Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

Thi khúc “Tình khúc thứ nhất”, “Em đến thăm anh đêm 30” của thi sĩ Nguyễn Đình Toàn và nhạc sĩ Vũ Thành An

Thi khúc “Tình khúc thứ nhất”, 
“Em đến thăm anh đêm 30” 
 Nguyễn Đình Toàn - Vũ Thành An
Thi sĩ Nguyễn Đình Toàn (sinh 6 Tháng 9, 1936) còn là một nhà văn và nhạc sĩ. Ngoài ra ông có bút hiệu là Tô Hà Vân khi viết văn và Hồng Ngọc khi viết nhạc.
Ông sinh tại Gia Lâm, Bắc Ninh, di cư vào Nam năm 1954. Ông đóng góp nhiều sáng tác văn học nghệ thuật dưới nhiều dạng: tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch nói, bút ký.
Tác phẩm “Áo Mơ Phai” của ông đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật của Việt Nam Cộng Hòa năm 1973.
Nguyễn Đình Toàn viết nhiều truyện dài đăng thành nhiều kỳ trên các báo chí Miền Nam như tạp chí Văn, Văn Học và các nhật báo như Tự Do, Chính Luận, Xây Dựng, và Tiền Tuyến.
Ông cũng có tay trong việc phát triển tân nhạc Miền Nam qua chương trình phát thanh Nhạc Chủ Đề trên Đài Phát Thanh Quốc Gia VTVN mỗi tối Thứ Năm.
Thi sĩ Nguyễn Đình Toàn.
Sau 30 tháng 4 năm 1975, ông bị nhà nước miền Bắc bắt giam và học tập cải tạo 10 năm. Năm 1998 ông cùng vợ ông được xuất cảnh sang Hoa Kỳ và định cư ở California nơi ông tiếp tục viết cho báo Viet Tide.
Một số bản nhạc của ông được nhiều người biết đến là “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên” (“Nước Mắt Cho Sài Gòn”), “Tình Khúc Thứ Nhất”, “Em Đến Thăm Anh Đêm 30”, do NS Vũ Thành An phổ nhạc. Ca sĩ Khánh Ly đã thâu âm và phát hành 2 đĩa nhạc với những sáng tác của ông.
Nguyễn Đình Toàn và tác phẩm:
Tiểu thuyết, truyện dài:
– Chị Em Hải (1961)
– Con Đường (Nhà xuất bản Giao Điểm 1965)
– Ngày Tháng (Nhà xuất bản An Tiêm 1968)
– Đêm Hè (Nhà xuất bản Hiện Đại 1970)
– Đêm Lãng Quên (Nhà xuất bản Tân Văn 1970)
– Giờ Ra Chơi (Nhà xuất bản Khai Phóng 1970)
– Không Một Ai (Nhà xuất bản Hiện Đại 1971)
– Thành Phố (Nhà xuất bản Kẻ Sĩ 1971)
– Áo Mơ Phai (Nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng 1972)
– Tro Than (Nhà xuất bản Đồng Nai 1972)
– Những Kẻ Đứng Bên Lề (Nhà xuất bản Giao Điểm 1974)
– Đồng Cỏ (Nhà xuất bản Đồng Dao/ Úc châu 1994)
Tập truyện:
– Phía Ngoài (viết chung với Huỳnh Phan Anh, Nhà xuất bản Hồng Đức 1969)
– Đám Cháy (Nhà xuất bản Tân Văn 1971)

Nhạc sĩ Vũ Thành An là một trong những nhạc sĩ lừng danh của miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954 – 1975. Các “Bài Không Tên” là những dấu ấn gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp sáng tác của ông. Hiện nay, ông là một Phó tế của Giáo Hội Công Giáo Rôma (Rome), đã ngừng sáng tác nhạc Tình Ca mà chỉ sáng tác nhạc Thánh Ca.
Nhạc sĩ Vũ Thành An sinh tại Hải Hậu, Nam Định năm 1943. Năm 1954 ông theo gia đình di cư vào miền Nam. Năm 1960, ông vào học trường trung học Nguyễn Trãi, đồng thời theo học nhạc với Nhạc sĩ Chung Quân cùng lúc với NS Ngô Thụy Miên, NS Đức Huy. Năm 1961 ông thi hỏng Tú Tài và về trường Hưng Đạo học tiếp Đệ Nhị. Năm 1963, ông thi đậu Tú Tài toàn phần.
Sau đó ông được linh mục Trần Đức Huynh, giám đốc trường Hưng Đạo cho dạy lớp Đệ Thất để có tiền học Đại Học. Cuối năm 1963, ông vào làm phóng viên ở Đài Phát Thanh Sài Gòn, nơi đây ông gặp nhà thơ Nguyễn Đình Toàn.
Năm 1965 NS Vũ Thành An sáng tác nhạc phẩm “Tình Khúc Khứ Nhất” (thơ Nguyễn Đình Toàn) để kỷ niệm một mối tình, và ông nổi tiếng ngay từ ca khúc đầu tay này. Sau đó ông sáng tác tiếp các “Bài Không Tên Số 1, 2, 3, 4”. Cuộc tình của ông kéo dài được một năm thì chấm dứt, tác phẩm “Bài Không Tên Cuối Cùng” đánh dấu thời điểm đó. Sau “Bài Không Tên Cuối Cùng”, NS Vũ Thành An quay lại sáng tác tiếp các “Bài Không Tên Số 5, 6, 7″… không theo một thứ tự nào.
Năm 1967, ông nhập ngũ khóa 25 Sĩ Quan Dự Bị Thủ Đức và 1969 ông lập gia đình.
Năm 1969, ông phát hành tập nhạc “Những Bài Không Tên”. Các tác phẩm của NS Vũ Thành An được mọi người yêu thích ở khắp miền Nam khi đó. Người ta có thể nghe tại gần như hầu hết các quán cà phê có nhạc của Sài Gòn và những thành phố lớn khác, nhất là trên các làn sóng phát thanh thường xuyên. Tên tuổi của NS Vũ Thành An cùng với các nhạc phẩm: “Tình Khúc Thứ Nhất”, “Em Đến Thăm Anh Đêm 30”, và các “Bài Không Tên” gắn liền với giới trẻ thời bấy giờ. NS Vũ Thành An cùng với NS Trịnh Công Sơn, NS Ngô Thụy Miên, NS Từ Công Phụng, NS Lê Uyên Phương tạo thành một thế hệ nhạc sĩ mới tài năng trong thời gian này.
Năm 1971, NS Vũ Thành An tốt nghiệp đại học Luật Khoa Sài Gòn. Ông tiếp tục làm việc tại Đài Phát Thanh Sài Gòn với cấp bậc sĩ quan, và trải qua nhiều chức vụ: Trưởng cơ sở dân vận Gia Định 1973, Trưởng phân khối văn hóa, Phụ tá trưởng khối chương trình, Trưởng khối chương trình và Trưởng phân khối kế hoạch hệ thống truyền thanh 1974.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, NS Vũ Thành An là người cuối cùng rời Đài Phát Thanh Sài Gòn, lúc 10 giờ 30 giờ sáng. Sau đó ông phải học tập cải tạo suốt mười năm dài từ 1975 đến 1985 tại miền Bắc. Theo lời NS Vũ Thành An, ông bắt đầu sáng tác Thánh Ca, Những Bài Nhân Bản, trong thời gian cải tạo từ năm 1981.
Năm 1991, NS Vũ Thành An rời Việt Nam và định cư tại Hoa Kỳ. Năm 1996, ông ghi danh học chương trình Cao Học Thần Học của Tổng Giáo Phận Portland, Oregon.
Năm 2000, NS Vũ Thành An được đào tạo làm Phó Tế và phụ trách Đài Phát Thanh Việt Nam Hải Ngoại ở Portland, Oregon. NS Vũ Thành An ngừng sáng tác tình khúc và chỉ tiếp tục soạn các bản thánh ca, và tham gia các công việc từ thiện.
Thi khúc “Tình Khúc Thứ Nhất” 
(TS Nguyễn Đình Toàn & NS Vũ Thành An)
Tình vui theo gió mây trôi
Ý sầu mưa xuống đời
Lệ rơi lấp mấy tuổi tôi
Mấy tuổi xa người
Ngày thần tiên em bước lên ngôi
Đã nghe son vàng tả tơi
Trầm mình trong hương đốt hơi bay
Mong tìm ra phút sum vầy
Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai
Những cánh dơi lẻ loi mù trong bóng đêm dài
Lời nào em không nói em ơi
Tình nào không gian dối
Xin yêu nhau như thời gian làm giông bão mê say
Lá thốt lên lời cây
Gió lú đưa đường mây
Có yêu nhau xin ngày thơ ngây
Lúc mắt chưa nhạt phai
Lúc tóc chưa đổi thay
Lúc môi chưa biết dối cho lời
Tình vui trong phút giây thôi
Ý sầu nuôi suốt đời
Thì xin giữ lấy niềm tin dẫu mộng không đền
Dù trời đem cay đắng gieo thêm
Cũng xin đón chờ bình yên
Vì còn đây câu nói yêu em
Âm thầm soi lối vui tìm đến
Thần tiên gẫy cánh đêm xuân
Bước lạc sa xuống trần
Thành tình nhân đứng giữa trời không
Khóc mộng thiên đường
Ngày về quê xa lắc lê thê
Trót nghe theo lời u mê
Làm tình yêu nuôi cánh bay đi
Nhưng còn dăm phút vui trần thế.

