Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

Paris có gì lạ không anh

Paris có gì lạ không anh? 
Paris có gì lạ không em?
Mai anh về giữa bến sông Seine
Anh về giữa một giòng sông trắng
Là áo sương mù hay áo em? 

PARIS CÓ GÌ LẠ KHÔNG EM - TUẤN NGỌC - YouTube

Một đoạn cuả bản nhạc trữ tình của Ngô Thụy Miên thuở nào, có thể nói nó đã đi vào lòng của nhiều người, nhất là các “bạn trẻ” của những thập niên 60, 70. Thuở đó Paris vẫn nằm trong giấc mơ và trí tưởng cuả nhiều người.
Mọi người vẫn mơ, mơ được đến Paris, được sống ở Paris, và mơ trở thành một Parisien. Tôi còn nhớ thuở đó, ở trung tâm văn hoá Pháp nằm ở gần nhà thương Đồn Đất, hằng đêm thật đông các giới trẻ sinh viên và cả người lớn, đua nhau đi học tiếng Pháp, phong trào này có lẽ phồn thịnh và thời trang hơn là phong trào học tiếng Mỹ ở Hội Việt Mỹ, đường Mạc Đĩnh Chi. Thời đó, hình ảnh cuả một anh sinh viên, vóc dáng dễ thương với áo quần gọn gàng, tay cầm tờ báo Paris Match, bước vào nhà hàng thanh lịch như Brodard, Pagoda, Givral hay Thanh Thế. Ngồi trầm ngâm bên cạnh là một ly cafe fin đen đắng và gói thuốc, có lẽ vẫn là một hình ảnh đẹp và thật phong nhã và luôn được đón nhận sự ái mộ cuả những bóng hồng nào đó. Chính vì thế vào thời đó, Paris nói riêng và nước Pháp nói chung vẫn là một nơi được ca tụng và nó đã nhè nhẹ đi vào nền văn chương Việt Nam, nhất là trong lãnh vực âm nhạc và thơ văn, đã nhiều nhà thơ và nhạc sĩ đã quyện đời mình, tác phẩm mình vào chữ Paris qua bao nhạc phẩm và thơ.
Giòng đời trôi nổi, người Việt chúng ta lưu lạc khắp mọi phương trời từ Âu sang Mỹ, và Paris vẫn là một điễm tụ của nhiều người và nhiều gia đình mà đã có một ít gì liên hệ với Pháp quốc hoặc tình cờ trong cuộc đời tỵ nạn. Quận 13 của thành phố Paris, là một tụ điểm cho sinh hoạt cuả người Việt tại Paris, mặc dù nó không được nhộn nhịp và phồn hoa như chốn Little Saigon ở miền Nam California.
Trong cái may và sự lựa chọn, tôi đã được định cư tại California, Hoa Kỳ, nhưng Pháp quốc và Paris nói riêng vẫn nằm trong giấc mơ cuả tôi, mơ được đến, được nhìn một nơi vẫn được gọi là Kinh Đô cuả ánh sáng!! đến để xem, Paris có gì lạ không anh? đến để nhìn giòng sông Seine trong hay đục, nước chảy như thế nào mà đã hấp hồn được những nhà văn nhà thơ Việt Nam như Nguyên Sa, Ngô Thụy Miên, Cung Trầm Tưởng, Vũ Hoàng Chương, Võ Thu Tịnh, hoặc để nhìn Tour Effeil ngạo nghễ, vườn Luxembourg đua hoa, Ga Lyon, Ga Nord với ánh đèn, có thật sự vàng đến nỗi đã ru bao nhiêu tầm hồn chìm đắm trong tình yêu như đôi lời trong nhạc phẩm “Paris và em“.
Anh nhớ em, Paris mùa Đông,
Anh nhớ em, sông Seine lạnh lùng...
Anh nhớ em, Lyon đèn vàng
Anh nhớ em, sương rơi ngập ngừng
Tour Effeil cô đơn trọn đời
Vuờn Luxembourg, lạnh giá hồn tôi
Mắt mờ lệ rơi! 
