Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

Đi tìm thơ hay

Đi tìm thơ hay 
Thế nào là thơ hay? tại sao thơ Việt Nam hiện nay có rất ít bài thơ hay? Vấn đề này luôn ám ảnh tôi. Nhân đọc bài “Thơ hay sao không ở chữ nghĩa“ của Nguyễn Đình San (Văn Nghệ số 23, ngày 9/6/07) tôi thấy có nhiều điều thú vị và muốn được chia xẻ những cảm nghĩ của mình.
Ông Nguyễn Đình San chê tất cả các ý kiến tranh cãi là “Rắc rối và sặc mùi lý luận“, rồi đưa ra ý kiến của mình: “Nhưng tôi lại cho rằng chẳng có gì đáng phải bàn cãi xung quanh vấn đề thế nào là thơ hay, bởi một bài thơ hay đơn giản chỉ là: đọc xong người ta thấy thú vị và nhớ“. Ông chỉ ra yếu tố quyết định thơ hay: ”Cho nên theo tôi rốt cuộc vẫn chỉ là chữ nghiã.” Ông khẳng định: ‘Những người làm thơ giỏi, tạo nên cái hay chính là biết dùng nó đúng văn cảnh, phù hợp nhất mà không thể thay bằng từ khác“. Ông kết luận: “Khuynh hướng cuả nhiều bạn trẻ làm thơ hiện nay..nhiều khi khiến người đọc chẳng hiểu họ muốn nói gì; thậm chí nếu có hỏi họ muốn diễn tả ý gì thì chính họ cũng lúng túng, không sao khiến người hỏi có thể hiểu. Nhưng đâu phải họ thiếu tình; chẳng qua không biết dùng từ ngữ, chữ nghiã đúng chỗ, hợp ‘văn cảnh‘ mà thôi“. Nói gọn một câu, theo ông Nguyễn Đình San, chỉ cần dùng từ ngữ chữ nghiã cho đúng chỗ, hợp’văn cảnh’ là có thơ hay.
Tôi không tin vấn đề lại đơn giản như thế. Đúng là người viết văn làm thơ là những người phải đánh vật với con chữ, nhiều khi bất lực trước trang giấy trắng, ngòi bút nặng nề đến nỗi không sao cất lên thành lời. Nhưng cho rằng người làm thơ muốn có thơ hay chỉ cần “biết dùng từ ngữ, chữ nghiã đúng chỗ, hợp ‘văn cảnh‘, thì hoá ra bảo rằng nhà thơ Việt Nam hiện nay không biết dùng từ?. “Biết dùng từ ngữ, chữ nghiã đúng chỗ, hợp ‘văn cảnh‘ là yêu cầu rèn luyện ngôn ngữ trong những  bài tập dùng từ cuả học sinh Tiểu học. Đó mới chỉ là yêu cầu thấp nhất cuả việc học ngôn ngữ. Chẳng lẽ làm thơ chỉ cầu yêu cầu như thế? Hơn nưã, khi thấy ông Nguyễn Đình San chê lý luận, tôi nghĩ chắc ông sẽ khám phá nhiều điều từ thực tiễn thơ Việt Nam, vì “thực tiễn cao hơn lý luận“. Nhưng cả bài viết, ông chỉ nhắc đến tên bài bài thơ Học Trò Trường Huyện cuả Nguyễn Bính, trích một câu cuả Nguyễn Đình Thi, một câu cuả Xuân Diệu và  một vài câu thơ lẻ không ghi tên tác giả (ông gọi  là “một nhà thơ nọ“, một thi sĩ nọ‘), rồi từ đó ông khái quát lên nhận định có tính chân lý cuả mình, quả thực, cách “lập thuyết“ như thế không thể thuyết phục được người đọc, vì nó không dựa trên sự phân tích khoa học những nguồn dữ liệu có đủ độ tin cậy.
Xin đi sâu vào vài vấn đề.
1. Trước hết, thế nào là thơ hay?
Ông  Nguyễn Đình San có một đoạn “lý luận“ rất hay (!): “Thơ hay như một cô gái hấp dẫn. Tiếp xúc qua chỉ một lần cũng khiến trái tim ta rung động. “phải lòng“ rồi ta cứ vấn vương mãi hình ảnh ấy và luôn luôn ước muốn có được cô trong cuộc sống cuả mình. Không đạt được thì tơ tưởng, có khi phát ốm. Thơ hay cũng phải giống như vậy…Bài thơ ấy, cô gái ấy phải vưà quen vưà lạ. Quen dễ khiến ta có lòng tin, còn lạ lại hấp dẫn, lôi cuốn ta vì nó thoả mãn tính hiếu kỳ cố hữu cuả con người “.
Tôi phỏng đoán rằng chắc ông tâm đắc với đoạn “lý luận“ này lắm, vì tôi hình dung ra tất cả sự sung sướng  rạng rỡ trên khuôn mặt ông, tràn ra thành cái say sưa trên câu chữ.
Ai cũng biết  mọi so sánh đều khập khiễng. So sánh cô gái hấp dẫn với thơ hay càng khập khiễng, vì sự hấp dẫn cuả cô gái với phái mày râu, trước hết là sự hấp dẫn có căn nguyên dục tình. Chẳng lẽ thơ hay cũng quyến rũ người đọc như thế? Không lấy được cô gái hấp dẫn ta có thể tương tư, nhưng trên đời này, tôi chưa thấy ai không đọc được bài thơ hay, lại cứ tơ tưởng, có khi phát ốm!
