Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

Một vài ý kiến về tuyển tập “100 bài hát Việt Nam hay nhất thế kỷ 20”

Một vài ý kiến về tuyển tập 
“100 bài hát Việt Nam hay nhất thế kỷ 20”
Tuyển tập “100 bài hát Việt Nam hay nhất thế kỷ 20” gồm tập hợp 100 ca khúc của nhiều tác giả do nhạc sĩ Nguyễn Đình San sưu tầm, tuyển chọn, Nxb Thanh Niên ấn hành. Tuyển tập ca khúc này sở dĩ gây sự chú ý là vì tiêu đề khá ấn tượng (!) 
Ấn tượng ở chỗ: xét về mặt không gian, Tuyển tập nhắm đến việc “phủ sóng toàn quốc” trên lãnh địa ca khúc Việt Nam; về thời gian, nó kéo dài suốt thế kỷ XX, thế kỷ của ca khúc Việt Nam; về phẩm chất, Tuyển tập hướng đến những tác phẩm ưu tú vào bậc nhất (hay nhất) của nền ca khúc Việt Nam! Thiết nghĩ, tuyển tập ca khúc nào chỉ cần thỏa mãn một trong ba mục tiêu trên chắc hẳn đã thành công lắm, chưa kể ở đây tập trung cả ba trong một. Và, chúng ta hãy thử xem, Tuyển tập “100 bài hát Việt Nam hay nhất thế kỷ 20” có thực sự thỏa mãn được các yêu cầu bao hàm trong nội dung tiêu đề cũng như tiêu chí đặt ra ở phần dẫn “Cùng bạn đọc”?.
Trong lời nói đầu “Cùng bạn đọc”, người sưu tầm, tuyển chọn, nhạc sĩ Nguyễn Đình San đã bộc lộ, đây là công việc “khó khăn cực kỳ lớn, không dễ vượt qua.” Ông nói rất chí lý rằng: “Bài hát hay thì rất nhiều, có tới hàng nghìn bài… Vậy mà chỉ lựa chọn 100 bài… hay nhất, từ số 1 đến số 100.” Như vậy, chỉ tính riêng việc chọn ra 100 bài hát hay của thế kỷ XX đã rất khó, tựa như đi vào một “ngõ hẹp” đòi hỏi người tuyển chọn phải thấu đáo, minh triết, cực khéo mới lách vào được, huống hồ còn thêm yêu cầu “nhất” về phẩm chất nữa thì quả là một “ngõ cụt”! Mặc dù khó khăn trên có thể vượt qua nếu những người thực hiện không tự làm khó mình. Con số 100 chẳng phải tiền đề bắt buộc, cũng không phải tiêu chí khoa học trong công tác sưu tầm, tuyển chọn… mà chỉ là một con số giả định, ước lệ, tự đặt ra theo mong muốn chủ quan. Vì thế, nó dễ dàng mâu thuẫn với nội hàm (của tiêu đề), cũng như nội dung mang tính tiêu chí đặt ra ở phần “Cùng bạn đọc”. Những ca khúc theo người tuyển chọn “dẫu có là tình ca, đề cập tới thế giới riêng tư của đôi lứa, nhưng phải vượt lên những điều vụn vặt mà vươn tới ước mơ cao đẹp, những xúc cảm tinh tế, đạt được tính nhân văn sâu sắc.” Song, khi đặt ra mục tiêu tuyển chọn ca khúc hay nhất khuôn theo số lượng 100 bài làm con số ấn định, chúng ta không khỏi nhận ra những chông chênh, bất ổn về tư duy tuyển chọn. Nhóm sưu tầm, tuyển chọn chắc hẳn biết rõ, không có sự hay nhất ở đây. Dấn thân vào một mệnh đề bất chấp tính khả thi, đương nhiên khó thể tránh khỏi sai lầm trong quá trình thực hiện. Chúng ta biết rõ hay có vô vàn, nhưng nhất chỉ có Một. Và cái nhất thường mang giá trị định lượng thay vì định tính, càng tuyệt đối không nằm trong khuôn khổ của việc định giá tác phẩm âm nhạc. Người ta có thể chọn ra