văn hoá ngành thư viện Tường Vy ép plastic cài phía sau gương trang điểm trong phòng ngủ giờ toàn mùi sữa và áo quần trẻ con. Tấm bằng được bọc bằng tờ giấy mượn nợ có điểm chỉ và cam kết của mẹ về số vàng lớn đã vay của bác Lễ.
Giờ mẹ nằm một chỗ. Hậu quả tai nạn khi mẹ đi hầu đồng cùng cả nhóm đàn ông đàn bà thường say khướt sau những giá đồng tiền tỉ. Tay chân mẹ không cử động được nhưng miệng vẫn nói về sự ân hận đã lấy cha thay vì vượt biên, về căn cô vía cậu áp lên đời mẹ. Vy vẫn thi thoảng bật khóc khi nghe những lời ấy. Cô khóc vì thấy xót thương cho cha. Mẹ chưa từng quan tâm đến cảm xúc, ước muốn của cô cũng không sao nhưng sự hằn học với tình yêu, bảo bọc của cha cho mẹ khiến cô đau đớn. Đôi lúc, nhớ bàn tay xa lạ của Hải từng chùi nước mắt cho mình chiều hôm ấy, cô lặng lẽ cười chua chát. Bàn tay ấy giờ thường nắm chặt lại để trên đùi khi anh ta ngồi cúi đầu nghe bố sỉ nhục vì thất bại, vì nghiện ngập. Và bàn tay ấy cuộn chặt thành nắm đấm vung lên khắp người Vy như để giãy thoát ra khỏi những lời nhục nhã bố anh ta ném vào. Có lẽ cuộc đời anh ta cũng chẳng khá khẩm hơn cô bao nhiêu. Có lẽ cường độ những cú đấm đá lúc mạnh lúc nhẹ ấy cũng chỉ như cách anh ta nói cho cô biết và bắt cô chịu đựng cùng sự thống khổ với bản thân anh ta mà thôi. Khi cắn chặt răng trong cơn đau đớn, cô thấy thương hại anh ta và cảm thấy mình phần nào có lỗi. Bởi nếu anh ta không đồng ý cưới cô, hẳn bác Lễ thế nào cũng tìm cho anh ta một đám khác, chắc chắn môn đăng hộ đối hơn dù cho Hải đã nghiện ma túy. Và như thế gia đình họ sẽ không phải đón một đứa cháu đích tôn tự kỷ, hoặc la hét đập đầu vào tường hoặc chỉ yên lặng ngô nghê trong thế giới riêng của nó.. Suy cho cùng, như cách nói của bác Lễ thì cuộc hôn nhân này nhà bác đã lỗ rất nhiều. Lỗ toàn tập.
3. Hai bước nữa thôi là đặt được chân lên cửa xe buýt. Tiếng người phụ xe quát đanh đanh hòa với tiếng phanh, tiếng xì xì cánh cửa đang mở. Một tay tóm chắc chiếc hộp mang cơm cho mẹ, một tay túm lấy tay nắm đu người lên chiếc xe vẫn đang di chuyển, Tường Vy thầm biết ơn đôi giày người tình tặng. Ông ấy tinh tế và chính xác trong từng suy nghĩ, đoán biết mọi chuyện. Bên ông ấy, Tường Vy có cảm giác an toàn và được che chở y như cạnh cha ngày trước. Mà không, cảm giác đó từ những ngày đầu khi trốn ánh mắt lão Việt Kiều mẹ mang về nhà. Giây phút lần đầu lang thang trên hành lang tầng trên ngắm những bức vẽ người đàn bà cổ cao với đôi mắt dài thăm thẳm, giọng nói trầm ấm phát ra từ chiếc sô pha nơi góc tối khi đó không hề làm cô sợ hãi mà lại như an ủi, sẻ chia. Lúc đó, ông ấy không hề hỏi gì, chỉ bảo cô nếu muốn cứ lên trên tầng làm mọi điều cô thích. Kể cả vẽ hay nghịch đất. Bất kể ngày hay đêm. Những câu nói đơn giản và ngắn gọn ấy lại có thứ sức mạnh từ sự cảm thông đến khó hiểu. Nó giống như có sự thông linh giữa hai tâm hồn. Lúc ấy nhờ ánh đèn tường, cô lần đầu tiên nhận ra sự kì lạ của người hoạ sĩ. Cặp kính đen trên khuôn mặt góc cạnh và mái tóc dài buộc gọn sau gáy khiến ông cổ quái khác hẳn người nghệ sĩ đầy sức sống trước khi vợ con ông ấy bỏ đi.