Có thể nhận thấy  cách đọc thơ cuả ông là cách đọc cảm tính, nhận thức bằng cảm giác, tiếp cận tác phẩm bằng trạng thái mơ hồ cuả “trái tim ta rung động… “phải lòng“ rồi ta cứ vấn vương“. Cảm giác rằng hay thì đó là bài thơ hay, cảm giác rằng dở thì đó là thơ dở, sự đánh giá hay, dở không cần theo tiêu chí  khoa học cuả cuả bất cứ “lý luận “ gì. Ông nhấn mạnh: “...một bài thơ hay đơn giản chỉ là đọc xong người ta thấy thú vị và nhớ…Đọc xong bài thơ, người ta trỗi dậy được một cảm giác nào đó…Bài thơ ấy, cô gái ấy phải vưà quen, vưà lạ. Quen với cái nghiã vừa tiếp cận ta đã cảm thấy có sự gắn bó. Còn lạ thì cũng dễ hiểu: đó là sự độc đáo, có nét riêng, không lẫn lộn với ai, không giống mọi cái khác phổ biền, tầm thường. Quen dể khiến ta có lòng tin, nhanh nảy sinh tình cảm thân thương, còn lạ lại hấp dẫn, lôi cuốn ta vì nó thoả mãn tính hiếu kỳ cố hữu cuả con người”
Người ta đã làm thí nghiệm này: Một tay nhúng vào chậu nước thật nóng, tay kia nhúng vào chậu nuớc thật lạnh, rồi nhúng cả hai tay vào chậu nước vưà, để xem cảm giác ra sao. kết quả là, tay nhúng vaò chậu nuớc nóng thì cảm thấy mát và tay nhúng vào chậu nước lạnh thì cảm thấy ấm. Cùng trên một thân thể, cùng nhúng vào một chậu nước, mà hai tay có hai cảm giác khác nhau.
Rõ ràng nhận thức bằng cảm giác, cảm tính không  cho ta tiếp cận chân lý. Trong thực tế đời sống, tiếp cận bằng cảm giác, cảm tính luôn mang đến ngộ nhận. Cũng cần phân biệt cách tiếp cận bằng cảm giác với cách tiếp cận bằng trực giác. Nếu chỉ bằng cảm giác, cảm tính ta không thể nào xem được tranh lập thể cuả Picasso, càng không thể thưởng thức đựơc những tác phẩm Siêu thực, hoặc những bài thơ hiện đại (xin đọc bài Elsa Ngồi Trước Gương cuả L. Aragon  hoặc bài Những Cửa Chớp cũng của L.Aragon - Tạp chí Thơ số 7, 8, tháng 1&2/ 2004 sau đây:)
“Cửa chớp cửa chớp cửa chớp
Cửa chớp cửa chớp cửa chớp
Cửa chớp cửa chớp cửa chớp cửa chớp
Cửa chớp cửa chớp cửa chớp cửa chớp
Cửa chớp cửa chớp cửa chớp
Cửa chớp“
Cũng vậy, bằng cảm giác, ta không thể thưởng thức được những tác phẩm nhạc Giao Hưởng. Đó là loại nghệ thuật của trí tuệ. Người nghe phải có tri thức về nhạc, về hoà âm, phối khi, về cấu trúc tác phẩm, về các trường phái âm nhạc và phải hiểu biết cả tư tưởng cuả tác giả nữa ... Không có tri thức Thiền, không hiểu mỹ học Thiền, không có Trí huệ Bát Nhã, thì người đọc sẽ hoàn toàn mù trước một bài thơ Thiền, cảm giác không giúp ích gì.
Tính “vưà quen vưà lạ“ cũng không là đặc điểm cuả thơ, mà là đặc điểm cuả nhân vật điển hình trong những truyện viết bằng bút pháp hiện thực. Thơ nói bằng phương thức trữ tình, không phải phương thức tự sự như truyện, vì thế phép điển hình hoá không phải là nguyên tắc làm thơ. Thơ là tiếng lòng, là sự vận động cuả tâm trạng cá nhân, là mạch chảy không ngừng cuả suy tưởng hiện sinh. Nhà thơ không bao giờ áp đặt tâm trạng, mạch suy tưởng, trạng thái hiện sinh cuả cá nhân vào những khuôn mẫu cuả điển hình hoá, để cho ra đời những bài thơ hay “vưà quen vưà lạ“, để đánh vào tâm lý hiếu kỳ cuả người đọc. Người đọc tìm đến thơ vì cái hay cuả thơ, để được hưởng thụ cái đẹp cuả tâm hồn, cuả tình cảm, cuả trí tuệ, thông qua cái đẹp cuả ngôn từ. Cái đẹp là bản chất cuả nghệ thuật, cũng là cuả thơ ca. Nghệ thuật là sự sáng tạo ra cái đẹp. Những người đọc thơ vì “hiếu kỳ“ hoặc để  “thoả mãn tính hiếu kỳ“ thì không bao giờ là tri kỷ cuả nhà thơ được.
Nói đến  tính “vưà lạ vưà quen” như là một tiêu chí cuả thơ hay, phải chăng Ông Nguyễn Đình San vận dụng quan điểm cuả các nhà Hình Thức Chủ Nghiã Nga đầu thế kỷ XX? Theo Shklovski, trong đời sống hàng ngày, ngôn ngữ đã được dùng đi dùng lại quá nhiều lần, đến nỗi nó trở nên quen thuộc, sờn mòn hết ý nghĩa, nó trở nên trơ, không còn gây được hiệu quả gì với người nghe, vì thế cần phải lạ hóa thứ ngôn ngữ quen thuộc bằng từ mới, cách dùng từ độc đáo, hình ảnh lạ...Đúng là viết văn làm thơ, trước hết là sự sáng tạo ngôn ngữ. Hoàng Cầm, Quang Dũng, Trần Dần, Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng làm mới thơ sau 1945 trước hết bằng sự sáng tạo ngôn ngữ. Trước 1945 Xuân Diệu độc đáo trước hết ở khả năng “lạ hoá“ ngôn ngữ, mà ngày nay đọc lại ta vẫn còn thấy mới. Xin đọc:
                          “Chiều mộng hoà thơ trên nhánh duyên
                           Cây me ríu rít cặp chim chuyền
                           Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá
                           Thu đến nơi nơi động tiếng huyền …
                            (Thơ Duyên - Xuân Diệu)

