Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017

Ghi nhận về một thi cảm trường ca tươi lạ

Ghi nhận về một thi cảm trường ca tươi lạ
Dành cho cuốn sách mà tôi may mắn được đọc bản thảo, dưới đây là các đặc thù của bốn trường ca Trường Sơn (2009), Gửi Bill Gates và trời xanh (2011), Trò chuyện với cha con Cu Lập Sơn (2012) và Lập Thành (2012).
Trước là để tránh trùng lặp với các bài viết khác trong cuốn sách, sau cũng bởi tác phẩm Lập Thành đang còn tươi quá với tôi, bài này đang được viết tiếp cho một khảo cứu mà tác giả Nguyễn Anh Nông là một trong các đối tượng.
1.
Trong bài thơ Giọt nước, Nguyễn Anh Nông có hai câu từng được “nằm lòng” độc giả:
Ô hay, giọt nước con con
Mà như tích tụ ngọn nguồn gió mưa.
“Giọt nước con con” là thơ ngắn Nguyễn Anh Nông; “Gió mưa” là trường ca Nguyễn Anh Nông.
Như một thành tựu, thơ Nguyễn Anh Nông đã có nhiều điều hơn người ở thơ ngắn. Như một khai phá, thơ Nguyễn Anh Nông đang có nhiều điều khác người ở trường ca.
Để được coi là thành tựu, các sáng tạo mở đường không chỉ phải qua thử thách của thời gian mà còn của thời đại. Với thể loại trường ca, rất khó để thành tựu, và cũng không dễ mở đường. Nhưng nếu biết đón nhận thời đại, trường ca sẽ trở nên một thể loại hào phóng. Nhà thơ Nguyễn Anh Nông như đang nắm được quy luật này!
Trong khuynh hướng sử thi và cảm hứng anh hùng ca Việt Nam, với dòng trường ca chiến tranh 1963-1975 và hậu chiến 1975-1986, theo chúng tôi, trường ca Trường Sơn chưa là một tác phẩm trọn vẹn. Và điều quý nhất của sáng tác này là góp phần gợi mở các nan đề có tính thi pháp của loại trường ca sử thi trong xã hội hậu chiến còn nhiều bất toàn, không còn và có thể không cần “sự anh hùng” như là một điểm phát độc nhất của ánh sáng cứu quốc, như là một điểm tựa độc nhất của vận mạng dân tộc. Nhiều yếu tố phi-anh-hùng cùng nhau tạo nên cuộc sống hậu chiến về bản chất mang tính đa diện. Thơ thời bình khó gây xúc động tập thể hơn thơ thời chiến. Trường ca thời bình khó lay chuyển xã hội hơn trường ca thời chiến. Thế nhưng, thời bình lại nhiều chất thơ “bình thường” hơn thời chiến; thời bình lắm sự tạo trường ca hơn thời chiến. Giản đơn là vì thời bình tự do hơn thời chiến. Nhà thơ quân đội Nguyễn Anh Nông đã nắm chắc được quy luật này!.
2.
Nằm trong tâm cảm truyền thống, trường ca Nguyễn Anh Nông mới về diễn ngôn (giọng điệu) và lạ về thi cảm.
Trong biên khảo về tác giả và tác phẩm trường ca Việt Nam từ thời Thơ mới đến nay (bản giới thiệu các danh sách đã đăng trên trang mạng Hội Nhà văn Việt Nam vanvn.net ngày 2/3/2012) chúng tôi phân loại, nếu theo nguồn cảm hứng, tạm thời có ba nhánh: trường ca anh hùng ca; trường ca cảm thức cá nhân trên nền nhân sinh; và trường ca thời cuộc, đời thường mang yếu tố trào tiếu. Cùng với Phạm Công Trứ, Lê Vĩnh Tài, Phan Trung Thành, v.v… Nguyễn Anh Nông đang là một trong các tác giả đi đầu và sung sức ở nhánh thứ ba. Nhánh này không nổi bật và còn ít tác giả so với hai nhánh chính, nhưng lại là âm hưởng rất mới lạ và tươi trẻ, có thể làm thay đổi không khí thời đại trong và ngoài thi ca.
Vui tếu là một Việt tính; cách nói trạng, động thái cuội của dân gian Việt là một “quốc hồn quốc túy”. Trong văn xuôi Việt Nam hiện đại từng có bậc thầy Vũ Trọng Phụng, và mãi già nửa thế kỷ sau, gần đây mới tái hiện rõ rệt qua các cây bút như Trần Đăng Khoa, Vũ Bão, Hồ Anh Thái, Nguyễn Quang Lập, Đỗ Minh Tuấn, Đặng Thân…  Thơ, lại là thơ trữ tình, rất khó “dan díu”, chứ chưa nói là “ăn nằm” cùng khẩu khí và cung cách này. Chỉ có trường ca với sự dung hợp đa ngôn đa điệu mới có thể. Với trường ca, thi cảm trào tiếu, biếm hài lần đầu tiên đã loang chảy ở bề mặt văn học Việt Nam chừng mươi năm qua, và đang trở thành một lối viết tương đối rõ ràng. Tuy nhiên, Nguyễn Anh Nông - như tất cả các tác giả cách tân khác trong phong thái nghệ thuật “đùa mà thật” - còn phải đối đầu với cách đọc, cách hiểu trường ca theo lối quy phạm cổ điển và... nghiêm túc!
Bộ ba trường ca mới công bố kể trên đã tạo hẳn một phong cách hài tiếu Nguyễn Anh Nông trong loại hình văn vần dài hơi và đa sự của văn chương Việt. Bằng cấu trúc trường ca vững vàng và uyển chuyển, thi sĩ cất lên âm điệu trào tiếu để triết lí, để tự sự và cũng để trữ tình qua các chủ đề nhân loại, nhân sinh mà những con dân Việt là đại biểu trên dải đất hình chữ S.
