Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2024

Khu vườn rực rỡ

Khu vườn rực rỡ

Tháng Sáu có nắng là chuyện rất đỗi tự nhiên. Với Thuỵ, nắng tháng  Sáu là thứ sắc màu và không gian êm đềm của hoài niệm, của những ký ức thiêng liêng nhất. Thuỵ yêu nắng tháng sáu bằng cảm xúc lại kỳ lắm.
Và Thuỵ ngồi đu đưa trên cái ghế mây dưới hiên nhà để hưởng cơn gió mang theo mùi vườn cây sau trận mưa mới tạnh. Dễ chịu biết bao khi trở về vườn vải thiều này. Ngôi nhà trên đồi vải thiều – tác phẩm mới vẽ xong của Thuỵ, chụp xong cái hình đưa lên Facbook, và ngồi chờ like và hi vọng… Thuỵ đã vẽ bao nhiêu là bức tranh về vải thiều, về vườn cây, về con suối, về chợ vải… về những gương mặt mang tâm trạng đa sắc lấp ló sau những cành lá xanh đỏ, tím vàng… Tất tần tật vẫn đều phải là bật lên màu đỏ. Và đương nhiên là Thuỵ thích màu đỏ.
Nhiều người biết Thuỵ với biệt danh: Thuỵ te tua, Thuỵ hâm… Thuỵ ung dung vẽ, tung tẩy đi khắp nơi, lúc đi vẽ thuê tranh tường cho một gia đình giàu có; đôi khi tham gia đội tình nguyện để vẽ tranh tường biến những góc phố nhếc nhác  thành điểm check-in cho bọn trẻ trong phố nghèo. Cuộc đời sinh viên của Thuỵ có một nguồn thu  nhập ổn định từ vườn vải thiều mấy chục gốc trên đồi của ông bà nội để lại làm quà cho đứa cháu nội độc đinh họ Gia. Cha mẹ Thuỵ về thị trấn ở, mở cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật nên có của ăn của để. Mỗi năm vườn vải thiều thu nhập ít cũng có đến trăm triệu.
Bố mẹ Thuỵ cho người trong làng ở gần chăm bón và cắt tỉa cành hằng năm và cho họ đổi công lấy hết cành tỉa. Đánh bùn từ ao lên đắp gốc thì lại cho họ mượn ao nuôi cá hoặc thả ba ba. Họ không nuôi ong thì họ cho thuê vườn để người ta đặt ong ở các vùng khác vào đó hết mùa, lại xếp từng ngôi nhà ong lên xe container đi tiếp. Mật hoa vải thơm lạ, có màu hổ phách quý lắm. Hình như những chiếc xe ấy họ mang đàn ong đi tha phương để có những thứ mật đặc biệt cho xuất khẩu chứ chẳng phải rảnh rỗi mà cho ong đi du lịch từ Nam ra Bắc.
Vườn vải thiều của ông bà nội ghi rõ trong di chúc là dành cho Thuỵ nên khi Thuỵ vào Đại học Mỹ thuật là Thuỵ được đứng tên nghiêm chỉnh vào sổ đỏ. Không hiểu sao, ông bà nội lại tin Thuỵ đến vậy. Cô chú của Thuỵ bảo, cho nó rồi, nó về thành phố nó bán phéng mất đất tổ tiên thì ở đó mà đích tôn, đích trưởng… Và một vài người cũng nhắn rằng, nếu bán thì bán cho họ nhé. Khi đất vườn bắt đầu có giá, người ta đến nhà bố mẹ Thuỵ hỏi mua liên tục. Có lúc trả đến 5 tỉ đồng rồi. Trong họ có tin đồn nếu bán đất ông bà để lại thì phải chia lại thừa kế. Ai cũng tin rằng, khi Thuỵ về thành phố thì ngôi vườn này sẽ hoang tàn, ngôi nhà kia không người ở sẽ sụp đổ. Trên quả đồi rộng sẽ là nơi chim muông đến trú ngụ, hoang sơ sẽ mọc lên…thì bán đi chứ để làm gì. Với Thuỵ, vườn vải thiều không chỉ là nguồn thu nhập đều mỗi năm, mà nó còn là kho báu kỷ niệm.  Thuỵ thích vẽ và dần mê hội hoạ từ khu vườn này.  Có một cuộc gặp gỡ vô tình như tín hiệu báo trước về bản đồ vận trình cuộc đời Thuỵ.
