Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

Hoàng Tố Nguyên - Nhà thơ lớn của đất nước

Hoàng Tố Nguyên - Nhà thơ lớn của đất nước
Nhà thơ Hoàng Tố Nguyên có số phận đặc biệt. Được sinh ra ở Gò Công nhưng ông sớm rời quê lên Sài Gòn. Từ Sài Gòn ông ra Bắc, sống nhiều cơ quan ở Hà Nội, Hà Tây rồi mất sớm do bạo bệnh ở Thái Bình. Có những “quê chung” nhưng Hoàng Tố Nguyên không thực sự gằn bó với quê nào. Do lẽ đó mà ông ít được quan tâm, gần như bị lãng quên, khuất lấp.Đã tới lúc cần có sự nhìn nhận thỏa đáng về ông.
Hoàng Tố Nguyên, cuộc đời và sự nghiệp
Nhà thơ Hoàng Tố Nguyên tên khai sinh là Lê Hoằng Mưu. sinh ngày 30.8.1928 tại xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Sau khi học xong tiểu học ở Gò Công, ông lên Sài Gòn học trường Mỹ thuật Gia Định. Năm 1947 ông hoạt động bí mật ở nội thành Sài Gòn. Từ năm 1947 đến 1949 là Chủ tịch Hội học sinh Mỹ thuật kháng chiến Gia Định. 1949–1950 là cán bộ Ty thông tin Thủ Dầu Một. Là cán bộ tuyên truyền, ông vẽ tranh cổ động, làm thơ, viết báo. 1950–1952, là Trưởng Ban Tuyên truyền Tỉnh đoàn Thanh niên Cứu quốc Thủ Dầu Một, Ủy viên Ban chấp hành phân hội văn nghệ liên tỉnh Thủ Biên (Thủ Dầu Một – Biên Hòa). 1952–1954 là cán bộ Sở thông tin Nam Bộ, biên tập viên báo Vì Chúa, vì Tổ quốc của Công giáo kháng chiến Nam Bộ. Năm 1954 ông tập kết ra Bắc, làm biên tập viên báo Văn nghệ, Ủy viên Thường trực Ban đại diện văn nghệ Nam Bộ. Năm 1959 về làm biên tập viên báo Độc lập. Năm 1969, ông về xây dựng phong trào văn nghệ ở tỉnh Hà Tây; và năm 1974 về công tác ở Hội Văn nghệ tỉnh Thái Bình. Ông mất ngày 30 tháng 6 năm 1975.
Hoàng Tố Nguyên là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957).
Những tập thơ đã xuất bản:
- Từ nhớ đến thương 1950.
- Truyện thơ Đổi đời (1955)
- Truyện thơ Cô gái bần nông sông Hồng (1956).
- Đất nước (1956)
- Gò Me  1957
- Quê chung 1962
- Gửi chiến trường chống Mỹ 1966
- Tên quê hương  1976
- Từ nhớ đến thương 1980
- Hậu phương không ngủ (chưa in)
- Bài thơ bên gối cưới (chưa in)
Mấy năm đầu sau Cách mạng tháng Tám, Hoàng Tố Nguyên hoạt động bí mật, làm công tác tuyên truyền. Ông sáng tác một số bài thơ đăng trên báo phát hành công khai tại Sài Gòn, được người đọc biết đến như Vọng hướng sao rơi, Xuân về say ý nhạc… Trong tập THƠ MÙA GIẢI PHÒNG, một đặc phẩm mỹ thuật mùa thu 1949 của NXB Sống Chung, xuất bản năm 1949 tại Sài Gòn, ta thấy sự góp mặt của 20 nhà thơ Việt Nam hiện đại: Anh Huy, Ái Lan, Chim Xanh, Đại Ẩn Am, Hoàng Tố Nguyên, Hoàng Tấn, Khổng Dương, Liên Chớp, Mộc Lan Châu, Bân Bân Nữ sĩ, Nguyễn Bính, Cô Phạm Từ Quyên, Sơn Khanh, Thâm Tâm, Thẩm Lệ Hà, Tố Hữu, Tố Phong, Trúc Khanh, Vũ Anh Khanh và Xuân Miễn. Ở đây, Hoàng Tố Nguyên có bài Xuân về say ý nhạc:
Anh đi miền Sông Hậu
Tôi về khám thị thành
Đêm đêm, nhìn Bắc đẩu
Nôn nao lòng nhớ anh.
