Cứ mỗi lần dừng nghỉ qua phà, đứng trước dòng sông tha thiết
chảy, nghe con sóng ì oạp vỗ bờ, lòng tôi lại dâng lên nỗi niềm xao
động…
Làng tôi có con sông Nguyệt Giang, mềm mại y như chiếc lạt
giang gói bánh chưng ngày Tết. Sông vừa nhỏ vừa duyên dáng, hiền từ. Nhà ở gần
sông nên 5-6 tuổi, tôi đã kết bạn với nó. Theo mẹ ra sông giặt, tôi đứng trên
bờ nhìn xuỗng nước phát thèm. Mẹ lấy chiếc quần láng đen, còn lành, túm chặt
hai đầu ống rồi chụp ngược xuống dòng nước. Ô hay! nước không vào được, chiếc
quần căng phồng lên giống chiếc phao. Vậy là mẹ túm lại, cho tôi bám vào, hai
chân vẫy vùng, tung toé nước. Có thể tôi biết bơi từ ấy, nhưng vẫn còn mang
máng nhớ rằng, mình đã nuốt không ít nước sông vào bụng. Dẫu như thế vẫn còn
tốt hơn mấy đứa bạn phải đi bắt chuồn chuồn ngô, cho nó cắn rốn, để biết bơi!
Con sông chảy qua làng tôi là sông cụt. ấy vậy mà những buổi
trưa hè, chăn trâu về, nhảy tùm xuống đẵm, ngụp lặn mò con hến, con trai, thậm
chí bắt được cả con cá bò có ngạnh sắc, chọc vào kẽ tay nhức thon thót…bọn
chúng tôi đã cho rằng như thế tuyệt nhất đời. Nhìn những con loi choi, tựa
như con cá nheo thu nhỏ, nhảy tênh tênh trên mặt nước, rồi vài con giang
trông xa như một túm giẻ nổi lều bều, thấy động rất gần mới giật mình tung
cánh lên, ngó nghiêng đôi mắt, rồi xoải cánh bay hút vào bầu trời…tôi
càng thấy con sông quê tôi sao mà thần thoại, diệu kỳ. Ôi Nguyệt Giang, con
sông hẹp dễ chỉ nhoài 4 lần mạnh, rồi dướn mình chút nữa đã có thể bám mười đầu
ngón chân xuống lớp đất sa mát lạnh. Với tôi, con sông là thủ đô thơ bé của
mình.
Cho đến một ngày kia, tôi bỗng thấy sông trở nên hờ hững,
không còn hấp dẫn, nó chỉ còn là một vũng nước, hay một con ngòi. Phải chăng,
đó là dấu hiệu báo rằng chúng tôi đã lớn lên?
Thế rồi, một lần thầy giáo địa lý đưa học trò đi tham quan.
Nơi chọn đến là một dòng sông cái. Lũ học trò chưa bao giờ ra khỏi làng, tối
ngày chưa xa mẹ, đến bấy giờ như con chim sẻ lạc vào rừng già, ngơ ngác ngu
ngơ trước cảnh vật lạ lùng. Trước mắt chúng tôi là dòng nước đục như màu nước
cua mới lọc, đỏ au cuồn cuộn chảy. Thầy bảo đó là sông Kinh Thầy. Người vùng
sông nước còn lưu lại câu chuyện mà nghe ai cũng thích. Thuở xa xưa lắm rồi,
có một thầy Tàu chiếu thiên văn, thấy đất Phượng Nhãn, có nhiều vượng khí, biết
sẽ nảy sinh nhiều nhân tài xuất chúng.
Thầy bèn lặn lội vượt núi băng sông, tìm đến tận nơi yểm
bùa trấn áp. Thầy tàu đứng trước một dòng sông, gọi đò nhưng cứ mỗi lần tới
giữa dòng sông, phong ba bão táp nổi lên dữ dội, khiến ông đò phải quay trở lại.
Sốt ruột và bực tức, người khách cướp đò tự mình chèo chở vượt sông. Nhưng vừa
ra khỏi bờ thì trời tự nhiên mây ùn ùn kéo tới, rồi sóng gió gào thét. Ba ba
thuồng luồng từ đáy sông nhao lên ghìm giữ con đò, làm úp thầy Tàu xuống nước.