Người viết đã có cơ hội đến Paris hai lần vào năm 2003 và mới đây 2007. Trong cả hai lần, trời đã không cho tôi sự trọn vẹn, thời tiết đã không dành cho tôi thấy được cái đẹp cuả nó, nhưng Paris vẫn có một cái gì đó của sự kiêu hãnh, cuả một cổ kính với thời gian. Trong cả hai lần tôi đến Paris, tiết trời đều mưa và khá lạnh. Những cơn mưa dài và dai hơn hẳn những trận mưa cứu hạn ở California, đồng thời kéo theo cái buốt cuả một ít gì Hà Nội. Trong chuyến đi năm 2003, vì thời gian quá ngắn ngủi, đã không lưu lại trong lòng người khách ái mộ nhiều cảm nhớ. Tôi đến Paris vào xế chiều mưa nhẹ hột tại Gar Nord, rồi sau đó đón tầu điện Metro về thẳng khách sạn chỉ cách Effeil Tower khoảng một cây số. Tối hôm đó tôi đã cố gắng lội bộ dưới mưa để kịp được đến ngay chân cuả Effeil Tower, giấc mơ đã thật sự đến với tôi sau hơn nửa kiếp người. Tôi đã lên tới tận ngọn cao cuả tháp, từ đó có thể nhìn thấy trọn vẹn thành phố Paris về đêm. Trong ba ngày ngắn ngủi ở Paris, chỉ đủ cho tôi thăm viếng vội vàng một vài điểm lịch sử đã nằm sâu trong trí tưởng cuả tôi sau những năm mài đủng ở nhà trường, như nhà thờ Notre Dame, nơi có thằng Gù, rồi vội thoáng qua trên gíòng sông Seine để thấy một giòng sông đen buồn, chạy dọc hai bên là các quầy sách báo và tranh ảnh đón chào du khách. Lác đác xa xa hai bên bờ tường bêtông là một vài kẻ homeless đang cuộn mình trong giấc ngủ trong tiết lạnh của tháng Mười; rồi tôi trở về vườn hoa luxembourg, trong cái nét thật buồn cuả một mùa hoa đã đi qua hoặc chưa tới. Một vườn hoa mang cái nét cuả thiên nhiên nhiều hơn là “landscape“ như ở Hoa Kỳ. Trên những ghế đá công viên, vài cặp ông tây bà đầm già, đang ngồi nghỉ chân hoặc có lẽ họ đang ngồi nghỉ và nghĩ về những ngày cuối của cuộc đời đang từ từ tiến dần về phiá họ chăng? Ngày cuối ở Paris tôi được đi bát phố trên đại lộ Champs Elysees, con đường dẫn đến Khải Hoàn Môn, một nét lịch sử tiêu biểu cuả Pháp quốc. Một đại lộ thênh thang hoành tráng, và dọc theo hai bên là những cửa hàng shopping danh tiếng như Mercedes, Louis Vuiton, Channel v..v... Tôi cũng không quên ghé một cửa tiệm bánh mì sandwich, để làm một ổ bánh mì baggette, đúng truyền thống cuả các ông Tây bà Đầm, vừa đi vừa gậm bánh mì, rồi lướt vội qua Lido, một điểm nóng cuả Paris đắt tiền về đêm, tựa như một Jubilee của Las Vegas. Sau lần đó, tôi vẫn mơ, mơ một ngày trở lại ...
Người ta vẫn nói, đến Paris hai tuần thì chỉ đủ coi thoáng qua nhửng điễm nóng muốn coi thôi. Paris vẫn tự hào là một điểm du lịch, đã lôi kéo được nhiều tâm hồn thực tế và lãng mạn cuả ngưòi Việt Nam nói riêng và mọi người trên thế giới nói chung. Nào là đi dạo trên giòng sông Seine về đêm, từ trên cầu Mirabeau hay cầu Alexandre III nhìn xuống giòng sông như để tìm lại cuộc tình ta, mà em giờ ở đâu? ôi sương mù dĩ vãng! ghé qua Toà Đô Chánh Paris, rồi đi bộ trên con đường Rivoli & Tuileries, ghé qua La Conciergerie, Quai de Bourbon, chiêm ngưỡng Khải Hoàn Môn, Place de la Concorde, L’institute de France, Cầu Neuf, Đảo Cité, xuôi về nhà thờ Sacré coeur Montmartre với hoa vàng tượng đá, Nhà thờ Notre Dame de Paris, nghẹn ngào ngân tiếng chuông, để tìm lại hình bóng ông gù ngày đó, hay dừng chân ở vuờn Trocadéro để ngó nhìn về tháp Effeil, tháp sắt đang hờn trăng lạnh lẽo ngồi, vườn Luxembourg để tìm một mùa thu âm thầm bên ghế đá, rồi ghé qua khu phố Saint-Eustache hay khu phố Montmartre đi tìm một tình yêu chưa tỏ mà đã đành chia ly bên ly cà phê cùng khói thuốc.