ca khúc được nhiều người yêu thích nhất thông qua phương pháp Điều tra xã hội học trên từng nhóm xã hội, đo lường định lượng. Nhưng, không có “thước đo”, “bảng hỏi” nào, những công cụ thường dùng trong nghiên cứu khoa học xã hội để áp lên việc định giá tác phẩm âm nhạc, cho dù “người có gu sành” như nhạc sĩ Nguyễn Đình San nhấn mạnh. Ngay cả nhiều tác phẩm âm nhạc của một số nhạc sĩ vĩ đại như Bach, Handel… vẫn không ngừng có thêm nhận định, đánh giá mới nhờ vào phát hiện, nghiên cứu hồi cố sau này. Nghệ thuật có khả năng vượt qua mọi biên giới, quốc gia, lập trường chính trị, nhưng cũng thường bị vướng vào quan điểm lập trường. Đó là những mâu thuẫn đòi hỏi sự bóc tách rạch ròi nhằm lọc ra các yếu tố gây trở ngại, cách biệt nhằm hướng tới giá trị đồng thuận, mang tính phổ quát ở tác phẩm âm nhạc.
1. Về phương pháp tư duy hệ thống
Ca khúc Việt Nam hiểu một cách chung nhất gồm các bài hát của 54 tộc người sống trên đất nước ta. Theo thói quen, người ta dễ thường chỉ nhắc đến âm nhạc của người Kinh, dân tộc đa số, rồi mặc nhiên dán mác “Việt Nam”. Thực tế, ngoài cộng đồng người Kinh, nhiều tộc người thiểu số như Hoa, Chăm, Kh’me, K’ho… đều hình thành đội ngũ nhạc sĩ sáng tác chuyên nghiệp và có không ít ca khúc phổ biến trong phạm vi cộng đồng mình. Sự thiếu xót mảng ca khúc của các tộc người khác (ngoài người Kinh) có thể không dẫn đến tranh cãi khi tác phẩm âm nhạc đều vang lên bằng ngôn ngữ âm thanh hình thành trên nguyên tắc vật lý chung, không khu biệt tộc người đa số hay thiểu số, lời ca sử dụng ngôn ngữ quan phương của nước Việt Nam. Nhưng, nói cho rốt ráo, không thể làm phép loại trừ đơn giản, bằng không người tuyển chọn phải giới hạn phạm vi (không gian, thời gian) sưu tầm, tuyển chọn.
Món ăn tinh thần cũng giống như món ăn vật chất, trước khi lựa chọn tinh hoa về ẩm thực, người thực hiện phải tiến hành “kiểm kê” trong gia tài văn hóa ẩm thực nước nhà xem có những món gì? Sau đó mới chọn ra thực đơn mang tính đại diện cho từng tộc người. Đây là phương pháp tư duy hệ thống. Nó tương ứng với công việc “Điều tra tổng thể di sản văn hóa tộc người” mà nhiều Viện nghiên cứu thực hiện thời gian trước. Ở đây, giới hạn trong phạm vi ca khúc, công việc này sẽ là “Thống kê toàn bộ di sản ca khúc Việt Nam thế kỷ XX.” Giả sử không làm nổi công việc trên buộc phải giới hạn phạm vi, từ không gian cho đến thời gian, từ tộc người cho đến vùng văn hóa…
Xuất phát từ hệ quả của “cơ chế bao cấp” “100 bài hát hay nhất” không đặt trong hệ thống, phương pháp phân loại và hệ quy chiếu theo tiêu chí đúng đắn khiến cho việc tuyển chọn bản thân đã chưa nhất quán. Chúng ta không biết nhạc sĩ Nguyễn Đình San lựa ra “100 bài hát hay nhất” trong số bao nhiêu bài? Có thể ông sưu tầm rất nhiều bài, nhưng lại không mang tính hệ thống, nhiều về lượng mà thiếu toàn vẹn mang tính chỉnh thể của một kết