Nhạc sĩ Y Vũ với bài ca
Tôi là bạn thân với nhạc sĩ Y Vân - anh ruột của nhạc sĩ Y Vvũ
- từ ngày chúng tôi còn lang thang đi kháng chiến chống Pháp 1945 - 1954, và
cùng thọ giáo nhạc sư Tạ Phước ở Hậu Hiên, Thanh Hóa.
Chúng tôi đều bỏ kháng chiến về Hà Nội, nhưng tại đây tôi
không được gặp Y Vân lần nào vì lý do sau đó ít lâu tôi theo gia đình vào miền
Nam. Tới ngày chia đôi đất nước, sau cuộc di cư vĩ đại của đồng bào miền Bắc ồ ạt
vào miền Nam, hai chúng tôi mới gặp lại nhau tại đài
phát thanh Sàigòn.
Mừng rỡ khi gặp lại nhau, Y Vân rủ tôi về nhà chơi, ăn cơm,
hàn huyên, ôn lại những kỷ niệm hồi còn ở vùng kháng chiến, hỏi thăm các bạn
cùng học với thầy Tạ Phước để biết ai đã vào Nam và ai còn ở lại miền Bắc. Anh
giới thiệu mẹ anh và em trai là Y Vũ. Anh sáng tác nhạc, lấy tên hiệu là Y Vân,
tên trên giấy khai sinh của anh là Trần Tấn Hậu, và em là Trần Gia Hội (Y Vũ).
Y Vũ nhỏ hơn Y Vân 9 tuổi, được anh dạy kèm môn âm nhạc.
Y Vân hợp tác với nhiều ban nhạc của đài phát thanh Sàigòn.
Bài “Ngăn Cách” là bản nhạc đầu tay anh sáng tác. Y Vân rất nổi tiếng với bài
“Lòng Mẹ” ... Còn tôi (Trịnh Hưng), phần lớn sáng tác dân ca quê hương, cũng được
mọi người mến mộ. Tình bạn giữa tôi và Y Vân ngày thêm thắm thiết. Tháng 4 năm
1975, gia đình tôi và gia đình nhạc sĩ Y Vân không có điều kiện di tản, kẹt lại
ở Sàigòn. Tôi tiếp tục sinh sống bằng cách dạy nhạc tại gia. Y Vân vẫn tiếp tục
làm cho đài phát thanh, vì anh là nhạc sĩ có tài, chuyên viết về phối khí cho các
ban nhạc ở đài phát thanh Sàigòn cũ. Thỉnh thoảng, hai chúng tôi gặp nhau, rủ nhau ra quán uống cà
phê, nhìn nhau mà ngao ngán cho cuộc sống hiện tại.
Năm 1991, ở Pháp, tôi
được tin nhạc sĩ Y Vân mất. Anh mất vào năm lục tuần, thọ 60 tuổi. Tôi tiếc
thương anh vô hạn và nghĩ rằng bài ca ”Sáu mươi năm cuộc đời” do anh sáng tác,
khá nổi tiếng, là lời tiên báo về thời gian tại thế của anh.
Năm ngoái, tôi có dịp về thăm lại quê hương, trước là thăm phần
mộ cha mẹ và anh em.... mà tôi đã xa từ năm 1945, đã trên nửa thế kỷ chưa có dịp
về thăm. Cũng trong dịp này, tôi may mắn gặp lại một số bằng hữu trong giới âm
nhạc cũ, như vợ chồng ca sĩ Nguyễn Hữu Thiết và Ngọc Cẩm, các nhạc sĩ Thanh
Bình, Huyền Linh, Hoài An, Châu Kỳ, Khánh Băng, v. v... Các nhạc sĩ miền Nam
còn ở lại đa số đều nghèo cả. Nguyễn Hữu Thiết và Khánh Băng đã mù vì bệnh tiểu
đường, không có tiền thuốc thang, chữa chạy.
Nhớ tới nhạc sĩ Y Vân, người bạn thâm niên cũ đã mất, tôi muốn
tìm đến nhà vợ con anh để thăm hỏi và thắp nén nhang trên bàn thờ anh. Hỏi thăm
người này, người nọ mãi mới tìm gặp được người em của Y Vân là nhạc sĩ Y Vũ.
