Thứ Hai, 28 tháng 10, 2024

Truyện ngắn của hội viên mới Nông Quốc Lập

Truyện ngắn của hội viên
mới Nông Quốc Lập

Nông Quốc Lập tên thật Nông Văn Lập, sinh ngày 14.10.1980, quê quán Bản Khuông – Cốc Chia, xã Đoài Dương, Trùng Khánh, Cao Bằng, dân tộcTày. Anh đã từng học tại Khoa Báo chí Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội và làm việc ở  một số cơ quan báo chí, tham gia học lớp bồi dưỡng viết viết văn Nguyễn Du khóa I năm 2007.
Nhà văn Nông Quốc Lập đã xuất bản các tập truyện: Cánh cổng thiên đường (2007); Sống mượn (2012); Trước mặt là núi cao (2013, tái bản năm 2023); Chiếc hộp gỗ bí mật (2014); Chiếc vòng tay kỳ lạ (2015); Dạt dào ký ức (tiểu thuyết, 2018)’; Phận người miền biên ai (tiểu thuyết, 2021); Mùa tu hú gọi bầy (2022).
Anh đã đạt giải khuyến khích cho tập truyện Chiếc vòng tay kỳ lạ của Hội VHNT các DTTS Việt Nam, Giải C tập truyện ngắn Mùa tu hú gọi bầy của Hội VHNT các DTTS Việt Nam và một số giải thưởng Báo chí khác.
Nhà văn Nông Quốc Lập được kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023.
VẬT BÁU
Mấy hôm nay nhà chú Vĩnh tổ chức ăn uống như mở hội. Những người trong dòng họ lũ lượt ra vào, ai cũng vẻ mặt đỏ ửng vì rượu. Tiếng cười vui, tiếng cốc chén chạm nhau chan chát xen với tiếng chúc tụng làm chú Vĩnh cảm thấy trong bụng như vườn mận vào xuân phủ đầy sắc trắng. Những vết nhăn trên trán chú Vĩnh bỗng chốc tan biến đi đâu hết cả. Thằng Phóng vừa kéo tôi vừa giục.
– Nhanh lên đi anh, cuộc vui đã bắt đầu rồi.
– Được rồi. Nhưng mà này, hôm nay gia đình em tổ chức mừng kin hoằn khoăn (làm bụt lễ ăn mừng sinh nhật của người Nùng) cho chú Vĩnh mà anh lại không đem cái gì đến để gom hồn gom vía, anh thấy ngại lắm.
– Không phải cầu kỳ thế đâu anh ạ. Bố em cho mời thầy bụt, tào đến làm, tổ chức kin hoằn khoăn chỉ là cái cớ thôi.
Tôi định hỏi Phóng “mừng vì cái khác là cái gì?” thì đã bước chân tới gần cánh cửa chính. Tôi theo Phóng đi vào. Một số người nhìn thấy tôi liền chào mời tấp nập, người nào cũng muốn tôi ngồi vào mâm của họ để cùng nhau làm vài choóc cho thỏa lòng. Họ cung cung kính kính với tôi. Cũng phải thôi, gia đình tôi là trưởng dòng họ. Ông tổ dòng họ đến lập làng Phai Khắt, cụ kỵ nhà tôi là con trưởng dòng họ. Trèo cây phải giẫm lên từ cành gốc, người ta tôn trọng tôi cũng phải. Dù tôi có ở nhà thì họ vẫn luôn mồm gọi anh, gọi bác mặc dù tuổi đời của tôi cùng lắm chỉ đáng là em là cháu. Đằng này tôi lại đang làm việc ở thành phố, mỗi năm về nhà được có vài lần là may. Ông bà ta chẳng có câu “dzu sấư bẳng phầy, dzú quây bẳng bióc” (ở gần nhau như ngọn lửa, ở xa nhau tựa đóa hoa) là gì. Ở gần suốt ngày giáp mặt, không chửi nhau đã là may lắm rồi. Người đi xa khi về mới đáng quý. Mà quý thì nhiều người mời tới nhà chơi uống rượu ăn nắm xôi với thịt gà. Nhưng có mấy khi được uống rượu, ăn xôi thịt gà mái tơ? Mỗi lần về thăm nhà được ít bữa, tôi định bụng sẽ ở lỳ trong nhà nhưng nào có được. Biết tôi về họ đến nhà rủ đi uống rượu nhắm với nắm lạc rang, khi đĩa nuộm nõn chuối ướp dấm gạo, cũng có khi uống rượu trắng với vài cọng rau dại luộc. Có khi chỉ uống rượu suông, chén anh chén chú đến say mèm. Mà kỳ lạ thay, người ở quê tài thật, suốt ngày uống rượu họ vẫn chịu được. Có người còn lấy rượu chan cơm thay canh, thấy mà sợ. Mỗi lần về quê tôi đều thấy họ như thế, chẳng có gì thay đổi. Thậm chí còn có nhiều người uống hơn. Những cái quán cóc sáng mới cất chảo rượu, chỉ vài tiếng sau là bán sạch. Có người uống rượu quên luôn cả việc ăn cơm. Nhiều lần chứng kiến những con sâu rượu say khướt, thấy ngán. Đã có không ít người chết vì rượu, trẻ có, già có… Lúc bình thường họ gọi tôi một câu anh, hai câu bác, có người còn gọi theo con xưng cháu với ông. Vậy mà khi say thì tôi bỗng được người ta đổi tên thành tên Thằng tên Mày nào đó còn họ trở thành Tao, Tớ. Rồi họ chỉ tay, nghiêng mình ngó vào tận mặt, cứ như là họ chưa nhìn thấy tôi bao giờ. Biết vậy, lần này tôi về ban đêm, những tưởng không có ai biết, nào ngờ tôi vẫn không tránh khỏi những cặp mắt của những người trong họ. Có ai đã nói uống rượu có ba loại, tiên tửu, nhân tửu và quỷ tửu. Nhân tửu chẳng có mấy người, tiên tửu thì từ lâu đã tuyệt chủng. Ở bản tôi bây giờ chỉ còn một loại là quỷ tửu, loại này đi đâu cũng bắt gặp, từ quán cóc ven đường đến những nhà hàng, khách sạn hạng sang. Người vui quá cũng hóa thành quỷ tửu, kẻ buồn chán cũng vậy. Mà đã là quỷ thì họ có những việc làm chỉ có quỷ mới làm được. Nghĩ mà thấy buồn.
– Cháu đến rồi à? Quý hóa quá. Vào đây, ngồi vào đây. Chú Vĩnh vồn vã.
– Vâng. Hôm nay kin hoằn khoăn của chú mà cháu lại không chuẩn bị quà gì cho chú cả, thật ngại quá.
– Không sao, không sao đâu mà. Lát nữa cháu chỉ cần quay phim sao cho chú một đĩa VCD là món quà lớn nhất rồi. Chú Vĩnh tỏ ra hồ hởi.
– Chú cho gọi cháu đến để quay phim kin hoằn khoăn của chú à? Tôi hỏi.
– Nói phải thì là phải, nói không phải thì cũng đúng. Thôi, cháu cứ ăn uống đi đã. Rồi mọi chuyện sẽ sáng tỏ ngay thôi mà.
