Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

Nhà thơ Cao Xuân Thái: “Như hoa tàn hoa nở để ta tin”

Nhà thơ Cao Xuân Thái: 
“Như hoa tàn hoa nở để ta tin”
Đọc ông không nhiều, thảng hoặc trên những trang báo văn nghệ, với những bài thơ nhẹ bẫng ngôn từ mà day dứt ý tứ. Chẳng hạn, những câu thơ này: 
“Nghe gió mưa xao xác 
Bồi hồi biết mùa đi
Lá rơi bên thềm vắng
Lại lo ngày phân ly”. 
Tôi đã nghĩ, ông hẳn đã đi qua rất nhiều buồn vui, chiêm nghiệm ở đời, đã thu xếp hết mọi ồn ào con sóng, về ngồi lại bên hiên nhà, chìm sâu trong những ngẫm ngợi riêng mình, để viết. Cảm thức về thời gian, về đời sống, những héo tàn còn mất cứ dâng lên. Và buồn đau, dĩ nhiên, như chiếc bóng luôn song hành với người trót vương phận thi nhân. Nhưng buồn đau trong thơ ông là đã thanh lọc, đã trong suốt, như gương soi. Và ta chợt nhận ra mình, trong những câu thơ như vậy.
Nhà thơ Cao Xuân Thái sống và làm việc ở Hà Giang. Ông yêu mảnh đất miền Đông Bắc Tổ quốc. Thơ ông luôn đậm phong vị của không gian văn hóa vùng đất này. Ông sinh năm 1948 tại Vương quốc Thái Lan, quê gốc Ninh Bình, nhưng rồi duyên nợ cuộc đời đưa ông đến với vùng đất Hà Giang và sống gắn bó phần lớn cuộc đời mình nơi đây. Giống như nhiều người cầm bút cùng thế hệ, nhà thơ Cao Xuân Thái cũng trải qua một thời binh nghiệp. Những năm tháng tuổi trẻ của ông gắn với chiến trường, bom đạn. Ông ở mặt trận Tây Nguyên từ 1967, rồi về Quảng Trị từ 1971 đến khi đất nước hòa bình.
Cho dù đã từng có danh vị đứng đầu Hội văn nghệ địa phương, Cao Xuân Thái vẫn luôn ẩn mình trong tâm thế của một nhà thơ có phần ẩn dật. Ông ít tuyên ngôn trên diễn đàn, cũng ít xuất hiện những chốn văn chương ồn ào. Ông thường viết trong sự một mình, trong tĩnh lặng gần như tuyệt đối. Tâm thế chối bỏ những gì hào nhoáng phô phang, những gì đông đúc ồn ã, những gì gọi là thời thượng, để hướng vào cõi lặng, cõi tĩnh trong sâu thẳm bản thể mình thể hiện rất rõ trong thơ Cao Xuân Thái. 
Mặc ai hào nhoáng thảnh thơi 
Câu thơ tôi viết cho vơi nhọc nhằn 
Lạnh đêm rượu đắng lên tăm
Mảnh trăng con mắt đăm đăm phương trời”. 
Hay trong một bài thơ khác: 
“Lao xao mãi chốn thị thành 
Được thua, toan tính, điềm lành ít đi 
Phận ta thì mỏng tí ti
Ngấm bao gió bụi có khi mất mình…. 

Đó chính là những phút giây “ngộ” của nhà thơ- người đã đi qua mọi thăng trầm của cuộc đời, đã ngấm tuyết sương nhân thế, đã thấu sự hữu hạn của thời gian, sự vô lý của kiếp người…
Nhận tập thơ mới nhất của ông, qua đường bưu điện, tập thơ Thu vàng ở lại, trong những ngày cuối xuân, lòng kẻ cầm bút như tôi sao thoáng một bùi ngùi. Như một cảm tác về sự trôi chảy vô thường của thời gian từ đâu xô tới. Thật chả hay gì một sự nhạy cảm không cần thiết, nhưng tôi đã đọc những dòng đầu tiên của bài thơ Uống rượu một mình: 
Đèn một ngọn 
Rượu một bình 
Với ta
Tay nâng ngất ngưởng cũng khà 
Mình đây với bóng 
Hóa ra hai mình 
Chén cay đắng
Chén nhân tình 
Buồn vui
Mình với lòng mình
Đêm nay
Vơi bình 
Lòng chửa muốn say 
Đã nghe ngọn gió vơi đầy 
Tàn thu…. 