Y Vũ làm cho nhà hàng Arnol, 176 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa
(Công Lý), Sàigòn, được chủ nhà hàng Lê Văn Danh cấp cho một căn phòng nhỏ ở tạm
qua ngày. Căn phòng của người nghệ sĩ độc thân bừa bãi như cái ổ chuột. Đồ đạc
trong phòng chẳng có gì đáng giá ngoài mấy cây đờn làm phương tiện tối đi chơi
nhạc kiếm cơm.
Tôi tâm sự với Y Vũ rằng tôi ở Pháp, nay tuổi đã già, chẳng
làm ăn gì được nửa cả. Nhạc Việt Nam ở Pháp không có môi trường sinh hoạt như bên
Mỹ. Nhưng tôi được chính phủ Pháp cấp dưỡng tiền già, cũng đủ xài và cuộc sống
tự do thoải mái. Tuổi trẻ thì sống cho tương lai, người già sống với kỷ niệm quá
khứ. Ở bên Pháp người già cả như tôi, không có thể làm được một công việc gì mà
hàng tháng có tiền đủ ăn, nếu không có trợ cấp của chính phủ. Bên Pháp, thành
phố rất đẹp, rực rỡ ánh đèn, đường sá sạch sẽ, không có ruồi muỗi như ở Việt
Nam, ít thấy xe gắn máy và xe đạp. Xe Honda hai bánh thì tuyệt nhiên không thấy
ở bên ấy. Người dân đi làm bằng xe hơi, xe bus, hoặc xe métro. Người dân có
công ăn việc làm có thể mua xe hơi trả góp háng tháng. Mùa đông giá rét, tuyết
trắng xóa, tôi ở nhà buồn không biết làm gì cho hết thời giờ, bèn làm thơ, viết
báo Việt ngữ ở khắp nơi. Tôi là nhạc sĩ có chút tên tuổi nên các chủ báo đề nghị
tôi viết về kỷ niệm và sinh hoạt của giới ca nhạc sĩ trước đây mà tôi biết, hoặc
viết về các tác phẩm thơ nhạc nổi tiếng đã từng làm rung động và đi vào lòng người.
Ở hải ngoại, sống xa quê hương, ưa thích được
nghe lại những bản nhạc của Sàigòn xưa. Các hãng sản xuất băng Video, CD,
Karaoké khai thác thị hiếu, đáp đúng tâm trạng người Việt xa xứ đua nhau hốt bạc
làm giàu.
- Tôi nghĩ nếu mọi người biết được xuất xứ của những bản nhạc,
trong trường hợp nào nhạc sĩ đã khai nghén và sáng tác ra nhạc phẩm thời danh ấy,
chẳng hạn như Bến Xuân của Văn Cao, Dư Âm của Nguyễn Văn Tý, Hồn Vọng Phu của
Lê Thương, hoặc Thu Quyến Rũ của Đoàn Chuẩn – Từ Linh, vân. vân... Và các bài
ca được ưa chuộng của chú, như “Tôi Đưa Em Sang Sông”, “Tình Yêu Phù Thủy”. . .
Lần này về thăm quê, tôi muốn được đến thắp nhang trên bàn thờ
của anh Y Vân, một người bạn thân lâu đời của tôi. Hôm nay may mắn được gặp
chú. Chú có thể vui lòng kể cho tôi biết tâm sự và cảm xúc đã khiến chú sáng
tác bản nhạc “Tôi Đưa Em Sang Sông”!
Y Vũ ngậm ngùi tâm sự:
- Đó là nhạc ghi lại mối tình đầu của em. Dạo đó, em còn là học
sinh trường trung học tư thục Hàn Thuyên ở phố Cao Thắng, gần nhà và lớp nhạc của
anh, yêu một nữ sinh cùng lớp tên là Thanh. Đó là mối tình học trò, trong trắng.