Năm ấy, một hoạ sĩ là bạn của ông nội từ thời chiến trường đến chơi. Ông Năm đang làm giảng viên mỹ thuật ở Hà Nội. Thuỵ nhớ ông trẻ hơn ông nội của Thuỵ. Ông Năm về ở chơi lâu lắm. Bà nội Thuỵ thỉnh thoảng than phiền, sao cái ông bạn gì cứ ở lì đây vậy. Ngày ăn đủ ba bữa, tối lại khề khà rượu ngô.Ông Năm hễ thấy con cua là vẽ con cua, thấy quả mướp lủng lẳng mọc ở bở bờ rào là vẽ quả mướp. Rồi giờ làm việc của ông ấy là vác cuộn giấy đi khắp xóm trong xóm dưới. Ông nội bảo, không được làm phiền ông Năm. Ông Năm chính là ân nhân của cái nhà  này. Lúc mới ở trong chiến trường về, đồi đất khô nứt nẻ. Ông nội vừa đi công tác ở xã, tối lại đi làm đồng, đánh cá, bắt cua…
Rồi ông Năm mang đến vườn 10 cành vải thiều giâm triết. Bà nội định rút chỉ vàng của hồi môn đeo trên tay trả cho mấy gốc cành đó. Ông Năm dứt khoát không nhận mà bảo tặng lại ông bà làm quà cưới. Đây là giống vải thiều, quả ngọt, hạt nhỏ chứ không phải loại tu hú xanh chua đâu. Thế rồi, có năm vườn vải chỉ có lá mà lưa thưa quả. Có năm thì quả trĩu trịt mà cả nhà chở xuống dưới chợ huyện đi cả ngày về lắc đầu: Thôi bán tháo cho đỡ mệt… Những cây vải được nhân lên trong vườn ngày một nhiều… Có lúc, ông nội muốn chặt vải đi để trồng cây khác nhưng là cán bộ xã thì phải gương mẫu giữ vải, giữ đất đồi.  Nửa đời ông bà nội chăm vườn vải lên xanh. Rồi tất cả theo năm tháng qua đi. Giờ ông đã nghỉ hưu lâu rồi còn ông Năm vẫn đi vẽ. Ông nội bảo, chỉ có cán bộ như ông mới nghỉ hưu, còn nghệ sĩ không có tuổi nghỉ hưu. Thi thoảng ông Năm ở nhà chơi với Thuỵ, dạy Thuỵ vẽ những viên sỏi, quả trứng, quả vải, bông hoa. Thuỵ tô màu tự do. Thuỵ thấy hay hay, vui vui. Ông khen Thuỵ có khiếu thẩm mỹ, nhạy cảm với màu sắc.
Ông Năm tạm biệt mọi người để về nhà. Bà nội ngắm nghía bức tranh ông Năm tặng lại gia đình được ông nội treo trên tường, ý chừng như bà không biết nó xấu đẹp thế nào nhưng treo ở đó thì cũng không phiền gì. Thuỵ luôn mơ thấy những màu đỏ đan xen. Có khối hình mờ mờ là bóng dáng người hay mây gió, có mái tóc, nụ cười trên khuôn mặt cô gái… Màu sắc ấy làm người Thuỵ cảm giác rạo rực và háo hức. Muốn nhìn thấy những cành xanh trồi lên đám quả đỏ. Những lấp ló yêu kiều của sắc đỏ trong đám lá xanh. Mùa kết thành vị  như chua gắt, chuyển dần sang chua ngọt, rồi ngọt lịm cứ kết lại, kết lại theo từng ngày… trên đầu lưỡi. Cái hạt đen lánh như viên kim cương đen, như con mắt ai nhìn vào rừng núi, nhìn vào đồi xanh… Những đàn ong cất cánh vù vù trên tầng hoa vải… Mùa trứng kiến đóng đùn thành khối bánh đen xì ở gốc, ở cành… Thuỵ không ăn được trứng kiến, hay ong non chao bởi bị dị ứng hay là cơ thể phản ứng để bảo vệ những điều của tự nhiên, thiên nhiên. Thuỵ từng sưng vù cả mặt mũi, môi lên và tức thở sau món trứng kiến đánh trứng gà rán thơm phức. Bà nội pha một cốc nước chanh đường muối cho Thụy uống trước rồi cả nhà cho đi trạm xá. Bức tranh ấy có màu đỏ rực, nhìn thật lâu, thật lâu sẽ thấy trong những vòng tròn của quả thiều chín là khuôn mặt nụ cười của cô gái đẹp phúc hậu hiện ra. Từ khi Thuỵ biết nhìn tranh là lúc Thuỵ hay nhớ tranh. Kỳ quá cơ! Nhớ ngôi nhà, nhớ ông bà không nhớ mà trong đầu Thuỵ chỉ thấy bức tranh gọi Thuỵ về.
