Thứ Ba, 29 tháng 10, 2024

Truyện ngắn của hội viên mới Trần Thị Tú Ngọc

Truyện ngắn của hội viên
mới Trần Thị Tú Ngọc

Trần Thị Tú Ngọc sinh năm 1984 tại Hà Tĩnh, tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Vinh, hiện đang giảng dạy tại Trường THPT Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
Nhà văn Trần Thị Tú Ngọc đã xuất bản các tác phẩm: Ngụ ngôn tháng Tư – tập truyện ngắn 2019, Linh mộc, tập truyện ngắn 2022.
Năm 2015 chị đạt giải nhì Cuộc thi Truyện và ký Tạp chí Hồng Lĩnh, Tặng thưởng truyện ngắn hay Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội năm 2017, Giải Nhất cuộc thi Sáng tác văn học Tạp chí Văn nghệ Bình Định năm 2019. Giải Ba cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội năm 2019, Giải C của Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2019, Giải B giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Du lần thứ VII năm 2020, Giải Ba cuộc thi “Thương nhớ miền Trung” báo Thanh  Niên năm 2021, Giải Nhất cuộc thi viết truyện ký “Vẻ đẹp của sự đa dạng” do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên CSAGA thực hiện với sự tài trợ của tổ chức FRI tại Na Uy…
Nhà văn Trần Thị Tú Ngọc được kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023.
NGỤ NGÔN THÁNG TƯ
Tháng Tư ngầu bụi. Không có mây. Không có mưa. Chỉ những cơn gió khô khốc đưa móng vuốt lồng lộn cào qua đám cỏ cháy. Đất trời rùng rùng. Không khí căng phồng. Nứt nẻ.
Tôi đi tìm một bông súng đỏ.
Những bờ sông lở lói nhìn tôi giễu cợt. Tàu hút cát chạy ầm ầm. Đến cây to còn tróc rễ đổ xuống nữa là yếu ớt như phận sen phận súng.
Những con mương trơ lòng ngập trong rác rến. Chuột bọ chết trương bụng. Đám trẻ con lem luốc quệt nước mũi lòng thòng.
Bà lão bán bánh bò ở Châu Đốc nhọc nhằn chèo xuồng đưa tôi qua đầm nước sắp cạn khô. Thở dài não ruột: thật hết biết tụi trẻ bọn bây, chẳng nhớ gì ráo trọi. Muốn tìm hoa súng phải đợi đến tháng chín tháng mười, về đây khi mùa nước nổi nghen con.
Nói vậy nhưng chính bà cũng không biết mình có lẫn hay không. Đã mấy năm rồi không có mùa nước nổi. Nghe thèm bông súng bóp xổi với dấm và đường cát, thêm chút rau răm, chấm với nước mắm kho quẹt hay nước tương kho, nhắc đến đã nhểu nước miếng. Sang hơn thì tước cọng súng nấu canh cá trê, cá linh, cá sặc đồng, húp một miếng nghe đã rồn rột. Không có nước, súng quắt queo chẳng trổ nổi bông, tôm cá cũng bỏ đi hết. Đất đai mặn xót.
Tôi không nghe bà lão lẩm bẩm những gì. Tôi nghĩ đến Nguyên khi ngồi trên con xuồng luồn lách qua những đám lục bình héo rũ. Nguyên có đợi được đến mùa nước nổi.
Nước mình đâu đâu cũng ao đầm sông suối. Bạt ngàn súng tím, súng vàng, súng trắng, súng xanh. Có lần tôi bảo, nếu được chọn, anh sẽ lấy quốc hoa là hoa súng chứ không phải hoa sen. Hoa súng cũng đẹp cũng thanh chẳng kém sen, lại chỗ nào cũng có, chớ sen giờ còn mấy nỗi. Bảo quốc hoa mà phải tìm trên mạng để coi thì sao được. Nguyên bật cười: anh nói ngon ha. Ngoài đó có cái hồ Hoàn Kiếm lại gọi tắt là hồ Gươm. Tới lượt quốc hoa liền lấy luôn hoa súng. Tôi chịu. Nhớ lần đi Ấn Độ, ông lão chạy xe tuk tuk khi biết tôi đến từ Việt Nam liền hỏi: Bên đó đánh nhau xong chưa? Nghe ông nói mà mình cười như mếu. Nghĩ tới đất nước mấy nghìn năm tay chẳng mấy lúc rời súng rời gươm. Máu đổ xuống biết bao nhiêu mà kể.
Vậy mà giờ không kiếm đâu ra bông súng đỏ.
Hay tôi về Búng Bình Thiên. Mùa này vẫn mênh mang nước?
Tháng Ba năm 1782, Nguyễn Huệ đưa quân Nam tiến, đụng trận dữ dội với Nguyễn Ánh ở sông Ngã Bảy và cửa biển Cần Giờ. Nguyễn Ánh thất trận dẫn tàn quân chạy trốn xuống phía nam, bên Tây Sơn có tướng Võ Văn Vương đuổi theo sát nút. Quân Nguyễn Ánh đi suốt ngày đêm không dám nghỉ. Tới ngày thứ bảy thì họ vượt qua một con sông lớn chảy từ Cao Miên sang. Qua xứ cù lao, tiến sâu vào một vùng mênh mông hoang địa. Xứ này vốn trước đây là đất Tầm Phong Long được vua Nặc Tôn dâng cho chúa Nguyễn để tạ ơn giúp củng cố vương triều. Dẫu các chúa Nguyễn đã ra sức khai phá, nhưng vì thủy thổ khắc nghiệt nên dân cư vẫn còn thưa thớt.
Đang giữa mùa khô, lương thực cạn kiệt, nước uống mang theo cũng hết, xung quanh rặt một màu cằn cỗi của cà na giữa sình lầy hôi thối. Quân sĩ kiệt sức gục xuống trong cơn khát cháy họng.
Đây đâu phải thời Tam Quốc, để nói rằng phía trước có rừng mơ.
Võ Văn Vương nôn nóng lập công nên tiến binh quá nhanh, tiếp viện phía sau không theo kịp. Binh sĩ vốn toàn người Bắc hà. Kết quả cùng bị kẹt giữa đồng hoang.
Hai bên cầm cự nhau giữa mùa nắng lửa.
Mỗi ngày bên nào cũng có vài người chết. Xác chết khát đều giống nhau, cổ họng sưng phồng, nhưng thi thể không trương sình lên mà khô lại đen kịt.
Trận đó không đánh mà mấy trăm người vong mạng, tới mùa này đom đóm bay đầy bên bờ Búng Bình Thiên.
Chuyện hai ông tướng kìm chân nhau ở cù lao An Phú, tôi được ông Tư Ròm kể cho nghe trong một lần điền dã về miền Tây. Ông Tư chừng hơn bảy mươi tuổi, người cao khòng, lông mày hơi xếch mà sợi nào cũng mọc dài rủ xuống trông rất ngộ. Hai người một già một trẻ nhậu ngay trên sạp thuyền, giữa đồng nước mênh mông hoàng hôn xuống đỏ ối. Mồi câu gỡ ngay từ dưới hồ lên, cá sặt, cá chốt, cá rô lớp chiên lớp nướng giòn rụm.
– Vậy chớ con đọc trong sách, nghe biểu ông này hay ông kia tới xứ này mùa hạn, thiếu nước, lập bàn cúng tế trời đất rồi rút gươm đâm xuống nước ngọt trào lên thành cái búng này đó tía.
Ông lão bó gối nhìn ra mặt nước mênh mông, mấy cái cây ô môi đứng chơ vơ bên kia bờ đầm nhòa dần trong bóng tối. Giờ lâu ông mới nói:
– Chuyện đó tao cũng nghe người ta nói, ai muốn tin thế nào thì tin. Ờ nghĩ cũng hay ha. Cái xứ này hồi trước dữ lắm, toàn cá sấu rắn rết với muỗi mòng, đỉa thì nhung nhúc vô thiên. Có ai sống nổi đâu. Vậy mà mình tới đây khai khẩn. Rồi lớp này lớp nọ kéo qua đánh nhau. Người chết nhiều gấp mấy mươi lần người sống.
Như cái hồi giải phóng đó mậy, mấy ổng đụng nhau cả trăm trận, tới giờ xương cốt bốc hoài chưa hết. Nhưng ghê gớm nhất là cái đợt năm bảy tám. Cũng tháng Tư vậy nè. Tự nhiên đang yên đang lành bên kia biên giới tràn sang, giết một lúc mấy nghìn mạng người. Mà toàn bằng cuốc xẻng mới ghê. Lúc đó đang giữa mùa khô, sau một đêm máu nhuộm đỏ đồng, sáng ra bỗng nhiên súng nở bông khắp xứ. Cả một vùng bạt ngàn bông nào bông nấy đỏ bầm như máu.
Đêm đó tôi trở mình mãi trên con đò chênh chao, thao thức trông ra bờ đầm tối sẫm. Xa xa mấy chiếc thuyền câu nhà ai sáng đèn le lói. Nhìn mờ mờ ảo ảo cứ nhập nhòa như bầy đom đóm kéo về. Những hồn oan trong trận đánh năm xưa đã siêu thoát được hay chưa. Chỉ mơ màng nghe trong mênh mang sông nước, lẫn giữa bùn non ngai ngái, thoang thoảng mùi hương bông súng đỏ.
Tôi về lại Sài Gòn, kéo Nguyên đi dạo lòng vòng cho đỡ nhớ.
Nguyên của tôi vốn dân gốc mấy đời quận Nhất. Từ thời cụ cố đã có sạp vải to nhất chợ Bến Thành. Hồi mới ngoài bắc vào tôi gặp bà nội Nguyên, bà lão gần chín mươi mà da dẻ hồng hào như con gái mười tám. Hỏi bà hồi chiến tranh mình ở trong thành cuộc sống nó ra sao. Bà bảo chuyện đánh nhau bà không có biết. Lúc căng nhất thì cũng nghe bom rơi đâu đó bên miệt Thủ Thiêm, chứ dân đây cứ thường thường mà mần ăn buôn bán vậy thôi. Cho nên hồi tháng tư năm bảy lăm mấy ổng tiến vô, cậu em kêu tui chạy lên nóc nhà trực thăng nó bốc ra tàu qua Mỹ mà tui đâu có đi. Tới đận cải tạo tư sản, muốn đi lại không được nữa. Giờ già rồi, chỉ mong yên ổn đợi lúc nằm xuống là xong.