Tình yêu chúng em chỉ cảm nhận qua ánh mắt trao đổi chứ chưa một lần nắm tay
nhau. Nhà nàng giàu sang, có cây xăng ở Ngã Bảy Lý Thái Tổ, còn em thì nghèo,
chỉ có chiếc xe gắn máy hiệu Bromic do anh Y Vân mua cho. Nàng dặn em, mỗi ngày
cứ vào buổi chiều, canh đúng giờ nàng ra thay thế cho cha mẹ nàng về nhà nghỉ
ngơi, thì tới để nàng đổ đầy bình xăng cho, không phải trả tiền.Và cứ thế, rồi
bẵng đi một tuần, không thấy Thanh đi học và ra cây xăng. Em nhớ Thanh quá, mới
lấy hết can đảm tới nhà nàng, hỏi thăm cô em gái nàng, thì được biết mấy hôm nay
nhà bận rộn vì phải tiếp nhận lễ hỏi cưới chị Thanh do cha mẹ gả cho một ông
bác sĩ cũng hơi lớn tuổi. Được tin nàng lấy chồng, em buồn quá, lủi thủi ghé
nhà một người bạn ở một xóm nghèo, gần nghĩa trang. Tối đó, lần đầu tiên em uống
rượu say. Mãi đến khoảng 2 giờ sáng mới tỉnh rượu, em mở cửa sổ, nhìn ra thấy
mưa rơi hiu hắt trên những nấm mộ, em bèn cầm cây đàn guitar và ứng khẩu hát
như người ứng tác:
“Nếu như trời không mưa
“Đường vắng đâu cần tôi đưa
“Nàng đã quên cả lối về, quên cả người trong gió mưa....!”
Từ đó đến sáng, em đã hoàn thành bài nhạc một cách không ngờ.
Và chỉ trong vòng 3 tháng, ca khúc “Tôi Đưa Em Sang Sông” trở nên thịnh hành,
được hát liên tục ở các đại nhạc hội ca nhạc và đài phát thanh Sàigòn với tiếng
hát ngọt ngào của ca sĩ Lệ Thu.
Hôm đám cưới nàng, em có nhận thiệp mời tới dự, bàn tiệc chẳng
có ai quen ngồi chung cả. Ra về với tâm trạng buồn tủi, em sáng tác ngay bản nhạc
“Ngày Cưới Em”, với những câu:
“Hân hoan tay em mang đến tôi cây đàn
“mà rằng để mừng xin hát cho một lần
Ngượng ngùng tôi mới ca rằng:
Ngày xưa đưa em sang sông
Ngày nay đưa em bước sang ngang....”
Tôi cảm ơn Y Vũ đã tâm sự cho biết và hỏi thêm: “Còn bài “Kim”
cũng khá nổi, chú sáng tác trong trường hợp nào?”
Y Vũ kể rằng: “Vào năm 1969, em làm việc ở Vũng Tàu, tối tối
thường đi chơi ở vũ trường Blue Star, em quen rồi yêu một vũ nữ tên là Kim.
Nàng có một hoàn cảnh đáng thương. Em sáng tác bài ca để động viên tinh thần
Kim:
“Cớ sao buồn này Kim
Cớ sao sầu này Kim
Em như hoa nở giữa mùa mưa
Sống giữa khi trời đất giông tố
Anh đem yêu thương xóa muôn áng mây mờ . . .”
Y Vũ sáng tác không nhiều, nhưng bài nào cũng được mọi người
yêu thích. Và mỗi ca khúc đều thấp thoáng hình ảnh một thiếu nữ đãđi qua vàđể lại
những tình cảm tha thiết trong đời tác giả.
Tôi hỏi Y Vũ: “Chú có nhớ một vài kỷ niệm riêng về mấy ca
khúc của Y Vân?”
- Nhạc sĩ Y Vân sinh năm 1931. Anh mất năm 1991, ứng với bản
nhạc anh sáng tác, anh chết năm vừa tròn 60 tuổi. Y Vân bỏ kháng chiến, trở về
thành, chơi đại hồ cầm cho mấy ban nhạc ở Hà Nội rồi Sàigòn sau năm 1954. Anh
sáng tác nhạc rất sớm. Ca khúc Ngăn Cách là sáng tác đầu tay của anh, ghi lại
những kỷ niệm về mối tình đầu trắc trở của anh ấy với một cô gái Hà Nội tên là
Tường Vân. Năm 1954, di cư vào Nam, nhà nghèo quá, anh phải đi đàn đêm cho vũ
trường đến 1 giờ sáng, và phải ở nhờ cư xá Chí Hòa, nơi giam giữ phạm nhân. Một
buổi tối, anh đi làm về khuya như thường lệ, bà cụ dọn cơm cho anh ăn. Ăn xong,
anh đi ngủ, bà cụ em thì ít ngủ và hay đỡ đần các con. Tối đó, vào gần 2 giờ
sáng, bà cụ em mang áo quần của cả nhà ra máy nước công cộng ngồi giặt. Chẳng
may, cảnh sát đi tuần, thấy bà cụ lom khóm đang giặt đồ, bèn bắt bà cụ lên xe
chở về bót cảnh sát giam giữ vì tội không tuân hành lệnh giới nghiêm. Em đánh
thức anh dậy, báo tin mẹ bị bắt. Anh thương mẹ già vất vả, buồn và khóc nức nở,
làm em cũng khóc theo. Anh lấy cây đàn Guitar, vừa khóc vừa viết ca khúc “Lòng
Mẹ” (1956) mà đồng bào Việt Nam ta ngày nay không ai là không biết:
“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào
Thương con thao thức bao đêm dài
Lặn lội gieo neo mái tóc trót đành đẫm sương ...”
