Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017

Nhà thơ Trương Đăng Dung - Trôi chảy cùng dòng sông thời gian để truy vấn tồn tại người

Nhà thơ Trương Đăng Dung - Trôi chảy cùng 
dòng sông thời gian để truy vấn tồn tại người
(Đồng hành cùng tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng của Trương Đăng Dung 
NXB Thế giới 3/ 2011)
Sự ghi nhận của nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy, thơ Trương Đăng Dung là thơ thời gian, thời gian ở bên trong con người, thời gian là chính con người, so với thời gian thơ mới là thời gian ở ngoài con người, và Trương Đăng Dung là con người của hiện tại, đó dường như là những phát hiện chính xác nhất về thơ Trương Đăng Dung.
Anh không thấy thời gian trôi
chỉ thấy những đám mây di chuyển
và những chiếc lá vàng không muốn lìa cây
gió rung, lá rơi còn vẫy vẫy.
(Anh không thấy thời gian trôi)
“Di chuyển”, không muốn lìa”, “vẫy vẫy”, đó là ý muốn và sức sống của con người mà nhà thơ nhìn thấy trong vạn vật. Qua các hình tượng thiên nhiên mây, lá, cây, gió cùng các trạng thái của nó, tác giả đã vẽ ra sự vận hành của một đời người, khát vọng sự sống và tình yêu của họ. Nhà thơ xưng anh như đang nói với người tình, và tình yêu là nơi duy nhất xứng đáng để nhà thơ nương nhờ và đối thoại. Câu thơ bâng khuâng, da diết, lạ, mối quan tâm của nhà thơ thuộc về vĩnh cửu. Vấn đề thời gian cũng là vấn đề tồn tại bao quát chi phối tất cả mọi đời người. Ý chí của thi sĩ ráo riết muốn lùng tìm bóng dáng của thời gian và sự cứu rỗi.
Tiếp tục truy tìm bóng dáng của thời gian, nhà thơ bắt gặp những dấu vết của con người (lá thư, dấu chân ta) giữa thời gian (cơn mưa), nhưng dần theo năm tháng lá thư cũng đã bạc màu, còn dấu chân thì bị bôi xóa. Những dấu vết nhỏ nhoi để lưu dấu con người cũng không còn nữa, ta chếnh choáng trong cơn say nhạt nhòa, hãi sợ vì sự biến mất của chính mình. Màu sắc, thanh âm, hình thể không còn gì; sự biến mất, hủy hoại xảy ra trong từng khoảnh khắc. Ta chới với trong bàng hoàng, thảng thốt:
Anh không thấy thời gian trôi
chỉ thấy mùa thu vừa lạ vừa quen
những gương mặt những nụ cười mới gặp
chưa kịp thân đã thấy khác đi rồi.
Những thanh trắc như những điểm nhấn thảng thốt, hoang hoải đi tìm chân tướng của thời gian và sự tồn tại. Trương Đăng Dung suy tư về thời gian qua số phận, sự sống, tình yêu và sự tồn tại cụ thể của một con người là bản thân thi sĩ. Xét cho cùng mọi thứ trong thời gian đều biến động vi tế và chỉ có tính chất tương đối. Ai hiểu được thời gian là bí ẩn vô bờ làm biến dạng mọi vật, thì họ sẽ không kiêu ngạo, tự tôn về mình. Bởi Kinh Thánh đã nói con người chỉ là những xác phàm, có thể bị hư nát chỉ vì một cơn gió! Thơ Trương Đăng Dung chân thật, đầy sức nặng, như bản chất của tồn tại và sự thật.
Mỗi ngày trôi qua đều rút ngắn của con người sự sống, và dù có cố gắng truy hỏi họ cũng chẳng bao giờ biết được thời gian là gì. Thời gian nuôi nấng mọi vật, bảo bọc ôm chứa và cũng đẩy vạn vật đến sự lụi tàn. “Sợi tóc rụng bàn tay nào giữ được”. Anh không thấy thời gian trôi, điệp khúc ấy đã dẫn tới nỗi buồn và niềm luyến tiếc sâu xa đối với sự tồn tại của kiếp người. Con người ngẩng lên đối thoại với trời xanh rồi lại cúi xuống thân phận mình nhỏ bé, và khôn nguôi khát khao một giá trị đời mình. Thơ Trương Đăng Dung có cái nhìn u buồn tĩnh lặng của người đàn ông từng trải, đã trả giá, đớn đau vì cuộc sống.
Anh không thấy thời gian trôi
thời gian ở trong máu, không lời
ẩn mình trong khóe mắt, làn môi
trong dáng em đi nghiêng nghiêng như đang
viết lên mặt đất thành lời
về kiếp người ngắn ngủi.
Khổ thơ cuối của bài thơ bừng dậy một sắc màu và ánh sáng tươi mới. Nó rộ lên, xô nghiêng mặt đất; con người đã khát vọng, đã viết, rạch lên mặt đất dấu ấn bất tử của mình. Kiếp người là hữu hạn, nhưng vẫn có ánh sáng, niềm hân hoan được sống - thi sĩ muốn ta sớm nhận ra điều đó để tự cứu rỗi chính mình. Đây là một bài thơ tiêu biểu về tính triết lý và nhạy cảm của thơ Trương Đăng Dung. Tâm thế của người viết đứng bên trên sự sống nhìn nhận về sự sống, tin tưởng tuyệt đối rằng ngôn từ nghệ thuật và giá trị tinh thần sẽ chiến thắng được thời gian. Không gì minh triết và hiền từ như những vần thơ Trương Đăng Dung. Ngôn từ chắt lọc, giản dị, biếu cảm, chân thật và tinh tế như sự sống, nhưng lại thành thật đến cục mịch với chính mình! Nhà thơ đang nhìn vào bên trong con người, nhìn vào trong chính mình để nói. Những từ ngữ lăn tròn như một giọt máu; có giọt máu nào không đáng quý đâu? 
Một khía cạnh rất nhỏ nhưng có giá trị và rất đáng chú ý trong thơ Trương Đăng Dung là đề tài tình yêu. Tình yêu không đứng riêng để tự nói về mình, mà tình yêu đứng chung trong cuộc đời để nói về cuộc đời. Trương Đăng Dung là một nhà thơ rất đa tình và tinh tế với tình yêu. Tình yêu trong thơ ông ẩn kín ở rất nhiều vỉa tầng sâu thẳm, song rất diễm lệ, son sắt, như nhất và chung thủy. Ta hãy đọc bài thơ Ảo ảnh:
Bao năm rồi anh tìm em
trong những bình minh không có mặt trời
trong những lâu đài chỉ có cánh dơi
trong những giấc mơ không đầu không cuối.
Vẫn là anh nói với em, đó là một phong thái trữ tình, một tư thế rất Trương Đăng Dung. Anh và em đối thoại trong im lặng, và một tình yêu mặc định là khát vọng bất tử của sự tồn tại linh hồn. Tình yêu trong bài thơ là một cuộc kiếm tìm, bằng thời gian và niềm mong đợi. Sự tưởng tượng thăng hoa. Cái gì mà chẳng có thể. Sự phi lý rung rợn đã bắt đầu. Bình minh không mặt trời, lâu đài vắng người ở, giấc mơ - cơn hoang tưởng không đầu không cuối, nhưng có một khát vọng - sợi chỉ đỏ của tình yêu hạnh phúc là căn nguyên của một cuộc kiếm tìm trong ảo ảnh. Anh tìm em bằng niềm tin son sắt và khát vọng tinh thần, sự kiếm tìm cũng thể hiện niềm suy tưởng và ước mơ về giá trị tinh thần là cái cao cả và kiêu hãnh nhất của tồn tại. Tinh thần thống trị đời người. Em là hiện thân của tình yêu, cái duy nhất vô giá đáng sống. Đây là một lý lẽ rất riêng biệt và tuyệt vời của nhà thơ Trương Đăng Dung. Những ai may mắn được giác ngộ tận cùng, người ta mới nhận ra tình yêu đôi lứa là cái duy nhất mà người ta đáng sống. Vì tình yêu có thiên tính bất tử hóa con người. Tình yêu đồng nghĩa với tồn tại và cứu rỗi.
