Thứ Ba, 29 tháng 10, 2024

Truyện ngắn của hội viên mới Đặng Thị Thúy

Truyện ngắn của
hội viên mới Đặng Thị Thúy

Đặng Thị Thúy có bút danh khác là Phong Du, sinh ngày 13.8.1977 ở Hải Phòng, hiện là Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Hải Phòng.
Nhà văn Đặng Thị Thúy đã xuất bản các tác phẩm: Mạch sống (Tập truyện ngắn, 2007), Nơi ấy là Cửa Biển (Tập truyện ngắn, 2015), Trời biên cương vẫn xanh (Tập bút ký, 2019), Hoàng Châu, miền di sản văn hóa độc đáo của vùng biển Hải Phòng (Nghiên cứu, 2023).
Chị được nhận Giải ba Cuộc thi Sáng tác văn học trẻ báo Hạ Long 2006- 2007, tác phẩm Mùa chim ngói, Giải C Cuộc thi thơ Lê Thánh Tông lần thứ 20, 24 của UB MTTQVN tỉnh Quảng Ninh, Giải khuyến khích Cuộc thi Truyện ngắn và ký trên Tạp chí Cửa Biển năm 2014 – 2015, tác phẩm ký Hội đình, Giải thưởng Tạp chí Cửa Biển năm 2019, tác phẩm lý luận phê bình Mộ đá ngang lưng trời – Sự khốc liệt không dừng nơi chiến tuyến. Giải khuyến khích của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam 2019 tập truyện ký Trời biên cương vẫn xanh, Giải khuyến khích của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2023 tập nghiên cứu Hoàng Châu, miền di sản văn hóa độc đáo của vùng biển Hải Phòng.
Nhà văn Đặng Thị Thúy được kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023.
SỐ MỆNH
– Nè, bạn cũng về BINBOP dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ phải hông? Lại ăn cơm đi rồi mình cùng tính.
Đang lúng túng vì bị bao vây giữa đám xe ôm khi vừa ra đến cổng bến, tôi chợt nghe vang lên giọng miền Nam dễ thương ấy. Một cái gật đầu, một cái nhìn tin cậy khi vừa thoáng trông thấy tấm thẻ học viên do Bộ Giáo Dục cấp được treo lủng lẳng trên ngực người vừa nói,  một bữa trưa vội vã và một cuốc xe ôm chung giá ba chục ngàn, tôi đồng ý trở thành bạn cùng phòng với nó.
– Sao bà ở ngay đây mà tới muộn vậy? Lớp học được hai ngày rồi, hôm nay tui ra đón người quen nhưng lỡ mất, lại đón được bà, người Bắc mà coi cứ lơ ngơ như nai rừng vậy, may sao tui lại thấy bà, không thì bà đã bị mấy gã xe ôm xẻ thịt rồi. – Nó vừa cười hồn nhiên vừa nói như thế khi dẫn tôi lên phòng nghỉ.
–  Chúng ta sẽ ở đây cùng nhau trong suốt ba mươi ngày dự học, cái phòng này được phân cho tui và một bạn gái cùng tuổi, không ngờ đó chính là bà, vậy là chúng ta có duyên với nhau quá rồi. Mà sao giờ bà mới tới vậy, làm cho tui hai hôm nay cứ phải ở một mình, buồn muốn chết.
Tôi quăng người xuống giường, đáp:
– Cái đời nhà giáo nó khổ thế đấy, hết năm học tưởng là hết việc, đã sắp để đi đúng ngày rồi, ai ngờ mấy bà già làm làm sai bung bét cả sổ điểm, cả học bạ, làm mình phải dọn giúp, thế là chậm mất hai ngày, mệt quá là mệt.
– Ừa, phải rồi, năm nay mới đổi cách làm điểm, trường mình cũng nhiều người làm nhầm lắm, nhất là mấy bà già. Đúng là “ đan đi không tày giậm lại”, mệt cũng phải thôi.
Nó nói với tôi, đầy thông cảm và giúp tôi tống cái vali to xù vào ngăn tủ. Lúc này tôi mới có dịp nhìn kĩ nó. Tuy bằng tuổi nhau nhưng trông nó có vẻ già dặn hơn tôi. Dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn. Khuôn mặt xinh xắn của nó lúc nào cũng toát lên sự sắc sảo, tự tin như chính cái lúc nó gọi tôi ở bến xe vậy. Và ánh mắt của nó luôn mang đến cho người đối diện một sự tin tưởng khó nói thành lời. Phải nói là ngay từ những phút đầu, nó đã tạo cho tôi những tình cảm tốt về một người đồng nghiệp ở tận phương Nam xa xôi, cách tôi hơn hai ngàn cây số, người mà tôi được giao nhiệm vụ là ở cùng để giúp đỡ. Vậy mà thực tế thì chính nó lại là người đón tiếp và giúp đỡ tôi. “ Mày luôn là đồ trâu chậm nhưng lại toàn được uống nước trong”, tôi bật cười khi chợt liên tưởng và nghĩ đến lời mà người chị song sinh của tôi đã nói vào cái ngày chị đến thăm tôi ở cữ đứa con thứ hai, chứng kiến cảnh tôi cứ nằm dài trên giường, bà giúp việc bế con còn chồng tôi thì cặm cụi nấu ăn dưới bếp. “ Mới đẻ con được chục ngày, chị đã phải xuống giường giặt giũ, cơm nước mọi bề, ăn uống thì kham khổ, con thiếu sữa khóc ằn ặt chỉ có một mình dỗ dành bế ẵm, ban đêm lục sục cho con bú sữa ngoài thì chồng càu nhàu là làm mất giấc ngủ. Lại còn bà mẹ chồng ngấm nguýt ngược xuôi rủa là “ đồ đàn bà vô dụng, nhà nước cho nghỉ hẳn bốn tháng, ở nhà chỉ có mỗi việc ăn mới trông con mà chẳng nên hồn…” – Chị nghẹn ngào kể như thế để so sánh với tôi: “  Cũng là kiếp đàn bà, lại đẻ cùng ngày cùng tháng cùng năm, chị chỉ ra đời trước mày có nửa giờ đồng hồ mà sao như sống cách nhau cả mấy chục năm trời. Hình như ông trời cho mày sung sướng để bù đắp những nỗi khổ mà chị phải chịu hay sao ấy.”  