Anh Y Vân là người con chí hiếu và ca khúc “Lòng Mẹ” quả thật
là một bài nhạc bất hủ....
Khi chia tay, Y Vũ còn nói với tôi tâm trạng của người nghệ
sĩ rằng: “Em muốn về một vùng quê xa để sống bình dị, vui thú điền viên với bà
con chòm xóm chân chất, quên đi những bước thăng trầm vinh nhục của đời nghệ
sĩ. Nhưng có lẽ cũng khó mà dứt được những gì đã tơ vương, anh ạ!”.
Paris
Nhạc sĩ Trịnh Hưng
Bài đọc thêm:
Y Vũ - Nhật Ngân và “Tôi Đưa Em Sang Sông“
Tôi đưa em sang sông, chiều xưa mưa rơi âm thầm
Để thấm ướt chiếc áo xanh, vàđẫm ướt mái tóc em
Nếu xưa trời không mưa, đường vắng đâu cần tôi đưa
Chẳng lẽ chung một lối về mà nỡ quay mặt bước đi.
Tôi đưa em sang sông, bàn tay nâng niu ân cần
Sợ bến đất lấm gót chân, sợ bến gió buốt trái tim
Nếu tôi đừng đưa em, thì chắc đôi mình không quen
Đừng bước chung một lối mòn, cóđâu chiều nay tôi buồn.
Rồi thời gian lặng lẽ trôi
Đời tôi là chiến binh đi khắp phương trời
Mà đời em là ước mơ
Đẹp muôn ngàn ý thơ, như ngóng trông chờ
Hôm nao em sang ngang, bằng xe hoa thay con thuyền
Giờ phút cuối đến tiễn em, nhìn xác pháo vướng gót chân
Gót chân ngày xa xưa sợ lấm trong buồn khi mưa
Nàng đã thay một lối về, quên cả người trong gió mưa.
Tôi đưa em sang sông là một bài hát rất quen thuộc với người
nghe nhạc trong thập niên 60. Tuổi học sinh sinh viên với những mối tình đầu đời
dang dở ai cũng thích bài nầy vì giai điệu tha thiết , lời hát trữ tình giản dị
gây nhiều xúc cảm.. Hai tác giả ghi tên trên bài hát là hai nhạc sĩ Y Vũ và Nhật
Ngân. nhưng khi chúng ta đọc những bài viết nói về nguồn cảm hứng để sáng tác
bài hát này, đãđược hai nhạc sĩ trình bày trong những dòng tâm sự, lại thấy có
nhiều điều rất khác biệt.Vậy không biết sự ra đời của bài hát bắt nguồn từ đâu?
Và ai mới là tác giả thực sự của bản nhạc “Tôi đưa em sang sông” nổi tiếng này?. Xin mời các bạn hãy đọc những dòng tâm sự của hai nhạc sĩ Y Vũ và Nhật Ngân dưới
đây. Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ ….cả hai nhạc sĩ Y Vũ và Nhật Ngân đều đã không
còn nữa..
Lời tâm sự của Y Vũ
Nhạc sĩ Y Vũ
Tôi sinh ra ở Hà Nội nhưng lớn lên tại đất Sài Gòn náo nhiệt.
Những ngày tháng thơ ngây tại trường trung học có lẽ không bao giờ phai mờ
trong trí nhớ của tôi, bởi ở đó tôi đã để trái tim mình rung động trước cô bạn
chung lớp tên Thanh. Tình yêu học trò trong sáng lắm, chỉ cảm nhận qua ánh mắt,
nụ cười chứ đâu có dám ngồi gần, dám nắm tay. Những khi tan trường sóng bước
bên nhau cũng không biết nói câu gì, chỉ biết... đá cái lon sữa bò khua vang đường
phố.
