Thứ Ba, 29 tháng 10, 2024

"Một mùa hè dưới bóng cây": Còn lại một chữ tình

"Một mùa hè dưới bóng cây":
Còn lại một chữ tình

Tập truyện ngắn “Một mùa hè dưới bóng cây” của nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế gồm 35 truyện, khổ 18×24 cm dày 450 trang (NXB Hội Nhà văn, tháng 6.2023) vừa mới ra mắt, tác phẩm đã được giới chuyên môn và bạn đọc mộ điệu dành cho nhiều cảm xúc mỹ mãn.
GIẢI THƯỞNG HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM 2023:
Với hệ thống truyện ngắn riêng biệt nhưng được nối kết với nhau bởi một nhân vật “Tôi” (gã, y, hắn). Nhân vật trở đi trở lại trong các truyện, đó là sự phân thân của nhà văn trước những sự vật, hiện tượng, con người mà ông gặp gỡ trong cuộc đời kéo dài suốt hơn 20 năm (từ 2000 – 2022). Nhân vật “tôi” nhiều khi là một người quan sát, kể chuyện, tái hiện lại thực tế khách quan. Có khi nhân vật “tôi” được xây dựng là nhân vật chính (gã, hắn, y). Trực tiếp hiện diện trong các cuộc giao tiếp, đối thoại giữa các nhân vật trong tác phẩm. Có khi nhân vật “tôi” (gã, hắn, y) được miêu tả là một du khách đi nhiều, biết lắm. Nhân vật “tôi” (hắn, y, gã) xuất hiện khác nhau trong các điều kiện, hoàn cảnh nhưng độc giả vẫn cảm nhận được thế giới tinh thần của nhà văn đang hướng tới những giá trị chân – thiện – mỹ.
Cách viết nhiều khi như mộng du, đã dẫn dụ bước chân độc giả đến những miền như thực, như hư, lãng đãng khói sương như xứ bồng lai tiên cảnh. Núi rừng Tây Bắc mùa xuân chỉ có lau ngàn và đào dại mà được miêu tả đẹp kỳ lạ đến ngơ ngẩn, mê hồn: “Rừng hoa lau sau lưng nổi sóng mây, hồi chuyển, lúc ngả rạp, lúc rướn cao kiêu hãnh, hoang vu, khuấy đó đây, sắc hoa đào phai dại ngẩn ngơ sắc môi thiếu nữ” (Bóng những tàn hoa lau). Tính truyền thống của truyện ngắn vẫn giữ được chức năng của nó nhưng nhà văn đã biến hóa một cách tài tình. Mỗi truyện là một câu chuyện, một mảnh ghép cuộc đời. Cuộc sống phong phú, sinh động và đa chiều có nhiều góc khuất thì mỗi con người lại có một câu chuyện riêng về số phận của mình. Cốt truyện không theo trình tự thời gian một cách nhàm chán mà được đặt trong những bối cảnh khác nhau, phần lớn là đồng hiện trong hồi tưởng, rất xưa mà cũng rất hiện đại. Qua đó nhà văn gửi gắm tâm trạng nhớ thương, trống vắng của mình với quá khứ.