Ba Nguyên vượt biên sang Mỹ bốn năm sau giải phóng, cưới một bà người da trắng, lâu sau đó mới sinh ra Nguyên. Nhưng rút cục lòng vòng rồi Nguyên lại quay về Việt Nam sống cùng bà nội. Nguyên học bên lịch sử, tôi làm báo cho quân đội. Gặp nhau, quay qua quay lại thế nào lại nói chuyện chiến tranh.
– Này anh – Nguyên khuấy cốc cà phê đã tan hết đá – mình kể chuyện gì khác đi. Chuyến nào đi về anh cũng ì ùng súng đạn với cờ bay phấp phới. Nói hoài không chán sao.
Tôi biết nói gì với Nguyên, như vô vàn những người lính tôi đã gặp, đột ngột rơi tõm vào lặng im khi tôi khẽ khàng xen vào một câu hỏi riêng tư giữa trận chiến. Vậy chớ hồi đó ở trong bưng, chú Hai có thương ai không. Hồi đó mùa nước nổi chú Ba nằm hầm nó ra làm sao, ăn uống nó ra làm sao. Cô giao liên dẫn chú Tư băng đồng hôm đó tóc dài hay tóc ngắn. Mấy chú bỗng nhiên im bặt. Giữa dằng dặc chiến tranh tơi bời đạn lửa, những nỗi niềm nho nhỏ bị vùi lấp đi tuyệt mù vô tăm tích. Giờ có tìm cách khơi gợi lại cũng chỉ là một khoảng trống mênh mang, mất mát, hoang hoải như cánh đồng mùa nước lên sóng gợn tới chân trời.
Tôi kể Nguyên nghe về ông Tư Ròm tôi gặp bên Búng Bình Thiên.
Đó là những năm tháng dữ dội trên biên giới Tây Nam, còn khốc liệt và đẫm máu hơn cuộc chiến tranh mà chúng ta mới vừa bước ra trước đó. Đánh nhau liên miên, nhưng với người lính, súng đạn gầm thét không đáng sợ bằng những phút giây im lặng trên chiến trường. Trước và sau mỗi trận đánh, là một khoảng thẳng căng, vắng rợn.
Ông phụ trách khẩu M40 106 mm, một loại hỏa lực cực mạnh ta thu được của chế độ cũ mà chỉ có rất ít người được đào tạo bài bản mới biết sử dụng. Khi xung trận, uy lực của M40 làm quân địch nhiều phen kinh hoàng.
Nhưng điều đó xoáy sâu vào lòng ông một nỗi buồn thăm thẳm.
Hận thù sẽ chìm đi khi đã buông súng sau cuộc chiến mà những ranh giới mỏng manh vẫn không thể bước qua.
Ý kiến của ông tham gia vào các kế hoạch tác chiến đều bị gạt đi bởi cái nhìn nghi ngại của cấp chỉ huy. Nhiều người lính trẻ măng ngã xuống vì sơ suất điều nghiên không đáng có.
Lẽ nào đổ lỗi cho chiến tranh để lòng thôi day dứt.
Cô y tá người Bắc có đôi mắt rất trong đã từng hỏi ông như thế. Quê cô hình như đâu đó bên suối Yến, tháng mười hoa súng dệt hồng hai bên bờ sông uốn mình như dải lụa. Cô phải viết đơn bằng máu mới được ra chiến trường.
Họ đã gặp nhau trong một cái nhìn rất lặng. Những khi hoàng hôn vàng rực buông xuống bên trời, một cánh chim chao nghiêng giữa thinh không thăm thẳm, cô dõi mắt về nơi xa xăm và khẽ hát: Trong gió bay đi tôi nghe mùa hạ về/Mùa thu chưa đến, tôi nghe mùa hạ đi/Ôi những mùa mưa, mùa nắng màu rất lạ/Mùa này tôi thấy, bao nhiêu áo quan về.
Tiếng cô lẫn vào trong gió như thanh âm nức nở lùa qua vòm cây thốt nốt trầm u. Giữa đổ nát hoang tàn của đền tháp sẫm dần trong bóng tối, điệp khúc da diết của Trịnh Công Sơn ngân lên đau xót và buồn thương. Mắt ông nhòa lệ.
Chuyện đến tai chính ủy sư đoàn. Không biết cấp chỉ huy đã nói gì mà khi trở về, cô y tá úp mặt vào đôi bàn tay để những người thương binh không thấy cô đang khóc.
Cô được lệnh ngay lập tức chuyển về tuyến sau, nhưng mới ra khỏi vị trí đóng quân đã vấp phải mìn địch phục kích gài lại. Vết thương quá nặng, khi ông hay tin thì cô gái đang hấp hối trong trạm phẫu.
Cô chỉ tiếc trước khi nhắm mắt không được nhìn lần cuối một bông hoa súng. Lúc đó đang tháng Tư, giữa mùa khô kiệt nhất. Ông điên cuồng băng đồng lội ruộng trong tuyệt vọng, bất chấp lúc nào cũng có thể đụng địch mong kiếm về cho cô một bông hoa. Vậy mà cuối cùng ông cũng thấy. Giữa mùa nắng lửa. Nở bừng một bông súng đỏ tươi như máu.
Hết chiến tranh, ông về bên Búng Bình Thiên, sống đơn độc một mình.
Bây giờ đi dọc bờ búng, ông Tư Ròm đã mất lâu rồi, tôi không nhớ nổi chuyện đó là ông Tư kể cho tôi, hay tôi nằm mơ thấy rồi tưởng tượng ra. Nhưng thôi. Tìm hiểu kỹ ngọn ngành làm gì. Mất mát và đau thương nhiều quá, có khi phải dựa vào một cánh hoa yếu ớt, để mà trụ lại giữa dằng dặc bão giông.
Mãi rất lâu sau này, nhiều lần qua lại dọc mạn sông Châu Đốc, tôi mới hay ông Tư Ròm cũng như nhiều người xứ này trước đi lính cho chế độ cũ, tới đận Pon pot tràn sang, lại tình nguyện qua chiến đấu bên Campuchia. Hai cuộc chiến mang hai màu áo khác nhau, nên tới lúc hòa bình trở về, lòng có lúc chênh chao như sóng.
Bởi lòng người đâu có ai cũng bao dung được như Búng Bình Thiên, mùa khô hay mùa mưa đều có nước.
Bởi nhiều lúc tháng Tư về, nhà này treo cờ đỏ loa mở tưng bừng thì nhà kia âm thầm đóng kín cửa. Đóng kín cả cõi lòng.
Bởi nhiều lúc đang yên ổn làm ăn, có người lại nhắc chuyện từ thời xa lăng lắc nào đó, một ông vua bên này dâng đất cho một ông vua bên kia, để con cháu cứ vin vào đem ra cự cãi.
Những lúc lòng rối bời như sóng, tôi lại tìm đến Nguyên. Ngồi nghe Nguyên hát “Ngụ ngôn của mùa đông” trong quán cà phê nhạc Trịnh: Một ngày mùa đông/Một người Việt Nam/ Ra bên dòng sông/ Nhớ về cội nguồn/ Từ đó ra đi/ Một ngày mùa đông/ Một người Việt Nam/ Thôi ra dòng sông/ Súng nổ thật gần/ Tiếng đạn đầy hồn/ Từ đó bâng khuâng/ Nhớ thuở mẹ bồng/ Lời ru trong sáng/ Nhớ mẹ hiền lành/ Ngồi với đàn con.
Nguyên của tôi, hai mươi lăm tuổi, tóc nâu, mắt nâu, một hình xăm hoa hồng bên vai trái. Tôi mãi mãi nhớ dáng nàng ngồi nghiêng nghiêng bên cây đàn ghi ta, nhớ đôi mắt nàng lấp lánh như hai ngọn lửa nhỏ, nhớ tiếng thở dài rất khẽ khi chỉ có hai người lặng im.
Giữa Sài Gòn rộng lớn này, chúng tôi chỉ bé như hai hạt cát. Vậy mà những lần lang thang bên nhau đó, cuối cùng cũng đến tai bố mẹ tôi ngoài Hà Nội. Bố tôi gọi tôi về Bắc, một chuyến bay dài hơn hai nghìn cây số, chỉ để hỏi: Bố nghe dạo này con vào trong đó giao du rộng rãi lắm phải không?
Mẹ tôi nhỏ nhẹ khuyên bảo. Con phải nhớ con là ai. Phải nghĩ tới cuộc đời cống hiến của bố con. Phải nghĩ tới vị trí mà con đang có. Rồi còn tương lai của con cháu sau này nữa.
Nhiều thứ như thế, tôi nhớ sao hết.
Tôi gánh sao nổi trên hai vai này.
Hà Nội tháng Tư không quá nóng, cũng chưa inh ỏi tiếng ve, vậy mà tôi nghe đầu ong ong như sắp vỡ. Bố mẹ nhìn tôi như một kẻ sắp sa ngã, sắp đào tẩu, sắp phản bội cả gia đình dòng họ.
Tôi và Nguyên đã làm gì nên tội.
Ngày đó tôi chưa kịp hỏi ông Tư, trong cái trận đánh nhau thời Tây Sơn đó, vậy rồi tại sao cuối cùng tướng Võ Văn Vương lại tha cho Nguyễn Ánh, để ông ấy thoát ra được ngoài đảo Thổ Chu.
Tôi cũng không hỏi ông ngày đó cô y tá người Bắc có biết ông thương thầm cô không. Hay là cô cũng thương ông mà không dám nói.
Nhưng điều tôi day dứt nhất, là không biết cái bông súng đỏ đó, cái bông súng mà ông tìm được giữa tháng Tư khô kiệt, có kịp mang về cho cô gái đó trước khi cô mất hay không.
Bà má người Châu Đốc cho tôi ở nhờ, đã ngoài bảy mươi tuổi mà chưa chồng nên người ta vẫn gọi là cô Ba. Ở vùng này ai cũng biết cô Ba bán bánh bò. Bánh của bà làm từ bột gạo, với đường thốt nốt, thêm một vài bí quyết gia truyền, dậy mùi thơm không tả nổi. Nhà bà cất ngay bên bờ kinh, sàn ghép bằng ván, đêm nằm nghe gió lùa mát rượi.
