Thứ Hai, 28 tháng 10, 2024

Trần Ngọc Trác với huyền thoại Lê Kích nặng tình đất nước Triệu Voi

Trần Ngọc Trác với huyền thoại
Lê Kích nặng tình đất nước Triệu Voi

Tập bút ký, ghi chép Người nặng tình với đất nước Triệu Voi (NXB Hội Nhà văn 2023) của Trần Ngọc Trác kể về huyền thoại Lê Kích, một vị đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam điển hình cho thế hệ người lính tham gia cách mạng trước 1945, đi qua hai cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc và sau khi đất nước thống nhất, nhẹ nhàng “rửa tay gác kiếm”.
Lê Kích sinh năm 1919, giai đoạn lịch sử mà tuổi sung sức nhất của cuộc đời nằm trọn ở “tâm bão” của chiến tranh, nghiệp cầm súng đã đón chờ như nghiệp bao chàng trai nước Việt cùng thời. Đường chinh chiến của ông Lê Kích xuất thân từ Đội du kích Ba Tơ ở Quảng Ngãi, tiếp đến ngày 23.10.1945 chỉ huy Chi đội Lê Trung Đình, cho nổ quả mìn đầu tiên làm tín hiệu mở đầu đội quân Nam tiến chiến đấu kìm chân quân Pháp 101 ngày đêm ở Mặt trận Nha Trang.
Trong 37 năm của đời binh nghiệp, ông từng đảm trách các cương vị: Tiểu đoàn trưởng một số mặt trận ở Đà Nẵng, Bình Định, Lào; Chỉ huy trưởng Mặt trận tỉnh Saravan; Trung đoàn phó Trung đoàn 101 Sư đoàn 325 – đơn vị thọc sâu chiến lược trong chiến cục Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ; cố vấn quân sự cho Bộ Tổng tham mưu Pa-thét Lào, đoàn trưởng đoàn 165 chỉ huy cuộc tiến công giải phóng Cánh đồng Chum; Chỉ huy trưởng Mặt trận Đường số 9 khai thông đường Tây Trường Sơn; Tư lệnh pháo binh Quân khu Tây Bắc, Tư lệnh Sư đoàn 2 Quân khu 5, Tư lệnh Sư đoàn 325 ở mặt trận Quảng Trị…
Sau 1975, ông giữ chức Phó Cục trưởng Cục Huấn luyện Tác chiến của Học viện Lục quân đến năm 1981, nghỉ hưu. Cựu chiến binh Lê Kích đã kể: “Tôi đã nhiều lần sang Lào. Khi thì là Trưởng đoàn cố vấn quân sự Việt Nam tại Hạ Lào, lúc thì cùng bạn Lào giải phóng Cánh đồng Chum, lúc thì cùng các đồng chí trong Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Nhà nước Lào trong những ngày đầu tiên chiến đấu ở Thủ đô Viêng Chăn và thành lập Chính phủ Liên hiệp Dân tộc Lào trên đường tiến quân tại thị trấn Phôn Hồng. Những tháng năm nằm gai nếm mật cùng nhân dân Lào tham gia tiễu phỉ, gây dựng phong trào cách mạng, có biết bao tình cảm thân thương. Năm 1949, tại đơn vị Lát-xa-vông. Quân đội Lào Ít-xa-la đã được thành lập và do đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản chỉ huy. Tôi nhớ đầu tháng 4-1949, sau một tháng kể từ ngày khu Hạ Lào được thành lập và sau hai trận chiến trong cuộc chống càn quét của địch lên căn cứ địa 5: trận Đăk Boong và Đak Ray trên cao nguyên Kà Xên, tôi đã có mặt ở Lào”.
Trong bộ phim tài liệu đoạt giải Nhất của Hội Nhà báo Lâm Đồng năm 2001 mang tên “Một người lính làm nên huyền thoại” (kịch bản và lời bình Trần Ngọc Trác, đạo diễn Nhâm Minh Hiền, Đài Phát thanh & Truyền hình Lâm Đồng thực hiện), Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Tôi gặp Lê Kích và bảo anh phải nắm chắc một tiểu đoàn, có máy liên lạc, nhưng không được phát sóng. Tôi chọn một tiểu đoàn và trực tiếp kiểm tra đến từng đại đội, trung đội, tiểu đội, chiến sĩ. Tất cả là những người kiên quyết và chọn Lê Kích làm chỉ huy. Anh là người biết xung trận lúc nào là thắng lợi nhất (…) Đến lúc tôi nhận được điện của Lê Kích là đơn vị đã đánh và giải phóng Mường Mày, một tỉnh lỵ lớn của Nam Lào. Tôi dự định đúng, địch hoàn toàn bất ngờ, ta có thể giành thắng lợi lớn. Bản thân tôi cũng chưa nghĩ rằng giải phóng được hoàn toàn Mường Mày và các tỉnh lỵ. Vì vậy tôi nhớ mãi Lê Kích ở điểm đó”.