Thi khúc “Em Đến Thăm Anh Đêm 30” 
(Thi sĩ Nguyễn Đình Toàn và Nhạc sĩ Vũ Thành An)
Em đến thăm anh đêm ba mươi
Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi
Anh nói với người phu quét đường
Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em.
Tay em lạnh để cho tình mình ấm
Môi em mềm cho giấc ngủ em thơm
Sao giao thừa xanh trong đôi mắt ngoan
Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết.
Tháng ngày đã trôi qua
Tình đã phôi pha, người khuất xa
Chỉ còn chút hương xưa
Rồi cũng phong ba rụng cùng mùa.
Dòng sông đêm hồn đen sâu thao thức
Ngàn vì sao mọc hay lệ khóc nhau
Đá buồn chết theo sau ngày vực sâu
Rớt hoài xuống hư không cuộc tình đau.
Dưới đây mình có các bài:
– Nguyễn Đình Toàn - Một nhân dáng lớn của sinh hoạt văn nghệ Sài Gòn (trích)
– Vũ Thành An và những câu chuyện của 10 bài Không Tên
– Em đến thăm anh đêm 30 (Vũ Thành An – Nguyễn Đình Toàn)
– Từ Tình khúc thứ nhất của nhạc sĩ Vũ Thành An: Dăm phút vui trần thế
Cùng với 7 clips tổng hợp các thi khúc “Tình Khúc Thứ Nhất”, “Em Đến Thăm Anh Đêm 30” do các ca sĩ lừng danh xưa và nay diễn xướng để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.
Mời các bạn,
Túy Phượng
(Theo Wikipedia)
Nguyễn Đình Toàn - Một nhân dáng lớn của sinh hoạt văn nghệ Sài Gòn (trích)
Phan Xuân Sinh 
Rất nhiều người nói về ông, viết về ông. Ông là một nghệ sĩ đích thực đã để lại trong lòng người đọc, người nghe một ấn tượng khó quên từ nhiều thập niên trước cho đến bạy giờ. Trong lãnh vực phát thanh tối thứ năm của đài Sài Gòn mọi người chờ nghe Nhạc Chủ Đề của Nguyễn Đình Toàn. Ông có một lối dẫn nhập rất lạ và rất hấp dẫn lôi cuốn người thưởng ngoạn.
Cho đến bây giờ lớp tuổi trên dưới 60 vẫn không quên lời dẫn vào bài hát như thỏ thẻ với người yêu, nó nhẹ nhàng trầm lắng với giọng đọc rất điêu luyện của chính ông, đã làm say mê biết bao con tim thuở đó. Nội trong lãnh vực nầy ông đã chiếm trọn vẹn người thưởng thức.
Ông là một nhà thơ nên lời của ông viết nhạc nó cũng mang âm hưởng của thơ. Ta hãy đọc qua mấy câu đầu của bài hát “Tình khúc thứ nhất” nhạc của Vũ Thành An, lời của Nguyễn Đình Toàn. Lời nhạc như thơ:
Thần tiên gẫy cánh đêm xuân
Bước lạc sa xuống trần
Thành tình nhân đứng giữa trời không
Khóc mộng thiên đường
Hay lời trong bản nhạc “Mẹ”, lời nhạc bức phá qua những khuôn phép.. Cách dùng chữ và âm điệu không theo một qui luật nào cả, như một loại thơ cách tân:
Chân tay con mẹ cho với sữa mẹ.
Trong tim con mẹ san máu xuân thì.
Nôi xinh xinh ngày nhỏ bé.
Bóng thơm mẹ còn ghi.
Như măng non hoa vừa hé.
Tóc mẹ thiết tha che.
Trong đêm khuya mẹ như ánh trăng rằm.
Soi cho…
 