Đôi lúc, cô tự hỏi bản thân câu hỏi cô day dứt. Mình có thực là yêu ông ấy không? Mà yêu là gì để đối chiếu nhỉ? Những khuôn mặt trai trẻ từng thoáng qua trong đời sinh viên đều trôi đi rất nhanh trước khi cô bị gả cho Hải. Cô chưa từng nhận được một lời yêu từ bất cứ ai trừ ông ấy. Nhưng lời nói đó thốt ra trong lúc làm tình thì có tính không nhỉ? Hình như, đàn ông nào khi ngủ với phụ nữ cũng đều thốt ra câu ấy khi họ đê mê thể xác mà. Cô từng lén chồng xem phim sex. Và cả đôi lần, những tâm sự rời rạc của đám bạn gái tụ tập họ cũng xác nhận thế. Chắc chắn chồng cô cũng thế, khi anh ta phê thuốc và kiệt sức trong tay đám đàn bà để lại những vết môi son nhoe nhoét trên bộ ngực lép kẹp xanh xao.
Chỉ có điều anh ta chưa từng nói lời yêu cô. Chưa bao giờ. Cả khi anh ta nhào vào cô lúc sung thuốc hay lúc cười nói giả làm một người chồng hạnh phúc trước đám người nợ ân tình bác Lễ tới chúc mừng cô sinh con.
Chỉ có ông ấy là rót vào tai cô những lời như móc câu. Không hoa mỹ nhưng neo bám vào trái tim cô để mỗi khi co mình lại chịu đòn chồng hay thẳng lưng trên ghế nghe bác Lễ giáo huấn là cô lại nhớ đến. Thứ giọng trầm khàn nghiến rít trong lồng ngực rộng thoát qua khe họng nghiến chặt như bao bọc lấy cô, khiến cô khôg còn cảm xúc về sự tra tấn trong những lời nói nhắc nhở thân phận nửa con dâu, nửa người làm. Giọng nói ấy giống như thứ thuốc tê tự chảy ra khi những nắm đấm, cú đá chạm vào cơ thể. Đôi lần, khi giữa chừng tỉnh táo lại, Hải thộn mặt ra như gặp ma vì thấy cô cười.
Mà những lời ấy có phải là lời yêu không nhỉ? Tiếng chửi tục tằn, khàn sắc như mảnh gốm vỡ vụn giữa hai hàm răng nghiến chặt của ông ấy là những lời khiến cô hạnh phúc nhất. Trưa đó cô gục ngã vào khay đất ngâm giữa sân. Không biết do mất ngủ triền miên hay phải kham cùng lúc việc nhà, việc cửa hàng văn phòng phẩm rồi nấu ăn theo yêu cầu của mẹ mỗi ngày mà cô kiệt sức. Cũng có thể do những cú đấm vào gáy Hải tặng cô trước lúc dắt xe đi làm. Người thợ đất đã hốt hoảng vác cô lên lầu và ông ấy buộc phải ôm cô lúc ấy mềm như dải khoai quặt quẹo để nước xuôi xuống tới khi cô nhổ ra được hớp đất bít chặt cổ họng. Những vết bầm tím quanh cổ cô lộ ra khiến người thợ kêu to. Anh ta tưởng cô bị thương khi va vào khung khay kim loại nên nằng nặc bắt cô phải đi khám. Khi cô bật khóc thay vì giải thích thì ông ấy đã hiểu. Những ngón tay của ông ấy dịu dàng luồn nâng tóc cô lên cho đất mịn trôi sạch theo dòng nước ấm. Và tiếng chửi vuột ra miệng ông ấy khi bàn tay mạnh mẽ chạm vào đôi vai cô, nâng cô đứng lên khiến cô bật thốt đau đớn.