Đặc biệt, cùng với tướng Chu Huy Mân, ông đã dự lễ thành lập Chính phủ Liên hiệp dân tộc Lào do đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản chủ trì. Lúc đó, tình hình rất căng thẳng, địch bao vây tứ phía, trách nhiệm vạch kế hoạch bảo vệ Chính phủ và lực lượng Pa-thét Lào mở đường máu về Sầm Nưa được giao cho ông Lê Kích tổ chức thực hiện. Về hoạt động giúp Lào trong kháng chiến chống Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Tôi đề nghị cử anh Chu Huy Mân sang Lào giúp bạn. Bác Hồ đồng ý. Anh Chu Huy Mân sang giúp bạn về mặt chính trị, và Quân ủy cử đồng chí Lê Kích giúp bạn về mặt quân sự và chỉ trong thời gian rất ngắn sau khi thành lập Chính phủ Liên hiệp dân tộc Lào- 15 giờ chiều ngày 28-12-1960, lễ xuất quân tiến về Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng được cử hành trọng thể tại thị trấn Văng Viêng. Và chỉ trong vòng 3 ngày đêm tấn công địch trong hành tiến trên quãng đường dài 300 km, đúng 1 giờ ngày 1-1-1961, ta đã đập tan căn cứ quân sự lớn nhất Bắc Lào, giải phóng tỉnh Xiêng Khoảng, khai thông đường số 7”. Đại tướng Chu Huy Mân kể lại trong Hồi ký Thời sôi động: “Khoảng 9 giờ sáng ngày 1-1-1961, anh Lê Kích cho người về báo cáo đã làm chủ thị xã Xiêng Khoảng (…) Các hãng thông tấn phương Tây không ngớt nói về thất bại nghiêm trọng của quân phái hữu Nô- xa- vẳn. Hãng thông tấn UPI của Mỹ đánh giá: “Sân bay quân sự Cánh đồng Chum là sân bay tốt nhất của Lào đã thuộc về tay Cộng Sản”. Còn hãng thông tấn Reuteurs của Anh thì cho rằng: “Vùng chiến lược Xiêng Khoảng là cái chìa khóa của nước Lào về mặt quân sự”.
Nhà văn Trần Ngọc Trác mới được kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023
Đại tá Lê Kích  thuộc thế hệ vàng của những chiến binh nước Việt thời vô tư, nhiệt huyết, không tiếc máu xương với lý tưởng cách mạng hừng hực vì độc lập tự do của Tổ quốc và tình hữu nghị với quốc gia bè bạn cùng chí hướng. Chúng ta nhớ lại thời 9 năm kháng chiến chống Pháp, con số tướng lĩnh Quân đội Nhân dân Việt Nam chỉ khoảng chưa đến mười lăm và đến 21 năm kháng chiến chống Mỹ, số tướng lĩnh được phong thêm chỉ gấp đôi, nghĩa là trong ba mươi năm trường kỳ kháng chiến, tổng số chưa đến ba mươi vị tướng. Cho nên dù ở cương vị cấp tá, vai trò của ông với nước bạn Lào vẫn thật tiêu biểu cho tình cảm hai quốc gia chung lưng đấu cật ở những giai đoạn lịch sử máu lửa, với những nhân vật đi vào lịch sử chiến tranh cách mạng.
Thực hiện quyển Người nặng tình với đất nước Triệu Voi, nhà văn Trần Ngọc Trác ngoài trực tiếp tác nghiệp với nhân vật Lê Kích và các tướng lĩnh cấp trên, sĩ quan cấp dưới của nhân vật, trao nhau từng nhiệm vụ, hoạch định trên sa bàn, các đồng đội cộng sự hiểu nhau từng bước đường chinh chiến của nhân vật, anh còn tham khảo một khối lượng sách tham khảo là những cuốn lịch sử, hồi ký của những tướng lĩnh, ban liên lạc các đơn vị dã kinh qua hai cuộc kháng chiến. Quyển sách chia làm 6 phần: Chuyện kể từ đất nước Triệu Voi, Lê Kích với Tiểu đoàn 436, Hạ Lào- Xuân Hè 1954, Tư lệnh pháo binh Quân khu Tây Bắc, Trở lại quê hương Lăm Vông, Một người lính nặng tình với đất nước Lào anh em. Trong hơn 130 trang sách, còn có nhiều hình ảnh quý giá của đại tá Lê Kích với tướng lĩnh, đồng đội và nước bạn Lào anh em. Nhà văn Trần Ngọc Trác có thế mạnh xuất thân từ khu vực báo chí truyền hình, nhiệt huyết và quảng giao, thu thập ngoài tư liệu viết là những hình ảnh sống động, những thước phim quý giá của các nhân chứng lịch sử. Chẳng hạn như hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp gỡ và dành cho Đại tá Lê Kích những lời cảm động, chí tình.
Một nhà báo viết văn. Một nhà văn làm báo. Trần Ngọc Trác hoạt động rất đa diện, ngoài lĩnh vực phim ảnh truyền hình, anh chủ biên các công trình tuyển tập thơ văn nhạc. Đặc biệt là người nặng lòng với lịch sử nên anh thực hiện hàng loạt các tập hồi ức, ký, ghi chép, các tập sưu khảo và cảm nhận. Với nhiệt huyết về đề tài chiến tranh cách mạng, đặc biệt là chủ đề tình hữu nghị giữa Việt Nam và Lào trong khuôn khổ các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông vốn không nhiều cây bút tiếp cận; tập bút ký, ghi chép Người nặng tình với đất nước Triệu Voi của Trần Ngọc Trác đã ghi lại khoảng ký ức lịch sử của tình hữu nghị Việt Lào không thể nào quên, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đúc kết: “Việt Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.
22/1/2024
Nguyễn Thanh Mừng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Truyện của hội viên mới Chu Quang Mạnh Thắng

Truyện của hội viên mới Chu Quang Mạnh Thắng Chu Quang Mạnh Thắng sinh năm 1973, quê quán Bắc Giang, hiện sống tại TPHCM. Anh tốt nghiệp Đ...