Giấc mơ về hạnh phúc mới vừa hé mở đã gây hoang mang vô định, dù cho cuộc kiếm tìm vẫn tiếp diễn:
Anh hỏi dòng sông về hạnh phúc trên đời
sông trả lời anh sông chỉ biết trôi,
anh hỏi ngọn núi
núi trả lời anh núi chỉ biết ngồi,
anh hỏi con người
người trả lời anh bằng nước mắt rơi!
Vẫn là tâm thế của con người muốn đi tìm quy luật của sự tồn tại và sự cứu rỗi. Con người quan tâm kiếm tìm hạnh phúc, nhưng thiên nhiên yên lặng vô thường và vĩnh cửu trong sự tồn tại của nó. Sông trôi, núi ngồi, nước mắt rơi: sự bất lực, mệt mỏi, và chấp nhận những quy luật. Ngay cả con người sứ mệnh là sáng tạo cũng chỉ biết rơi nước mắt vì số kiếp. Nhà thơ dường như muốn đi đến tột cùng bản chất của sự tồn tại và ý nghĩa đời sống.  
Thôi em đừng khóc
rồi sẽ qua đi kiếp người ngắn ngủi,
một ngày kia hết mọi buồn vui
chui xuống cỏ ta sẽ nằm dưới cỏ
bàn tay ta bất động giữa đất dày
bàn tay ta thôi tìm nhau run rẩy.
Điều kỳ diệu trong thơ Trương Đăng Dung là ông đồng hành với con người nhưng lại cao hơn con người một bước, và ông an ủi được con người. An ủi con người bằng niềm an ủi vĩnh cửu, không ngần ngại vẽ ra một viễn cảnh bi đát cho ngày sau. Nhưng dù ngày ấy có đến cũng không đáng sợ. Thơ Trương Đăng Dung rất riêng biệt ở chỗ, nó định vị sự tồn tại, kêu gọi sự chấp nhận, thấu hiểu và đi qua sự tồn tại để đến với chung cuộc. Ngoài sự tồn tại và chung cuộc, nó không có thiên đường địa ngục, kiếp trước kiếp sau, không một giấc mơ uy nghi phù phiếm. Mà sự thật là con người ta chỉ sống được phần đời ngắn ngủi, rồi phần lớn cuộc đời là chuẩn bị cho cái chết của mình. Cũng tuyệt nhiên không ai chia sẻ cái chết với mình được. Ông viết cho sự sống và cho cả cái chết nữa. Những hành vi yêu thương rất đỗi con người, thân thuộc, gần gụi, nhưng cũng bộc lộ nhiều sợ hãi và bất lực khi con người sẽ biến mất giữa thời gian nghiệt ngã. Giá trị lớn nhất của gia tài thơ Trương Đăng Dung là sự cảnh báo với con người về cuộc đời ngắn ngủi và tàn bạo. Cảnh báo về kết cục thảm khốc nhỡn tiền để con người ý thức về sự tồn tại, mà sống cho đúng nghĩa con người. Nghệ thuật lớn nhất của thơ Trương Đăng Dung là điểm nhìn nghệ thuật của ông rất cao xa, luôn đứng bên trên con người nhưng lại là chính con người để soi rọi  về cuộc sống.  
Em ở lại
một lần nữa cùng anh giữa mùa trăng sắp lụi
ta cùng nghe tiếng muôn loài hấp hối
tiếng côn trùng trong cát bụi sinh sôi.
Mối yêu thương là sợi chỉ đỏ níu kéo lại tất cả, ở giữa sự tàn lụi và sinh sôi là thế gian bất tận, không bao giờ dừng lại. Muôn loài, côn trùng, thiên nhiên, lúc nào thơ Trương Đăng Dung cũng có những cái đó như là sự ám ảnh triền miên không dứt. Như dở dang như nuối tiếc sự sống tình yêu hồi sinh tàn lụi. Dù sao cuộc sống vẫn là nơi duy nhất đáng sống và tình yêu là báu vật duy nhất để tôn thờ.
Anh nhìn vào mắt em
thấy hình anh ở đó
Nếu mắt em khép lại
ảnh hình kia chỉ còn lại trong em
anh không còn thấy anh trong hiện tại
chỉ thấy em với những hình những ảnh
của mùa hè đang qua
một góc vườn và mấy khóm hoa
chiếc ghế bỏ quên cơn mưa mùa hạ
tóc bà bạc xóa
thấp thoáng bên khung cửa
nắng nhòa.
Anh chỉ tồn tại trong tình yêu, trong cái nhìn, trong hạnh phúc mà em soi chiếu. Nếu em khép mắt, chết, từ chối nhìn, hoặc thờ ơ, không còn nhìn nữa, thì sự vật nào lại trả về sự vật ấy, an nhiên, lặng phắc, cô đơn, tồn tại vô nghĩa lý. Tình yêu chính là quan hệ tương hỗ, quy luật tình cảm, quy luật của yêu thương, gắn kết người với người, anh với em. Nắng mưa khung cửa tóc bạc cùng những sự ngẫu nhiên thầm lặng. Nếu mất em trên thế giới này thì anh cũng không còn tồn tại. Sự vật chỉ có ý nghĩa khi ta cấp nó một ý nghĩa. Tứ thơ lạ, cao sâu, thâm thúy. Thơ Trương Đăng Dung là những hình ảnh, liên tưởng đến độ phi lý, khó hiểu, như một bức tranh sinh động bởi màu sắc, đường nét, ngôn từ nghệ thuật. Khung cảnh cuối bài thơ gợi buồn và phai nhạt, xa vắng, không còn con người, cũng chẳng có tình yêu nữa. Không gian như loãng ra, im ắng vô thường, câm lặng, như đã trôi qua ngàn kiếp đời, không còn gì nữa cả.
Em ngồi bên anh nhìn dòng sông
chảy từ phía chân trời
đầy nắng, mưa và gió.
(Trên đồi Vọng Cảnh)
Thơ để cảm, để hiểu, tri giác nhiều hơn là phân tích. Người ta thấy một văn bản đẹp và người ta mổ xẻ bằng cảm nghiệm trong máu họ, vị tất nhiều lời. Lời thơ và hình ảnh trôi chảy và rất thật, về một kiếp người sẽ bị lãng quên giữa thiên nhiên bao la, bao trùm, lấn át. Con người thật nhỏ bé, thoảng qua, và không đáng kể.
Không một cành khô, lá khô
sông thanh thản kéo trời
trôi theo mình lặng lẽ.
Không mang theo những gì để trở thành bất tử
sông chảy vô tư bên những lăng mộ im lìm
những đền đài quạnh quẽ
Đang mùa xuân hay đã sang hè
mà hoa tím rụng đầy mặt nước
chảy về đâu, sông ơi
Sao chỉ thấy một con thuyền thấp thoáng?
Cái ý vọng cảnh ấy cũng thể hiện phần nào tư tưởng của nhà thơ. Con người đứng ở cảnh giới nào mà nhìn thế giới? Thế giới đẹp vô cùng. Dòng sông trong trẻo trôi êm đềm lặng lẽ. Sông hay là chính con người? Dòng sông chính là giá trị của tình yêu và văn hóa chảy mãi không ngừng về vô tận. Chảy như một điều trăng trối, giối giăng. Bóng dáng và hoạt động của con người rất nhỏ nhoi, vô tăm tích. Người ta nhận ra dòng sông cuộc đời vô định, những vết tích của con người rồi cũng không còn nữa.