Trời nơi anh sáng chứ?
Hoa đời nở ý xanh?
Máu sông sầu cuồn cuộn,
Có vương tình trăng thanh?
Gió muôn trùng… gió lộng.
Vẫn vang khúc viễn hành?
Bạn bè còn đủ cả
Hay cuối bãi đầu ghềnh?
Tương tàn bao thảm cảnh
Có hiện vào mắt anh?
Xuân về say ý nhạc
Có cạn chén tâm tình?
Ngựa Hồ thương Gió Bắc
Có vẹn lời sắt đanh?
Hay men Tần dễ bén
Mà say khúc hậu đình?
Mà quên thề cổ biệt,
Mà nguôi hận bất bình?
Nơi đây sầu phong tỏa
Hương đời cạn ý xanh
Mây giăng mờ tám hướng
Nắng loãng bụi kinh thành
Có lắm phường cẩu nhãn
Còn mơ chuyện Đế Đình.
Gái trai cười phấn lụa
Cao hát khúc Ân tình
(Còn mong gì tuyết trắng
Mà dâng hồn thơ xanh)
Sầu đông cay độc ẩm
Hồn đau nghẹn bất bình
Đêm đêm nằm đếm tóc
Nghĩ thẹn kiếp phù sinh.
Xuân về say ý nhạc
Đôi câu gọi chút tình
Trăng liềm chênh chếch đổ
Về phương nào đó anh?
(1949)
Bài thơ viết năm 1949, khi Hoàng Tố Nguyên tròn 20 tuổi. Tuy vẫn mang đặc điểm chung của dòng thơ Tiền chiến với ngôn từ và điển tích cũ nhưng ta thấy toát lên từ trong đó một âm hưởng mới trầm sâu mà khỏe mạnh, thuyết phục, lôi cuốn tuổi trẻ đi lên đường giải phóng. Hình như điều này báo hiệu một thế hệ nhà thơ xuất hiện trong hoàn cảnh mới của dân tộc.
Việc Hoàng Tố Nguyên được chọn đứng tên trong tuyển thơ cùng với những tên tuổi hàng đầu của thơ ca Việt Nam lúc đó đã khẳng định vị trí của ông.
Trong công trình Lược sử văn nghệ Việt Nam-Nhà văn tiền chiến (NXB Vàng Son, Sai Gòn 1974), Nhà phê bình văn học Thế Phong đánh giá về nhà thơ Hoàng Tố Nguyên như sau:
“Về bình diện thi ca miền Nam 1945–1950 chỉ có hai nhà thơ điển hình nhất là Vũ Anh Khanh và Hoàng Tố Nguyên. Họ bao trùm cho các nhà thơ khác như: Ái Lan, Tố Phong, Trúc Khanh, Khổng Dương vv…
Ái Lan, một nữ thi sĩ có nhiều triển vọng loại thơ tranh đấu như Thu bất hủ; cũng như Trúc Khanh có trong loại thơ tâm tình lành mạnh, một thứ Nguyễn Bính non tay trong kháng chiến miền Nam.
Hoàng Tố Nguyên trội hơn hết, sau Vũ Anh Khanh. Tác giả nhiều bài thơ đăng rải rác trên báo, mặc dầu chưa in một tác phẩm nào… Những bài như: Vọng hướng sao rơi, Xuân về say ý nhạc… đăng trong tuyển tập thi ca Thơ Mùa Giải Phóng (5.1949).
