Thứ Hai, 28 tháng 10, 2024

Truyện ngắn của hội viên mới Nguyễn Chí Ngoan

Truyện ngắn của hội viên
mới Nguyễn Chí Ngoan

Nguyễn Chí Ngoan sinh ngày 22.2.1991 tại huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang hiện đang công tác tại Trường Tiểu học Thuận Hòa 1, xã Thuận Hòa huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang.
Nguyễn Chí Ngoan đã xuất bản các tác phẩm: Bến chờ (Tập truyện ngắn, 2019); Mưa miền đất mặn (Tản văn, 2021); Rồi nắng cũng lẻ loi (Tập truyện, 2022); Căn cước U Minh (Truyện dài, 2023). Anh đạt Giải nhất Cuộc thi Thơ tỉnh Kiên Giang năm 2018, Giải thưởng Tác giả trẻ của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2019 với tập truyện ngắn Bến chờ, Giải thưởng thiếu nhi Khát vọng Dế Mèn lần I – năm 2020 với bản thảo truyện ngắn Mộng giang hồ, Giải nhất Cuộc thi Nghĩa tình miền Tây năm 2021 do báo Thanh Niên tổ chức, Giải khuyến khích Cuộc thi Truyện ngắn khu vực ĐBSLC, năm 2023…
Nhà văn trẻ Nguyễn Chí Ngoan được kếp nạp Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023.
MẢI MIẾT TÌM NHAU
Không đếm hết được những lần má thẫn thờ đi dọc bờ sông. Lắm lúc tôi thấy má như những chân cầu bị hà ăn nham nhở, chỉ chờ một cú đổ ầm chìm lại đáy sông, ngăn kiểu gì cũng không được. Mặt nước duềnh lên từng hồi sóng dữ, tàu cao tốc chạy bạt mạng cho kịp giờ tới bến. Trong chuyến tàu đó, có biết bao nhiêu thứ bị bỏ lại phía sau, những bụi quao trơ vơ trên bến, những đứa trẻ đứng trên bờ cầm đá chọi theo và cả những dải đất vừa mới buông bờ. Cảnh đó lặp đi lặp lại nhiều lần, làm người xóm Mương Quao cũng nguội bớt cơn sầu. Đất lở có nghĩa là lòng sông đắp dày thêm một chút, những bến bờ lại cách xa nhau, tưởng chừng như chục năm nữa những đứa trẻ tập bơi không tài nào bơi nổi qua sông. Trời ơi! Tới chừng đó, tôi sẽ không còn được thấy vẻ mặt thất thần của má. Khuôn mặt khó đoán biết được buồn vui, bởi đơm lên sao được một nụ cười với những sợi dây thần kinh bệu rệu, sau lần đi qua tai biến. Người xóm Mương Quao thay câu hỏi “rồi có kiếm được chưa?” bằng mớ lời đã bị nỗi tuyệt vọng xâm chiếm “rồi định khi nào từ bỏ”. Hồi bà Bảy Mạng tìm thấy má nằm xụi lơ bên mương nước, người ta đã không còn tin má có thể tìm được bất cứ thứ gì trong đất, ngoài việc giấu mình trong đó. Ngay cả một người mơ mộng nhất (ông nhà thơ xóm ấp) cũng không ngờ má có thể đi qua bệnh tật, quăng quật sớm chiều đi dọc đường bờ kinh Mương Quao làm chuyện… nực cười. Tích cũ có chuyện dã tràng xe cát biển đông quyết đòi lại ngọc quý. Giờ có má – người đàn bà cả đời đi dọc bờ sông tìm lại số vàng lỡ đánh mất.
Không biết năm chỉ vàng của má nằm lại ở đâu trên khúc sông này. Trong trí óc non nớt của thằng bé ba tuổi, buổi chiều hôm đó còn lại gì ngoài việc nó khóc ngằn ngặt đòi mẹ. Bọc vàng cưới má để trong nón lá biến mất vào hôm đó. Một buổi chiều đứng gió, phơn phớt nắng vàng, vài cánh chim lẻ chẳng buồn nán lại hót râm ran sau bờ dừa nước ven sông. Thằng con trai theo mẹ về nội, nó được để ngồi chơi trước khoang tát nước xuồng, xa xa có cái nón lá bung vành, quai nón thâm kim, ngả màu đến nỗi không nhận ra nó đã từng có màu gì. Bên trong nón, bà mẹ trẻ để bọc vàng cưới gắn lên đó đủ thứ kim tây. Số vàng được bà giữ kè kè trong mình, khước từ bao lần “để má cất giùm cho” của bà già chồng suốt ngày cúi mặt vào bài bạc. Thằng con hiếu động, vô tư vọc nước, vô tư thả rơi bọc vàng xuống sông như món đồ chơi chán chường. Mường tượng cảnh nó hớn hở nhìn cái bọc vàng từ từ chìm xuống sông dựng lên một bi kịch cuộc đời đủ làm người ta đau điếng. Mãi đến sau này, đứa bé đó cũng biết tại sao mẹ lại coi trọng số vàng đó còn hơn cả mình. Bỏ đứa con lại bến sông, má trầm mình, ngụp lặn đến nỗi hai mắt đỏ ngầu như tôm luộc, đến ngờ bóng tối dù có nuốt chửng mọi thứ vẫn không thể nào làm phai lạt màu mắt đó. Người xóm Mương Quao đứng trên bờ chắp tay sau đít bàn tính chuyện trên trời, người chưa biết chuyện nghi người đàn bà bị dòng nước nhấn chìm kia, được bà Tổ Cô nhập vào người thả dài theo sông, người biểu chắc bị mắc đằng dưới để áo quần lọt xuống sông, người biết chuyện nhìn sông buông những tiếng thở ngỡ ngàng “tìm được chắc heo nái biết leo cây” , người quay mặt lắc đầu như thể thế gian này đâu đâu cũng đậm dày nghi hoặc “biết đâu nhỏ đó làm bộ, ém số vàng đó luôn”. Bà Tư Thại – bà già chồng của má cũng tin là vậy. Chồng má sau mấy lượt hồ nghi cũng chắc như đinh đóng cột. Bởi gốc gác mơ hồ của người đàn bà theo gánh hát lô tô trôi dạt về xóm Mương Quao, bởi mỗi bận chung đụng cô vợ cứ nằm đừ ra như cái mo nang dừa trơ cứng, bởi những chuyến đi biển biền biệt cửa nhà nguội lạnh.
– Thôi bây tìm chi cho mất công.
