Thứ Hai, 28 tháng 10, 2024

Thơ của hội viên mới Trần Ngọc Trác

Thơ của hội viên
mới Trần Ngọc Trác

Nhà thơ Trần Ngọc Trác còn có bút danh Trần Trọng Văn, Ngọc Lan Anh, sinh ngày 7.7.1958 (giấy khai sinh 20.2.1959), quê quán làng Trúc Lâm, xã Hương Long, huyện Hương Trà (nay là phường Hương Long, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế).
Từ năm 1979 đến nay, ông sống và viết ở Đà Lạt, Lâm Đồng. Nguyên là Phóng viên chính, biên tập viên chính, đạo diễn chính, Phó trưởng phòng Biên tập văn nghệ Đài PT&TH Lâm Đồng. Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng (2007-2012).
Trần Ngọc Trác đã xuất bản: 07 tập thơ: Hoa trinh nữ (1990), Hương lửa (2001), Ngọn gió lang thang (2006), Sắc hoa Đà Lạt (2007), Khuôn trăng (2007), Rong chơi cho đã kiếp người (2012), Sự bức bối của lửa (2014); 13 tập ký, ghi chép, sưu khảo, cảm nhận: Từ Ba Tơ đến chiến trường ba nước; Duyên nợ Đà Lạt tập 1 & 2; Nàng công chúa và ngôi nhà điên;  Người đi về hướng núi; Nhà thơ Quang Dũng từ Tây Tiến đến Tây Nguyên; Ký ức Nam Ban; Tình yêu gửi lại; Nguyễn Đức Phúc chuyện thật như đùa; Lữ Tùng Anh cuộc đời và thi ca; Huyền thoại Lê Kích;  Người nặng tình với đất nước Triệu Voi… 01 tập ca khúc: Từ thanh đàn hình cánh hạc Tập ca khúc phổ thơ Trần Ngọc Trác (2006)…
Chủ biên 14 ấn phẩm văn học nghệ thuật và Phối kết hợp với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) thực hiện 33 tập phim tài liệu với vai trò viết kịch bản, cố vấn chương trình và thực hiện series phim ký sự như: Chuyện cũ Đà Lạt (07 tập); Trịnh Công Sơn nhẹ gót lãng du (05 tập); Những kỳ nhân của xứ sở sương mù (09 tập) và Đà Lạt ký (12 tập) …
Trần Ngọc Trác đã được trao nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật và báo chí: Phim tài liệu Hương sắc Cao nguyên Lâm Đồng Huy chương Bạc tại Liên hoan phim Truyền hình Việt Nam (2009). Giải nhì của Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng phóng sự tài liệu văn nghệ Lặng lẽ một hồn thơ (1999). Giải nhất Một người lính làm nên huyền thoại (2001) và giải khuyến khích Liên hoan phim Truyền hình Việt Nam năm 2001. Giải A Trịnh Công Sơn nhẹ gót lãng du (2019) của Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng…Giải C (không có giải A) tác phẩm Nguyễn Đức Phúc – chuyện thật như đùa của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (2020). Giải thưởng thơ về đề tài “Hình tượng người chiến sĩ cảnh vệ Công an Nhân dân” của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (1. 2023) …
Nhà thơ Trần Ngọc Trác được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023
NGƯỜI ĐÀN BÀ TRẦM NHƯ ĐÁ
Vỡ vạc
những cánh đồng
lạnh lùng mùa đông thành mùa hạ;
vỡ vạc
những dung nhan tàn úa,
khơi lên những khát khao sáng loá,
có trầm như đá,
có hờn như đá,
thức dậy sau những muộn màng.
Rũ áo
xuống cánh đồng tội lỗi,
tìm lại dấu tích xưa hằn lên bao huyền thoại,
thấy đời rộng mở 
Ngày xưa
Tô Thị hoá đá chờ chồng,
vọng phu qua thế kỷ nương lại nỗi buồn nhân thế.
Đá
có trầm luân đến muôn đời
một ngày cũng tan ra trăm mảnh cô đơn,
như chưa từng cô đơn.
Những giọt mưa của trời,
bão giông của biển, cuồng nộ của Thượng đế
trút lên người đàn bà trầm như đá
lời nguyền nghìn năm
chờ đợi.
Người đàn bà đau đớn chịu đựng
những búa rìu không phải từ câu chuyện của đời mình
mà bằng lời nguyền rủa vô đạo
của kẻ cùng giới;
của những loài sâu bọ gặm nhấm
vào thân thể người.
Tận cùng
của đam mê
có khi cũng là tội lỗi.
Tận cùng
của sự khao khát
có khi cũng là tội lỗi. 
Chúa chỉ ra tội đồ,
không mang nổi hình hài cứu rỗi.