Những từ “hoà thơ, cây me ríu rít, nhánh duyên, đổ trời xanh ngọc“ được dùng theo kỹ thuật “lạ hoá“ ngôn ngữ, tạo ra trường nghiã khác với ngôn ngữ đương đại, đem đến cho người đọc sự thú vị trong việc khám phá ngôn từ.
Nhưng lạ hoá ngôn ngữ như trong bài Buồn Xưa cuả Nguyễn Xuân Sanh lại là cách làm cho người đọc tuyệt không thể hiểu bài thơ nói gì. Nguyễn Xuân Sanh tạo sự “lạ hoá“ bằng cách đem những từ ngữ trong các trường nghiã khác nhau đặt bên nhau, xé nát cấu trúc hình tượng, rồi lắp ghép vào những chiều không gian khác nhau, để phá vỡ cách nhận thức bằng tư duy logic cuả người đọc, khiến bài thơ trở thành một rừng chữ nghiã, không sao thâm nhập được. Chữ nghiã sờ sờ trước mắt ta, nhưng lại “nằm ngoài tầm kiểm soát “cuả trí não ta, nằm ngoài cấu trúc và cách mã hoá cuả ngôn ngữ đời thường. Xin thử đọc:
Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi
Hồn xanh ngắt chở dấu xiêm y
Rưọu hát bầu vàng cung ướp hương
Ngón hường say tóc nhạc trầm mi
Đẵng xuân
Bờ giũ trái xuân sa
Đáy điã muà đi nhịp hải hà
Nhài đàn gót nguyệt vú đôi thơm
Tỳ bà sương cũ dựng rừng xa
Buồn hưởng vườn người vai suối tươi
Ngàn mày tràng giang buồn muôn đời
Môi gợi muà xưa ngực giưã thu
Duyên vàng do lộng trái du ngươi
Ngọc quế buồn nào gợi tóc xưa
Hồn xa chĩu sách nhánh say sưa
Hiến dâng
Hiến dâng quả bông hường
Hoàng tử nghiêng buồn vây tóc mưa
Đường tàn xây trái buổi du dương
Thời gian ơi tưới hận chìm tường
Nguồn buồn lạnh lẽo thoát cung hơi
Ngọt ngào nhờ chảy tự trăm phương
(Buồn Xưa -Nguyễn Xuân Sanh)
Có lẽ bài thơ này là bài thơ hay theo đúng tiêu chí cuả ông Nguyễn Đình San vì nó lạ: “đó là sự độc đáo, có nét riêng, không lẫn lộn với ai, không giống mọi cái khác phổ biến, tầm thường“. Để đọc bài thơ này, không thể dung cảm giác mà đánh giá bài thơ hay dở. Tôi nghĩ rằng ngay cả những tác giả trẻ đang học đòi kỹ thuật thơ Hậu Hiện Đại cũng không hiểu và  làm nổi một bài thơ “hay“ như thế .
2. Thơ hay ở cái tình cái tâm hay ở chữ nghiã?
Ông Nguyễn Đình San bác bỏ quan điểm cho rằng ”thơ hay cốt ở cái tình, cái tâm“, ông khẳng định “ …theo tôi rốt cuộc vẫn là chữ nghiã. Chỉ có điều cái chữ nghiã ấy có hiệu quả thông tin ra sao mà thôi ..”
Ai cũng biết điều này: cái đẹp cuả một người hay cuả một tác phẩm là cái đẹp có sự sống. Khi tách khỏi cơ thể, từng bộ phận sẽ mất đi sự sống, cái đẹp cũng chết theo. Người ta kể chuyện, nhờ Kinh Kha sang Tần để giết Tần Thuỷ Hoàng (221-206 trCn), thái tử Yên Đan đã hết sức trọng đãi Kinh Kha. Một lần, cung nữ dâng rượu cho Kinh kha có bàn tay rất đẹp, Kinh Kha khen bàn tay ấy. Thấy vậy, thái tử Yên Đan cho chặt bàn tay người cung nữ  tặng cho Kinh Kha. Than ôi! còn đâu bàn tay đẹp.
Cũng vậy, cái hay cái đẹp nghệ thuật cũng tồn tại trong  tổng thể tác phẩm, trong mọi yếu tố cuả tác phẩm văn chương, từ ngôn ngữ, đến cấu trúc, nhân vật, bút pháp, phong cách, nội dung, tư tưởng… Thơ hay không chỉ ở “hiệu quả thông tin“ cuả chữ nghiã. Ngôn ngữ thông tin không phải là ngôn ngữ cuả tác phẩm văn chương, đó là ngôn ngữ báo chí. Ngôn ngữ thông tin có tính đơn nghiã, tính chính xác, tính thời sự, tính phổ cập... Ngôn ngữ văn chương là ngôn ngữ nghệ thuật .Ngôn ngữ văn chương có tính biểu cảm, tính đa nghiã, tính hình tượng, tính phong cách, tính thẩm mỹ và cả tính hàm hồ. ..  
Xin nêu thí dụ về tính hàm hồ cuả ngôn ngữ văn chương: Câu thơ “Sông dài trời rộng bến cô liêu“ (Tràng Giang - Huy Cận) đã được một học sinh thi Đại Học giảng nghiã như sau: “bến cô liêu“ là bến sông, nơi ấy có cô gái tên Liêu tự tử chết, vì thế người ta đặt tên bến sông ấy là “bến cô liêu“. Một thí dụ khác: Câu thơ Kiều nói về Từ Hải “Râu hùm hàm én mày ngài/ vai năm tấc rộng thân mười thước cao“ có giáo viên giảng rằng: Từ Hải có râu Hùm, tua tuả như râu mèo. Từ Hải cao lênh khênh vì bề ngang vai chỉ có 5 tấc mà lại cao mười thước. Câu thơ nói về Mã Giám Sinh “mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao“ cũng một thời gây tranh cãi trên báo … Lấy chuẩn mực nào để bảo rằng những cách giãi thích ấy là sai? Các nhà Hậu Cấu Trúc Luận (Post-Structuralism)  như Michel Foucault, Jacques Lacan, Roland Barthes, Jacques Derrida, cho rằng, văn bản là một cái gì luôn luôn dở dang, luôn luôn được hình thành, tồn tại trong quá trình ‘sản xuất’ liên tục và vì thế tiến trình tìm giải nghĩa văn bản là một tiến trình bất định và hầu như vô giới hạn…
Nếu coi  hiệu quả thông tin cuả ngôn ngữ  là tiêu chí xét thơ hay, dở thì bài  thơ con cóc (thơ dân gian) sẽ là bài tuyệt hay, vì đó là ngôn ngữ thông tin chính xác, thoả mãn tính hiều kỳ cuả người đọc chưa biết con cóc là con gì, sinh hoạt ra sao!
 Con cóc trong hang
 con cóc nhảy ra
 con cóc nhảy ra
 con cóc ngồi đó
 con cóc ngồi đó
 con cóc nhảy đi
Và như thế bài thơ Con Cóc cuả vua Lê Thánh Tôn sẽ là thơ dở, vì ngôn ngữ không tạo ra hiệu quả thông tin
Bác mẹ sinh ra vốn áo sồi
Chốn hang thăm thẳm một mình ngồi
Chép miệng dăm ba con kiến gió
Nghiến răng chuyển động bốn phương trời
Rõ ràng Lê Thánh Tôn đã tạo ra một thế giới nghệ thuật, thế giới cuả cái đẹp, trong đó tâm hồn, tư tưởng, khí phách như mở rộng ra mãi trong không gian, thời gian. Ngôn ngữ biến hoá một cách tài năng, tạo ra nguồn năng luợng vô tận cho những cảm xúc thẩm mỹ nơi người đọc …
Câu thơ sau đây cuả Bùi Giáng, không biết có đem đến cho người đọc thông tin gì không, nhưng khi đọc lên dường như trí não ta không thể gỡ ra được.
Hoặc rằng người cũng là tôi
Hay là tôi cũng là tôi như người
Ấy rằng tinh thể đười ươi
Lời rằng quyết tuyệt và tươi vui và
Ấy rằng một cũng là ba
Là hai mai một mốt là hôm nay.