Em nhìn anh và nhìn dòng sông
anh có thực và dòng sông có thực,
anh nhìn em và nhìn dòng sông
em có thực hay dòng sông có thực?
Tôi không hiểu đây là điểm nhìn, tầm nhìn của nhà thơ, hay chính nhà thơ đã trải qua những niềm đau khổ ấy để suy tư về kiếp người. Về mặt nào đó thơ Trương Đăng Dung là thơ tự vấn, hoài nghi, đi sâu vào mình, trưng bày cuộc đời dở dang, sự tồn tại, như ảo ảnh. Nếu ta tĩnh tại và lắng sâu hơn một chút, ta sẽ nhận ra những vần thơ Trương Đăng Dung vừa dịu dàng, nhẫn nại, vừa dữ dội, lạ thường. Và đó thực sự là những vần thơ toàn bích.  Các hình ảnh luân chuyển, các khái niệm, các góc nhìn luân chuyển không ngừng soi rọi để tìm ra bản chất của tồn tại, đi xuyên qua ảo ảnh. Anh tin vào em và tồn tại trong em, nhưng anh không dám tin vào mình. Câu hỏi cật vấn về sự thật, sự hiện diện này thực ra cũng liên can đến thời gian và tồn tại. Đó là một hệ thống nhất quán trong thơ Trương Đăng Dung. Câu hỏi không mệt mỏi không ngơi nghỉ về sự tồn tại đã tạo ra nội dung, môi trường và phong cách thơ Trương Đăng Dung. Hiền hòa xuôi chảy, hiện thực và tồn tại, thời gian và sự sống; đó là những nỗi ám ảnh lớn.
Anh sợ đến một ngày dòng sông ngừng trôi
đất khô cứng, những giọt buồn hóa đá,
anh sợ đến một ngày hồn anh từ cõi lạ
trở về đây mà không có dòng sông.
Những câu thơ đóng đinh như lời thề bằng đá. Khi ta không còn hình hài, trở về thăm cõi thiên nhiên xưa, thì dòng sông dường như ngừng chảy, sự sống cũng không còn. Mạch suy tư bỗng chững lại. Bởi vì dòng sông đã biến mất, cõi sống bỗng lạ lùng, dừng lại, bãi bể dâu bồi, khung cảnh viễn tưởng, linh hồn cũng chẳng con nơi trú ngụ, và nhà thơ đã đẩy tưởng tượng đi quá xa. Hình ảnh trong thơ Trương Đăng Dung rất gần gụi chân thành xuyên suốt, ngôn từ chắt lọc tinh tường và thấm đẫm chân thiện mỹ, tạo ra cho người đọc một niềm tin cậy vững chắc.
“Anh chiếm chỗ bóng đêm” theo tôi là bài thơ tình yêu hay nhất trong thơ Việt Nam hiện đại. Trước ánh sáng tình yêu và sự sống, thì bóng đêm, sự mờ ám và tàn lụi cũng phải trốn chạy. Tình yêu chiếm lĩnh bóng đêm, ánh sáng huy hoàng dần dần xua tan lạnh lẽo, tàn lụi và cái chết. Ánh sáng lấn dần bóng tối, sự sống lấn dần cái chết, chỉ một niềm hạnh phúc, hân hoan tràn ngập.
Anh nghe bóng đêm tan trên cơ thể em
bóng đêm chạy trốn.
Những khoảnh khắc trong đêm
những đường cong như sóng vươn về phía trước
hơi thở như gió
đắm say và gấp gáp.
Đó là một cuộc tranh đấu, giành giật của tình yêu với cái chết, sự tàn lụi và lãng quên. Ai cũng có tình yêu, và đối với con người tình yêu là tuyệt diệu, nhưng “nghe bóng đêm tan trên cơ thể em” thì đến thơ Trương Đăng Dung sao mà lãng mạn, hiện sinh và đắm say đến thế. Từng phút giây tranh đấu để giữ lấy tình yêu và sự sống, sự sống và tình yêu vươn lên như sóng. Bóng đêm như tên tội phạm, thần chết chạy trốn, vì không thể chống đỡ.
Anh chiếm chỗ bóng đêm
cơ thể lún sâu đến kiệt sức
những khoảnh khắc trong đêm
sâu lắng và bí ẩn.
Bóng đêm chạy trốn
Thủy triều lên từng đợt, từng đợt
Bãi cát mịn mượt mà dâng hiến.
Viết về tình yêu mà hòa quyện đam mê rất con người. Vẫn là những khoảnh khắc bị ám ảnh. Cơ thể lún sâu, kiệt sức, thủy triều, bãi cát mịn mượt mà dâng hiến, từng đợt, từng đợt, nhà thơ phát hiện những đắm say thảng thốt và những sâu lắng bí ẩn trong cuộc yêu, trong cuộc sinh tồn. Tình yêu như thế thật sâu sắc đậm đà ý nghĩa. Lặp lại “bóng đêm chạy trốn” như khẳng định sự chiến thắng của tình yêu. Là con người ai cũng có trái tim nên ai cũng có tình yêu và những sắc thái cảm xúc. Nhưng tìm được cái tứ và viết lên ẩn dụ ngàn đời thì chỉ có nhà thơ mới làm được.  
Anh chiếm chỗ bóng đêm
anh gom ánh sáng bằng sức lực đàn ông
có tự ngàn đời
để cho em rạng rỡ.
Có cảm tưởng đây là một cuộc leo núi, thật không còn gì lãng mạn, tình tứ và sâu sắc hơn thế nữa. Hiểu cái nguyên cớ căn bản ở sâu bên trong người đàn ông, gom ánh sáng tự ngàn đời để cho em rạng rỡ. Con người sống bằng các tế bào mà tổ tiên truyền lại, cưu mang trong mình nòi giống, đam mê, tình yêu. Một tình yêu như thế là tuyệt diệu, nhưng ở đây nhà thơ đặt nó trong thời gian, thiên nhiên tàn nhẫn, tình yêu hiện sinh mà không thắng được cái hữu hạn hư vô. Làm sao ánh sáng trong từng khoảnh khắc bằng sức lực nhỏ bé của con người lại thắng được cái ngàn đời.
Có phải chúng ta đang bị tự nhiên lừa
để kéo dài sự sống?
anh vẫn muốn bị lừa
để chiếm chỗ bóng đêm
để có em vĩnh viễn!
Ở đây có nhắc lại ý của Schopenhauer, “tự nhiên lừa”. Nhưng đã là con người mang thể xác hữu hạn thì phải tin tưởng, bám vào sự sống và những cái hiện tồn, tin vào tình yêu và những khả năng cứu rỗi. Dù bị lừa, dù sự thật cuộc đời là hữu hạn, vẫn ham muốn và khao khát được chiếm hữu tình yêu, vẫn tin vào sự tồn tại và sợi dây yêu thương của kiếp người, vẫn đấu tranh không ngừng nghỉ để chiến thắng sự tàn phai và cái chết, để được hạnh phúc hiện tồn và vươn đến ý niệm bất diệt. Ai mới yêu đã không tin tình yêu là bất diệt thì thật là buồn. Nhưng tình yêu sẽ không thắng được thiên nhiên, tình yêu chỉ là ý niệm bất diệt và cứu rỗi được con người trong cõi sống. Tình yêu đã tuyên chiến, tách mình ra khỏi tự nhiên, và muốn vươn đến ý niệm vĩnh cửu, đó là ý chí trường tồn của loài người. Mọi thứ không tự dưng sinh ra mất đi mà chỉ biến đổi tự dạng này qua dạng khác. Thơ Trương Đăng Dung cô đọng được hạnh phúc, sợ hãi, gắng gỏi, điên cuồng và nước mắt vào trong một khoảnh khắc của tình yêu, đó là một tâm hồn và bản lĩnh lớn.