(Mẹ)
Một ca khúc mà khi còn ở trong nước ông làm gửi chui qua được tới Pháp. Ông Võ Văn Ái gửi qua cho chị Khánh Ly ở Mỹ. Bản nhạc mang tên “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên” ký tên là Hồng Ngọc (Vì còn ở trong nước nên anh lấy tên nầy để khỏi bị làm khó dễ). Sau một thời gian ngắn bản nhạc được người ở hải ngoại lẫn trong nước đón nhận một cách nồng hậu. Sau khi được định cư ở Mỹ bài hát nầy ông lấy lại cái tên mà chính ông đặt trước đây: “Nước Mắt Cho Sài Gòn”:
“…Sài Gòn ơi! Tôi mất người như người đã mất tôi
như trường xưa mất tuổi thiên thần
hy vọng xa hay mộng ước gần
Đã lìa tan……”
Ông là một trong những người làm văn học, mang một làn gió mới từ Bắc vào Nam. Cũng như phần đông các văn nghệ sĩ di cư, ông mang Hà Nội vào Nam bằng những hồi tưởng, nhớ thương, xúc động v.v… nên người nghe, người đọc ông có cảm tưởng rằng Hà Nội không còn riêng của các ông mà Hà Nội cũng là của họ. Vì đọc truyện của ông nó đã ăn sâu trong lòng họ.
Ông thuộc thế hệ với Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Trần Phong Giao v.v…và ê-kíp nầy đã thay đổi bộ mặt văn học Miền Nam thành mới mẻ, tươi tắn. Những bài thơ và truyện của ông đã xuất hiện trên các tạp chí văn nghệ Sài Gòn và đã có một chỗ đứng vững vàng khi ông còn rất trẻ. Tiếng tăm của ông trên các địa hạt Thơ, Văn, Nhạc và sau nầy trên đài phát thanh đã chiếm lĩnh người đọc, người nghe một cách trang trọng, quý mến.
Những tác phẩm của ông trước 1975 gồm có:
1. Chị Em Hải, nhà xuất bản Tự Do, 1962
2. Những Kẻ Đứng Bên Lề, nhà xuất bản Giao Điểm, 1964
3. Con Đường, nhà xuất bản Giao Điểm, 1967
4. Ngày Tháng, nhà xuất bản An Tiêm, 1968
5. Phía Ngoài, nhà xuất bản Hồng Đức, 1969
6. Giờ Ra Chơi, nhà xuất bản Khai Phóng, 1970
7. Đêm Hè, nhà xuất bản Hiện Đại 1970
8. Đêm Lãng Quên, Văn Uyển, 1970
9. Không Một Ai, nhà xuất bản Hiện Đại, 1971
10. Đám Cháy, Văn Uyển 1971
Đã cộng tác với: Văn, Tự Do, Văn Học, v.v.
Ông cũng được một giải thưởng văn học cao quý của Miền Nam trước 1975. Đó chưa kể nhạc phẩm của ông sáng tác.
Khi qua Mỹ một thời gian ông giữ mục văn học nghệ thuật trên đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA). Đây là khoảng thời gian ông đọc những tác giả đang viết tại hải ngoại, nhận định của ông sắc bén, thêm một chút lãng mạn và được ông đọc trên đài VOA với một giọng đọc truyền cảm của thuở nào, vừa ấm vừa chậm. Lại một lần nữa thu hút thính giả người Việt từ trong nước ra tới hải ngoại.
Trong một lần cách đây chừng 7 năm, tôi được hân hạnh gặp ông tại Dallas trong ngày Văn Hóa do nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp và Hiệp Hội Báo Chí Dallas tổ chức. Buổi tối ban tổ chức khoản đãi anh chị em văn nghệ sĩ từ xa đến, máy bay của chúng tôi xuống trễ nên không được nghe phần giới thiệu tên tuổi của anh chị em có mặt.
Tôi được ngồi trước mặt anh Nguyễn Đình Toàn mà tôi không biết, cho đến khi ông Thanh Hùng người trước đây ngâm bài thơ “Khúc Ca Phạm Thái” trên đài Phát Thanh Sài Gòn đến chào ông, thì tôi mới biết người ngồi trước mặt tôi là một cây cổ thụ văn nghệ của Sài Gòn năm xưa. Sau đó đến phần uống trà và chuyện trò, tôi lần mò tới gần để chào ông. Sau phần nói chuyện xã giao, ông hỏi tôi: “Chắc anh cũng thuộc trong giới viết lách?”. Tôi tình thật thưa với ông là tôi cũng viết lách chút đỉnh, tôi còn giữ hai bài viết của ông đọc trên đài VOA về tôi. Một bài về văn và một bài về thơ. Đó là bài viết mà tôi rất sung sướng bởi được một người nổi tiếng để mắt tới. Ông để tách trà xuống bàn rồi đứng dậy ôm tôi. Hành động nầy của ông một lần nữa làm tôi xúc động. Tôi một thằng viết lách nhảm nhí, một đứa em út chập chững trên văn đàn mà được một đàn anh, một bậc thầy dành cho một tình cảm như vậy. Từ đó tôi quý mến nhân cách của ông, con người của ông và cũng từ đó chúng tôi thỉnh thoảng liên lạc với nhau. Có dịp đến Nam Cali tôi đều đến thăm vợ chồng ông.
Nói về ông không hết được, ông có một bề dày đồ sộ trong sinh hoạt văn nghệ trước và sau 75. Trong địa hạt nào ông cũng được người thưởng ngoạn xếp vào một chỗ đứng trang trọng, một nhân dáng lớn của Sài Gòn trước đây và hải ngoại bây giờ. Theo tôi, dù ông có thành công trên lĩnh vực nào thì trước hết ông là một nhà thơ cái đã. Ông mang chất thơ vào các lãnh vực khác, biến tất cả trở thành lãng mạn, êm ả. Nên ông dễ dàng chinh phục người đọc, người nghe một cách tài tình.
Cám ơn ông, cám ơn những cống hiến của ông với cuộc đời nầy.
Vũ Thành An và những câu chuyện của 
10 bài Không Tên
Cát Linh
Sau 40 năm kể từ năm 1975, người yêu nhạc Việt Nam đã phải chia tay với rất nhiều những ca khúc một thời làm say mê trái tim của họ. Trong đó, có những bài Không Tên và những bản nhạc nổi tiếng khác của nhạc sĩ Vũ Thành An.
Thế rồi Tháng Bảy vừa qua, sau một thời gian khá dài, người yêu nhạc của ông đã có thể ngồi lắng nghe trực tiếp những ca khúc mình yêu thích trong một không gian thật, khi Cục Nghệ Thuật Biểu diễn cấp phép cho phổ biến 10 bài Không Tên và một số tác phẩm khác của ông như: Em đến thăm anh đêm 30, Đêm say, Đời đá vàng…
Viết lên cuộc đời mình bằng những bản nhạc không tên
Chắc chắn, người hạnh phúc nhất, chính là tác giả. Hãy nghe Vũ Thành An bày tỏ niềm vui của mình và kể lại kỷ niệm của những bài Không Tên trong cuộc trò chuyện cùng Cát Linh:
“Trong thời gian vừa qua, tôi rất hân hạnh được biết rằng những bài hát của mình được các bạn trẻ bên đấy yêu mến, thì mình vui chứ. Mình vui vì những gì mình làm mấy chục năm mà bây giờ các bạn trẻ sau này còn yêu thích nó. Là một người sáng tác thì tôi rất vui và hân hạnh có thêm số bạn mới. Và biết đâu rằng những bài hát đó đã sống được 50 năm rồi thì tôi hy vọng rằng nó sẽ sống thêm ít lâu nữa trong lòng người mến mộ mình.”
Có ai đó đã ví von rằng, cuộc đời là những chuyến xe, đưa ta đi qua những miền đồng bằng êm ả, hay đồi núi, đèo cao gập ghềnh. Còn Vũ Thành An, thì ông viết lên cuộc đời mình bằng những bản nhạc Không Tên. Những bài hát này được ra đời vốn dĩ không theo trình tự thời gian như tên gọi:
“Khi tôi ra tập Những bài Không tên vào năm 1969, 1970 gì đó, vì đó là nhu cầu cần phải ra 1 lúc 10 bài nên tôi sắp xếp lại những bài hát cũ tôi đã có, những bài nổi, bài chưa nổi tôi sắp xếp lại thành tập nhạc Mười bài Không tên.”
Tuy là ‘không tên’ nhưng hầu như mỗi một bài hát đều “ghi tên” với 1 cuộc tình. Những cuộc tình mà giờ đây, sau bao nhiêu năm nhìn lại, ông nhìn nhận là nhờ những cuộc tình không trọn vẹn, nhờ cuộc sống gia đình không yên vui cho nên ông mới sáng tác được những Tình Ca cho đời thưởng thức.
Vũ Thành An tham gia các hoạt động văn nghệ và sáng tác từ năm 1960, khi còn là chàng học sinh lớp Đệ nhị trường Nguyễn Trãi. Bài Không tên số 2 và số 8 đã ra đời trong khoảng thời gian này.
“Lòng người như lá úa, trong cơn mưa chiều
Nhiều cơn gió cuốn, xoay xoay trong hồn
Và cơn đau này vẫn còn đấy
Chiều về không buông nắng, cho mây âm thầm
Một mình trong chiều vắng, nhớ đôi môi mềm
Ngày nào ân cần trao thân…” 

(Bài không tên số 2)
Ông cho rằng mình là người không có duyên với thi cử, có lẽ giống như Tú Xương ngày xưa. Ngược lại, gia tài âm nhạc của ông thì cho thấy khả năng sáng tác trong con người ông là thiên phú.
Với tâm hồn lãng mạn và sự nhạy cảm của người nghệ sĩ, những cuộc tình đến trong đời ông, cho dù là những rung động thoáng qua hoặc đó là tình yêu ngắn ngủi không thành nhưng đều thường để lại trong ông sự khắc khoải, theo thời gian dài mới nguôi ngoai.
“Tình vui theo gió mây trôi
Ý sầu mưa xuống đời
Lệ rơi lấp mấy tuổi tôi
Mấy tuổi xa người
Ngày thần tiên em bước lên ngôi
Đã nghe son vàng tả tơi
Trầm mình trong hương đốt hơi bay
Mong tìm ra phút sum vầy…”
 

(Tình khúc thứ nhất)
Một ca khúc để kỷ niệm cuộc gặp gỡ
Vào cuối năm đó, 1964, bài Tình khúc thứ nhất, nhạc của Vũ Thành An, lời của nhà thơ Nguyễn Đình Toàn được chính nhà thơ hát lần đầu tiên trên Đài Phát thanh Sài Gòn và được sự tán thưởng nồng nhiệt của thính giả bấy giờ.
Ca khúc được ông sáng tác theo lời yêu cầu của một người mà giờ đây ông xin được tạm gọi là người bạn thân. Người con gái này biết ông có khả năng sáng tác nên muốn ông viết một ca khúc để kỷ niệm cuộc gặp gỡ của hai người:
“Một buổi khi tôi đi chơi từ Vũng Tàu về, buổi chiều ngồi trên xe đò về tôi nhìn thấy nắng chiều rất đẹp. Tự nhiên melody của Tình khúc thứ nhất nổi lên trong đầu. Tôi về đã viết melody đó xuống và lời đầu tiên là ‘Bài ca anh hứa cho em bấy lâu nay vẫn còn dang dở’. Hồi đó tôi làm việc tại đài phát thanh, có quen nhà thơ Nguyễn Đình Toàn, tôi có khoe melody đó với anh Toàn. Đương nhiên những lời ngu ngơ của tôi thì không hay. Anh có nói là để anh phổ thơ vào.”
Tình khúc thứ nhất là bài hát được ra đời trong lúc trái tim của chàng nhạc sĩ Vũ Thành An đang say nồng với cuộc tình vui và êm đềm như áng mây trôi. Thế rồi bỗng dưng “thần tiên gãy cánh đêm xuân. Bước lạc sa xuống trần. Thành tình nhân đứng giữa trời không. Khóc mộng thiên đường”.
“Nhớ em nhiều nhưng chẳng nói
Nói ra nhiều cũng vậy thôi
Ôi đớn đau đã nhiều rồi
Một lời thêm càng buồn thêm
Còn hứa gì?…”
 