Câu thơ tuyệt nhiên chẳng có chữ nghiã nào xa lạ, nếu không nói đó là ngôn ngữ đời thường, ngôn ngữ được cố ý làm cho trở nên “tầm thường“. Nhưng cái hay cuả những câu thơ Bùi Giáng không ở chữ nghiã mà ở sự tài hoa cuả tác giả.
Cũng vậy, cái hay cuả thơ Nguyễn Bính, Hoàng Cầm, Quang Dũng trước hết  là ở sự tài hoa cuả hồn thơ, không chỉ ở chữ nghiã. Ở góc nhìn này, những bài thơ lục bát cuả Đồng Đức Bốn không sao sánh được với thơ lục bát cuả Nguyễn Bính , cuả Phạm Thiên Thư (xin đọc Cô Hàng Xóm - cuả Nguyễn Bính; Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng cuả Phạm Thiên Thư  và Chờ Đợi Tháng Ba cuả Đồng Đức Bốn)…Các nhà thơ trẻ hiện nay không ai có được sự tài hoa thần linh cuả Hoàng Cầm (Về Kinh Bắc), tài hoa trác tuyệt cuả Phạm Thiên Thư hay tài hoa diệu kỳ cuả “người điên“ Bùi Giáng. Một tác giả trẻ được công nghệ lăng xê tôn vinh là thiên tài vượt cả Nguyễn Du là Nguyễn Thế Hoàng Linh, nếu so với thế hệ đàn anh cũng chỉ  là cậu học trò Tiểu học còn đang tập “dùng từ ngữ, chữ nghiã đúng chỗ, hợp ‘văn cảnh‘ mà thôi “…