Người đàn bà
khép trong góc tối đời mình,
một ngày nhìn ra tia sáng lung linh
từ sự ngờ vực
để không trầm như đá,
không hờn như đá.
KHUÔN TRĂNG
Gió ào ạt
thổi ngang bầu trời em, vần vũ mây
Gió vờn trên má em tấy lên những liềm môi;
Sấm bật dậy
từ ngoài bãi hoang
thổn thức vỗ lòng đêm lặng tắt.
Mưa gió như trêu ngươi em
lội qua những cánh đồng tức tưởi
Em vẫn một mình đi về phía có trái tim mời gọi .
Đất dưới chân anh như vụn vỡ,
Những ẩn chứa bên trong của tầng tầng địa chất
không còn kịp đúc thành khuôn thước
bền bỉ giữ lấy chân người;
Mắt anh loá lên
không phải ánh nhoà
của mặt trời chiếu thẳng
mà từ ruột gan xa xót đợi chờ em,
thương em, đi về phía trái tim mời gọi.
Gió lặng,
vết thương bầm trên da thịt mặt trời.
Khuôn mặt em
tràn ngập ngày xưa
tóc bím trải dài vắt qua bờ lưng ở lại
làm tê tái người xa năm tháng đợi chờ.
Ký ức ùa về
Gió mưa có thành bão tố
tàn phá những ngôi nhà, miếu cổ
Không thể dập tắt ý nguồn
vượt lên từ trái tim yêu.
Ký ức bộn bề
những nét chấm phá thẳm sâu tận cùng
Giãn ra một bầu trời trong suốt.
Em tự nhận mình đểnh đoảng
khước từ những cuộc rong chơi vô bổ;
khước từ những gương mặt
tưởng rằng quen mà lạ;
khước từ
những khuôn trăng đầy đặn của đêm.
Anh nhận ra trong mắt em gợn đỏ
Nỗi buồn giăng mùa bão tố.
Anh nhận ra em
Má lùm đồng tiền
nghiêng ngả nụ cười em
làm điêu đứng bao kẻ tình si
Sợi khói nhà anh thả lên trời xanh
Ký ức ùa về torng em
Đã bao năm, đêm nay thức dậy
Anh ngơ ngác nhìn em
hoài niệm cứ lấp đầy.
Đêm,
gió ào qua căn phòng anh ở
Một khuôn trăng lặng lẽ đợi ta về…
ĐÀ LẠT CỦA TÔI
Vừa lên
đỉnh dốc Prenn,
Bao nhiêu
nắng lửa
rơi nghiêng mạn đèo.
Gió luồn vực núi
gió reo,
Ngàn năm
thông vẫn
bốn chiều của thông.
Vắt  qua con dốc lượn vòng;
Rừng nằm trong phố
Phố nằm trong mây.
Bồng bềnh sương,
bồng bềnh cây
Bồng bềnh
nỗi nhớ
khỏa đầy tuổi thơ.
Chiều em tan lễ nhà thờ,
Một cây si dại ngẩn ngơ đứng nhìn.
Lẫn trong hoa cỏ đi tìm…
TRÀNG AN
Ai đếm được
bao nhiêu lâu đài rêu xót đế đô xưa,
Hà Nội bây giờ nắng nung như rưới lửa
Còn đâu Tây Hồ mênh mang một thuở,
Gió giờ đi hoang…
Những cây xanh trên đường Hùng Vương
Xanh đến đau Hà Nội phố phường
Thành phố những nhà cao tầng
vượt lên thinh không
không vượt lên được nữa,
Con chim trên trời không muốn bay cao,
Con cá dưới ao buồn không muốn lội;
Cây cau trong vườn không còn muốn trổ
Mẹ buồn nhìn ra ngõ cô đơn…
Thành phố rộng
Quê rồi cũng phố;
Xưa mẹ trồng dâu, nuôi kén tằm giữ ổ
Giờ trổ nhà ra hướng mặt tiền .
Những đứa trẻ
không chơi ô ăn quan, lại thích vào game;
Cụ già ngắm trăng suông trên trần nhà mình
Thương chú Cuội mất trâu, yêu chị Hằng lơi lả.
Câu ca dao xưa không còn ru cháu ngủ,
Lời ru âm âm trong điệu nhạc xập xình…
Cô bé ngày xưa
theo mẹ ra đồng cấy lúa.
Giờ em như phố dung dăng.
Mái tóc nhuộm xanh nhuộm đỏ
Em đốt cả cuộc đời em toé lửa,
Cháy bên một lằn đường…
Tôi lang thang dọc đường Hùng Vương
Lòng cứ nôn nao tự hỏi
Hà Nội về đâu? Phố Phái xưa đâu?
Hà Nội về đâu? Thăng Long hoài cổ?.