Chị hay nói thế như một sự an ủi động viên chính mình, chứ không phải là ghen tị với tôi, rằng chị đã gánh lấy những khổ sở nhất của kiếp đàn bà, để dành cho tôi những sung sướng mà tôi đáng được hưởng, như là một sự cân bằng trớ trêu của tạo hoá đối với một gia đình có hai đứa con gái như bố mẹ tôi. Bố mẹ và vợ chồng tôi thương chị đến nỗi không nỡ trách chị, dẫu trong lòng ai cũng biết tất cả những vất vả cực nhọc ấy là do chị tự chuốc lấy từ sự mù quáng khi yêu anh ta, người bạn học của chồng tôi khi xưa, và hiện giờ chúng tôi phải gọi là anh rể. Ấy là một người đàn ông nhu nhược, bất tài và hèn mạt, lại được sinh ra bởi một ông bố gia trưởng độc đoán, một bà mẹ cổ hủ lạc hậu, như thể họ là người của thế kỉ 18 được đầu thai vào thế kỉ 20 mà vẫn giữ nguyên những lề thói sinh hoạt và nếp nghĩ của cả mấy nghìn năm phong kiến, rồi lại áp đặt tất cả những thứ đó lên những con người trẻ trung thế hệ 7X, trong một bối cảnh xã hội hiện đại của thế kỉ 21 này. Chồng tôi là người hiểu rất rõ về con người và gia đình anh ta, chồng tôi khuyên chị không nên vì quá yêu mà bất chấp tất cả những điều đó. Rằng lấy anh ta, chị không thể có gì hết ngoài những lời nói ngọt ngào. Những lời đường mật luôn được tuôn ra một cách dễ dàng từ đầu lưỡi của anh ta có thể mất đi bất cứ lúc nào, khi cuộc sống thực tại không thể như ý với một kẻ thiếu bản lĩnh như anh ta, với những con người hướng cổ một cách ấu trĩ như bố mẹ anh ta, những người mà ngay cả ba đứa con đẻ của ông bà cũng không thể sống chung, phải cùng vợ hoặc chồng dời đi một cách sớm nhất có thể, bất chấp sự  nguyền rủa và tuyên bố từ mặt tất thảy sáu đứa bao gồm cả con rể, con dâu, con trai, con gái, những “đứa mất dạy” đã dám chống lại “lề lối gia phong” truyền qua bao đời của dòng tộc nhà ông bà. “Họ dám làm thế. Nhưng anh ta thì không. Anh ta là con út cưng, được bố mẹ chiều chuộng từ nhỏ, được ông bà đặt vào niềm hy vọng cuối cùng và lớn lao. Anh ta không đủ bản lĩnh, cũng không phải là người đàn ông đích thực để một người phụ nữ có thể dựa vào”- Chồng tôi, khi ấy mới chỉ là người yêu của tôi, đã nói với chị như thế. Bố mẹ tôi đã phản đối kịch liệt cuộc hôn nhân ấy. Nhưng chúng tôi đã phải ngậm ngùi tiễn chị lên xe hoa. “ Nếu phải vì tất cả những điều thực dụng tầm thường ấy mà từ bỏ thì sao có thể gọi là yêu?” – Đấy là cái lí của chị. Khi người ta yêu, làm sao biết là mình mù quáng. Chị đã phải trả giá cho tình yêu mãnh liệt đắm say ấy bằng cả cuộc đời, sự nghiệp và niềm đam mê nghệ thuật của mình. Thay bằng những điều ngọt ngào mà chị tưởng sẽ được hưởng từ cuộc tình đắm say ấy là chuỗi ngày nhọc nhằn, cực nhục. Chồng chị ngày đêm bù khú với bạn bè, bỏ mặc chị với những lo toan cuộc sống trong cái gia đình chung ngột ngạt ấy. Chị trở thành Ôsin không công trong nhà chồng, như một lẽ hiển nhiên phải thế. Nhưng Ôsin thì chỉ phải lao động cực nhọc, phải hầu hạ dạ vâng, quá lắm là phải chịu những mắng mỏ chì chiết, những soi mói, nguýt lườm của một nhà chủ khó tính và khinh người. Nhưng Ôsin hằng tháng vẫn được nhận tiền công lao động. Thích làm tiếp thì làm, không thì bỏ. Còn với chị, ngoài việc chu toàn tất thảy mọi việc nội trợ, chị còn phải lo cả việc kiếm tiền, không chỉ cho cái “tổ chim chích nhỏ bé” trong ước mơ của chị. Tất cả những điều đó đều bị ràng buộc bởi hai từ “ nghĩa vụ, bổn phận”. Những ngày chị ở cữ, thương chị vất vả nhọc nhằn, mẹ rủ tôi sang  xin khéo để được đón chị về bên này. Nhưng cái mẹ con tôi nhận được là thái độ khinh khỉnh của bà thân gia: “ Chúng nó là con dâu, là cháu nội của tôi. Chẳng lẽ bà lo người nhà tôi không chăm nổi mẹ con nó vài tháng ở cữ? Hay bà muốn thiên hạ ca ngợi nhà ngoại mà nhổ vào mặt đàng nội chúng tôi!” . “Ấy không, bà đừng hiểu nhầm, chỉ là vì dì nó đây dạo này đang rỗi rãi. Nó muốn được chăm chị ở cữ để thoả cái tình chị em gái với nhau. Với lại tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản, là mong được ông bà đây cho chúng tôi được san sẻ một chút ít niềm vui chăm bẵm con Cún Con, với gia đình tôi, chúng là con đầu cháu sớm”. Mẹ tôi đành xuê xoa cho êm chuyện, sợ nói thêm nữa sẽ căng thẳng, sẽ làm cho chị thêm buồn tủi. “Nó đang máu gái đẻ…”- mẹ thì thầm nói với tôi rồi ngậm ngùi, vội vã nuốt nước mắt ra về. Sau đấy, dẫu bố mẹ tôi có kín đáo gặp cái kẻ được gọi là chồng của chị để ngọt nhạt động viên anh ta cố gắng quan tâm hơn đến mẹ con chị, thì anh ta vẫn cứ bù khú với đám bạn sau gìơ làm, vẫn cống tất tật tiền lương của một công chức quèn cho bà mẹ đẻ. “ Để mẹ lo chợ búa, cơm nước cho hai mẹ con nó”- bà ta bảo thế. Nhưng kì thực, khẩu phần ăn của chị hàng ngày không khá hơn người thường, thậm chí còn thanh đạm hơn, bởi vì “ gái đẻ phải kĩ kiêng, vạ mồm mà hậu sản thì có hối cũng không kịp” – bà ta vẫn bảo thế mỗi khi chị mua thêm thứ gì đó để ăn uống, tất nhiên là bằng tiền mà tôi thỉnh thoảng vẫn dấm giúi cho chị, bởi số tiền ít ỏi chị dành dụm được chỉ đủ mua sữa cho con mà thôi. Nhìn chị mỗi ngày một xác xơ, cha mẹ tôi héo hắt cả gan ruột. Không ít lần, vì quá thương con gái, mẹ đã thầm thì xui chị bỏ chồng. Mẹ hi vọng chị sẽ tìm được sự bình an hơn bên người đàn ông vẫn si mê chị từ ngày còn thiếu nữ. Vậy mà, lần nào cũng giống lần nào, chị đều bảo “Thứ níu giữ chị với chồng bây giờ không còn là tình yêu nữa, nhưng đàn bà dẫu vĩ đại đến đâu cũng không thể thoát khỏi tấm lưng của đàn ông, khi số mệnh đã buộc họ vào nhau như thế”. Tôi không biết phải giúp chị thế nào, nhiều khi tôi ước: giá như tôi có thể san sẻ được một chút, dù chỉ là một chút thôi, những nhàn hạ sung sướng và sự may mắn mà tôi được hưởng trong kiếp này cho chị, thì đời chị chắc không quá khổ cực như thế. Nhưng đấy chỉ là ước thôi, mà Ông Trời thì không bao giờ mang đến cho người ta những thứ họ cần phải ao ước để có được, bởi nếu được thì trên đời này đã chẳng bao giờ phải có những ước mơ.