Tôi đã trở lại Paris, lần này tôi đã có một thời gian dài hơn lần trưóc. Tiết trời tháng Ba vẫn còn lạnh. Paris đã dành cho tôi những trận mưa đủ để ướt người quyện với gió buốt của những ngày cuối Đông, nhưng thiên nhiên đã không làm chùn chân người khách phương xa vốn yêu Paris như là một người tình trong mộng. Tôi muốn dành thật nhiều thời gian để đi đến mọi nơi và nhìn hết mọi thứ, cố gắng ghi nhận hết vào trong trí tưởng của mình, và cũng để tìm ra hết những câu trả lời trong bản nhạc trữ tình, đó là “Paris có gì lạ không anh?“. Dạ thưa, Paris có nhiều cái lạ lắm! dưới con mắt cuả người định cư tại Hoa Kỳ, một quốc gia mới, có một chiều dài lịch sử chỉ hơn 200 năm. Paris, nó mang cái nét cuả một thành phố cổ kính và lâu đời, có lẽ ở Paris chúng ta ít tìm thấy được những chứng tích cuả một thời đại mới, cuả nền văn minh vật chất hiện đại, một hạ tầng cơ sở cũ của những thập niên 50-60, đường xá nhỏ bé ngoại trừ những đại lộ lớn ngay trung tâm thủ đô. Du khách đến Paris có lẽ không thể không ghé thăm Tour Effeil, cao ngất, biểu hiệu một quyền uy thuở nào, hàng năm du khách đến thật đông, ai nấy đều cố gắng lấy cho mình vài tấm ảnh như là một gì cho sự hiện hữu cuả ta ở nơi đây. Ngôi nhà thờ cổ kính Notre Dam không ngọn tháp, khác hẳn những ngôi nhà thờ khác ở Pháp hay Âu Châu, nét cổ kính và lịch sử của nó đã không chỉ lôi kéo những tín đồ công giáo mà cả những du khách vẫn tin vào một cái gì thiêng liêng, nơi đó qua bao nhiêu người chen chúc đi vào nhưng vẫn giữ được nét trang nghiêm và yên lặng.
Một điểm đặc biệt ở Paris và nói chung nuớc Pháp đã làm tôi thích thú và nhớ thật nhiều về quê nhà, Saigon ngày xưa, đó là hệ thống “bùng binh“, từ một trong những ngã rẻ từ bùng binh này sẽ dẫn đến một bùng binh khác và cứ thế. Chúng ta còn nhớ đến bùng binh Ngã Năm, Ngã Sáu, Ngã Bẩy, Quách Thị Trang, v..v.. có lẽ người Pháp đã mang cố gắng du nhập mọi thứ đến các nước thuộc địa nghèo. Hệ thống bùng binh đã giảm thiểu thật nhiều về hệ thống đèn xanh đèn đỏ ở ngã tư vì không còn nữa. Xe chạy liên tục và khi tới bùng binh nếu ta chưa quyết định chọn hướng nào thì cứ chạy vòng vòng, hoặc nếu chúng ta đi chơi xa với nhiều bạn bè và nhiều xe, thì có thể đuổi bắt hay lẩn trốn trong cái bùng binh này, nhưng người viết đề nghị không nên chơi dại, bởi vì trật một cái là lạc nhau luôn. Đường xá ở Paris không đơn giản như ở Hoa Kỳ, đi Nam về Bắc, đi Tây về Đông hoặc đi lố hay sai thì làm một cái vòng chữ U hay đi ngược trở lại, phối trí như một bàn cờ vuông. Mặc dù người dân Paris vẫn nói đường xá cuả họ đi không bao giờ lạc nhưng sao tôi thấy dễ lạc qua!! Đi ra ngoài trung tâm hoặc các khu phố nhỏ thì đường xa bé nhỏ có lẽ để cân đối với giòng xe cộ cũng nhỏ bé, bạn khó có thể tìm được một SUV to đùng ở bên này, xe cộ đậu dọc hai bên đường và cách đậu cũng hay hay và thách đố, một nửa xe nằm trên lề đường và một nửa xe nằm dưới đường, chịu thì chịu, không chịu thì thôi!! Nhưng không phải vì hệ thống đưòng xá, xe cộ nhỏ bé mà tốc độ được giới hạn, theo bảng chỉ dẫn thì tốc độ ở các xa lộ cũng không thua gì ở Hoa Kỳ. Ở một số đường xuyên tỉnh, chẳng hạn đường đi về Loire, vẫn thấy những tấm bảng đen hình người dựng lên biểu hiệu cuả một ai đó đã ra đi vĩnh viễn vì tốc độ cao! hoặc hầu hết các xa lộ đều có máy ảnh chụp lại những ai vượt quá tốc độ quy định
Có lẽ những ai yêu Paris, thì đểu cảm nhận được một điều rằng Paris lãng mạn ở mọi nơi và  ở mọi thời tiết, mưa nắng, xuân, hạ, thu, đông. Chúng ta không thể tìm đươc sự lảng mạn và thi văn ở các hệ thống metrô ở New York, Chicago, nhưng có lẽ ở Paris ta nghe được tiếng yêu cuả nó qua:
Paris lạnh phố buồn
Em ơi rét không em
Lên Metrô cuối cùng
Em ơi! khóc đi em!!