Thuỵ đi học vẽ và theo ngành mỹ thuật.
Thuỵ đi thực tập ở Huế, gần một năm liền không về.  Thụy trở về. Thuỵ oà khóc như đứa trẻ khi đẩy cổng bước vào nhìn thấy vườn vải chín đỏ ối. Vải mọc từ gốc mọc lên cành. Thuỵ khóc vì hạnh phúc hay khóc vì bất ngờ hay khóc vì thương người trồng vải năm xưa không còn.  Thuỵ nhảy múa, hú lên, quăng cả túi giá vẽ về phía bụi cây…Sau cái phút giây ấy, Thuỵ tự thấy cô đơn giữa vườn quả đỏ rực, trĩu cành. Một lời cảm ơn với người hàng xóm vẫn chăm vườn chưa nói được mà ít khi gặp được nhà chú ấy. Thuỵ múc nước ở giếng khơi đổ lên đầu cho mát và tỉnh táo hơn. Thuỵ ngồi bó gối ngồi trên chiếc sopha mây ở trước hiên để hít hà hương thơm trong vườn. Nước cứ nhỏ xuống từ đầu ướt mẹp…
Có tiếng chân lạo xạo đạp đường sỏi đi vào phía sân nhà. Có tiếng thánh thót của một cô gái hỏi: Ai ? Ai vào vườn đấy? Thuỵ ngạc nhiên.  Hay bố mẹ bán mảnh vườn này ư? Sao được chứ? Mình đã đến tuổi trưởng thành rồi, sổ đỏ mang tên mình cơ mà. Thuỵ ngẩng mặt nhìn. Một người lạ hoắc. Cô gái. Khuôn mặt cô ta có nét quen quen. Đôi mắt to tròn. Tóc màu nâu nhuộm. Mặc áo chàm người Nùng. Cô ta không ngạc nhiên, không ngại ngùng chút nào trước vẻ bùi bụi như mướp của Thuỵ.
– Anh Thuỵ đó phải không?
Thuỵ hơi giật mình nhưng ra trò đùa ngay: Đúng rồi. Em là ai… cô gái hay nàng tiên?
– Em là cháu ngoại ông Năm ở đồi bên kia.
– Ông Năm nào?
– Ông Năm hoạ sĩ ấy. Ông em mất trước ông bà anh, nhưng mẹ em vẫn sang đây chơi với ông bà anh. Em ở Hải Dương…
Cánh cửa mở ra, mùi đất ẩm mát hang hảng của nền đất nện và đồ gỗ cũ. Điện bật lên làm sáng bừng không gian nhà. Bức tranh trên tường vẫn còn đó. Thuỵ nhìn vào tranh và nhìn lại cô gái. Họ giống nhau quá. Cô gái  nhìn vào bức tranh có vẻ than nhiên bảo: “Ông  vẽ mẹ em lúc 16 tuổi đó anh ạ!”
Cô gái như có vẻ rất thông thạo ngôi nhà này, khu vườn này. Thuỵ hơi bối rối trong cảm giác thú vị vì phải định hình lại vị trí của mình không biết là khách hay là chủ.  Hai người quay ra sân để trò chuyện. Cô gái nghe điện thoại xong, quay lại nói với Thuỵ  vẻ chỉ huy: “Anh Thuỵ này, em đã ở nhà đồi bên ngoại em mấy hôm rồi. Em cùng nhóm bạn về khảo sát địa bàn du lịch để chuẩn triển khai dự án du lịch cộng đồng khởi nghiệp Xanh. Vườn vải nhà anh năm nay rất đẹp mã. Em đã xin phép bố mẹ anh ở dưới thị trấn. Tối nay, chúng em quay hình làm phim quảng bá, like stream hoạt động mô hình camping và tổ chức nướng thịt, ăn tối trong vườn này. Giờ chúng em phải chuẩn bị sân khấu. Mong anh giúp đỡ và hợp tác ạ!”