Có đôi khi, tôi tự hỏi: “Chúng tôi đều được chiếu mệnh bởi chòm Sư Tử, nếu có thứ gọi là định mệnh thật thì sao hai chị em song sinh chúng tôi lại có hai số phận khác nhau?”. Tôi vốn không tin vào thứ được gọi là định mệnh được đặt sẵn cho mỗi con người. Bởi vào mỗi giờ, trên trái đất này có những hơn năm nghìn con người được sinh ra, chẳng lẽ số phận của họ giống nhau cả sao? Nhưng đến giờ thì tôi buộc lòng đã phải tin sau một tuần sống chung với nó, người được sinh ra cùng ngày tháng với chị em tôi. Và trùng hợp một cách lạ kì với giờ sinh của chị tôi. Suốt từ hôm đặt chân đến đây, tôi thường xuyên được chứng kiến cảnh nó bị chồng khủng bố bằng điện thoại và nghe nó kể về cuộc sống gia đình mình. Theo mỗi lời nó nói, tôi tưởng như thước phim cuộc đời của chị gái tôi đang được tua lại trước mắt tôi. Chầm chậm, rõ ràng và sinh động. Có khác chăng là câu chuyện ấy xảy ra ở một địa điểm khác, cách chúng tôi hơn hai nghìn cây số mà thôi.
Sau một tuần êm đềm, cuộc sống của hai đứa tôi bị xáo trộn bởi một người mới đến. Người đàn ông trông phong độ và có giọng nói đặc biệt trầm ấm quyến rũ ấy hơn chúng tôi đúng hai con giáp. Thay vì phải gọi bằng chú, sau cả giờ lúng túng với những đại từ nhân xưng, tôi cũng dám cho phép mình mạnh dạn gọi bằng “anh”, đơn giản bởi từ đó được nó gọi người ấy một cách đầy thương yêu trìu mến. “Anh là người mà tui đón hụt ở bến xe hôm trước. Anh là hiệu trưởng ở một trường tận Lào Cai, cũng tham gia lớp bồi dưỡng này. Anh là chỗ dựa duy nhất của tui bấy nay, cũng chính là người cho tui biết vì sao mình cần phải sống cho ra sống”- đó là những gì nó giới thiệu với tôi về anh trong khi đôi mắt của hai người xoáy vào nhau đăm đắm, khiến tôi bỗng thấy sự có mặt của mình ở đây, trong giây phút này, quả là một tội ác.
Thời gian trở nên vô nghĩa trong ý niệm của hai con người ấy. Thời gian chỉ có ý nghĩa với tôi khi phải lang thang tán gẫu khắp các phòng lân cận hơn hai tiếng đồng hồ. Và thời khắc này, gần mười một giờ đêm, tôi vẫn đứng ngoài ban công nhà nghỉ. Nếu như những hồi chuông điện thoại khủng bố của chồng nó đã từng làm cho tôi khó chịu suốt cả tuần qua thì bây giờ, chính những âm thanh ấy lại mang đến cho tôi cảm giác giải thoát đầy sung sướng. Anh của nó đã vội vã trở về căn phòng được phân cho mình khi chợt nhớ ra ở đây vẫn còn có một đứa là tôi, kẻ đang cần được ngủ để có thể tiếp tục duy trì một chu kì sinh hoạt thông thường nhất.
Tôi bước vào trong khi nó vẫn đang nói với chồng qua điện thoại. Vẫn lại chuyện phải cho con ăn ngủ ra sao, tiền bạc phải dè xẻn như thế nào cho đủ. Công việc ở cửa hàng phải thế này, thế kia…Từ việc lớn nhất cho đến việc nhỏ nhất. Cứ như thể một người mẹ dặn đứa con mười tuổi trong lần đầu tiên phải tự phục vụ mình. Và kết thúc cuộc trò chuyện ấy, như tất cả những lần trước, là một cuộc cuộc cãi vã chẳng đâu vào đâu.
– Ổng biểu tui rằng: “Tui ốm lắm, cô mà cứ ở đó chừng vài ngày nữa thì khi cô về tới nơi, mồ tui đã xanh cỏ rồi.”- Nó nói với tôi đầy ấm ức, bấm nút tắt nguồn máy điện thoại và tiếp:
– Tiền thì chẳng đưa được một xu, còn bắt người ta về tấp lự, hai ngàn chứ có phải hai chục cây số đâu. Cả đi lần về tốn gần hai triệu bạc. Chỉ tìm cách gây khó cho người ta không hà. Bà biết hông, hôm tui nhận được giấy mời tham gia tập huấn kì này, ổng nói: “Cô lo công chuyện ở nhà đi, đàn bà học lắm mà làm gì, hay là mong ra ngoài đó để được gặp cái thằng bồ của cô?”…
– Chồng bà cũng biết bà có anh ấy à?
– Ừa, anh vẫn hay gọi cho ổng, nhất là những khi ổng làm khó cho tui.
– Chồng bà không ghen sao?- Tôi bắt đầu cảm thấy thật tò mò.
– Ổng thừa biết ngày đó tui lấy ổng chỉ vì hận anh quá…
– Nhưng anh ta có cái quyền của kẻ làm chồng.
– Ổng chỉ có quyền đối với thể xác của tui. Còn tâm hồn thì không thể.
– Vậy thì sao bà không bỏ quách anh ta để mà sống với anh Thẽm của bà đi.
Đôi mắt sắc sảo của nó như tối lại, giọng nó chùng xuống một cách lạ lùng:
– Đó là cả một câu chuyện dài…
Thẽm không phải là tên thật của người đàn ông ấy. Đó là một cách để người ta gọi những người chỉ có toàn con gái. Mười chín tuổi, nó quen anh trong dịp giao lưu giữa một số trường sư phạm ở hai miền  Bắc, Nam. Người đàn ông, người thầy giáo bốn mươi ba tuổi ấy đã làm trái tim thiếu nữ của nó rung lên giai điệu mãnh liệt của tình yêu đầu đời. Tiếp sau những ngày của đợt giao lưu là những cuộc điện thoại dài hàng tiếng, với những ăm ắp nhớ thương và khát khao về một tổ ấm. Nhưng tất cả bỗng tan tành khi nó phát hiện anh đã là chủ một gia đình với một người vợ rất đảm đang và ba đứa con gái xinh xắn. Nó trả thù sự dối trá lọc lừa của người đàn ông ấy bằng chính cuộc đời của mình, bằng cuộc hôn nhân với kẻ mà nó không vấn vương một chút gì gọi là yêu thương. Nhưng nó không bao giờ quên được người ấy. Nhất là khi mà chồng nó không phải là tấm lưng vững chãi cho nó có thể ngả vào. Những cuộc điện thoại Bắc- Nam lại nối mạch. “ Mỗi ngày được nghe thấy tiếng anh là tui thấy có đủ niềm vui và nghị lực để làm mọi chuyện”. – Nghĩ lại ánh mắt của nó lúc gặp người đàn ông ấy, tôi tin nó thật lòng.