Hỏi tên rằng biển xanh dâu
Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa
Gọi tên? Rằng một hai ba
Đếm là diệu tưởng đo là nghi tâm

(Tặng Mã Giám Sinh - Bùi Giáng)
Mây làm thành dáng người bay
linh hồn tao ghép vào mày nhé mây
để bay một phát sang tây
rồi bay trở lại rơi đầy đất đai

(Hân Hoan – Nguyễn Thế Hoàng Linh)
Nếu chỉ căn cứ vào chữ nghiã, làm sao người đọc thưởng thức được lối thơ “ý tại ngôn ngoại“ hoặc thơ “vô ngôn“?
Thiên sơn điểu phi tuyệt
Vạn kính nhân tung diệt
Cô chu toa lạp ông
Độc điếu hàn giang tuyết

(Giang Tuyết - Liễu Tông Nguyên 773-819)
Nghìn non mất bóng chim bay
Muôn con đường tắt dấu giày tuyệt không
Kià ai câu tuyết bên song
Áo tơi nón lá , một ông thuyền chài

(Tuyết Trên Sông - Tản Đà dịch)
Tuyển đắc long xà địa khả cư
Dã tình chung nhật lạc vô dư
Hữu thì trực thướng cô phong dính
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.

(Không Lộ Thiền Sư–Thiền Uyển Tập Anh)
Dịch:
Kiểu đất long xà chọn được nơi
Tình quê lai láng chẳng hề vơi
Có khi xông thẳng lên đầu núi
Một tiếng kêu vang, lạnh cả trời