Về mỹ học trường ca Việt Nam, đây cũng là đóng góp đáng kể của Nguyễn Anh Nông. Theo bản chất, chất Hài vốn cùng chất Hùng và chất Bi làm nên sự Cao cả, nhưng lâu nay trường ca của Việt Nam nói riêng, và của thế giới nói chung, chỉ mạnh ở chất Hùng, thoảng ở chất Bi. Và với quan niệm “chính tắc” ở Việt Nam, cái Đẹp tức là cái Cao cả. Gần 30 năm qua, tinh thần hậu hiện đại của thế giới đã nổi lên và mươi năm nay lan tới xã hội Việt Nam. Một số thể loại, bộ môn của văn học Việt Nam đã có ít nhiều phân nhánh hậu hiện đại, song hành với các dòng chính truyền thống và hiện đại, trong đó nhánh trường ca hậu hiện đại đang có hàng chục tác giả tận tâm tận lực mà Nguyễn Anh Nông là một. Một vài trong số họ - như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Linh Khiếu… - mới đây bắt đầu được giới nghiên cứu và học thuật để tâm, cho dù công chúng và văn giới còn dè dặt.
3.
Theo định nghĩa thông thường, trường ca có hai khuynh hướng chính bên cạnh các biến thể. Đó là trường ca tự sự và trường ca trữ tình, mà về nguồn gốc yếu tố tự sự luôn lấn át trong cách viết và cách đọc đại chúng.
Qua bộ ba trường ca mới, Nguyễn Anh Nông vẫn giữ chất tự sự cổ điển làm chủ đạo. Nhân vật ở đó không là những anh hùng mang tính điển hình chỉ để ngợi ca. Nét “vĩ nhân” của nhân vật Bill Gates chỉ là sự kiện để tác giả chuyên chở các đại tự sự của nhân loại cùng các tiểu tự sự của đời sống nhân quần trên trái đất đầy gai góc mà cũng lắm đóa hồng. Đại đa số các nhân vật còn lại đều là những người bình thường, như cha con Lập Sơn, như Lập Thành, có tên và các đặc tính gần trùng với người thực là các thành viên trong gia đình nhà thơ Đỗ Trọng Khơi – người bạn văn bạn thiết của tác giả và cũng là “nhân vật” nổi tiếng giữa làng văn Việt Nam qua cuộc đời văn chương vượt thắng số phận không may. Tức là, trường ca hậu hiện đại của Nguyễn Anh Nông đã bình thường hóa cái phi thường và phi thường hóa cái bình thường. Dung hòa các mặt đối lập là thủ pháp của trường ca cổ điển. Song, đổi vai các mặt đối lập sẽ làm nên trường ca (hậu) hiện đại. Bằng sở trường của mình, nhiều tác giả trường ca đã làm như thế. Với giọng giễu nhại mang chữ nghĩa và cách nói dân dã Việt qua tri thức mới của một người dân quê thuộc về bản chất, Nguyễn Anh Nông đã xử lý được nghệ thuật của các mặt đối lập trong thơ trường ca.
Như tiêu chuẩn thể loại không thể thay đổi, đề tài mang ý nghĩa xã hội rộng lớn là bảo đảm bằng vàng cho một sáng tác thơ trường ca. Cả bốn trường ca của Nguyễn Anh Nông là vậy; dù với con đường huyền thoại Trường Sơn trong cuộc chiến chống Mỹ, hay về sự ra đời của em bé bình dân Lập Thành. Ở đề tài sau, các tiểu tự sự phải nói lên những đại tự sự. Và đó là “bí kíp” của một nhà trường ca trong điều kiện hậu hiện đại. 
4. 
Trường ca Nguyễn Anh Nông đã có phong cách, nhờ giọng điệu rất riêng và thi cảm lạ lùng mà tươi tắn. Cũng như trong thơ bình thường, kể cả thơ ngắn, Nguyễn Anh Nông trong trường ca sẽ đạt nghệ thuật cao nếu việc dụng ngôn được điều tiết và kỹ năng hơn. Thiển nghĩ, Nguyễn Anh Nông đã vượt qua ba cửa ải Thể loại (cửa này thường là lao đao nhất cho đa số tác giả!), Cấu trúc và Giọng điệu. Có lẽ chỉ còn Ngôn từ, và thêm một phần Hình tượng: phong phú và sung mãn, mà lộ vẻ chưa phong lưu; đó đây bề bộn và ngổn ngang.
Như một cách nhận định, ưu nhược là chuyện thường với mọi sáng tác. Song, ở các sáng tạo “nhận đường” thì sự nhập nhòa giữa các nét thể nghiệm và các điểm thuộc về sở đoản nhiều khi làm dư luận không nhận ra chân giá trị.
Cám ơn nhà trường ca Nguyễn Anh Nông! Xin làm một làn gió nhỏ từ xa vươn tới, mừng những đóa hoa của một nửa đời thơ hòa trong đất nước và văn học Việt Nam hơn hai thập niên qua… *)
*) Bản có vài tu chỉnh nhỏ so với bản đã in trong sách trường ca "Trò chuyện cùng cha con cu Lập Sơn & Lập Thành" của Nguyễn Anh Nông, NXB Văn học 2012.
Đỗ Quyên
Theo http://phongdiep.net/


1 nhận xét:

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...