Nhạc chuông điện thoại đổ dồn lúc nửa đêm làm cả hai đứa thức giấc. Tiếng thút thít của chị ở đầu bên kia khiến tôi tỉnh hẳn, hoảng hồn:
– Chị! Có việc gì thế, nói cho em nghe đi.
– Khổ quá em ơi, chị biết phải làm thế nào bây giờ?
– Nhưng mà có chuyện gì cơ chứ, chị nói đi để em còn biết đường mà giúp chứ.
Qua lời kể nghẹn ngào của chị, tôi tạm hình dung được đầu đuôi câu chuyện. Chồng chị chẳng hiểu nghe mấy thằng bạn đồng nghiệp dụ dỗ thế nào kí đơn kiện ông giám đốc công ti, về chuyện tài chính gì đó mà anh ta chẳng có chút hiểu biết gì, bởi có bao giờ anh ta để tâm đến những chuyện đó đâu. Chẳng ngờ kết quả thanh tra không thấy gì khuất tất. Thế là anh ta mang tội vu khống. Nhưng ông giám đốc hứa sẽ cho anh ta một lối thoát nếu người đến nói chuyện với ông ta là chị. “ Người như em mà phải chịu làm vợ một thằng như nó thì thật phí cả một đời” – Chị rùng mình khi ánh mắt ve vãn của ông ta bất chợt hiện lên…
– Thế chồng chị phản ứng thế nào? – Tôi nóng ruột hỏi.
– Chẳng thế nào cả. Anh ấy chỉ nói với chị về điều kiện của ông ta rồi lặng thinh.
– Lặng thinh nghĩa là sao?
– Chị cũng hỏi anh ấy câu đó nhưng anh ấy bảo: nếu sự nghiệp của anh mà tan tành vì chuyện này thì anh chết mất. Chị phải làm thế nào đây, thấy chết mà không cứu thì còn gì là tình nghĩa vợ chồng.
– Tình nghĩa cái con khỉ, cứ để cho anh ta chết – tôi nổi cáu – nếu biết đến chữ tình nghĩa thì anh  ta đã không làm thế. Chị đừng có làm gì dại dột, cứ để từ từ cho em nghĩ cách đã.
Gác máy rồi mà tôi thấy cục tức còn nổi đầy trong cổ. Chỉ cần một câu hỏi của nó, sự việc sẽ được tôi thuật lại vắn tắt ngay tức thì. Nhưng nó không hỏi gì cả, chỉ thủng thẳng bảo:
– Đừng nói với tui rằng ông anh rể đòi thí chị gái bà để thoát thân đấy nhé.
– Tai bà thính đến nỗi nghe được chị tôi nói qua điện thoại à?
Nó bật dậy như chiếc lò xo:
– Khốn nạn, sao trên đời này lại có những hai thằng đàn ông khốn nạn y chang nhau vậy cà?
– Cái thằng khốn nạn kia không phải là chồng bà đấy chứ?
– Hừm, chỉ vì một bài báo thôi mà nó nỡ thí tui cho lão phó chủ tịch tỉnh đấy.
– Bà đã nghe theo à?
– Đã là như thế nếu không có lời khuyên của anh.
– Thẽm á? Anh ấy khuyên bà thế nào?
– “ Em cứ làm như nó muốn, nếu thấy nhân cách của mình chỉ rẻ mạt thế thôi”
– Kết quả thế nào?
– Ổng bị treo bút mười tám tháng. Và đến bây giờ vẫn còn oán hận tui về chuyện đó.
Tôi không hỏi gì thêm nữa, trả lại sự tĩnh lặng cho căn phòng. Nhưng đêm hôm đó, cả hai đứa tôi đã thức chong chong.
Hai mươi chín ngày tập huấn trôi qua thật nhanh. Hơn hai chục ngày phòng tôi phải tiếp khách đều đều các buổi tối. Hầu như tôi phải di tản, hoặc kiếm cớ đi đâu đó để họ có chút tự do. “ Sao bà không cùng anh ấy đi dạo loanh quanh ngoài kia, nhiều khi tôi muốn nghỉ sớm. Bất tiện quá.” Có lúc tôi đã cáu với nó. Nhưng tôi lại thấy nó có lí: “Nếu chỉ có riêng hai người ở nơi nào đó ngoài kia, tui sợ sẽ không giữ được mình”. Có cái gì đó như nỗi khát khao đang bị nén laị trong nó. Tôi liên tưởng và thấy thật tội cho chị tôi. Nhưng khuyên chị tôi có thể nghĩ thoáng được như nó là điều tôi không thể làm. Thật quá khờ khạo, thật quá phiêu lưu. Nó sẽ được gì sau hơn hai chục ngày bên người ấy? Chỉ ngày mai thôi, hai người bọn họ lại kẻ Nam người Bắc mất rồi. Phải chăng chính cái khoảng cách hai ngàn cây số ấy đã khiến tôi mủi lòng khi người đàn ông ấy muốn ngủ chung phòng với chúng tôi. “Thông cảm cho bọn anh, nhé, mai anh phải về sớm vì công việc ở trường gấp lắm rồi, chỉ còn đêm nay thôi, cho bọn anh có thêm vài giờ trò chuyện…” Tôi thật độc ác nếu cứ mãi cương quyết chối từ. Nhất là khi nhìn đôi mắt thường ngày sắc sảo của nó giờ đây buồn thăm thẳm. Mười giờ đêm… Cũng chỉ còn vài tiếng nữa… hai nghìn cây số cách xa…Tôi chậc lưỡi. Chiếc đệm mút được lột ra trải xuống đất. Hai đứa tôi ngủ trên giường. Trước khi đi ngủ, tôi không quên thì thầm nhắc nó: “Chỉ còn một đêm nay thôi, đừng có dại dột đấy”. Nó cười như muốn nói “Có bà ở đây, tụi tui có gan to bằng trời cũng hổng dám làm gì”. Tôi thiếp đi trong khi tiếng rì rầm của họ vẫn đều đều.
Nửa đêm tôi chợt tỉnh trong ý thức về điều gì đó bất an. Qua thứ ánh sáng nhờ nhờ từ những ngọn đèn đường hắt qua cửa kính phòng nghỉ, tôi nhận ra chỉ còn một mình tôi trơ trọi trên chiếc giường đôi. Còn nó chắc chắn đang ở cùng anh dưới đệm kia, chỉ cách nơi tôi nằm chưa đầy hai mét. Tiếng rì rầm phát ra từ đó:
– Chỉ còn đêm nay là phải xa em rồi, hãy để anh được yêu em như anh hằng khao khát.
