Thứ Tư, 1 tháng 1, 2025

Lụy chữ

Lụy chữ

1. Tiếng gà trở canh eo óc gáy. Quản ngục cứ lầm lũi bước. Từ nhà ngục tỉnh Sơn, đêm nhận vuông lụa bạch của Huấn Cao, y đã đi được hai ngày. Tay nải trên vai y nhẹ tênh như danh phận mà y quyết rời bỏ. Không nhẹ sao được, ngoài lộ phí, y nhất tâm không mang theo một thứ gì trừ vuông lụa bạch mà Huấn đề tặng.
Trăng hạ tuần chếch trên đỉnh Tây, quạnh quẽ như sự trở về của y. Nhìn trăng, lòng quản ngục gợi chút cảm hoài. Thế là một người đã ra đi. Chướng nghiệp, tài, mệnh rồi yên ổn bởi một đường dao chém. Và y, với nhất tâm, với ngổn ngang sinh kế. Thú thật, đêm cuối cùng với Huấn, không khí chung quanh, sức tỏa của nét bút Huấn Cao khiến hùng tâm trong người y bốc lên tợ núi. Y nhớ lại lời Huấn: “Ta khuyên thầy Quản nên thay đổi chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông tươi tắn nói lên những hoài bão tung hoành của một đời con người”.  Lúc ấy, y đã khóc. Y lĩnh ý Huấn Cao như một kẻ ngập ngụa giữa bến mê chợt thức ngộ. Chữ của Huấn Cao, lòng của Huấn Cao khiến chức phận, thân danh hư huyễn như phận người…
Nhưng bây giờ… bây giờ trên đường hun hút, tít tắp, ánh trăng Tây cô quạnh, quản ngục thoáng chút ngập ngừng. Y cảm thấy lạnh. Y lần tay nải, ngồi bệt xuống vệ đường. May mà trước khi đi, thầy thơ lại kịp nhét vào tay nải chút rượu tiễn.
Mau thật, mới mấy ngày trước, rượu chả thiếu. Cút rượu này là rượu của một người đàn bà có chồng bị tống ngục dâng cho y, cốt để y đừng xử bạc với người thân. Thế mà… y chẳng dám nghĩ tiếp. Vẩn vơ mãi, không khéo y khóc mất. Tiếng gà trở canh lại eo óc. Quản ngục kéo lại cổ áo. Trăng vẫn còn nhưng mờ khuất. Gió kéo mây ngang qua ánh trăng Tây như kéo hình người nơi đèn trống quân.
Mưa. Đầu tiên là vài giọt, bất ngờ như cuộc đời. Với quản ngục, đây là cơn mưa lạ. Trời vẫn còn quang lắm dù đêm đã mấy lần trở canh. Y nắm chặt tay nải, dợm bước đứng lên. Gió phần phật quất những hạt mưa vào mặt, vào da. Đi thôi, lòng y tự nhủ. Nhưng còn vuông lụa bạch? Y quý nó hơn tất cả. Nhân sinh quý đắc chí. Y thèm chữ, thấy chữ như đàn ông thấy gái đẹp. Hôm nhận được phiến trát của Sơn Hưng Tuyên đốc bộ đường, bảo có tử tù Huấn Cao, một tay viết chữ vô tiền khoáng hậu, quản ngục biết chí đã thành, tâm đã thỏa. Nhất sinh bằng được. Y đã cho người về tới xứ Hạ, mua bằng được vuông lụa Thạch Anh của nhà họ Liễu. Giấy họ Liễu nức tiếng kinh kỳ. Người ta kháo rằng, có một lần, vua chuẩn bị băng, gọi người lấy giấy mực chuẩn bị đề khoản. Tay vua vừa đặt lên vuông giấy lụa nhà họ Liễu, hơi ấm vuông lụa khiến nhà vua còn ở lại đến ba ngày. Ba ngày của vua hơn tục tử cả chục năm. Từ đó, giấy lụa họ Liễu là thú chơi của bậc tao nhân minh triết, không gian của bọn văn nhân mặc khách.
Có được giấy họ Liễu, chữ của Huấn Cao, quản ngục nhất thời như chim bằng gặp gió.
Y không sợ ướt, sợ lạnh. Ngay cả chức phận, áo cơm, khi thỏa chí tầm văn tự, y còn bỏ lại tất cả, huống hồ… Không, dù đã quấn kỹ bằng ba lần vải, quản ngục cũng chưa yên tâm. Y dáo dác tìm một chõ ẩn. Trong ánh sáng mờ của buổi hừng đông, y nhác thấy một bóng nhà.
