Đến với tập thơ Nắng trên đồi (NXB Đà Nẵng,
2011) của tác giả Nguyễn Nho Khiêm, khi gấp lại trang cuối của tập thơ rồi
nhìn lại nhan đề, bạn đọc không khỏi ngạc nhiên: 69 bài thơ không có bài nào
mang cái tên được dùng để đặt tên cho cả tập thơ như lệ thường! Thơ anh cũng
không nói nhiều về ánh nắng và về cả núi đồi. Thế nên một lần nữa, rồi thêm
nhiều lần nữa, lắng sâu vào thế giới tâm tưởng Nắng trên đồi, ta sẽ hiểu
vì sao như thế: quê hương xứ Quảng trập trùng đồi núi gian khó mà nặng niềm
nguồn cội đã là thi pháp cảm hứng thơ ca của Nguyễn Nho Khiêm. Không tham vọng
là núi, nhà thơ tự nhận là “đồi”, chính xác hơn, cái tôi trữ tình định vị “trên
đồi”, vừa đủ cao sâu để đón nhận cái mênh mang của hương vị “nắng” đời, vừa đủ
rộng dài để ru êm cô đơn đắm chìm vào cây cỏ. Tự nhiên như hơi thở, gắn bó
như máu thịt, cỏ hoa triền đồi đã trở nên gần gụi, như tri kỷ lặng lẽ đồng điệu,
sẻ chia với nhà thơ.
Tuy lắm lúc nhà thơ nhận đá làm bạn, nô đùa, rong
chơi cùng đá, rồi hiến thân cho đá xanh mềm rong rêu, khát vọng truyền nhịp
trái tim mình cho đá hoá sinh thể linh thiêng: “nhiều lúc tôi làm rêu cho đá
xanh/ làm mưa cho đá róc rách …người chạm linh hồn vào đá hoá linh thiêng”
(Viết dưới chân núi Sơn Trà) nhưng cỏ vẫn là hình ảnh ám gợi nhất trên câu chữ
tập thơ. Phải chăng vì cỏ cũng “vô ngôn” tri âm với nhà thơ như đá, nhưng cỏ
còn có khả năng tí tách thầm thì sự sống bất tận?
Khi đã chọn cỏ là một phương tiện nghệ thuật, Nắng
trên đồi có nhiều cảm thức cỏ lá, dẫu không phải không có lúc cỏ là quán
tính vô thức. Bên những bài thơ trực tiếp về cỏ (Cỏ vàng, Với cỏ), có nhiều
câu thơ, bài thơ, cỏ là hình tượng, là biểu tượng nghệ thuật và giấu dưới lá
cỏ những ẩn ngữ thơ: Trước bức tranh đồng chiều, Dáng xưa, Viết vội từ một
đêm mưa, Vết thương, Trương Chi, Trên đồi Ái Ân, Cuối một mùa xuân, Nhìn cha,
Núi xa, Suối mơ, Trưa Mỹ Sơn, Trước đài tưởng niệm, Trước tháp Bằng An, Nghĩ
về Chu Lai…
Cỏ hoa ký ức trên cánh đồng quê mẹ xa ngái: Em
vẽ hoàng hôn cánh đồng chiều gốc rạ lúa sinh khôn/ Con cá rô quẫy dấu bàn
chân trên cánh đồng tháng ba hoa cỏ (Trước bức tranh đồng chiều), cỏ tâm
tưởng xanh muốt mơ mộng trên triền suối, trong cánh rừng như những khoảng lặng
bất chợt bắt được trong hành trình phận người cút bắt hạnh phúc hư hao:
Giữa ngổn ngang đời thực
Anh tìm về suối mơ
Nơi đá và cây cỏ
Lặng sống như thơ
(Suối mơ)
Đôi bàn tay quấn quýt
Đôi bàn tay như đôi cánh chim bay ngược gió
Tìm về cánh rừng hoa cỏ
Dáng xưa.