Kịch tính của truyện được đẩy lên đỉnh điểm đến phút chót mới được tháo gỡ, vỡ òa, nhưng người đọc phải ngẫm ngỡ mãi mới hiểu hết ý tác giả: “Rạng mặt người, gã lộn trái mảnh chợ phố cổ, gặp ai có thể là gã múa tay phụ họa cho ngôn từ mô tả thằng bé H’Mongz đeo con chó hung đỏ, đuôi cộc tịt. Nhất đẳng H’Mongz Cẩu. Người đáp, kẻ lắc nhưng ai cũng chiếu ánh nhìn nghi ngại vào gã. Tại sao chứ. Mí Chạ với Mí Chờ cả hai ông cháu khổ vì lời gã hẹn cầu âu từ mùa hoa cũ” (Lời hẹn mùa hoa cũ). Nhà văn có tài tạo ra những tình huống truyện hết sức độc đáo, khác thường. Đó là tình huống khi hắn ngồi sau lưng người mẹ trẻ chưa đến 20 tuổi làm tài xế xe ôm: “Cảm giác dấp dính hắn nhìn xuống hai bàn tay mình. Làm sao mà mồ hôi hắn bỗng nhiên có màu trắng. Thơm ngậy. Không phải mồ hôi là là sữa. Sữa người. Sữa của con trẻ chưa kịp bú” (Mùa hoa bạc hà chưa hết ở Sơn Nguyên). Dòng sữa ấy không chỉ thấm vào da thịt hắn mà nó còn tan chảy vào tâm can hắn, khiến hắn vừa cảm phục, vừa xót thương tìm cách giúp đỡ người phụ nữ trẻ H’Mongz trong cuộc mưu sinh cùng đứa con nhỏ khốn khổ. Tính hiện thực và nhân đạo của truyện hòa quyện vào nhau khéo léo, tinh tế thấm đẫm trong từng con chữ.
Tập truyện ngắn “Một mùa hè dưới bóng cây” của Nguyễn Tham Thiện Kế vừa được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2023
Một tình huống khác: “Con gió xoáy cao nguyên tốc ngược chiếc váy hoa diêm dúa như lột vỏ một củ hành che kín mặt, trong khi hai tay nàng đang bận xách đồ, nách kẹp cuốn sách, chiếc xi líp đăng ten đỏ, hoa văn cành dương xỉ chói rực lên cùng chuỗi ồ ồ của đám đông. Gã. Chính gã đã vén túm vành váy vải lanh mềm nhẽo đó xuống và cột quanh bắp chân nàng bằng dây đeo máy ảnh (của gã). Gã còn kịp bỏ nhỏ trai lơ một câu: Chân dài đến nách ấy nhỉ. Sóng điện ở gã lan truyền khiến khắp người nàng nổi gai” (Nửa bên trái của khuôn mặt)bất ngờ nhưng tự nhiên. Còn nhiều tình huống khác nhưng tôi rất ấn tượng với tình huống: “Bỗng trên gác Mantecau vàng thét lên như bị lột da. Chân nhảy choi choi giậm sàn. Gã chạy bổ lên. Mảnh rèm che buồng tắm giật tung. Hơi nước nóng ngùn ngụt rát mặt tựa trong lò mổ. Cô nàng trần truồng” (Năm mươi và năm mươi). Tác giả đã diễn tả vẻ đẹp thiên nhiên của người đàn bà. Hành động của nhân vật Gã biểu hiện sự tôn trọng phụ nữ của người đàn ông, trong khi đám đông khác cười nhạo hoặc xử sự thiếu đúng mực. Nhà văn miêu tả theo phong cách hiện sinh nhưng không dung tục. Nhân vật “tôi” (gã, hắn, y) coi vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ là thiên nhiên, trời phú cho, không có hành động thô tục, không có ý thực dụng, sàm sỡ. Quan điểm về tình yêu, tình dục của tác giả rất văn minh.Đó là điều cần thiết, tự nhiên, trong sáng như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Nhà văn không kể lể rườm rà, chi tiết những cuộc tình mang bản năng thú tính của các nhân vật trong truyện. Độc giả cảm nhận được những xúc cảm khác thường, khác giới mà không phản cảm, không dị ứng, đẹp như đọc câu thơ của Đại thi hào Nguyễn Du tả nàng Kiều tắm: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Rành rành sẵn đúc một tòa thiên nhiên”.