– Bọn súc vật! Sao có thể hành hạ em đến thế này..
Đôi khi, nhìn Hải say rượu co quắp ngủ trên nền nhà cạnh giường con gái, cô lại nhớ âm điệu câu nói ấy. Nó giúp cô cảm thấy hả dạ như được bảo vệ. Từng có vài người bạn gái thân thiết đã can thiệp vào chuyện Hải bạo hành cô. Ban đầu họ khuyên nhủ rồi doạ dẫm anh ta. Lần nào sau đó hậu quả cũng là anh ta hùng hổ hơn, đánh cô mạnh hơn kèm những lời cay nghiệt đổ tội cho cô đem chuyện nhà đi rêu rao. Kết cục là cô lần lượt mất đi từng người bạn. Họ bức xúc rồi chán nản và dần coi thường cô hèn hạ, chịu đựng thứ hôn nhân quái đản chỉ để giữ cho cuộc sống của mẹ và các con cô bình ổn. Họ không hiểu được cảm giác bất lực trước đồng tiền mà cô từng trải qua khi định rời bỏ nhà bác Lễ. Hồ sơ xin việc bị từ chối. Mức lương thủ thư cô có thể nhận khi xin được việc còn không thể đủ để cô tồn tại. Họ không thể hiểu nuôi đứa con gái bé bỏng hen suyễn nặng và đứa con trai tự kỉ thì cần những gì và nếu từ bỏ, cô có sống nổi khi giao con lại cho cha con bác Lễ không. Cô còn có thêm người mẹ nằm bất động nữa. Ít nhất, ở trong cuộc hôn nhân họ gọi là địa ngục đó, cô còn giữ cho người thân được bình an. Cái lối thoát tưởng như lẽ đương nhiên với người này lại là lựa chọn cuối cùng tồi tệ nhất với người khác. Cô như quân cờ vây bị cắt đứt mọi liên kết. Cô đơn. Vô dụng với chính bản thân mình..
Cô có thực sự yêu ông ấy không nhỉ? Cô đã nhớ những lời thô tháp ấy, giọng nói ấy mà leo lên tầng trên, ngắm bàn tay gân guốc từng nâng tóc cô dưới làn nước đang vày vò đám đất nhão. Rồi chính cô chủ động chạm vào cáh tay ấy, đưa bàn tay dính đất áp lên má mình đang nóng rãy. Dường như nụ hôn lúc ấy cả cô và ông ấy đều chờ đợi từ rất lâu rồi. Lâu hơn cái ngày cô ngất trong thùng đất, lâu hơn cả cái ngày cô còn là con nhóc ghê tởm gã Việt kiều già hau háu ngắm cô. Hình như không phải là cô mà là người đàn bà nào đó trốn trong thân xác cô nhảy ra nắm quyền kiểm soát lý trí. Và người đàn ông dịu dàng núp trong những thô tháp của người hoạ sĩ cộc cằn cũng nhào ra đón nhận. Sự im lặng đầy ắp rung động và khao khát khi ấy mãi sau này khi cô nhắc lại, ông ấy đáp gọn bằng hai từ : Vì yêu.
