Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

Hương thu ca - Chân dung duyên dáng của Cù Lệ Duyên

Hương thu ca - Chân dung 
duyên dáng của Cù Lệ Duyên
Được sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn hóa, tôi hiểu được những người như nhạc sĩ Cù Lệ Duyên phải chịu một gánh nặng thế nào. Không phải là chuyện tiếp nối truyền thống ấy, hay vượt qua cái bóng quá lớn của cha mình, thi sĩ Cù Huy Cận. Nói như thế có vẻ không thật, hoặc văn chương chữ nghĩa quá. Tôi chỉ hình dung, ngay từ thời thơ ấu, những cuốn sách nổi tiếng của cha, xếp ngay ngắn trên giá sách hàng ngày nhìn đứa con như những cặp mắt màu nâu tò mò và nghiêm khắc… Rồi cái không gian tràn ngập lời nói, tiếng cười của những nghệ sĩ danh tiếng, bạn của cha chị, sẽ ám ảnh cả tuổi thơ lẫn lúc đã trưởng thành. Nhưng có lẽ điều chính yếu, là những đứa con trong các gia đình đó đã được truyền thừa, đã được thắp lên một ngọn lửa. Không phải ngọn lửa của niềm đam mê danh vọng, chinh phục tâm hồn tha nhân… mà là ngọn lửa của niềm khát khao muốn tìm một con đường có ý nghĩa cho sự hiện diện của bản thân trên mặt đất này…
Cù Lệ Duyên từng tâm sự với tôi rằng, cuộc đời của chị là một chuyến đi tìm cầu. Các cuộc đi tìm, từ lúc khởi nguyên của chúng, thường mơ hồ, không bao giờ rõ nét. Bởi thế, khi cha chị muốn chị ngồi xuống bên cây đàn piano, bản năng của những đứa bé thường chống lại. Không hẳn là chị không thích âm nhạc, nhưng một việc cụ thể như học nhạc, học vẽ, hay học một cái gì đó… dường như tạo cảm giác con đường tới tự do đã bị khuôn định. Nhưng phương trời nào mà ta muốn tới lại không bắt đầu từ những con đường rất cụ thể. Rồi con đường sẽ dẫn tới những con đường khác.
Bởi thế, từ sự kiện ấy, chị trở thành nhạc sĩ. Chị được đào tạo tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, rồi Nhạc viện Quốc gia Moskva mang tên Tchaikovsky tới học vị Tiến sĩ Nghệ thuật học. Rồi trở về nước, chị tham gia công tác giảng dạy, và hiện ở cương vị Trưởng khoa Lý luận – Sáng tác – Chỉ huy Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Con đường cuộc đời như thế hẳn đã rõ nét. Những con đường như thế đủ cho chúng ta đoán định được ga cuối của nó. Nhưng với nhạc sĩ Cù Lệ Duyên, số phận dường như không an bài ở đó. Con đường ấy lại dẫn tới một con đường khác. Tiếp sau đó, như chị từng bày tỏ với tôi, chị đã tiến hành những chuyến đi, có thể nói vào Nam ra Bắc. Để tìm gì? Muốn tìm Thầy để học, nhưng học gì thì lúc ấy cũng chưa có gì rõ ràng cả. Cái duyên trong cuộc đời thường duyên dáng nhưthế.
 Nếu chúng ta nhìn bằng con mắt sâu sắc, Phật giáo không phải một tôn giáo, đó là một con đường. Như hoa đến thì hoa nở, con đường của người nhạc sĩ ấy đã chắp nối thành công với con đường đạo. Rồi con đường đạo sắp xếp lại tâm trí của chị cho gọn ghẽ để những cái duyên khác sinh khởi. Cái duyên khác ấy, với nhạc sĩ Cù Lệ Duyên, cũng vẫn là âm nhạc. Một dòng chảy âm thanh được khơi thông, được trợ duyên bởi Sư phụ, đã bắt đầu vang lên… Lúc đầu chỉ là tiếng tí tách của dòng nước nhỏ trong thung sâu, rồi dần dần thành tiếng chảy reo vui của cả một dòng suối. Dường như càng viết, sự tự do trong tâm hồn người nhạc sĩ càng mở rộng, uyển chuyển, nhẹ nhàng lách qua mọi rào cản.
 Với sự động viên, khuyến khích, trợ duyên của Thượng Tọa Thích Minh Hiền, người Thầy kính mến của chị, những chương trình âm nhạc giới thiệu các sáng tác của nhạc sĩ Cù Lệ Duyên lần lượt được tổ chức, tạo cái duyên cầu nối giữa tâm hồn người nhạc sĩ với công chúng. Đó là các chương trình như Hương Sơn ca vol.2, vol.3, vol.4 và Xuân Từ Bi đã được Nhà xuất bản Âm nhạc phát hành rộng rãi.
 Âm nhạc của nhạc sĩ Cù Lệ Duyên không phải là những bản nhạc lễ có tính trang nghiêm. Đó là sự hòa quyện giữa lời thơ và những giai điệu trữ tình. Những lời thơ phát khởi từ cảnh thiên nhiên, từ cuộc sống tu hành của các vị thầy, từ lòng biết ơn thành kính của một người Phật tử… được những giai điệu ngọt ngào chắp cánh. Âm nhạc của chị tựa như hình ảnh Phật Bà tưới nước cam lồ xuống những cánh đồng khô hạn, làm dịu lại những cơn khát giữa cõi đời vô thường này. Hoặc có những bài mang vẻ hùng tráng của chính cái tâm từ bi… giai điệu ấy được khai thác, hay chịu ảnh hưởng từ những motif nhạc châu Âu, có nét riêng nếu đặt bên cạnh những sáng tác của một số nhạc sĩ khác đương thời và cùng chịu ảnh hưởng từ thế giới quan Phật giáo.