(Bài không tên cuối cùng)
“Bài Không tên cuối cùng” không có nghĩa là bài hát được sáng tác cuối cùng trong tập nhạc. Mà đó là nốt lặng cuối cùng trong khung nhạc ông dành cho cuộc tình của mình, cho một kỷ niệm khôn nguôi đến nhiều năm sau. Cho đến năm 1991, khi đến trại tỵ nạn Batawan ở Phi Luật Tân, niềm đau nguôi ngoai, ông viết lời nhạc thứ hai dành riêng cho người một thưở:
“Năm 1965 mình đặt câu hỏi cho sự chọn lựa của người bạn của mình, ‘Con đường em đi đó, đúng hay sao em?’. Có thể là đúng mà cũng có thể là không đúng. Đến 25 năm sau khi mà tôi viết lại, viết thêm 1 lời nữa, tức là 1991 thì tôi viết lại là ‘Con đường em đi đó, đúng đấy em ơi.’ Quả thật là như vậy, bởi vì cô đã chọn lựa đúng. Trong suốt hai mươi mấy năm, trong khi tôi phải ở tù 10 năm thì cô sống tự do trong thế giới tự do. Nhìn về khía cạnh đó thì cô ấy đã đúng. Nếu cô ấy chọn lựa mình thì đương nhiên cô ấy sẽ ở trong sự đau khổ. Lúc đó cô ấy chọn con đường đó là rất đúng vì con đường đó đã đưa cô đi đến tương lai hạnh phúc và bình yên.”
Người ta đến với nhạc của Vũ Thành An không chỉ vì những ca từ da diết chuyên chở tình yêu nồng nàn nhưng không có kết thúc viên mãn, mà còn vì những câu hát mang hình ảnh triết lý trong cuộc sống như 
“Triệu người quen có mấy người thân. 
Khi lìa trần có mấy người đưa”
Hay đó là sự thấu hiểu cái mất và cái có được trong cuộc đời:
“…Có một lần mất mát mới thương người đơn độc
Có oằn mình đớn đau mới hiểu được tình yêu
Qua dầm dề mưa tuyết mới vui ngày nắng về
Có một đời khóc than mới hiểu đời đá vàng…”

(Đời đá vàng)
Năm 31 tuổi, ông loay hoay trong lần mò và leo mãi vẫn không qua được vách sầu. Cho đến 19 năm sau, khi đặt chân đến xứ người, thì ông mới nhận ra rằng để thấu hiểu được Đời đá vàng phải cần đến cả một đời khóc than. Ca khúc Đời đá vàng, còn được ông gọi là Bài Không tên số 40.
Vẫn còn nhiều lắm những câu chuyện chưa được kể phía sau mười bài Không tên ấy. Nhưng mỗi một người khi nghe tình khúc của ông, sẽ có riêng một câu chuyện cho mình, một câu chuyện không tên trong muôn vàn câu chuyện trong đời.
“Tôi rất hân hạnh được biết rằng những bài hát của mình được các bạn trẻ bên đấy yêu mến, thì mình vui chứ. Mình vui vì những gì mình làm mấy chục năm mà bây giờ các bạn trẻ sau này còn yêu thích nó. Là một người sáng tác thì tôi rất vui và hân hạnh có thêm số bạn mới”. (Vũ Thành An)
Em đến thăm anh đêm 30 (Vũ Thành An - Nguyễn Đình Toàn)
Nguồn: yume.vn
Những ngày cuối năm
Khuya. Khi còn lại một mình trên mạng, tôi hay treo blast: Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết?
Một bạn tình cờ ghé lại, hỏi: Có niềm vui rồi à? Chúc mừng nhé !
Bạn chúc mừng, sao lòng bỗng ngổn ngang trăm mối. Tết đang đến rất gần, chắc chắn rồi mùa cũng sẽ rộn ràng những thời khắc chuyển giao. Nhưng ta, ta có còn những đêm ba mươi đầy háo hức?
Khi nghe và yêu thích một ca khúc nào đấy, thì bạn đã thực sự gắn hồn mình vào trong giai điệu và ca từ của bài hát. Chỉ vì tiếng guitar solo nồng nàn, một đoạn piano gõ thánh thót hay đôi khi, chỉ là một thoáng ngẫu hứng saxophone đầy phiêu lãng… Nhưng chắc chắn vẫn phải là ca từ, ca từ êm ái và mượt mà như thơ ấy. Chúng là những lời nhắc nhớ chân thành, cứ thủ thỉ bên ta mãi…
Em đến thăm anh đêm ba mươi
Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi ?
Anh nói với người phu quét đường
Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em…
Xưa, khi nhạc sĩ Vũ Thành An bắt đầu phổ nhạc những câu thơ này từ thi sĩ Nguyễn Đình Toàn, chắc có lẽ, ông đã không dụng công lắm để trao chuốt chúng thành những giai điệu ấm áp và tình cảm thế. Bởi tôi, bạn và tất cả những người đã từng yêu đều có thể dễ dàng bật lên thành câu hát. Khi khắc khoải về một vùng kí ức đẹp. Khi tiếc nuối mơ hồ về một kỉ niệm tình đã cắt cớ ngủ yên.
Có thể ta không có những đêm ba mươi cùng em vô ưu, lang thang trên những con phố mòn mỏi bước. Là con đường Duy Tân, là con đường Gia Long, là con đường Tú Xương… xa lắc trong nỗi nhớ. Và có lẽ, chúng chỉ còn là giấc mơ u hoài, lê thê kéo từ thế kỉ trước. Nơi có những đêm ba mươi, vào thời khắc giao mùa thiêng liêng vẫn còn những người phu quét lá bên đường. Miệt mài và cần mẫn. Và ta , ta có dừng lại xin một chiếc lá vàng, để làm bằng chứng yêu em?
Người phu quét đường…
Chiếc lá vàng…
Khung cảnh im lắng. Đẹp một cách mộc mạc, đơn sơ. Một bức tranh huyền thoại về tình yêu, lồng hờ hững vào trong phố. Yên bình, trong vắt. Nhưng tình yêu có thực sự cần những nhân chứng và vật chứng ấy không? Ta đã ngô nghê đặt lại câu hỏi ấy, có nghĩa là ta cũng đang dần quên đi một thời yêu đương phóng khoáng, cuồng say…
Tay em lạnh để cho tình mình ấm
Môi em mềm cho giấc ngủ em thơm
Sao Giao Thừa xanh trong đôi mắt ngoan
Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết?

Thì là Tết đấy. Những con đường đang nhộn nhịp quá những người qua. Phố xá dần đông vui lên, rộn ràng những sắc màu nghênh tiếp năm mới. Với lòng người, có quá nhiều điều để háo hức, chờ mong…
Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết?
Mà có phải khi ai vu vơ thốt lên câu hát bất chợt ấy, cũng là đang thực sự có niềm vui đâu…
Tháng ngày đã trôi qua
Tình đã phôi pha
Người khuất xa
Chỉ còn chút hương xưa
Rồi cũng phong ba
Rụng cùng mùa…
Tác phẩm đầu tay nổi tiếng của nhạc sĩ Vũ Thành An, “Tình khúc thứ nhất”, cũng là một bài hát phổ từ thơ của thi sĩ Nguyễn Đình Toàn: “Có yêu nhau xin ngày thơ ngây Lúc mắt chưa nhạt phai Lúc tóc chưa đổi thay Lúc môi chưa biết dối cho lời…”. Đấy là những câu thơ rưng rức đầy tiếc nuối. Mờ. Phai.
Nỗi buồn ở đây dường như đã đi đến cùng tận. Khi “chỉ còn chút hương xưa” rồi cũng đã “phong ba”, và cuối cùng, “rụng cùng mùa” ?
Không. Với kỉ niệm đẹp, nỗi buồn ấy như là một thú vui tao nhã. Những khi thấy lòng mình chùn xuống, ta thong thả mang ra gặm, nhắm…
Dòng sông đêm hồn đen sâu thao thức
Ngàn vì sao mọc hay lệ khóc nhau?
Đá buồn chết theo sau
Ngày vực sâu
Rớt hoài xuống hư không
Cuộc tình đau…
Đã có rất nhiều ca sĩ trình bày ca khúc này. Nhưng được yêu thích nhất có lẽ là Khánh Ly và Nguyên Khang. Nếu Khánh Ly với giọng hát nữ tính, đầy chất ma mị của mình đã tình tự khôn nguôi về một thời yêu thương say đắm, thì Nguyên Khang bằng sự ấm áp cố hữu, lại đem đến một hoài niệm buồn. Một nỗi buồn sang trọng và cần thiết.
Giao thừa đang sắp đến. Gần, đã gần lắm rồi…
Và trong cái thời khắc mong manh ấy, khi trời đất đang bắt đầu trở mình cho một cuộc chuyển giao, thế nào tôi cũng để cho cái ngày xưa của mình quay lại. Rằng:
Em đến thăm anh đêm ba mươi. 
Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi?
Anh nói với người phu quét đường. 