Với ông ấy không cần một lời giải thích. Ông ấy chỉ lặng lẽ yêu cô theo cách của ông ấy, giúp cho cuộc sống của mẹ con cô dần bớt phụ thuộc vào nhà chồng. Ông ấy dịu dàng và nâng niu cô, chu đáo như người cha và nồng nàn hơn một người tình trong bất kì cuốn sách nào cô từng đọc. Cô thấy mình giống như búp bê Matryoshka dần chồng thêm cho mình nhiều lớp mới bên ngoài con búp bê bé nhất, xấu xí nhất.  Một tiếng mỗi trưa từ khi có ông ấy như là phần thưởng lấp đầy cuộc đời tẻ nhạt, khiến một ngày của cô có thêm một giờ để sống. Phải, hai mươi bốn giờ cô bình thản đối mặt với bộn bề trách nhiệm làm con gái, làm mẹ, làm người quản gia kiêm quản lý kiếm tiền cho bác Lễ. Một giờ trên gác căn biệt thự từng của cha cô, cô được đích thực làm đàn bà. Giờ thứ hăm lăm ấy, với cô, hạnh phúc đủ để cân bằng với hai mươi bốn giờ gánh nặng số phận bắt đeo mang…
4. “Triển lãm X thành công vang dội”
“Bí mật đằng sau một tài năng lớn”
“Người đàn bà bí ẩn trong tuyệt tác điêu khắc là ai?”
Đó là số ít trong nội dung các tít báo chạy liên tiếp từ trước ngày cuối triển lãm cho đến tận sau đám tang họa sĩ tài danh Hoàng Lâm. Người ta xôn xao về người họa sĩ ở ẩn hơn chục năm vì tai nạn lao động làm mù đi đôi mắt bỗng quay lại rực rỡ với triển lãm quy mô tác phẩm cực lớn. Hơn hai chục bức vẽ có cùng một cái tên là “Ký ức” đều vẽ một người đàn bà đẹp hoang dại, rực rỡ, quyến rũ nhưng lạnh lùng được đặt bên trái khu vực triển lãm. Phần còn lại quanh tường của phòng triển lãm hình bát giác, số lượng tranh gấp hàng chục lần được họa sĩ đặt cùng tên là một con số. Số hai mươi lăm. Những bức vẽ đó mang những sắc màu kỳ lạ, đánh mạnh vào cảm xúc thị giác và mỹ cảm của người xem. Chúng khơi gợi sự thánh thiện ẩn sâu trong ký úc hoặc khao khát mãnh liệt về tương lai trong tâm hồn con người. Có thể nói, mọi yếu tố khiến người ta hiếu kỳ đã làm nên một nửa thành công của triển lãm. Nhưng khi khai mạc, những đánh giá của giới chuyên môn về các tác phẩm khiến dư luận càng thêm xôn xao. Người trong giới trọng tài năng tới xem, người ít hiểu biết về hội hoạ và điêu khắc cũng nô nức tới vì hiếu kỳ. Và tất cả đều loay hoay trong sự choáng ngợp giữa nghệ thuật với bí ẩn ẩn dụ trong cả tác phẩm lẫn sự sắp đặt, đặt tên của người nghệ sĩ.
Ngoài tất cả những điều ấy, văn bản tuyên bố toàn bộ tiền bán tất cả các tác phẩm trưng bày ở triển lãm của ông đều dành cho một trung tâm nuôi dạy trẻ tự kỷ càng khiến người ta quan tâm hơn. Số tiền bán tranh ước chừng khiến người ta chưa hết xôn xao thì cái chết đột ngột của ông lại khiến xã hội bàng hoàng. Nhiều câu chuyện người ta thêu dệt quanh bốn bức tượng có giá gây choáng được đặt tên bốn mùa trong năm dần bị đồn thổi rằng đó là ẩn ý họa sĩ tự sự về đời mình. Bức được sắp đặt số một bằng đồng có tên “Mùa hạ” là hình khối mô phỏng một đôi mắt đàn bà mơ màng nằm bên trong một trái tim đang nở nhất. Tiếp theo là “Mùa thu” với đôi mắt đàn ông nằm trong trái tim thắt lại nhỏ nhất như vừa bơm hết sạch máu. Tác phẩm “ Mùa đông” được làm bằng thạch cao với hình khối là tấm lưng đàn ông đỡ cái đầu với đôi mắt trống rỗng. Năm sáng tác cho thấy lúc này Hoàng Lâm đã mù mắt. Và bức cuối cùng, “Mùa xuân” cũng bằng thạch cao với kích thước như người thật, tạo hình một người đàn ông đang ngồi ôm và hôn một người phụ nữ có khuôn mặt là một bông hoa.