– Hai mươi ngày bên nhau, vẫn chưa thỏa sao. Anh Thẽm của em nảy lòng tham lam từ bao giờ vậy?…Đừng …đừng siết chặt em như thế, em nghẹt thở bây giờ… đừng…
Đáp lại lời nó, có lẽ là một vòng tay siết chặt hơn :
– Em… nghe anh nói… Thay bằng việc gọi anh là Thẽm, hãy…hãy giúp anh…. giúp anh không còn bị người ta gọi bằng cái tên đầy sỉ nhục ấy nữa…anh yêu em nhiều lắm…em có…có biết không?
– “Đừng…anh…”- giọng nó ngày càng yếu ớt, hơi thở của nó ngày càng gấp gáp hơn – “Đừng… bắt em phải… phản bội chồng…”
– Em đã là người đàn bà phản bội từ mười năm trước, ngay từ giây phút đầu tiên em chấp nhận nó làm chồng. Dũng cảm lên nào, chúng ta có tình yêu, có tất cả. Hãy tin anh.
Toàn thân tôi run lên. Trí tưởng tượng được kích thích đến tột cùng? Sự phản đối vẫn phát ra yếu ớt từ cổ họng nó:
– Đừng… anh ơi…dừng… dừng lại đi…em.. la… em la lên nè…
Không có lời nào đáp lại nó nữa. Chỉ có những tiếng thở hổn hển, gấp gáp, phập phồng. Mặt tôi nóng bừng. Mắt nhắm chặt rồi mà hai tấm thân quấn chặt lấy nhau dưới cái đệm cách hai mét kia cứ rõ mồn một trong đầu tôi. Tôi sẽ bật dậy. Ngay giây phút này tôi sẽ bật dậy. Để đánh thức nó khỏi sự đam mê tội lỗi? Để nó chỉ phải chịu cái tội ngoại tình tư tưởng đối với chồng mình? Nhưng không, nếu tôi bật dậy thì hai con người kia, nhất là nó, sẽ như thế nào… “Kẻ khờ khạo mù quáng kia ơi, hãy hét lên đi. Nào, la to lên một tiếng đi, chỉ cần một tiếng la thôi, ta sẽ bật dậy, sẽ giúp mi thoát khỏi. Mi không thể nhưng ta thì có thể. Ta có quyền tống cổ kẻ đó ra khỏi nơi này cùng sự ê chề nhục nhã, nào… la lên một tiếng đi…”
Đáp lại những lời van vỉ ấy của tôi, cổ họng nó chỉ phát ra âm thanh rên rỉ, đứt quãng, hổn hển. Thứ âm thanh của sự thoả mãn và hạnh phúc đến tột cùng.
Tôi tiễn nó ra sân ga. Chuyến tàu đêm sắp khởi hành. Sau hai mươi chín ngày vui vẻ bên nhau là một ngày nặng nề khôn tả. Hai đứa bạn đồng nghiệp, đồng niên sắp chia tay mà chẳng ai dám nhìn vào mặt người kia. Nó lầm lũi đi trước. Tôi lầm lũi theo sau. Cả sân ga sáng choang như thế mà tôi chỉ thấy một màu đen của bầu trời đêm ba mươi. Cả một sân ga náo nhiệt như thế cũng không làm tôi mất đi cái cảm giác đang đứng giữa một cánh đồng mênh mông hoang vắng. Chỉ thấy tấm lưng lầm lụi của nó như trĩu xuống sau một ngày lặng câm.   “ Đoàn tàu TN4 tuyến Hà Nội- Thành phố Hồ Chí Minh sắp đến giờ khởi hành…”- tiếng loa phát thanh âm âm như vang lên từ một nơi xa lắc. Nó dừng bước ở cửa toa tàu số 4, cầm lấy túi hành lí còn lại từ tay tôi. Tôi cảm thấy nó hít một hơi thật mạnh trước khi cất lời:
– Chuyện đêm hôm qua… có thể đã làm bà khinh ghét tui lắm lắm. Một người may mắn và hạnh phúc khó mà thông cảm được với hoàn cảnh và khát khao của những đứa như tui. Dẫu gì, tui cũng muốn bà biết rằng: Có thể tui sẽ không bao giờ gặp lại bà, cũng như không bao giờ gặp lại người đàn ông ấy nữa. Ba mươi ngày qua, khi thực sự sống cho mình, tui đã tin vào thứ gọi là số mệnh. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc tui phải phục tùng theo nó, mà trái lại, tui sẽ bằng mọi cách để làm chủ số mệnh của mình. Hãy giúp tui nói điều đó với chị gái của bà, người có chung số mệnh như tui.
Nó xiết chặt tay tôi, nhìn thẳng vào tôi với ánh mắt lấp lánh của hàng nghìn ngôi sao, rồi quả quyết bước lên tàu, bỏ lại tôi với một mớ những cảm xúc hỗn độn. Tôi muốn nói với nó điều gì đó, nhưng trong giờ khắc này, mọi lời nói đều chỉ là vô nghĩa. Vả lại, cũng quá muộn rồi. Tàu đã chuyển bánh. Con rắn sắt khổng lồ đang trườn đi trên con đường chỉ dành riêng cho nó. Ánh sáng yếu ớt vàng vọt hắt ra từ toa số 4 nhanh chóng khuất sau những dãy nhà. Tiếng bánh sắt nghiến kèn kẹt xa dần, hút vào một miền đêm mông lung thăm thẳm.
CON CHIM BAY LẠC
Tự ngật ngưỡng ngồi bên bàn. Cái bàn ngổn ngang chén đĩa, vung vãi những mẩu diêm và nham nhở tàn thuốc lào. Mùi rượu cay nồng, mùi tanh của thức ăn, mùi khai của nước điếu quyện vào nhau, tạo nên một bầu không khí đặc quánh, tanh lợm. Với một người nào khác bước vào đây là cảm giác ấy. Nhưng với Tự, gã chẳng còn thấy gì. Gã đã sống chung với mùi ấy cả tháng nay rồi, kể từ khi con vơ hư đốn của gã dứt áo ra đi. Cả tháng nay rồi, gã vùi mình trong men rượu. Gã muốn quên đi nỗi nhục nhã đớn đau quặn thắt của thằng đàn ông bị phụ bạc. Gã uống như chưa bao giờ được uống. Gã nốc tì tì thứ nước cất trong veo, cay nồng. Ngày này qua ngày khác, gã chẳng thiết làm gì, chẳng thiết ăn, gã chỉ muốn uống cho quên cái nỗi đời đen bạc. “Khốn kiếp! Thật khốn kiếp” – gã lè nhè một mình, lập bập cầm chai rượu và rót. Dòng chất lỏng trong chai ồng ộc chảy ra, loằng ngoằng đổ vào chén, toé xuống bàn. Đầu óc Tự bồng bềnh ngả nghiêng, nhìn cái chén lúc mờ lúc tỏ, gã cầm lên và tợp gọn một hớp. Dòng chất lỏng trôi tuột vào dạ dày, chẳng thấy cảm giác gì cả. Tự lại rót và cay cú tợp gọn một chén nữa. Gã nấc lên: -“Mẹ kiếp! Rượu gì mà cứ ngọt lịm thế!”. Gã lè nhè rủa. Tiếng rủa loang trong căn nhà trống, đập vào màng nhĩ của  gã, âm âm. Tự với chai rượu, toan rót tiếp thì nghe tiếng khóc ti tỉ của con, càng lúc càng gần. Gã ngất ngư đảo mắt nhìn ra cửa. Đứa con gái lớn đang bế em lếch thếch đi vào. Tự gằn giọng:
– Cái gì thế?