2. Cổ tự chấn trước mặt núi Tây. Nghe quản ngục kể sự tình, thiền sư trụ trì tâm tưởng quản ngục vốn là kẻ ham chơi tuyệt phàm. Mà cũng phải. Một nét bút của Huấn khiến y rời bỏ thân danh, đó quyết không phải là người thường.
Thiền sư chậm rãi rót đầy chén trà trước mặt quản ngục. Trà sóng sánh rồi yên tĩnh soi tỏ khuôn mặt quản ngục. Mặt y vuông, lông mày như núi dựng. Thiền sư lẩm bẩm điều gì. Quản ngục đăm chiêu…
Tự tâm, thiền sư rất thích con người trước mặt. Phá bỏ giới hạn cõi người ta, đắm đuối một nét chữ, thiên hạ có được mấy người? Mà nào phải thân danh của mình y. Nhìn kỹ vào mắt quản ngục, dưới đuôi lông mày như núi dựng, thiền sư đột ngột hỏi: Có phải bây giờ, tâm người đang động?
Tiếng chuông chùa báo sáng vang động thư phòng. Cũng đột ngột như lời của vị sư già. Trong dời của quản ngục, y đã nghe nhiều lần tiếng chuông, nhưng như chỉ hôm nay, tiếng chuông của cổ tự, mới như vọng lên từ phế phủ. Quản ngục bất đồ sụp xuống chân vị sư già, y nức nở khóc.
Thiền sư thở dài. Thân danh là hư huyễn nhưng người này sẽ nặng một chữ tình.
Trong gió thoảng, ngọn gió ban sớm của núi rừng sau mưa, quản ngục nghe rõ lời của vị sư già: “Ừ! Giá như lông mày người đừng như núi dựng”.
3. Quản ngục trở về nhà. Phấn đấu lợi danh, y nhẩm tính: Từ kinh kỳ về cố quận, y đã xa nhà ngót nghét ba trăm ngày. Ba trăm ngày cho một thoi đường mất đúng 7 ngày, đi lẫn về…
Và lần này, duy chỉ lần này, y mới có dịp ngắm kỹ nó. Vườn xác xơ như không người. Cỏ nham nhở như râu ria của một thằng bá đạo cháy túi, mọc lẩn quất vào tận vách nứa. Những vồng khoai lang, đất cằn, sộp lên trên mặt đất có vẻ những ngôi mả tàn. Nhìn chúng, quản ngục có cảm giác, bởi đất hạn quá, tự chúng sục lên để tìm một chút phương kế qua ngày, chứ nhất quyết không phải do tay người.
Quản ngục ngẩn người, nhớ lại tiếng đờn của thầy thơ lại ở chốn cửa quan:
“Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn
Ai đem quán trọ mà ngăn dường về”
Lại nhớ lời của Huấn Cao, thủ bút của người quá vãng, tiếng thở dài của thiền sư nơi cổ tự. Nhớ để bởn gợn cảm hoài… Mẹ quản ngục nhìn y. Không như mọi bận. Y, một tay nải nhỏ trở về. Y, râu tóc bơ phờ. Linh cảm của những người mẹ bao giờ cũng sắc tựa dao. Ờ, chí thỏa thì thân thoái. Quản ngục sững người. Y không biết đó là lời phiền trách hay là sự cởi mở vượt qua thị phi trói buộc. Trên nẻo về, tâm y động, chính là ở chỗ này. Thật ra, có ai biết, sau cái thời khoản nhận chữ của Huấn Cao, nghe lời Huấn, quản ngục đã không thể nào ngủ được. Nơi chiếc án thư, ngục quan họ Nguyễn trưng đèn lồng sáng, trải tấm lụa Thạch Anh ngắm đến bất động cái chữ Tâm được viết theo lối chữ thảo, đen óng một thứ mực tàu thơm. Bỗng chốc, sự chiêm quan đến tịch mịch kia lại được điểm bằng tiếng mõ cầm canh, tiếng trống thành phủ, nhạt và quạnh đến nao lòng. Ừ, thì chí đã thỏa. Ừ, đời người, có được chữ của Huấn Cao là có một báu vật trên đời. Nhưng, rũ bỏ tất cả để về, về quê… Quản ngục không dám nghĩ tiếp. Nghiên mực tàu thơm còn