Thơ Hoàng Tố Nguyên đi vào thực tiễn cách mạng, kỹ thuật cao, truyền cảm người đọc như Tha La của Vũ Anh Khanh. Như Vũ Anh Khanh, Hoàng Tố Nguyên nổi tiếng vì thơ có hình tượng sống mới, tiết tấu âm thanh mới, không dùng sáo ngữ, hoặc điển cố, như bài thơ Sa Cơ của Thẩm Thệ Hà hoặc Hoàng Tấn với Giang san khói lửa mù bay…
Xuân về say ý nhạc là bài thơ của một đồng đội chiến đấu chống xâm lăng Tây thuộc lần thứ hai; mà tác giả là Hoàng Tố Nguyên, nhà thơ xuất sắc.
Về bình diện văn nghệ Nam bộ 1945 –1950, hẳn không thể quên văn Lý Văn Sâm, thơ Vũ Anh Khanh, thơ Hoàng Tố Nguyên... là những người góp vào nền văn học cực thịnh của Nam Bộ.”
Những năm sau, Hoàng Tố Nguyên sáng tác khá nhiều: - Từ nhớ đến thương (1950);  Truyện thơ Đổi đời (1955); Truyện thơ Cô gái bần nông sông Hồng (1956) và Đất nước (1956). Nhưng những sáng tác này không gây được tiếng vang đáng chú ý. Không có trong tay tập Từ nhớ đến thương nên người viết không biết tập thơ nói gì, nhưng chỉ qua tên những tập truyện thơ Đỏi đời hay truyện thơ Cô gái Bần nông sông Hồng… ta hiểu rằng đó là những tác phẩm đẻ non trước áp lực của thời cuộc, trong phong trào Giảm tô, Cải cách. Nếu công bằng và trung thực thì cũng phải nhắc lại rằng, thời gian này Hoàng Tố Nguyên có tham gia phong trào Nhân văn Giai phẩm với một bài thơ ở Nhân văn số  3. Do việc này mà Hoàng Tố Nguyên bị liệt vào nhóm Nhân văn Giai phẩm trong số gần 40 nhà hoạt động văn hóa lúc đó. Hầu hết tài liệu trên mạng đều nhắc tới Hoàng Tố Nguyên “nhân văn giai phẩm” với chỉ một cái tên. Không có trong tay bài thơ “nhân văn” của Hoàng Tố Nguyên, ta không hiểu nội dung cụ thể ra sao. Nhưng theo nhà văn Tô Hoài thuật lại thì sau cuộc phê bình, Hoàng Tố Nguyên vẫn không thông: “Nói thơ mình còn tiểu tư sản thì được, chứ làm gì có chuyện đánh đấm?”
Cũng thời gian này, Gò Me ra đời, gây tiếng vang lớn. Nên nhớ rằng, tiếng vang của tác phẩm nghệ thuật không chỉ do bản thân giá trị của chính nó mà còn do tâm thức xã hội tác động. Ta biết, thời gian đó, những ước mong về 2 năm tổng tuyển cử thống nhất đất nước không thành. Trong Nam, chính quyền Sài Gòn đàn áp giáo phái và khủng bố người kháng chiến cũ. Ngoài Bắc. vừa qua nạn đói, không khí xã hội căng thẳng do Cải cách ruộng đất, cuộc đấu tranh trong giới văn nghệ sỹ… tạo ra không khí bất yên. Gò Me xuất hiện không chỉ là tập thơ mà như làn gió mát trong khung cảnh oi bức. Người đọc miền Bắc lần đầu biết đến một nhà thơ Nam Bộ, với người, với tình, với cảnh và giọng thơ Nam Bộ thứ thiệt hồn hậu, chất phác:
Ôi, thuở ấu thơ
Cắt cỏ chăn bò
Gối đầu lên áo
Nằm dưới hàng me, nghe tre thổi sáo
Tôi, sáu tuổi trong lòng bà hớn hở
Xem tuồng "Đoạt võ trạng nguyên”
Để ra về mơ mãi giấc thần tiên
Moi đất sét nặn quả chùy Nguyên Bá
Quê tôi đó: Mặt trông ra bể
Đốm hải đăng tắt, lóe đêm đêm
Con đê cát đỏ, cỏ viền
Leng keng nhạc ngựa ngược lên chợ Gò
Ruộng vây quanh bốn mùa gió mát
Lúa nàng keo cháy rực mặt trời
Ao làng trăng tắm, mây bơi
Nước trong như nước mắt người tôi yêu”.