cấu. Do vậy, có nhiều mảng ca khúc góp phần làm nên tính toàn vẹn của chỉnh thể trong khái niệm ca khúc Việt Nam thế kỷ XX bị thiếu vắng, như ca khúc tộc người thiểu số, ca khúc sử dụng trong môi trường tôn giáo, tín ngưỡng, ca khúc viết cho thiếu nhi… và rất nhiều ca khúc của nhạc sĩ nổi tiếng tại Sài Gòn trước năm 1975 sau định cư ở hải ngoại, kể cả những người có đóng góp không nhỏ cho nền ca khúc Việt Nam, như Cung Tiến, Phạm Đình Chương, Phạm Duy, Phạm Mạnh Cương, Trần Thiện Thanh, Ngân Giang, Đức Huy, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Hoàng Thi Thơ, Ngô Uyên Phương, Lam Phương… Chúng ta biết, con người có thể dịch chuyển qua hai chiều không gian và thời gian, có nhạc sĩ sống ở hải ngoại (di trú trên chiều không gian), có nhạc sĩ đã sang thế giới bên kia (chuyển dịch trong chiều thời gian), nhưng quan trọng là tác phẩm của họ lưu lại làm giàu cho nền văn hóa dân tộc. Việc chọn tác phẩm của nhạc sĩ hải ngoại đưa vào hay không chẳng phải vấn đề, nhưng loại bỏ mang tính thờ ơ hay cố ý đều trở thành vấn đề, nếu như không muốn nói là một bước lùi về mặt tư tưởng. Nhạc sĩ người ở đâu vốn chẳng quan trọng, nhưng việc coi nhạc sĩ ở đâu quan trọng thì vấn đề đã nảy sinh. Tất cả những gì liên quan đến “lập trường chính trị” không phải tiêu chí tuyển chọn, phân loại ca khúc, tôi chỉ bất đắc dĩ đưa ra như một hình thức phản biện. Còn theo quan điểm chủ đạo trong bài góp ý này, tôi sử dụng phương pháp khoa học trong sưu tầm, tuyển chọn, không lạm bàn về vấn đề “lập trường”. Vì, nếu chúng ta đứng ở hai cực của “lập trường” sẽ chẳng bao giờ gặp nhau trong một mong muốn “Liên chủ thể” cần có và gặp gỡ nhau ở tác phẩm âm nhạc.
2. Phương pháp phân loại
Sau khi tổng kiểm kê toàn bộ di sản ca khúc Việt Nam thế kỷ XX, người thực hiện phải tiếp tục tiến hành công tác phân loại. Giống như món ăn vật chất, có những thực đơn phù hợp với người bệnh, lại có thực đơn chỉ thuần túy vì khoái khẩu, có loại tuy không phổ biến ngoài chốn dân gian, nhưng thường nằm trong các bữa tiệc sang trọng… tùy hoàn cảnh, đối tượng, khẩu vị... Thao tác phân loại có tác dụng xác định các nhóm nhu cầu và thị hiếu. Thị hiếu nghe cũng giống như nhìn, cả nước không thể xem chung một kênh phim hoạt hình dành riêng cho trẻ nhỏ. Tương tự như vậy, cách phân loại phải dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau, như đặc điểm ngôn ngữ âm nhạc, tính chất, tiêu chí về thời gian, không gian, thể tài, đối tượng… Phân loại ca khúc có tác dụng nhận diện đặc điểm, tính chất trong tổng thể hiện trạng nền ca khúc Việt Nam thế kỷ XX, qua đó giúp cho việc tinh tuyển (lựa chọn ca khúc tiêu biểu) hướng tới từng thể tài, nhóm đối tượng, trường hợp… Do thiếu phương pháp phân loại, nên có những mảng đề tài, người sưu tầm chọn khá nhiều, trong khi mảng khác lại bị thiếu. Những mảng thiếu đã đề cập ở trên, còn về