(Kiều Thu Hoạch dịch)
3. Phải chăng tác phẩm không có  can hệ gì với tác giả?
Sau khi bác quan điểm coi thơ hay là ở cái tâm cái tình, ông Nguyễn Đình San phủ định luôn mối quan hệ giưã tác phẩm  và tác giả. Ông viết “Tất cả những câu thơ, bài thơ mà ta thấy hay là nhờ ở cái gì? Không lẽ ta có ngọn đèn thần mà rọi vào trang giấy để xem thử cái tâm cuả tác giả hiện lên ra sao chăng? hay vẫn phải căn cứ vào chữ nghiã. Vậy nếu không cẩn thận thì chúng ta sẽ xem xét một bài thơ lại căn cứ vào những cái ngoài bài thơ, nhất là căn cứ vào tác giả ..”
Phải chăng ông Nguyễn Đình San đã nhìn vấn đề theo quan điểm cuả Cấu Trúc Luận? Cấu Trúc Luận (structuralism)  xác định tầm quan trọng và vai trò trung tâm của ngôn ngữ, văn bản, và  tuyên xưng cái chết của tác giả; Văn chương cuối cùng chỉ còn là cấu trúc văn bản, đoạn tuyệt với con người?!
Đúng là mỗi tác phẩm (thơ cũng như truyện) là một sinh thể tồn tại độc lập với tác giả. Tác phẩm có cấu trúc nội tại riêng, có sinh mệnh riêng, có thần thái cốt cách riêng, và khi đã ra đời, tác phẩm không còn là cuả tác giả, nhiều khi tác phẩm nói tiếng nói không trùng khớp với tiếng nói cuả tác giả.
Nhưng “văn là người“. Từ Plato cho đến các nhà phê bình mới Hoa Kỳ, trực tiếp hoặc gián tiếp, nhiều hoặc ít, người ta tin rằng một tác phẩm văn học, công trình sáng tạo, là con đẻ của của tác giả, diễn tả bản ngã của chính tác giả (Theo Nguyễn Minh Quân, "Từ lý thuyết đến phê bình”). Nội dung cuả tác phẩm chính là những “cuộc bể dâu“ mà tác giả đã trải nghiệm. Chủ đề, tư tưởng cuả tác phẩm chính là những vấn đề tác giả nghiền ngẫm, nung nấu. Thông điệp về chân lý trong tác phẩm mà tác giả muốn gửi tới người đọc, chính là sự giác ngộ cuả tác giả. Toàn bộ thế giới tâm hồn cuả tác giả được huy động để làm nên tác phẩm. Vốn ngôn ngữ dùng để viết là ngôn ngữ cuả riêng tác giả, dù rằng ngôn ngữ ấy là cuả cái cộng đồng. Và caí giọng điệu, cái tạng riêng cuả tác giả tạo nên cái giọng riêng cuả tác phẩm. Giọng Hồ Xuân Hương khác giọng Nguyễn Công Trứ. Giọng Trần Tế Xương khác giọng Nguyễn Khuyến, giọng Phạm Tiến Duật khác giọng Tố Hữu, giọng Xuân Quỳnh khác giọng Xuân Diệu…Không có giọng riêng, sẽ không có văn chương. Không thể phủ định cá tính sáng tạo cuả nhà thơ nhà văn trong tác phẩm.
K. Marx  chỉ ra  bản chất xã hội cuả con người, “Trong tính hiện thực cuả nó, bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội“ (K.Marx- Luận cương về Feuerbach, đoạn 6). Con người sống là sống trong xã hội. Nó chịu sự quy định phức tạp cuả ý thức và các mối quan hệ xã hội (Kinh tế, chính trị, luật pháp, đạo đức, phong tục, tập quán… ). Chủ nghiã Tân Duy Sử và Duy Vật Văn Hoá (New Historicism and Cultural Materialism), chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác, quan niệm văn học cần phải được đặt trong bối cảnh xã hội và văn hoá rộng lớn hơn: mỗi tác giả đều sống trong một thời đại nhất định, chịu ảnh hưởng và nội tâm hoá một số ý thức nhất định; những ý thức hệ ấy trở thành một phần trong tác phẩm của họ, bởi vậy tác phẩm của họ bao giờ cũng có tính lịch sử và bao giờ cũng ít nhiều tham gia vào sự tương tác giữa các quan hệ quyền lực trong xã hội. (dẫn theo Nguyễn Hưng Quốc)
Hơn bất cứ thể loại nào khác, thơ là tiếng nói trực tiếp cuả “cái tôi“ tác giả, vì thế đọc thơ là tiếp cận trực tiếp với tác giả trước khi nhận ra những giá trị khác cuả tác phẩm.
Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu? Một nửa
Cái cần viết vào thơ,
tôi đã giết đi rồi!
Giết một tiếng đau, giết một   tiếng cười,
Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ,
Tôi giết cái cánh sắp bay…trước khi tôi viết
Tôi giết bão táp ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ
Và giết luôn mặt trời trên biển,
Giết mưa và giết cả cỏ mọc trong mưa luôn thể
Cho nên câu thơ tôi gày còm như thế
Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình.
Và thơ này rơi đến tay anh
Anh bảo đấy là tôi?
Không phải!
Nhưng cũng chính là tôi - người có lỗi!
Ðã giết đi bao nhiêu cái
Có khi không có tội như mình!

(Trừ Đi - Chế Lan Viên)