Con chị đặt em nem nép dựa vào bức tường đối diện, đáp rụt rè:
– Cái Mơ… nó đòi ăn bánh của thằng Huy. Thằng Huy không cho, nó khóc. Bố… từ sáng đến giờ …
Con bé chưa nói hết, Tự đã thấy tức sôi lên, quát:
– Đòi! Đòi cái gì? Chúng mày chỉ biết đòi hỏi thôi hả? Có giỏi thì đi tìm con mẹ mày mà đòi. Đi đi, cút hết đi…
Tự cầm chén rượu vung mạnh, cái chén vuột khỏi tay gã, phóng vào bức tường đối diện. Sau tiếng “Choang” khô khốc, từng mảnh chén bắn toé xuống sàn. Đứa em khóc thét lên trong khi con chị nhìn gã trân trân bằng cặp mắt thất thần, sợ hãi. Mắt gã hoa lên, tối sầm lại. Gã lắc mạnh cái đầu, cảnh tượng lại hiện ra, rõ mồn một. Trước mắt gã bây giờ là một thằng con trai chạc mười tuổi đang nhìn gã trừng trừng căm giận. Đúng là một thằng bé con, khuôn mặt nó chập chờn, gã thấy như quen lắm. Gã không hiểu bằng cách nào mà nó lại có thể đứng ở đây, nhìn gã bằng con mắt căm giận đến nhường này. Cổ gã nghẹn lại, nỗi căm giận của thằng bé như đang trào lên trong gã. Gã gục xuống bàn, như một tàu lá úa. Gã thấy thằng bé vùng chạy ra ngoài, phóng đi thật nhanh, gót chân gã đang bồng bềnh theo giấc mơ đang trôi về quá khứ nghiệt ngã của những ngày thơ ấu.
Thằng bé ấy là Tự của hai mươi sáu năm về trước. Cái bát rượu được ném đi từ bàn tay của người cha nghiện ngập khi ấy cũng giống như nỗi căm giận uất ức được dồn nén bao lâu nay trong lòng nó, giờ được dịp vỡ toang ra. Nó chạy hối hả, như thể muốn thoát thật nhanh khỏi căn nhà địa ngục đó, cho đến khi nó thấy ngực thắt lại, như có ai đó đang bóp mạnh vào, Tự mới dừng lại thở hồng hộc, gấp gáp. Khi quả tim trở về với nhịp đập đều đều, nó mới tiếp tục đi bằng những bước chân vô định. Ra khỏi cổng làng, Tự không biết mình sẽ đi về đâu. Đi tìm mẹ, ấy là điều đầu tiên loé lên trong óc nó. Nghe đâu mẹ ở Thị xã, nó chỉ biết có thế. Tự lần ra đường cái, vẫy những chiếc xe khách qua đường, chẳng cái nào dừng lại cho đến tận khi trời tối nhá nhem, người lái xe tải buộc phải phanh gấp trước một thằng bé giang tay đứng giữa đường và mủi lòng khi nghe nó mếu máo kể rằng muốn đi tìm mẹ ở Móng Cái, nơi chiếc xe phải đến trên chặng đường dài sắp tới. Nó được lên xe sau khi khẳng định rằng nó có thể tự tìm được chỗ ở của mẹ nó khi đến nơi. Người lái xe tốt bụng cho nó một mẩu bánh mì và giấc ngủ ngon lành trên chiếc đệm dài sau ghế lái. Khi trời vừa sáng, nó được đánh thức dậy và thả xuống lề đường. Nó ngơ ngác nhìn quanh, lạ lẫm. Bác tài tốt bụng hỏi:
– Cháu có biết chỗ này không?
Nó nhìn quanh, luống cuống mất mấy giây rồi gật đầu.
– Mẹ nó ở đâu? – Bác hỏi dồn.
Tự chỉ đại về phía cuối phố:
– Ở đằng kia.
– Chắc chứ?
– Chắc ạ! – Tự đáp quả quyết, như thể nó đã quen nơi này lắm rồi.
Bác tài yên tâm cho xe chuyển bánh. Tự rảo bước theo hướng nó đã chỉ. Theo lời kể của mẹ, nó tưởng Thị xã cũng như cái làng của nó mà thôi, cái nơi nó đã thuộc từng ngóc ngách như lòng bàn tay. Có khác chăng, Thị xã nhiều nhà hơn và không có những cánh đồng như làng của nó. Tự hăm hở đi, hết con phố ấy lại có những dãy phố dài khác hiện ra, nó bắt đầu thấy luống cuống. Nó hỏi nhiều người nhưng chẳng ai biết mẹ nó. Hoá ra ở nơi này, mọi người không biết nhau. Không như ở làng, tìm một người chẳng khó khăn gì, chỉ cần nói tên, người ta sẽ chỉ đến tận nhà. Đằng này, ai cũng bảo nó phải nói địa chỉ. Người ta nhìn nó ái ngại, còn nó thấy nỗi sợ hãi đang lớn dần.
Tự mải miết đi như thế, qua không biết bao nhiêu con phố. Cho đến khi đôi chân nó không thể nghe theo sự chỉ bảo của cái đầu. Nó ngồi bệt xuống thảm cỏ trong công viên bên bờ sông. Trong cơn đói, khát và sợ hãi, nó thấy khuôn mặt của mẹ. Khuôn mặt hốc hác, sạm đen với đôi mắt thâm quầng luôn ngấn nước mỗi lần về thăm nó. Mẹ bảo khi nào có thể, sẽ đón nó đi cùng. Mẹ bỏ đi bởi bố suốt ngày bài bạc và say xỉn bởi mẹ không thể chịu nổi nữa những trận đòn bầm dập mặt mày. Nó nhớ mẹ quá! Nhớ cả mùi bánh rán ngầy ngậy mẹ vẫn mua về. Nó liếm môi và nuốt khan. Mùi bán rán và đôi mắt của mẹ cứ chìm dần, chìm dần…
Khi Tự cảm thấy một dòng nước mắt lạnh chạm vào môi, nó hối hả uống và dần hồi tỉnh. Trước mắt nó là khuôn mặt già nua, lạ lẫm của một ông già.
– Cháu tỉnh rồi! Nhà cháu ở đâu?
– Cháu không biết – nó đã thều thào.
– Sao cháu lại ở đây?
– Cháu đi tìm mẹ .
– Mẹ cháu ở đâu? – Ông già kiên nhẫn hỏi.