Gã khiếp kinh cố nhoài được lên bờ cút mất, bỏ lại cả những lá bùa trôi phập
phờ theo bọt nước. Sông từ đó mang tên Kinh Thầy, còn đất Phượng Nhãn có
tên Chí Linh, nghĩa là rất thiêng…
Câu chuyện dẫu nhuốm màu thần thoại nhưng rất thắm đượm niềm
tự hào của người vùng sông quê hương.
Trước mắt lũ học trò là mênh mông một dòng nước. Những con
thuyền đủ kiểu, đủ dạng đang tíu tít ngược xuôi. Một chiếc chở đá răm lặc lè
trôi, nhích dần theo con nước ngược. Chỗ này gọi là ghềnh. Thuyền chở nặng
vượt ghềnh thật nhọc nhằn. Dường như chỉ cần một con gió mạnh, cũng có thể
dìm thuyền xuống đáy sông. Trên thuyền chỉ còn một người cầm lái. Tất cả
“chân sào” đã nhảy hết lên bờ, quàng vào vai chiếc dây song, gò rạp lưng, miết
mười đầu ngón chân, bám gặm vào mặt đất, dướn lên giữ cho con thuyền không bị
sóng nước lôi tuột trở lại. Những chiếc thuyền xuôi thì trái lại. Như những
con thoi, chúng lao vun vút, để lại sau bánh lái những vệt sóng trắng. Buồm
cánh dơi, buồm vuông, buồm chỉ thiên; với đủ màu đỏ xỉn, màu trắng cháo lòng
bạc phếch, vá chằng vá đụp như những mảnh lá dán trên nền trời. Lại có mấy
chiếc thuyền nan bé bỏng, cũng xuôi dòng, hình như không muốn lạc lõng giữa cảnh
sông nước quần tụ này, chủ nhân sáng kiến dựng một chiếc que, treo vào đó một
chiếc chiếu cũ. Vậy là cũng có một cánh buồm và con thuyền tăng tốc, vùn vụt
đuổi theo bạn.
Đứng trên bờ, nhìn từ thượng lưu xuống hạ lưu Kinh Thầy,
hai bờ sông xanh mướt cỏ, thỉnh thoảng vút lên những rặng tre. Chiều buông,
ánh hào quang xoè lên trời muôn chiếc nan quạt khổng lồ. Một màu tím thẫm vãi
xuống mặt sông, quệt lên những cánh buồm từng đường viền lấp loáng. Chiếc buồm
căng gió thả bóng dòng sông, chấp chới như những cánh chim trên mặt nước. Những
cánh chim màu trắng, màu nâu sẫm, màu nâu nhạt, cứ bồng bềnh bay đi, bay đi,
sau đó lẫn vào chân trời, hoặc khuất vào một doi cát nào đó.
Ôi, dòng sông quê tôi thật là đáng yêu! tôi cứ bâng khuâng
nhớ mãi về dòng sông, với những cánh chim trên mặt nước và lâu dần thành một ấn
tượng: con sông không có thuyền đâu còn là sông, và con thuyền không có cánh
chim sẽ làm cho con sông dẫu đẹp, nhưng mất hết vẻ duyên dáng mơ màng…
Trong cuộc đời ai chả một lần qua sông. Các thi nhân kim cổ,
ai chẳng một lần đứng trước bến sông, ngắm mê man những cánh buồm, mải miết
trên dòng, để rồi tái tạo nó lên trang viết có hơi thở của mình? Nhà thơ Huy
Cận ngày xưa hay buồn lắm, lại mẫn tiệp, nhạy cảm bâng khuâng: “con thuyền
xuôi mái nước song song- thuyền về nước lại sầu trăm ngả,- củi một cành khô,
lạc mấy dòng… ”
Một
nhạc sĩ, cũng không thể nào ghìm nén được cảm xúc dạt dào, có phần lãng mạn,
bởi giữa dòng sông Lô, hay sông Hồng chấp chới những cánh buồm: “Những cánh
buồm như những cánh chim nâu”! Còn nhà thơ nào đó cho rằng, trên sông chẳng có
gì đáng chú ý, ngoài cánh buồm mà thôi:
“Cánh
buồm nâu, cánh buồm nâu – cánh buồm”.
Nếu
không quen, người đọc có cảm giác choáng ngợp với điệp khúc “cánh buồm nâu” của
tác giả.