Đọc những dòng thế như thế, người đọc sẽ nghĩ gì về thông điệp mà Chế Lan Viên gửi đàng sau chữ nghiã?
4. Đi tìm thơ hay.
Thưởng thức nghệ thuật là sự cảm thụ riêng cuả cá nhân. Có người thích thơ, có người cả đời không biết đến bài thơ nào. Một bài thơ có thể là hay với người này và không hay với người kia; Vì thế không thể có bài thơ hay với mọi người. Chẳng hạn việc tuyển 100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX, ban tuyển chọn cho đó là hay nhưng có người bảo rằng trong 100 bài thơ ấy có tới 50% hay 70% là bài dở .
Cũng có một thực tế  khác: đã có những bài thơ được nhiều người cho là hay và được truyền tụng qua nhiều thời, qua nhiều biên giới quốc gia. Thơ Đường không chỉ là thơ đời Đường (618-906) ở Trung Quốc, mà trở thành một nền thơ nhân loại.  Thơ R.Tagore (Lời Dâng - Gitanjali) được yêu mến trên toàn thế giới. Lịch sử văn chương Việt Nam cũng  để lại nhiều tác phẩm giá tri. Vậy  đâu là bản chất cuả vấn đề?
Thơ hay, dở trước hết tuỳ thuộc vào đối tượng người đọc và thời đại đọc thơ.
Người đọc là một thành tố quan trọng cuả sáng tạo nghệ thuât. Thuyết Người Đọc (reader theory) xem người đọc là nguồn nghiã chính. Tác phẩm văn chương là một cấu trúc khác với thực tại, nó có vô số những điểm bất định: mỗi điểm bất định như thế là những khoảng trống mà người đọc cần phải lấp đầy và cụ thể hoá để tác phẩm văn học từ một cấu trúc xương xẩu biến thành một đối tượng thẩm mỹ thực sự. Công việc lấp đầy các khoảng trống và cụ thể hoá những điểm bất định này đòi hỏi ở người đọc khả năng tưởng tượng cũng như phán đoán và chịu sự tác động của rất nhiều yếu tố khác nhau như học vấn, trình độ tư duy, trình độ trải nghiệm, phương pháp đọc, năng lực giải mã ngôn ngữ,.. Trong tác phẩm, tác giả đặt ra ý nghĩa còn người đọc tạo dựng liên nghĩa; ý nghĩa chỉ có một và cố định trong khi liên nghĩa có thể thật nhiều và biến đổi theo thời gian, mọi sự diễn dịch đều là cuộc đối thoại vô tận. Người đọc còn mang theo một hệ thống liên chủ thể hoặc một hệ thống quy chiếu dùng để đánh giá khi tiếp cận tác phẩm. Người đọc còn là một thành viên cuả một ‘cộng đồng diễn dịch’, bao gồm những hệ thống niềm tin, quy phạm và quy ước chung về văn học để dựa theo đó các cá nhân đọc, diễn dịch và đánh giá các tác phẩm văn học. v.v... Chính vì vậy, cái đọc biến dạng từ người này qua người khác, thậm chí, ở từng người, biến dạng từ lần đọc này qua lần đọc khác (dẫn theo Nguyễn Hưng Quốc - Các lý` thuyết phê bình)
Thời kháng chiến chống Pháp, người đọc là quần chúng công, nông, binh vưà thoát nạn mù chữ, lại đọc thơ trong hoàn cảnh chiến đấu gian khổ, thì những bài thơ giàu tính quần chúng sẽ được quần chúng đánh giá hay.
“Giọt giọt mồ hôi rơi
Trên má anh vàng nghệ
 Anh vệ quốc quân ơi
Sao mà yêu anh thế ..”
(Cá Nước – Tố Hữu)
Cũng vì thế mà Đất Nước - Nguyễn Đình Thi; Màu Tím Hoa Sim –Hữu Loan; Tây Tiến-Quang Dũng .. bị phê phán 
Vô tri bất mộ. Không hiểu biết thì không yêu mến, người trẻ hôm nay không cảm thụ được cái hay cuả Đoạn Trường Tân Thanh  nếu không đuợc giảng giải tường tận về từ ngữ, điển tích, thi pháp, hoàn cảnh xã hội, tài năng sáng tạo cuả Nguyễn Du. Em Nguyễn Phi Thanh, học sinh giỏi văn lớp 11A18 Trường THPT Việt Đức, Hà Nội, tại kỳ thi học sinh giỏi các lớp không chuyên của Hà Nội, tổ chức giữa tháng 3/2005 đã viết như sau: “ Đề bài thi học sinh giỏi năm nay là “Giới thiệu vẻ đẹp của tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” nhưng thực sự em không hề thích tác phẩm này, như vậy em có thể viết hay được không? Em có thể chắc chắn rằng trong số 10 học sinh như em thì có 9 người cũng không thích tác phẩm này. Đơn giản bởi vì bọn em không sống trong thời chiến tranh, bọn em không thể rung động trước một bài tế khi mà thực sự bọn em đang sống trong thời bình. Bọn em không quay lưng với lịch sử nhưng có nhiều cách để bọn em hiểu về lịch sử dân tộc...Em không thích tác phẩm này vì nó quá cứng nhắc, khó hiểu. Em đọc xong mà không hề có một chút xúc động hay xót thương, như vậy là lỗi tại em hay tại nhà văn không truyền tải được đến người đọc?...Lỗi không phải ở em, mà lỗi ở thầy cô không giúp các em hiểu những giá trị cuả tác phẩm. Tự các em không thể hiểu được đúng đắn tác phẩm, trình độ tư tưởng, tư duy  nghệ thuật, kiểu ngôn ngữ và thời đại cuả Văn tế Nghiã Sĩ Cần Giuộc đã khác với thời đại em đang sống. Bằng cảm giác,  em chỉ viết được là “không thích, không thể rung động ..” mà thôi.
Chương trình Văn hiện nay, học sinh lớp bảy được học thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ, học Cảnh Khuya, Rằm Tháng Giêng cuả Hồ Chí Minh, tôi nghĩ rằng điều ấy là quá sức đối với học sinh và với cả thầy cô giảng dạy. Thơ Đường là kiểu thơ tư tưởng. Tư duy thơ Đường là tư duy thiên về trí tuệ. Tứ thơ Đường là loại tứ thơ “ý tại ngôn ngoại“. Thơ Chữ Hán cuả Hồ Chí Minh cũng được viết với tư duy nghệ thuật như thế, hơn nưa, những bài thơ ấy được kết tinh từ tâm hồn một con người uyên bác văn chương, văn hoá Đông, Tây, lại trải nghiệm mọi cảnh đời khắp năm châu bốn bể, học sinh lớp 7 làm gì có được trình độ như thế về trải nghiệm, về tâm hồn, về năng lực đọc, để hiểu và cảm thơ. Nếu các em có chê  thơ không hay, ấy là tại trình độ cuả các em, không phải tại thơ dở. Đối với người bình dân thì ca dao là hay. Thơ lãng Mạn (1930-1945) chỉ hạp với khẩu vị thanh niên thành thị Tiểu Tư sản. Thành thị đương thời. Vì thế có hiểu thơ mới cảm được cái hay cái đẹp cuả thơ.
Nhưng để hiểu thơ thật không dễ. Hoàng Cầm tâm sự: khi làm thơ ông phải đào xới mạch cảm xúc để cho “ngôn thi, tâm thi và thần thi đều có thể xuất hiện trên trang viết Và cùng lúc đó thì có ba cái "thức" đều phải vận động, phải làm việc cho thơ. Đó là ý thức, tiềm thức và vô thức, cũng đủ cả một cặp: trí thức và tâm thức nữa, nhất là với toàn tập Về Kinh Bắc, tôi đã huy động tất cả nội lực của mình: cả thể lực, trí lực, tâm lực và đương nhiên, ở tôi, thần lực thường tự động làm bật ra rất nhiều lời thơ lắm khi tưởng như vô nghĩa, mà ngay bản thân tôi cũng không hiểu những từ ngữ chính mình viết ra mang ý nghĩa gì cụ thể. Ai hỏi tôi lá Diêu bông, cỏ Bồng thi là lá gì, cỏ gì, ở đâu? Tôi chịu không giải thích được. Ngay cả nhiều sinh viên khoa Văn ở Hà Nội cũng đã hỏi tôi: "Miếu Hai Cô" là ở đâu? Hai Cô nào? Tại sao lại thờ? Hoặc cầu bà Sấm là trên con sông nào, bến cô Mưa là ở khúc nào của con sông nào, tôi cũng chịu không có lời giải đáp. Hoàng Cầm bày tỏ một tâm nguyện: “Tôi hy vọng, rất chân thành, được gặp những tâm hồn bầu bạn, có độ lượng để bao dung, có tấm lòng nhân ái để thông cảm, có tri thức đủ để hiểu thấu đáo tác phẩm và tác giả, hiểu cả điểm mạnh và điểm yếu của một người suốt đời lấy Thơ làm cứu cánh, làm mục đích, làm lẽ sống..”
Thơ hay cuả thời này có thể là thơ không có người đọc ở thời sau đó. Ngày nay đọc lại thơ Lãng Mạn 1930-1945, người đọc còn tìm được bao nhiêu bài là thơ hay? Kiểu thơ Tượng Trưng, lối thơ bảy chữ, tám chữ,.. kiểu ngôn ngữ cuả “chàng và nàng“,  kiểu tâm trạng, kiểu “cái tôi“ trong thơ đã trở thành “cổ điển“ so với thời đại hôm nay. Cũng vậy, người đọc hôm nay dường như dị ứng với lối thơ tụng ca mà nhân vật trữ tình xưng “ta“ tự dại diện cho tất cả, sử dụng kiểu ngôn ngữ hướng về quần chúng: Mẹ ơi! em ơi! , cò ơi! Nghé ơi! Mây ơi!. ..Kiểu thi pháp ấy Tố Hữu, Chế Lan Viên, Phạm Tiến Duật đã có những bài thơ đạt đỉnh cao mà những người đi sau chỉ lặp lại lối mòn.
Thời hôm nay cần một kiểu tư duy nghệ thuật khác, một kiểu ngôn ngữ khác, một cách thể hiện khác, đòi hỏi một đối tượng người đọc khác và cách đọc khác.
Mùi quế hương lưu vong
tấm lưng trần liệm nắng
ngọn râu khoai lườm nguýt mặt đất
những bầu vú ra khơi vắt sữa mặt trời!
Se tháng năm vất vưởng đáy rốn
nhúm nhau dạt chân trời
không tổ chức
lụt bão
luật lệ
tử cung
sự giao lưu hoang hoải ngực Mạ
một ngày mai tinh khôi vân tay
một ngày thơ cô đơn rực rỡ mai San Francisco
hao gầy