Thuỵ chưa kịp hiểu điều gì đang xảy ra trong lãnh thổ của mình thì nghe điện thoại của mẹ gọi: “Thuỵ ơi! Em My lên làm chương trình để quảng bá vải thiều và nhà vườn. Năm nay, nhiều vải chín rộ quá, không thuê được người hái đây, tưởng phải bỏ vườn đấy con ạ. Nó là cháu ông Năm, con nhà cô Tuyết, vợ chú…, con nhà ông X, vợ thứ… con nhà cụ…  Nó lai- chim thế nào mà nó bảo là đơn đặt hàng mua hết vải thiều trong vườn rồi.”Mẹ nói một danh sách tên người có liên quan, Thuỵ ù cả tai.  “Vâng, thôi, muốn làm gì thì làm ạ! ”
Ngôi nhà tường chình xưa là nơi ông, bà và Thuỵ có những ngày hè mát dịu, giờ Thuỵ phải cúi đầu hơi thấp xuống mới bước qua ô cửa vào nhà. Cửa gỗ hơi xộc xệch. Cái then cài đượm bóng mồ hôi tay. Thuỵ không muốn sửa. Đó là những ký ức tươi nguyên trên vật dụng cũ kỹ.  Năm nào nghỉ hè, Thuỵ về ở nhà thị trấn được nửa buổi thì cuống quýt muốn về vườn ngay. Đôi lần chỉ đến nhìn một cái như nhớ người yêu rồi lại trở về thị trấn.
Giờ thì Thuỵ bị kéo vào không khí ê kíp của My. Họ ùa đến như một đàn chim. Cái ô tô bán tải chở đến cổng như chứa cả cái kho. Bóng đèn lep tròn giăng lên cây. Khung lều trắng căng ra. Bếp nướng, loa kéo, đàn ghita… My bảo Thuỵ, nhanh đi gom ít củi khô cuối vườn chất đống lại để đốt lửa trại vào cuối buổi. Dọn chỗ cái giếng khơi và chăng thêm mấy cái bóng đèn bông tuyết lên đó để thấy rõ những quả mướp xanh, hoa mướp vàng đang hớn hở trước gió… Quạt gió được mang đến thêm… Một rổ bánh chưng gù, chõ xôi ngũ sắc còn nóng, Nồi nước lá vối, bình đá mát… thùng bát đĩa, cốc chén, đồ ăn… dần mang đến khi chiều dần buông… Tất cả đươc đặt làm từ bà con trong làng. Cô ta biến khu vườn thành một cung điện tiệc đêm… Thuỵ bỗng thấy vui vui. My tận dụng bức tường chình lỗ chỗ sỏi son làm nền cho sân khấu nhỏ. Cái bàn ghế mây của Thuỵ vẫn ngồi được tận dụng luôn…
Chương trình bắt đầu. Thuỵ nhận được điện thoại của bạn ở trường: Giỏi quá  Thuỵ ơi? Mày trốn bọn này về làm ăn riêng hả? Khu vườn hàng năm bọn mình về chơi giờ có cô chủ xinh đẹp rồi nên quên bọn tao hả? Muốn ăn đòn không đấy hả Thuỵ te tua kia!? Thuỵ chỉ biết cười: Mai chúng mày lên giải cứu cho tao nhé! Con bé này tao mới gặp chưa đủ 24 giờ đâu mà thấy thích rồi. Giờ làm loạn cả khu vườn yên tĩnh của tao rồi!
Nút like, thả tim trên màn hình về chương trình do My dẫn sóng liên tục…
Khu vườn của Thuỵ được khoác một không gian mới. Thuỵ rút giấy bút ra và bắt đầu phác thảo khuôn mặt của My trong ánh sáng lung linh… của khu vườn tháng sáu. Màu sắc vải thiều chín kết lại thành những bóng nước ẩn chìm làm nền cho khuôn mặt nhiều sắc thái tươi vui, cảm xúc của My rực rỡ hiện lên sau những nét vẽ say sưa của Thuỵ… Một khuôn mặt đẹp mang khát vọng tuổi trẻ trên toan vẽ hiện dần lên trong thời gian đưa cọ vẽ của người nghệ sĩ.
4/9/2023
Nguyễn Thị Thu Hà
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những trường đại học của tôi 2XXX

Những trường đại học của tôi 2 Kèm theo lời nói, cánh tay trái lông lá của ông ta làm điệu bộ giống như chém vào không khí, còn tay phải t...