phần nhiều, chẳng hạn như mảng ca khúc ca ngợi chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối với ca khúc viết về đề tài này, nhạc sĩ Nguyễn Đình San chọn tới bảy bài, như: “Bác Hồ một tình yêu bao la” của Thuận Yến (bài số 2 trang 11), “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” của Trần Chung, Nguyễn Trung Thu (bài số 28, trang 71), “Đôi dép Bác Hồ” của Văn An, Tạ Hữu Uyên (bài số 30, trang 75), “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người” của Trần Kiết Tường (bài số 46, trang 108), “Lời ca dâng bác” của Trọng Loan (bài số 55, trang 125), “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó” của Nguyễn Tài Tuệ (bài số 91, trang 201),
“Tình Bác sáng đời ta” của Lưu Hữu Phước, Long Hưng, Diệp Minh Tuyền (bài số 92, trang 203). So với các bài hát hay viết về chủ tịch Hồ Chí Minh, con số bảy bài trên quả vẫn còn khá khiêm tốn, nhưng đặt trong Tuyển tập “100 bài hát Việt Nam hay nhất thế kỷ 20”, việc đầu tiên, bắt buộc phải xác định đối với người tuyển chọn là ca khúc nào hay nhất? Nếu cả bảy bài trên đều hay nhất, thế thì nhiều ca khúc khác như “Ca ngợi Hồ Chủ Tịch” của Văn Cao, “Tiếng hát thành phố mang tên Người” của Cao Việt Bách, “Dâng người tiếng hát mùa xuân” của Nguyễn Văn Thương, “Ai yêu nhi đồng bằng bác Hồ Chí Minh” của Phong Nhã, “Viếng lăng Bác” của Hoàng Hiệp, Thanh Hải, “Những bông hoa trong vườn Bác” của Văn Chung… sẽ xếp hạng mấy? Những dấu chấm (…) bất đắc dĩ trên không nhằm xếp loại ca khúc mà chỉ mang ý nghĩa chưa thể liệt kê hết. Rõ ràng, cùng một đề tài có thể xuất hiện nhiều ca khúc hay. Điều đó ai cũng hiểu. Và những ca khúc này thường nằm trong các Tuyển tập mang tính chuyên đề, như: Tuyển tập ca khúc viết về Hồ Chủ Tịch; Tuyển tập tình khúc được nhiều người yêu tích nhất; Tuyển tập ca khúc mùa thu; Tuyển tập ca khúc về mẹ; Những tình khúc được các bạn trẻ yêu thích; 50 ca khúc của 5 nhạc sĩ trẻ xuất sắc; Tuyển tập những ca khúc một thời vang bóng; Tình khúc vượt thời gian; Tuyển tập 101 ca khúc trữ tình; Tuyển tập nhạc Việt Nam quê hương tôi; Tuyển tập 101 ca khúc đi cùng năm tháng; 72 ca khúc đặc sắc về Đảng Bác Hồ, đoàn hội đội; Tuyển chọn ca khúc 1000 năm Thăng Long, Hà Nội; 50 tình khúc tiền chiến bất hủ; Tuyển tập 101 ca khúc tiền chiến và lãng mạn; 69 ca khúc dành cho tuổi hồng; 101 ca khúc chào thế kỷ... Còn Tuyển tập “100 bài hát Việt Nam hay nhất thế kỷ 20” phải đặt trên sự lựa chọn mang tính tinh tuyển, tiêu biểu, cần sự cân nhắc kỹ lưỡng. Tình trạng lạm phát về mảng đề tài nào đó, trong khi những đề tài khác thiếu vắng đều xuất phát từ phương pháp phân loại. Rõ ràng, phương pháp phân loại là một mắt xích quan trọng trong quá trình sưu tầm, tuyển chọn. Với một Tuyển tập ca khúc đặt ra mục tiêu quan trọng như “100 bài hát Việt Nam hay nhất thế kỷ 20” thiết nghĩ không nên thực hiện thiếu công đoạn này.