Chú Vĩnh đã nói vậy tôi cũng không buồn hỏi thêm. Tôi ngồi xuống nhập mâm bằng ba chén rượu đầy. Tôi tự nhủ, chỉ ba chén này thôi. Sau đó có người mời tôi chỉ nhấp môi lấy lệ, hay tìm cách từ chối. Ở làng Phai Khắt này mọi người ai cũng biết tôi mắc phải căn bệnh trĩ. Trĩ hỗn hợp độ bốn. Mỗi lần uống rượu về chẳng khác nào tự chuốc lấy cực hình cho mình. Mắc phải căn bệnh bẩn thỉu này tôi phải kiêng khem nhiều thứ, mỗi lần đi ăn uống đâu đó vợ lại dặn dò “anh không được ăn thứ này, thứ kia” nghe mà phiền phức. Dù đã đi tia khỏi nhưng sợ bệnh lại tái phát nên vợ tôi rất quan tâm đến chuyện ăn uống của chồng. Nhiều bữa bạn bè khích, ham vui với mọi người, mang cơn đau về nhà làm Lim lo lắng, chì chiết. Không có Lim bên cạnh nhắc nhở, nhưng tôi không thể tự thả cái miệng của mình ăn những món nóng, cay, ăn đồ khó tiêu. Ngon cái miệng, sướng cái vị giác mà đau cái thân thì khổ lắm. Khổ chỉ có bản thân mới biết, chứ có ai biết với đâu. Cả bữa tôi chỉ ăn có lệ. Tôi không muốn đứng dậy sớm làm hỏng mâm cơm, đành lai rai với những con quỷ. Con nào con đấy cũng lắc lư, mặt đỏ như mặt trời vừa mới nhú lên khỏi núi đông.
Rồi bữa cơm cũng kết thúc trong nhầy nhụa hơi men. Tôi đếm, có năm mâm cơm. Bữa kin hoằn khoăn của chú Vĩnh làm những người trong làng thấy hả hê. Trước đây kin hoằn khoăn người nhà chỉ mời nhiều lắm hai, ba mâm. Mâm cơm được dọn đi, bàn nước chè mang đến. Bên cạnh mỗi bàn chè còn có một cái phích nước sôi, hai chai rượu trắng. Tiếng nói chuyện râm ran, tiếng rít thuốc lào sòng sọc kèm tiếng ho khù khụ. Khói trắng nhả ra nghi ngút. Hỗn hợp của nhiều loại khói, khói bếp, khói hương trầm, khói thuốc lá, thuốc lào. Tôi cảm giác bị ngộp thở. Thỉnh thoảng tôi phải chạy ra ngoài để hít thở không khí, cho mắt bớt cay. Cho lồng ngực đỡ phải tổn thương bởi hơi men, hơi thức ăn nhụa nhầy. Chạy ra chạy vào mấy lần rồi cũng đến buổi làm bụt mừng kin hoằn khoăn của chú Vĩnh. Tôi lấy máy từ trong túi ra kiểm tra pin, micro, đèn flash đầy đủ sẵn sàng cho buổi ghi hình.
– Cháu khoan ghi hình đã. Phải lấy hình ảnh này trước để mở màn cháu ạ. Chú Vĩnh nói với tôi.
– Sao vậy chú? Tôi cảm thấy khó chịu. Hơn chục năm làm phóng viên rồi biên tập viên, chỉ có tôi chỉ trỏ người ta quay hình. Hôm nay tôi lại để một người chú không có tý chút kiến thức truyền hình ra tay chỉ đạo. Nhưng tôi là khách, chẳng cần làm mọi chuyện phức tạp lên.
– Phải lấy hình này trước, nó là báu vật của chú đấy cháu ạ.
Nói rồi chú Vĩnh gọi to “Hoàng đâu đi vào đây”.
Tôi đang đợi thằng Hoàng nào đó xuất hiện để chú Vĩnh lấy làm nền. Tôi chờ mãi mà chẳng thấy thằng Hoàng ở đâu cả. Chỉ thấy một con chó có bộ lông rất kỳ lạ chạy đến bên chú Vĩnh vẫy đuôi phần phật ra vẻ vui mừng.
– Cháu Hoàng là ai, sao chú gọi mà nó chưa vào? Tôi hỏi.
– Cháu Hoàng đây này. Chú Vĩnh nói và chỉ vào con chó.
Ôi thì ra báu vật mà chú Vĩnh nói đến là con Hoàng này sao? Tất cả mọi ánh mắt đổ dồn về chú chó có bộ lông lạ. Tôi cũng thấy lạ. Bất ngờ. Từ xưa đến nay ở ngoài đời thật hay trên phim ảnh tôi chưa từng nhìn thấy một con chó có bộ lông kỳ lạ đến thế. Những người trong họ được mời đến kin hoằn khoăn của chú Vĩnh lại được chủ nhà giới thiệu một báu vật quý. Mà theo lời chú Vĩnh nó còn quý hơn cả vàng hay kim cương. Ai cũng ngơ ngơ ngác ngác, không biết con chó này quý ở điểm nào mà chú Vĩnh còn cho nó ăn tốt hơn cả người. Sáng bánh cuốn trứng, trưa chân giò hầm với lạc, tối thịt gà.. Hằng ngày chú tắm táp cho nó đến mấy lần. Chỉ có người nhà chú cảm thấy thản nhiên, tỏ ra là những người am hiểu tường tận về những loài chó quý hiếm. Chú Vĩnh không để mọi người chờ đợi lâu thêm. Chú chiêu giọng bằng một ngụm chè dây, bắt đầu câu chuyện với những người trong họ bằng một câu hỏi.
– Các bác các chú thấy chó vèn đề có đáng quý không?
– Chó vèn đề khó tìm, nhưng nó không thể quý hơn vàng bạc được. Một người nói.
– Các bác nói rất đúng. Có câu “anh đi buôn bán bốn phương tám bề, không bằng tôi có con chó vèn đề bốn chân”. Nhưng chỉ có vèn đề thôi thì chưa thể nói là quý hơn vàng hơn bạc được.
– Vậy thế nào mới gọi là chó quý? Chó cảnh Tây, chó Nhật có đáng quý không? Bác Vĩnh có vẻ am hiểu về các loài chó lắm nhỉ? Một người hỏi.
– Không, mấy thứ đó thì quý gì? Con Hoàng của tôi một trăm con trâu đực không đổi được, có núi vàng cũng không mua được đâu. Đấy, các bác xem, nó không chỉ vèn đề mà chân nó còn đi tất nữa. Không những vậy, thân nó toàn một màu lông trắng, đầu lại lông vàng. Một con chó như vậy có đi tìm cả nước này, cả thế giới này chắc cũng không có được con thứ hai đâu.
– Thế thì sao? Nhiều người tỏ ra không hiểu.
– Đây là chó Vua, đầu vàng mình bạc, chân đi tất đen, đuôi kim cương. Khuyển quý là ở chỗ đó các bác ạ. Cả đời tôi tìm mãi mới có được con chó như vậy đấy.
– À thì ra là vậy. Từ cổ xưa người ta nói nhiều đến mèo tam thể, giờ có thêm chó tam thể. Lạ kỳ, lạ kỳ. Có ai đó thốt lên thán phục.