Bài thơ Ánh sáng này là tình yêu này dịu dàng đằm thắm. Nó diễn trôi mọi thứ, thì thầm về một đời sống tình ái nhưng vẫn nhuốm nỗi buồn. Trong dung nham của tình yêu thương, người ta còn tồn tại và quên đi hữu hạn. Nhà thơ vẫn tập trung vào ánh sáng. Ánh sáng tình yêu như ánh sáng của một vì sao chập chờn hư thực, ánh sáng của một linh hồn. Tình yêu đam mê run rẩy, đắm say, cuồng siết, thậm chí đến mức lẩn thẩn. Nhưng tình yêu chỉ còn khi có được anh và em, nếu thiếu khuyết đi một, nhầm lẫn đi một, thì tình yêu không còn. Tình yêu giữ cho thế giới không tan vỡ về mặt tinh thần, mà trường tồn và kế tục. Thơ Trương Đăng Dung rất nhất quán về tư tưởng. Thế giới biển chuyển trong thời gian, không còn cái hôm qua, mọi vật luôn sinh ra vô cùng tận, mãi mãi, tái sinh, cuồng khấu.
Sau một giấc say ngủ bừng dậy với niềm vui, sự sống, hy vọng cho mai sau. Sự tồn tại, cảm nghiệm thời gian và nỗi buồn thân phận, cùng sự thành thật, đôi mắt nhìn thế giới giữ được sự điềm tĩnh, dung dị, lắng sâu của muôn đời. Trương Đăng Dung chọn được những điều cần nói, những hình tượng rất thơ được biểu đạt dưới sự tinh túy của ngôn từ nghệ thuật. Điều đáng lưu ý là thế giới thơ Trương Đăng Dung thế giới tinh thần, tư tưởng của con người; thiên nhiên có hiện ra thì rất nhỏ nhoi, thấp thoáng, và chỉ hiện ra qua sự khúc xạ của con người. Nhiều cái tứ rất sâu rộng, rất đời, có trường liên tưởng rộng, cao xa về triết học và điểm nhìn. Nếu không có con người thì cái thiên nhiên ấy chẳng là gì cả. Ngôn từ, hình ảnh trong thơ Trương Đăng Dung rất dung dị, ít gợi sự chú ý. Cái gợi sự chú ý trong thơ Trương Đăng Dung chính là cái tứ, cái tứ sâu sa, sắc sảo, chân thành, thành khẩn với chính mình, đối thoại với chính mình và muốn loan truyền cùng thế giới thông điệp hãy yêu thương để cứu lấy sự tồn tại.
Sợ bóng tối sẽ tràn vào
khi em mở tung cửa sổ
cơ thể chúng ta thôi rạng rỡ.
Sợ thời gian rình trong từng sợi tóc
khi môi ta rời nhau
hơi ấm đã thuộc về quá khứ
(Vật chứng)
Thơ Trương Đăng Dung không dừng lại ở hạnh phúc, mà đi xuyên về phía sau hạnh phúc. Cảm nhận về thời gian trong thơ Trương Đăng Dung là thời gian sự sống, nó gây bất ngờ vì nó đúng. Các động từ rời, thôi, rình, thuộc, thuộc về trong bài thơ trên là những biến đổi quá nhanh, theo thế tiệm tiến. Căn phòng trống rỗng, xếp lại chăn màn, bước chân em đi xa dần, sỏi trong vường đang ngủ, không ai biết về một tình đã từng diễn ra nơi đây. Anh hoang hoải, trống trênh với kỷ niệm. Anh không tin vào ký ức của mình. Mục đích không là hạnh phúc, mục đích là sự tồn tại, hiện tồn của bản thân hạnh phúc. Thử đặt mình vào bối cảnh đó ta cũng thấy một nỗi buồn sâu đậm. Ta cứ tin tưởng ở bề mặt cuộc đời, nhưng ở bề sâu là những phút giây đi về cái chết. Trương Đăng Dung là một nhà thơ mãnh liệt khám phá về khía cạnh sinh tồn đó của con người. Chủ đề thơ Trương Đăng Dung không phải là tình yêu, hạnh phúc, cuộc sống, mà là sự tồn tại và chuyển giao của kiếp người, trong sự thật lụi tàn của nó.
Em đừng xếp lại chăn
em đừng chải lại tóc
em đừng tô lại môi
cứ để nguyên áo quần trên ghế
cứ để nguyên hiện trạng căn phòng.
Anh cần vật chứng, cần xác nhận về một khoảnh khắc thiêng liêng đã từng tồn tại. Anh cần xác nhận mình đã sống, đã yêu. Nghĩa của bài thơ rất rộng. Mọi thứ vô cùng  và tương đối, còn biến đổi không ngừng, có ngàn vạn con đường cho số phận con người. Nhưng rồi theo chọn lọc tự nhiên, mà con người vẫn tồn tại, vui buồn sướng khổ. Nhưng Trương Đăng Dung đặt mình cao hơn những thứ đó, con người đau khổ đó để viết về cuộc sống. Ông ghi lại dẫu một dấu vết nhỏ nhoi về con người, đã từng sống, từng yêu, gắn kết và hy vọng. Cũng còn hơn là không có cái gì thuộc về con người. Điều này khẳng định giá trị văn hóa trong quá khứ và giá trị tinh thần trường tồn với thời gian. Con người  sống vì tin vào tổ tiên đã từng tồn tại, mặc định trong mọi giá trị đã được trường tồn. Mặc cho thời gian tàn nhẫn.  
Có thể em quên rằng anh đã gặp em
hai mươi ba ngàn năm về trước
ở một bến sông.
Có thể em đã quên cánh buồm nâu ngày ấy
trôi giữa trời xanh không biết đến bao giờ.
Có thể em đã quên những dấu chân em trên cát
nơi bình minh tạm trú trước hoàng hôn.
Anh cảm nhận thời gian qua từng giọt nước
hai mươi ba ngàn năm trong giọt nước mắt này,
giọt nước của ngày xưa còn lại đến hôm nay.
(Có thể)
Tên tập thơ là Những kỷ niệm tưởng tượng. Ban đầu nó có hai nghĩa: có thể từ thời gian hiện tại, anh tưởng tượng ra những kỷ niệm; có thể những kỷ niệm đã từng diễn ra trong quá khứ của anh cũng chỉ là tưởng tượng mà thôi; và vì thế nó có muôn vàn nghĩa. Đây là sự suy tưởng trên cái nền thời gian về sự tồn tại của con người theo chiều dài của thời gian, sự sống, thời gian tưởng tượng đến vô cùng. Tưởng tượng thì vô cùng, không ai ngăn được, thậm chí đó là một dòng chảy tinh thần nuôi dưỡng sự sống. Ta hãy xem cuộc gặp gỡ tình cờ, duyên ngộ, và rồi vòng quay lặp lại. Cuộc gặp gỡ, bến sông ngày ấy, thời gian 23 nghìn năm, dấu chân em trên cát, trí nhớ phai tàn, bình minh, hoàng hôn, bờ cát. Giọt nước mắt này, tâm tình này, tế bào, niềm đau khổ hạnh phúc này đã từng tồn tại. Điều còn lại là tinh thần anh, tình yêu anh, mong muốn anh, nỗi nhớ và công cuộc kiếm tìm dĩ vãng trong trí nhớ, trong máu xương, trong tinh thần anh. Đó là sự đòi hỏi khẩn thiết của sự tồn tại.