Thanh là con một gia đình khá giả, có cây xăng ở ngã bảy Lý
Thái Tổ. Còn tôi hồi đó chỉ có chiếc "xế nổ" hiệu Roumie ngày ngày đi
học. Mỗi chiều khi thay ba ra trông cây xăng, Thanh lại nhắc tôi ra đổ xăng...
chùa. Những ngày tháng đó với tôi thật hạnh phúc, lãng mạn. Nhưng ngày vui ngắn
chẳng tày gang, Thanh biến mất khỏi cuộc đời tôi vì một đám cưới ép gả với
chàng bác sĩ. Hụt hẫng, chơi vơi, tôi uống chén đắng đầu đời và nếm trải mùi vị
của "thất tình". Tỉnh cơn say vào 2 giờ sáng, tôi ôm guitare và thế
là “Tôi đưa em sang sông” ra đời. Bài hát với giai điệu buồn da diết được coi là
tài sản chung cho nhiều chàng trai lâm vào cảnh như tôi thời đó.
Mối tình đầu làm tôi trắng tay, nhưng nỗi bất hạnh ấy đem lại
cho tôi xúc cảm để cóđược hai bài hát tâm đắc. Sau Tôi đưa em sang sông gắn liền
với tiếng hát Lệ Thu, ca khúc Ngày cưới em lại thành công vang dội: "Hôm
nay ngày cưới em, nào men nồng nào hoa thơm, nào môi hồng nào da phấn, khăn áo
muôn sắc đua chen...".
Tôi là kẻ đa tình nhưng cũng rất chung tình. Trong đời tôi
chưa lần nào phụ người. Khi yêu ai đó, tôi đều yêu hết lòng, sống hết mình. Nhưng
rồi không hiểu sao tôi cứ bị ruồng bỏ.Tại tôi vụng về chăng? Tôi cũng tự vấn
mình rất nhiều, nhưng rồi cũng không thể trả lời câu hỏi ấy được. Chỉ biết rằng,
đời nghệ sĩ như tôi long đong, lận đận đến tận bây giờ, ngoài 60 tuổi mà vẫn
chưa có một mái ấm gia đình. Sau mỗi đêm tại nhà hàng Arnold với công việc phụ
trách âm nhạc, tôi lại côđơn trở về căn phòng trọ. Nhưng dù thế nào thì cuộc sống
vẫn tiếp nối; dù thế nào tôi cũng vẫn phải làm việc, sáng tạo và yêu thương.
Mỗi tác phẩm của tôi đều in dấu ấn của kỷ niệm, của nỗi niềm
riêng. Ca khúc Kim được nhiều người yêu thích chính là ca khúc tôi viết tặng cô
gái tên Kim có gương mặt buồn và gia cảnh thật đáng thương. Một năm sau ngày
bài hát được tung ra, Kim đã mất vì bệnh tim.
Tôi là người sống thiên về tình cảm, có lẽ vì thế mà dễ gặp
trắc trở trong cuộc sống đời thường. Tôi mơ có một mái nhà, nhưng có lẽ đó mãi
mãi chỉ là giấc mơ vì đến giờ này tôi không hề có tài sản gì. Thôi thìđành quanh
quẩn phố thị, đêm đêm miệt mài phím đàn mua vui kiếm chút tiền còm sống qua những
năm tháng còn lại trên đời…
Lời tâm sự của Nhật Ngân
Trần Nhật Ngân, sinh năm 1942 tại Thanh Hóa và là con út
trong một gia đình sáu người con. Vì thân phụ là một công chức thường phải di
chuyển nhiều, nên Nhật Ngân cũng đã từng sống ở nhiều nơi: Huế và Ðà Nẵng.
Vào khoảng cuối thập niên 50, bố ông đã qua đời, Nhật Ngân
cùng mẹ vào Sài Gòn, theo chân các anh chị đã vào đây từ trước. Sau khi học hết
trung học ở trường Võ Trường Toản và lấy được mảnh bằng tú tài, ông trở ra Ðà Nẵng
dạy nhạc và Việt văn tại trường Phan Thanh Giản. Trước đó, tại Ðà Nẵng và Huế,
Nhật Ngân đã đến với âm nhạc qua sự chỉ dẫn của các linh mục và sau đó ở Sài
Gòn, qua sự hướng dẫn của những người thân trong họ là giáo sư âm nhạc và nhạc
sĩ nổi tiếng như Ðỗ Thế Phiệt và Nhật Bằng.