Xin chiếc lá vàng, làm bằng chứng yêu em…
(*) Nhạc Vũ Thành An, thơ Nguyễn Đình Toàn.
Nhạc sĩ Vũ Thành An tại Paris hồi tháng 5.2015. Ảnh Trung Hiếu Đỗ.
Từ Tình khúc thứ nhất của nhạc sĩ Vũ Thành An: 
Dăm phút vui trần thế
Tuấn Khanh
Trong tất cả những tác phẩm mà nhạc sĩ Vũ Thành An đã cống hiến cho đời, có lẽ Tình khúc thứ nhất là tuyệt phẩm lạ thường nhất. Mọi người vẫn nói vậy, khi ngồi với nhau và hát.
Nhà thơ Trần Tiến Dũng thường rất ít khi hát, nhưng mỗi khi nói về cuộc đời và tình yêu, ông hay xin được hát bài này thay cho ngôn từ của mình. Ông không phải là một giọng ca hay, nhưng khi cất lên giai điệu của Tình khúc thứ nhất, thường thì ai có mặt cũng đều xúc động lặng nhìn một bức tranh tuyệt đẹp của đời người, đầy những gam màu của bầu trời và vực thẳm.
“Nhiều năm nữa, người ta có thể viết nên những bài thơ hay hơn, nhưng khó mà thương đau cao vút như lời của Nguyễn Đình Toàn và nhạc của Vũ Thanh An”, nhà thơ Trần Tiến Dũng vẫn nói như vậy, trong sự xúc động mỗi khi nghe lại. Nhà thơ hiện đại hiếm hoi của Việt Nam được nhà xuất bản Norton (Mỹ – 2007) (*) chọn dịch để giới thiệu 100 gương mặt thi ca đương đại châu Á này luôn nói ông cứ bị chấn động khi nghe phần ngôn xướng của Tình khúc thứ nhất, như được uống phần suối nguồn tinh hoa của một quá khứ văn nghệ vàng son Nam Việt Nam.
Tình khúc thứ nhất được viết vào năm 1963, nhân công việc ở Đài Phát thanh Sài Gòn mà ông gặp được nhà văn Nguyễn Đình Toàn để có được cơ duyên cho ra đời bài hát này. Từ năm 1954, khi đặt chân vào miền Nam, nhạc sĩ Vũ Thành An trải qua nhiều khó khăn để vào đời, cũng như không dễ dàng thành đạt trong đời sống âm nhạc ở Sài Gòn lúc ấy đang có quá nhiều tên tuổi văn nghệ áp đảo. Nhưng khi nổi lên với Tình khúc thứ nhất, Vũ Thành An lập tức trở thành một cái tên lớn và được ghi nhớ mãi về sau, bất chấp có những nghịch cảnh của thời thế khiến ông cắt đứt với âm nhạc trong một giai đoạn dài.
Trong những cuộc tán gẫu bất tận về sự diệu vợi của nền âm nhạc miền Nam hậu bán thế kỷ 20, Vũ Thành An vẫn được nhắc đến với nét nhạc luôn buồn bã loay hoay. Ngay cả trong lời hy vọng của ông, nghe như cũng vang lên từ huyệt mộ sâu thẳm. Đôi lúc người nghe phải tự hỏi rằng thương đau nào mà ông đã trải qua, tận cùng đến mức trong ý nhạc đó, luôn là sự cào cấu của hối tiếc, nghẹn ngào.
Câu hát “Lời nào em không nói em ơi. Tình nào không gian dối. Xin yêu nhau như thời gian làm giông bão mê say…” được đẩy đến những thanh âm cao ngất, như một lời oán thán trong đêm. Vọng âm như một đoạn thánh thi về tình yêu mà tuyệt vọng là cảm giác chiếm hữu duy nhất. Có rất nhiều nhạc sĩ đã viết về nỗi buồn, mỗi người một vẻ, mà thế giới của Vũ Thành An là một điều rất lạ, dường như day dứt, dày vò sẽ còn đuổi theo ông suốt hết kiếp người.
Non nửa thế kỷ đã trôi qua, kể từ khi Việt Nam dừng tiếng súng. Nhiều bài hát tưởng chừng khó khăn lắm mới trở lại đời thường, rồi cũng dần dần xuất hiện trên sân khấu, truyền hình. Đã nhiều chục năm, nhưng nhiều bài hát nghe như vẫn còn rất tươi mới những nỗi lòng người Việt. Câu chuyện tình yêu đơn sơ ở quê nhà bị lạc mất trên những nẻo đường đô thị đầy cám dỗ, vang vọng sự hối tiếc – nhưTình khúc thứ nhất – cũng không phải xa lạ gì trong cuộc sống hôm nay. Những người con trai, con gái Việt Nam vẫn phải rời bỏ làng quê để đi tìm một cơ hội trong đời rồi không quay lại, dù ở thế hệ nào, vẫn có thể nao nao như tìm thấy phận mình trong tiếng ca muôn thuở.
Không phải ngẫu nhiên mà Tình khúc thứ nhất hay vô vàn những bài tình ca, những lời hát về cuộc đời… trong hàng ngàn ca khúc của miền Nam trước năm 1975 vẫn sống và lay động lòng người bất chấp rêu phong thời cuộc. Những bài hát đó vẫn góp tiếng vào thị trường thương mãi âm nhạc, nhưng được viết ra bằng sự chia sẻ, bằng cách kết nối sự cảm thông giữa thành thị và thôn quê, của con người biết đau từng nỗi đau nhân thế. Khác với mua bán và giải khuây, những bài hát đó là lịch sử và văn hóa của một thời kỳ, giảng giải một cách đơn giản về chiến tranh và mất mát, chia sớt nỗi buồn của thân phận và nghịch cảnh quê hương mà không có chương trình lịch sử nào có thể sánh bằng.
Vì vậy, dù đã nghe biết bao lần, trái tim ta vẫn diệu vợi khi thưởng thức, như chỉ mới vừa biết một tình khúc nào đó, lần thứ nhất trong đời.
(*) Contemporary Voices from the Eastern World: An Anthology of Poems (Norton 2007)
Trường hợp Nguyễn Đình Toàn, và 20 năm 
văn chương miền Nam (Phần 1)
Du Tử Lê
Hai mươi năm không phải là một thời gian dài cho một nền văn chương. Nhất là khi nền văn chương đó, gần như phải thường xuyên đối đầu, thường xuyên sống, hít thở đầy lồng ngực nó, mùi vị chiến tranh, bom đạn và, những biến động chính trị không ngừng của một xã hội, như xã hội miền nam Việt Nam (sau giai đoạn Đệ Nhất Cộng Hòa)
Nhưng, cách gì thì các chính quyền ở miền nam Việt Nam, trong hai mươi năm hiện hữu, cũng đã cho những người cầm bút một bầu khí tự do tương đối, đủ để họ thể hiện, đeo đuổi những khuynh hướng văn chương họ muốn.
Tuy nhiên, cũng vì bị cái chết rình rập, đuổi sau lưng, như một lực đẩy vô hình, khiến những người cầm bút ở miền nam thế hệ 1954 tới 1975 đã hối hả tỏa nhánh, chia cành với rất nhiều xu hướng văn chương - Đôi khi nghịch chiều, khích bác hoặc phủ nhận nhau. Như một thứ phản ứng vô thức của bản năng.
Hiểu như thế, người đọc sau này sẽ không ngạc nhiên khi thấy vào những ngày, tháng giữa thập niên 1950, nhóm sáng Tạo, cầm đầu bởi cố nhà văn Mai Thảo, đã công khai lên tiếng phủ nhận, xóa bỏ dòng văn chương tiền chiến; mà nhóm Tự Lực Văn Đoàn là đại diện.
Kế đến, một thập niên sau, nhóm Trình Bày với các tạp chí Trình Bày, Đất Nước, Nghiên Cứu Văn Học, cầm đầu bởi cố nhà văn Thế Nguyên, lại công khai lên tiếng khích bác, bài xích nhóm Sáng Tạo. Thế Nguyên quy kết Sáng Tạo, chủ trương, cổ súy cho dòng văn chương mà ông gọi là dòng “văn chương viễn mơ.” Đó là thời điểm nhóm Trình Bày cho rằng trong hoàn cảnh chiến tranh vật vã đau thương như vậy, văn chương phải phản ảnh thực trạng đất nước.
Với Thế Nguyên, trong giai đoạn miền Nam bị tràn ngập bởi quân ngoại nhập – – Cầm đầu bởi người Mỹ thì, văn chương không thể dửng dưng, đứng ngoài thời cuộc. Ông cổ súy nền văn chương hiện thực mà, ông gọi là dòng “văn chương dấn thân.” Nói theo thuật ngữ thời ấy, là dòng văn chương “phản chiến.”
Hai sự kiện vừa kể trên, theo tôi, chỉ là phần nổi của những tảng băng văn học, nghệ thuật miền Nam mà thôi.
Chìm dưới đáy sâu, nhờ có được khoảng không gian tự do tương đối (như đã nói,) sinh hoạt văn học của miền Nam, thực tế, chẳng những có, mà còn có rất nhiều xu hướng văn chương khác.
Từ những tác giả trung thành với dòng văn chương tiền chiến, hiểu theo nghĩa nghiêng hẳn về khuynh hướng xã hội: Tiếp tục con đường lấy cốt truyện và, nỗ lực phân tích tâm lý nhân vật làm xương sống cho sáng tác của mình – – Tới những nhà văn chạy theo trào lưu văn chương hiện sinh, vốn được ưa chuộng ở miền Nam, những năm (19)50, (19)60, do nhóm Sáng Tạo khơi mào – – Qua những bài viết của giáo sư Nguyễn văn Trung (bút hiệu Hoàng Thái Linh). Và, những tác phẩm mà họ Nguyễn in thành sách cho sinh viên của ông, thời ông dạy đại học Văn Khoa, Saigon; như “Nhận định” 1, 2, hoặc “Ca tụng thân xác,” v.v…
Tuy nhiên, tùy theo mức độ thẩm thấu triết lý Hiện Sinh của triết gia kiêm nhà văn Jean Paul Sartre mà, một số nhà văn miền Nam thời đó, đã phản ảnh sự tiêu hóa của họ qua sáng tác. Thậm chí, một số tác giả còn đơn giản, hay thô thiển hóa triết lý Hiện Sinh của Jean Paul Sartre vào phạm trù dục tính. Như thể, đó mới chính là cốt lõi của triết lý hay, phong trào văn chương này. (1)
Cũng ở thập niên đầu của hai mươi năm văn học miền Nam, có nhà văn còn lầm lẫn giữa triết lý hiện sinh, với quan niệm con người là một con vật bị ngộ nhận, cùng lúc bị nhận chìm bởi những phi lý tàn khốc của kiếp người. (Quan điểm này được nhà văn Albert Camus xiển dương trong nhiều tác phẩm của ông.) (2)
