Gần
3.630km đường được nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới là con số ấn tượng sau 20
năm phát triển hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) của Bắc Ninh. Sải bước trên
những con đường liên xã, liên thôn, những ngõ xóm được nhựa hóa, bê tông hóa mới
thấy rõ sự khác biệt của GTNT hôm nay so với 2 thập kỷ trước. Mạng lưới đường
quê rộng dài muôn nẻo được đồng bộ hóa có tính liên thông cao giữa các cấp đường
đã hiện hữu như một “thước đo” minh chứng cho sự phát triển của mỗi vùng miền.
Ước muốn “đường thênh thang rộng mở” tạo động lực cho giao thương phát triển
kinh tế của bao người dân nông thôn đã thành hiện thực.
Sức
vươn từ vùng khó.
Xác
định giao thông nông thôn là một trong những mắt xích thiết yếu nối các vùng
thuần nông với hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ, khu đô thị… là “cú hích” để phát triển
kinh tế - xã hội, tạo diện mạo nông thôn mới. Vì thế ngay từ những ngày đầu tái
lập, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 01/TV-TU/1997 về phát triển
giao thông vận tải. Nghị quyết đầu tiên của tỉnh về phát triển GTVT mà một
trong những trọng tâm chính là phát triển GTNT đã mở đường cho nông
thôn Bắc Ninh thay da đổi thịt. Và điều thật ý nghĩa minh chứng cho việc hiện
thức hóa chủ trương này khi công cuộc “mở đường” được bắt đầu từ vùng khó Lương
Tài, nơi mà người dân vốn chỉ quen với những cánh đồng chiêm khê, mùa thối, đường
quê gập ghềnh, khúc khuỷu.
Điểm
khởi đầu cho hành trình cứng hóa đường giao thông nông thôn là thôn Ngọc Cục
(Tân Lãng, Lương Tài). Ngay từ những ngày đầu thực hiện Nghị quyết về phát triển
GTNT, cán bộ, nhân dân địa phương chung sức đồng lòng xây dựng 2,5km đường trục
thôn bằng bê tông. Rút kinh nghiệm từ Ngọc Cục, với phương châm “Nhà nước và
nhân dân cùng làm” xã Tân Lãng tuyên truyền sâu rộng chủ trương và tầm quan trọng
của việc phát triển hệ thống GTNT đến từng người dân. Do vậy, khi phong trào
làm đường thôn, xóm được phát động, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã đồng
tình, tích cực tham gia.
Bí
thư Đảng ủy xã Trần Chí Hoàng chia sẻ: “Mặc dù đây là tiêu chí đòi hỏi nguồn
kinh phí rất lớn song khi lòng dân đã thuận, mọi việc đều được triển khai thuận
lợi. Chỉ tính riêng giai đoạn 2011-2015, Tân Lãng huy động gần 17,7 tỷ đồng xây
dựng GTNT. Nhân dân tự nguyện hiến hơn 200m2 đất vườn, thổ cư và đóng góp
hàng nghìn ngày công lao động. Điển hình như hộ ông Lê Văn Tuy, đảng viên thôn
Hữu Ái tự nguyện hiến hơn 30m2 đất thổ cư để mở rộng đường thôn được to, đẹp
hơn. Đến nay, bằng những nỗ lực không biết mệt mỏi của chính quyền và nhân dân,
hệ thống đường giao thông xã Tân Lãng dài hơn 45km được cứng hóa 100%. Phong
trào bê-tông hóa nông thôn khởi xướng những năm qua đưa những con đường làng lầy
lội, ổ trâu, ổ gà vào hoài niệm. Những tuyến đường bê tông phẳng lỳ vươn tới từng
ngõ xóm, cổng nhà dân góp phần để xã Tân Lãng “về đích” nông thôn mới”.
Đường
trục xã Trừng Xá (Lương Tài) đã được bê tông hóa.
Là
“ngọn cờ đầu” của tỉnh trong phong trào xây dựng GTNT, nhiều năm qua với phương
thức “nhà nước và nhân dân cùng làm” huyện Lương Tài phát huy nội lực, huy động
kinh phí, vật tư, ngày công lao động của nhân dân để cùng với Nhà nước hoàn thiện
hệ thống GTNT, bức tranh giao thông đồng bộ có sự kết nối liên hoàn giữa các xã
với trung tâm huyện và tỉnh. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thị Hà cho biết: Mặc dù
có nhiều khó khăn, song phát triển GTNT của Lương Tài luôn nhận được sự quan
tâm chỉ đạo, sự đầu tư hỗ trợ từ các cấp, ngành của tỉnh và của huyện. Từ nhiều
năm nay, phát triển GTNT trở thành một trong những phong trào được các ngành,
đoàn thể và nhân dân trong huyện hưởng ứng tích cực. Chính quyền và người dân
chung sức, chung lòng, ai có đất hiến đất, ai có sức góp công, tạo sự lan tỏa
giữa các miền quê. Đến nay, gần như 100% đường huyện, xã, thôn (tổng số 397km)
được láng nhựa và bê tông hóa. Có những địa phương như Trung Kênh, Mỹ Hương bê
tông hóa 100% đường làng, ngõ xóm. Ngay như Minh Tân là xã còn nhiều tuyến đường
chưa cứng hóa thì cũng đang gấp rút hoàn thiện trong những ngày cuối cùng của
năm 2016.