Vậy mà lại có người rơi thỏm vào cô quạnh, nhìn lá buồm thấy
lẻ bóng:
“Em mái chèo đơn chiếc - Anh cánh buồm lẻ loi”
Thơ ca về sông, về cánh buồm, con đò thời nào cũng có, bài
nào cũng chứa đựng ký ức đời người. Không hiểu sao, các thi nhân hay mượn cảnh
thuyền, mái chèo, con sóng để tả cái tình đời, tình người đến thế.
Ấy
vậy mà không hiểu tự hôm nào, chẳng nhớ nữa trên những con sông thơ mộng uốn
lượn khắp các miền quê cứ vắng dần những con thuyền gỗ, thuyền nan; cứ thưa vắng
dần những cánh buồm nâu, trắng từ xa nom giống hệt cánh chim trời. Thay vào
đó là những con thuyền sắt, con tàu sắt màu đen xỉn, gắn động cơ nổ ành ạch
trên sông, làm náo động cả những vùng sông nước. Những vết dầu mỡ loang ra những
bụi khói xanh đen phủ lên mặt sóng làm ô nhiễm cả môi trường
Chỉ riêng ỏ bến Bình, một đoạn nhỏ trên sông Kinh Thầy, một
ngày có vài ba trăm tàu thuyền qua lại…nhưng không thể
tìm ra một cánh buồm. Thời đại công nghiệp hoá, đã sản sinh ra những con thuyền
sắt, có gắn máy để tăng tốc độ vận chuyển, tăng khối lượng hàng hoá lưu thông
đáp ứng nhu cầu xã hội. Không một ai dám nghi ngờ điều đó. Thế nhưng,đứng
trên các bờ đê nhìn xuống, chỉ còn những khối vuông sắt lừ lừ di động, những
vệt dầu loang phủ kín mặt sông, tôi cứ vẩn vơ nghĩ rằng, dòng nước ngọt ngào,
mát rượi phù sa kia liệu còn thanh khiết? Có biết bao tàu đắm, nằm dưới đáy,
cứ rỉ dần ra, nào hoá chất, nào sắt thép rỉ… Vậy đến một lúc nào đó nguồn thuỷ
sản, sẽ sinh trưởng ra sao?
Tôi không phải là người bảo thủ cực đoan, có tư tưởng hoài
cổ, nhưng thú thực rằng quê hương ta, đất nước ta ngoài vẻ đẹp từ nguồn tài
nguyên núi rừng, biển cả còn có vẻ đẹp sông nước. Những tên sông gắn liền với
sự tích, truyền thuyết giàu chất văn học…thực là nguồn du lịch
hót bạc tỷ, hấp dẫn khách nước ngoài.
Tôi
vẫn ám ảnh bởi cảnh trong bức danh họa “Người kéo thuyền trên sông Von-ga”, vẫn
nuối tiếc vẻ đẹp trong thơ ức Trai “Chiếc bách về đâu xa lăm lắm - Nghìn làng
trông xuống bé con con”. Tôi vân vi tưởng rằng: ví thử nước mình vẫn cứ hăng
hái tiến vào công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vẫn làm cho dân giàu nước
mạnh, không bị tụt hậu về các mặt so với các nước xung quanh, nhưng vẫn giữ
được nét đẹp truyền thống. Nên chăng có cách nào bảo tồn những con thuyền gỗ,
những cánh buồm chấp chới như cánh chim trên mặt nước, để cho mặt sông không
tẻ nhạt, bớt đi sự khô cứng, lì mòn? Để lúc nào đó, tâm hồn ta nặng trĩu ưu
tư, có thể tìm về một khúc sông vẫn còn có cánh buồm chao nghiêng, bẻ oặt xuống,
ghé sát mặt nước, thả vào lòng sông, thả lên trời như là cánh chim bay… và
lúc đó lòng ta thư giãn, nhẹ nhõm yêu mến cuộc đời hơn.
Khúc Hà Linh
Theo http://trieuxuan.info/
|
đại lý vé eva air
vé máy bay từ sài gòn đi mỹ
hãng korean airlines
đặt vé máy bay đi mỹ
giá vé máy bay từ tphcm đi canada
Những Chuyến Đi Cuộc Đời
Du Lich Tu Tuc
Kien Thuc Du Lich