Có thể nói rằng, sau khi không thành công trong những tập thơ phục vụ kịp thời, ở Gò Me, Hoàng Tố Nguyên tìm lại giọng thơ đồng quê quen thuộc của mình. Như con sơn ca trên đồng, ông cất lên tiếng hát hồn nhiên của riêng Gò Công, riêng Nam Bộ. Đồng thanh tương ứng, đồng bào miền Bắc nhận ra ngay sự gần gũi thân tình của giọng ca ấy và chấp nhận nó. Chính tiếng hát ấy cũng làm nên riêng tên tuổi Hoàng Tố Nguyên.
Sau sự vồ vập ban đầu, nhiều người, trong đó có cả Hoàng Tố Nguyên sớm nhận ra, tập thơ có những nhược điểm. Có lần anh nói với chúng tôi ở Hội Văn nghệ Thái Bình: “Gò Me còn bản năng lắm!” Đó là cảm nhận chinh xác. Nếu đắc địa trong âm hưởng trữ tình của bài ca đồng quê thì quả thật tính tư tưởng của tập thơ chưa cao. Thêm vào đó thi pháp cũng còn yếu:  Cái hỗn tạp trong cấu trúc thơ ảnh hưởng của lối nói thơ, kể thơ dân gian Nam Bộ cùng sự thô vụng trong những câu lục bát chưa nhuyễn.
Ở những tập sau: Quê chung (1962) và Gửi chiến trường chống Mỹ (1966), thơ Hoàng Tố Nguyên có sự trưởng thành rõ rệt, cả trong tư tưởng cả về bút pháp.
Nắng ửng chòm tre, gió thoảng đưa
Búp non thắp sáng lá cành thưa
Chim mang tiếng hót ra hong nắng
Tơ nhện vương sương trắng cỏ bờ                          
Mạ kiễng chân cho đất đổi màu
Lá vươn sắc lục lửa lò cao
Hôm qua sông rét trùm mây ngủ
Nay đã giăng buồm chở nắng xao
Người chăn bò lùa bò về nhà.
Bỏ quên chiều trên cỏ.
Nắng như một bầy nai.
Dẫn buổi chiều chạy chơi với gió ...
(Sáng xuân)  
Anh từng ngắm em lặng lẽ
Với tâm tình của trẻ mồ côi
Trong tay có cả đất trời
Vẫn chưa có trái tim người cạnh bên.
Ước gì có một lời em
Để trong muôn vạn tiếng chim ngỡ ngàng
Để trong muôn vạn tiếng đàn
May ra một điệu nhịp nhàng cùng anh.
Xin đốt lửa nhiệt tình lên mắt
Cho đông dài băng rạn, tuyết tan
Đừng như cốc nước e tràn
Hãy như thác giữa lòng ngàn hỡi em!
(Với pho tượng đẹp)
Xin chào nhé, sông Cà Lồ đục mùa cá bột
Cái nắng trung châu thoảng mùi mít mật
Chào Hương Canh chất phác lòng người
Thắm như lạc già tách vỏ giữa sân phơi!
 (Tạm biệt Hương Canh)
Nghe rau muống lụi dần trong ao giá
Bầu vội leo giàn, cải non mở lá.
