Thứ Ba, 29 tháng 10, 2024

Nguyễn Quang Thiều với "Nhật ký người xem đồng hồ"

Nguyễn Quang Thiều với
"Nhật ký người xem đồng hồ"

Nhật ký người xem đồng hồ là tập thơ mới nhất của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Tập sách thể hiện rõ nét những đặc trưng và phong cách thơ rất riêng của anh. Điều dễ nhận thấy ở tập thơ này là Nguyễn Quang Thiều đã sử dụng dày đặc hệ thống các biểu tượng trong từng câu thơ, bài thơ; tạo nên những dấu ấn đặc biệt và tiếng thơ ấy cũng chính là tiếng lòng đầy trắc ẩn của một người từng trải như anh. Hệ thống những biểu tượng trong thơ Nguyễn Quang Thiều có sức dung chứa và gợi mở đến vô cùng, đó như là chất liệu nghệ thuật để kiến tạo hiện thực trong nhiều mối quan hệ đa dạng của cuộc sống thực tại và cả ở chiều sâu tâm linh.
Thơ Nguyễn Quang Thiều không phải là loại thơ dễ đọc, dễ hiểu, dễ cảm. Đọc thơ anh phải đọc chậm, vừa đọc vừa ngẫm ngợi và liên tưởng mới có thể nhận ra những ẩn ý sâu xa mà nhà thơ gửi gắm vào đó.
Thơ Nguyễn Quang Thiều mang đậm dấu ấn của thơ hậu hiện đại với trùng điệp các biểu tượng giàu sức gợi và đầy ám ảnh. Bút pháp ảo hóa với những suy tưởng, triết luận về đời, về người, về mọi thứ đã – đang và sẽ xảy ra. Nhà thơ đối thoại với chính mình, độc thoại với bản thân, đối thoại với thế giới xung quanh trong cái nhìn đa chiều. Dường như ở bất cứ khoảng thời gian nào, không gian nào, bất cứ điều gì trong cái nhìn của Nguyễn Quang Thiều cũng đầy ắp những sự kiện, hình ảnh; chúng luôn quẫy đạp và diễn ra đến vô cùng… Bởi đời sống con người thời hiện đại vốn dĩ đã phức tạp, mọi thứ luôn biến chuyển và đổi thay từng giờ, từng phút và nhất là các chuẩn mực về văn hóa, đạo đức dịch biến hỗn tạp, khó lường.
Biểu tượng thời gian: tháng, năm, đêm, ngày, sáng, trưa, chiều, giờ; biểu tượng ánh sáng, bóng tối; biểu tượng giấc mơ…  xuất hiện với tần số cao trong Nhật ký người xem đồng hồ. Trên cơ sở đó giúp nhà thơ mở lối, dò tìm, khai mở những tầng sâu vô thức, phóng chiếu từ hiện thực đến siêu hình, bí ẩn…; tiếp cho thơ sức cuốn hút và sự vẫy gọi đối với bạn đọc.
Từ Bản tin ngày, xảy ra ở bên kia nửa vòng trái đất, cách biệt về không gian địa lý, căn tính dân tộc; Nguyễn Quang Thiều lại có sự liên tưởng và xâu chuỗi liên hoàn, độc đáo để chuyển tải những điều sâu kín, đậm chất nhân văn. Ở đó còn hàm chứa những trăn trở và cả những nỗi bất an thường trực khi nhìn đâu cũng thấy bất trắc; bởi ngay ở  nơi an toàn nhất cũng hiện hữu sự hiểm nguy.
Viên cảnh sát da trắng/ bắn tám viên đạn vào một thanh niên da đen// Bình luận viên đi ăn trưa/ Ở bên kia trái đất/ Và nơi tôi – nửa đêm// Một cảm giác/ Lấn át sọ hãi/ Lất át đau đớn/ Loang ra như máu/ Trên chiếc khăn trải bàn ăn// Bên kia là giữa trưa/ Bên này nửa đêm// Tôi nhìn thấy/ Những con cá bị kẹt trong nước.