Câu nói của bà già đầu kinh làm má đổ gục. Người Mương Quao bỏ về, chỉ còn má ngồi lại với bóng tối bẽ bàng. Mấy con chó sau một hồi sủa dậy động dường như cũng chịu thua với người đàn bà rũ rượi hay chính sự bất động của má làm chúng từ bỏ. Lặn mệt má lại leo lên bờ làm mồi cho lũ muỗi. Trăng lưỡi liềm vắt ngang trên nền trời một khoảng mờ trôi lơ lửng. Sáng sau, người ta vẫn còn thấy má ngồi trên bờ chưa tạnh những thẫn thờ, nhìn khúc sông nhói ran. Khúc sông quen thuộc má bơi xuồng đến chai tay ngày nào, giờ bỗng hóa thành những dòng buồn nhấp nhô, trôi dài bất tận. Má gào khóc, vác cây đuổi đánh, chặn đứng những người có ý định phóng xuống sông tìm vàng. Bà Tư Thại chống nạnh đứng trên bờ trề môi như đưa đò.
– Xuống đó tìm Hà Bá chứ tìm vàng nỗi gì?
Thằng con trai mới biết đi lẫm chẫm theo nắm ống quần mẹ không buông. Bà mẹ gạt tay làm nó té đập đầu vào miểng lu chết giấc. Không biết có phải vì vậy mà thằng con trai bị ám ảnh cứ hễ gặp mẹ là ôm đầu khóc thét, mặc cho bà mẹ dụ dỗ bằng đủ thứ loại đồ chơi.
Sau bảy ngày cất công tìm kiếm, má không nhận được gì ngoài những cái nhìn nghi hoặc. Bà già chồng cầm nón quạt khắp xóm Mương Quao kể chuyện đời bất hạnh, khi gặp phải đứa con dâu trời thần, đem vàng cho trai, còn dàn cảnh y hệt mấy bộ phim chiếu trên truyền hình. Sau những buổi làm bạn với “lưu linh” chồng túm tóc, kéo má xuống sông nhận nước.
– Vàng đâu? Đem ra trả tao.
Dòng họ bên chồng để mặc cho lời giải thích của má như cánh lục bình ngơ ngác không biết bến bờ, chỉ biết có trôi. Những lời thề thốt bị chặn đứng bởi đòn roi và ánh nhìn căm giận. Chồng bỏ đi ghe biển ở nhà rình bắt tại trận má với nhân tình, xứ Mương Quao bé bằng cái lỗ mũi con thằn lằn, sợ gì không gặp. Suốt ba tháng trời rình rập, chẳng thấy bóng dáng nào lượn lờ trước nhà. Chồng má đâm ra bực, hếch miệng cười.
– Tụi mày nhịn giỏi quá he.
Những trận đòn roi ngày một nhiều, vì rình hoài cũng không lòi ra thằng đàn ông nào cho chồng má trút cơn giận. Một bữa không buồn cũng không vui, chồng má lại sinh nghi, rằng thằng con trai đang hồn nhiên đuổi bắt cào cào trước sân là kết quả của những lần má vụng trộm với nhân tình, mỗi khi ông đi vắng. Dẫu cho, chồng đã lấy đi cái lần đầu đau đớn của má. Biết mình có thêm đồng minh, bà Tư Thại hộc tốc dắt thằng cháu nội ra giữa nhà lột đồ. Bà lột thằng cháu y như cách người ta lột đòn bánh tét, hết lớp này đến lớp khác, mặc kệ thằng cháu đứng xụ mặt bụm “trái ớt hiểm” của mình. Đôi khi bà gật gù rồi lại thở dài khi nhận thấy một chi tiết khác thường trên người thằng cháu nội. Hình dung đến xé lòng, cũng không thể nào biết được vẻ mặt của má lúc đó, khi thằng con trai bị ướm ngờ vực lên người. Dường như ở giữa những nghi ngờ, tình thương cũng đã lạt phai đi ít nhiều. Chồng má cũng không còn cưng nựng, cắn “trái ớt hiểm” của thằng con rồi cười khà khà. Xóm Mương Quao cũng vắng cảnh người cha đặt đứa con ngồi trên vai đi dài dài xóm nói chuyện khơi khơi. Bận đó, đàn ông trong xóm trốn chui trốn lủi tránh mặt gia đình chồng má. Họ sợ khi chồng má say những chi tiết lờ mờ của thằng con trai lại ngang nhiên đem gắn lên người họ, kiểu gì không chết. Xóm đầy rẫy những bất an. Có hôm nửa đêm giật mình tỉnh giấc, chồng bóp cổ má, nghiến răng kèo kẹo.
– Tao đánh mày vầy. Nhân tình mày không xót hả?
Năm sáu tuổi, anh Hai đứng nấp ở cửa buồng lúc bị bà nội hỏi, vàng có phải mẹ mày lấy rồi đổ thừa cho mày làm mất phải không? Má kéo vạt áo lên lau nước mắt, ngỡ như đất dưới chân mình đang nứt ra thành cái vực thăm thẳm nhìn không thấy
đáy. Ánh mắt sợ hãi của thằng con trai như ngọn lửa thiêu rụi lòng má, dập kiểu nào cũng không tắt. Bà nội bặm trợn nhìn anh Hai đang cúi mặt vò vạt áo buông mớ lời nghẹn ngào.
– Bữa đó, con thấy… má… tấp xuồng lại nói chuyện với… chú nào lạ hoắc.
Chỉ chờ đợi có thế, bà nội lật ghế gào lên như thể mình đang đứng cao hơn người khác. Người xóm Mương Quao hả hê khi chứng kiến sự thật được phơi bày, trẻ con làm gì biết nói dối? Chỉ người lớn mới gian manh tìm mọi cách để lọc lừa nhau. Thằng con trai đâu biết, giây phút nó nói ra câu đó, bà mẹ trước mặt nó đã vĩnh viễn không thể ngước mặt nhìn đời. Thêm nhiều cái chỉ tay không trúng đích mà ánh nhìn thì như một mũi giáo đâm xuyên thẳng qua tim người. Không thể nói lại miệng đời, má chạy ra sau bếp rút dao chặt đứt phang lóng tay trỏ, để mong lời nói của mình có thêm chút trọng lượng. Máu rơi nhuộm đỏ nhúm cỏ bên đường, người xóm Mương Quao khép miệng, chưng hửng nhìn người đàn bà bị dồn vào thế bí. Lòng nhóm lên nỗi hoài nghi. Thằng con trai thấy máu tái xanh mặt, ngã lăn ra ngất xỉu. Má ôm anh Hai vào lòng gào khóc. Những cuộc người rời đi như đốt tay đứt lìa, không thể nào hàn gắn lại được. Cho nên mỗi khi bơi xuồng vớt ve chai, củi mục ngang khúc sông này, má đều lấy dầm đập mạnh vào nước như thể đòi sông trả lại món nợ cho mình. Thỉnh thoảng má lại buông xuồng trầm mình vò nát mặt sông. Hai bên bờ chưa thôi những ánh nhìn kỳ quặc. Những ngọn khói ấm chập chờn vút lên từ mái lá. Nghĩ, chắc giữa những tháng ngày trôi nổi má cũng đã từng mơ về căn nhà có gian bếp ám khói, bồ hóng đóng thành bện đen ngòm, có người chồng hay càm ràm và bầy con nheo nhóc. Khi đó, má sẽ ngồi bình yên ngắm lửa reo tí tách trong lò.