bóng Mỹ
nợ nần
lửa khói
hoe đáy mắt phù du Thiên Cầm
phủ dụ kiếp biển
mùi nước mắm vàng lên chân lời Hồng Lĩnh
(Văn Cầm Hải – Hoe Chân Lời)
Với bài thơ trên thì cách đọc cảm tính hay cách đọc truyền thống có thể sẽ dẫn đến sự bất lực trong việc tiếp cận tác phẩm.
Theo tôi, đã có những dấu hiệu cuả cách viết Hậu Hiện Đại (Postmodernism) trong bài thơ. Đó là sự phá vỡ trật tự không  gian; sự rỉ mòn của cảm thức về thời gian; việc trải chữ lên bề mặt của văn bản như những ký hiệu vật chất manh mún; sự liên kết lỏng lẻo giữa các ý tưởng; tính cách đa nghi hoang tưởng (paranoia)… và những cặp vòng tương tác (vicious circles), (1) Nói cụ thể, cấu trúc truyền thống cuả một bài thơ đã bị phá vỡ . Không có sự liên kết các yếu tố để tạo ra một cốt truyện, không có bối cảnh không gian. Ý thức thời gian rạn vỡ, không có nhân vật trữ tình (yếu tố cốt lõi cuả thơ truyền thống), có sự lắp ghép các mảnh, đem vào những yếu tố ngẫu nhiên, tạo ra sự xáo trộn cuả ngôn từ, phương thức trữ tình là phương thức đặc trưng cuả thơ được thay thế bằng phương thức phơi bày trên giấy những hoang tưởng, từ đó người đọc không thể nhận ra nội dung, chủ đề như trong một bài thơ truyền thống, đáp ứng yêu cầu phủ định những đại tự sự mà thay vào đó là những tiểu tự sự. Người đọc không còn nhận ra bất cứ  đại tự sự nào trong thơ 45-75 như kiểu nhân vật trữ tình sử thi, sự thể hiện chủ nghiã anh hùng cách mạng, hình ảnh nhân dân vĩ đại, tình cảm yêu nước, lòng tự hào dân tộc … mà thay vào đó là sự vỡ vụn cuả hiện thực: không tổ chức/ lụt bão/ luật lệ/ tử cung/ hao gầy/ bóng Mỹ/  nợ nần/ lửa khói/ hoe đáy mắt phù du/ mùi quế/ lưng trần/ râu khoai/ bầu vú/ đáy rốn/ nhúm nhau/ ngực Mạ/ vân tay ..
Quả nhiên, bài Hoe Chân Lời đã có những dấu hiệu mới mẻ cuả thi pháp. Nhưng bài thơ có hay không, câu trả lời thuộc về sự cảm nhận cuả mỗi người.
Vậy cái hay cuả thơ tìm ở đâu?
Tác phẩm nào cũng có những lớp cấu trúc. Những lớp này phải tuân theo những quy luật cuả ngôn ngữ và tư duy. Nếu xem cấu trúc cuả một tác phẩm văn chương là những lớp vòng tròn đồng tâm thì lớp ngoài cùng, lớp thứ nhất là ngôn ngữ và hình thức cấu trúc, bút pháp, cách thể hiện (các yếu tố hình thức). Lớp thứ hai bên dưới ngôn từ là nội dung, được kể hay được trình bày hay phơi bày, bộc lộ. Lớp thứ ba bên dưới nội dung là chủ đề và lớp thứ tư, lớp cốt lõi là tư tưởng, ẩn dưới nội dung và chủ đề.
Nếu tác phẩm chỉ mới lạ ở lớp thứ nhất (hình thức ngôn ngữ), thì có chăng chỉ tạo được sự “hiếu kỳ“ đối với người đọc (như sự hiếu kỳ dành cho Buồn Xưa cuả Nguyễn Xuân Sanh và bài Hoe Chân Lời cuả Văn Cầm hải). Cái hay cuả lớp thứ hai (nội dung, tâm trạng) đã đem đến cho tác phẩm ít nhiều giá trị. Chẳng hạn nội dung các bài thơ: Hai Sắc Hoa Tygôn; Lỡ Bước Sang Ngang; Chuà Hương, Núi Đôi, Quê Hương (cuả Giang Nam). Cái hay cuả lớp cốt lõi là tư tưởng, mới làm nên giá trị vĩnh cửu cuả thơ. Sự tồn tại bền vững cuả những bài thơ những nền thơ lớn luôn là thơ tư tưởng (Thơ Đường, thơ Thiền, R. Tagore(Lời Dâng - Gitanjali), Walt Whitman (tập Lá Cỏ - Leaves of Grass). Đoạn Trường Tân Thanh …
Tác phẩm văn chương là tác phẩm ngôn ngữ. Chức năng quan trọng cuả ngôn ngữ là giao tiếp, tư duy và thẩm mỹ. Nếu tác phẩm văn chương không đáp ứng được yêu cầu cuả những chức năng cơ bản này, văn chương sẽ không tồn tại. Cũng không nên lầm lẫn giưã cái hay cuả tác phẩm với giá trị cuả tác phẩm. Cái hay mới chỉ là một phần nằm trong giá trị thẩm mỹ. Tác phẩm văn chương còn có những giá trị khác. Những giá trị đích thực và vĩnh cửu là những giá trị  gắn với nhân dân, dân tộc, thời đại, góp phần làm thăng tiến đời sống, tâm hồn con người.
Trong đời sống kinh tế thị trường, mọi thứ đều trở thành hàng hoá. Thị trường có nhiều chủng loại hàng hoá  phục vụ cho yêu cầu nhiều đối tượng khách hàng. Tất cả đều vận hành theo vòng quay cuả chủ nghiã thực dụng, phải đổi mẫu mã liên tục. Giá trị một món hàng là do quảng cáo, do chiến lược tiếp thị quyết định. Nhà sản xuất tạo ra thị hiếu, tạo ra nhu cầu cho người tiêu dùng. Văn chương nghệ thuật không tránh khỏi quy luật ấy. Chẳng hạn trong lãnh vực âm nhạc,  vẫn có người thưởng thức Giao hưởng, có người chỉ nghe nhạc trữ tình tiền chiến, giòng nhạc trữ tình cách mạng vẫn là tiềng nói tâm hồn cuả thời đại, nhưng vẫn có nhiều người ghiền nhạc “sến“, các bạn trẻ bị cuốn vào Hi-Hop, hát  Rap như cãi nhau, trên sân khấu chỉ có ồn ào, nhảy nhót loi choi, người ta đem sinh hoạt đường phố cuả người bình dân lên sân khấu. Đủ mọi thứ nhố nhăng. Một ca khúc thời trang trước kia đứng được chừng một năm, giờ không sống được hai tháng. Nhìn vào thị trường văn chương, nhiều tác giả tác phẩm được tiếp thị nổi đình nổi đám, và nhiều người đọc đã bị lừa. Cũng đủ thứ thơ rác, thơ dơ, văn chương Sex- thứ sex bẩn đuợc tác giả tiếp thị là nghệ thuật. Cũng bôi mặt vẽ trò, phô diễn mông đùi đình đám. Thôi thì cứ muá cho vui, cứ màu sắc cho rực rỡ, cứ sex cho tươi mát, cứ nhảy nhót cho sinh động, cứ la hét to cho sôm tụ, để được cả danh và cả tiền…Thị trường mà!
Nhưng trong cái xô bồ ấy, chỉ những giá trị thực mới tồn tại. Rác rưởi rồi sẽ trôi lềnh bềnh vào quên lãng. Những bôi mặt vẽ trò mua vui được chốc lát rồi cũng lộ ra hình hài tầm thường.
Người yêu thơ, đi tìm thơ hay, sẽ tìm thấy gì trong cái chợ trời ồn ào xô bồ ấy?
Thiên tài thơ ca rồi sẽ xuất hiện, như đã từng xuất hiện những Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Hoàng cầm, Quang Dũng, Phạm Thiên Thư …Nhưng trước hết người đọc thơ phải là ngườ có tấm lòng tri kỷ như mong mỏi cuả Hoàng Cầm thì mới mong tìm thấy thơ hay: “Tôi hy vọng, rất chân thành, được gặp những tâm hồn bầu bạn, có độ lượng để bao dung, có tấm lòng nhân ái để thông cảm, có tri thức đủ để hiểu thấu đáo tác phẩm và tác giả, hiểu cả điểm mạnh và điểm yếu của một người suốt đời lấy Thơ làm cứu cánh, làm mục đích, làm lẽ sống.
(1) (Dẫn theo bản dịch cuả Hoàng Ngọc Tuấn từ nguyên tác "Postmodernism and Literature, or: Word Salad Days, 1960-90", ed. Stuart Sim (Cambridge: Icon Books, 1998).
Tháng 6/ 2007
Bùi Công Thuấn 
Theo http://www.vanchuongviet.org/


1 nhận xét:

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...