(Dáng xưa)
Nhiều trang thơ Nguyễn Nho Khiêm nói đến nỗi buồn,
sự cô đơn nhưng không làm cho người đọc thấy bi ai, hoang hoải, một đôi phần
nhờ ẩn hiện của cỏ. Với Nắng trên đồi, với cỏ mượt dưới đôi chân trần,
người đọc thơ dường như có thể nhón chân vói tay là chạm tới cao xanh, bay
lên với mây gió, nỗi buồn đau vợi bớt, còn lại cỏ dại thủy chung thinh lặng bất
chấp bao đổi thay của lòng người:
Nắng gieo hạt nảy mầm tươi
Cỏ xanh theo gót chân người nắng mai
Đầu trần nắng trải hai vai
Gió đồng quấn quýt một ngày nhẹ tênh
(…) Cỏ may níu áo tỏ lời
Sương bay theo bóng mây rồi còn đâu
Dây gàu ngắn, giếng thẳm sâu
Thuỷ chung với cỏ một câu thơ tình.
(Với cỏ)
Hành trình sáng tạo của một người xem “thơ là
tình yêu của tôi, người tình của tôi. Tôi và thơ sống với nhau như duyên trời,
như số phận, lúc hạnh phúc vô bờ, lúc khổ đau cùng tận” thì dẫu chỉ muốn lặng
lẽ phơi trải cảm xúc, dẫu không cố tình, đây đó, thơ vẫn vươn tới tầm triết
lý phổ quát. Đất Quảng với những tháp Chàm rêu phong, cỏ thời gian “tràn lối”,
biết cỏ làm êm hay làm đau chân tháp, thân tháp? Từ cỏ, nhà thơ triết lý về sự
vĩnh hằng của thiên nhiên và sự mong manh của đời người. Bởi thế, trong triết
mỹ của tác giả, tình yêu là cứu cánh, cỏ cây là thiên sứ cứu rỗi:
Một chiều
trước tháp Bằng An
bóng tôi và tháp
vắt ngang mặt đồng
có ai chờ?
có ai trông?
rong rêu đã phủ
kín dòng thời gian.
trên trời
mây vẫn lang thang
đất yêu
đất mượt cỏ tràn lối qua
(Trước tháp Bằng An)
Với Cỏ vàng, nhà thơ dường như tạ ơn trời đất
sinh ra cỏ, tạ ơn cỏ cưu mang sự sống, che chắn nỗi đau chất chứa mênh mang
trong từng huyệt mộ. Quy luật sinh diệt bỗng nhẹ thênh nhờ cỏ. Anh Nhìn
cha rồi nhìn “vuông cỏ biếc” mà triết cảm về sự hữu hạn của đời người, về
cuộc đời dâu bể vô thường, cũng là để ngộ ra quy luật vĩnh hằng:
Đường càng dài, biển càng sâu
Nhìn vuông cỏ biếc đêm thâu chạnh buồn
Tôi nhìn cha chặng cuối cùng
Cảm trong trời đất rưng rưng đời người.
Ấn tượng mạnh nhất tập thơ mang đến là cái tôi một
người đàn ông với những vết thương lòng sâu thẳm đến không sao khóc nổi, hai
tay bưng mặt giấu kín niềm đau khi từng người thân yêu đi vào hư vô, mỗi lần
bước lên đồi cao đón chờ nắng lên là một khát khao, khát khao được nhặt nhạnh
nỗi buồn dòng đời thả theo dòng thơ, nhen lên trong người đọc thơ một chút hồn
nhiên mong đợi, chút xôn xao hy vọng:
Núi xa
những hạt cỏ mai nhú dậy
vùng cỏ xanh sương đêm
anh nhớ em
trong vòng tay
Giữa cỏ cây và thi ca tự ngàn đời vốn nặng duyên
nợ. Cỏ hoa dại khờ đã tạo những va chạm mềm mại nhưng sâu thẳm cho cảm hứng
thơ ca Nguyễn Nho Khiêm bừng mở, nên hình hài và không có điểm dừng, như có lần
nhà thơ phải thừa nhận: làm sao đọc được/ câu thơ của núi/ câu thơ bóng
xanh/ câu thơ sông xa/ câu thơ cỏ lạ? (Bên ngoài cánh đồng). Ngọn cỏ
ngậm hạt sương mai hiền lành, ngậm luôn hồn thơ vui buồn thân phận con người