Bữa má điểm chỉ vào tờ giấy ly hôn, bà Tư Thại chỉ thẳng mặt “kiếm vàng trả lại, để tao cưới vợ khác cho con tao”. Chồng má ôm chai rượu đứng dựa cột.
– Mày đi kiếm thằng đó được rồi.
Má dựng chòi ở đậu đất nhà bà Bảy Mạng. Cứ hễ đôi, ba tháng bà Tư Thại lại xách nón tìm đến nhà đòi vàng. Lội muốn mòn dép cũng chỉ đổi được vài chục ngàn bạc lẻ, bà già lại đem nướng vô sòng bài Tứ sắc. Lời lãi không biết tính làm sao mà má trả hoài không thấy vơi bớt. Bà Tư Thại thường đem cái lý do, thằng con trai phải bán mạng trên biển mới có tiền sắm vàng cưới vợ, đâu phải của trên trời rơi xuống.
Người xóm Mương Quao đứng về phía bà, nhất là những người đàn bà không nhận được phân vàng nào trong hôm đám cưới. Chồng má tiếp tục chọn đời nổi trôi trên biển, biểu đi kiếm tiền về dắt thằng con trai lên Sài Gòn làm xét nghiệm di truyền huyết thống. Má chìm trong nỗi ngậm ngùi như những ngọn gió chướng đổ về từ mé sông. Định ôm thằng con trai vào lòng khóc cho vơi bớt tủi khổ mà nó cứ nắm chặt cửa buồng, không dám lại gần người đã để lại vết sẹo dài trên trán nó. Ngay cả khi nhìn vào gương hay vô tình chạm vào vết sẹo đó, nó cũng đã ôm đầu ngồi sụp xuống khóc ngất. Những khoảng dài im ắng trôi lơ lửng trong căn nhà cũ mục. Hàng xóm đi ngang nhà thường hay xì xầm, thằng con nhỏ xíu vậy chớ cứng đầu cứng cổ dữ lắm, nói không nghe đâu. Lúc đó thể nào anh Hai cũng lú đầu ra nhếch miệng cười.
– Nhờ cứng đầu cứng cổ vậy, tui mới không bị xô chết đó.
Chắc gì những người rải mớ lời đã nghe được lời đáp trả. Nhưng má thì nghe, không sót chữ nào. Lâu lâu lại có vài ngư phủ ghé lại xóm hỏi, rồi cái cô Hai Ngà ở đậu đất nhà bà Bảy Mạng lấy chồng khác chưa? Chồng má đi biền biệt mấy năm không về. Nhờ câu hỏi đó mà người ta biết chắc chồng má còn sống, không bị lẫn trong xác người trôi trên biển mà báo vẫn hay đưa tin. Ở chưa hết xác lá nhà thứ nhất, anh Hai đã nhập băng với nhóm du côn xóm Lò Heo chuyên đi đòi nợ mướn. Thêm nhiều cuộc đổ máu, có hôm anh Hai mang về nhà mười bốn vết thương, có hôm bỏ lại một bên dái tai ở đâu đó trên đường tháo chạy, có hôm phải từ giã tiếp thêm hai cái răng cửa, một chỏm tóc trên đầu. Những mất mát ngày một nhiều mà anh Hai thì chẳng bao giờ từ bỏ. Tôi khóc hết nước mắt khuyên ngăn nhưng chỉ nhận được câu nói lạnh lùng “mày thì biết cái gì?”. Ừ thì, tôi chẳng biết gì giữa những câu chuyện của người lớn. Nhưng nỗi đau thì đâu có chừa một ai…
Năm mười bốn tuổi, anh Hai về nhà với xấp tiền bê bết máu, cùng với con dao còn đang cắm phập trên vai.
– Đây. Tui thền cho má đó.
Má đứng lặng một lúc lâu rồi bước ra khỏi nhà đi về phía con sông thản nhiên trôi. Hàng quao bên đường đang tới tuổi già nua, những trái quao nứt vỏ rụng dài mé sông, rác rến lềnh bềnh như muốn ngăn dòng chảy. Má lặn hụp trong mớ hỗn độn, đôi mắt trừng trừng như muốn tát cạn nước sông. Má lại gieo mình xuống sông. Hình như chỉ khi chìm vào nước, má mới nhận ra thế giới đó mới thuộc về mình. Máu trên xấp tiền đã khô, những tờ giấy bạc nằm khô cong, sẫm màu, loang lổ được bà Tư Thại lấy đi trong sự hớn hở đến không ngờ. Không còn những cuộc rình mò, chửi bới nhau. Sân nhà vắng đi sự ồn ào vốn có. Lòng tôi lại cồn lên một nỗi thất vọng, bởi thèm khát sự vang động của tiếng người. Bữa đó, sông có chở hết được nỗi lòng của má?
Má và anh Hai đều nằm bất động. Mường tượng ngay cả khi căn nhà có sập thì chắc má và anh Hai vẫn giữ nguyên tư thế đó. Cơn mưa đêm nối nhau xối trên mái nhà, từng đợt gió lẻ thổi rờn rợn sống lưng, cuốn bay những giề lá mục, lu nước tràn xối xuống khoét một hõm sâu dưới nền đất. Căn nhà ngổn ngang thau chậu hứng nước mưa. Tôi ngồi che mưa cho má, rồi đưa mắt nhìn một lượt quanh căn nhà. Chợt thấy vô nghĩa biết bao khi che chắn cho căn nhà mà đứng phía nào cũng dột. Mưa tạnh. Anh Hai nằm trên võng thả từng vòng khói thuốc lên trời. Màn đêm thê thiết, tiếng con thạch sùng chặc lưỡi dội vào đêm từng tràng nhức nhối. Những vết thương cũ, mới dọc ngang trên người anh Hai như một sự trả giá cho hành động dại khờ hồi năm ba tuổi, rằng trong biến cố đó, đâu phải chỉ một mình má bị tổn thương. Mấy chục vết sẹo chai lì đã nguội cơn đau. Nhưng vết thương ở trán bị lúc ba tuổi, đau kiểu gì mà không bao giờ tắt. Lâu rồi, tôi không còn thấy được anh Hai nhếch miệng cười dửng dưng (không biết có phải vì bị mất mấy cái răng) mỗi khi nhìn má. Có lẽ má đã không còn nhận ra được nét cười đó trong lúc ngâm mình vào những cuộc kiếm tìm vô vọng. Ở trong mùng, má nghẹo đầu ngủ ngon lành như thể chưa từng có biến cố nào đi qua đời mình. Tôi thích ngồi nhìn má ngủ. Dường như chỉ lúc đó, tôi mới thấy má cũng như bao bà mẹ khác, trong veo, hiền lành và đầy bao dung. Câu nói mớ “tôi không có lấy vàng mà” của má kéo tôi về với thực tại bẽ bàng. Anh Hai khẽ trở mình, buông tiếng thở dài, dài như cơn gió thổi qua đám dừa nước ven sông. Vách nhà thưa rỗng thưa rễnh bởi những lần má tước vách bó làm đuốc, đốt đi tìm vàng, không ngăn được những tiếng thở dài bay đi bất tận đó. Không hiểu sao tôi cứ bị mê hoặc với những tàn tro rơi ra từ bó đuốc trên tay má. Chúng rực rỡ và tàn đi trong lúc chao mình rơi rụng. Có lúc tôi tưởng như mình chẳng bao giờ dứt ra khỏi con đường được rải đầy tàn tro của má.