Nhân vật “tôi” (hắn, gã, y) gặp gỡ nhiều nhân vật phần lớn là những người lao động vất vả kiếm sống. Số phận dở dang, gắn với những bước ngoặt cuộc đời như một định mệnh. Nhân vật “Tôi” đã gặp gỡ, cảm thông, chia sẻ với họ chân tình như người trong cùng cảnh ngộ: Vui, buồn, yêu thương, xót xa, ân hận, tiếc nuối. Trong vai một du khách chơi chợ ở phố cổ Tây Bắc, gã ân hận vì câu đùa mua chó H’Mongz của ông Mí Chạ, đến nỗi trước khi nhắm mắt, ông dặn cháu nội mang con chó đẹp nhất đàn xuống chợ tìm bằng được người bạn Kinh của ông: “Mí Chờ xuống chợ phố cổ từ đầu mùa đào nở. Bảy, tám phiên rồi mà chưa thấy người ta. Tại sao chứ. Mí Chạ với Mí Chờ cả hai ông cháu khổ vì lời gã hẹn cầu âu từ mùa hoa cũ” (Lời hẹn mùa hoa cũ). Trong vai một nhiếp ảnh gia, Tôi hòa đồng với bữa nhậu gỏi cá, với những người ngư dân ở bến cá, hiểu thêm về cuộc sống gian nan, sóng gió, bấp bênh của họ. Nhưng những con người ấy sống vô tư, nhiệt tình, đàn ông sẵn sàng giúp đỡ Tôi đẩy xe ô tô gặp nạn lún cát, đàn bà chịu đựng chuyện rượu chè, cờ bạc của chồng con mà nhẫn nhịn chăm lo công việc gia đình. Qua nhân vật Cu Nhỡ, Tôi hiểu và thông cảm do đói nghèo, ít học nên Cu Nhỡ đã vướng vào tệ nạn trộm cắp, cờ bạc, nhưng anh ta không phải hoàn toàn xấu xa mà nhận ra lỗi lầm của mình trước lời khuyên nhủ của Tôi. Cái chết bất ngờ của nhân vật Cu Nhỡ ở phút cuối truyện đã làm cho “Tôi” bàng hoàng, xót xa, ngơ ngẩn: “Biên phòng vừa tìm ra kẻ trộm là bọn giã cào bay. Anh đội trưởng mừng hết nói, biết nó trốn trên vách biển, đang trực ban đeo cả AK phi xe máy lên núi báo tin. Tưởng người ta đến bắt, cu Nhỡ hốt hoảng cắm xuống vực liêng liêng như con mực một nắng… y con con cá heo nhiễu loạn sóng âm tự tận đâm vào đá ngầm”;“Linh hồn Cu Nhỡ đang mắc kẹt dưới đó. Hình như nó vừa hỏi: Chiều nay chú về đây lúc mấy giờ? Tôi nghẹt thở” (Một mùa hè dưới bóng cây). Qua nhân vật cu Nhỡ, bạn đọc nhận ra một hàm ý: có những người không có niềm tin vào mình và cuộc sống, cứ va chạm vào luật pháp là sợ giống như “Chim bị tên thấy cành cong cũng sợ”. Cái chết của cu Nhỡ đáng tiếc, đáng thương nhưng cũng đáng phải suy nghĩ với nhiều người. Điều đó làm cho nhân vật “Tôi” phải đau lòng đến “nghẹt thở”.