Ba giờ sáng tôi trở dậy ngồi coi bà hấp bánh bò, từ từ chuyện nọ chuyện kia rồi hỏi: Vậy chớ hồi nào tới giờ cô Ba có thương ai không. Bà cười mủm mỉm: Có chớ. Hồi xưa cô Ba cũng có thương một người. Hai bên tình cảm dữ lắm. Nhưng mà nghèo quá không đăng đối, nên thôi mình giãn ra khỏi tội người ta. Ổng không hiểu vì cớ gì mình từ chối nên buồn lắm, cứ đón đường tìm cô Ba hoài mà tui lánh mặt. Giờ ông đó còn không cô Ba? Ông mất lâu rồi con. Ông đi lính hồi năm bảy mươi cho chế độ cũ, tử trận cũng chưa vợ con gì. Nhà đó di tản qua Mỹ hết. Mộ ổng nằm giữa đồng hoang, mấy lần loạn lạc, chẳng biết thất lạc từ đời nào.
Đêm u u gió. Đom đóm bay rợp bờ kinh Vĩnh Tế. Tôi nghĩ nếu trong những linh hồn xiêu dạt đó có ông người yêu cũ của cô Ba, thì lúc nửa đêm ghé qua lò bánh bò này, ông cũng chẳng nhận ra cái người mình thương mình nhớ khi xưa nữa. Người chết còn trẻ mãi. Không chừng lại hỏi này chớ bà già ơi, bà có biết cái cô tóc dài dài da trăng trắng hồi trước hay bán bánh bò ở mạn này giờ đâu rồi không. Bà già sẽ nín thinh không nói. Để mặc linh hồn ông cứ lang thang tìm hoài tìm hoài.
Bà lão hấp xong bánh bò, dỡ ra đợi nguội. Bánh phồng lên vàng ruộm. Bà bảo tôi cậu cũng đang thương cô nào phải không. Nhìn cái bộ dạng cậu như người thất hồn lội khắp bưng biền tìm hoa bông súng mùa này, là tôi biết đang mang tâm sự dữ lắm. Nếu thương người ta thì cứ nói ra, đừng có giữ trong lòng rồi sau hối không kịp. Quay qua quay lại đã hết một đời người.
Nguyên bảo tháng Tư làm gì có hoa súng.
Cũng không bao giờ có hoa súng đỏ trên đời.
Tôi mới trở vô Sài Gòn được hai ngày thì có ngay cái giấy gọi ra Bắc học lớp bồi dưỡng chính trị. Tôi biết cuộc nói chuyện ngắn ngủi giữa hai bố con ngày càng có khoảng cách với nhau khiến ông không thể yên lòng. Tuổi trẻ của bố tôi bị chiến tranh nghiền nát trên chiến trường B rồi đến chiến trường K, đến giấc mơ mấy chục năm sau hòa bình còn hoảng hốt bởi tưởng giặc đã xông vào tận cửa. Tôi thương ông, nhất là những ngày tháng Tư tháng Bảy thấy ông run rẩy đi thắp hương trên mộ đồng đội cũ.
Bố chỉ có một mình tôi.
Tôi có một mình Nguyên.
Nguyên chẳng có gì. Tôi muốn tìm cho em một bông súng đỏ.
Tháng Tư nắng đỏ.
Tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất.
Tôi hai mươi lăm tuổi, tóc nâu, mắt nâu. Ở bên Mỹ người ta bảo tôi là người Việt Nam. Về Việt Nam mọi người gọi tôi là người Mỹ.
Tên tôi là Jacqueline Nguyễn. Bạn bè thường gọi tôi thân mật là Jenny. Chỉ mình anh gọi tôi là Nguyên.
Tôi gặp anh lần đầu tiên trong bảo tàng lịch sử chiến tranh. Anh mặc bộ quân phục màu xanh rêu, vai đeo quân hàm, trên ngực áo có tấm biển nhỏ màu đỏ ghi họ tên. Anh là nhà báo, hôm đó được phân công đi cùng với đoàn của trường đại học Yale.
Anh khá đẹp trai, nói tiếng anh rất chuẩn, nhưng trông không cuốn hút, thậm chí hơi khô khan. Mãi đến khi chiều tối, gặp lại nhau trong một quán cà phê bên sông Sài Gòn với mấy người bạn chung, tôi mới thật sự bị anh thu hút bởi cái giọng Bắc pha tiếng người Nam, nghe dễ thương đến lạ. Trong cái rì rầm thổn thức của sóng nước chiều hôm, anh nâng cây đàn ghi ta lên và hát: Một ngày mùa đông/ Một người Việt Nam/ Ra bên dòng sông/ Nhớ về cội nguồn/ Nhớ về đoạn đường/ Từ đó ra đi/ Nhớ về biển rộng/ Thuyền ghe lướt sóng/ Nhớ về nghìn trùng/ Nòi giống của chim.
Tôi biết mình đã tìm lại được Việt Nam, vào cái buổi hoàng hôn hôm đó.
Anh đã đưa tôi qua những cánh đồng mênh mang mùa nước nổi, đã cùng tôi ngắm bình minh lên nơi đất mũi Cà Mau, đã hát cho tôi nghe bài hát đẹp đến bi thương mà những người lính hát trước ngày ra trận.
Tôi nhớ nụ cười anh rất hiền, giọng nói anh rất ấm, và anh luôn nắm tay tôi, với một cái nhìn khắc khoải.
Nên tôi sẽ ra đi. Bởi tháng Tư làm gì có hoa súng đỏ.
Dòng người nối dài chậm rãi bước qua quầy làm thủ tục.
– Nguyên. Nguyên ơi.
Có tiếng ai gọi từ phía sau, mắt tôi nhòa nước. Trên đời này có duy nhất một người gọi tôi bằng cái tên đó.
Tôi đã bước qua bên kia cổng kiểm soát an ninh. Anh đứng ở phía bên này. Trên tay anh là một bông súng đỏ
Chào nhé tháng Tư.
TIẾNG RỀN CỦA ĐÁ
Hạ bỗng giật mình tỉnh dậy bởi một âm thanh xa xăm lẫn vào trong gió.
Lúc này đêm đã xuống rất sâu, cỏ cây trên khắp miền biên ải mênh mông chìm vào giấc ngủ. Giữa những ngày tháng hai lất phất mưa xuân, hoa tử quyên, cỏ mật, mộc lan ủ hương tỏa ra mùi dịu ngọt. Cơn gió núi mang theo mùi thơm đó cùng với những tiếng động trầm buồn, đều đều như sấm vọng.
Tiếng sấm đang rền chăng?
Không. Mùa xuân không thể có sấm ra sớm thế. Hình như là tiếng bước chân, tiếng âm âm trầm trầm dội trên mặt đất của lớp lớp người đang bước trong đêm. Nhưng nơi hoang vu này làm gì có nhiều người đến vậy.
Bên ngoài trăng sắp lặn. Sương trắng đùn lên phủ kín những cánh rừng.
Hạ bỗng nhớ có lần Vĩnh nhắc chuyện trong một cuốn sách nào đó anh đã đọc, người ta viết rằng có những chốn nghìn năm trước là bãi chiến trường, tiếng ngựa hí, gươm đao, trống trận, tù và đều được núi non giữ lại. Cứ vài trăm năm âm thanh lại vọng lên một lần từ vách núi khiến người vô tình ngang qua đó nghe thấy đều giật mình sợ hãi.
Thanh âm đêm nay dội về từ một cuộc chiến nào đó chăng?
Hạ quyết định trở lại nơi này vào một ngày trời đột nhiên đổ nắng, thành phố bắt đầu sôi lên như nồi lẩu thập cẩm được đốt nóng bởi hơi người và nhựa đường chảy rữa. Cô đứng đợi taxi đầu con hẻm nhỏ, ngón tay lơ đãng lướt điện thoại không hiểu sao âm thầm dẫn cô lạc vào trang cá nhân của Vĩnh giờ đây vắng lặng tựa khu vườn hoang mọc lên đầy cỏ dại.
Trên đó còn lại vài dòng ngắn ngủi mô tả về ngọn tháp đá cao khoảng mười mét với chu vi gần bốn mươi mét, trông xa như một kim tự tháp đáy tròn bị che phủ bởi mây mù và sương núi. “Chúng tôi dừng lại ở lưng chừng đèo khi trời đã ngả về chiều. Trong ánh hoàng hôn rực sáng, những cụm mây đột ngột tan đi và bên dưới phía xa kia bỗng hiện ra một ngọn tháp đá chói lòa giữa thung lũng núi. Khoảnh khắc đó diễn ra rất nhanh, mặt trời lặn và ngọn tháp biến mất trong màn đêm u tịch”. Bên dưới dòng status là một bức ảnh anh chụp rất vội cùng với mốc thời gian hai năm về trước.
Hạ nghe thoảng như một giọt nước lạnh buốt nhỏ xuống trong tim. Khẽ ngẩng đầu lên nhìn suốt dọc con đường có hai dãy phố nhỏ nằm lô xô dưới bầu trời mùa xuân xanh xao, cô run rẩy lướt điện thoại tìm tên một người quen cũ.
Một lần nữa cô trở lại Cấm Sơn.
Seng vẫy tay rối rít khi nhìn thấy Hạ ở sân ga, nụ cười rạng rỡ làm sáng bừng khuôn mặt đen nhẻm bắt đầu lấm tấm mụn. Mới hai năm không gặp, Seng đã lớn vổng lên như cây nứa vươn mình sau mỗi mùa gió nổi.
Hai người dừng chân ở Cấm Sơn đúng lúc mưa tầm tã. Mưa ở miền núi khác hẳn mưa đồng bằng, rỉ rả, âm thầm, nhẫn nại như những sợi dây mỏng mảnh tuôn xuống từ lưng chừng trời tạo thành một bức màn xám xịt giăng giăng từ ngày này qua ngày khác. Đất đai ngấm nước từ từ chảy ra, con đường vắt qua núi biến thành dải bùn nhão trơn trượt, lầy lội ướt át chìm lút giữa mịt mùng lau lách.
Họ buộc phải lội bộ theo lối mòn cho đến khi nhìn thấy con đèo được đánh dấu trên bản đồ. Từ chỗ này phóng tầm mắt ra xa chỉ có núi non trập trùng trong mưa gió.