 Những ngày tháng 9, một cái duyên nữa lại đủ đầy. Chương trình “Hương Thu Ca” được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội. Chương trình giới thiệu những sáng tác mới nhất của chị, những ca khúc trữ tình tiếp nối dòng suối âm nhạc đã định hình của Cù Lệ Duyên. Và cũng là một cái duyên để chị bày tỏ tấm lòng tri ân của một đệ tử với Sư phụ của chị, một sự biết ơn đối với Chính Pháp.
 “Hương Thu Ca” là một bộ sưu tập duyên dáng với 15 ca khúc mới nhất của nhạc sĩ Cù Lệ Duyên. Bên cạnh sự giao lưu đầm ấm giữa chị cùng các bạn bè đồng nghiệp với các quý thầy, quý cô trong tình đồng đạo sâu sắc, là những phút giây tràn đầy âm thanh, dịu dàng, trong sáng. Đạo diễn chương trình đã công phu sắp xếp để các tác phẩm của Cù Lệ Duyên được tiếp nối nhau tựa như những bậc thang dần đưa công chúng đến với niềm thanh thản, sự thưởng ngoạn cái đẹp trước cuộc đời ta đang sống. Với một tâm từ bi, chúng ta không bao giờ còn nhìn thấy một điều gì vô thường nữa.
 Nói về âm nhạc là điều gì đó thật khó khăn. Tôi chỉ gắng hình dung ra những buổi tối, sau giờ lên lớp, chị lại ngồi xuống bên cây đàn piano năm nào, và bắt đầu viết những lời thơ, những giai điệu như thế…
 Này đây:
Trăng sáng Hương Thiên
như chiếc gương soi nghìn trùng
Ai đã treo đỉnh núi…
Lòng nhớ mong ai về nơi ấy Thiên Trù
Cho nhắn câu hòa ca…
Và theo những lời thơ ấy, những giai điệu nhẹ nhàng như sương nhẹ dưới trăng, mời gọi người nghe, hãy bớt đi chút ưu phiền, hãy tha thứ cho những gì khiến bản thân bất toàn… để vào một đêm trăng sáng hằng có, mà cả cuộc đời ta luôn quên mất.
Còn đây nữa, tấm áo cà sa…
Cà sa ôi tấm áo thân thương
Sáng soi trong đời khắc ghi lòng con
Trọn đời theo bước Người ơi
Sáng niềm tin rọi muôn trùng khơi…
Những giai điệu ngọt ngào trong khúc hát này sẽ đưa chúng ta đi, từ hình ảnh áo cà sa, áo nâu tới liên tưởng màu đất mẹ trên quê hương xứ sở. Cù Lệ Duyên là như thế, âm nhạc của chị không khi nào xa rời một cuộc đời thực để trốn vào ảo mộng.
Dường như có thể nói ở phần hai của “Hương Thu Ca”, chúng ta  được thưởng thức một loạt các khúc hát ngày càng chinh phục được cảm xúc của người nghe hơn. Đó là những khúc hát mà giai điệu phảng phất nỗi buồn như những ca khúc thời tiền chiến của Văn Cao, Dương Thiệu Tước, Đặng Thế Phong… Nhưng, lời thơ lại trong sáng, yêu thương và từ bi. Những khúc hát ấy không phải an ủi nỗi lòng cho những ai gặp điều bất toàn trong cuộc đời, mà lại khiến những người ấy được thưởng ngoạn. Ngắm một vẻ đẹp sẽ khởi phát lòng yêu thương, thông cảm, tạo nên lòng từ bi đầy hùng trí. Và sẽ chữa lành cho ai đó những gì còn thương tổn.
Đây, một Chiều Hương Sơn nhẹ nhõm…
Ôi chiều thanh vắng tiếng mõ vang xa
Gió quyện hồn thơ rung tiếng ngàn xưa
Lắng đọng hồn ai vang khúc dân ca
Mái chèo nhẹ khua ôi bóng quê nhà…
Đây, một Trúc biếc hoa vàng…
Hỏi thầm ánh trăng đâu vần thơ
Hỏi thầm Yến Giang đâu lời hát
Hỏi thầm núi Hương đâu bài ca ấy
Ai biết cung đàn lặng tiếng thu vàng…
Và đây nữa, một Tri Âm…
Nếu không phải vầng trăng
Hỏi bởi từ đâu lung linh ánh vàng
Nếu không phải Yến Giang
Từ đâu khúc hát lắng sâu cung đàn
Nếu không qua khổ đau
Thấu chăng ngày về hạnh phúc ngập tràn…
Nhạc sĩ Cù Lệ Duyên vẫn đang đi trên con đường của mình, một nhạc sĩ, và một Phật tử mang pháp danh Diệu Thiện. Chị học Chính Pháp qua một vị thầy… Chị viết nhạc chia sẻ cho mọi người. Và chị dạy học, chia sẻ những gì thuộc chuyên môn cho các thế hệ sau. Không nên nói điều gì thêm nữa, bởi vì con đường chắc chắn sẽ còn khởi lên nhiều những con đường khác nữa, trước chị và trước tất cả chúng ta.
Hàn Thủy Giang
Theo http://www.hoinhacsi.info.vn/


1 nhận xét:

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...