Từ bản thể cá nhân, Nguyễn Quang Thiều nhìn ra mọi hướng với cái nhìn biện chứng nhưng cũng lắm lúc ảo diệu, lung linh. Trong bài Mưa gần sáng, nhà thơ viết nhân ngày giỗ mẹ cũng tạo ra được những ám ảnh dư ba. Từ những sự vật, sự việc được nói đến, nhà thơ có sự liên hệ ngầm và kết nối chúng lại với nhau. Bằng những thủ pháp nghệ thuật, các hình ảnh tưởng bình thường lại trở nên độc đáo, sự đan cài giữa cõi mộng – ảo và thực – mộng đã mở ra những liên tưởng bất ngờ, thú vị. Hơi lạnh cơn mưa gần sáng/ Con rắn nước trườn qua tôi/ Giấc mơ còn đọng lại/ Trên chiếc lá ký ức/ Trong khu vườn thời gian// Nhớ mãi giấc mơ xa xôi/ Những ngày mẹ còn sống/ Tuổi thơ hoang hoang cánh đồng/ Cậu bé đứng im lặng/ Thời gian cũng ngừng trôi// Bông cúc vạn thọ lay nhẹ/ Nghĩa địa vọng giọng người xưa/ Mẹ lau nước mắt cho con/ Trên biên giới mùa thu mây trắng// Có một đứa trẻ vừa gọi mẹ vừa lớn/ Chợt già đi trong những cúc thẫm chiều.
Nhật ký người xem đồng – Tập thơ của Nguyễn Quang Thiều
Biểu tượng giấc mơ và người mẹ song hành trong bài thơ thể hiện dòng cảm xúc chân thành, da diết về người thân yêu nhất của chính chủ thể trữ tình. Mẹ chính là biểu tượng vĩ đại, là điểm tựa tâm hồn luôn thường trực trong tâm thức đứa con trên mọi nẻo đường đời. Vì thế, dù mẹ đã thành người thiên cổ thì đứa con vẫn “mơ” thấy mẹ dõi theo để an ủi, vỗ về…
Thơ Nguyễn Quang Thiều là tiếng nói của một con người luôn nỗ lực để sáng tạo, một trái tim nhân văn, nhân ái; với những khát vọng luôn muốn được khẳng định, tỏ bày. Khát vọng ấy vừa mạnh mẽ vừa dứt khoát bằng tất cả những biểu hiện phức tạp của thế giới nội tâm.
Những người lạc nhau là bài thơ gợi cho tôi nhiều suy ngẫm, bởi nhà thơ đã khéo léo gửi vào đó những khao khát, ước muốn rất nhân bản, vượt trên mọi lẽ thường phàm tục, thanh tẩy những mọn hèn, toan tính, hơn thua… Hướng về một thế giới đầy ắp tình yêu thương, ấm áp trong niềm tin, niềm hy vọng…
Có hai người lạc nhau/ Trên đường nhân gian dằng dặc/ Giờ trở về như mộng/ Gió dâng lên một bản phối diệu kỳ/ Và họ chính là ca từ/ Của bài ca buồn và đẹp// Không có gì đau đớn hơn người lạc người/ Không gì kỳ diệu hơn người tìm thấy người/ Dưới vòm cây tràn nắng/ Những con chim hót đắm say/ Câu chuyện họ bắt đầu lời thứ nhất// Nhưng có một người không bao giờ đi lạc/ Đêm đêm trở về cười trong bóng tối/ Cho những ngôi sao lần lượt hiện lên/ Soi rõ con đường trên đất/ Dẫn những người đi lạc trở về.
Đọc Nhật ký người xem đồng hồ, Nhà phê bình Hoàng Kim Ngọc đã rất có lý khi cho rằng: “Mỗi mốc thời gian trong thơ Nguyễn Quang Thiều lưu giữ một “sự kiện tâm hồn”.
Cảm thức thời gian đã in đậm dấu ấn trong tập thơ Nhật ký người xem đồng hồ. Thật đặc biệt khi có tới 24 nhan đề bài thơ trực tiếp nhắc đến thời gian như một tín hiệu nghệ thuật. Đó không chỉ là những mốc mặc định như ngày, sáng, trưa, chiều, đêm…(như: “Sáng chủ nhật”, “Giấc mộng trưa”, “Tin nhắn chiều 29.9. 2019”, “Đêm tháng Bảy”…) mà còn là những mốc thời gian cụ thể đến từng giờ từng phút (như: “Lúc 4:11’”, “0 giờ 17 phút”, “10:13’”…); thậm chí chi li đến từng giây (như bài: 10:3’10’’) …
Mỗi dấu mốc thời gian ấy lại có một bài thơ ra đời như những dòng nhật ký của tâm hồn. Ông đã ghi lại được những cảm xúc, suy nghĩ và đặt ra được những vấn đề có ý nghĩa xã hội từ những cái tưởng như rất bình thường, nhỏ nhặt”.