Trong vội vã của phố phường, đọc thơ Cao Xuân Thái, nghe lòng như chậm lại. Nghe một nỗi buồn rất êm mà buốt nhói. Những chữ rất buông, rất nhẹ, mà thấy mất mát, hoang hoải, thấy hư vô phủ ngập trước mắt mình. Thấy ồn ào, loanh quanh, thấy phù phiếm, bon chen là phù du, vô nghĩa lý. Có một “bài học” nào từ sâu trong ta đang dạy bảo ta một chút gì về đời sống, mà không hề giáo điều. Và tôi nghĩ, thi ca đích thực luôn là như vậy. Nó đánh thức, vỗ về, yên ủi. Nó làm cho đời sống nào đó trong tinh thần của ta nhẹ như sương...
Trò chuyện với Cao Xuân Thái qua thơ, có thể nhận thấy, ông là con người tỉ mỉ, cẩn trọng. Tuyệt không thấy một câu chữ xuề xòa nào ở ông, dù trong một bài thơ ngắn hay một bài viết dài. Tỉ như ông là người thợ kim hoàn đã ngồi cần mẫn chuốt những xù xì thô ráp để có một chiếc nhẫn ưng ý cho đời. Nhưng so sánh thế là ở nghĩa tinh thần. Để hình dung nhà thơ đã ngồi im lặng thật lâu trong cảm xúc của mình, đợi cho những cơn sóng trào tâm trạng qua đi, đợi cho lắng xuống những phù sa tinh tế nhất, mà đổ vào trang giấy những chắt chiu tận cùng của mình. Như bạn ông, nhà thơ Lê Na đã viết về ông: 
Nhà thơ không treo tường 
Mài tim ra làm mực”, 
“Viết dăm chữ mỗi ngày 
Cả đời thơ nhặt nhạnh 
Khi sách bút buông tay 
Tình thơ còn lấp lánh”.
Thơ Cao Xuân Thái buồn và đau. Tôi chắc một điều rằng ít khi đang vui mà ông viết. Và ngay cả niềm vui, trong cảm nhận của tâm hồn thi nhân nhạy cảm như ông, thì đã ẩn giấu bóng dáng đâu đó của nỗi buồn. Buồn nhân tình thế thái, buồn vì những dự cảm mất còn của đời sống, buồn vì thời gian trôi như con đò mỗi ngày xa bến cũ... Ông rất nặng lòng thế sự. Tôi đã lặng đi khi đọc bài thơ ông viết về những phận người vì hoàn cảnh nghèo khó phải mưu sinh nơi xứ người: 
Trên mỗi cánh bay viễn xứ
Con người thiên di về miền đất hứa
Tìm giàu sang chưa rõ hình hài
Tiếng lá lìa cành đau một phận người
Đồng đô la lạnh băng
Tuyết rơi bàng hoàng
Đêm trắng xa xăm... 
Trái tim nhà thơ là vậy, luôn xót xa trước mọi cảnh ngộ cuộc đời. Thơ Cao Xuân Thái giàu chất suy tưởng, giàu triết lý, chiêm nghiệm. Giàu triết lý mà không cao ngạo, mà điềm đạm, giản dị, đời thường. Câu chữ của ông xem ra càng nhẹ càng đau, càng nhẹ càng sâu sắc. Chẳng hạn: 
May mà vẫn còn nhiều điều tốt 
Để ta hy vọng mỗi ngày 
Kẻ hãnh tiến thì cứ hãnh tiến
Còn giọng họa mi tự nó đã hay....
Những năm tháng làm việc, sống và viết ở miền núi đã chưng cất trong trái tim nhà thơ Cao Xuân Thái một tình cảm thiết tha với văn hóa miền núi. Ông đi nhiều, khắp các dải đất vùng cực bắc Tổ quốc đều in dấu chân của ông. Ông yêu cao nguyên đá Hà Giang đến mức mọi người phát ghen. Không chỉ làm thơ về vùng đất này, ông còn viết nhiều bút ký, ghi chép gây xúc động lòng người. Ông là một trong những tác giả viết hay nhất về cao nguyên đá.