Tôi đã đọc khá nhiều sách, nhưng chưa thấy một tài liệu nào nói về loài chó quý hiếm như chú Vĩnh vừa nói. “Có được chó quý thì tiền bạc sẽ lũ lượt kéo đến nhà?”. Hồi chưa đi học đại học, tôi có dịp theo chú Vĩnh đi khắp các chợ huyện trong tỉnh tìm mua trâu nái về làm giống, buôn bán sang biên giới, tôi hiểu chú Vĩnh là một người kỹ tính khi chọn đồ dùng, vật nuôi. Chú Vĩnh nói phải tìm mua con trâu có cái xoáy vào đúng chỗ lõm ở bụng nước. Chú bảo đây là trâu quý. “Vài có khoáy khấu ang, trong chuồng sẽ không bao giờ lìa trâu”. Nghĩa là tìm được một con trâu như thế làm giống, chuồng sẽ đầy đàn. Trước kia, khi chú Vĩnh còn là bộ đội chiến đấu trong chiến trường miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam, dù chiến tranh ác liệt, nhưng hễ có phút nhàn rỗi chú đều để ý đến những con vật có đặc điểm kỳ lạ, quý hiếm trên đời. Chiến tranh kết thúc, chú Vĩnh về quê tiếp tục săn lùng những con vật nuôi hiếm gặp. Để có được báu vật, chú Vĩnh không ngần ngại đến những vùng núi xa xôi, không quản ngại nằm nôi ở vùng đồng bào dân tộc để tìm mua trâu mua chó. Bởi ở vùng thấp chú đã tìm nhiều rồi, tuyệt nhiên không thấy một con chó nào như ý. Phải lên vùng cao, chỉ có người không biết thưởng thức chó quý may ra họ mới bán cho mình. Khi phát hiện có báu vật phải tìm cách lấy bằng bất cứ giá nào. Con Hoàng chú đem về được chú mua với người Mông ở mãi Yên Thổ, cách xa làng Phai Khắt đến mấy ngày đường. Vất vả, gian nan, nhưng cuối cùng chú Vĩnh cũng có được báu vật có giá trị nhất của đời người. Rồi đây cuộc đời chú sẽ có những ngày sung sướng, các con của chú sẽ có ngày nở mày nở mặt với thiên hạ. Tiền của rồi sẽ như nước chảy vào nhà chú. Tôi không mấy tin. Ở đời có mấy ai không làm cật lực mới có cái ăn? Làm gì có chuyện bỗng dưng của cải, tiền bạc từ trên trời rơi xuống đúng nhà mình? Chú Vĩnh nói vậy thì tôi biết thế. Tôi điềm nhiên làm công việc của mình. Có đôi lúc chú Vĩnh chỉ trỏ làm tôi  thấy ức chế. Chú Vĩnh không thuê tôi. Xong việc chú chẳng trả tiền công cho tôi. Nhưng tôi đã trót ăn bữa cơm ở nhà chú thì nhất định phải làm trọn công việc.
Trước khi trở lại thành phố tiếp tục công việc, tôi đem cái đĩa ghi hình đến cho chú. Chú Vĩnh vui mừng đón nhận. Chú khuyển Vua nhìn thấy tôi thì vẫy đuôi. Có lẽ vì nó đã quen tôi. Suốt hôm qua tôi đã quay nó và chú, cái mặt của tôi không còn xa lạ. Với một con chó quý hiếm, thông minh nó hiểu rằng tôi không phải là một kẻ xấu, một kẻ ăn cắp, ăn trộm. Chú Vĩnh bật đầu đĩa DVD, cho đĩa vào xem. Những hình ảnh sắc nét, sống động ở mọi góc độ, không xước khiến chú thấy rất hài lòng. Đây sẽ là tư liệu quý của đời chú. Chú Vĩnh cũng xem nó như một báu vật vậy. Chú định giữ tôi lại dùng bữa, nhưng tôi từ chối. Khi tôi bước ra bậc thềm Hoàng còn chạy theo sau vẫy đuôi như đang nói lời cảm ơn, chào tạm biệt thay gia chủ
Công việc cuốn hút lôi tôi vào ma trận không thể nào thoát ra được. Có lẽ phải nửa năm, kể từ ngày tôi ghi hình cho chú Vĩnh trong dịp kin hoằn khoăn tôi mới lại được về nhà nghỉ phép ít ngày.
– Mẹ à, báu vật của nhà chú Vĩnh vẫn tốt chứ? Tự nhiên tôi buột miệng hỏi mẹ.
– Con hỏi con Hoàng nhà lão Vĩnh đấy à? Bị người ta đem nấu giong giềng, người ta đi ị cây đã lên xanh rồi. Còn đâu mà báu với chẳng vật quý với chả hiếm.
– Con Hoàng đã bị nấu thịt? Bọn trộm này cũng ghớm thật. Chú ấy giữ con Hoàng như giữ trẻ con, không lơi lỏng con mắt lấy một phút. Thế mà chúng nó cũng câu được.
– Trộm đâu mà trộm. Là vợ lão ta cho người ta làm thịt chứ ai đi bắt được con chó khôn ranh đó chứ.
Dạo này con khuyển Vua của  Vĩnh tỏ ra không nghe lời. Nó lầm lỳ, đến bữa chẳng buồn ăn. Vĩnh chẳng biết vì cớ gì. Chú chăm sóc nó còn hơn cả chăm bản thân mình. Có miếng ngon nào Vĩnh cũng dành cho nó. Ngay cả đứa cháu đích tôn của chú cũng không có được đặc ân này. Vậy mà nó lại giở chứng với chủ. Phải chăng bấy lâu nay mình chăm nó quá tốt, chiều nó lắm sinh hư? Vĩnh tìm mọi cách giỗ dành, cả dọa nạt nhưng báu vật vẫn không vui. Nó suốt ngày ủ rũ, chỉ thích nằm một chỗ. Thỉnh thoảng chú không để mắt tới nó lén chạy ra cửa sau đi đâu đó. Cho đến khi Vĩnh gọi ầm ĩ lên nó mới chạy về. Nhưng mỗi lần nó ra ngoài về Vĩnh thấy khác thường lắm. Báu vật vui hẳn lên. Vì cớ gì nhỉ? Nhất định Vĩnh phải tìm ra nguyên nhân. Mấy buổi Vĩnh giả vờ như không để mắt tới nó. Xem nó đi đâu sẽ theo sau. Nhưng dường như báu vật biết được toan tính của chủ. Mấy hôm nay nó “án binh bất động”, chỉ đợi khi nào ông chủ thật sự không để mắt nó mới chạy thật nhanh đi ra ngoài. Vĩnh đâu biết cái lần duy nhất đem báu vật đến nhà trưởng họ họp đại sự dòng họ. Khi báu vật đi qua trước nhà cô Pén ca ve nó đã nhìn thấy con chó  cái nhà Pén. Nó định chạy đến tỏ tình. Nhưng Vĩnh đã ngăn lại, ra lệnh cho nó phải quay về. Nó miễn cưỡng nghe lệnh. Vẻ mặt nó rầu rĩ trông thật thảm hại. Từ ngày về nhà Vĩnh, báu vật không mấy khi được ra ngoài. Vĩnh không để báu vật rời xa mình quá mười lăm bước chân. Vĩnh sợ báu vật ra ngoài sẽ bị người ta bắt đi mất. Nhưng báu vật có cách nghĩ khác chủ. Nó đã lớn, đã quen địa bàn này thì cớ gì nó không được phép tự do tự tại, được phép yêu đương? Người thì sao? Chó thì sao? Chó vẫn có quyền đi tìm hạnh phúc cho riêng mình. Vậy là hễ ông chủ Vĩnh lơi mắt là báu vật lén đi gặp con chó cái cô Pén ca ve. Cô chó cũng rất mến báu vật của Vĩnh. Một lần bắt gặp báu vật đang đùa giỡn với cô chó trong niềm vui sổng chuồng, Vĩnh tự nhủ “thì ra chú mày cũng bắt đầu biết đến mùi đời rồi, hèn gì khi không được ra ngoài lại tỏ ra buồn bã đến vậy”. Chỉ vì muốn tốt cho báu vật, nên thời gian qua Vĩnh đã quản chặt quá chăng? Một đời tự cho mình thông minh, tự cho mình hiểu được loài chó, nhưng kỳ thực Vĩnh không hiểu gì về chó cả. Có hôm báu vật đang vui không muốn về. Cô Pén đã xua đuổi nhưng nó không chịu đi. Pén chẳng biết làm thế nào. Cô không muốn lão Vĩnh quy cho cô cái tội “đánh cắp báu vật”, nhưng cô không có cách nào đuổi nó về với chủ. Nhiều hôm Vĩnh phải đích thân đến gọi báu vật mới chịu về. Về rồi nó lại tìm cách ra đi gặp bằng được tình nhân mới thôi. Báu vật đi ban ngày thì chớ, đằng này nó còn đi cả ban đêm không chịu về bên chủ. Khi đến bữa tối ông chủ báu vật gọi mà chẳng thấy báu vật đâu. Vĩnh thấy hồi hộp lo lắng. Tuy nó ham chơi, nhưng chưa bao giờ tối thế này mà không về nhà. Vĩnh đến nhà cô Pén cũng không thấy. Chỉ có con chó cái đang nằm trong chiếc sọt được lót bằng cái áo rách. “Nó đi đâu được nhỉ? Vợ con Vĩnh cũng đã đi tìm, nhưng cũng không có kết quả gì. Hay nó đã bị bọn vô lương tâm nào đó lấy đi mất rồi?”. Vĩnh không muốn nghĩ đến chữ mất, không thể để mất báu vật được. Đây là báu vật quý nhất trong cuộc đời Vĩnh. Ăn xong bữa cơm tối, chú Vĩnh thấp thỏm trong lòng, đứng ngồi không yên. Phải tìm được báu vật. Chú nghĩ. Trong cái xóm Phai Khắt này chú Vĩnh thuộc hết mọi ngõ ngách, nếu báu vật còn trong xóm sớm muộn cũng sẽ tìm được. Báu vật của chú không thể rong chơi khắp xóm, chắc nó chỉ quanh quẩn nhà cô Pén ca ve thôi. Chú phải xem cho kỹ mới được. Đầu chú nghĩ, chân chú rảo bước.