Nhạc sĩ Nhật Ngân
Theo lời tâm sự của Nhật Ngân, đáng lẽ ông đã trở thành một
nhạc công vĩ cầm như người em họ là Nhật Hiền, nhưng vì gia đình ông quá nghèo,
không mua nổi cây đàn cho ông. Do đó, ông đành quyết định thôi học. Vì lòng đam
mê âm nhạc và nhất là nhờ ở khả năng thiên phú của mình, Nhật Ngân đã hoàn thành
nhạc phẩm đầu tay khi ông mới vừa 18 tuổi vào năm 1960. Ðó là một ca khúc tình
cảm mang tên Tôi đưa em sang sông.
Về trường hợp ra đời ca khúc này, Nhật Ngân cho biết: khi trở
về dạy học ở Ðà Nẵng, ông có yêu một người. Thời đó đối với các gia đình ở miền
Trung là phải có chức phận thì họ mới gả con gái cho mình. Ông chỉ là người dạy
học thôi, nhất là còn trẻ lắm, nên gia đình cô ấy không chịu gả.Và cô ấy đi lấy
chồng.“Thật sự là ngẫu hứng thôi, tôi làm bài hát đó".
Mặc dù chưa có phương tiện phổ biến rộng rãi trong thời gian
đầu, nhưng Tôi đưa em sang sông đã trở thành một ca khúc được giới học sinh,
sinh viên Ðà Nẵng rất ưa thích, chép tay truyền cho nhau hát.
Sau đó Nhật Ngân gửi ca khúc này vào Sài Gòn nhờ nhạc sĩ Y
Vân phổ biến dùm, với sự sửa đổi một vài chữ trong bản nhạc cho hợp với đường lối
của Bộ Thông tin lúc đó không cho phép phổ biến những nhạc phẩm ủy mị, ướt át.
Câu "Rồi thời gian lặng lẽ trôi, đời tôi là cánh mây trôi bốn phương trời.
Và đời em là cánh hoa thì bao người ước mơ, đưa đón trông chờ" được nhạc sĩ
Y Vân đổi thành "Rồi thời gian lặng lẽ trôi, đời tôi là chiến binh đi khắp
phương trời. Mà đời em là ước mơ đẹp muôn ngàn ý thơ, như ngóng trông chờ"
cho phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh của đất nước.
Câu kết của bản chính là "Nàng đã thay một lối về, thay
cả bàn tay đón đưa" cũng đã được Y Vân đổi thành "Nàng đã thay một lối
về, quên cả người trong gió mưa." Sự thay đổi lời ca này đã khiến cho cảm
thấy "hẫng" đi một chút, như lời ông nói, vì không đúng với tâm trạng
của mình khi đến lúc đó, chưa hề trải qua đời sống trong quân ngũ.
Hơn nữa, vì tác giả còn là một người chưa có tên tuổi nên cần
nhờ tới một nhạc sĩ nổi tiếng đứng chung tên để Tôi đưa em sang sông đến với quần
chúng dễ dàng hơn. Khi được phát hành, Tôi đưa em sang sông được ký tên bởi hai
người là Trần Nhật Ngân và Y Vũ.
Tôi Đưa Em Sang Sông (Khánh Ly) - Nhiều Ca Sĩ | Nghe tải
bài hát
Tôi Đưa Em Sang Sông Elvis Phương - Nhạc của tui
Tôi Đưa Em Sang Sông (Khánh Ly) - Nhiều Ca Sĩ | Nghe tải
bài hát
Tôi Đưa Em Sang Sông Elvis Phương - Nhạc của tui
Tôi Đưa Em Sang Sông (Remix) - Peto - Keeng
Trường Kỳ
Nguồn nhacvangonline
hãng eva
giá vé máy bay đi mỹ giá rẻ
giá vé korean airlines
vé máy bay từ sài gòn đi mỹ
Vé máy bay đi canada
Những Chuyến Đi Cuộc Đời
Ngau Hung Du Lich
Tri Thức Du Lịch