Những nhà văn nhầm lẫn giữa hai khuynh hướng triết lý, vì tưởng lầm là một kia, đã đẩy nhân vật của họ tới những cái chết đầy kịch tính. Thí dụ, một nhân vật trong truyện, giữa lúc sắp (chứ chưa) đạt được tình yêu (mà y đinh ninh không thể tới được) đã quay ra tự sát!?! Hay một nhà văn khác, cho nhân vật của mình tự kết liễu cuộc đời ngay sau khi biết mình trúng số…độc đắc.
Cũng vậy, bên cạnh những nhà văn (đa phần ở lớp trưởng thành sau thập niên (19) 60, chấp nhận con đường binh lửa, vì nhu cầu bảo vệ miền Nam, đương đầu và chống cự lại những nỗ lực xâm lăng miền Nam của quân đội miền Bắc, đã thể hiện tâm trạng chênh vênh của họ giữa hai bờ vực sống/ chết một cách mặc nhiên, không ta thán, rất nhân bản…Thì cũng có những nhà văn chủ trương lên án hay, khạc nhổ vào chiến tranh, như một chứng tỏ…kín đáo tính cách trí thức tiến bộ của họ!
Vì miền Nam trong chiến tranh, nên hầu hết các nhà văn đều bị chi phố bởi luật động viên ở miền Nam. Những nhà văn bị động viên này, dù ở hàng ngũ sĩ quan, hay binh sĩ, lại chia thành hai loại. Loại thứ nhất, chọn tiến thân bằng những sáng tác tố cộng hay chống cộng một cách dứt khoát, mạnh mẽ. Họ được dư luận gọi là lớp “nhà văn quân đội.” Loại thứ hai, là những nhà văn vẫn tuân thủ luật lệ quốc gia, nhưng khi trở về với mình, đối diện với trang giấy, họ vẫn giữ tư cách độc lập của một nhà văn. Hiểu theo nghĩa họ trung thành với rung động, những thao thức, những vấn nạn riêng về văn chương và đời sống…
Dĩ nhiên, lớp nhà văn được gọi là “nhà văn quân đội” không khỏi thấy “ngứa mắt” trước lớp nhà văn dân sự, phục vụ trong quân đội.
Cũng trong 20 năm văn chương miền Nam, một khuynh hướng văn chương khác nữa, nở rộ, được đón nhận nồng nhiệt; có phần rôm rả hơn tất cả những khuynh hướng văn chương vừa kể; là khuynh hướng văn chương được gọi là nền “văn chương mực tím.”
Sáng tác của những cây bút này, chủ yếu nhắm vào tuổi học trò. Lứa tuổi “bản lề” giữa niên thiếu và sắp trưởng thành. Tới nay, chưa ai bỏ công nghiên cứu để biết:
- Có phải xu hướng văn chương trong sân trường, giữa lớp học đã đưa tới sự thành hình của không biết bao nhiêu các thi văn đoàn hay, ngược lại?
Đây là loại văn chương không đòi hỏi một nỗ lực sáng tạo nào, từ hình thức tới nội dung; ngoài tính đơn giản, dễ hiểu. Vì thế, loại văn chương ấy, không chỉ thỏa mãn cảm quan của giới học sinh mà, còn đáp ứng được nhu cầu thưởng ngoạn của lớp độc giả trưởng thành, dễ tính nữa.
Sự kiện này, hiển nhiên nâng số lượng thơ, văn, sách báo trong vòng phấn “văn chương mực tím” của miền Nam, tới con số khá lớn. Nếu không muốn nói là đứng đầu mọi xu hướng.
Bên cạnh đó, những người quan tâm tới sinh hoạt văn học, nghệ thuật đô thị, cũng ghi nhận được một cơn bão trong…tách trà của một số nhà văn sống tại Saigon.
Đầu thập niên (19) 70, số nhà văn đô thị này, đã rất tâm đắc bàn bạc về cái gọi là phong trào “Tiểu thuyết mới” - Như một lối thoát, một thứ ánh sáng cuối đường hầm, hay một phép thanh tẩy có khả năng “cứu rỗi” những bế tắc văn chương cho họ. Mặc dù, khi những nhà văn kia háo hức trước phát hiện cái gọi là “tiểu thuyết mới” thì, tạinguyên quán, nơi phong trào “tiểu thuyết mới” được sinh ra, lại đang trên đường tàn lụi.
Theo tài liệu thì, phong trào “Tiểu thuyết mới” được đẩy lên tới đỉnh cao từ những năm cuối thập niên (19)40, song song với phong trào kịch mà nhân vật không còn là chính diện hay tâm điểm, do các kịch tác gia Adamov, Beckett, Ionessco phát động.
Cầm đầu phong trào “Tiểu thuyết mới” ở giai đoạn khởi đầu này, là nhà văn Alain Robbe Grillet. Ông quy tụ một số bằng hữu viết văn quanh nhà xuất bản “Nửa Đêm / Édition de Minuit,” ở Paris.
Theo nhà phê bình văn học Pháp, Carl Gustaf Bjurstrom, trong tác phẩm “Văn Học Thế Giới Hiện Đại / Les Littératures Contemporaines À Travers Le Monde,” bản dịch của Bửu Ý (3) thì nhóm này chủ trương xóa bỏ loại tiểu thuyết từ hồi nào giờ, vẫn ôm chặt lấy nghệ thuật phân tích tâm lý, như thể đó là chuẩn mực cao nhất và, bất biến của văn chương. Trong khi theo họ (những người chủ trương “Tiểu thuyết mới”) thì nó lại là những ước lệ, giả tạo, dối trá, hợm hĩnh của cái “ta” trong vai trò thượng đế, ban phước, giáng họa cho tất tật mọi nhân vật. Những nhà văn cổ súy phong trào “Tiểu thuyết mới” đòi hỏi nhà văn phải trở lại với những khách quan của một người quan sát, phải luôn tự giác trước thực tế đời sống, ngoại cảnh. Mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, nhà văn Ollir, một thành viên khác trong nhóm, qua tiểu thuyết “Đạo diễn” đã cho thấy “sự hiện diện của đồ vật là trên hết.”
Vẫn theo tác giả Carl Gustaf Bjurstrom thì:
“Khuynh hướng này không hoàn toàn mới mẻ. Năm 1925 Gide đã viết ‘Bọn làm bạc giả’ đi ngược lại với mọi là luật truyền thống của truyện kể. Cuốn ‘Ulysse’ của James Joyce muốn ghi lại những cảm tưởng nguyên hình trạng. Và trong trường phái ‘tiểu thuyết mới,’ Nathalie Sarraute, với những bài đầu tiên viết trước thế chiến, thật ra đã nối kết ảnh hưởng của Joyce với tân trường phái. Tiểu luận ‘Kỷ nguyên ngờ vực’, giống như ‘Kỷ yếu về sự phân hóa’ của Cioran và ‘Mục lục’ của Michel Butor báo hiệu trước bước đường cùng của tiểu thuyết tâm lý (……) Như thế, là ‘tiểu thuyết mới’ biến cải một cách thiết yếu cái ‘điểm quan sát’ của tiểu thuyết gia. Không còn là kẻ kể chuyện đã biết hồi kết cuộc nên chi ‘sắp xếp’ và diễn theo lối kế thúc đó. Nó chỉ là chứng nhân ghi nhận những hiện diện, những xúc cảm …” (4)
Một trong số ít nà văn Saigon, cuối thập niên (19) 60, đầu thập (19) 70 tỏ ra rất hưng phấn với phong trào này, là Nguyễn Đình Toàn. Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam. Tuy nhiên, những người biết ông qua chương trình phát thanh “Nhạc chủ đề” (trên đài Saigon, cùng với nhạc sĩ Vũ Thành An), lại nhiều hơn, những người biết ông qua văn chương.
Ưu điểm nào thấy được trong văn chương 
Nguyễn Đình Toàn? (Phần 2)
Du Tử Lê
Nguyễn Đình Toàn bước vào nghiệp văn rất sớm. Từ những ngày ông còn ở Hà Nội, với bút hiệu Tô Hà Vân. (5)
Di cư vào miền Nam, năm 1954, ông trở thành biên tập viên đài phát thanh Quốc Gia. (Mọi người quen gọi là đài phát thanh Saigon, để phân biệt với đài Quân Đội.)
Không biết có phải vì lý do công việc, hay để đánh dấu một giai đoạn khác của sự nghiệp văn chương, họ Nguyễn đã từ bỏ bút hiệu kể trên, để dùng tên thật của mình, như bút hiệu.
Những năm đầu ở miền Nam, ngoài công việc thường lệ của một biên tập viên phát thanh, Nguyễn Đình Toàn còn cùng ký giả Phan Lạc Phúc, chủ trương một chương trình văn học, nghệ thuật cho đài Saigon. Nhưng, như đã nói, ông được quần chúng biết tới nhiều hơn cả, khi ông cùng nhạc sĩ Vũ Thành An thực hiện chương trình “Nhạc chủ đề.”
Với những giới thiệu hay dẫn nhập bằng cách viết (cách nói) riêng của mình; nhất là qua giọng nói, như một thủ thỉ tư riêng giữa hai người, qua làn sóng điện, họ Nguyễn trở thành một thứ “người tình không chân dung” của rất nhiều nữ thính giả. Đồng thời, ông cũng là “người bạn thiết” của rất nhiều thính giả thuộc nam giới. Với lớp thính giả này, ông như người đã nói thay họ những điều họ muốn nói về tình yêu, âm nhạc, thời thế. Kể cả những điều họ không có trong đầu, trước khi nghe chương trình của ông.
Đây cũng là thời gian xuất hiện của hai tình khúc, như hao cơn bão nhỏ, lay động giới trẻ miền Nam: Ca khúc “Tình khúc thứ nhất” và, “Em đến thăm anh đêm ba mươi.” nhạc Vũ Thành An, lời Nguyễn Đình Toàn, ra đời.
Vẫn với “cách nói khác,” cách nói luôn mở ra những chân trời mới lạ, ảnh hưởng từ những nhân sinh quan tây phương, như:
“Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai
Những cánh dơi lẻ loi mù trong bóng đêm dài
Lời nào em không nói em ơi
Tình nào không gian dối
Xin yêu nhau như thời gian làm giông bão mê say”