Ngày thứ mười sau đám tang Hoàng Lâm, Tường Vy ngồi đối diện với vị luật sư trên căn gác biệt thự. Cô vẫn không thể trở lại bình thường sau một tuần nằm liệt giường. Bức tượng cuối cùng còn phủ nguyên vải bao được mang khỏi kho dựng cạnh chiếc bàn cô thường ngồi xuống trang điểm sơ trước khi rời khỏi đây mỗi trưa. Hơi hướng ông ấy như còn nguyên đây với mọi đồ vật không hề xê dịch. Vị luật sư đẩy hộp khăn giấy về phía cô rồi nhỏ nhẹ:
– Mong cô bớt đau buồn sau khi tôi trình bày. Đó cũng là mong muốn của ông ấy. Đây là giấy tờ đã công chứng sang tên cho cô toàn bộ tài sản gồm có phần sở hữu căn nhà này. Đây là văn bản cam kết của trung tâm Nuôi dạy trẻ đặc biệt miễn mọi chi phí với riêng trường hợp của con trai cô và khoản tiền riếng của cháu. Đây là xác nhận quyền sở hữu của cô với tác phẩm điêu khắc “Tái sinh” kia. Ngoài ra, còn có bản di chúc đặc biệt về sở hữu các tác phẩm còn lại ông ấy vẽ tặng riêng cô treo tại ngôi nhà này và file ghi âm là di ngôn của ông ấy với riêng cô…
– Tại sao anh ấy lại chọn cái chết? Tại sao lại là thời điểm này? Tại sao ..
– Cô nghe hết và đọc hết thì sẽ hiểu vì sao ông ấy làm vậy. Theo tôi, ông ấy muốn chọn thời khắc hạnh phúc nhất của đời mình để dừng lại. Tránh cho bản thân ông ấy và cô rơi vào những ngày phải đau khổ. Ông ấy phát hiện ung thư phổi giai đoạn cuối trước khi triển lãm gần tháng…Ông ấy còn uỷ thác cho tôi lo toàn bộ những việc pháp lý của cô sau này với ngôi nhà này và giúp cô trong việc ly hôn nếu cô cần…
Mọi thứ trong màn sương mơ hồ vừa được ánh sáng rọi rõ ràng trở lại. Tường Vy ngồi bất động nhìn theo dáng lưng người luật sư dời đi. Chiếc USB run rung theo tay cô cắm vào laptop và âm thanh trầm ấm quen thuộc đang thủ thỉ với cô về những dự định ông ấy chưa bao giờ nói ra. Về một căn nhà nhỏ có hàng rào trắng và khoảng vườn xanh nơi một triền đồi lộng gió mát. Về người đàn bà ông ấy yêu tha thiết sẽ sống hạnh phúc bên cô con gái xinh xắn và đi thăm cậu con trai sớm khoẻ mạnh hơn mỗi cuối tuần. Về một người mẹ vừa đáng trách vừa đáng thương được chăm sóc ở trong một nơi phù hợp nhất. Về phòng sách nhỏ với của sổ rộng và toàn bộ kệ tường đầy ắp những cuốn sách làm đôi mắt của người phụ nữ ông ấy thương luôn lấp lánh. Về một ngôi biệt thự có hàng hồng đã quá cổ, có những gốc tường vy cằn cỗi cần bàn tay những người chủ mới mạnh mẽ hơn thiết kế lại… Và nước mắt Tường Vy ào ạt nhưng miệng lại mỉm cười khi giọng nói hạ tông, thì thầm:
“Cảm ơn em vì em đã hồi sinh trái tim anh. Trái tim anh hồi sinh để đôi mắt nó mang bên trong tạo ra được những gì cả đời anh khao khát mà chưa làm được. Cảm ơn em đã cho anh được sống một ngày hai mươi lăm tiếng. Hai mươi bốn tiếng anh luôn nhớ em bằng mọi giác quan và tiếng thứ hai lăm anh trọn vẹn được sống hạnh phúc để hồi sinh từng ngày. Hãy sống và luôn hạnh phúc thêm mỗi ngày một giờ vì anh em nhé! Anh yêu em. Yêu vô cùng. Mãi mãi.”