Hạ nghĩ có thể chính là đây, góc chụp này nơi Vĩnh đã đứng với hình ảnh ngọn núi nhô ra phía Đông Nam cùng mấy ngôi nhà lúp xúp trên triền dốc. Thung lũng xa xa phía dưới chìm trong mưa, trống trải, hoang lạnh.
– Chị vẫn muốn nhìn ngọn tháp đó sao – Seng ngập ngừng hỏi. Đã rất nhiều lần cậu bé dẫn đường cho Hạ lên đây, lần nào cũng mang về gương mặt như già thêm mấy tuổi.
Em có nhớ nhầm đường không, Vĩnh? Giọt mưa còn nguyên trong ký ức chưa khô lẽ nào bụi đã phủ lên những lối mòn.
Mưa mỗi lúc một dữ dội như muốn nhấn chìm Hạ trong nỗi hoang mang ngờ vực. Seng dẫn cô rời khỏi con đèo, dừng lại xin trú nhờ ở nhà người họ hàng của cậu phía bên kia rặng sa mộc xanh ngắt. Trong nhà chỉ có một bà mế chừng sáu mươi tuổi đang hì hụi quay chiếc cối đá nặng trĩu. Hạ bối rối cất tiếng chào, mế thấy cả hai ướt lướt thướt liền chụm mấy khúc củi cho bếp lửa đỏ rực lên rồi với lấy đùm gạo xát kĩ để trên xà nhà xuống thêm vào nồi.
– Đi đâu đấy Seng?
– Đây là bạn gái của anh Vĩnh bộ đội công binh hồi trước từng đóng quân ở bản ta. Cháu dẫn chị ấy đến chỗ ngọn tháp đá nhưng có lẽ mưa xóa mất dấu đường mòn nên bị lạc mế Lung à.
Mế Lung nén tiếng thở dài buột ra từ lồng ngực gầy guộc, nhìn cô gái đầy thương xót :
– Vào đây nghỉ đi con. Bao nhiêu mưa cũng không xóa hết được đâu, đừng sợ.
Câu nói sau cùng của mế Lung chìm trong tiếng mưa ào ạt xối xuống mái nhà. Hạ nhìn ra màn mưa hoang hoải, nhớ cái ôm siết nồng nàn của Vĩnh giữa sân ga Hàng Cỏ vào buổi chiều chia tay. Anh xốc ba lô lên vai, khẽ đưa tay vén mấy sợi tóc mai xòa xuống trán cô trong một thoáng lặng im giữa hai hồi còi tàu rền rĩ. Hạ cố kìm nhịp đập trái tim thổn thức khi bóng anh khuất sau dòng người hối hả lên chuyến tàu hướng về biên giới, đơn vị anh đóng quân đâu đó trên những triền núi mờ xa, mấy chục năm rừng vẫn xanh một màu xanh áo lính.
Seng ngồi duỗi chân bên bếp lửa. Những cành củi hồi khô nổ lách lách tách tỏa ra mùi thơm dễ chịu. Mế Lung lại nhẫn nại cúi gập mình kéo chiếc cần cối xay, nghiêng người sang bên này rồi ngả sang bên kia, câm lặng, nhọc nhằn, mồ hôi rịn ra ướt đẫm áo. Tiếng hai thớt cối đá nặng nề nghiến vào nhau lẫn trong tiếng mưa. Những vòng quay càng về sau càng nhanh dần, cánh tay gầy guộc của mế rung lên, hai chân lảo đảo như sắp ngã, cả thân mình giống như một sợi dây thừng vặn xoắn vắt đến kiệt cùng chút sức lực sót lại. Hạ ngạc nhiên không hiểu mế xay loại hạt gì mà vất vả như một cuộc hành trình khổ ải nên tò mò nhỏm dậy nhìn vào trong lòng cối.
Chiếc cối đầy những đá.
Seng vội kéo cô ngồi thụp xuống với ánh mắt đầy ẩn ý. Hạ sững sờ nhìn về phía người mế già với gương mặt hằn sâu những nếp nhăn u uẩn, ngọn lửa trong bếp chợt bùng lên rồi vụt tắt để vệt khói vỡ ra tan biến vào chập choạng chiều hôm.
Vĩnh đã từng kể cho cô nghe về những người đàn bà xay đá ở Cấm Sơn.
Họ kéo cối xay trong những đêm dài lạnh lẽo thảng thốt nghe tiếng con khóc ngạt dưới hầm. Họ kéo cối xay trong mùa giỗ trận khói hương nghi ngút nhắc nhớ khôn nguôi đến người chồng ngã xuống sau khi bắn hết loạt đạn cuối cùng trên chốt. Họ kéo cối xay khi nghĩ đến cơn mưa xối xuống bộ hài cốt người thân còn nằm dầu dãi đâu đó giữa những bãi mìn trên đỉnh núi mờ xa vời vợi.
Mười năm.
Hai mươi năm.
Ba mươi năm.
Chừng nào còn sống còn chưa thôi đau xót.
Hạ cắn chặt môi để khỏi bật lên tiếng khóc. Mế Lung mệt nhoài buông cần cối xay ngồi sững bên bếp lửa. Bên ngoài mưa vẫn rơi, nước nhỏ xuống mái gianh thủng lỗ chỗ. Seng xòe tay hứng giọt nước long tong, lúc lắc cái đầu có chỏm tóc lù xù như chim sẻ ướt:
– Đợi mai trời tạnh cháu sẽ sang dọi lại nhà cho mế. Cứ như thế này làm sao chịu được suốt mùa mưa.
Mế Lung dụi mãi thanh củi trong bếp làm khói bốc lên cay xè mắt.
Nếu còn sống chắc bây giờ con trai mế cũng bằng tuổi bố Seng, biết đâu mế cũng sẽ có một đứa cháu nội rắn rỏi như Seng.
Giá như không có chiến tranh.
Đời người được mấy mươi năm mà bao lần giặc giã.
Năm đó mế Lung mới ngoài hai mươi tuổi, con trai đầu vừa cai sữa được ít hôm. Giữa mùa xuân ấy thỉnh thoảng vẫn có vài tiếng súng nổ đem theo những lo âu phấp phỏng nhưng ai cũng hy vọng tình hình sẽ yên. Ra Tết, chồng mế bảo vợ tranh thủ về thăm nhà mẹ đẻ dưới mạn Hà Lùng vài hôm, để con nhỏ ở nhà anh trông vì trời đang mưa rét. Xế chiều một ngày mưa ngớt hạt, mế ủ thằng bé bụ bẫm say ngủ vào chăn rồi xách giỏ đồ chồng chuẩn bị sẵn để lên đường.
Chỉ nghĩ là một cuộc đi, ai biết sẽ mãi mãi không bao giờ gặp lại.
Bởi rạng sáng ngày mười bảy tháng hai pháo giặc bắt đầu rót vào thị trấn từ bên kia biên giới. Những tiếng nổ rền vang xé toạc bình minh yên tĩnh cùng cột khói bốc lên nghi ngút khiến mế Lung cháy lòng cháy ruột, mế cố tìm cách ngược về với chồng con nhưng cả nhà lo sợ xảy ra chuyện không may trong lúc loạn lạc nên giữ lại. Làng xóm cuống cuồng lên như núi lở. Đến chập tối thì anh trai mế quyết định chất tất cả đồ đạc lên xe bò tản cư, mế Lung bấu mười đầu ngón tay vào thành xe bật máu, không dám ngoái đầu nhìn lại một dải vùng biên lửa cháy ngút trời.
Sau khi vấp phải sự kháng cự dữ dội trên khắp các mặt trận, quân bành trướng tuyên bố rút lui, mế Lung vội vã tìm về ngôi nhà cũ. Thị trấn chỉ còn lại một đống gạch vụn tan hoang với vài cái cột nhà cháy sém trơ trụi giữa trời cùng đàn quạ kêu thê thiết trên những thân cây cụt đọt. Chồng con mế cùng mấy trăm dân thường chạy nạn và những người chiến sĩ trong đơn vị bảo vệ biên giới đã vĩnh viễn nằm lại nơi pháo đài Đồng Đăng sau năm ngày quyết tử chiến đấu cầm chân giặc.
– Ông ấy vẫn còn ở kia cùng đứa con trai mới tròn hai tuổi. Đêm nào mế cũng nghe thấy tiếng con khóc. Hôm nay mưa to như thế này mế nghe nó khóc suốt cả ngày, chắc tại chỗ đó nước tràn vào lạnh lắm.
Mế Lung lặng lẽ nhìn về dãy núi phía tây im lìm trong mưa lạnh, nói khẽ như thì thầm:
– Lúc mế đi thằng bé chỉ mặc mỗi bộ đồ chàm, không biết khi chạy giặc ông ấy có nhớ khoác thêm áo cho con không. Mà nếu có mặc thêm áo giờ cũng mủn mất rồi, có khi xương cốt đã rữa ra hòa vào trong nước.
Vĩnh đã từng đưa Hạ lên thăm pháo đài Đồng Đăng trong một lần cô đến đơn vị anh. Người ta kể rằng sau những đợt tấn công điên cuồng mà vẫn không chiếm được pháo đài, quân giặc huy động biển người tràn lên, dùng thuốc nổ đánh sập tầng trên rồi thả lựu đạn, súng phun lửa và phụt khí độc vào các ngách hầm giết hết những người còn cầm cự bên dưới. Hôm đó tự nhiên Vĩnh nói: Em biết không, có những cuộc chia ly mà người còn sống còn đau hơn người đã khuất.
Bởi vậy Hạ xin ở lại nhà mế Lung, biết đâu có lúc cô cũng phải vắt nỗi buồn thương đến kiệt cùng như những người đàn bà âm thầm xay đá.
Seng một mình về nhà khi trời ngả về chiều, sau lưng cậu là bếp lửa chập chờn soi bóng hai người đàn bà lặng lẽ bên chiếc cối xay đầy đá. Cậu đi tắt qua lối vào thị trấn, ở đó có một nhà bia cũ nằm im lìm bên vách núi, cách dải đường mòn chừng hai chục bậc cầu thang rêu phủ.
Bia Thủy Môn Đình.
An trấn Thủy Môn Đình, đình tiền thủy lục. Tỏa thược Thiên Nam giới, giới hạn thiên thư – Giữ yên đình Thủy Môn, trước đình có đường thủy, đường bộ. Khóa chặt cõi trời Nam để giới hạn ranh giới bầu trời.