(Trích “Tình khúc thứ nhất”)
Hoặc:
“Em đến thăm anh đêm ba mươi
Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi
Anh nói với người phu quét đường
Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em
Tay em lạnh để cho tình mình ấm
Môi em mềm cho giấc ngủ em thơm…”

(Trích “Em đến thăm anh đêm ba mươi”)
Ở thời điểm cuối thập niên (19)50, đầu thập niên (19)60 thì đó là cách nói cực kỳ mới mẻ. Người ta không thể tìm thấy ý niệm “niềm vui trong thiên tai,” “yêu nhau như thời gian làm giông bão,” hay vật chứng cho một tình yêu là “chiếc lá vàng” xin từ “người phu quét đường”… trong bất cứ một ca từ nào của nên tân nhạc Việt Nam, kể từ tiền chiến.
Một trong những đỉnh cao lãng mạn của nhạc tiền chiến là ca từ của Từ Linh, viết cho những ca khúc của Đoàn Chuẩn. Nhìn lại, ta thấy, dù sao thì những ca từ này cũng vẫn là những hình ảnh tượng trưng, sáo mòn. Như:
“Nhớ tới mùa thu năm nào mình anh lênh đênh rừng cùng sông
Chiếc lá thu dần vàng theo
Nhớ tới ngày nào cùng bước đến cầu/ngồi xõa tóc thề
Còn đâu ân ái chăng người xưa?”

(Trích “Lá thư” của Đoàn Chuẩn – Từ Linh)
Hoặc:
“Mộng nữa cũng là không
Ta quen nhau mùa thu
Tta thương nhau mùa đông
Ta yêu nhau mùa xuân
Để rồi tàn theo mùa xuân
Người về lặng lẽ sao đành…”