(Vào chiêm)
 Nhà thơ và cũng là nhà phê bình người Đức Rilker nói có lý: “Thơ không chỉ là tình cảm mà trước hết là tư tưởng.” Trên cái nền tình cảm, thơ phải đạt tới chiều sâu, chiều cao vời vợi của tư tưởng. Với hai tập thơ này, Hoàng Tố Nguyên đứng vào hàng đầu trong nền thơ hiện đại Việt Nam. Lọc qua những bài thơ cổ động hợp tác hóa nông nghiệp, động viên chiến đấu và sản xuất một thời, nhiều bài thơ của Hoàng Tố Nguyên đạt tới cái hay cái đẹp vĩnh cửu. Không phải tự nhiên mà khi lang thang trên mạng, ta gặp nhiều bài thơ của ông được dân cư mạng chuyền tay. Điều này chứng tỏ người đọc công tâm và có đôi mắt xanh, như Chế Lan Viên viết: Thơ hay như người đẹp, ở đâu đi đâu cũng lấy đựơc chồng.
Vị trí của nhà thơ Hoàng Tố Nguyên trong văn học
Cho đến nay, chính thức nhận định về Hoàng Tố Nguyên có hai ý kiến như sau:
Năm 1974, trong tác phẩm Lược sử văn học Việt Nam-Nhà văn tiền chiến, xuất bản tại Sài Gòn, nhà phê bình văn chương Thế Phong viết:
“Thơ Hoàng Tố Nguyên truyền cảm người đọc như Tha La của Vũ Anh Khanh. Như Vũ Anh Khanh, Hoàng Tố Nguyên nổi tiếng vì thơ có hình tượng sống mới, tiết tấu âm thanh mới, không dùng sáo ngữ, hoặc điển cố, như bài thơ Sa Cơ của Thẩm Thệ Hà hoặc Hoàng Tấn với Giang san khói lửa mù bay…
Xuân về say ý nhạc là bài thơ của một đồng đội chiến đấu chống xâm lăng Tây thuộc lần thứ hai; mà tác giả là Hoàng Tố Nguyên, nhà thơ xuất sắc.
Về bình diện văn nghệ Nam bộ 1945 –1950, hẳn không thể quên văn Lý Văn Sâm, thơ Vũ Anh Khanh, thơ Hoàng Tố Nguyên... là những người góp vào nền văn học cực thịnh của Nam Bộ.”
Năm 1980, trong Lời tựa tập thơ Từ thương đến nhớ, nhà thơ Chế Lan Viên viết:
"... Tôi nhận được tin anh mất ở Sài Gòn, ngẩn ngơ vì thương tiếc một cây bút, những dòng thơ... Tôi tiếc cho Hoàng Tố Nguyên (Lê Hoằng Mưu) đã có một quê hương Gò Me-Nam bộ lúc ra đi, đã có một quê hương Hương Canh-miền Bắc lúc trở về, có cả một Tổ quốc thống nhất , giữa ngày sắp được đoàn tụ, thế mà không sống đến phút đoàn tụ ấy. Tôi cũng tiếc cho Gò Me, Gò Công quê anh đã không có anh trở về... Trong mấy nhà thơ Nam bộ tập kết ra Bắc hồi ấy, phải nói rằng anh là một trong mấy người có tài hơn cả... Lần đầu tiên khi thơ anh xuất hiện ở Thủ đô, nó đã được nhiều người yêu mến và giới sành thơ trân trọng."
Hai nhận đinh trên đã đánh giá công bằng vị trí nhà thơ Hoàng Tố Nguyên trên văn đàn Việt Nam. Từ “nhà thơ xuất sắc góp vào nền văn học cực thịnh của Nam Bộ” trở thành, “một trong mấy người có tài hơn cả trong mấy nhà thơ Nam bộ tập kết ra Bắc hồi ấy”. “Một trong mấy người” là lối nói khôn ngoan quen thuộc của “ông cai thơ” một thuở để tránh va chạm. Nói công bằng, Hoàng Tố Nguyên vượt qua đồng hương của mình để đứng vào hàng những nhà thơ nổi tiếng của đất nước, tạo dựng chỗ đứng riêng, vững chắc trong văn học nước nhà.