Việt Nam hầu thiệt. Trấn Bắc ải quan. Thạch bích hoàn vũ. Uyên quân giới phiên. Đồng Đăng linh ấp –  Đây là cửa ngõ và yết hầu của nước Việt Nam, là ải quan trấn giữ phương Bắc. Vách đá giữa trời đất, quận sâu nơi biên giới. Ấp thiêng xứ Đồng Đăng.
Một bảng hướng dẫn đặt gần đó cho biết rằng tấm bia đá này được Đô Tổng binh, Bắc quân Đô đốc phủ Lạng Sơn Nguyễn Đình Lộc soạn năm Cảnh Trị bát niên một nghìn sáu trăm bảy mươi khi được giao trọng trách trấn giữ miền quan ải. Ba trăm năm sau nó được một nhà ngoại giao tình cờ phát hiện ra chìm lút giữa cỏ hoang bụi rậm. Mất thêm hai mươi năm nữa để các nghiên cứu khẳng định đây là một bảo vật quốc gia quý hiếm có ghi quốc hiệu trước cả thời Gia Long. Bây giờ bản gốc đã được đưa về bảo tảng, tấm bia nằm đây chỉ là phiên bản.
Những năm nhỏ tuổi, Seng vẫn thường theo bà nội mỗi chiều lên đây quét dọn xung quanh nhà bia. Bà vẫn bảo hồi chiến tranh, cả vùng này bị đạn pháo cày nát tan hoang chỉ riêng tấm bia đá vẫn vẹn nguyên như một điều kì diệu.
– Có thứ gì vững hơn đá không bà? – Seng hỏi.
– Lòng người vững hơn đá cháu ạ.
Bà trả lời khi cùng Seng lên thắp hương trên mộ ông nội. Tháng hai năm đó ông bị bắn ngay trước sân nhà khi từ chối dẫn đường cho quân thám báo đi đánh phá các đài thông tin liên lạc của bộ đội ta trong thị trấn.
– Có thứ gì nặng hơn đá không bố – Seng hỏi.
– Nỗi buồn nặng hơn đá con ạ.
Bố trả lời khi lặng lẽ gùi hoa hồi xuống chợ phiên. Những bông hoa hồi tám cánh tỏa ra mùi thơm ngọt dịu. Mẹ chết năm Seng bốn tuổi vì vướng phải một quả mìn nằm âm thầm rình rập trong đất mấy chục năm, để bố Seng một mình lụi cụi nuôi con khôn lớn.
– Có thứ gì bền hơn đá không, anh Vĩnh? – Seng hỏi.
Vĩnh xoa mái tóc khét nắng của cậu bé mười bốn tuổi, gật đầu thay cho câu trả lời. Đơn vị công binh của Vĩnh đóng quân tại Cấm Sơn để thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Những ngày được nghỉ, anh cùng đồng đội tranh thủ đắp đất sửa đường, kè lại con mương dẫn nước hay kèm cho lũ trẻ con trong bản học chữ. Trong đám trẻ anh thương Seng nhất. Cậu bé mồ côi mẹ từ khi còn quá nhỏ vì một quả mìn ngày trước quân địch gài lại trên đường rút chạy. Cuộc chiến đã lùi xa nhưng máu vẫn chảy trên những cánh đồng.
Seng ngồi lặng bên tấm bia đá. Bây giờ cậu mười bảy tuổi. Sau những lần bạn gái anh Vĩnh lên Cấm Sơn tìm anh, cậu nhận ra rằng tình yêu là thứ bền hơn đá.
Và nhọc nhằn hơn gánh đá, là khi Seng phải giữ trong mình một điều bí mật.
– Nói cho chị biết về lần cuối em gặp anh Vĩnh đi Seng.
Lần cuối Seng gặp anh Vĩnh là một ngày trời rất nắng, đơn vị anh chuẩn bị hành quân lên cao điểm 803 bắt đầu chiến dịch rà mìn để cất bốc hài cốt các liệt sĩ.
Cao điểm 803, tháng hai năm một nghìn chín trăm bảy chín. Những ghi chép ngắn ngủi về trận đánh dữ dội đó được tìm thấy trong cuốn sổ tay rã rời của một người lính vô danh mà mỗi trang đều thấm đầy những máu. Seng vẫn còn nhớ một buổi chiều mấy năm về trước cả lớp được cô giáo dẫn vào thăm bảo tàng quân khu, mọi người đã đứng rất lâu trước ô cửa kính trưng bày, khó khăn lắm mới đọc hết những dòng chữ viết vội vàng trên trang giấy đã ngả màu nâu sậm.
“5h. Địch bắn pháo lần thứ nhất”.
“5h25ph. Địch đổ quân. Đơn vị hiệp đồng pháo 105 ly, cối 82 ly, H12, ĐKZ chiến đấu”.
“9h30ph. Địch bắn pháo lần thứ hai”.
“11h50ph. Địch bắn pháo lần thứ ba. Đồng chí Trung hy sinh”.
“13h. Đường dây liên lạc đứt. Đồng chí Thắng, Toàn, Đạt hy sinh. Chốt vẫn đứng vững”
“14h. Địch đổ thêm quân tiếp viện. Cánh trái đồng chí Thịnh, Dũng, Bảo, Hà hy sinh”.
“16ph. Chúng tôi còn lại ba người. Chốt vẫn đứng vững.”.
“16h45ph. Địch vây kín cao điểm. Chốt vẫn đứng vững”.
“17h45ph. Đạn hết. Xin vĩnh biệt các đồng chí”.
Họ đã vĩnh viễn nằm lại đó, xác thân hòa vào cây rừng đá núi chốn biên cương.
Anh Vĩnh chỉ cho Seng thấy đỉnh núi giờ đây rừng đã lên xanh, xung quanh đó là những bãi mìn dày đặc.
– Các anh không sợ mìn sao? – Seng phấp phỏng hỏi. Trí óc của cậu hằn sâu mãi khoảnh khắc khủng khiếp khi mẹ được dân bản cáng về trên rẫy, máu túa ra từ hai chân dập nát do dẫm phải mìn.
– Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi Seng ạ – Vĩnh hướng về cậu bé một ánh nhìn trầm tĩnh. Phía sau đơn vị công binh là Cấm Sơn ngày đêm thao thức khi thân nhân các liệt sĩ biết tin lặn lội tìm về. Những người mẹ mái đầu bạc trắng, những người vợ lưng bắt đầu còng, những người con lớn lên chưa từng biết mặt cha, tất cả họ đang lặng im chờ đợi.
Ở một góc nhỏ bình yên trong lòng Hà Nội, Hạ cũng đang đợi anh về để khoác lên mình bộ váy cô dâu màu trắng dịu dàng.
Seng vẫy vẫy tay tạm biệt anh, Vĩnh đã hứa trước khi về xuôi sẽ đưa cậu bé đi khám phá ngọn tháp đá anh vừa tìm thấy. Lời hứa đó mãi mãi không thực hiện được bởi sau chuyến cất bốc thành công hài cốt toàn bộ liệt sĩ trên điểm cao 803, đơn vị công binh từ đó thiếu một người.
Hạ trở mình thao thức bởi những thanh âm xa vắng lẫn vào đêm, kí ức buồn như tiếng gió băng qua rừng thẳm.
“Chúng tôi dừng lại ở lưng chừng đèo khi trời đã ngả về chiều. Trong ánh hoàng hôn rực sáng, những cụm mây đột ngột tan đi và bên dưới phía xa kia bỗng hiện ra một ngọn tháp đá chói lòa giữa thung lũng núi. Khoảnh khắc đó diễn ra rất nhanh, mặt trời lặn và ngọn tháp biến mất trong màn đêm u tịch”.
Một tuần sau, Hạ đột ngột nhận được toàn bộ thư từ và kỉ vật mấy năm yêu nhau do Vĩnh gửi trả lại, kèm theo đó là một lời xin lỗi để chia tay. Chỉ thế thôi rồi Vĩnh lặng im, để lại trong lòng Hạ nỗi nghẹn ngào cay đắng. Anh đã hẹn xong nhiệm vụ đợt đó sẽ nghỉ phép về Hà Nội để hai gia đình qua lại dạm ngõ với nhau, có lí do gì không thể nói ra mà anh lặng lẽ bỏ rơi cô một mình đơn độc?
Hạ lặn lội lên đơn vị của Vĩnh đóng trên vùng núi xa xôi hoang vắng. Những người lính ân cần đón cô bằng tình cảm thương yêu xen chút ngậm ngùi. Chỉ huy đơn vị tóc đã ngả màu sương, nhìn Hạ bằng một cái nhìn xa xót: Về đi cháu, Vĩnh đã xuất ngũ rồi, đừng tìm cậu ấy nữa. Hạ về tận quê Vĩnh, ngôi nhà nhỏ phía trước trồng hai cây mộc lan mà có lần Vĩnh đã dẫn cô về thăm, hàng xóm nói bố mẹ Vĩnh đã đóng cửa đi đâu cả năm nay không ai rõ. Hạ lủi thủi men theo bờ đê cháy rực màu hoa gạo đỏ, cơn gió ngược chiều tê tái thốc vào tim.
Hạ cố tìm mọi cách để quên anh nhưng không thể. Cô vẫn nhìn thấy anh mỗi ngày trong bức ảnh nhỏ để trên bàn làm việc, người sĩ quan công binh trẻ tuổi mặc bộ quân phục màu xanh rêu, vầng trán rộng và đôi mắt có ánh nhìn xa xăm hướng về phía trước. Ở Vĩnh toát ra một cái gì đó chân thành, ấm áp, thứ ánh sáng trong tâm hồn khiến tất cả mọi thứ xung quanh anh đều trở nên đẹp đẽ. Những ngày nỗi nhớ anh dội lên như sóng, Hạ một mình lang thang khắp những nẻo đường đong đầy kỉ niệm. Một lần cô dừng chân nơi quán cà phê phố cổ, trời mưa và ai đó tình cờ mở bài hát ‘Màu hoa đỏ” với giọng nam trầm tha thiết: Có người lính/ Mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo/ Có người lính/ Mùa xuân ấy ra đi từ đó không về/ Dòng tên anh khắc vào đá núi/ Mây ngàn hóa bóng cây che/ Chiều biên cương trắng trời sương núi/ Mẹ già mỏi mắt nhìn theo…
Hạ khóc, cô tha thiết muốn trở lại Cấm Sơn, cùng với cậu bé Seng tìm ngọn tháp đá rực lên trong nắng lúc chiều buông xuống thung lũng mờ xa thăm thẳm.