Căn nhà Pén ở nằm riêng biệt ở chân đồi Phja Rạc. Bên kia là chòm xóm có nhà ông trưởng họ. Tuy nói nhà Pén tách biệt, không thuộc chòm xóm nào, nhưng lại có con đường đi qua trước mặt để đến chòm xóm Ka Lau. Thỉnh thoảng cũng có người và xe máy đi qua đi lại. Nhưng ban đêm không có mấy người đi lại. Pén có một cậu con trai đang học cao đẳng Tài chính tận Thái Nguyên. Dịp hè, tết nó mới về nhà với mẹ. Có dịp hè nó đi làm thêm kiếm tiền còn không chịu về. Nhà Pén kia rồi. Lão đến giờ này lỡ ai nhìn thấy thì sao? Họ sẽ nghĩ thế nào về lão và cô Pén? Thôi mặc kệ, chú Vĩnh không thể suy nghĩ được nhiều hơn thế. Vì báu vật chú đành đánh liều một phen với danh dự. Chú bước chân thật khẽ. Chợt mắt chú sáng lên. Báu vật của chú kia rồi. Lạ chưa, giờ này mà mày còn làm tình với nhau nữa hả? Ti vi đang chương trình chiếu phim. Cô Pén đang nằm trên giường với bộ đồ ngủ trắng toát. “Áo đẹp nhưng không thể che nổi cái thân ngọc ngà”. Chú thốt lên khe khẽ. Gái một con trông mòn con mắt. Từng đường cong trên cơ thể được hiện lên rõ nét dưới cái áo ngủ màu trắng mỏng tang. Từng  mạch máu li ti đang dồn lên não, lên mặt chú đỏ bừng lên, toàn thân rạo rực. Chú cố kìm nén ham muốn lại, nhưng “tòa thiên nhiên” thấp thoáng qua cửa sổ cứ như trêu tức, như mời mọc chú bước chân đến nâng niu thưởng thức. Lóng ngóng thế nào mà lão để tay khua phải que củi rơi xuống nền gạch phát ra tiếng động làm Pén choàng dậy. Cô nhìn ra cửa sổ thấy có bóng người vừa lui vào bóng đêm. Cô kêu lên “có trộm, có trộm”.
– Cô đừng kêu lên như thế chứ, không phải trộm đâu. Chú Vĩnh nói.
– Không phải trộm. Vậy ông là ai? Đến đây làm gì trong đêm hôm khuya khoắt thế này?
– Tôi… Vĩnh đây… tôi đến… tìm… con chó.
– Là anh Vĩnh đấy ư? Thế mà em cứ tưởng là bọn trộm đến tìm bắt gà bắt vịt.
Cô này ghớm thật, dám đánh đồng mình với bọn trộm gà vịt? Mình có tiêm chích ma túy đâu mà đi làm mấy chuyện trộm gà bắt chó? Dạo này gà vịt trong xóm bị mất liên tục, tổ an ninh rình mãi mà chưa bắt được. Cô Pén đề phòng cảnh giác như thế là rất tốt. Gà vịt nuôi mấy tháng hết bao nhiêu thóc ngô mới lớn, bán không chịu bán, ăn không dám ăn để bọn lưu manh lấy đi đổi lấy khói thuốc thì thật tiếc.
Pén ra mở cửa mời lão vào nhà. Nhưng Vĩnh vẫn do dự nửa muốn vào nửa lại không muốn bước chân qua bậc cửa.
– Anh Vĩnh sợ em ăn thịt à?
– Không phải, là tôi sợ người ta dị nghị mà thôi.
– Giờ này đâu còn ai qua lại nữa mà sợ.
– Tôi… tôi. “Đúng là ca ve có khác. Cái tính lẳng lơ không thể cất đi đâu được. Hồi Pén còn bán cà phê Mây Xanh ngoài thành phố, không biết đã có bao nhiêu thằng đàn ông đã qua tay cô”. Vĩnh thầm nghĩ.
– Con chó nhà anh cũng kỳ lạ thật. Cả con chó nhà em cũng vậy. Từ xưa đến nay em chưa từng thấy bao giờ. Chuyện người làm tình không kể ngày đêm, thời gian và không gian thì là chuyện rất đỗi bình thường. Nhưng chó làm tình vào ban đêm thì em chỉ thấy có ở con chó của anh và em mà thôi.
– Phải, tôi cũng thấy lạ lắm. Tôi tưởng nó bị lũ lưu manh trộm đi mới vội vã đi tìm, ai dè nó lại…
– Lại đang vui vẻ với nhau chứ gì? Anh ngồi xuống uống tạm chén nước sôi. Em không uống chè nên không có nước chè để mời anh đâu.
Vĩnh ngồi xuống. Pén cũng ngồi xuống. Cả hai cùng nhìn vào hai con chó đang đê mê kêu ư ử. Trên màn ảnh ti vi đang chiếu cảnh đôi trai gái đang ôm hôn nhau thắm thiết… Bất giác cặp mắt của Pén và Vĩnh gặp nhau. Thoáng một chút ngượng ngùng rồi hai người lao vào nhau. Lâu rồi Pén không biết đến mùi đàn ông. Nhìn cặp chó và đôi trai gái trong ti vi đang hạnh phúc đê mê, lòng khát khao của Pén dâng lên cháy bỏng. Niềm khát khao của Pén như mặt đất khát khô lâu ngày, bỗng được cơn mưa rào tưới mát. Chú Vĩnh hai tay nhấc bổng cô Pén tiến về phía giường rồi cùng đổ xuống giường trong tiếng cười mê dại…
Sau đêm đi tìm chó được cơn thỏa mãn, Vĩnh lén lút qua lại với Pén. Vĩnh không còn bắt báu vật phải về nhà ăn cơm. Vĩnh chỉ mong con Hoàng không ăn cơm tối ở nhà để chú có cớ đi tìm. Chỉ có như thế vợ chú mới không nghi ngờ. Chú Vĩnh cố tỏ vẻ bình thường với vợ con. Cố che đậy những gì chú đã làm. Nhưng dù chú có che đậy tốt đến mấy cũng không qua nổi cặp mắt của vợ. Từ lâu vợ chú đã sinh nghi. Chỉ là chưa bắt tận tay không thể nói bừa. Mà vợ chú cũng không muốn làm lớn chuyện. Vạch tội chồng thì đã sao? Xấu chàng thì hổ ai? Nếu sự thật được phơi bày, có thể chồng cô sẽ bị đẩy ra khỏi dòng họ. Chuyện người lớn phạm tội không thể đùa với một người trưởng họ nổi tiếng nghiêm khắc. Lòng thương và tình thân không phải là thứ giấy để gói lại những việc làm xấu xa để mà trưởng họ dễ dàng bỏ qua mọi chuyện.