Tác giả tả chân dung người phụ nữ H”Mongz nghèo khổ chưa đầy 40 tuổi ở vùng cao Tây Bắc như một bức tượng chạm khắc nổi: “Rồi trước hắn, xuất hiện bà già địu cháu. Bà già rúm ró như tấm da dê khô – Chị gái em đấy… Lấy chồng mãi không có con, mà vẫn phải ở làm công cho nhà chồng .- Chị gái em đến 60 chưa? – Đâu nhiều thế… Chị em chưa đến 40… Già là do làm nương nhiều. Chàm lanh, bụi đất, mái tóc chưa bạc còi cặn, những chiếc vòng trang sức bằng nhôm cáu ghét, cặp mắt trống rỗng trụi lông mi. Đó là cảm giác của hắn về người chị gái chưa đến 40 tuổi của Thuốc Lào” (Mùa hoa bạc hà chưa hết ở Sơn Nguyên). Nhân vật nào cũng sống động, ám ảnh. Họ nằm trên trang sách, ẩn trong con chữ, mở cuốn sách các nhân vật lặng lẽ hoặc ồn ào bước ra cuộc đời như tính cách của họ. Tác giả đã hiểu đến tận cùng tâm tư, tình cảm và khát vọng của con người. Tác giả không diễn tả trực tiếp những từ ngữ biểu cảm khi tiếp xúc hoặc gặp gỡ các nhân vật nhưng trong sâu thẳm tâm hồn nhà văn, chữ tình cứ bảng lảng, vương vít, lan truyền khiến độc giả có những trường liên tưởng rộng, sự suy ngẫm sâu xa về thế giới con người trong các truyện ngắn. Đồng cảm với những phận người nhỏ bé, bất hạnh, nhưng những con người đó lại có phẩm hạnh đáng quý, vô tư, thật thà, tài năng vượt trội trong cuộc mưu sinh, có đôi tay “lụa”, tay “vàng” đáng kính nể. Họ không chỉ đơn thuần là những người lao động chân tay kiếm sống mà là những nghệ nhân tài hoa chế tác, bảo tồn, lưu truyền những giá trị văn hóa truyền thống thuần Việt.
Người đọc thú vị xem cách biểu diễn kỹ nghệ thiến gà của Già Téc (Chỉ còn cây và nắng), cách làm nệm bông lau của người Thái Tây Bắc (Bóng những tàn hoa lau), cách tạo đào Bonsai độc nhất vô nhị (Đào phai theo dấu khói), cách chưng cất hương hoa bưởi (Hoa trắng rụng dòng trong) và nhiệu tuyệt tác khác, rất quen mà rất lạ, được nhà văn dựng lên có một không hai. Rất hiện thực, mà cũng rất lãng mạn. Ngôn ngữ kể chuyện đa dạng, phong phú, cầu kỳ và dụng công, ngôn ngữ tự sự, thấm đẫm chất tự sự, trữ tình, hòa quyện với ngôn ngữ tùy bút, tản  văn. Độc giả không quên những áng văn tả phở của nhà văn Nguyễn Tuân, bây giờ lại được thưởng thức thắng cố của nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: “Hai bát loa đại bốc khói phừng phừng vị thảo quả, hoa hồi, quế chi, sả, gừng, đẳng sâm, kỷ tử, ý dĩ, hạt sen, ngải cứu lênh loang nước dùng ánh váng nước mỡ sao. Nhoáng qua Mí Chạ biết ngay mồi nhậu được xào xoăn cháy cạnh bằng chính mỡ ngựa, rồi hầm củi nghiến vài tiếng nên nước dùng trong ngà như nước trà vàng, miếng thức gọn ghẽ, không bung nở toe toét, khi cắn nhai nó dai dai, mềm mềm, tóa nước thịt ngọt khắp khoang miệng…” (Lời hẹn mùa hoa cũ). Không chỉ nhân vật Mí Chạ, Gã phấn khích, mà người đọc cũng thèm chảy nước miếng như đang đứng trước bát thắng cố thơm mùi lan tỏa không gian, ngọt say đắm lòng người.