(Trích “Tà áo xanh” của Đoàn Chuẩn – Từ Linh).
Người nghe có thể thấy mình thấp thoáng đâu đó, trong những ca từ vừa kể. Nhưng tuyệt nhiên, chúng không đem lại cho người nghe, những hình ảnh bất ngờ từ thị giác. Cái ngỡ ngàng, hạnh phúc của xúc giác mà ca từ của Nguyễn Đình Toàn (qua nhạc Vũ Thành An), đã đem lại cho họ.
Thời điểm này, ở lãnh vực văn chương, cũng là thời điểm văn giới, độc giả chào đón hai tác phẩm đầu tay của Nguyễn Đình Toàn. Đó là “Mật đắng,” thơ và; “Chị em Hải,” văn xuôi. Ông được dư luận ghi nhận là một trong vài trường hợp thành công sớm. Rất sớm.
Nguyễn Đình Toàn kể, trong một buổi họp đầu thập niên (19)60 ở nhà xuất bản Cơ Sở Xuất Bản Tự Do, đường Võ Tánh, Saigon, cũ, cùng với nhà văn Thảo Trưởng, ông được mời tham dự, cùng nhiều nhân vật thuộc hàng “lão làng” thời đó.
Một trong những nhân vật “lão làng” này là nhà văn Hiếu Chân (tức Nguyễn Hoạt). Ông hỏi một nhân vật “lão làng” ngồi cạnh:
“Hai thằng nhóc nào vậy?”
Ông này đáp:
“Đó là tác giả “Chị em Hải” và “Thử lửa.”
Tác giả “Tỵ Bái” thản nhiên bảo:
“Mang cho chúng nó hai ly sữa!”
Tôi không biết khi nói vậy, cố nhà văn Hiếu Chân/ Nguyễn Hoạt có ý đùa hay thật? Nhắc lại chuyện này, tôi chỉ muốn nói, mặc dù với hai tác phẩm gây được tiếng vang đáng kể ở cả hai lãnh vực thơ cũng như văn, nhưng trong suốt thời gian tạp chí Sáng Tạo hiện diện từ 1956 tới ngày đình bản hẳn, họ Nguyễn không đóng góp một sáng tác nào cho tạp chí ấy. Do đó, ông lại càng không phải mà một trong những thành viên nòng cốt của Sáng Tạo, như một bài viết đã được đưa lên mạng!
Tôi nghĩ, người thứ nhất gắn nhãn “thành viên tạp chí Sáng Tạo” cho nhà văn Nguyễn Đình Toàn, có thể là người không hề tham dự trong sinh hoạt văn chương miền Nam, 20 năm, và cũng không bỏ công tra cứu trước khi viết. Khiến sau đó, một số người trẻ khác, lập lại nhiều lần, lầm lẫn này!
Nếu cần đi tìm phần đóng góp của họ Nguyễn ở lãnh vực báo chí, thì đó là sự tiếp tay đáng kể của ông cho tạp chí Văn (thời nhà văn Trần Phong Giao làm Thư ký tòa soạn.) Ở giai đoạn này, Nguyễn Đình Toàn không chỉ đóng góp bài vở mà, ông còn ở trong ban tuyển chọn sáng tác thơ cũng như văn cho tạp chí Văn nữa.
Trở lại với thi phẩm “Mật đắng,” họ Nguyễn cũng cho thấy ông nỗ lực đi tìm một “cách nói khác” cho thi ca của mình. Nhưng, với “Chị em Hải” thì không. Có thể vì nội dung “Chị em Hải” là một truyện vui. Nó có cùng dạng, tính với tác phẩm “Gia đình tôi” của Duy Lam.
Phải đợi tới khi truyện dài “Con đường,” rồi những tác phẩm kế tiếp, như “Ngày tháng,” “Giờ ra chơi,” “Áo mơ phai” v.v… xuất bản, lúc đó, cõi-giới văn xuôi Nguyễn Đình Toàn mới thực sự định hình.
Tuy là người từng tỏ ra rất hưng phấn với phong trào “Tiểu thuyết mới” phát xuất từ Paris vào những năm đầu thập niên (19)40, nhưng khi sáng tác, họ Nguyễn không nhiệt tình ứng dụng những lý thuyết văn chương mà, phong trào này đề xướng. Ông vẫn xây dựng tác phẩm của mình trên những cảm nhận, kinh nghiệm riêng.
Tôi muốn nói, ông vẫn trung thành với quan niệm đi tìm một cách nói/cách viết khác” cho văn chương ông.
“Cách nói khác” đó là gì?
Bằng vào ghi nhận của của tôi thì, trước nhất, họ Nguyễn không quá bận tâm vào cốt truyện. Người đọc sẽ rất khó tìm thấy những nút thắt, nút mở, hay những cao trào trong diễn biến truyện. Kế tới, người đọc cũng không thấy trong truyện của ông, những chủ tâm phân tích tâm lý, như những “chân lý” dẫn đường, hay “xương sống” của tác phẩm.
Nét đặc thù trong truyện Nguyễn Đình Toàn là những mới mẻ lấp lánh ở phần mô tả nhân vật, cảnh tượng. Bản chất thông minh, đôi khi tới cay nghiệt (với nhân vật của mình), họ Nguyễn đã mặc nhiên khai thác ưu điểm đó, để nhập vai những chiếc cầu mà, thuật ngữ văn học gọi là liên tưởng, ẩn dụ (metaphor), hoán dụ hay hoán ngữ (metonymy)…
Nếu cần phải diễn tả một cách nào khác thì, theo tôi, chúng chính là tấm gương phản chiếu chân dung tài năng, con người của ông vậy.
Sau đây là một trích đoạn từ truyện ngắn “Đêm lãng quên,” của Nguyễn Đình Toàn, khi ông mô tả cùng lúc người và, sự việc chung quanh.(6)
“Trong cái bóng đêm đen kịt của một cơn giông nín nghẹn, trận mưa đã không thể nào đổ xuống, đứa con gái hiện lên giữa khung cửa như một khói đen đặc, một mùi vị khác lạ, cái mùi vị chỉ những kẻ sống bao năm một mình như ta, mới có thể nhận biết ngay.
“Con nhỏ đứng sững lại giữa khung cửa, có lẽ mắt chưa quen với bóng tối, nó la, sao tối thui vậy ông nội. Vậy ta phải thắp đèn lên để đón mày sao.
“Đứa nào đó? Tôi đây mà. Tôi có cây đèn đây. Ông nội có lửa cho con xin chút.
“Nó đứng thẳng giữa cửa, một tay giơ cây đèn lên cao. Từ trong nhìn ra, bóng của đứa con gái cắt lên cái nền đen đục của khung cửa như một bức tượng nặng, tóc xõa trên tấm áo trắng ngắn, mầu quần đen lăn với bóng tối. Cái bóng nặng chặn ngang những cơn gió nồng nực thổi tới làm cho hơi thở ta trở nên khó khăn hơn, có một chút gì đó đã tẩm lẫn vào không khí, cái không khí lạnh nhạt ta thở hít mỗi ngày, làm cho nó trở nên cay se, mùi phấn, mùi nước hoa rẻ tiền. Một thứ mùi vị đã xa cách hẳn ta, như một tấm áo cũ lâu ngày mới được giở ra, hương vị đã phai nhạt đó lại trở nên gay gắt…”
Chỉ là một trích đoạn rất ngắn so với toàn thể truyện mà, người đọc đã thấy khó biện biệt đâu là “chính diện?” Ông già? Đứa con gái xin lửa? Bóng tối? Mùi vị? (Hay mùi vị của mọi thành phần vừa kể?)
Hoặc:
“Anh nhớ em trong lúc trở lại phòng. Mọi con đường trong bệnh viện đã tối đen, ánh trăng nhợt nhạt rãi trên cây cối, các đám cỏ. Tiếng người ho, kêu la, rên rỉ trong các dãy nhà thắp những bóng đèn vàng, mùi hôi ẩm, mùi của cái chết, của những vết thương tấy sưng, của những cuộn băng đầy máu mủ, của những thứ thuốc sát trùng, formol, đờm rãi, cống rãnh, chuột bọ, những giường nệm cáu ghét, loang lổ, bao nhiêu người đã nằm, đã chết, bao nhiêu người còn sống?” (Trích “Đám cháy,” Văn Uyển XB, Saigon, 1971).
Hoặc nữa:
“Những khu phố dịu dàng dưới sương đêm, sáng cái ánh sáng của vầng trăng lúc nào cũng giống như, trăng khi còn thơ ấu, và những cơn gió nhẹ thổi trên các lối đi, thổi lên các cành cây, chẳng khác những hơi thở nồng nàn tình ái, người ta không thể biết rõ cái vẻ dịu dàng của Hà Nội được tẩm đẫm nhan sắc, dáng vẻ của những người đàn bà, những cô gái Hà Nội, hay chính những người này thừa hưởng cái không khí êm đềm đó, những trận gió mang đầy hơi phù sa của sông Hồng, mùi cỏ của con đê Yên Phụ, mùi rượu ngang, rêu phong của những mái nhà cũ kỹ, của những bức tường thành của ngày Hà Nội bị xâm chiếm xa xưa, của các xưởng máy, của hoa đào, hoa sấu, sắc đỏ của những bông gạo vừa tàn rụng hết trong ngày hè với muôn ngàn tiếng chim kêu hót…” (Trích “Áo mơ phai,” (Nguyễn Đình Vượng, XB. Saigon, 1972.)
Cũng vẫn là sự trộn lẫn giữa giữa người và sự vật. Giữa tình yêu, lòng nhớ nhung và cái chết và kỷ niệm. Cũng vẫn là mùi vị của tất cả những thành phần làm thành đoạn văn. Câu hỏi lại được nêu lên:
– Nhưng đâu là “chính diện?”
Tôi không biết. Tôi nghĩ có thể là tất cả. Tất cả đã quyện, quyến vào nhau thành một khối. Một khối trong một thời tiết. Một không khí. Không-khí-truyện-Nguyễn Đình-Toàn.
Lại nữa, với tôi, ở lãnh vực đối thoại, (điển hình đối thoại trong truyện dài “Giờ ra chơi” (7), họ Nguyễn cũng cho thấy bản chất thông minh (đôi khi tới cay nghiệt) của ông, cũng đã mặc nhiên làm thành tấm gương phản chiếu chân dung tài năng hay, nét đặc thù Nguyễn Đình Toàn. Dù cho những đối thoại ấy (giống như đa số đối thoại của các nhà văn khác), không xứng hợp với tâm thái nhân vật. (Chúng là tiếng nói của chính tác giả, trong văn chương.) Nhưng, với cõi giới văn xuôi họ Nguyễn, tôi chưa thấy một ai cất tiếng hỏi. Họ không chỉ chấp nhận mà, dường như còn hân hoan đón, hưởng.
Từ đấy, tôi muốn ví những nét đặc thù kể trên của họ Nguyễn, là những “Máy Định Vị/ GPS,” giúp người đọc tìm được một cách chính xác ngôi nhà văn chương Nguyễn Đình Toàn - Một địa chỉ đẹp của hai mươi năm văn học miền Nam.
Chú thích:
(1): Jean Paul Sartre, triết gia, nhà văn Pháp (1905-1980), được trao giải Nobel Văn Chương năm 1964. Nhưng ông đã từ chối.
(2) Albert Camus, nhà văn Pháp, Giải thưởng Nobel Văn Chương 1957. Ông sinh năm 1913, mất năm 1960.
(3): “Văn học thế giới hiện đại” bản dịch từ Pháp ngữ của dịch giả Bửu Ý. Nhà Xuân Thu Hoa Kỳ, in lại tại Mỹ theo bản in ở Việt Nam. Nhưng, không ghi ngày tháng và, cũng không ghi tên nhà xuất đầu tiên. Người đọc cũng không tìm thấy một dấu chỉ nào để từ đó có thể suy ra ngày nguyên bản được phát hành; cũng như ngày bản dịch được hoàn tất!
(4) Sđd, các trang 62, 63 và, 64.
(5): Nguyễn Đình Toàn sinh ngày 6 tháng 9 năm 1936 tại Hà Nội. Ông là cựu học sinh Chu Văn An, đã xuất bản trên 20 tác phẩm. Cuối thập niên (19)90 ông cùng gia đình định cư tại Hoa Kỳ. Tại đây, ông cho phát hành một số đĩa nhạc, gồm những ca khúc do ông sáng tác, Khánh Ly trình bày. Nguyễn Đình Toàn hiện cư ngụ tại miền nam California.
(6) Tập truyện “Đêm lãng quên,” do Văn Uyển, XB. Saigon, 1970.
(7) Truyện dài “Giờ ra chơi,” do Khai Phóng XB. Saigon, 1970.
Tình khúc thứ nhất - Ca sĩ Linh Phượng
 Trần Đình Hoành (Guitar)
Tình Khúc Thứ Nhất - Lệ Thu
Tình Khúc Thứ Nhất - Tuấn Ngọc

 Tình Khúc Thứ Nhất - Trần Đức
Em Đến Thăm Anh Đêm 30 - Khánh Ly
Em Đến Thăm Anh Đêm 30 - Anh Khoa
Em Đến Thăm Anh Đêm 30 - Nguyên Khang
 Túy Phượng
Theo https://dotchuoinon.com/

1 nhận xét:

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...