– Cháu không biết, mẹ cháu bảo ở Thị xã Móng Cái, cháu đã tìm nhưng…
Ông già gật gù như hiểu điều nó muốn nói. Ông cười hiền:
– Thôi được, về nhà ông đã, từ từ rồi tính.
Tự theo ông già bán tò he về ngôi nhà cót ép trong xóm tạm trú. Nó kể cho ông nghe về mình. Ông già lo lắng thở dài, thủ thỉ như nói với mình:
– Đàn bà phiêu bạt ra cái đất này, vốn liếng không có lại chẳng chỗ cậy nhờ, buôn thúng bán mẹt là may, không thì đi xách hàng thuê cho bọn chủ cũng đủ qua ngày. Sợ nhất là bị lừa bán đi sang Trung Quốc, nếu thế thật thì có giờ mà tìm được. Mong là không đến nỗi ấy.
Tự hiểu lời ông cụ nói. Nó cũng hi vọng sẽ tìm được mẹ giữa cái Thị xã vùng biên nhộn nhịp này. Hàng ngày, nó theo ông già đi khắp các đường phố bán những con tò he đỏ xanh sặc sỡ. Nó không còn nhớ quê nó là nơi nào. Ông già Tò he trở thành người thân duy nhất của nó nơi đây. Nó biết ơn và gắn bó với ông. Chỉ có điều, nó chẳng bao giờ được nghe ông kể về chuyện đời, vì sao một mình ông phiêu bạt nơi đây. Ông chỉ nói rằng ông không có phúc được nhờ con nhờ cháu.
Ông ra đi khi Tự mười bảy tuổi, với ước nguyện nắm xương tàn của ông được về với quê cũ là làng ấy, xã ấy, huyện ấy. Ông ra đi để lại cho Tự căn nhà cót ép trong xóm tạm trú ven Thị xã và lời trối trăng: “Bởi cuộc đời này đã lắm nỗi đắng cay, đừng mang đến cho người khác những gì từng làm mình đau khổ”.
Tự khắc cốt ghi tâm ước nguyện của ông già. Dẫu không theo nghề Tò he của ông nữa nhưng cách tốt nhất để báo đáp ơn nghĩa sâu nặng ấy là  sống cho ra sống, Tự nhủ thầm như thế. Với sức vóc lực lưỡng của mình, nó xin xuống bến Lục Lầm làm cửu vạn. Sức khoẻ và sự cần mẫn đã làm cho cuộc sống của Tự dần ổn định. Căn nhà được xây lại khang trang khi Tự tròn hai mươi tư, đó cũng là năm nó cưới được con Thêu làm vợ. Năm ấy, Thêu vừa tròn mười sáu, ngày nào con bé cũng theo bố mẹ trèo đò dọc sông Bắc Luân để bán hàng. Dãi dầu mưa nắng là thế mà làn da con bé cứ trắng mịn, cặp mắt lóng lánh như biết cười. Đôi má bầu bĩnh lúc nào cũng hồng rực. Biết bao cặp mắt thèm thuồng nhìn theo mỗi khi đò hàng nhà con bé đi qua. Thế mà con bé lại ưng lấy Tự. Có lẽ bởi Tự nổi tiếng ở cái bến này về sự  chăm chỉ, hiền lành tu chí làm ăn. Lấy được vợ rồi, Tự càng vun vén cho gia đình hơn bao giờ hết. Tự coi gia đình như là báu vật. Mà là báu vật thật. Ai ngờ được một thằng bé cầu bơ cầu bất như nó mà lại có một gia đình đàng hoàng thế, thậm chí còn sung túc và êm đềm nhất trong cái xóm tạm trú ấy. Ai cũng khen con Thêu tốt số vớ được chồng ngoan hiền, chiều chuộng. Từ ngày cưới xong, Tự không cho vợ đi bán hàng nữa. Tự ghét phải nhìn thấy những cặp mắt mơn trớn của bọn cửu vạn trên sông cứ dán vào thân thể vợ mình. Con Thêu chỉ việc ở nhà ăn và đẻ. Hai mươi nhăm tuổi, đã có ba mặt con mà trông nó cứ phơi phới ra, đẫy đà và sung sức. Tự càng tham việc hơn, hắn tận dụng thời gian làm thêm cả buổi tối. Ngày nào đi làm về, dẫu mệt nhoài mà hễ nhìn thấy vợ là Tự lại thấy phát thèm. Thế nhưng đêm nào cũng như đêm nào, vồ vập xong là Tự lăn ra ngáy pho pho mãn nguyện. Chỉ có con vợ hắn là trằn trọc, hết lật bên này lại lật bên kia, thở dài thườn thượt.
Năm nay, vợ chồng Tự toan tính mở cái quán bán hàng ở nhà. Vốn liếng cũng cần vài ba chục triệu. Đang toan tính xoay xỏa thêm cho đủ thì thằng cai cửu của Tự ngỏ ý cho vay. Vợ chồng Tự mừng lắm. Thêu cứ xuýt xoa:
– Anh tốt thật đấy, thời buổi này, anh em ruột cho nhau vay còn so đo tính toán. Ấy thế mà anh cho chúng em vay cả chục triệu đồng cứ như không, lại chẳng tính lãi xu nào. Anh tốt thật đấy!
Thằng cai cửu nhe bộ răng vàng khươm, cười hềnh hệch:
– Ấy là anh coi cô chú như anh em trong nhà, giúp được thì giúp, có thiệt đi đâu mà lo.
Gã nói và vuốt ve Thêu bằng tia nhìn qua đuôi mắt một mí dưới cặp chân mày đen xì. Thêu thấy ngực mình nóng ran phập phồng, nhồn nhột.
Dạo này, Tự thấy vợ mình ngày càng trẻ trung tươi tắn hơn. “Chắc vì có công việc làm ở nhà nên nó vui, chứ như trước đây, suốt ngày chỉ trông con với nấu cơm nấu nước mãi cũng buồn” – Tự nghĩ thầm như thế. Nhưng Tự lại nghe phong phanh rằng thằng cai cửu hay đến nhà chơi lúc Tự đi làm vắng. Ban đầu, Tự nghĩ chắc thằng này coi mình như anh em, thỉnh thoảng đến chơi, mua thuốc nước cho anh em trong đội, cũng là ủng hộ cái quán hàng nhà mình. Nhưng người ta xì xào nhiều, Tự cũng đâm ra nghi hoặc, Tự hỏi vợ, chỉ nhận được cái ngấm nguýt của Thêu. “Rõ điên, người ta tốt quá lại thành ra mang tội, hơi đâu nghe bọn rách chuyện đơm đặt làm gì”. Nghe vợ nói thế, Tự lại thôi không nghĩ ngợi gì nữa.