Cách triết lý: “Nhìn người qua một con mắt” cũng hết sức tế nhị, thấm thía, không mang tính chất răn dạy, bề trên, thông qua câu chuyện hấp dẫn, tưởng phi lý mà rất có lý: “Gã phát hiện khuôn mặt mình hơi lệch. Mắt trái to hơn mắt phải, che kín bên trái thì bên phải khuôn mặt Gã vụt trở nên lì lợm, mưu mô với con mắt nhỏ hẹp, mi như muốn sụp xuống. Mà thói tật ở bên phải khuôn mặt Gã thì trơn nhầy như một bãi nôn. Chẳng lẽ cứ phải nhìn ai đó với tất cả gương mặt cần phải ghi nhớ cả thói tật của họ thì cũng thật đáng chán. Như thế còn kinh khủng hơn…” (Nửa bên trái của khuôn mặt). Và cuộc đời không có gì là hoàn thiện tuyệt đối, vẫn còn cái xấu, cái ác, có người nhìn thấy người bị nạn thì lảng tránh, không cứu giúp. Chúng ta phải tự thân vận động, nên mở lòng nhân, sống không chỉ có trách nhiệm với mình, với người thân mà còn với cả cộng đồng (Dưới mặt người). Đặc biệt tính triết lý rất sâu sắc không phải ai cũng hiểu hết được. Ông Phong Châu đã đập vỡ tan chiếc bình Tỳ Bà Hậu mà “Giới cổ ngoạn Tàu thổi giá cho chiếc bình độc nhất thiên hạ trở nên vô đối. Nhưng ông ta vung tay đập chiếc bình hoàn hảo. Đau cho nghệ thuật gốm Celađon Việt đã mất Vương Hậu… Liệu có ngày đẹp ông lại đập vỡ mất Thứ Phi?Vâng, tôi sẽ đập nếu điều ấy có ý nghĩa” (Người tình CeLaĐon. Đập bình cổ vật là biểu tượng một thời của xứ Đoài.
Câu chuyện nhắc nhở người nghệ nhân, nghệ sỹ không tự bằng lòng với những tác phẩm cũ của mình vì không có cái gì hoàn hảo, phải vươn lên sáng tạo cái mới. Mỗi một thế hệ không thể ngồi dưới bóng của các thế hệ trước và chính cái bóng của mình, không dựa vào cái cũ, phải dũng cảm đập vỡ nó, dù người đời có  tung hô nó là “đệ nhất thiên hạ” đi chăng nữa để mà xây dựng cái mới tương quan, tương xứng với thời đại và còn nhan nhản những điều khuất tất khiến cho một số người phải sống trong bể khổ bế tắc như chuyện của già Téc, khi nhận được sự công bằng, đền ơn đáp nghĩa thì mọi sự đã quá muộn. Nhân vật già Téc điển hình cho lớp người gặp nhiều rủi ro, bất hạnh nhưng không bi lụy, quậy phá, bất mãn, vẫn gắng sống tốt bằng óc sáng tạo và đôi bàn tay tài hoa để kiếm sống một cách chân chính, lương thiện, tin yêu cuộc đời (Chỉ còn cây và nắng).Nhà văn có cách so sánh, ví von tràn đầy âm thanh và hình ảnh cuộc sống: “Tiếng cười rung như chuông bạc buộc cổ ngựa đầu đàn”; “Xuyên qua nắng Sơn Nguyên vàng trong hổ phách cánh hoa mật ong xoáy tít về phía màu hoa bạc hà, con đường vòng vo mất hút trong ngoắt ngoéo của những kẽm núi gấp nếp như cạp váy H’Mongz” (Mua hoa bạc hà chưa hết ở Sơn Nguyên); “Choáng một góc chợ ngổn ngang rừng đào cổ mốc địa y như da kỳ nhông rêu tơ thượt rối như cằm chúa rừng, gốc thân vặn vẹo chẳng khác cá sấu, rắn, trăn trong cơn giãy chết quằn quại trong đôn chậu xi măng cao ngưởng, khít đôi người đang ôm khắc rồng phượng tô son…” (Đào phai theo dấu khói). Cách so sánh ví von khi cụ thể với cụ thể, khi cụ thể với cái vô hình, lạ lùng: “Mỗi guốc bước lại thức hương đã ngủ rơi trên mặt đất, khe tường… Mỗi tiếng guốc một cung bậc hương thơm lan…” (Ngõ thơm từng tiếng guốc em về).