của Nho Khiêm:
Tự nhiên trời sinh cỏ
Cho giun dế về nằm
Cho giọt sương bày tỏ
Với người nghĩa trăm năm
(Cỏ vàng)
Hình ảnh cỏ trong tập thơ mang nhiều dạng thức:
khi là thiên nhiên, là ngoại giới (Cuối một mùa xuân, Nhìn cha), khi là bạn,
là tri kỷ (Cỏ vàng), lúc là người tình, là cố nhân (Dáng xưa); khi là thực (Trước
tháp Bằng An, Trưa Mỹ Sơn), lắm lúc là mơ, là mộng mị (Suối mơ, Trước bức
tranh đồng chiều, Dáng xưa)… nhưng chung hết thảy, cỏ là niềm đau có thực và
là hạnh phúc trong mơ ảo:
Tiễn em về chốn ấy
Quay quắt năm bảy ngày
Thắp nén nhang run rẩy
Cỏ xanh tuyệt mọc dày
Tôi biết trời sinh cỏ
Che chắn bớt chuyện buồn
Gương mặt hành tinh cỗi
Nhẹ nhàng cành lá rung
(Cỏ vàng)
Nắng trên đồi có cấu trúc, giọng điệu và
ngôn ngữ hồn nhiên như cỏ. Dường như nhà thơ thầm thì những gì tự nhiên xuất
lộ trong những phút giây quay cuồng khát vọng và an nhiên cô đơn sáng tạo của
chính mình. Tuy đã có lúc nhà thơ quan niệm “Thơ phải có cái tình bên trong
và phải giỏi sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt cái tình ấy” nhưng lời thơ Nắng
trên đồi đã vượt thoát sự làm duyên chữ nghĩa vốn là thường tính của
thơ. Những bài thơ về cỏ của Nho Khiêm dường như là những giây phút chợt rung
cảm nhưng có sức rung ngân bất tận từ những khoảng lặng của ngôn từ:
Trước tượng đài mây khói cao xa
một khối trời xanh
lịch sử chảy từ nguồn ra biển
giữa cánh đồng cây cỏ nảy thi ca
(Trước đài tưởng niệm)
Tác giả Nắng trên đồi thường tìm đến sự
phóng túng của thể thơ tự do để dáng cỏ, nhất là hồn cỏ miên man nhú dậy,
vươn lên, sinh sôi tràn trề như một bản thể mang trong mình sức mạnh và sức nặng
của một thứ ẩn ngôn ngàn đời. Ngay cả thể thơ lục bát thường rất khuôn phép
cũng được nhà thơ lạ hoá, làm tăng lên chất cảm, chất nghĩ về những lá cỏ, ngọn
cỏ tưởng rất nhỏ nhoi, mềm mại nhưng thật cứng cáp, mạnh mẽ:
Trên trời
mây vẫn lang thang
đất yêu
đất mượt cỏ tràn lối qua
giữa đồng
thẳng
đứng
lin-ga
cô đơn truyền kiếp hay là nguyện yêu?
(Trước tháp Bằng An)
“Thi nhân là một hằng số” (Alexandr Bolk). Nắng
và cỏ – nắng vàng và cỏ xanh – những ẩn ngôn đầy suy tư mà cũng đầy khát vọng
của thơ Nguyễn Nho Khiêm. Như một tiếng lòng đồng điệu với bao tâm hồn thi
sĩ, Nắng trên đồi chọn ẩn tượng cỏ dại để biểu trưng cho tình yêu,
sự sống và thân phận người. Song, mật độ ken dày của cỏ trên đồi lại là một
thế giới thơ riêng của Nho Nguyễn. Đến với thế giới cỏ Nắng trên đồi, lại
nhớ đến Cỏ hồng của Phạm Duy:
“Rước em lên đồi cỏ hoang ngập lối
Rước em lên đồi hẹn với bình minh”.
Phải chăng cỏ đồi là “hằng số” của những
trái tim thức đập cho những lời tụng ca về cuộc sống, con người và tình yêu
thánh thiện?.
Xuân Nhâm Thìn
|
eva air ticket
giá vé máy bay đi mỹ hãng eva
hãng máy bay korean airline
đặt vé máy bay đi mỹ ở đâu
mua vé máy bay đi canada
Cuoc Doi La Nhung Chuyen Di
Du Lich Tu Tuc
Tri Thuc Du Lich