Seng đang trong những ngày cuối cùng của năm học lớp mười hai, cậu bé ấp ủ ước mơ thi vào học viện Biên phòng. Con đường cậu đến trường ngang qua tấm bia tạc lời người xưa vào đá, ngang qua dãy núi đá cây rừng chưa phủ kín vết thương, ngang qua ngôi nhà nhỏ có người đàn bà đêm đêm âm thầm nghiền nỗi nhớ thương nát vụn trong cối đá.
Hạ vẫn ở lại Cấm Sơn.
Một buổi chiều mế Lung lên rẫy về, sững sờ thấy Hạ đứng lặng bên chiếc cối xay nặng trĩu. Bàn tay khô gầy đặt trên cần đẩy, nước mắt tràn xuống ướt đẫm bờ mi. Trong lòng cối mấy hòn đá chỏng chơ câm lặng.
Mế giữ chặt tay Hạ, thảng thốt:
– Mế xin con. Con còn trẻ quá.
Hạ gục đầu vào vai mế, òa lên khóc:
– Con không sao quên được anh ấy, mế ơi.
Mế Lung thức trắng đêm nghe tiếng rền từ núi thẳm vọng về, sáng hôm sau mế một mình lên pháo đài Đồng Đăng, nơi cỏ dại và gai góc mọc đầy xung quanh cửa hầm đã bị quân giặc giật sập bằng thuốc nổ. Những người làm nương gần đó vẫn thường kể rằng vào lúc chiều tà thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng lao xao từ bên dưới ngách hầm vọng lên rồi vụt tắt. Mấy trăm linh hồn tụ lại trong đó mãi không tan.
Mế Lung mang về hai nắm đất đen rã rời vì mưa gió, chôn xuống ngọn đồi phía sau nhà rồi đắp lên hai nấm mồ nho nhỏ. Que nhang lập lòe cháy đỏ trong chiều. Những giọt nước mắt cạn khô sau mấy chục năm mòn mỏi. Khi Hạ trở về cùng với bức vẽ hoàng hôn trong thung lũng, cô ngạc nhiên thấy chiếc cối xay đã được chở khỏi căn nhà nhỏ.
– Mế không cần chiếc cối này nữa sao?
– Mế đem cho người ta để lấy chỗ đựng hoa hồi.
Hạ xao xuyến nhận ra bây giờ đã là tháng năm, những cánh rừng hồi trên triền núi trập trùng thăm thẳm bắt đầu tỏa hương thơm ngát. Công binh gỡ mìn đến đâu, rừng quế, rừng hồi, rừng thảo quả lên xanh đến đó. Mế Lung phơi hoa hồi trên khoảng sân sau ngập nắng, mùi thơm dịu nhẹ ủ khắp căn nhà nhỏ để giấc ngủ của Hạ bớt chập chờn đêm đêm.
Hạ trở về thành phố vào một ngày tháng sáu, mang theo bức vẽ ngọn tháp đá chói lòa trong ánh hoàng hôn nơi thung lũng núi. Vĩnh đã nhìn thấy ngọn tháp này trước khi định mệnh khắc nghiệt đưa cuộc đời anh rẽ sang ngả khác.
Seng tiễn cô ra ga Đồng Đăng. Còi tàu hú lên từng nhịp dài thê thiết. Hạ quay sang nhìn Seng đau đáu: Em còn điều gì giấu chị phải không?
Seng lặng im nhìn ra dãy núi mờ xa, tự dằn lòng bởi lời đã hứa như dao chém vào trong đá.
Chiều hôm đó, cậu tìm đến ngôi nhà nhỏ nằm khuất sâu giữa những cánh rừng hồi, nơi có người thương binh sống âm thầm cùng với cha mẹ già bên đôi nạng gỗ. Anh bị tàn phá gần hết cơ thể vì một vụ nổ bất ngờ trong lần rà mìn trên điểm cao 803, lùi về đây sống cả đời lặng lẽ để người con gái mình yêu khỏi nặng gánh khổ đau.
– Cô ấy đã về rồi chứ?
Seng nghẹn ngào gật đầu.
Vĩnh không nói gì, ngoài xa kia ngọn tháp đá sáng rực lên trong chiều biên giới.
KÝ ỨC LOÀI THIÊN ĐIỂU
Nàng đi tìm đôi cánh của mình. Đó là một hành trình dài nhuốm màu cô độc. Mỗi khi hoàng hôn buông xuống, bầu trời cũ càng trở nên xa xôi thêm một chút khiến nàng thảng thốt tưởng như mình vĩnh viễn mắc kẹt lại giữa chốn nhân gian.
Tôi gặp nàng bên bờ vịnh Gió vào một buổi chiều cuối mùa đông, biển lạnh và rất vắng người. Những con sóng trầm trầm chậm rãi đổ từng đợt vào bờ kè tung bọt trắng xóa như bông tuyết. Nàng choàng một chiếc khăn thêu hoa diên vĩ, tấm khăn choàng thướt tha ấy khiến cho bước chân nàng trông bay bổng như thể đang lướt đi trên cát.
Lúc đó tôi vừa mới rời công ty sau vụ đổ bể của dự án xây dựng khu du lịch sinh thái ở Miên Sơn, đồng thời cũng dọn luôn ra khỏi biệt thự gia đình trong khu đô thị cao cấp. Tôi giải thích ngắn gọn với bố mẹ về lí do mình muốn chuyển đi. Mẹ nhìn tôi với ánh mắt đượm buồn còn bố vẫn giữ nguyên nụ cười nửa miệng quen thuộc: Mày làm thế cũng đỡ nhục đôi phần, con ạ. Bởi vì chẳng sớm thì muộn thì công ty cũng sa thải mày thôi, chẳng ai chịu nổi một kẻ bốc đồng, vô dụng lại có tính khí thất thường như thế này cả.
Nhờ câu nói của bố mà tôi ra đi với tâm trạng nhẹ nhõm. Nhiều lúc tôi tự hỏi có phải mình thật sự là con của bố mẹ không, hay một con cò nào đó đã gắp tôi từ đầm lầy rồi đưa đến cho bố mẹ nhận nuôi như trong truyện cổ tích. Hoặc cũng có thể bố mẹ nhặt tôi về từ bãi rác cũng nên, thằng Huy răng sún học cùng tôi từ hồi tiểu học đã nhiều lần nói là mẹ nó kể như vậy khi nó hỏi con sinh ra từ đâu. Dù đúng hay sai thì thằng Huy cũng có một câu trả lời. Còn tôi, tôi mãi mãi mang theo nỗi băn khoăn ấy suốt thời thơ ấu.
Chính vì lí do đó nên tôi cảm thấy thân thuộc với nàng ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên. Cơn mưa bất ngờ đưa nàng tới trú chân ở cái chòi lá bỏ hoang bên bờ biển vắng, nơi tôi vẫn thường băng qua những buổi chiều dài lê thê bằng cách pha màu rồi bôi xóa lên tấm toan mãi chẳng thành hình.
– Này cô gái, em đến từ đâu vậy?
– Em cũng không biết nữa – Nàng trả lời với ánh nhìn xa vắng.
Khoảnh khắc đó tôi bỗng thấy như trái tim mình lỡ nhịp bởi đôi mắt đen sâu thẳm của nàng. Đôi mắt mang vẻ đẹp u uẩn của kẻ lạc loài, bơ vơ và đơn độc giữa cõi người rộng lớn.
Nàng là một nghệ sĩ hạc cầm. Muốn chơi được loại nhạc cụ ấy phải khổ luyện ròng rã cả chục năm, có những khi giai điệu du dương mềm mại cất lên mà ngón tay lướt trên dây đàn ứa máu. Nàng từng mang theo cây hạc cầm biểu diễn nhiều nơi, thế nhưng mãi không vượt qua được nỗi cô đơn vô hạn mỗi khi âm thanh cuối cùng tắt đi rồi, chỉ còn lại một mình trơ trọi dưới ánh đèn sân khấu.
– Người chơi hạc cầm rất ít, người nghe được hạc cầm cũng ít ỏi vô cùng.
– Bây giờ em vẫn chơi đàn chứ?
Nàng thả chiếc vỏ sò xuống con sóng vừa tràn lên, ngẩng đầu nhìn bầu trời mùa đông trắng xám như tấm màn lâu ngày buông chùng xuống:
– Hình như đó đã là định mệnh của em rồi. Không phải em chọn cây đàn, mà cây đàn ấy đã chọn em.
Mẹ cũng từng nói với tôi như thế vào cái đêm tôi đem tất cả những bức tranh vẽ trong suốt mấy năm trời ra sau nhà để đốt, tàn tro bay lên nghi ngút như lễ hóa vàng. Đó là năm tôi học lớp mười hai. Sau rất nhiều lần thuyết phục nhưng thấy tôi vẫn chỉ điền một nguyện vọng duy nhất vào trường Đại học Mỹ thuật, bố mẹ liền quyết định đưa tôi đến nhà một họa sĩ danh tiếng mà tôi hằng ngưỡng mộ. Họa sĩ trầm ngâm trước những bức tranh của tôi rất lâu, thở dài bảo rằng rất tiếc thứ mà tôi đang theo đuổi không phải là nghệ thuật. Với tài năng chỉ có chừng này, cho dù có nỗ lực suốt đời tôi cũng chẳng thể nào thành danh, may mắn nhất thì cũng chỉ là anh thợ vẽ truyền thần bên hè phố.
Đêm hôm đó khi tôi chuẩn bị ném bức tranh ấy vào lửa, mẹ chợt giữ lấy tay tôi:
– Con đừng đốt bức này được không? Nếu được số phận lựa chọn, nhất định một ngày nào đó con đường này con sẽ quay trở lại.