Anh trở về với bến sông xưa,
em không nhớ thời gian nước chảy
anh không biết những ngày thơ bé ấy.
Những giọt nước qua má, qua môi
rơi xuống bàn tay nóng ấm hơi người.
Ta soi bóng.
Sông vẫn bình yên hát khúc vô tư
trời vẫn xanh như thế tự bao giờ
em tỏa sáng giữa đời anh lặng lẽ...
Từ suy tưởng quá khứ vụt trở về với hiện tại, với hạnh phúc ấm nóng, gần gụi, rất đỗi con người. Dòng thời gian lặng lẽ, thiên nhiên vô tư, và tình yêu là bến bờ để con người nương tựa để đi qua hành trình thống khổ đến với cái chết. Tuy nhiên cái con người ấy không bình an, mà luôn bất an, thắc thỏm về những bí ẩn, giấc mơ trong quá khứ, sự luân chuyển vô hình của tồn tại. Con người có sinh ra thì có chết đi, có khởi đầu thì có kết thúc. Giọng thơ buồn, chân thực, và vẫn giữ nét riêng, khiêm nhường, lặng lẽ, thành thực.
Anh không biết dòng sông trôi về đâu
bốn mươi sáu ngàn năm nữa.
Có thể em vẫn nhớ một ô cửa của con tàu
nơi anh đứng,
và bàn tay thấp thoáng vẫy trong đêm.
Có thể em vẫn nhớ những vầng trăng thức trắng
lá rơi thảng thốt trước thềm.
Có thể em vẫn nhớ một bóng hình, giọng nói
đã tan trong sương khói
những kiếp người…
Cho đến bây giờ tôi chưa cắt nghĩa được 23 ngàn năm, 46 ngàn năm là ẩn số gì. Có lẽ lúc ấy trái đất đã lần đầu tiên sinh ra và trái đất tận diệt chăng?... Nhưng cũng có thể đó chỉ là chiều sâu của sự suy tưởng. Sông trôi, ô cửa, con tàu, bàn tay vẫy vẫy, vầng trăng sáng tỏ, lá rơi trước thềm, bóng hình giọng nói, có thể em sẽ nhớ trong ký ức, trong tế bào, nhớ kỷ niệm tình yêu, nhớ thời gian, nhớ cảnh sắc, nhớ sự tồn tại của chính mình, có thể em vẫn nhớ về sự sống, dù nó đã tan đi trong sương khói những kiếp người. Những điều lạ và phi lý, những suy tưởng vô căn cứ, nhưng nó rất hợp với lô gích, vì sự tưởng tượng, trí tuệ con người là vô tận, cũng như trí nhớ về mặt di truyền thế hệ là có, nên điều gì cũng có thể xảy ra. Có thể Trương Đăng Dung đã linh cảm về một sự quay vòng số phận, hay đã tin tưởng vào sự chuyển giao của kiếp người. Điều này đã có triết học, khoa học và tôn giáo dần dần minh chứng. Thể xác, tinh thần, ký ức có một sự vận hành, trường tồn riêng trong sự sống, vì con người ta sống có linh hồn, và nếu còn yêu thương còn niềm tin là còn hy vọng.
Em chưa đến ngày chưa tỏa sáng
sông mênh mang nỗi nhớ một con đò
núi lặng lẽ đứng chờ bóng đổ
ba mươi năm hay ba triệu năm rồi.
Kìa hoàng hôn rạng rỡ mặt trời
kìa đồng cỏ phập phồng ngực thở
em đã đến thổi màu vào ngọn lửa
ba mươi năm hay ba triệu năm rồi.
Em đã sống những ngày không đợi
anh đã đi không một phút bình yên
chân trời dấu những điều không đến
ba mươi năm hay ba triệu năm rồi.
Đây là một bài thơ có tứ lạ. Ba mươi năm hay ba triệu năm rồi. Ba mươi năm là thời gian đời người; ba triệu năm là hành trình vũ trụ. Nhan đề bài thơ khiến ta giật mình. Con người vẫn là tâm điểm của thế giới. Nhà thơ với cái nhìn cao xa cảnh tỉnh muốn cứu rỗi một đời sống quá đỗi u mê đau buồn và vô vọng. Một đời sống đã được tiên tri trong kinh sách, các triết gia, phơi mở trong các bầu trời văn học. Nếu người ta biết rằng thế giới đã trôi qua ba triệu năm thì người ta đã không sống tồi tàn đến thế. Ai đang còn sống thì vẫn còn hy vọng đổi thay và cứu chuộc chính mình. Có một cái bóng nắng vô hình, bí ẩn vẫn đi cùng những vần thơ Trương Đăng Dung, khiến ông có thể phóng lên rất cao để nhìn mọi vật và nhìn chính mình. Ông có thể phóng chiếu ra ra, đến nỗi trần gian ông sống chỉ là những sân khấu nhỏ và tồi tàn, trên đó những diễn giả của ông đang khua múa mà không biết cái hữu hạn chính mình đã bị ông nhìn thấy. Ông thể hiện rõ một nỗi u buồn, một niềm đau tủi và những giọt nước mắt xót xa trong tất cả những vần thơ để khóc cho u mê lừa dối của con người, khi cái chết đang sồng sộc đến. Đó là một hiện thực của thơ ông.
Em nói mùa xuân, anh chỉ nghe
em nói trời xanh, anh chỉ nghe
nói đi em, mặt trời sắp lặn
nói đi em, mặt trời sắp lặn.
Em hỏi niềm vui nào anh đã thấy?
anh không còn nhớ nữa, hôm nay.
em hỏi trang thơ nào anh đã đọc?
anh không còn nhớ nữa, hôm nay.
Em nói trời xanh anh chỉ thấy mắt em
em nói mùa xuân anh chỉ thấy môi em
hoàng hôn xuống đã trùm lên hết thảy
bóng hai ta nhỏ bé giữa đất dày.
Anh im lặng lắng nghe trong mình thời gian đang chảy ngấm ngầm một dòng vô tận. Mùa xuân, trời xanh, mặt trời sắp lặn… là những ẩn dụ cho một đời người. Anh lắng nghe và tin ở tiếng nói, hơi thở của con người. Mắt em, môi em là điều anh tin vì sự sống. Hoàng hôn xuống, đời tàn lụi, con người nhỏ bé sẽ biến tan, đó là nỗi ám ảnh khổ hình trong thơ Trương Đăng Dung. Tuy nhiên nghệ thuật là nghệ thuật, hãy bình tĩnh, đừng chịu sự thôi miên của các ngôn từ, mà hãy đọc ý tứ, sắc thái, sợi chỉ đỏ niềm tin. Những niềm vui và sự gấp gáp, hối hả, cuộn sôi, vì trước mắt là sự kết thúc. Viết tốt về cái chết cũng là viết về cái sống. Tình yêu thương - cây cầu nối giữa hai miền đó là tất cả đời người, ngoài các giá trị đó ra con người không còn gì nữa. Con người chẳng thể kiêu ngạo khi sự sống của nó mong manh như cơn gió. Dù muốn dù không nó cũng sẽ kết thúc. Trương Đăng Dung đã không từ chối tất cả những điều có thể suy nghĩ về con người, khát khao sự tự cứu rỗi và tự giác ngộ, sớm tỉnh ngộ để hồi sinh, tái sinh, làm lại cuộc sống. Sự làm lại không bao giờ là muộn. Mọi sự cũng chẳng còn gì quan trọng. Nhưng Trương Đăng Dung muốn cảnh tỉnh để làm lại cuộc sống một lần, tất nhiên đối với những ai thấu hiểu tấm lòng và tư tưởng của ông.