3. Hệ quy chiếu
Hệ quy chiếu hiểu là những giá trị mà thông qua đó, người sưu tầm tiến hành định giá (sơ bộ) các ca khúc được tuyển chọn. Trên cơ sở hệ quy chiếu mới xác lập tiêu chí tuyển chọn hay phân loại. Việc coi cái “gu” trở thành một trong những tiêu chí lựa chọn như nhạc sĩ Nguyễn Đình San đã làm, (cho dù là “gu” của người “sành điệu”) dễ dẫn công việc sưu tầm, tuyển chọn tới chỗ “tự chọn”. Với tư cách là người thưởng thức âm nhạc, chúng ta sẵn sàng chấp nhận cái “gu”, vì ai cũng có “gu” của mình, hiểu là sở thích cá nhân. Nhưng, với vai trò người tuyển chọn đòi hỏi phải xác lập tư duy mang tính hệ thống trong cách tuyển chọn, phương pháp phân loại và hệ giá trị quy chiếu nhằm tránh rơi vào chỗ cực đoan, chủ quan một chiều. Và ở đây dường như có sự nhầm lẫn giữa sở thích cá nhân và phương pháp tuyển chọn. Chúng ta biết, ai cũng có “gu”, nhưng công việc sưu tầm, tuyển chọn đòi hỏi phải thực hiện theo phương pháp khoa học về nghệ thuật. Có như thế mới tránh rơi vào tình trạng cực đoan, chủ quan cá nhân nhằm hướng tới việc tôn trọng phương thức tồn tại của tác phẩm âm nhạc. Tác phẩm âm nhạc tồn tại không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cá nhân ai, kể cả người tuyển chọn, mà nằm ở mối quan hệ tương tác giữa nó và người tiếp nhận. Phương thức tồn tại của tác phẩm âm nhạc vừa không hoàn toàn lệ thuộc vào mong muốn chủ quan của người thưởng thức, vừa không tồn tại độc lập trước người thưởng thức.
Trong hoạt động thực tiễn thuộc lĩnh vực phê bình âm nhạc, khi tiến hành đánh giá các hiện tượng âm nhạc, người ta có thể đứng ở nhiều góc độ khác nhau, như ngôn ngữ, lịch sử, thẩm mỹ, văn hóa, triết học… trong đó có nội dung thuộc chuyên môn hẹp của ngành âm nhạc, cũng có dạng thức lọt ra ngoài phạm vi âm nhạc trở thành hiện tượng văn hóa, xã hội… Trên cơ sở khái quát về nội dung nhằm đưa ra hệ quy chiếu chung nhất, chúng ta thấy nổi lên ba phạm trù: Thứ nhất là dựa vào ngôn ngữ (âm nhạc, văn học); Thứ hai là lịch sử và mỹ học; Thứ ba là văn hóa và triết học.
Vận dụng vào trường hợp cụ thể, có nhiều ca khúc phải đặt đúng bối cảnh lịch sử mới thấy phần nào giá trị cốt lõi. Chẳng hạn như bài Quốc ca Việt Nam, sau khi chuyển hóa từ “Tiến quân ca” sang Quốc ca, một mặt đã bị thu hẹp phạm vi sử dụng, “Tiến quân ca” không còn thấy trình diễn trên sân khấu nữa, mặt khác lại trở thành giá trị biểu trưng của nền văn hóa dân tộc. Vì thế, đối với bài Quốc ca, chúng ta không thể chỉ dựa trên một tiêu chí duy nhất để định giá. Những ca khúc đóng vai trò bước ngoặt trong sự chuyển hướng của ngôn ngữ âm nhạc cũng cần có thái độ cẩn trọng trong việc đánh giá, như “Dạ cổ hoài lang” của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, loạt ca khúc trong “Đối thoại 87” của nhạc sĩ Trần Tiến, nhiều bản tình ca của nhạc sĩ Thanh Tùng sáng tác sau thời kỳ Đổi mới (1986) và hàng loạt ca khúc góp phần đưa âm nhạc (nội địa) lên ngôi phát trên làn sóng Fm vào thập niên 90… (đều không thấy xuất hiện trong tuyển tập “100 bài hát Việt Nam hay nhất thế kỷ 20” ngoại trừ bài “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao).