Ở Nhật ký người xem đồng hồ, Nguyễn Quang Thiều luôn có ý thức tạo dựng hệ thống thi ảnh từ trong chiều sâu của ký ức, của thực tại và cả những dự cảm ở thì tương lai. Từ những điều gần gũi, có thật quanh mình, thi nhân đã mường tượng, liên tưởng đến một khoảng không gian khác, thời gian khác với những phức cảm, sự dồn nén của cảm xúc thông qua hệ thống ngôn ngữ chắt lọc, cô đọng, đa tầng…
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã kết nối giữa quá khứ với hiện tại bằng kiểu tư duy phức hợp trong sự nghiệm suy, tương thông, linh cảm… Thời gian bò đến bậc cửa đêm/ Gien mèo trong máu thức dậy/ Chỉ một cái rùng mình như chợt lạnh/ Tôi đã lướt đi trong bốn chân mình// Tôi nhảy lên bậc cửa sổ/ Ngoái lại căn phòng quen thuộc/ Quần áo, giày tất tôi bỏ lại/ Bỏ lại bản lý lịch cá nhân/ Với một cái dấu đỏ/ Vết chàm trên da thịt tôi (Hóa mèo).
Khác với những tập thơ trước, ở Nhật ký người xem đồng hồ không còn nhiều những bài thơ, câu thơ dài dằng dặc mà thay vào đó có những bài thơ ngắn nhưng sức dung chứa và sự liên tưởng lại miên man đến vô cùng. Đặc biệt trong phần 2 của tập sách “Bản tự khai của một số đồ vật trong phòng viết” gồm 22 bài thơ ngắn, thậm chí có bài chỉ 1 câu thơ, 2 câu thơ, 3 câu thơ. Chẳng hạn: Tôi thơm hộ những người trước mặt (Lư đốt trầm); Chỉ thân xác tôi là sự thật (Television); Tôi đổ dầu vào ký ức một thi sỹ/ Thắp sáng những ngôn từ (Đèn dầu cũ); Tất cả các phím im lặng/ Để soạn thảo ký ức (Máy chữ cũ); Tên tôi là sự nhơ nhớp/ Để làm sạch những nhơ nhớp (Thùng rác); Tôi giúp chủ nhân tôi/ Tìm lại những lưu lạc (Sổ ghi chép cũ); Không phải con tàu Noah/ Nhưng cả thế giới trong đó (Piano); Gió thổi qua những ô cửa/ Lang thang và vô định (Kèn Acmonika); 12 giờ 01 phút./ Tôi treo xác tôi trên tường/ Ra đi (Đồng hồ Odo); Những chùm lá sống lại/ Mở những bàn tay/ Sông bắt đầu chảy (Ấm pha trà); Khi tôi thắp lên bóng tối/ Mọi gương mặt đã chết/ rực sáng (Giá nến)…
Bằng năng khiếu, vốn sống và cả vốn văn hóa Nguyễn Quang Thiều đã tổng hòa nhiều phương thức để xây dựng nên những hình tượng đầy ám gợi trong thơ. Ở đó, nhà thơ tiệp cận các thủ pháp nghệ thuật theo tinh thần hậu hiện đại: nghệ thuật sắp đặt, sáng tạo cấu trúc thơ theo kiểu phân mảnh, đứt đoạn, chảy theo tiềm thức – vô thức… với nhiều những ẩn dụ, liên tưởng bất ngờ, thú vị. Vì thế, thơ Nguyễn Quang Thiều đã tạo được phong cách lạ, độc đáo, riêng biệt trong dòng chảy của thơ ca Việt Nam đương đại.
10/1/2024
Nguyễn Văn Hòa
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cây nghiêng bóng thẳm

Cây nghiêng bóng thẳm Sim ngồi đầu hiên chải tóc cho mẹ mà mắt không thôi ngó cây sấu già trước nhà. Cây sấu này Sim nhổ ở hàng rào nhà ng...