– Ông Vĩnh, ông nói thật đi, ông có léng phéng với con Pén ca ve không? Vợ chú hỏi.
– Làm gì có chuyện đó. Sống với nhau mấy chục tuổi rồi, bà còn lại gì tính của tôi mà hỏi vậy?
-Thế đêm đêm ông sang nhà nó làm gì?
-Tôi đi tìm con Hoàng.
– Đi tìm con Hoàng đó chỉ là cái cớ của ông thôi. Ông mà không hú hí với nó mấy bận tôi không làm người.
– Tôi đã nói là đi tìm con Hoàng, bà không tin thì thôi.
– Tôi tin ông? Tôi muốn nói với ông rằng, ông làm gì thì làm, đừng để các con bị đuổi ra khỏi dòng họ.
– Chưa đến lượt bà dạy khôn tôi.
Được ông lấy cớ để đi tìm con Hoàng chứ gì? Bà sẽ có cách. Từ khi đem con chó này về nuôi, tiền bạc chẳng kiếm được bao nhiêu. Công việc bộn bề mà ông cứ ở trong nhà vui chơi với chó. Bữa ăn của chó ông còn lo tốt hơn bữa cơm của người. Nó có ích gì chứ. Vèn đề ư? Mình bạc đầu vàng ư? Chó đi tất bốn chân như người ta khiêng kiệu ư? Làm gì có chuyện nhà nuôi chó quý thì thóc gạo tự bay đến, tiền bạc tự chui vào trong hòm trong két? Tất cả chỉ là trò lừa của ông Vĩnh với vợ con, với dòng họ.
Khi chú Vĩnh đi nghỉ dưỡng cùng đoàn cựu chiến binh huyện ở biển Cửa Lò, cô Chanh đã âm thầm thực hiện kế hoạch hủy diệt báu vật của chồng. Cô bỏ tiền thuê một thằng nghiện đến bắt con Hoàng đi làm thịt. Việc bí mật này chỉ có hai người biết. Ngay cả các con của cô cũng không ai biết cả. Khi chú Vĩnh về thì sự việc đã rồi. Chú Vĩnh không thể trách vợ được. Hằng ngày cô còn phải đi làm, đâu có thời gian ở nhà để trông chó, rình bắt trộm. Mất báu vật chú buồn lắm. Không biết đến bao giờ chú mới lại tìm được một con chó y nguyên để thay thế? Chú cũng không còn cơ hội để đến nhà cô Pén tâm sự nữa. Chú càng nghĩ càng thấy buồn. Chỉ có cô Chanh là thấy vui. Bởi từ nay sẽ không phải lo việc vụng trộm của ông chồng với cô ca ve xóm Phai Khắt. Việc làm nhơ nhuốc của chồng cô cũng không còn lo sợ bị dòng họ phát giác, các con bà sẽ không phải ra khỏi dòng họ có uy có thế nhất trong làng Phai Khắt này. Không còn báu vật rồi Vĩnh sẽ ra đồng giúp vợ con làm việc thôi…
NỢ ĐẤT
Ngày khánh thành dự án chăn nuôi bò thịt trên đồi Khau Luồng bà Hợp làm hai chục mâm cỗ mời quan khách từ xã đến tỉnh đến dự. Làng Nặm Kim ngoài bí thư Sơn, trưởng bản Vượng ra không một ai đến dẫu bà giám đốc mời đại diện mỗi nhà. “Cái bụng hai thằng đó không nghĩ giống bà con mình rồi”. Ké Bằng lẩm nhẩm một mình. Trong cái làng này nhà nào cũng có mộ trên đồi, chỉ có hai nhà Sơn, Vượng không có, đất nương rẫy đã bán lấy tiền từ hai mươi năm trước. Bà Hợp hứa sẽ nhận con cháu hai người đó vào làm trong công ty mẹ ngoài thành phố chúng nó không ủng hộ công ty mới là lạ. Thời buổi này người có tiền nói sai nghe cũng có lý, kẻ nghèo nói dù đúng có mấy ai nghe? Ké Bằng người trong bụng có nhiều cái chữ, được đi nhiều nơi nói với người trong làng như thế. Ké kẻ chuyện hay hơn cả chim họa mi, giọng ấm như ngọn lửa hồng, người nào nghe cũng cảm thấy mát ruột.
Nhưng hôm nay ké buồn lắm, từ nay cái công ty Hợp Thiên sẽ giống như cái cây Lùng Bân cắm rễ sâu vào lòng đất mưa nắng không làm suy suyển. Nhìn trang trại bò có hàng rào chạy quanh dài gần hai cây số ké Bằng lại nhớ đến những ngày ăn gió nằm sương canh gác không cho quân của bà Hợp đem phương tiện máy móc lên đồi Khau Luồng khai thác quặng mangan. Mấy chục năm băng rừng vượt núi, có gian khổ nào chưa từng trải qua, trước hòn tên mũi đạn mà ké Bằng cùng mấy người trong làng vẫn như cây nghiến, cây lim không gục ngã dù trên thân mang nhiều thương tích. Không lẽ hôm nay ké lại thua cái bà cậy lắm tiền muốn kim ngân phá lệ luật? Để cho bà ta đem máy móc phương tiện lên đồi khai thác đào xới mồ mả tổ tiên đã yên nghỉ hàng trăm năm nay. Làm sao có thể chấp nhận được chuyện vô nhân vô đức như thế. Bao nhiêu cuộc họp làng đều không có kết quả. Bà Hợp thấy không thể lay chuyển suy nghĩ của lớp người già đã tìm đến những người trẻ. Bà con thấy đấy đất trên đồi Khau Luồng có thể trồng được cây gì? Trồng cây ngô cây đỗ mọc lên cao không quá nửa thước, ngô không cho bắp, đỗ không cho hạt, ngay cả trồng cây khoai lang, khoai sọ cũng không cho củ. Bao nhiêu năm rồi đất không cho hiệu quả kinh tế, công ty vào khai thác quặng sẽ đền bù cho bà con với giá năm mươi nghìn một mét. Sẽ không có một người nào sẵn sàng chi trả cái giá như thế cho loại đất không thể trồng được cây gì cho hiệu quả kinh tế cao như đất đồi Khau Luồng đâu. Bà con cũng không lo lắng về đất thải vì công ty khai thác bằng phương pháp hầm lò. Sau khi khai thác hết quặng công ty sẽ hoàn thổ trả lại đất cho bà con. Tôi sẽ không chỉ nói suông mà sẽ cam kết bằng văn bản có đóng dấu đỏ của huyện, xã, làng xóm, công ty cùng ký kết. Sẽ không có một tí đất, một thùng nước thải nào trôi xuống cánh đồng vì công ty khai thác thủ công bằng hầm lò, bà con có thể giám sát cách làm của công nhân chúng tôi.