Giữa thế kỷ trước có một nhận định lưu truyền trong giới văn nghệ: “Dân Nam Bộ giỏi làm báo và viết tiểu thuyết, còn thơ không bằng dân Trung, Bắc.” Cắt nghĩa điều này, có người cho rằng, ngoài tình cảm, thơ cần chiều sâu tư tưởng, cần sự khái quát, mà cái này, do sống nặng về tình cảm hồn nhiên, anh em Nam Bộ còn thiếu. Nếu có quy luật như vậy thì Hoàng Tố nguyên đã vượt qua quy luật. Từ tình cảm đồng quê bản năng ban đầu, ông đã lột xác vươn lên đạt tầm cao của tư duy, tư tưởng. Chiều tiến hóa này chuyển dịch tới lứa nhà thơ Nam Bộ tiếp theo như Ca Lê Hiến, Diệp Minh Tuyền, Nguyễn Trọng Tín… những người được học hành nhiều hơn chứ không chỉ bản năng như chim sơn ca trên đồng nội.
Từ thế kỷ XIX vắt qua thế kỷ XX tới thập niên đầu của thế kỷ XXI, trên đất Mỹ Tho, Gò Công xưa và Tiền Giang nay nổi lên những tên tuổi văn chương nào? Trong tấm tưởng tôi, có 3 người: Hồ Biểu Chánh, Đoàn Giỏi và Hoàng Tố Nguyên. Với thời gian, cụ Hồ Biểu Chánh đã thành “di tích lịch sử được xếp hạng”. Đoàn Giỏi và Hoàng Tố Nguyên là con người của hôm nay. Đoàn Giỏi nổi tiếng với Đất rừng phương Nam, một tiểu thuyết phong tục mô tả những nét đặc sắc của con người và cảnh vật Nam Bộ. Nhờ được chuyển thể sang điện ảnh, sách của ông được phổ biến rộng và đuợc mến bởi đồng bào trong nước cùng bè bạn quốc tế. Khi Hoàng Tố Nguyên đưa Gò Me tới miền Bắc và trở nên nổi tiếng. Người dân quê Gò Công hầu như không biết tới nhà thơ của mình. Có lẽ vì vậy, nhiều năm dường như ông bị lãng quên? Nhưng cuộc sống vẫn có lẽ công bằng. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp nhớ tới ông. Và cả những bạn đọc vô danh vẫn đọc vẫn ngâm nga thơ ông. Chính vì vậy mà ông tồn tại.
Tôi nghĩ rằng, năm nay, kỷ niệm 80 năm sinh và sang năm là 35 năm ngày mất cùa Hoàng Tố Nguyên, các bạn văn nghệ Tiền Giang cần làm điều gì đó tưởng niệm nhà thơ lớn, người đã làm vẻ vang cho quê hương. Theo tôi, có lẽ cần làm một số việc sau:
Tập hợp, chọn lọc và xuất bản Tuyển thơ Hoàng Tố Nguyên.
Đưa di hài ông từ nghĩa trang tỉnh Thái Bình về mai táng tại Gò Công.
Bên mộ, tại khu vực Gò Me, dựng nhà tưởng niệm ông. Trong đó trưng bày thơ của ông, để cho bạn đọc từ mọi phương trời về chính đất Gò Me đọc thơ Gò Me và ngâm nga những vần tuyệt diệu:
Ao làng trăng tắm, mây bơi,
Nước trong như nước mắt người tôi yêu
Để trai gái tới đây tay trong tay, mắt trong mắt:
Đừng như cốc nước e tràn,
Hãy như thác giữa lòng ngàn, hỡi em!
Để viết bài này, người viết đã tham khảo tài liệu của nhà phê bình Thế Phong, nhà văn Hoài Anh, nhà thơ Võ Bá Cường, nhà giáo Nguyễn Phúc Nghiệp. Xin chân thành cảm ơn.                         
Tháng 5. 2009
Hà văn Thùy
Nguồn: http://www.vanchuongviet.org/
Theo http://4phuong.net/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...