Hà Nội về đâu…
Và…Ta về đâu?
Tràng An ơi, Thăng Long ơi, Đông Đô ơi…
Hà Nội ơi… một thuở,
Còn không sương bện mai này!
LOANH QUANH PHỐ
Rộng dài
đâu là thước đo
con đường xa hay ngắn,
phải đâu
mênh mông tít tắp những cánh đồng.
Thẩm sâu tận đáy lòng,
những con đường quanh co
ngõ phố co quanh;
những sợi khói cuồn cuộn trào lên
như đám sương mù đặc quánh.
dưới mái lá rêu rong túp lều tranh hè phố;
người đàn ông
điềm nhiên thong thả rít thuốc Lào
nhả khói vào mây thanh thản;
người đàn bà
lặng lẽ châm từng giọt chè xanh vào chén,
thơm lựng mùi hương.
Hà Nội ngày xưa ba mươi sáu phố phường,
leng keng tàu điện xa vợi tự thuở nào;
còn lại mái ngói âm dương
nhìn ra đường khắc khoải.
Mải miết trôi vào hoài niệm
ta đi như gió phiêu bồng.
Con đường nào đâu dài rộng,
chỉ còn ký ức rộng dài.
Ngõ nhỏ phố nhỏ
Lòng cứ loanh quanh
Loanh quanh như phố.
Như phố loanh quanh…
MƯA VẪN DỊU DÀNG BAY
Chiều Đà Lạt
mưa dịu dàng qua phố
Anh  tiễn em về nơi ấy – quê em.
Một chút nắng
len vào lòng mãi nhớ
Ngày chia xa hoa thắm rực bên thềm.
Những con đường
rất đỗi thân quen
Những góc phố nơi chúng mình ghé lại
Giọt cà phê
tím cả chiều tê tái
Má em hồng bên bếp lửa làng Chil.
Nhớ những ngày
hai đứa mãi rong tìm
Bông hoa dại nở ven đường thổn thức
Và một thuở,
trái tim reo lồng ngực
Khi lần đầu hai đứa nắm tay nhau…
Thời gian trôi
như nước chảy qua cầu
Anh cứ ngỡ chẳng bao giờ gặp lại
Rồi một ngày
không còn chiều tê tái
Giọt cà phê đặc quánh giữa làn môi.
Sẽ không còn
chiều Đà Lạt mưa rơi
Mưa dịu dàng của một lần đưa tiễn
Sẽ không có một ngày hoa thắm rực
Lần chia xa để anh mãi đi tìm…
Em trở về
nơi ấy – quê em
Nắng Đà Lạt vẫn buông dài mái phố
Anh lặng thầm trong căn nhà gỗ
Trời vẫn xanh. Mưa vẫn dịu dàng bay.…
LẼ NÀO CÓ CUỘC CHIA LY
Em ơi,
ở lại cùng bà
Chị ra với mẹ giữa tòa ly hôn.
Trông cha
nét mặt trầm hơn,
Càng thương đời mẹ tảo tần sớm khuya.
Vì đâu
nên cuộc chia lìa,
Trời cao xanh gió đi về nơi nao
Đắng lòng
nhìn mẹ gầy hao,
Mấy lần sinh nở còn đâu dáng hình.
Trước tòa,
mẹ bỗng lặng thinh
Nước mắt thấm đẫm mối tình ngày xưa.
Một thời
mẹ cũng yêu thơ,
Yêu cha, yêu cả đợi chờ tháng năm.
Thân gầy
một tấm lòng son
Càng thương đời mẹ mỏi mòn tuổi xuân.
Cha buồn
nét mặt trầm hơn,
Thương cha với mẹ một lần vào đây…
Khói bay
trên ngón tay gầy
Đời cha như bóng phù vân cuối trời.
Lỡ lầm
một phút đầy vơi,
Tiếng lòng ai xé ngang trời buồn tênh.
Trước tòa cha mẹ lặng thinh…
NGẪU HỨNG LIM
Cùng em
về với Bắc Ninh,
Nhớ câu quan họ đưa tình í a.
Liền anh
liền chị lại nhà,
Têm trầu cánh phượng cho ta lạy mình.
Một lần
về với Bắc Ninh,
Nón quai thao sóng sánh tình đung đưa.
Áo tứ thân
mấy cho vừa,
Mới đêm hội trẩy mà nhừ môi nhau.
Nào ai
rải yếm, bắc cầu
Cho tình quan họ càng sâu càng đằm.
Đêm nay
trăng sáng một rằm,
Gói câu quan họ
Tôi cầm sang chơi…
Lúng liếng là lúng liếng ơi.
BÌNH YÊN QUÊ MẸ
Dẫu có dọc ngang
khắp bốn phương trời,
Cũng nhỏ bé trước bình yên quê mẹ.