Nghỉ hưu, tạm biệt những công việc bận rộn, nhà thơ lui về sống trong cõi riêng của mình. Viết và viết, không nặng nề như một nhiệm vụ, nhưng cũng không đơn thuần là một thú vui. Viết là trút bỏ những suy tư lên trang giấy. Là một cuộc trò chuyện bất tận với chính mình. Thơ Cao Xuân Thái ở quãng đời ông đã nghỉ hưu mang một màu sắc suy tưởng mới. Tâm hồn ông như hòa cùng thiên nhiên, chất tự sự mạnh hơn. Như thể mỗi ngày ông thường ngồi trong khu vườn của mình, chìm đắm trong mùi hương của các loài hoa, trong sương mờ đặc trưng và mùi đất đai quen thuộc của vùng văn hóa Đông Bắc, mà ngẫm ngợi. Một sự trễ nải nào đó của tâm trạng, hay là sự trở về chính mình của một người đã đi qua rất nhiều hỉ nộ ái ố của cuộc đời. Không tĩnh lặng đến thế, không thể nào có những câu thơ làm thức tỉnh người đọc như thế này: 
Làm sao tôi đến được vùng em- Ánh Sáng
Khi bóng tối luôn rình rập chờ lên ngôi
Khi bàn tay nhũn yếu cũng muốn ngăn nguồn sáng 
Muốn che lấp nhau
Bạc tiền, danh lợi... muốn che lấp ta 
Giữa năm tháng không yên tĩnh này 
Một khoảng tối trong hồn là điều không thể...
Lại nói về tĩnh lặng, dường như bi kịch của người cầm bút hôm nay là không có một “khoảng tối” đủ lớn cho chính mình, để nuôi dưỡng mọi nghĩ suy, để giàu có những thương yêu, chối bỏ, để nhìn đến đáy mọi đau buồn nghịch lý cuộc đời. Đâu đó, không hiếm để ví dụ những người cầm bút bị ồn ào cuốn đi. Văn chương thời thượng là khái niệm mới mà không ít người đã vô tình làm tăng thêm nội hàm của khái niệm này. Viết như son phấn cuộc đời. Viết để đuổi theo những giá trị nhất thời. 
Thơ như thể mặt hàng
Viết theo mùa vụ 
Vừa có danh vừa có tiền
Câu chữ cũ tự lặp lại mình 
Hớn hở một lời thiên hạ ngợi khen 
Thế giới bây giờ nhiều hệ giá trị đảo lộn 
Thơ thật và thơ giả
Thơ đồng quê, xa lông, tháp ngà 
Họ tung hô những lời thật “hot”... 
Ngẫm về nghề viết như vậy, là đau, là buồn. Nhưng cũng vì ngẫm về nghề như vậy, mà nhà thơ của miền núi cao biên ải Cao Xuân Thái đã định vị một điểm ngồi của mình, rất điềm nhiên trong thi ca. Là ông chỉ viết những đau thật, buồn thật, không vay mượn, đánh tráo. Ông tự dặn mình: 

Văn chương- cuộc đời cũng là vượt dốc 
Phải vượt
Không vượt qua tự lạc mất mình. Bởi vì ông đã thấu mọi nỗi cô đơn, nghiệt ngã của người cầm bút. Không thể khác, viết chính là “phơi bày” mình, là bóc vỏ mình. Viết như dứt những giằng xé trong sâu thẳm mình, cho nó một hình hài trên trang giấy. Nên, ông cũng chả thiết tha với những loại bạn đọc tìm thi ca như tìm son phấn, xiêm áo làm vì.
Nhà thơ Cao Xuân Thái những ngày này đang phải chống chọi với một căn bệnh hiểm nghèo. Giữa những đợt điều trị đi về vất vả, giữa những đau đớn thể xác, ông vẫn giữ một tâm hồn bình thản, an nhiên để làm thơ. Những ngày trên giường bệnh, ông biết ơn những người bác sĩ, hộ lý chăm sóc mình rưng rưng vì những cuộc gọi của bạn bè. Những hỏi han ân cần chia sẻ và động lực cho ông quên đi những cơn đau. Nhưng trên hết, vẫn là một bờ vai của người đàn bà của đời ông, cho ông dựa vào, yêu thương ấm áp. 
Sau trước vẫn là em
Bờ vai ấm cho tôi nương tựa
Bờ vai tin cậy lúc tôi ngã lòng
Hàng tháng ăn đứng ngủ ngồi khó nhọc
Tóc trên đầu bạc một nửa vì anh.... 
Em - trong trái tim một nhà thơ, là bóng cây xỏa những mát lành vào ngày tháng. Những đắng cay mệt nhoài rồi sẽ qua đi. Như câu thơ ông viết: 
Bỏ khối u là để sạch mình 
Khi cuộc sống có quá nhiều ô nhiễm.... 
Thái độ lạc quan, một chút trào lộng và cũng là rất nhiều yêu thương dành cho cuộc đời này. Như người thơ luôn còn “Em” như bến đợi để quay về sau mưa nắng. Để những câu thơ còn vang trong một khoảng tối đủ lớn nào đó của tâm hồn. Để trải nghiệm nông sâu của tình yêu và của cuộc đời vốn hữu hạn. 
Khi cái “được đi” cùng “cái mất”
Như hoa tàn hoa nở để ta tin...
Theo http://www.baomoi.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...