Đó là một buổi sáng bình thường như mọi buổi sáng khác, người ta tìm thấy má áo quần xộc xệch, nằm trơ cong như một dấu chấm hỏi vắt ngang cuộc đời. Đám cỏ quanh chỗ má nằm ngã rạp vào nhau, mấy trái mỏ quạ nát nhừ, nhầy nhựa trộn lẫn mùi khai của nước tiểu. Hình dung những gì đã trải qua với má khiến người ta cảm thấy rùng mình, vài tiếng chửi thề nghẹn ngào được thốt ra từ miệng của những người đàn bà trong xóm. Nhưng họ chỉ làm được có vậy, xong quày quả ra về.
Chín tháng sau thì tôi mở mắt nhìn đời. Lúc đó tôi chưa có kí ức nên không biết bầu trời khi đó như thế nào? Có mênh mông như những lần tôi hớt hải chạy đi tìm má. Khoảng trời đó, anh Hai mãi mãi không bao giờ nhìn thấy được. Tôi không biết cha mình là ai trong cuộc nhậu hôm nhóm họ đám cưới chồng cũ của má. Giờ đây, cha tôi có thể là một ông già đã rụng hết răng ngồi chởm lơ đánh cờ, cũng có thể là người đàn ông thường mướn tôi đi mua rượu hoặc đó là một chàng thanh niên mới trổ giò lẫn trong đám người cùng tôi đá banh mỗi buổi chiều. Trời ơi! Sao tôi sợ giây phút mình sẽ nhận mặt cha, sợ phải đối diện với người đàn ông đã làm nhuốc nhơ đời má, sợ đứng trước mối thân tình rạn nứt, chọn đứng về phía nào thì thương tích cũng đầy mình. Mỗi ngày trôi qua, tôi thấy kí ức của má như bị một màn sương mờ che khuất. Nhưng dù má có bị màn sương kia nuốt chửng thì năm chỉ vàng năm đó lúc nào cũng phát sáng. Ừ thì, cái gì mất đi mới nhớ. Chứ con cái thì đứng sờ sờ trước mặt, có mất đứa nào đâu?
Anh Hai dần xa cách với tôi bởi những lần bỏ nhà đi biền biệt, lúc trở về cũng chóng vánh như lúc rời đi. Lặng lẽ biết bao với những lần chạm mặt mà không biết phải nói điều gì? Giữa chúng tôi dường như chẳng có một câu chuyện chung nào, kể cả là với má.
Xáng múc về nạo vét kinh Mương Quao, má để tóc tai xấp xải chạy đi, đón đợi từng gầu đất được múc lên. Nhìn má ngập ngụa trong bùn đất mặc kệ những gầu đất nối tiếp nhau đổ xuống ầm ào. Có lúc tôi tưởng má sẽ không thể nào ngoi lên được nhưng má vẫn trườn qua bùn đất, lật tìm những thứ đã được sông cất giấu. Đôi khi tôi thấy má hớn hở gào lên khi tìm được bọc vải nào đó trong gầu đất vừa mới múc lên nhưng má đã vội khép nụ cười rồi ngồi sụp xuống kêu khóc. Từng gầu đất tràn trề được dội mạnh lên bờ, sình bùn văng lên những cây đổ rạp, những vết bùn khô nứt ra theo đường vân của lá. Má trườn trên đất làm sạt cả hàng cừ tấn bến nhà bà Bảy Mạng. Người thợ múc đất tắt máy rời khỏi buồng lái, đứng chống nạnh nói vọng lên bờ khi đã mất hết kiên nhẫn với người đàn bà cứng đầu.
– Tui múc đất nào giờ. Bom đạn với u bích thì thấy nhiều, chứ vàng thì chưa.
Gần hai chục năm tìm rát mặt sông thì câu nói đó sức mấy xô đổ ý nghĩ lấy lại được vàng của má. Bà Tư Thại sau mấy lần mổ cườm mắt thất bại cũng thôi lườm nguýt mỗi khi nhìn thấy má đi dọc bờ sông. Chắc bà già giờ đã có đáp án cho mình nhưng thời gian đâu có đưa con người ta trở lại. Hoàng hôn phủ màu mận chín, dòng nước chừng như phẳng lặng không rõ dòng trôi, hai bên bờ xơ xác cỏ cây. Má ngồi giũ mái tóc khô cứng như rễ dừa tới hồi nứt vỡ. Những vết cắt trên người má đã thôi rỉ máu, quần áo cũng thôi rỏ nước, má cũng đã thôi những tiếng gầm gừ ghê rợn. Má nằm ngước mặt lên nhìn bầu trời chiều xứ Mương Quao, đứng từ xa tôi chỉ còn thấy màu môi đỏ chói của những lần má cắn môi mình bật máu. Má lẫn vào trong đất đá và chút hơi thở yếu ớt còn nắm giữ trong tay. Tôi đến nằm cùng má, tập tành nhìn bầu trời đoán định những viển vông. Anh Hai không tham gia vào bất cứ cuộc tìm kiếm nào nên chắc gì ảnh đã biết được, sông xứ mình đã ngủ quên từ lâu nên đâu có rộng lòng được nữa. Xáng múc đã ra khỏi khúc sông này, chẳng còn tiếng xập xình nào được vọng lại, người thợ múc đất chắc sẽ rải câu chuyện của má, bồi lên những bờ bến khác.
Cuộc tìm kiếm lấy đi thêm mười lăm ngày vô vọng của má. Kể từ đó, người trong xóm không còn thấy má ôm muộn màng đi dọc bờ sông. Cơn bạo bệnh khiến má nằm liệt giường, đôi mắt nhắm nghiền mà miệng lúc nào cũng phát ra những tiếng rên thật khẽ. Anh Hai ngồi gỡ lớp mày khô trên miệng vết thương vừa kéo da non, liếc nhìn về chỗ má đang nằm. Anh Hai quay mặt đi với đôi mắt ướt rượt, trốn ánh nhìn của tôi. Ngoài sân, nắng vẫn lên lấp ló trên những tán quao, xiên qua vách nhà loang lổ, gắt gỏng rọi xuống làm người như muốn bốc hơi.