Anh không còn gì ngoài em
sau tuổi năm mươi ngả bóng.
Mỗi ban mai khép cửa
anh vẫn ngoái nhìn em lần nữa
ngoài kia mây bay
gió thổi mong manh rèm cửa đóng
ngoài kia trời rộng
ở đâu đó đang gầm lên tiếng súng
ở đâu đó bao người ngã xuống
mắt nhắm rồi chưa một bữa ăn no…
(Anh không còn gì ngoài em)
Tại sao anh không còn gì ngoài em? Vì tình yêu là cái duy nhất vô giá mà anh được sống. Con người khi tìm được tình yêu họ sẽ bất tử trong đời, được tận hưởng nguồn năng lượng phi phàm, không sợ cái chết. Họ sẽ thấy mất đi tình yêu đời người thành vô nghĩa. Ai không yêu hoặc không tìm thấy tình yêu, họ sẽ sống một cuộc đời vô nghĩa, nhưng họ chưa từng yêu nên cũng không hề biết đến sự vô nghĩa ấy. Tình yêu cuộc đời được gửi gắm trong một con người cụ thể - là em, đó là may mắn của đời thơ Trương Đăng Dung. Song dù yêu nhau đến mấy, gắng gỏi đến khôn cùng, con người cũng không thoát được quy luật sống chết. (Không giữ được đâu em). Lời thú nhận cuối bài thơ là lời thú nhận đau xót và lạc điệu trước nỗi đau thương của một kiếp người. Thời gian trôi qua từng sợi tóc bạc màu. Thơ Trương Đăng Dung viết nhiều về nỗi buồn, nỗi đau thương thân phận của con người. Ông đã chọn cách suy tưởng về con người, đó là thế mạnh sẽ tạo nên chiều sâu nhân bản và giá trị lâu dài của nghệ thuật thơ ông.
Ở bài thơ Thành phố phía chân trời, chuyến tàu chạy ngược chiều ký ức không vào ga chính là một ẩn dụ để an ủi con người. Rồi những gương mặt lướt qua nhanh chóng như những con số trên đồng hồ điện tử có vẻ vô tình thản nhiên nữa. Cả những điều đó cũng gây nên đau khổ; nhịp điệu hối hả, vô cùng vô tận, chạy về vô biên, đi tìm thành phố phía chân trời là một viễn tưởng trọn vẹn và viên mãn về hạnh phúc, khiến người ta khát vọng, và lo âu, sợ hãi, lo âu, bất an về cuộc sống.
Bao nhiêu lần khép cửa
em vẫn thấy mình chưa ở bên trong
Và cặp môi hồng
mím chặt vào nhau an ủi.
“Bao nhiêu lần khép cửa/em vẫn thấy mình chưa ở bên trong” là một quan sát vô cùng tinh tế, sắc sảo về tâm lý của thi nhân. Đôi khi thơ Trương Đăng Dung chân thực hiền lành như một lời khuyên nhủ ông nói với bạn bầu. Con người ông luôn suy tư đi tìm chân lý, luôn đứng trên tầm cao tư duy để nhìn về cuộc sống, thương yêu con người, thương yêu và hờn giận vì họ nông cạn tội lỗi, nhưng rồi ông cũng thông cảm, chia sẻ, đồng hành với con người, hướng dẫn cho con người, bằng sự trải nghiệm, hiểu biết và nỗi đau của chính mình. Nếu sự cứu rỗi chưa đến với mọi người thì cũng đã đến được với chính ông, một cách trực diện và hữu ích nhất. Ông là một người làm thơ quả thật hạnh phúc, đã tìm thấy trong thi ca một sợi dây gắn kết số phận mình. Ông viết bằng máu, bằng niềm tin và tư tưởng, phơi bày những vấn nạn của con người.  
Thấy không em đường chân trời trước mặt?
anh đã từng đến đó trong mơ.
có khi như Jesu đi trên mặt nước
lòng anh cao thượng, sáng trong,
có khi như một tên tội phạm
anh bước đi uất hận trong lòng,
có khi như một đứa trẻ
hân hoan, ngơ ngác, chờ mong...
(Chân trời)
Bản thể con người đã trải qua tất cả, cao thượng sáng trong tội đồ ngơ ngác. Giêsu, tội đồ, con trẻ, kẻ cứu rỗi, kẻ gieo rắc đau khổ, kẻ ngây thơ vô tội. Những phi lý dị hình về cuộc đời, những oái ăm tham vọng, ươn hèn, ảo tưởng, ngạo mạn, không tưởng, ung nhọt, u mê, sai lầm và vô ích; trong thế giới tinh thần đầy rẫy oái ăm, hài hước ấy, những điều phi lý phi nhân cùng tồn tại. Thế giới đầy mâu thuẫn, giả tạo, trá hình, trái về bản chất, tiếng nói, chức năng, nhiệm vụ. Trong đêm đen anh vẫn mãnh liệt khao khát và hy vọng về ánh sáng của tình yêu, về phía chân trời, niềm khát khao mãnh liệt: “Khao khát một thứ gì nồng cháy như mặt trời/ ngọt ngào như quả chín.”.
Ở bài thơ “Những bức tường” nói về những hào lũy vô hình của tinh thần, khoảng cách, nguy cơ ở khắp nơi len vào ngăn cách, chia rẽ con người, làm tha hóa con người. Bức tường khắp nơi, vô hình, không nhìn thấy. Bức tường nghịch lý và đau thương ấy, có sự tham dự của thời gian, nằm sâu trong bề mặt có vẻ bình thường, và nó làm biến dạng mọi vật từ trong bản chất.   
Khi ta ngước mắt nhìn trời xanh
trên mặt đất đã có những bức tường,
khi ta cúi xuống nhìn mặt đất
xung quanh ta đã có những bức tường
khi ta nghĩ đến những miền xa
phía trước ta đã có những bức tường.
Những bức tường, những bức tường,
những bức tường
có mặt khắp nơi,
trong những lời vui đoàn tụ
trong những lời buồn chia tay,
những bức tường ta không xây
những bức tường không thể phá...
Đêm đêm anh vẫn nghe lũ quạ
cười nói huyên thuyên trên những bức tường này.
Những bức tường vô hình của tình người, xa cách, nghi kỵ, sự biến đổi chệch hướng, vô thường, không ngờ tới. Bức tường dày đặc, không thể công phá. Và bức tường ấy là dấu hiệu của cái chết, tử vong, tuyệt vọng, không thể cứu vãn về một thế giới tha hóa, tan rã, những chia ly, sum họp, hứa hẹn, phù du... Có cái gì bí mật đằng sau. Đó là phát hiện của nhà thơ về những bức tường, sự ly gián của tâm hồn con người, ông nhận ra sự hủy diệt và tha hóa, hiện thực mà ông trưng bày là thực tế của cuộc sống. Bức tường ấy là nguy cơ cạn kiệt, tha hóa và cái chết, vậy con người có thể thay đối chút gì chăng. Tuy chỉ là những bài thơ, không phải là kinh sách, nhưng nó cũng giúp bạn đọc nhận ra nhiều điều. Muốn cho cuộc đời đừng tha hóa phải thiết lập lại thế giới và vô hiệu hóa những bức tường đi, nếu không cái chết bủa vây thế giới con người ngay khi họ còn sống.
Trương Đăng Dung viết về thân phận con người - tồi tàn, rách rưới, đớn đau, nham nhở đời thường, dở sống và dở chết (Những người đàn bà). Ông không tránh né mà viết rất thật về họ, với lòng cảm thông và đau xót, dường như ông cũng chỉ là con người trong số đó. Điều rất lạ trong thơ Trương Đăng Dung là tâm thế của nhà thơ khi cầm bút. Ông là người trong cuộc rất đau thương. Nhưng ông lại đạt một cái nhìn cao hơn họ, song không hề trịnh thượng. Giữa cái đồng nhất và cái cao hơn, đó là khoảng cách rất lạ lùng mà ông đã làm được.  