lại ngát cả thư phòng. Lời chính của Huấn Cao như ánh sáng lọt vào ngục thất. Chén rượu từ biệt cõi người với Huấn Cao chưa làm hồ trường cạn cợt. Ngục quan họ Nguyễn uống từng chặp. Rượu như gái đẹp. Vừa làm mê vừa làm tỉnh. Bấy giờ, ngục quan tỉnh lắm. Mà thân danh với y là mấy bận bọt bèo. Là nắng mưa đất trời. Nhưng… tâm của ngục quan động như cờ phướn đuôi trĩ treo trước gió loạn. ngục quan nghĩ đến những người thân ở quê nhà. Chao ôi, giá túi cơm có khi nặng tợ Thái Sơn. Chí thỏa nguyện với vuông lụa thiên cổ bình sinh, thiên lương lành vững, nhưng cái sinh kế khốc liệt của gia đình… Ngục quan rót tràn miệng chén, màu hổ phách chọn màu của án thư nâu bóng mà hòa hợp đến kỳ lạ. Có một tiếng đàn trong gió thoảng. Tiếng đàn của thầy thơ lại “…bạch đầu bi hướng thiên – Hùng tâm sinh kế lưỡng man nhiên”.  Đột nhiên, trong mê tỉnh của rượu Tiêu Dao, ngục quan mơ hồ cảm thấy nét chữ của Huấn Cao, từ vuông lụa bạch, vỡ ra thành trăm mảnh nhọn sắc. Chúng cứa vào thịt da, phá xuyên lồng ngực, chích đúng trái tim. Ngục quan hét lớn. Tiếng đàn của thầy thơ lại ngừng bặt. Âm âm trong đêm quạnh, tiếng mở rộng của cánh cửa đề lao. Huấn Cao bước vào. Tay Huấn cầm cái đầu mình, máu tươi ròng ròng nhỏ xuống vuông lụa trắng. Mắt Huấn trợn dọc, lông mày xếch lên như kiếm nhọn. Lời Huấn nghe nặng như đá tảng lại nhẹ tênh như khói sông chiều tháng chạp: Quản ngục họ Nguyễn, phải chăng ta đã chọn lầm người để cho chữ?
Ngục quan sụp xuống án thư, tay cố đè lên vuông lụa bạch, Huấn Cao quay người lại. Gió phần phật từ cánh cửa đề lao rộng mở. Giữa mê tỉnh, quản ngục nghe có tiếng hát, giọng trong mà vút. Chừng như, đó là tiếng của Huấn: “Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn. Ai đem quán trọ mà ngăn đường về…”
4. Lòng Nguyễn nhẹ như bấc đèn dầu lạc. Không còn ai ở với Nguyễn nữa. Một năm, từ trở về, mẹ Nguyễn lâm bạo bệnh. Nguyễn tiêu đến những đồng bạc cuối cùng. Mẹ Nguyễn mất trong một ngày rét đậm. Áo quan làm bằng thứ gỗ tạp. Lời cuối, bà nói với Nguyễn, chắc gọn như một dấu triện: Hãy cố giữ chữ của ông Huấn.
Nguyễn khóc òa như trẻ thơ. Một tri kỷ muộn lại bỏ Nguyễn mà đi. Tiếng khóc của Nguyễn cô độc lắm. Bởi sau đó, vài tháng là đến phiên vợ con Nguyễn. Người đàn bà ấy không thể thông suốt cái lý, chỉ vì một tuồng chữ vuông vức bằng mực tàu thơm của ông Huấn mà Nguyễn rời cửa quan, rồi hẩm hiu cơm áo. Vợ Nguyễn bảo với ông Lý, cha đẻ của mình, đó chỉ là sự gàn dở nhất thời, phút bốc đồng bệnh hoạn.
Cụ đồ Nho làng bên, chỗ hay đối ẩm cùng ông Lý trong những cái hứng thơ họa sinh bình, lại ngửa cổ than, khi nghe chuyện: Chao ôi! Cái ma mị của nghệ thuật.
Nguyễn lần mò trở lại cổ tự. Mắt mờ chân mỏi. Trước sân, cây hoa đại màu trắng điểm trên nền xanh những thanh thoát, gợi khách thăm lòng khát muốn cởi bỏ tục lụy, chướng căn. Sân chùa vẫn xanh thẫm một sắc rêu e ngại dấu chân phàm phu tục tử… Nguyễn bần thần trước cửa. Chiều muộn. Lại là chốn núi rừng nên bóng Nguyễn nhòa vào từng mảng tối của cổ tự.