Bữa má hấp hối, anh Hai còn bận nhúng mình trong những cuộc rượt đuổi nhau. Tôi ngồi nắm bàn tay chai sần, bị mất một lóng của má, thấy những đứt lìa chộn rộn lên ngôi. Đưa mắt nhìn ra sân, giá như lúc đó mà anh Hai xuất hiện, chắc tôi đã gục vào lòng anh mà khóc. Nhưng trước mắt tôi chỉ là một khoảng trống lặng im đến ghê người. Lát sau, bà Bảy Mạng đến, móc trong túi quần số vàng chuẩn bị làm đám cưới cho thằng con trai. Bà ngồi xuống cạnh má, giọng mếu máo.
– Bây coi, tao tìm được vàng rồi nè.
Má mở mắt trừng trừng, quờ tay nắm lấy số vàng bà Bảy Mạng vừa đưa, môi má mấp máy liên tục rồi buông thõng tay, nước mắt giàn giụa chảy ra từ đuôi mắt. Bà Bảy dúi vàng vào tay má.
– Vàng của bây chứ đâu.
Má nhắm mắt, khẽ lắc đầu rồi ra đi trong buổi trưa im ắng. Tôi ngồi thừ người, thấy trời đất quanh mình như đang sập xuống. Bà Bảy kể chuyện đem vàng đưa cho má trước lúc rời đi. Bà nói, má đã nhắm mắt xuôi tay khi từ giã cõi đời. Mọi người nghe xong, ai nấy cũng gật đầu thương cảm. Nhưng bà Bảy đâu biết được, hồi tôi theo má ra sông, má biểu phải tìm lại bằng được bọc vàng đã mất. Ở trong đó, có đôi bông tai móc cân bị lỏng phải buộc thêm chỉ vào, có cái tấm lắc khờn một đường dài do có lần bị dao chặt trúng, với sợi dây chuyền có 19 mắc tre.
Bữa ông Ba Tài đào móng nền nhà, đụng trái u bích, làm xóm được một trận kinh hồn bạt vía. Năm giờ đồng hồ sau thì nhà chức trách cử người xuống di dời u bích. Đoàn người được đưa đi sơ tán mà tâm trí của họ còn đặt lên trái u bích. Các bậc cao niên lại có dịp kể chuyện quá khứ hào hùng của xứ sở Mương Quao. Tham gia cùng đoàn tháo gỡ u bích, còn có lực lượng dò bom mìn, họ cầm máy dò để là là đi trên mặt đất. Nghe đâu máy đó có thể dò được kim loại, vàng nằm trong số đó.
Anh Hai phá đứt dây giăng, chạy vào khu vực phong tỏa giật lấy máy, định đi dò tìm vàng minh oan cho má. Nhà chức trách đè anh Hai nằm bẹp xuống đất trong khi bà Tư Thại cứ chắp tay lạy lục. Đám thanh niên trong xóm phụ kéo anh Hai ra ngoài, cũng không quên cho thêm vài cú đánh nguội. Ông cán bộ nói trong lúc xắn tay áo.
– Tìm vàng mà dễ thì tụi tui đi dò bom làm gì?
U bích đã được dời đi. Nhà chức trách cũng không tìm được bất cứ thứ gì khác nữa. Người xóm Mương Quao trở về nhà thắp đèn, nép đầu vào nhau bên mâm cơm bốc khói. Nghe đâu bữa đó, có người đàn ông bỏ biển, phóng lên bờ đòi nhận ại hai thằng con trai lưu lạc. Lúc biết tin, anh Hai chỉ ngó lên bàn thờ rồi lặng lẽ ra chỗ má hay ngồi, nhìn xuống dòng sông mang tuổi thơ mình đi mất. Tôi cập xuồng, cho anh Hai bước xuống rồi bơi đi. Bởi xứ sở này có một người như má là đã quá đủ rồi...
NẮNG MUỘN
Đi thêm đỗi đường Tánh mới biết mình đã huốt nhà cũ một đoạn rất xa. Hơn chục năm rồi mới về lại chốn cũ, Tánh chỉ thật sự biết mình đi quá khi thấy chòi mả lạng phía trước với mấy bụi bông huệ nở tưng bừng mà chẳng biết nở cho ai. Anh quay lại đoạn đường mình vừa mới đi qua, cố nhớ ra từng ngóc ngách trên dấu thời gian khắc nghiệt. Những căn nhà tường mọc lên lạ lẫm, không biết chúng đã ở đó từ khi nào mà cỏ đã mọc lởm chởm trên mái nhà. Dấu hiệu duy nhất còn sót lại để Tánh hình dung ra nhà của thím Sáu là cây me già xù xì cặp mé mương. Không biết thím Sáu giờ còn hay mất, thím còn nhớ cái thằng Tánh giang hồ vẫn thường tạt qua nhà mượn gạo vào cuối chiều. Người kinh Mương Củi đâu có tin chuyện thằng giang hồ khét tiếng rửa tay gác kiếm làm lại cuộc đời. Chuyện đó chỉ có thể xảy ra ở trên mấy bộ phim chiếu trên truyền hình của gánh đàn bà kinh Mương Củi mỗi tối, chứ ngoài đời làm gì có kẻ thức tỉnh quay đầu về với chánh đạo. Ngủ đi rồi mơ. Chỉ có một bà già đôn hậu, thấu suốt mọi lẽ đời, là tin.
Mỏi chân, Tánh ngồi bệt xuống cái lò rèn đổ nát, nhìn sang khu bến đò dọc ngày xưa. Chỗ Tánh từng quỳ xuống xin chủ đò chở vợ ra trạm xá với cái thai chết lưu trong bụng. Vợ Tánh nằm dưới đò mà nước mắt chảy ròng. Lâu lâu Tánh lại lật vợ quay lại phía mình.
“Em thấy trong người sao rồi?”
Bữa đó trời mưa rả rích, Tánh thả xuống sông mấy bộ đồ mua sẵn cho con, chai phấn trôi lềnh bềnh trên mặt nước, nhấp nhô rồi khuất dần. Chiếc đò dọc xé nước chạy đi mà tiếng thút thít của Đào không bị gió làm bạt đi chút nào, nước mắt của Tánh cũng không vì vậy mà khô mau trên đôi gò má sạm nám. Dòng nước kinh Mương Củi cứ cuộn mình về biển, không biết dòng nước đỏ ngầu phù sa đó có chở hết nỗi lòng của vợ chồng Tánh hay nó vẫn còn nằm nguyên vẹn dưới gốc cây tra bồ đề sau lưng trạm xá, nơi Tánh dùng tay cào lớp đất lên chôn xác con mình.