Người đọc cảm nhận được tình yêu ngất ngây, man mác của tác giả chỉ thông qua tiếng guốc. Một biện pháp nghệ thuật tả cảnh gợi tình hiếm thấy trong văn xuôi, ngôn ngữ tràn ngập chất thơ qua những mảnh ghép hiện thực của đời thường. Có khi câu văn được dồn nén lại, ngắn dung lượng, nhịp điệu mệt mỏi, hụt hơi, diễn tả cảnh một đô thị ốm yếu, bệnh tật, sau dịch giã: “Mở cửa sổ, nhay mắt. Hít thở. Chậm. Miên man gió lưỡi mèo lạnh ớn liếm mặt. Đô thị thoi thóp sau bạo bệnh Covid. Mái phố trốn tìm trong bóng tối. Những chấm đen, con mắt đêm, thắp hàng níu nhau ngang dọc. Lạ, cơn lạnh tháng 2 ào đến giữa tháng 5. Và giờ thì dở dói mưa…” (Thấy lại mặt người). Nhà văn đã sáng tạo ra những từ ngữ làm giàu cho kho tàng ngôn ngữ Tiếng Việt. Ông đã tả mùi, hương của món thắng cố bằng hai từ “khí vị”, “khí vị của món ăn dân giã mà huyền bí không thể nắm bắt hết các sắc vị hương lúc dâng lên đến chót vót như đỉnh cao, lúc trầm tụt xuống đáy hẻm” (Lời hẹn mùa hoa cũ). Và dùng từ tượng thanh tả buổi thiến gà của Gà Téc rất sinh động: “Buổi thiến gà diễn thí thót đến trưa trong í ới vòng người xúm quanh” (Chỉ còn cây và nắng).
Sự biến đổi của rừng phong miền Sơn Viễn từ xuân, hạ sang thu được nhà văn diễn đạt một cách mới lạ: “Hình dung mụ xuân cựa trên những cành phong hương nâu trụi. Mầm chồi đội lớp vỏ khô thấm mưa đã mềm ấm, thành chấm lá màu tím, vươn xòe rồi chuyển sắc đỏ phớt tím huyền bí. Một phần tư con trăng nữa màu đỏ phai để xanh lá mạ thoa phớt chút son, gió còn níu tiết xuân chuẩn bị hạ sang. Ngày lá phong hương mãn xanh sung sưỡng vẫy trời xanh. Rồi thu tới, phong hương chầm chậm nhuốm vàng lay chở một chớm đông từ biệt sắc màu cũ theo nhịp trăng lũa mòn tới hạ huyền thì lá phong hương sẽ thắm bàng hoàng trong gió lạnh Sơn Biên” (Lá phong hương sẽ thắm hạ huyền). Kết cấu truyện ngắn chặt chẽ, logic, hình ảnh, màu sắc như chạm khắc nổi khiến độc giả không chỉ nhìn thấy chiều cao thăm thẳm, lồng lộng, chiều sâu chót vót, chiều rộng bao la, chiều xa vời vợi của thiên nhiên và cuộc sống con người.
Gấp cuốn sách lại, một tình yêu trào dâng tha thiết, ngân vang một giai điệu yêu thương quê hương, đất nước, con người của nhà văn, đặc biệt là tình yêu với ngôn ngữ Tiếng Việt. Ông đã trèo lên đỉnh núi cao, lặn xuống đáy biển sâu, đi đến tận những hang cùng ngõ hẻm để săn tìm kho báu ngôn ngữ làm giàu cho Tiếng Mẹ đẻ. Tác phẩm của ông đã bảo tồn và lưu truyền những giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Cách viết sáng tạo, độc lạ, ngôn ngữ đặc hữu trong suốt 450 trang sách đã tạo nên phong cách riêng của nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế. Phong cách ngôn ngữ văn xuôi lung linh, tinh kết như những viên ngọc quý. Hơn một lần tôi nghĩ tập truyện ngắn “Một mùa hè dưới bóng cây” của ông không chỉ hiện diện hôm nay mà sẽ có mặt ở tương lai.
7/1/2024
Vũ Thị Thanh Minh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...