Cuối cùng thì cô cũng đã biết, tình yêu là như thế nào. Cô cũng đã trả lời được câu hỏi cô đã biết yêu chưa. Và cô biết thêm, khi yêu điều kì diệu sẽ đến. Giống như Hoàng Lâm cũng coi những ngày hai người bên nhau có hai mươi lăm giờ giống như cô dù chưa ai từng nói cho nhau nghe về ý nghĩ ấy. Giống như cách ông ấy chọn chấm dứt đau khổ để đẩy nhanh khởi đầu hạnh phúc cho đời cô. Giống như, khi mất ông ấy rồi cô như búp bê Matryoshka vỡ vụn từng lớp, từng lớp mà thoát ra khỏi đau đớn thực sự trong mỗi nhịp thở mà sống tiếp. Và cô biết, cô khác ông ấy ngày xưa, khi người đàn bà có đôi mắt xa xăm màu lá tường vy cánh mỏng mang theo con bỏ rơi ông ấy, những mảnh vỡ do chính tay ông đập tan bức tượng tình yêu đã khiến mảnh văng làm mắt ông mù loà. Còn cô, cô chắc chắn rằng, cô có tình yêu của ông ấy mãi mãi để không mảnh vỡ nào có thể khiến cô tổn thương được nữa. Chắc chắn như vậy.
Chắc chắn, cuộc đời cô sẽ luôn sống mỗi ngày hai mươi lăm giờ. Hai mươi bốn tiếng cho bản thân và một tiếng cộng thêm thật hạnh phúc dành cho người đàn ông đã hồi sinh cô.
Gió tràn qua cửa sổ, lay tấm vải phủ bức tượng duy nhất còn lại trong phòng. Khuôn mặt Hoàng Lâm sống động đang cúi xuống khuôn mặt cô ngời ánh hạnh phúc chờ đợi. Cô giật mình nhận thấy những vệt màu ông ấy vẽ khéo léo y như màu hoa tường vy mới hé trên vai, trên cổ cô, nơi từng đầy những vết thương bầm tím và ông ấy luôn ghé môi dịu dàng hôn lên đó. Rồi cô chợt nhớ, người ta ca ngợi tài năng đạt đến đỉnh cao của người nghệ sĩ khiếm thị khi ông ấy vẽ tranh bằng khướu giác. Những tuýp màu mang mùi khác nhau mà ông ấy tạo ra cho rêng mình khiến những bông hoa và khuôn mặt đàn bà trong tranh ông như toả hương thơm…
Giớ đưa hương hoa hồng ngập đầy không gian. Tường Vy nhẹ quơ mái tóc xoã tung cột ra sau gáy và hít vào đầy phổi thứ hương quen thuộc. Từ mai, cô sẽ tìm cho mình ngôi nhà như Hoàng Lâm mường tượng. Sẽ tự trồng cho mình những loài hoa có mùi hương mà bản thân cô yêu thích. Trong ngôi nhà đó, bên ô cửa sổ phòng sách, bức tượng này sẽ được ướp hương riêng.
21/1/2024
Nguyễn Thu Hà
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Truyện của hội viên mới Chu Quang Mạnh Thắng

Truyện của hội viên mới Chu Quang Mạnh Thắng Chu Quang Mạnh Thắng sinh năm 1973, quê quán Bắc Giang, hiện sống tại TPHCM. Anh tốt nghiệp Đ...