Ký ức
của người dân Lương Tài về những con đường xóm, thôn lầy lội bùn đất mỗi mùa
mưa đến, hay mịt mù bụi bay trong mùa hanh khô chỉ còn là kỷ niệm. Những con đường
to đẹp, khang trang đã xóa nhòa khoảng cách về địa lý, kinh tế với các địa
phương khác trong tỉnh, tạo điều kiện để người dân thúc đẩy giao thương phát
triển kinh tế-xã hội, xây dựng đời sống ấm no. Nếu về bên kia sông Đuống qua
các xã vùng nông thôn huyện Lương Tài sẽ tận mắt thấy đời sống nông dân đổi
thay từng ngày nhờ những con đường mới.
Từ
vùng khó Lương Tài tiếp nối tới các huyện khác trong tỉnh, những con đường thôn
đồng hành cùng sự phát triển của các miền quê ngày một vươn dài, kết nối với
tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh. Theo thống kê từ Sở GTVT, toàn tỉnh có
413,6km đường trục xã, liên xã; 1.142,6 km đường trục thôn, xóm; 1.632km đường
ngõ, xóm và 440km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại
thuận lợi. Để đưa ra được một vài số liệu tưởng chừng “thô cứng” này, ngoài nguồn
đầu tư rất lớn của Nhà nước thì sự đồng thuận của người dân chiếm vị trí hết sức
quan trọng. Trong đó phải kể đến phong trào hiến đất làm đường của nhân dân các
địa phương ngày càng lan tỏa. Hàng trăm hộ tham gia hiến hàng chục nghìn m2 đất
các loại, phá dỡ hàng chục nghìn mét tường rào; đóng góp hàng trăm nghìn ngày
công lao động để xây dựng đường GTNT.
Xã Việt
Thống, huyện Quế Võ được coi là điểm sáng trong phong trào toàn dân chung sức
xây dựng GTNT. Sau khi được vận động, đến nay, có hơn 400 hộ tình nguyện hiến tổng
số 85.000m2 đất, trong đó 45.000m2 để làm mới tuyến đường trục xã,
35.000m2 để mở rộng hệ thống giao thông nội đồng, 5.000m2 mở rộng các
trục đường ngõ, xóm. Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Văn Học (thôn Yên Ngô),
không chỉ tình nguyện hiến hơn 40m2 đất ở và 200m2 đất canh tác, ông
còn đóng góp gần 60 triệu đồng để mở rộng đường ngõ, xóm, đường giao thông nội
đồng… Không chỉ gia đình ông Học, từ năm 2011 đến nay toàn thôn Yên Ngô có
138/170 hộ tình nguyện hiến hàng chục nghìn m2 đất và đóng góp hơn 800 triệu đồng
để mở rộng và bê tông hóa 7 tuyến đường ngõ xóm với tổng chiều dài 172m. Đến
nay, 100% đường GTNT của Việt Thống được kiên cố hóa, trong đó 11 km đường trục
thôn, 20 km đường ngõ xóm, 32 km đường trục chính nội đồng. Riêng tuyến đường
trục xã dài 4,6km được khởi công xây dựng từ cuối năm 2015, đến nay hoàn thành
đưa vào sử dụng.
Khó
có thể kể hết trong tỉnh có bao nhiêu gia đình đã tự nguyện hiến đất, phá dỡ
các công trình kiến trúc, chặt bỏ cây cối tạo thuận lợi cho việc mở đường. Có
thể kể đến: gia đình ông Nguyễn Xuân Đình, ông Nguyễn Đức Vịnh thôn Trình Khê
(Trung Chính, Lương Tài) tự nguyện hiến hơn 300m2 đất để mở rộng đường
liên thôn. Hay như gia đình ông Nguyễn Hữu Tuyến thôn Núi Đông (Hoàn Sơn, Tiên
Du) tự nguyện hiến cả dải đất bám đường có giá trị lớn (tổng diện tích trên 40m2).
Chia sẻ về việc làm của mình, ông Lê Văn Tuy, thôn Hữu Ái, Tân Lãng, Lương Tài)
nói: “Với tinh thần “đảng viên đi trước” hơn nữa, để có đường mới, mọi người đi
lại thuận tiện hơn, kinh tế cũng sẽ phát triển. Do vậy, đóng góp chút ít công sức
vào sự đổi thay đó là việc nên làm của tôi cũng như nhiều gia đình khác ở đây”.