Bài thơ Những con kiến đầy kịch tính. Nói lên lòng ban phát của con người, ảo tưởng, tạo ra sự oan khốc cho họ. Bài thơ xót đau về thân phận của kiến, nỗi cần cù, đam mê, chân thành và cả tin của kiến, như là lòng tận tụy của nhân dân. Tuy hai khổ cuối có vẻ lạc ra, nếu cắt đi tôi vẫn thích hơn. (Tôi đã hiểu gì về kiến?/Số phận và lo toan của kiến làm sao tôi hiểu được? Chỉ có kiến mới hiểu và chịu đựng được số phận của kiến mà thôi!). Nhưng tiếp tục mạch thơ ám chỉ thì để hai câu này cũng đạt được mức độ khái quát phổ biến, nó bẻ ngoặt sang một cục diện, một góc nhìn khác. Bài này gợi ám ảnh về thân phận con người, thân phận con sâu cái kiến, lòng kiên nhẫn, đức hy sinh, chịu đựng, gánh vác và oan trái của kiến, thân phận con người.
Bài thơ Những kỷ niệm tưởng tượng ông làm năm 29 tuổi. Đó lại là một trong những bài thơ hay nhất của thơ ông. Nó ghi lại những kỷ niệm trong ký ức mà trí óc non nớt của một đứa trẻ, vẽ ra những đổ nát, kinh hoàng của cuộc đời đầy máu, hỗn mang, đổ nát, sát thương. Tưởng tượng phi lý, lộn ngược thời gian và ký ức. Cảnh vật nham nhở màu sắc, ngổn ngang xương máu. Đây có thể là một ám chỉ về lịch sử đẫm máu của loài người.
Đêm đầu tiên ta nghe những tiếng động đầu tiên
những chú chuột ăn cắp tã vá của ta làm áo choàng
vào bệnh viện
chúng sờ lên mặt ta tìm môi ta liếm liếm
rồi chúng ra đi, ta hồi hộp nằm chờ.
Chúng ta lớn lên cùng nhau ăn thịt chó
cùng nhau thấy những con trâu vừa kéo cày
vừa đái bừa xuống ruộng
cùng nhau thấy những gái điếm ngủ dọc bờ sông
đầu gục xuống…
Bài thơ tiếp tục vẽ ra cảnh đổ nát khốn cùng với những thủ đoạn của loài người như ăn cắp, khả nghi, bặm trợn, khát máu, ăn thịt người, gieo rắc sự sợ hãi thấp thỏm. Sự sống nguyên sơ chịu quá nhiều cực hình thảm khốc rùng rợn phi lý phi nhân, lớn lên thấy đời sống trịch thượng ngông cuồng, cảnh lao khổ cực nhọc và kiếp người ô nhục tha hóa, trong bức tranh loang lổ của đời sống - cái nhịp điệu của cuộc đời vừa gấp gáp vừa mai mỉa, cảnh tượng cùng khốn, tả tơi, méo mó… Đó là những ẩn dụ kinh hoàng về sự khủng bố tinh thần, làm biến dạng nhân cách. Tàu chở vũ khí đi gieo rắc chiến tranh và cái chết, khủng bố, nực cười trẻ nhỏ người già ngồi trên nóc toa. Vậy mà điều đáng nói là chúng ta “cùng nhau” thay đổi được gì. Con người cứ sinh ra chết đi như vậy để làm gì, mà không biết sống hạnh phúc và tự cứu rỗi. Sự đau thương của con người đã trở thành huyền thoại, từ lâu quạ cũng thờ ở với mùi đau khổ. Ở nơi thiên nhiên vô tội, sự rùng rợn phi nhân tính của loài người cũng diễn ra, con quạ mang xương ống về làm đồ chơi cho con trẻ. Em tôi sinh ra trong bản năng đã biết sợ loài người, sợ những khổ đau truyền kiếp.
Sáng nay em gái tôi đột ngột ra đời
khi nhìn thấy tôi mẹ tôi cười đau khổ,
(mẹ ơi mẹ sinh em đâu phải là tội lỗi)
em tôi nằm mặt cau có đầy nhăn
giữa ngày sinh của chúng ta lần thứ một ngàn.
Bài Có một thời có tứ lạ, đầy nghịch cảnh. Có một thời, mẹ già ăn cháy cứng, răng rụng thản nhiên, tuổi già và cái chết đến thản nhiên, trẻ con sợ búp bê và không thích sữa, anh đi bên tôi thân thiện chân tình mà sao cách trở. “Có một thời đi về đâu mà ai cũng vội./ Có một thời hạt bụi cũng quẩn quanh/ Có một thời nghe hát dân ca lòng ta mệt mỏi./ Có một thời nghe lá vàng rơi lòng ta không xào xạc./ Có một thời đứng trước tổ chim lòng ta đầy mưu toan độc ác./ Có một thời em rực rỡ mà hồn tôi sa mạc./ Có một thời/ có một thời ta đã sống thật sao?”. Có một thời đã trôi qua, như trong thánh kinh, ta giật mình bởi cái tứ, cái tứ đã đẩy xa thời gian và cuộc sống con người bằng điểm nhìn và tầm nhìn mới, đậm chất suy tưởng. Cái nhìn bay bổng phóng thích con người và thời đại ra xa, câu hỏi thật kinh hoàng, ánh mắt nhìn thế giới, ta sống mà như không sống, tồn tại mà như không, ta không tin vào chính mình, tình yêu cũng chẳng vẹn nguyên đồng điệu, tình yêu cũng chỉ lệch pha và là bi kịch kéo dài trong kiếp sống. Nhà thơ thốt lên những điều như vậy, còn cảm thụ ra sao là tùy bạn đọc.
Bài thơ Tôi lại nhìn thấy họ cũng có tứ rất lạ. Tôi lại nhìn thấy họ, một giấc mơ, một cơn hoang tưởng hay sự thật, ký ức sống dậy, tương lai hiện hình. Thơ Trương Đăng Dung rất gợi, khắc họa đường nét, màu sắc như một bức tranh, bức họa, khắc ghi vào trí nhớ. Những con chữ chân thành dồn đuổi, ký ức và thời gian bị đảo lộn, chiến tranh đã trở thành ám ảnh kinh hoàng, thật bi kịch cho con người sinh ra từ đó. Tác giả muốn đẩy xa, phóng tác bức tranh thành huyền thoại. Ta đang sống đây mà có lúc nào ta nghĩ tới con người?...  
Tôi lại nhìn thấy họ
đang bước từ bình minh. Họ đi
trên bãi cát, dã tràng nghe
giật mình.
Tôi lại nhìn thấy họ
những người vợ suốt đêm vá lưới
mắt quầng thâm nhìn chồng. Ngoài kia
biển dâng triều, sóng cồn lên sôi động
Tôi lại nhìn thấy họ
dỡ nhà đi sơ tán. Từng đoàn người tay xách
nách mang, lầm lũi đi qua cánh đồng bạc trắng.
Tôi lại nhìn thấy họ
những xác người được tìm thấy
trong lớp đất bom vùi. Những người mẹ
chết vẫn ôm con, những đứa con chết
mặt úp vào ngực mẹ.
Tôi lại nhìn thấy họ
quấn khăn tang ra đồng. Tay vẫy
người đi xa, mắt buồn
hun hút bóng...
Tôi lại nhìn thấy họ
đêm đêm giữa trời Âu
những người tôi mới gặp lần đầu
những người tôi chưa từng được gặp.