Lúc đó tôi đã quyết định buông bỏ tất cả nên để lại hay hỏa thiêu bức tranh thì cũng chẳng thấy có ý nghĩa gì. Thế rồi rất nhiều năm về sau, khi đã tốt nghiệp trường Kinh tế rồi đi làm trong công ty của bố, một ngày nọ tôi tình cờ lướt qua trang web của hội Mỹ thuật, đọc thấy cuộc thi dành cho các tài năng trẻ. Trong phút bốc đồng tôi gửi tác phẩm còn sót lại của mình đến dự thi, tất nhiên không đề tên. Bức họa vô danh ấy đã dành được giải Nhất với rất nhiều lời ngợi khen của hội đồng chuyên môn uy tín, trong đó có cả vị họa sĩ danh tiếng đã từng xem tranh cho tôi ngày trước.
Tôi tò mò bớt chút thời gian tìm hiểu về ông ta, bất ngờ phát hiện một điều bí mật rằng sau lần gặp gỡ bố con tôi năm ấy, phòng tranh tư nhân của ông nhận được một khoản hỗ trợ khổng lồ do bố đầu tư.
– Hẳn là vào cái đêm những bức tranh bị thiêu trong ngọn lửa, mẹ anh đã cố gắng nói với anh một điều gì đó – Nàng trầm tư nhìn vệt màu tôi vừa vẽ nên trên tấm toan – Tiếc rằng anh không thể nhận ra.
– Hồi ấy anh vẫn còn quá trẻ, mà thế giới của người lớn thì thật giả lẫn lộn vô chừng.
Nàng xoay người nhìn về phía xa xăm:
– Bởi vậy chúng ta mãi lạc lối trong cõi người, giữa những điều kì lạ, bí ẩn và cả tăm tối nữa.
Những ngày cuối năm vịnh Gió buồn vắng đến lạ lùng. Hầu hết khách du lịch đã trả phòng quay về thành phố, chỉ còn vài người vì lí do công việc phải nán lại đều tỏ vẻ vội vã sốt ruột muốn nhanh chóng rời đi. Tôi chưa nghĩ đến việc đoàn tụ với gia đình dù đôi lúc vẫn nhớ đến bố mẹ và những kí ức ngủ quên thời thơ ấu. Nàng hình như cũng chẳng còn chốn nào để trở về. Chúng tôi dành hầu hết thời gian lang thang cùng nhau dọc theo bờ cát đìu hiu, mỏi mắt tìm bóng hải âu nơi chân trời xa thẳm.
– Sẽ ra sao nếu mang trong mình đôi cánh của loài chim?
Nàng bất chợt hỏi tôi với giọng mỏng manh như khói.
– Nếu vậy thì thật may mắn, chỉ cần tung cánh là có thể bay lên. Giữa không gian vô tận ấy chẳng có nỗi ưu phiền nào cả.
– Em nghĩ mọi chuyện không đơn giản như vậy đâu – Nàng nhặt một chiếc vỏ sò rồi bắt đầu vẽ những đường xoắn kì quặc lên bờ cát – Họ sẽ thấy bất hạnh vì luôn khao khát bầu trời rộng lớn ngoài kia nhưng bị giữ chặt trên mặt đất bởi sợi dây ràng rịt của loài người, buộc phải thu đôi cánh lại dẫu trong lòng luôn ngập tràn muôn vàn nhớ thương và nuối tiếc.
Tôi quay sang phía nàng, bất chợt nhận ra thoáng sầu muộn lướt qua khuôn mặt xinh đẹp của nàng nhanh như cơn gió. Nàng kể rằng năm lên mười tuổi, có một lần mẹ nàng đưa nàng đến Miên Sơn, nơi từng là quê cũ của bà ấy. Nàng khấp khởi vui mừng vì có thể gặp ông bà, cô dì chú bác hay vài người họ hàng thân thích nào ở đó bởi từ bé đến giờ chưa được về quê. Thế nhưng ngày này qua ngày khác ở Miên Sơn, mẹ chỉ dẫn nàng đến một quán trà vắng vẻ, ngồi trầm tư đến khi chiều muộn bỏ mặc con gái thơ thẩn một mình.
Hình như lúc đó là mùa xuân, rặng huyết mộc chạy dọc theo triền núi nở hoa rực rỡ. Nàng theo lũ trẻ nhặt những bông hoa mới rụng còn nguyên cánh xếp đầy từng chiếc gùi mây. Nghe nói hoa này sau khi đem về cho người lớn họ sẽ rửa sạch bằng nước suối đầu nguồn, rải ra phơi mười ngày dưới nắng mười đêm dưới trăng rồi dùng để pha một thứ trà có hương thơm lạ lùng với màu đỏ tươi như máu.
– Cậu ở lại đây với bọn tớ đi – Thằng bé lớn nhất trong đám lau nhau nói vậy sau khi nàng dành cả buổi chiều nhặt hoa giúp chúng – Tới lúc có trà huyết mộc rồi, tớ sẽ xin cha tớ cho cậu một ngụm.
– Đừng bao giờ uống thứ trà đó – Một cô bé gầy gò có đôi mắt đen u buồn bước lại gần thì thầm vào tai nàng – Mẹ tớ bảo nếu uống trà huyết mốc vào cậu sẽ quên hết không bao giờ nhớ ra chuyện cũ nữa.
Câu nói đó khiến nàng sực nhớ đến mẹ của mình. Chiều nay mải mê nhặt hoa nên nàng đã đi quá xa khỏi chỗ mẹ hay ngồi, vội vã quay trở lại nhưng không tài nào tìm ra góc quán quen thuộc ấy nữa. Trời sập tối rất nhanh, nàng chạy đi chạy lại mãi giữa những lối đi quanh co ngoắt ngoéo phủ đầy sương, tuyệt vọng òa lên khóc. Đúng lúc đó từ trong sương mờ có một bóng người tiến lại gần. Nàng nhận ra đó chính là cô bé có đôi mắt đen buồn bã mình đã gặp lúc chiều.
– Tớ bị lạc đường rồi – Nàng vừa nói vừa mếu máo.
– Cậu có muốn tìm lại mẹ không?
Nàng lau nước mắt gật đầu. Cô bé xa lạ liền nắm tay nàng dắt đi mãi cho tới lúc đến gần một hồ nước rộng mênh mông sáng lóa dưới ánh trăng lạnh lẽo. Nàng thấy mẹ đứng trên doi đất cao nhất nhô ra ven hồ, hai tay vươn thẳng lên trời chuyển động như đang múa nhưng nhìn kĩ lại thì không phải là tay mà là đôi cánh chim phủ đầy lông vũ. Vào khoảnh khắc bà ấy vẫy đôi cánh như thể sắp sửa bay lên, nàng cuống quýt vừa chạy tới vừa gọi mẹ, không ngờ vấp phải một cục đá ngã xuống ngất xỉu.
Nàng thức dậy trong căn phòng quen thuộc ở khách sạn. Mẹ đang ngồi ngay bên cạnh, gương mặt đầy vẻ lo âu.
– May quá con đã tỉnh lại rồi – Mẹ nàng đặt tay lên trán nàng âu yếm – Hôm qua con mải chơi đi lạc, mẹ hoảng hốt lắm con có biết không?
– Con xin lỗi mẹ, lần sau con sẽ không như thế nữa.
Sau một khoảng trầm tư rất lâu, mẹ nàng chậm rãi rót một thứ nước màu đỏ từ bình sứ ra đặt vào tay nàng:
– Con uống đi cho nhanh khỏe lại nhé.
Nàng đưa chén nước lên miệng, vị đắng ngấm vào đến tê lưỡi nhưng mùi hương tỏa ra lại thơm đến lạ lùng. Bỗng nhiên lời thì thầm của cô bé có đôi mắt đen u buồn hiện về trong tâm trí nàng, đừng bao giờ uống thứ trà huyết mộc đó, đừng bao giờ.
Mẹ chạm nhẹ tay vào mũi nàng, ngụm thuốc trôi tuột xuống cổ.
Một lát sau khi mẹ ra ngoài thì nàng chui vào nhà vệ sinh, nôn ra một thứ nước nồng nồng màu đỏ. Chuyện đó nàng vĩnh viễn giấu kín không bao giờ kể cho mẹ biết.
– Mẹ em mang huyết thống của loài thiên điểu. Nếu lúc đó em không cất tiếng gọi hẳn là bà đã bay lên với bầu trời.
Nàng nói thế với giọng bình thản sau khi đưa cho người chủ quán một chiếc túi nhỏ đựng trà. Chúng tôi đang ngồi trong cái quán tồi tàn cuối bờ vịnh Gió, bàn ghế và những đồ trang trí xung quanh cũ kỹ đến nỗi tưởng chừng như vị khách cuối cùng đến đây có lẽ đã chục năm. Sáng nay nàng nói muốn tìm nơi nào vắng vẻ để gảy một khúc hạc cầm. Thế rồi trong lúc chờ chủ quán ủ trà hoa, nàng bỗng nhớ ra câu chuyện về những bông huyết mộc ở Miên Sơn thuở xa xôi ấy.
– Thật ra mẹ em là một diễn viên múa nổi tiếng với nhan sắc xinh đẹp tuyệt trần. Cha em yêu mẹ say đắm đến nỗi ngay cả khi đã cưới được bà rồi, ông vẫn mua tất cả các vé để bao hết rạp hát mỗi khi có tiết mục của bà biểu diễn. Dần dần mẹ em không còn khán giả nào khác nữa, bà buộc phải rời xa sân khấu. Hẳn là mẹ em đã rất buồn, những năm tháng ấu thơ hầu như em chẳng thấy mẹ cười khi nào cả.
Tôi bất giác nhìn xuống đôi bàn tay trống trải của mình:
– Có những chuyện lãng quên đi biết đâu sẽ tốt hơn. Chắc đó là lí do mẹ muốn em uống hết chén trà huyết mộc.
Một cơn gió từ ngoài vịnh thổi vào khiến đôi vai bé nhỏ của nàng khẽ run lên. Ngả đầu về phía cây hạc cầm diễm lệ, nàng bắt đầu lướt ngón tay thon dài trên những sợi dây. Chuỗi âm thanh kỳ diệu nối nhau tuôn dài như thác chảy qua thung lũng núi đồi, mang theo mùi hương thơm ngát của muôn vàn loài hoa dại cùng ánh mặt trời thuở hồng hoang lấp lánh. Tôi nhắm mắt lại và hình dung thấy một khoảng không gian huyền bí mênh mông đang mở ra trước mặt.
Nàng buông tay khỏi dây đàn, một giọt lệ trong veo ứa ra trên khóe mắt.
– Chúng ta đều mang trên mình đôi cánh của loài chim. Chỉ có điều khi nhận ra thì đã quá muộn.