Ngay
như những mảnh đất “vàng” khu Trà Xuyên, phường Khúc Xuyên, của thành phố Bắc
Ninh bà con cũng chẳng tiếc. Khi có chủ trương vận động người dân ủng hộ, hiến
một phần diện tích đất để mở rộng và nắn thẳng con đường, mặc dù giá
đất cũng không phải là thấp, song nhờ chính quyền và người dân đồng thuận, tìm
được tiếng nói chung nên chủ trương được thông qua và nhanh chóng triển khai
thi công. Toàn khu Trà Xuyên có 12 gia đình tự nguyện hiến hơn 176m2 đất để tạo
nên một con đường chạy suốt xóm có chiều rộng 5m.
Con
đường đồng hành của văn minh
Ông
Ngô Lương Pha, Phó Giám đốc Sở GTVT khẳng định: Phát triển GTNT là nhiệm vụ
quan trọng được triển khai ngay từ năm tái lập tỉnh. Bắc Ninh là một trong số
những tỉnh có phong trào làm đường GTNT sớm nhất của cả nước, cho đến nay trong
khi nhiều tỉnh vẫn đang huy động để làm đường xóm thì Bắc Ninh làm xong đường
xóm và đang làm đường liên xã, đường nội đồng. Sau 20 năm thực hiện nhiệm vụ
phát triển GTNT, toàn tỉnh làm mới và cải tạo, nâng cấp, cứng hóa gần 3.630 km
đường GTNT các loại với tổng mức đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng. Chỉ tính riêng
giai đoạn 2008-2013, toàn tỉnh dành 1.216 tỷ đồng đầu tư xây dựng hệ thống
GTNT.
Những
con đường bê tông sạch sẽ vươn tới từng thôn, từng xứ đồng tạo thuận lợi lớn
cho sản xuất, khiến cho giá trị sản xuất nông nghiệp được nâng cao.
Những vùng sản xuất hàng hóa, trang trại, cánh đồng mẫu… được quy hoạch, phát
triển, cho hiệu quả kinh tế là những mảng màu sáng lấp lánh trong bức tranh
kinh tế toàn tỉnh. Xã Minh Tân (Lương Tài) trước kia dù chỉ cách
trung tâm huyện chừng hơn 10km song thời gian di chuyển phải mất cả giờ đồng hồ,
thì nay chẳng phải ngại ngần khi tới bất cứ đâu. Từ khi hệ thống giao thông thuận
lợi, nhất là tuyến Đường tỉnh 285 và Huyện lộ 5 hoàn thành, đưa vào sử dụng, thời
gian di chuyển từ trung tâm huyện về thôn xa nhất của xã chỉ mất chừng nửa giờ,
ô tô tải có thể ra đến tận cánh đồng. Tận dụng lợi thế về giao thông và đất
bãi, người dân trong xã đưa cây cà rốt và cây giềng vào trồng thay thế cây lúa
cho hiệu quả cao. Theo Chủ tịch UBND xã Trần Văn Xoay, xã chuyển đổi 234ha đất
trồng lúa sang trồng cây cà rốt, giá trị bình quân 6 triệu đồng/sào/vụ, gấp 5-6
lần so với trồng lúa. Kết quả này là do hệ thống giao thông được cứng hóa đến từng
xứ đồng tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa.
Con
đường đồng hành văn minh quả không sai. Có đường mới, những cửa hàng kinh doanh
dịch vụ nông thôn mọc lên phục vụ nhu cầu mua bán của bà con làng xóm. Phố có
hàng gì, làng có hàng ấy. Hàng hóa lưu thông khiến cuộc sống nông thôn bừng
sáng. Nông sản được thu mua vận chuyển bằng ô tô, xe máy chẳng phải gánh gồng
bước thấp, bước cao. Không chỉ cuộc sống người dân được nâng cao mà tình cảm
quê hương, gia đình cũng đậm đà sâu sắc hơn nhiều. Những con đường mòn, đường đất
gắn chặt với cuộc sống của người dân Bắc Ninh bao đời nay được thay bằng những
con đường mới, hiện đại kết nối giao thương với các vùng miền. Đường huyện, đường
xã và đường thôn đã hoà vào mạch đường tỉnh, quốc lộ tạo thành một mạng lưới giao
thông liên hoàn, tạo động lực để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đây là tiền
đề để Bắc Ninh thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn
mới theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TƯ về nông nghiệp, nông thôn và nông
dân.
Thái Uyên - Dương Hoàn
hãng eva
săn vé máy bay đi mỹ giá rẻ
hàng không hàn quốc
vé máy bay đi mỹ khoảng bao nhiêu
vé máy bay đi canada giá rẻ
Nhung Chuyen Di Cuoc Doi
Du Lich Tu Tuc
Tri Thuc Du Lich