Ta là ai? Lưu manh hay tử tế
Quê mẹ nghèo vẫn giang rộng vòng tay…
Gió hào phóng
trước đường sông rộng,
Chim chuyền cành thảng thốt sương rơi.
Cây cỏ cũng mềm như hơi thở,
Luỹ tre làng xao lá đầy vơi.
Em ra đứng bờ ao gió hát,
Mẹ trầm tư trăng sáng trong khuya.
Cha thong thả ngâm câu Kiều lưu lạc,
Nhấp chén rượu nồng thương nỗi phù sinh.
Cây vẫn trổ hoa.
Và nhà thêm cảnh
Mưa gió quê mình thuận thảo như xưa.
Lúa ở ngoài đồng
đẻ thêm nhiều nhánh,
Hàng giậu, bờ ao xao xác gà trưa…
Trước quê hương,
nhận ra mình có lỗi,
Bao năm đi không chịu quay về?
Tấm lòng mẹ
giang tay đón đợi,
Đứa con còn biền biệt xa kia!
NHƯ LÀ…
Hình như
là… em đó thôi,
Lướt qua trời đất rối bời cả lên
Hình như
vướng một chút duyên,
Em mang má lúm đồng tiền trêu ngươi.
Ta
là một kẻ rong chơi,
Em chia điêu đứng cho người tình si.
Trước ta
em chả nói gì,
Mà bao nhiêu kẻ chết vì… ngẩn ngơ.
Em chang chói.
Em mộng mơ
Để  cho bao gã làm thơ giật mình.
Em như
trúc biếc bên đình,
Anh như tiểu hỏng lén rình qua phên…
TRƯỚC MỘ TÚ XƯƠNG
Sông xưa giờ đã nên hồ,
Người thơ xưa đã thành mồ thời gian.
Chưa qua được nửa tuần nhang,
Dường như có tiếng thở than trong lòng?
“Quanh năm buôn bán mom sông, *
Nuôi năm con với một chồng”… dở dang.
Lệ đau rỏ xuống hai hàng,
Dường như có nỗi hàm oan trong lời?
Câu thơ trăm mối tơ trời,
Khứa vào tâm khảm phận người chưa thôi.
Nghe từng con chữ rơi rơi,
Từng con chữ quấn quanh đời người thơ.
Người đi khuất nẻo xa mờ,
Hỏi rằng tiếng ếch bây giờ còn không?
* Thơ Trần Tú Xương
IM LẶNG
Chẳng ai chịu nói một lời,
Một lời thôi cũng rối bời trái tim.
Hai người như thóc lặng im,
Chỉ thương ngọn cỏ chết chìm trong tay.
SỰ BỨC BỐI CỦA LỬA
Viết một câu thơ
nhọc nhằn như tằm nhả tơ,
như người đàn bà vượt cạn
Câu thơ sinh ra toả bốn phương trời
Câu thơ
mang nặng đẻ đau của kẻ bị lưu đày
không tìm ra lối mở.
Thượng đế
ban tặng nhà thơ ngôn ngữ.
Nhà thơ làm nên diện mạo thơ mình.
Lửa nhóm tưởng dễ;
Nào đâu hương khói bay lên?
Lửa nhóm tưởng dễ
Vinh quang?
hay kẻ đốt đền?
Nhân thế
mười hai tầng địa ngục,
Ngục nào cho nhà thơ chuốt lấy tài danh?
Ngục nào cho ngôn từ bay đi không trở lại?
Có nhà thơ
tự đoạ đày mình
Đi gõ cửa những căn nhà không có cửa;
Đi rải truyền đơn
khi nhân loại không cần
Thơ nào như mớ giấy lộn ngoài đường
bay tả tơi trong gió.
Có nhà thơ
tự hành hạ mình
Với những trò vô bổ;
Những diễn đàn huênh hoang,
những lời yêu thô lỗ
Những câu thơ
chết rồi không sống nữa
kẻ to mồm tự xưng.
Nhà thơ ơi,
nhân loại kính yêu Người.
Thơ cũng vì trái tim mà hiển lộ;
Thơ cũng vì nỗi đau nhân gian
mà biếng cuộc chơi.
Thơ
thắp sáng niềm tin,
hướng mở cuộc đời.
Sự bức bối ngôn từ
Sự quặn thắt của lửa
Có khi cháy lên bừng bừng giận dữ
Và có khi,
êm dịu hết mình.
26/1/2024
Trần Ngọc Trác
Theo https://vanvn.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Truyện của hội viên mới Chu Quang Mạnh Thắng

Truyện của hội viên mới Chu Quang Mạnh Thắng Chu Quang Mạnh Thắng sinh năm 1973, quê quán Bắc Giang, hiện sống tại TPHCM. Anh tốt nghiệp Đ...