Nỗi đau này không dành riêng cho bất cứ con người cụ thể, cuộc đời cụ thể nào, mà dành cho tất cả mọi người, mọi tầng lớp. Thơ này mang tính toàn cầu nhân loại, châu Âu, châu Á, khắp nơi, cho cái chết, sự sống, cho những thứ những thứ đã xảy ra và chưa từng xảy ra. Suy tưởng toàn nhân loại với những gì chân thực và nhân hậu nhất. Như bài Ghi chép hè 2009 là một bài thơ tiêu biểu.  
Bom nổ ở một Thánh đường Hồi giáo
máu người nhuộm đỏ sách Kinh
bom nổ ở một chợ Bagdad
thịt người trộn vào rau quả
(…) và người ngồi xem nỗi đau qua màn ảnh nhỏ.
Trong bài Chúa đã ra đi người ta sững sờ bởi câu: Tôi lớn lên biết nói tiếng con người! Điều này rất sâu rộng, đa thanh. Nói tiếng con người là bài học vỡ lòng để làm người. Cũng có nhiều kẻ mang vóc dáng con người nhưng chưa hẳn đã biết nói tiếng con người, đã biết làm người. Rồi tác giả viết tiếp: Tôi lớn lên ngơ ngác cõi người/ tình thương, thù hận, buồn, vui/ hun hút đường xa cát bụi/ người đi không biết về đâu. Trong cơn đi vô định của con người, ngoài thân phận họ, chẳng còn gì nữa cả. Khổ thơ cuối gây kinh ngạc, bởi nó nói được cái thống khổ sâu xa kỳ vĩ của thế giới, chỉ bằng một câu: “Chúa đã ra đi/ Chúa không thể nào ngờ!”. Ta thấy lòng ta nghẹn lại, vì sự thực khủng khiếp là chỉ có mình ta đối diện với thế giới mà thôi.
Trong những vần thơ Trương Đăng Dung, ta thấy hiện lên rất nhiều vết thương, xương máu, tội ác của con người, ta thấy nỗi buồn nỗi đau của tồn tại, thấy con người Trương Đăng Dung rất kiêu hãnh nồng nàn trong một tình yêu rộng lớn là tình yêu đối với con người. Tôi đã không nhầm – ông viết bằng máu đấy. Những trí tuệ, suy nghĩ, máu huyết, tâm hồn và linh cảm của một trí thức lớn của thời đại. Và nếu chúng ta đã từng gặp Trương Đăng Dung thì sẽ nhận ra rằng ông viết cũng giống như ông sống, với đôi mắt u buồn nhìn sâu vào cuộc đời, sẵn sàng đem đời mình trả giá cho con người. Tôi không biết nỗi buồn của ông rồi sẽ ra sao? Tôi hy vọng những vần thơ ông viết bằng máu mình sẽ trả về cho ông cuộc sống (đã bị mất từ lâu!).
Giấc mơ của Kafka
Ở New York chiều chiều
những con voi nhảy từ tầng mười một xuống sông
cứu những con chim sẻ.
Ở Paris trước cửa Viện bảo tàng
người nằm ngáp
trâu xếp hàng mua cỏ.
Ở Moskva những thiếu phụ da vàng
chơi với hổ
trên quảng trường ngập nước.
Ở Tokyo nữ phát thanh viên truyền hình
không có miệng
huơ tay chào khán giả
Khắp nơi
những đôi mắt
dính trên cổ những người không có mặt
những tiếng kêu
phát ra từ miệng những người không có cổ
những bàn chân
càng bước càng lún sâu vào đất.
Ở bài Giấc mơ của Kafka là đỉnh điểm của sự phi lý, phi nhân, không trật tự, không lô gích. Những điều không có thực, những hiểm nguy rình rập con người, những nguy cơ, những trò diễn lố bịch đau buồn, những chi thể mảnh vụn của con người vẫn cố gắng làm điều không tưởng, mà không biết cuộc đời thật đau thương đi về nơi cái chết. Mỗi bước đi càng lún sâu vào đất, mỗi bước tiến lên thì lại sa lầy vào tuyệt vọng, vô hồn. Thơ Trương Đăng Dung là hiện sinh tư duy và tồn tại, nhưng ông không ảo tưởng mộng mơ về thế giới bên kia, thậm chí ông không nghĩ là tồn tại thế giới đó. Ông chỉ là người bạn trung thành của tồn tại, cuộc đời hiện sinh thế, đau thương thế và nên chấp nhận rồi yêu thương lẫn nhau, chứ đừng trốn chạy. Cũng đừng ngạo mạn ảo tưởng về đời người, đừng mơ đong đếm cái vô cùng bằng thân xác hữu hạn.
25 bài thơ trong tập, bài nào cũng sâu sắc và toàn bích, dường như nó gom góp tất cả tư tưởng, tình yêu và nỗi đau của một đời thơ Trường Đăng Dung. Những cảm nhận rất chân thực song cũng cao xa về cuộc sống và thân phận con người, với tấm lòng hiền từ, dịu dàng. (Tôi thức với trái tim/ những ý nghĩ lang thang trong lồng ngực/ không còn đủ sức/ chạy theo con tàu – Đêm ở Rôma). Nhà thơ ghê sợ cuộc đời giả tạo, tượng giả, chết giả, xương giả, sẽ không còn gì để sống, để trú ẩn. Có thể trong ngàn vạn bối cảnh, con người vẫn không hiểu nhau và cô đơn trong thời gian tuyệt cùng (Nơi thi sĩ đến).
Đây là lời ông dặn đứa con: “Bố chỉ mong trái tim con đừng bao giờ lạc lõng/ trước mọi vui buồn bất hạnh của thời con.”. Con vừa sinh ra, thế giới đã chuẩn bị sẵn cho con đau thương và sầu khổ. Con học đi, lê từng bước, con học nói, bà hàng xóm thều thào. Khởi đầu và kết thúc một đời người, chúng ta phải làm sao, thơ Trương Đăng Dung mở ra được những chân trời suy tư và cứu rỗi. Nhiều người đã phải hy sinh giữa hai đầu cuộc sống đó. Khi con lớn lên thì bố cũng ra đi và không còn nắm bắt được sự thật. Nên bó chỉ dặn con một điều, như là lời chúc phúc, con hãy sống sao cho giống con người!
Thì ra, cuộc đời và nghệ thuật là một màn trình diễn tương đối và phi lý của con người trong cuộc tồn tại thống khổ. Vậy mà vì người ta duy lý và duy vật quá, nên cứ tưởng hiện thực là tất cả của tồn tại người. Thơ Trương Đăng Dung đã hé lộ nhiều bí mật đắng cay của tồn tại, để hòa vào tâm thức bất an của thời đại. Thế giới tự do vô biên về tinh thần con người, nên rất bấp bênh và đầy rẫy nguy cơ. Cuộc sống là những thỏa thuận, thỏa hiệp, mở ra ngàn vạn con đường. Nhưng người ta sống được vì thỏa thuận với cuộc đời, với con người và thỏa thuận với chính mình để sống và triển khai cuộc sống. (Thỏa thuận). 25 bài thơ là 25 mệnh đề tỏa ra muôn vàn đường hướng, muôn vàn ý nghĩa, tạo ra một tầm vóc tư tưởng và phong cách thơ Trương Đăng Dung. Với ngần ấy bài thơ, với nhân cách và trí tuệ lịch lãm, ông xứng đáng là một thi sĩ xuất sắc của nền thơ Việt Nam hiện đại.  
Hà Nội, 10/2011
Trần Thị Ngọc Lan
Theo http://phongdiep.net/




1 nhận xét:

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...