Sẽ không có một công ty hay doanh nghiệp nào đưa ra cái giá đền bù cao như công ty Hợp Thiên đối với loại đất vàng pha đá như đồi Khau Luồng đâu. Bà Hợp nói đi nói lại như thế. Chưa có một cuộc họp làng nào căng thẳng như cuộc họp này. Tiết giữa đông mà người nói và cả những người nghe đều cảm thấy thoát mồ hôi. Có nên nhận tiền đền bù của bà Hợp không? Người hỏi người, lòng tự hỏi lòng cho hai từ không có. Ké Bằng không thể ngăn được những lời nói ngọt như mật của bà giám đốc rót vào tai của những người dân lưng đeo dao quắm. Nhìn những cọc tiền mới tinh nhiều người đã cưỡng được ham muốn từ đáy lòng dâng trào như mó nước mùa nước lũ. Công nhận bà ta quá giỏi, quá cao tay khi đã đánh vào trúng lòng tham của con người, cùng với những lời hứa, cam kết không thể soi ra được kẽ hở để có thể phản bác lại. Người đã từng vào tù ra tội vì bất chấp thủ đoạn khai thác tài nguyên trong khu di tích lịch sử hẳn có nhiều mánh khóe lắm. Đất ông Sảo, ông Sáng nhiều nhất, mỗi người hơn một trăm triệu. Đất đó cho người ta canh tác không không ai nhận cày bừa trồng ngô, khoai, sắn. Bây giờ có người đền bù hơn trăm thì tội gì không nhận? Công ty đào mấy chục lò thì sao? Sau năm năm, mười năm khi lấy hết quặng rồi công ty lại san đất, hoàn lại mặt bằng, nương ai lại về nhà nấy.  Bà Hợp nói sẽ tặng thêm cho một gia đình một bộ đầu thu, màn hình ti vi nữa, khi bà con đồng ý nhận tiền đền bù. Tự dụng có cục tiền từ trên trời rơi xuống, nhà lại có ti vi để xem đã con mắt. Không nhận là dại, ông Sảo nói thầm với ông Sáng. Hai người đã đồng ý nhận tiền. Nhìn những người dân cầm từng tệp tiền mới trên tay mặt không giấu được niềm vui, Hợp thấy trong lòng mình như có cả ngàn bông hoa đang nở rộ. Mấy cái xe chở đồ đạc đỗ bên lề đường mấy ngày nay không thể tiến lên đồi, giờ người dân nhận tiền, ngày mai xe sẽ lên trên đỉnh đồi. Những ngôi nhà sẽ được dựng lên, những cái hầm lò sẽ được đào sâu xuống lòng đất, những dòng quặng sẽ được đưa lên mặt đất, vận chuyển về thành phố tinh luyện rồi đem xuất khẩu, công ty sẽ thu về gấp năm, gấp mười, thậm chí là gấp trăm, ngàn lần số tiền công ty bỏ ra đền bù đất đai, hoa mầu cho người dân. Công ty có thể được phép khai thác tối đa nửa thế kỷ. Ngần ấy thời gian không biết có lấy được hết quặng dưới lòng đất không? Nghe mấy ông bên công ty thăm dò và khai thác khoáng sản nói mỏ mănggan trên đồi Khau Luồng có trự lượng hàng mấy tỷ tấn. Một con số lớn quá vượt xa sự tưởng tượng của con người.
Hơn hai mươi năm, những cây sau sau đã to bằng cái thùng gánh nước. Cỏ cây đã phủ xanh đồi một thời nham nhở đất đá và những cục quặng thối. Công ty Hợp Thiên rút đi, không lấp, san phẳng mặt bằng như trong bản cam kết. Ké Bằng và những người già trong làng tức lắm. Ké luôn trách con cháu làng mình dại đã đi tin một người trở mặt như lá pan. Để ngăn không cho trâu bò ngã xuống hố sâu cả làng đã cùng nhau đem xẻng, cuốc lên đồi san lấp cả tháng trời. Nhiều người vừa cuốc đất vừa nguyền rủa bà Hợp với những lời cay hơn ớt chỉ thiên, độc hơn cây lá ngón. Ké Bằng vừa xúc được mấy xẻng đất đã thở hổn hển. “Cả làng đã bị bà ta lừa dối, giờ thì chịu khó tự khắc phục thôi”. Mấy chục năm trôi đi không thấy bà Hợp quay lại đồi Khau Luồng trở thành bãi chăn thả chung của cả làng. Công ty Hợp Thiên đã lấy được bao nhiêu tiền từ dưới lòng đất? Trong cái làng này không một ai biết được. Bà ấy rút đi cả làng cả bản vui mừng. Không vui sao được, khi đồi sẽ trở thành bãi thả chung. Không còn quặng đất này có thể làm gì được nữa. Nhiều người tin bà Hợp sẽ không bao giờ quay lại. Ké Bằng cũng tin như thế. Nhưng tất cả đều sai. Bà Hợp đã quay lại. Đất không còn quặng, công ty không thể moi được gì dưới lòng đất lên bán được tiền. Nhưng bà Hợp đã mất tiền, tốn bao công sức để lập dự án, xin chuyển đất tài nguyên khoáng sản thành đất rừng, chăn nuôi gia súc. Không có tiền  để bôi trơn guồng máy thô ráp thì ai người ta chuyển đổi đất cho dễ dàng như thế. Người có tiền có thể làm những việc không thể thành có thể. Tiền có thể đổi trắng thành đen, đen thành trắng. Mồ mả trên đồi Khau Luồng lại không được yên ổn với người đàn bà thối tha. Ké Bằng tức lắm. Nếu bà ấy là một con kiến ké sẽ dậm chân dẫm nát chết nó mấy chục lần vẫn chưa hả lòng hả dạ. Ké định cùng mấy người già lên đồi đối chất với bà Hợp. Nhưng áo Lùng đã ngăn lại. Bác làm gì tức giận với bà ấy làm gì? Rồi bà ấy sẽ không tồn tại được bao lâu đâu. Một kẻ vô nhân vô đức thì sống làm sao nổi hả bác?
Ké Bằng nhìn Lùng với ánh mắt xoáy sâu vào lòng. Thằng này dạo này hay nói đạo lý lắm. Mấy năm lao động ở nước ngoài nó đã học được nhiều thứ. Nó đem cái khờ khạo của mình cất giấu vào hang sâu núi thẳm, học cái khôn của người khác cất vào bụng của mình để làm vốn khi cần mang ra dùng. Không biết nó kiếm được tiền đem về cho vợ con cất nhà, xây chuồng trại chăn nuôi trâu bò vỗ béo bán sang biên giới kiếm được không ít. Ngoài kiếm tiền không biết nó còn học được cái nào khác nữa không? Đã có lần ké thăm dò nhưng Lùng không nói gì. “Sang bên đó chỉ biết lao vào công việc làm gì có thời gian học những thứ khác nữa”. Thằng Lùng vốn nói ít, nó chưa nói dối ai bao giờ. Cái bụng của nó không thể nói dối người khác. Cái mồm không thể nói dối khi cái mặt và cái bụng đều phản đối. Nhưng từ độ nó từ nước ngoài về ké Bằng thấy lời của Lùng không còn thật như trước kia. Miệng Lùng bắt đầu biết tếu táo, nói năng hài hước làm người nghe thấy dễ chịu hơn. Giờ Lùng nói những kẻ vô nhân vô đức, những kẻ vô pháp vô thiên, cậy mình có tiền xem trời chỉ to như cái bàn tay sẽ gặp phải báo ứng. Nó có thể làm gì được người đàn bà tự cho mình là giỏi nhất ở cái tỉnh này? Ké không nói quá, khen bà ta. Khen bà ta để tự hạ thấp mình xuống à. Không được. Phép vua thua lệ làng. Dân làng đồng tâm thì bà ta làm gì được. Ké không muốn thừa nhận bà Hợp giỏi, bà ấy chỉ mưu mô, xảo quyệt thôi. “Những cái mà bà này muốn sẽ phải có được, dù trả bất cứ giá nào”. Sau khi lên được đồi Khau Luồng con phi sứ (ma quỷ) đã nói một câu đầy ngạo nghễ. Nhưng quặng khai thác mãi cũng hết, khoáng sản mà có phải nước trong nguồn chảy ra đâu mà đóng đô ở đấy đến thiên thu vạn đại được. Tiền trả lương cho lao động nhiều hơn tiền bán quặng thì công ty nào chịu được. Thế là bỏ đi. Bà ta đi mà không thực hiện lời hứa năm nào với dân làng. Một người bất tín thì còn hơn cả phi sứ nữa.