Tánh ngồi tựa lưng vào gốc cây, ngước mặt lên nhìn bầu trời chao chát, giọt nước mắt chảy ngược vào trong. Ngồi ở lại bên con rất lâu, cho tới khi bóng tối nuốt chửng mọi thứ. “Vừa lắm. Dòng cái thứ ác nhơn thất đức. Ông trời có mắt mà.” Người ta mỉm cười với nhau khi thấy nhân quả trên đời là có thật, sau cái tin Đào hư thai lan nhanh. Ngày còn làm giang hồ, Tánh xông vào nhà Út Quyên đòi nợ. Chồng Út Quyên mượn tiền qua Cam-pu-chia đánh bài, rồi chốn đi biệt xứ. Tánh máu lạnh nhìn Quyên quỳ xuống vật vã bảo vệ bàn thờ bị đám đàn em hất tung dưới đất. Tánh vung chân đạp người đàn bà đang nghén ngã lăn mấy vòng, máu bắt đầu chảy ra ướt đáy quần. Tánh chỉ thật sự rời đi khi thấy Út Quyên nằm quần quại ôm bụng mình.
Bữa rửa tay gác kiếm, Tánh lại tận nhà quỳ xuống tạ lỗi trước mặt Út Quyên. Chị lao vào đấm Tánh thình thịch, ánh mắt trừng trừng như lưỡi dao phay sẵn sàng xả xuống bất cứ đâu. Nhưng chị chỉ làm được có vậy, xong rũ người bất lực ngó theo bóng Tánh thẩn thờ ra khỏi nhà mình, chìm sâu vào đêm. Tánh mướn miếng đất, cắm chòi ở bên bờ kinh Mương Củi đắp đổi sống qua ngày. Ở chưa hết một mùa lá lợp nhà, Tánh đã xáp lại ở với cô gái trong quán cà phê đèn mờ. Hôm Đào bị vây đánh, người kinh Mương Củi đứng dài mép lộ ngó ra nghiến răng kèo kẹo, còn Đào cũng không vừa, câng mặt lên trả treo.
“Ai biểu chồng mày ngu.”
Chuyện ông chủ vựa lúa bị cô chủ quán hớp hồn, bòn rút tiền vợ đem dâng bằng hết, rốt cuộc cũng lộ ra. Người kinh Mương Củi tưng bừng đứng nhìn Đào bị đám phụ nữ xóm trên xông vào đánh tơi tả, lột quần xé áo. Nhất là đám đàn bà, họ hận không thể băm vằm cô Đào Dẹo, kẻ từng liếc mắt đưa tình với chồng, con họ.
Nhưng Đào còn có Tánh. Khoảnh khắc cô núp sau lưng anh, đợi anh dọn dẹp tàn cuộc cho mình, cô biết người đàn ông này có thể nương tựa được. Đào dọn về căn chòi của Tánh sau câu nói gọn đeo “nghỉ bán đi, dọn về ở với tôi”. Người kinh Mương Củi luôn chờ đợi một bản án mà ông trời tuyên cho vợ chồng Tánh. Người như hai đứa nó thì làm gì có quyền được sống bình yên, họ nghĩ vậy.
Năm đầu tiên thả tôm, vợ chồng Tánh trắng tay vì mấy con tôm chưa tròn tháng đã trồi đầu lên mặt nước ngắm phong cảnh quê nhà. Bầy cua buồn ai không biết mà cũng ngửa mặt nhìn mây. Muốn làm thuê mướn cũng chẳng ai dung. Người ta sợ sự thú tính trong con người của thằng giang hồ chưa dứt, cái máu lẳng lơ vẫn âm thầm chảy đâu đó trong người Đào. Túp lều tranh hai quả tim vàng với vợ chồng Tánh trở nên lục đục vì tiếng lon sữa bò cạ vào đáy khạp gạo, tiếng hàng xóm chửi đổng mỗi khi nhà nào trong xóm bị mất đồ. Chẳng biết món đồ bị thất lạc nơi đâu nhưng điểm dừng chân luôn là nhà của vợ chồng Tánh.
Ngó thấy bụng Đào bắt đầu đội áo, người kinh Mương Củi lắc đầu xì xầm “đứa nào vô phước lắm mới đầu thai vô nhà đó”. Thấy vợ nổi điên, Tánh cười: “Người ta nói gì kệ họ. Mặt nhăn quá, nữa sanh con không đẹp” Tánh thường cúi đầu xuống, áp tai vào bụng Đào nghe đứa con cựa quậy bên trong. Vợ chồng Tánh cứ nhấp nhổm mỗi khi đứa bé cong chân đạp vào bụng. Đào co người theo từng cú đạp của đứa bé.
“Ui da! Tao ký vô đầu cha mày bây giờ”
Đoạn đó, Tánh ngước mặt lên cười.
“Nè ký đi, ký cho đã, chứ đừng có làm đau con tui.”
Thím Sáu mang cho vợ chồng Tánh một mớ than đước với bịch tiêu xay nhuyễn, chút thâm tình nhà quê của thím làm Tánh bùi ngùi. Người đàn bà luôn mặc kệ quá khứ của vợ chồng Tánh, sẵn sàng cưu mang họ trong lúc khó khăn. Người kinh Mương Củi hay nói thím là người tiếp tay cho cái ác. Thím Sáu đưa tay vuốt lại tóc Đào. Đào ngã vào lòng thím khóc ngất, từng giọt nước mắt rơi như những hạt mưa rơi lất phất ngoài trời. Nhịp võng vẫn đều đều, điếu thuốc trên tay Tánh lập lòe cháy sáng…
Bọn đàn em thỉnh thoảng tới thăm Tánh. Nhậu vào, nghe đứa nào lớn tiếng nhắc chuyện “ngày xưa oanh liệt” là Tánh lại đưa tay ra hiệu dừng. Đào nằm trong buồng cựa mình nghe gió rít qua song cửa, nỗi đau vừa mất con dường như vẫn còn đâu đó mỗi khi Đào đưa tay đặt lên bụng mình. Có rượu vào, đám đàn em nổi máu yên hùng, tức mình khi thấy đàn anh Hai Tánh bị băm vằm bởi những lời xì xầm ác ý của dân Mương Củi.
“Để em đi lấy lưỡi của mấy bả về cho đại ca coi.”
Tánh vỗ tay đám đàn em.
“Thôi đi mấy ông tướng. Để cho tui yên ổn sống với”
Bữa rượu dần trở nên buồn hiu, ai đã lấy mất của họ một đàn anh lừng lẫy, chẳng biết sợ trời đất là gì. Đám đàn em thưa thớt dần, bởi mớ lời nhẹ bâng, anh không muốn dính dáng đến giang hồ nữa.
Suốt mấy tháng nằm ở nhà ngó lên nóc mùng, Đào cũng bắt đầu bước ra khỏi giường. Căn nhà nhỏ đứng phía nào cũng thấy thênh thang bắt đầu dội vào những dự cảm bất an.“Định cạp đất ăn hả?”, Đào hỏi ngược, khi Tánh cằn nhằn, và câu hỏi làm anh tê dại.