4. Kết luận
Qua xem xét cấu trúc của Tuyển tập “100 bài hát Việt Nam hay nhất thế kỷ 20”, tôi thấy nó chẳng khác nhiều so với những tập hợp ca khúc khác, nhưng mục tiêu đặt ra quá to tát, vượt tầm khả năng thực hiện của người sưu tầm, tuyển chọn, nên đã tự tạo ra khá nhiều khiếm khuyết. Ở bài góp ý này, tôi chỉ đưa ra ba khuyếm khuyết lớn mà lẽ ra, nếu thực hiện một cách khoa học, chí ít Tuyển tập đã để lại những giá trị tự thân. Thứ nhất: khiếm khuyết về tư duy hệ thống; Thứ hai: thiếu phương pháp phân loại; Thứ ba: chưa xác lập hệ quy chiếu. Những chuẩn mực này không nhất thiết phải thuyết minh, trình bày trong lời đề tựa hay “Cùng bạn đọc”, nhưng đòi hỏi tuân thủ trong quá trình thực hiện và sẽ phơi bày qua cấu trúc của Tuyển tập. Ngoài ra, Tuyển tập còn nổi lên mấy vấn đề có liên quan đến tư duy tuyển chọn và phương pháp sưu tầm, một hệ quả nảy sinh từ việc khiếm khuyết ba tiêu chí vừa trình bày. Thứ nhất: Thế nào là “bài hát Việt Nam”? Thứ hai: Thế nào là một bài hát “hay nhất”? Nhạc sĩ Nguyễn Đình San giành hơn một nghìn chữ trình bày về quan điểm tuyển chọn, tiêu chí trong phần “Cùng bạn đọc”, những trăn trở mang tính quy phạm, mức độ khó khăn… Nói chung, lời tựa “Cùng bạn đọc” cho thấy dụng công của tác giả. Đáng tiếc, khi trình bày bằng cách lựa chọn tác phẩm cụ thể lại không thỏa đáng, thể hiện được tinh thần đó. Vấn đề trên chắc hẳn đã có khả năng hy hữu giải quyết, nếu như người thực hiện áp dụng đúng phương pháp (sưu tầm, tuyển chọn), có tư duy khoa học (hệ thống, phân loại) và thông qua hệ quy chiếu (tiêu chí đúng đắn).
Trong di sản âm nhạc nước ta có vô vàn ca khúc hay, nhưng không có tác phẩm nào hay nhất. Điều này tránh phải làm công việc không cần thiết trong nghệ thuật là xếp hạng ca khúc theo thứ tự, hạng 1, hạng 2, hạng 3… giống như kiểu bình chọn top ten phát trên sóng phát thanh hay MTV truyền hình dành cho khán giả (chứ không phải người làm âm nhạc chuyên nghiệp). Nhận thức luôn là kết quả của quá trình tương tác giữa chủ thể và đối tượng. Nó chưa bao giờ là điểm cực hạn của mọi quá trình. Nhạc sĩ Nguyễn Đình San với tư cách là “cầu thủ” trên sân sáng tạo âm nhạc có thể đi đến tận cùng của niềm đam mê (chủ quan), và điều ấy có thể nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả (thính giả), còn với tư cách “người thổi còi” trên sân phê bình, lý luận, tuyển chọn… thiết nghĩ hãy tôn trọng “luật chơi” nhằm đảm bảo tính khách quan, mực thước về giá trị đối với các tác phẩm.
Lê Hải Đăng
Theo http://www.hoinhacsi.info.vn/


1 nhận xét:

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...