“Người làng này chỉ cứng cỏi ban đầu, thấy tiền là mềm hết. Bà này đã được cấp phép thì phải được khai thác, vậy thôi. Cái mỏ này bao nhiêu công ty, doanh nghiệp có máu mặt trong tỉnh cũng phải chào thua, nhưng công ty Hợp Thiên đã thắng thì người làm giám đốc cũng phải thế nào chứ phải không bà con?” Bà Hợp nói trong lần trâu bò làng đi vào khu khai thác. Ké Bằng không thể quên được vẻ mặt câng câng tự đắc của người đàn bà chiến thắng những người dân dao quắm. Những điểm mỏ khoáng sản khó khăn bởi người dân phản đối cuối cùng cũng rơi vào tay công ty của bà Hợp. Nhiều người quả quyết công ty Hợp Thiên phải được một quan to chống lưng giúp đỡ. Ké Bằng lời của người đó có lý lắm. Một người có tiền, có thế đã từng vào tù ra tội đã lọc lõi sự đời thì làm sao thằng Lùng có thể đương đầu? Đấu với bà ta có khác gì ném quả trứng vào tảng đá. Bà Hợp khôn khéo nên mới chuyển được đất tài nguyên sang đất chăn nuôi. Bước chân ra khỏi cửa là thấy đồi Khau Luồng ké Bằng hậm hực lắm.
Công ty Hợp Thiên đang tổ chức ăn mừng ngày khánh thành dự án chăn nuôi bò, những vị quan khách có máu mặt đang vui vẻ ăn uống, chúc mừng, bỗng đâu ở trên trời xuất hiện hàng ngàn hàng vạn con quạ, tiếng kêu của chúng thê thiết cách xa hàng cây số vẫn nghe thấy quà quà rờn rợn. Có đàn bay lượn trên trời, có đàn đậu kín trên những ngọn cây cang lò, xạ khài, sau sau. Những con quạ đậu trên mái nhà. Những khuôn mặt rạng ngời bỗng biến sắc. Từ thuở lọt lòng chưa ai nhìn thấy một bầy quạ đen đông hàng ngàn con như thế. Cứ thể bao nhiêu quạ trên mặt đất đều tập trung về một chỗ vậy. Nhất định có ai đó đang giở trò loỏng, làm gì có nhiều quạ tự nhiên như thế được. Một người tỏ ra từng trải quả quyết. Nhưng trong làng này, xã này làm gì có người biết loỏng? Người giở trò này chắc phải pháp thuật cao thâm lắm. Liên tục trong ba ngày đàn quạ đông nghìn nghịt bay kín trời, đậu kín ngọn cây trên đồi Khau Luồng. Mặc cho bà Hợp thắp hương khấn vái kểu gì đàn quạ vẫn không chịu bay đi. Từ sáng đến tối những con quạ bay lượn, kêu gào làm người nghe thiểu não, sầu âu. Bà Hợp một người không tin vào chuyện ma quỷ, không tin vào phù phép cũng phải rùng mình run sợ. Không sợ sao được khi có những con quạ nhìn thấy bóng dáng của bà giám đốc liền hướng mỏ vào cất tiếng kêu não nề. Khi bà lái xe rời khỏi đồi Khau Luồng những con quạ còn bay đuổi theo cất tiếng kêu “qua qua” làm bà sợ lắm. Bà cho xe chạy nhanh nhưng làm sao có thể nhanh hơn loài chim có cánh. Cũng may những con quạ chỉ đuổi theo một đoạn rồi biến mất vào đám mây đen.
Ké Bằng tưởng mình hoa mắt, tai có vấn đề khi trên đồi quặng có bầy quạ đen nhiều như người ta vãi trấu, vãi than củi. Nhưng những chuyện lạ lùng chỉ mới bắt đầu. Áo Lùng, lẽ nào… Ké Bằng không muốn tin vào suy nghĩ của mình.
***
Vào mùng một, hôm rằm áo Lùng ra khỏi nhà từ rất sớm. Lùng bước chân ra khỏi bậc cửa khi con cáo chó chưa về chốn ngủ. Lùng đi đâu chẳng ai biết, vợ con cũng không biết bố đang làm gì. Lùng đã dặn vợ con không được hỏi bố việc bố đang làm. Ra đi chưa có nhà nào mở cửa, đứng trước cửa hang Ngườm Lình hướng mặt về nơi mặt trời mọc vái ba vái Lùng mới đi thẳng vào lòng hang sâu trong núi Đông Đâu. Hang có nhiều nhũ đá sáng lấp lánh dưới ánh sáng đèn. Giữa lòng hang có một khoảng sân rộng, trần hang nơi cao nhất khoảng mười lăm mười sáu thước. Lùng chưa bao giờ nhìn thấy một cái hang đẹp, lạ như thế. Những khối đá có đủ hình các con vật. Lùng ngồi lên lưng hình con hổ hướng mặt về phía xa nơi có một hương án. Sau khi đặt một cái kéo, cung tên, một cái kim lên bàn Lùng thắp ba nén hương cắm vào lư hương đá. Miệng Lùng lẩm nhẩm những câu thần bí. Chỉ có câu cấp cấp như lập lệnh là nghe rõ. Bà đã cho người đào xuyên qua dưới mộ ông bà Lùng thì nhất định phải trả giá đắt. Nhất mồ mả, nhì phá gia, bà đã dám làm những chuyện vô nhân đức đối với người đã khuất. “Cho tiền di chuyển mồ mả không nhận khi mộ sụt xuống gia đình tự chịu”. Bà Hợp hùng hổ khi Lùng lên gặp bà trên đồi Khau Luồng để nói lý. Bà đã không có tình, thằng này đành phải cạn nghĩa thôi. Hôm nay Lùng làm phép trên hình nhân bà Hợp, sau bốn mươi chín ngày bà ta sẽ phải chết. Buổi đầu tiên Lùng chỉ cắm nhẹ cái kim vào ngực hình nhân, đưa cái kéo vào ngang bụng. Làm xong phép Lùng trải chiếu, giở chăn ra nằm cạnh bàn hương án. Đề phòng rắt rết Lùng rải xung quanh một lớp diêm sinh. Trước khi đi nằm Lùng vặn nhỏ cái đèn dầu, châm một nén hương trầm, khói tỏa hương nhè nhẹ. Một mình trong hang sâu thật buồn. Giá như có chiếc đài để nghe đỡ buồn hơn. Trong này không có sóng điện thoại, nhạc nghe mãi cũng chán, lượn nghe mãi cũng nhàm. Lần sau Lùng sẽ mang theo cái đài để nghe tin tức bốn phương. Điện thoại hết pin rồi muốn xem giờ cũng không được. Nhưng có lẽ giờ này trời cũng đã khuya rồi, ngủ thôi, Lùng tự nói với lòng mình. Đêm đầu tiên trong đời phải ngủ lại một mình trong một cái hang sâu lạnh lẽo, lòng hang quá rộng, một thân người nhỏ bé tránh sao khỏi cảm giác bồn chồn. Nhưng Lùng không sợ hãi. Ở cái làng này không chỉ có Lùng mà còn rất nhiều người oán hận bà giám đốc quỷ quyệt. Bà Hợp đáng chết một trăm lần, một ngàn lần. Ké Bằng bảo thế.