Một tháng trước đây, ấy là một ngày mữa dầm gió bấc, rét cắt thịt cắt da. Tự đang vác hàng dưới bến. Nước sông tuy cạn nhưng vẫn phải lội đến ngang đùi, lạnh buốt. Cục cao su nặng trịch đã được bọc một lớp giấy ni lon mà vẫn bốc lên mùi khăn khẳn nồng nặc, bao năm rồi mà Tự không sao quen được cái thứ mùi này. Tự dồn sức vào đôi tay, nâng cục cao su vàng nhạt trên vai, đáp lên sàn xe để thằng Tân xếp thành từng lớp. Tự khịt khịt mũi phía trong lớp khẩu trang, định quay lại đò vác tiếp thì nghe tiếng Tân gọi giật lại:
– Tự, lại đây bảo.
Tân ghé sát vào tai hắn thì thào. Mặt Tự đỏ dần lên rồi tái đi. Hắn lập tức chạy ra chiếc xe Dream tàu, tra khoá, lập bập đề ga và mải mốt phóng về nhà. Lũ con đang chơi với bọn trẻ ở sân nhà hàng xóm, cửa xếp đóng một bên, chiếc xe của lão cai cửu dựng phía ngoài. Tự kéo cửa và xộc vào nhà. Buồng ngủ đóng chặt, có tiếng lục sục bên trong. Mắt Tự vằn lên những tia đỏ, hắn lên gân đạp cửa liên hồi. Cánh cửa bật ra, trời đất như sập xuống đầu hắn. Máu trong người sôi lên, hắn xông vào túm lấy thằng cai cửu mặt cắt không còn giọt máu đang luống cuống xỏ quần. Một cú đấm trời giáng, thằng khốn khiếp bật ngửa xuống giường, máu mũi túa ra. Tự lại xông đến, điên cuồng như con hổ say máu. Thêu la hét van xin, túm chặt lấy chồng để thằng cai vọt ra ngoài, nhảy lên chiếc xe của Tự chưa kịp tắt máy ở cửa, cuống cuồng phóng vụt đi. Tự giật được khỏi vợ chạy đuổi theo nhưng không kịp. Tự hộc lên như con thú bị thương, gầm ghè quay lại:
– Con Thêu, tao giết! Tao giết…
Nhưng con vợ khốn nạn đã kịp quấn chăn chui qua rào sau nhà, trốn biệt đằng nào. Tự sục sạo rồi điên cuồng lôi hết quần áo của con đàn bà thối tha quăng ra trước cửa và châm lửa đốt. Ngọn lửa cháy bùng bùng giữa đám người bu đến càng lúc càng đông, chỉ trỏ, xôn xao bàn tán. Tự đau đớn như ngàn mũi tên đâm  thấu ngực mình. Tự đập phá hàng quán cho đến khi không thể vùng vẫy nỗi giữa những cánh tay xiết chặt của ba người đàn ông lực lưỡng. Hắn rũ xuống, nước mắt trào lên, rưng rức.
Khi bố mẹ Thêu sang đến nơi thì tất cả đã tan tành cả. Tự đang nốc rượu ừng ực, lũ trẻ thút thít bên góc sân. Sự có mặt của ông bà càng làm cho Tự nổi xung lên. Hắn có cớ để chửi rủa, hắn cấm  ông bà đụng vào con hắn: “Tao nuôi, tao nuôi hết, nhà tao không có giống lăng loàn” – Hắn hét vào mặt bố mẹ vợ như thế làm cho ông bà sượng sùng quay về. Hắn chửi cho hả giận thế thôi chứ hắn nào nuôi được con. Hắn còn phải vùi mình trong rượu, cho quên đi cái đen bạc cuộc đời. Hắn rít thuốc lào sòng sọc, nhả khói lên trời. Nhìn nó uốn éo trong không khí, hắn lại tưởng tượng thấy cảnh đôi gian phu dâm phụ quấn lấy nhau, hắn hộc lên đập tan chiếc điếu, nước điếu khai nồng tung toé khắp nơi. Hàng xóm không biết khuyên nhủ Tự thế nào, đành giúp hắn bằng cách cho lũ trẻ ăn nhờ. Ông bà ngoại lén mua thức ăn sang cho chúng. Cả tháng rồi, con vợ hắn vẫn biệt tăm, bỏ lại ba đứa con nheo nhóc, đứa lớn nhất vừa chín tuổi, đứa bé nhất mới lên hai. Nhìn ánh mắt ngơ ngác bơ vơ của chúng, không ai nén được nỗi xót xa.
Tự vẫn nằm nghiêng, vắt người lên mặt bàn. Tiếng ngáy khùng khục nảy đều trong cổ họng. Hắn thấy ông già đi vào, tay xách chiếc thùng gỗ với những con tò he xanh đỏ cắm trên đầu que tre. Ông già cười hiền. Rồi khóc. Rồi thở hấp hối: “… Đừng mang đến cho người khác những gì từng làm mình đau khổ”, ông đặt vào tay hắn những con tò he sặc sỡ. Hắn nhặt từng con giơ lên. Con này là cha hắn, đôi mắt vằn đỏ, cái miệng sực mùi rượu với những câu chửi rủa. Con này là mẹ hắn, khắp người đầy những vết bầm dập xanh lè, ánh nhìn khắc khoải, nhẫn nhục. Con này chắc là vợ hắn, không mảnh vải che thân, khuôn mặt nhau nhúm, đôi mắt hốt hoảng, van lơn, cầu cứu. Còn đây, ba con nhỏ xíu này là con
của hắn. Ngơ ngác. Mếu máo. Hắn thấy lòng chùng xuống, đưa tay định kéo chúng lại gần. Chúng sợ sệt lùi xa, xa nữa. Hắn cố rướn người với tay theo. “Choang!” Tiếng động đột ngột làm hắn giật bắn người choàng dậy. Thì ra hắn vừa ngủ mê, đẩy chiếc cốc trên bàn làm nó rơi xuống sàn, vỡ tung toé. Tự cục cựa cái đầu nặng trĩu, đôi con mắt nhức nhối như muốn lồi ra. Hắn đưa mắt tìm kiếm khắp căn nhà trống vắng, tĩnh lặng. Tia nhìn của hắn nhìn lại ở chiếc giường kế sát bên cửa sổ, hắn rón rén bước lại gần. Ba đứa con đang ôm nhau say giấc, nhịp thở đều đều. Tự thấy khuôn mặt chúng như tóp lại, nhem nhuốc. Con bé út thút thít khóc trong mơ. Tự đưa tay khẽ vỗ lưng ru cho con yên giấc. Rồi cứ thế hắn ngồi trầm tư cho đến sáng.
Mấy ngày sau, nhà Tự lại mở cửa . Tự một mình xoay xoả bán buôn với cái quán ấy. Hàng xóm không bao giờ thấy Tự uống rượu nữa. Các con hắn được chăm bẵm đầy đủ, tinh tươm. Cuộc sống lại trôi với nhịp điệu vốn có của nó. Chỉ những buổi chiều, khi bóng tối đuổi theo cánh lũ chim bay về tổ, người ta mới thấy Tự thoáng buồn, thẫn thờ nhìn hút theo bóng một con chim lạc bầy đang chấp chới, chập choạng giữa hoàng hôn.
12/1/2024
Đặng Thị Thúy
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...