Chú tiểu gặp Nguyễn, biết Nguyễn là cố nhân, gặp buổi nhỡ đường năm xưa, với vuông lụa trở về, khẽ khàng bảo: Thầy đã viên tịch từ buổi chợ phiên tháng trước, mùa hoa đại bắt đầu trổ bông.
Lại bảo, trước khi hóa, người căn dặn, hễ gặp lại cố nhân thì xướng bài kệ người để lại. Nguyễn bảo với chú tiểu: Sao không lưu lại tuồng chữ.
Chú tiểu bảo: Chữ sinh lụy phiền. Nói đoạn, bước vào am mấy, chỗ khói sương trùng trùng. Một chặp, Nguyễn nghe tiếng mõ gõ đều đặn, giọng thanh và vút, chập chờn:
Có con chim nhỏ
Bay từ núi xanh
Mộng triệu một đời
May ra còn gặp…
May ra còn gặp…
Mộng triệu một đời
Bay từ núi xanh
Có con chim nhỏ…
Nguyễn giật mình trở gót. Đêm tối như từ buổi quản ngục ra đi, tít tắp một con đường, một ánh trăng lở dở.
5. Cuối mùa đông năm ấy, có một người đàn bà đến tìm Nguyễn. Nhà Nguyễn bây giờ bạc và rách lắm. Duy chỉ trên vách, vuông lụa vẫn rắn rỏi, đen óng một nét chữ Huấn Cao.
Người đàn bà bảo: Xin hỏi người có phải là ngục quan, năm xưa ở tỉnh Sơn?
Nguyễn hấp háy mắt. Tự tâm, Nguyễn cũng không biết mình là ai.
Sau này, Nguyễn uống rượu nhiều lắm.
Người đàn bà lại bảo: Đích thị là người. Bình sinh ông Huấn Cao chỉ cho chữ ba người bạn thân. Hai bộ tứ bình và một bức trung đường. Bức này tặng ngục quan trong phút lâm chung là bức thứ tư.
Những chữ cuối, Nguyễn nghe giọng người đàn bà trầm hẳn xuống. Nguyễn mơ hồ nhận ra chỗ tương phùng ngẫu nhĩ.
Người đàn bà thấy tuồng chữ ông Huấn năm xưa như không còn e ngại. Khách bước nhanh tới vuông lụa trắng. Tay khách khẽ khàng trên tuồng chữ. Nguyễn ngớ người. Ở đời vẫn còn kẻ thứ hai trên đời, theo chữ của Huấn Cao, mà về tận nơi hẻo lánh, tìm một ngục quan bé mọn năm xưa, đã dãi dầu cát bụi lầm than…
Thật lâu, khách cố nén tiếng e dè, bảo Nguyễn: Tôi muốn mua vuông lụa này.
Nguyễn không tin nổi ở tai mình. Khách lặp lại. Nguyễn sực tỉnh. Y bỗng cười vang. Tiếng cười vang động cả chốn quê quạnh quẽ, thanh sắc. Đã lâu y mới gặp lại tiếng cười của một kẻ lụy chữ mà nhất thành từ bỏ tất cả. Một chặp, Nguyễn cất giọng ôn tồn: Ta nhận chữ của Huấn Cao, vận lụy vào cả một đời người. Đó là nghiệp. Đã là nghiệp thì phải đến cùng. Thân danh như mây. Vợ con rời bỏ. Nghiệp sắc vốn cô đơn…
Người đàn bà nghe tiếng cười của Nguyễn, nghe từng chữ của y, thấy lồng ngực mình đau nhói. Nàng chợt nhận ra, định mệnh sẽ gắn nàng với con người này.
Nàng sụp dưới chân Nguyễn: Thiếp chính là con gái Huấn Cao. Nghiệp sắc vốn cô đơn nhưng vẫn có sự đồng điệu.
Nguyễn sững người. Giữa quê quạnh, trong buổi chiều muộn, Nguyễn nghe rõ tiếng kệ xưa, nơi cổ tự. Lời rõ mà sắc, như tâm tưởng đã đến chốn vô cùng:
Có con chim nhỏ
Bay từ núi xanh
Mộng triệu một đời…
Nguyễn khóc. Vuông lụa trắng Thạch Anh của Huấn như một dấu triện rắn rỏi đóng ấn vào cuộc đời.
4/4/2001
Bạch Lê Quang
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Giận hờn Đêm giao thừa, tôi đã nhận được biết bao tin nhắn và điện thoại chúc mừng năm mới của bạn bè, đồng nghiệp người thân... Mỗi l...