Lùng thấy mình đang ngồi trên một bông hoa sen to bằng cái vung cái chảo trâu. Mùi hương sen tỏa ra thơm ngát. Những cánh hoa sáng lấp lánh dưới ánh nắng vàng mê mải. Cánh hoa sen đưa Lùng bay lên khoảng trời bao la vô tận. Lùng nhìn xuống một khoảng sâu hun hút, cố giương mắt nhưng không nhìn thấy đáy. Lùng đang tìm cách để bông sen hạ thấp, bất chợt một cơn cuồng phong từ đâu tới làm tối tăm cả một khoảng trời. Bông sen chao đảo, nghiêng ngả rồi lập úp bởi một cơn gió giật mạnh. Lùng rơi tự do từ trên trời xanh. Toàn thân nhẽ bẫng, nằm trên giường mà cảm giác thân xác như bông hoa gạo nhẹ nhàng bay trong gió. Pùm một cái, Lùng thấy mình rơi xuống đúng dòng sông chảy ngược. Rùng mình tỉnh lại Lùng thấy toàn thân lạnh toát. Hóa ra chỉ là một giấc mơ. Lùng vẫn đang nằm trong hang, xung quanh yên tĩnh đến kỳ lạ. Trong này không có tiếng dế, tiếng các loài côn trùng rỉ rả. Cũng không có một chút gió, xa xa nghe tiếng những giọt nước nhỏ xuống ruộng nàng tiên chom chõm. Không biết trong động có trăn hay rắn hang không? Rắn, trăn ngửi thấy mùi diêm sinh sẽ trốn biệt tăm.
Đêm qua áo đi đâu, gọi điện thoại thì không liên lạc được? Nhiều người hỏi Lùng. Hôm qua làng có hai giường bài, thiếu một chân nên nhiều người gọi lắm. Hôm qua thấy toàn thân mỏi mệt nên đi ngủ sớm, điện thoại hết pin không kịp sạc lại. Lùng nói chống chế. Ra đi không ai biết, lúc về chẳng ai hay. Việc Lùng đang làm chỉ có trời biết, đất biết nên nói thế nào chẳng được. Lùng chỉ mong bốn mươi chín ngày trôi đi thật nhanh, kết thúc mọi ân oán, thù hận. “Làm phép phải chọn một nơi kín đáo, tuyệt đối không để ai biết được. Càng không thể cho người khác lấy đi hình nhân, dụng cụ làm phép, nếu không người làm phép sẽ lãnh mọi hậu quả. Nhớ đấy”. Lời người thầy văng vẳng bên tai. Sẽ có người biết Lùng đang thi triển phép thuật, nhưng họ sẽ không thể hại được anh khi không lấy được hình nhân, dụng cụ làm phép. Thầy dạy Lùng cũng đã truyền dạy cho học trò bày trận cách giới làm cho người khác không thể biết được anh đang thi triển pháp thuật ở chỗ nào mà tìm đến. Ba lần thắp hương, làm phép trước bàn hương án, chiếc kim được ấn sâu hơn vào thân hình nhân, cái kéo cũng được cắt mạnh vào lòng. Lần khấn, làm phép kế tiếp Lùng sẽ dùng mũi tên đâm vào hai mắt hình nhân. Lần cuối cùng dây cung và mũi tên mạ vàng sẽ được giương lên nhằm vào tim hình nhân. Cái bà vô nhân vô đức kia sẽ chẳng còn sống được bao lâu nữa.
Ngày Lùng ra đồng cắt cỏ cho trâu, vác cưa vào rừng đốn củi. Gặp người làng Lùng nói cười hỉ hả. Chẳng ai biết được Lùng đang có những toan tính gì trong đầu. Những buổi họp làng Lùng không bao giờ vắng mặt. Hôm nay vừa mới bước chân vào cuộc họp Lùng đã nghe thằng Chuyển nói bà Hợp dạo này bị ốm. Hôm qua người nhà phải đưa vào viện mắt thăm khám vì tự nhiên mắt không nhìn thấy gì nữa. Các bác sỹ bảo mắt bà vẫn bình thường, tạm thời chưa tìm ra được nguyên nhân làm đôi mắt bà bị mù. Một người ưa di chuyển, xông xáo như giám đốc Hợp chỉ trong một khoảng thời gian ngắn mà mang bao nhiêu bệnh tật trong người, mắt lại bị mù thì buồn không biết đến thế nào nữa. Chuyển được bà Hợp giao cho công việc bảo vệ, ngày nào chẳng gọi điện để hỏi thăm sức khỏe lãnh đạo. Lời Chuyển nói ra không mấy ai quan tâm. Trong cái làng này có mấy người thương mến bà ấy? Nhiều người mong cho bà ta chết sớm nữa là đằng khác. Những lời nói của Chuyển Lùng đều nghe thấy. Lùng không ngạc nhiên về tình trạng sức khỏe của bà Hợp. Mạng của bà đang nằm trong tay của Lùng. Nhiều đêm Lùng nghĩ có nên dừng phép lại, có nên tha mạng cho bà ta hay không? Nhưng mỗi khi nhớ đến những câu nói đặc mùi tiền, không chút thông cảm, không chút tình người, vô nhân vô đức của bà ta thì Lùng lại không chùn tay. Nếu nhà nước quy hoạch làm dự án thì người dân vui lòng di chuyển mồ mả đi nơi khác, công ty Hợp Thiên chỉ là công ty tư nhân, dùng tiền để phá vỡ lệ luật ép buộc người dân phải chuyển mồ mả đi, những ngôi mộ không nhận tiền đền bù thì bà cho người đào hầm xuyên qua dưới cắt đi long mạch, để qua thời gian sẽ sụt lún xuống lòng đất. Một người ác như thế sao Lùng phải tha thứ cho bà ta. Bà có thông cảm, có coi người dân dao quắm ra gì đâu cơ chứ.
– Chuyện của bà Hợp có phải do cháu loỏng không? Ké Bằng nhìn thẳng vào mắt Lùng hỏi.
– Vâng. Đúng là cháu đang làm phép. Nhưng sao ké biết cháu đang làm vậy?
– Tao đoán thế. Nhưng đúng là tao đoán không sai mà. Tao cũng biết đàn quạ đen hàng ngàn hàng vạn con bay rợp trời cách đây mấy tháng cũng do cháu mày bày ra đúng không?
– Vâng, trong cái làng này chắc chỉ có ké là người hiểu cháu nhất thôi. Nhưng cháu làm vậy có quá không ké? Lùng hỏi ké Bằng.
– Tao nghe nói học cái nghề loỏng người này cũng không tốt cho bản thân và gia đình đâu. Còn việc cháu dùng phép để đối với những người ác ôn, ranh ma quỷ quyệt, lật lọng thì tao thấy nên làm. Tao cũng hận bà Hợp lắm. Mộ nhà tao đang yên đang lành vì bà ta ép buộc phải chuyển đi chỗ khác làm gia đình luôn lục đục, làm ăn thì gặp nhiều xui xẻo. Trong làng này chỉ có những người không có mồ mả, không có nương rẫy trên đồi Khau Luồng là không ghét bà ta thôi. Ké Bằng nói.
– Chuyện cháu làm chỉ mình ké biết thôi nhé. Hở ra là cháu chết đấy.
– Cháu cứ yên tâm mà làm đi.
“Con không được dùng phép này để hại người nhân đức, nếu trái lời sẽ tiệt bảy đời con cháu. Hãy nhớ đấy”. Lùng luôn nhớ đến lời dạy của thầy. Phép chỉ có tác dụng đối với người xấu chuyên làm ra những chuyện thương thiên hại lý. Lùng miệng lẩm nhẩm với trời xanh, chân thoăn thoắt đi sâu vào trong lũng. Những ngôi sao trên trời như hàng ngàn, hàng vạn con mắt dõi theo bước chân của Lùng.
24/1/2024
Nông Quốc Lập
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Truyện của hội viên mới Chu Quang Mạnh Thắng

Truyện của hội viên mới Chu Quang Mạnh Thắng Chu Quang Mạnh Thắng sinh năm 1973, quê quán Bắc Giang, hiện sống tại TPHCM. Anh tốt nghiệp Đ...