Tôi vụng về lau nước mắt cho nàng, làn da nàng mềm mại nhưng lạnh buốt. Làm sao tôi có thể sưởi ấm trái tim băng giá của nàng khi tâm hồn tôi cũng chỉ là một đống tro tàn lạnh lẽo. Hai mươi tám tuổi, tôi có gì ngoài chuỗi con số kéo dài trong tài khoản, tiếng vỗ tay chúc mừng từng thương vụ thành công hay những đêm tiệc tùng mà sáng ra thấy mình mệt rũ. Thỉnh thoảng tôi muốn biến đi đâu đó khỏi đống chộn rộn xô bồ, để rồi khi bố lôi tôi về nhét vào tay một dự án mới, ông liên tục càu nhàu: Sao tao lại sinh ra một đứa con trai lêu lổng như mày chứ.
Dù cố gắng đến mấy tôi vẫn chưa bao giờ làm bố hài lòng. Hai bố con chẳng thể hiểu nhau, đó cũng là nguyên nhân khiến kế hoạch đầu tư xây dựng ở Miên Sơn đổ vỡ. Sau một tuần lễ lang thang theo những con thuyền, tôi thuyết phục bố từ bỏ việc đàm phán để người dân đồng ý di dời khỏi ngôi làng nhỏ ven hồ lấy đất cho khu du lịch sinh thái.
– Có bao giờ em hỏi mẹ về đôi cánh của bà ấy không?
Nàng buồn bã đáp:
– Em mãi mãi không kịp hỏi điều đó. Một buổi sáng thức dậy thì mẹ đã rời đi như thể tan biến vào không khí. Cha em yêu mẹ vô cùng nên chẳng có cách gì vượt qua cú sốc. Ông thất vọng đắm chìm trong rượu, công việc kinh doanh ngày càng trượt dốc. Hai năm sau thì cha mắc bệnh nặng rồi qua đời, người ta đưa em vào cô nhi viện. Chính tại nơi đó em bắt đầu làm quen với hạc cầm.
Tôi bối rối không biết phải nói gì để an ủi nàng. Vừa lúc ấy người chủ quán mang trà ra, một làn hơi mỏng bốc lên từ chiếc chén tử sa màu nâu sẫm.
– Hẳn là mẹ em có những điều chẳng thể nói ra – Tôi chợt thấy giọng mình như trầm xuống – Hồi đến Miên Sơn công tác, anh tình cờ biết được một câu chuyện cổ như thế này. Em có muốn nghe không?
Truyền thuyết xứ Miên Sơn kể rằng cách đây lâu lắm rồi, có một chàng trai nghèo sống đơn độc trong ngôi nhà lợp lá. Một buổi chiều nọ trên đường đi đốn củi về ngang qua hồ, chàng tình cờ nhìn thấy những nàng tiên từ trời bay xuống. Họ để lại đôi cánh trên bãi cỏ rồi mải mê đắm chìm vào làn nước xanh biếc để tắm mát. Chàng trai rón rén lén giấu đi đôi cánh của nàng tiên út, nàng tiên xinh đẹp nhất. Tới lúc trời sập tối, các nàng tiên lên bờ mang cánh vào vội vã bay về, riêng nàng út không tìm thấy cánh nên òa lên khóc. Chàng trai vội vã bước ra an ủi nàng. Cuối cùng trong cảnh bơ vơ và sợ hãi, nàng đành theo chàng về nhà. Dần dần nàng thấy cảm động vì sự săn sóc ân cần chàng trai dành cho mình nên đã nhận lời nên duyên chồng vợ.
Nàng tiên ở lại với con người.
Sang năm sau nàng sinh hạ được một bé trai, chồng nàng càng quấn quýt yêu chiều nàng gấp bội. Lúc đó nàng vẫn nghĩ rằng cuộc đời mình thật may mắn khi lạc bước xuống trần gian vô tình gặp được duyên kì ngộ, cuộc sống vĩnh hằng nghìn năm nơi cõi tiên chẳng còn gì để nuối tiếc khi giữa nhân gian có một tấm chân tình.
Mọi thứ sẽ êm đềm và đẹp đẽ biết bao nếu như không có buổi chiều định mệnh ấy. Chồng nàng đi sang làng bên kia núi để đổi hạt giống cho mùa sau, gặp phải cơn mưa lớn nên chưa trở về trong ngày như đã dặn. Con trai đã ngủ say, một mình ngồi trong nhà nhìn mưa ào ạt trắng xóa đất trời mỗi lúc càng thêm sốt ruột, nàng bỗng nhiên nảy ra ý nghĩ hay là leo lên gác bếp lấy một bó rơm nếp xuống bện cây chổi mới để đỡ buồn chân tay. Trước nay việc phơi rơm, cất rơm, bện chổi chồng nàng vẫn tự tay làm, nàng chưa bao giờ phải đụng đến. Lần này trở về hẳn là chồng sẽ hết sức ngạc nhiên.
Thế rồi trong ánh chớp lóe lên soi tỏ căn gác tối tăm chật hẹp, nàng bỗng nhiên nhìn thấy nó, thứ mà nàng tưởng mình đã vĩnh viễn đánh mất rồi.
Đôi cánh tiên của nàng.
Nàng òa lên khóc khi cầm trên tay đôi cánh rã rời. Đôi cánh nàng bỏ xuống bên hồ nước năm xưa trước khi lội xuống tắm cùng với các chị em, chính chồng nàng đã giấu đi để giữ chân nàng ở lại. Trái tim nàng như vụn vỡ. Tình yêu và cuộc hôn nhân của nàng với người đàn ông xa lạ chốn trần gian hóa ra nảy mầm từ một hạt giống dối lừa.
Nỗi nhớ thương chốn cũ như ngọn lửa âm ỉ trong lòng nay cháy bùng lên, nàng định cất bước ra đi nhưng rồi lại ngập ngừng khi nhìn thấy đứa con thơ đang say ngủ. Bên ngoài mưa bắt đầu tạnh dần. Bầu trời đột ngột sáng bừng ánh hồi quang rực rỡ. Túp lều nhỏ và rặng cây ướt đẫm như run rẩy dưới vẻ đẹp diệu kì của những vầng mây phát sáng phía trên cao. Nàng tiên nhẹ nhàng hôn lên trán con rồi mang đôi cánh bay vút về nơi xa thẳm.
Câu chuyện này tôi được nghe kể trong một đêm mùa đông cắm trại ở Miên Sơn, người kể chuyện là nữ hướng dẫn viên du lịch trẻ tuổi có đôi mắt đen u buồn. Cô thả từng chiếc lá huyết mộc khô vào lửa, nói rằng trong mỗi truyền thuyết luôn chứa một phần sự thật. Sau khi nàng tiên rời đi, đứa trẻ lớn lên lặng lẽ bên cạnh cha mình, đến tuổi trưởng thành lập gia đình như bao người bình thường khác. Từ đó trở về sau giữa nhân gian có những người mang trong mình huyết thống của loài thiên điểu. Kí ức về bầu trời ẩn sâu một nơi nào đó trong tiềm thức thành nỗi khát vọng mơ hồ.
Gió tiếp tục nổi lên từ bên kia bờ vịnh. Tôi chậm rãi khuấy tách trà, lòng bất chợt băn khoăn:
– Anh vẫn không hiểu tại sao nàng tiên lại lựa chọn chia ly, lẽ nào nàng không còn tin vào tình yêu của chàng trai nơi trần thế?
Nàng mỉm cười thật buồn:
– Em nghĩ có thể vì tình yêu của loài người thường đi kèm với sự ích kỷ và chiếm hữu. Người đàn ông ấy ngỡ rằng sẽ giữ được vợ mình bằng cách giấu đi đôi cánh, nhưng rồi chính vì lí do đó mà anh ta đánh mất nàng vĩnh viễn.
– Trái tim luôn có lí lẽ riêng của mình, đôi khi nó khiến người ta làm những việc chẳng thể nào lí giải được – Tôi nói vậy mà bỗng thấy lòng buồn quá đỗi – Anh chưa bao giờ nghe được một kết thúc đẹp đẽ nào cho chuyện tình giữa người trần và tiên giới. Nàng tiên ấy là loài thiên điểu, cho dù sống bao nhiêu năm giữa cõi trần gian vẫn khôn nguôi nỗi nhớ tiếc bầu trời.
Dường như một cơn gió lướt qua cây hạc cầm làm dây đàn khẽ rung lên.
– Có lẽ là anh nói đúng. Nếu ai đó nhận ra mình mang đôi cánh của loài chim, sớm hay muộn cũng sẽ chọn trở về với bầu trời rộng lớn – Nàng nói vậy sau một khoảng lặng im vô tận – Đã muộn quá rồi, anh hãy uống trà đi.
Bây giờ tôi mới nhận ra chiếc túi nhỏ nàng đưa cho người chủ quán khi bước vào đây dùng để đựng trà hoa huyết mộc. Chén trà đắng của mình nàng đã uống rồi, chén còn lại dành cho tôi. Nhân duyên chỉ là một khoảnh khắc gặp gỡ trong đời, uống cạn chén trà này chúng tôi sẽ quên nhau vĩnh viễn.
Nàng rời khỏi vịnh Gió ngay buổi sáng ngày hôm ấy sau khi chơi hết khúc hạc cầm. Bóng nàng lẫn vào sương, nhẹ nhàng và thanh thoát như một cánh chim biến mất trong vô tận.
Tôi trở về thành phố, cùng với vài người bạn thành lập một công ty mới trong lĩnh vực kiến trúc và dành thời gian rảnh rỗi tiếp tục giấc mơ thời trẻ bên những bức tranh. Tôi không gặp lại nàng lần nào. Có nhiều đêm thức trắng trước giá vẽ, tôi cố gắng hình dung ra gương mặt của nàng nhưng tất cả mọi đường nét đã nhòe đi trong quên lãng.
Ở một chốn xa xôi nào đó tên gọi là Miên Sơn, bên bếp lửa bập bùng người ta vẫn kể cho nhau nghe truyền thuyết cổ xưa về loài thiên điểu.
15/1/2024
Trần Thị Tú Ngọc
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Dăm phía đời, gác lại…  Phương nói về lão tình nhân người Úc của mình gần hết một buổi tối. Phương nói nó đòi cưới, cả lũ lao nhao phản ...