Bữa Đào bỏ nhà đi, Tánh còn mải mê ngồi vá mấy cái lú để nước rằm đặt bầy tôm mới thả. Tánh còn định trúng tôm sẽ mua trả lại cho Đào chiếc vòng vàng trong những ngày túng quẫn, Tánh đã mang nó đi bán. Cái nghèo đã mang Đào đi khỏi vùng đất này, không rõ ở nơi mà chẳng ai biết quá khứ mình, Đào có được vui. Đào đã từng trông đợi từng mùa trăng, trông đợi từng chuyến xuồng về mang theo đầy ắp tôm, cua. Sự chờ đợi của Đào cũng mòn đi vì những sáng xuồng chỉ thênh thang tiếng thở dài.
Sau mười hai lần nhậu say ngủ ngoài bụi rơm, Tánh cũng biết đường mò về nhà. Mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn y như hồi Đào còn ở. Như vẫn còn hơi ấm cô trong cái gối, cái mền. Tánh không xê dịch bất cứ thứ gì, lỡ lúc Đào về lại cô sẽ giận Tánh dời đồ đạc lung tung để cô tìm hoài không thấy. Đồ đạc lạc nhau còn có thể tìm thấy, mà lòng người lạc nhau rồi không biết khi nào mới tìm lại được. Điều duy nhất Tánh có thể làm chắc là chờ đợi. Biết đâu giữa những biến cố cuộc đời, Đào lại trở về bên Tánh như cái lần cô nép sau lưng anh trốn chạy đám đàn bà hung hãn. Giống như một cuộc ở trọ không cố định sẵn ngày đi, Đào vô tình gieo vào lòng Tánh cái gọi là hy vọng.
Xã vận động mô hình hai vụ tôm một vụ lúa. Nhưng chẳng ăn thua, người ta thà chịu phạt chứ nhất quyết không muốn làm ruộng. Cây lúa bây giờ đâu phải như ngày xưa, nhiêu khê đủ đường. Có tiền mướn cắt thì cũng chưa chắc cho người làm, gánh trai gái trong xóm đã bỏ quê lên thành phố hòa vào mấy công ty, xí nghiệp. Kêu máy tuốt lúa cũng kì công không kém, có khi còn phải năn nỉ rủ nhau trên bàn nhậu, chủ máy mới cho ghe lại tuốt lúa. Những bụi rơm thấp lè tè cao qua đỉnh đầu đứa trẻ cứ gieo vào lòng người kinh Mương Củi nỗi chán chường. Người ta bắt đầu cấy năn, cấy cỏ thay vì cấy lúa. Hai năm cấy năn cấy cỏ, Tánh thấy chẳng khấm khá chút nào khi bầy tôm cứ đỏ lừ, nổi lều bều trên mặt nước.
Chiếc máy bơm lạch tạch những tiếng xập xình, một chục lít dầu Tánh mượn thím Sáu mua chịu ngoài ngã tư đâu có thấm vào đâu với cái vuông mà lỗ mội nhét hoài không hết. Nghĩ, nó thiệt giống lòng người, bù đắp được chỗ này nhưng không thể bù đắp được chỗ kia. Hay sự rã rời vẫn âm thầm nảy nở khiến lòng người ta cạn đi sau những lần chờ đợi như cái cách Đào ra đi không một lời từ biệt. Không biết có phải vì sợ chạm lại một thói quen, sợ bắt gặp hình ảnh của Đào còn vướng lại đâu đó trên vách nhà, trên cây đinh móc áo mà Tánh ít khi về nhà. Người ta thấy Tánh vơ vất ngồi đâu đó ở một gốc cây hay dầm mình xuống nước dọn cỏ bờ, đắp lỗ mội.
Lúa sạ hai ngày thì trời đổ mưa, rễ lúa bắt đầu bám đất. Tánh ngồi nhìn từng nhánh lúa vươn mình cựa dậy trong khi người trong xóm ai cũng bỏ ruộng, mấy cơn mưa dữ dội cũng không làm họ xốn xang khi quyết tâm trồng cỏ, trồng năn. Miếng đất
của Tánh nằm giữa hai miếng ruộng mà chẳng miếng nào trồng lúa cho nên họ chẳng mảy may đến việc giữ nước ngọt trong vuông, họ cứ mặc tình xả nước vào. Mấy cái lỗ mội cũng vì thế mà ri rả nước. Đám lúa non của Tánh bị nhiễm mặn, ngọn lúa bắt đầu vàng lá, Tánh cũng mệt nhoài với việc đắp lỗ mội ngăn nước mặn tràn qua. Bữa Tánh đứng lấp ló ngoài cổng rào ngó vô nhà của ông Sáu Dần, tụi con nít như nín thở trong nhà, tay cầm khúc củi canh Tánh như canh ăn trộm. Tánh bóp chặt cái nón nhìn ông Sáu Dần. “Chú đừng xả nước mặn vào nữa. Mấy cái lỗ mội tràn qua làm lúa con xèo gần hết rồi” Ông Sáu Dần hắt cằm về phía Tánh.
“Ruộng nhà tao. Tao muốn mần gì thì mần. Có ngon mày kiếm tiền sang đất tao đi”
Tánh bỏ ra về. Cái máu giang hồ trong Tánh nằm im đâu đó trong cuộc đi về chao chát. Bà Sáu Dần cứ nắm tay ông chồng giật ngược, hơi sức đâu nói chuyện với thằng du côn đó. Mấy cơn mưa đâu có rửa trôi hết mặn, đám ruộng cũng vì thế mà lụn dần. Đám ruộng cỗi cằn như lòng người kinh Mương Củi. Thím Sáu tạt qua nhà mang theo tô canh khổ qua dúi vào tay Tánh.
“Ăn đi cho qua cái khổ. Thua keo này mình bày keo khác.”
Không biết có còn cơ hội nào cho Tánh bày vẽ ước mơ, khi miếng đất sắp đến hạn trả lại mà Tánh chẳng còn tiền mướn lại. Thím Sáu dù có thương đến quặn lòng thì cũng phải cần tiền để lo cho đám con cái học xa nhà. Thím Sáu biểu Tánh ăn cơm mấy lần mà anh cứ lặng thinh ngó lên trời chờ mưa. Đất người ta, người ta muốn làm gì thì làm mình đâu có cản nổi. Khi những thân lúa cuối cùng không thể nào chống chọi lại với nước mặn, với những ngày nắng gắt. Tánh bửa đập cho nước tràn vào nhấn chìm đám lúa lụn. Người kinh Mương
Củi đi ngang cười cợt.
“Đồ cái thứ mắc đằng dưới, đương không bửa đập rồi ngồi trên bờ coi chơi.”
Tánh ngồi trên bờ, cay đắng.
“Đất của tui. Tui muốn mần gì thì mần”
Cả tháng trời ruộng đồng bỏ trống, mặc tình với con nước lớn ròng. Tánh xuống đắp lại cái đập, thuốc cá chuẩn bị cho mùa tôm mới. Nghĩ, trụ lại ít lâu, biết đâu Đào về. Thím Sáu dúi vào tay Tánh năm phân vàng “đem bán lấy tiền mua tôm giống”. Một mùa vụ mới lại bắt đầu, với hy vọng ít ỏi còn sót lại. Chiều chiều, người kinh Mương Củi lại chắp tay sau đít ngó lên trời đong đếm từng mùa nắng hạn. Cây ớt cuối cùng trong vườn rau Đào trồng cũng đã gục chết chỉ còn lại khoảng đất trống trơn mà ghim cây gì vào cũng thấy lẻ loi. Tánh đóng khung bức tranh Đào thêu còn dang dở treo lên vách nhà ngồi ngắm bâng quơ. Không biết lúc găm từng đường kim mũi chỉ lên ngôi nhà gắn với khung cảnh thanh bình, Đào đã mơ những gì? Chỉ biết lúc đó, Tánh đã vui ran trong bụng.
Lái cân tôm lắc đầu khi nhìn thùng tôm sứt đầu, đỏ vỏ nhà ông Sáu Dần với nhàô ng Bảy Mít. Sau một đêm, bầy tôm hai nhà nổi đầu lên rủ nhau chết tưng bừng, đàn cò đáp xuống đậu chật ních cả vuông tôm. Tánh nhảy xuống vuông đắp lỗ mội, sợ dịch bệnh tràn qua vuông. Ông Sáu Dần đứng trên bờ ngó xuống tức anh ách, miếng đất chính giữa chẳng có hề hấn gì trong khi hai miếng đất cặp bên tôm chết đầy đồng, đâu ra chuyện nghịch đời như vậy. Công an xã dạo một vòng quanh hai miếng ruộng, chai thuốc trừ sâu nằm xớ rớ cặp mé vuông tôm. Bà Bảy Mít dắt công an xã lại chỉ thẳng mặt của Tánh, mấy chú bắt thằng này đi, chỉ có nó mới tàn ác cỡ đó. Tánh nhếch miệng cười rồi bỏ lại những ánh nhìn căm phẫn. Sau mấy cuộc mời lên mời xuống công an cũng từ bỏ vì chẳng có chút manh mối gì. Dân Mương Củi lâu lâu lại thấy bà Sáu Dần đứng trong nhà cầm gương bát quái hướng về vuông tôm của Tánh quơ quơ miệng lẩm bẩm, bà Bảy Mít còn lập bàn cầu cho cái đứa thuốc chết tôm nhà bà chết không toàn thây. Cả xóm mất một tháng chia nhau rình Tánh, coi động tĩnh thế nào nhưng chỉ thấy thằng giang hồ lầm lì vào ra phì phà khói thuốc.
– Sáu có tin lời của mấy người trong xóm không?
Tánh hỏi, lúc nằm trên võng lắc lư bên làn khói thuốc bay trắng xóa.
– Mấy người đó tiếc của quá rồi khùng. Nước thì mặn như muối, nắng thì muốn sảng. Tao còn muốn sống không nổi nữa chứ đừng nói chi tới tôm cua. Họ nói mỏi miệng rồi thôi, bây để bụng làm chi.
Thím dừng chổi quét sân ngó Tánh mà thở dài, mấy lần thím biểu Tánh đi hớt tóc,cạo râu mà Tánh lì lì, “cắt rồi cũng có ai coi”. Rồi chuyện xảy ra lúc tóc Tánh vẫn chưa kịp cắt. Tôm chết. Hai bên bờ vuông, người ta đứng thành hàng như ăn mừng một chiến tích vẻ vang. Tánh vẫn ngồi bất động trong khi thím Sáu xoắn quần lội vớt tôm chết đem về làm khô. Đàn cò lại kéo từng bầy đậu trắng dưới vuông, hết đàn này rồi lại đến đàn khác. Giàn ka-ra-ô- kê bên nhà bà Bảy Mít vẫn chơi hết lốc, tiếng nhạc xập xình nghe đến nhức cả tai. Ông Sáu Dần hát cái gì mà “ố de, ố de đáng đời”. bà Bảy Mít mang thau xoong ra trước nhà gõ vào bôm bốp. Những tiếng nói cười cứ hòa lẫn vào màn đêm đặc quánh như đắp dày thêm nỗi đau của Tánh.
Rồi cũng phải dậy đi dở lú, tôm sống chết gì thì cũng phải vớt lên. Cuộc vui nhà bà Bảy Mít vẫn chưa có dấu hiệu tan. Đêm sâu dần. Chiếc dầm trên tay Tánh bỗng dưng nặng trịch, từng ngọn lân tinh phát sáng dưới dòng nước mặn chát cứ gieo vào lòng anh nỗi vô vọng. Nghĩ, không biết phải trồng cây gì, nuôi con gì để sống. Xuồng cập bờ, ngó lên chực thấy bờ vuông bên cạnh, ông Sáu Dần bá vai ông Bảy
Mít oang oang.
– Biết vậy quăng thêm chai đề- xít nữa cho chết tiệt cho rồi.
Sau câu nói đó, người kinh Mương Củi lâu lắm mới thấy hai ông già ngồi đánh cờ với nhau vào những buổi chiều hiu hắt nắng. Ông Sáu Dần bị chém ngang bụng, kinh hoàng ngó đồng bạn Bảy Mít giãy giụa sau ánh thép lóe lên. Bàn tiệc hoang tàn, đám trẻ con trong nhà khóc ngất, bà Bảy Mít bỏ lại chồng con nhảy xuống sông bơi như trối chết, bà Sáu Dần chui xuống sàn nằm im không dám thở. Tánh vừa huơ dao phay vừa gào rú ghê rợn, thím Sáu đứng bên ngoài khóc thét. Tiếng của thím Sáu bị tiếng chó sủa xua đi, bị tiếng nhạc bập bùm làm lạc đi nên Tánh đâu có nghe thấu.
Người đầy máu, Tánh về châm lửa đốt nhà mình, rồi ngồi im lúc nhà chức trách đến mang anh đi.
“Đi đi, đáng lẽ thím phải kêu bây đi sớm hơn mới phải, đừng có về đây nữa, cái đất này có gì mà lưu luyến”
Thím Sáu đã nói vậy, trong lúc ngồi cạnh Tánh chờ nhà chức trách tới. Câu nói khiến Tánh khóc nấc lên, không, cái đất này còn một bà già thấu hiểu trước sau, bao dung, độ lượng. Lúc đó, Tánh đã không kịp nói lời xin lỗi, vì đã phụ lòng thím, vì đã để thú tính xổ lồng. Nhưng lúc bước chân xuống Tánh đã nghĩ mãn án rồi mình cũng phải về, để nói với thím Sáu, rằng anh nhận ra người ta nên sống vì người yêu thương mình, chứ không phải người ghét bỏ mình. Và chỉ cần có một người yêu thương thôi, cũng đủ.
20/1/2024
Nguyễn Chí Ngoan
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Truyện của hội viên mới Chu Quang Mạnh Thắng

Truyện của hội viên mới Chu Quang Mạnh Thắng Chu Quang Mạnh Thắng sinh năm 1973, quê quán Bắc Giang, hiện sống tại TPHCM. Anh tốt nghiệp Đ...