Ngoài âm hưởng cuả tình yêu, Paris còn đưa du khách trở về những mốc thời gian cuả lịch sử, những lâu đài cổ kính ở quanh vùng ngoại ô Paris và ở những thành phố khác, người viết đã ghé thăm Chateau de Versailles, cung điện của những vì vua chúa ở ngày xưa, một nét hoành tráng và oai nguy của những triều đại vua chúa xưa, đây đươc coi như là một lâu đài cổ kính và lớn nhất trên thế giới, rộng trên 1800 acres. Nó được xây dựng vào năm 1623, thời vua King Louis XIII; đến năm 1837, vị vua Lois Phillippe, "King of the French" đã xếp hạng lâu đài này vào một loại bảo tàng viện, ngày nay đã trở thành một di tích lịch sử của Pháp quốc.
Cạnh đó vẫn là một cái gì cuả cuộc sống thực tế hàng ngày, giòng sông Seine chạy vắt ngang qua thủ đô Paris, tôi vẫn chưa nhìn được cái nét thơ của nó mà bao nhiêu thi sĩ nhà văn chúng ta đã cảm nhận được và đưa vào thơ văn! Hay là mình không phải là nhà thơ văn, cũng có thể! Giòng sông chảy chậm và thửng thờ như không hề biết có bao nhiêu du khách đang đứng nhìn nó.
Dưới cầu Mirabeau
Trôi dòng sông Seine
Và cuộc tình chúng ta
Em ở đâu? Ôi sương mù dĩ vãng 
Trở về chốn phồn hoa, người viết đã thực sự có được một ngày thật vui và trọn ven, gặp lại được người bạn năm xưa cùng với những hương vị kỷ niệm cuả ngày nào và thấy tận mắt những điều chỉ nằm trong trí tưởng và thèm thuồng, mặc dù nó chỉ là những điều đơn giản và bình dân. Một ngày với khu phố Saint-Eustache rồi thả bộ qua khu phố Montmartre. Một khu phố mang đầy kịch tính và nghệ thuật, dọc hai bên phố là các hàng quán cà phê lề đường, một cảm giác cuả một Brodard hay Thanh Thế cuả ngày xưa, chúng ta có thể ngồi hàng giờ bên tách cafe đen và khói thuốc để ngắm ông tây đi qua bà đầm đi lại, để rồi vẩn vơ về một cái gì đó cuả kỷ niệm. Được nhắm nhìn nghệ thuật đang trôi nổi dọc hai bên đường qua những giá vẽ tranh của các nhà hoạ sĩ lãng tử lấy thiên nhiên hay phố xá làm đối tượng. Có lẽ họ cũng đang thưởng thức những giòng luân lưu cuả xã hội và một ít gì cho cuộc sống chính cuả họ. Không khí nơi đây thật rộn rã và vui nhộn như muốn quên đi những nhọc nhằn trong cuộc sống hàng ngày. Cuối ngày chúng tôi đã thả bộ qua một điểm nóng về đêm của Paris, Moulin Rouge, trung tâm của Sexodrome, với những của hàng và các "show" giải trí cho kỹ nghệ này, có thể nói nó tựa như một "Red Light District" của Amsterdam, Holland.
Paris, em yêu dấu! anh đến thăm em, thăm một niềm hoài cổ, để đạt được giấc mơ. Em ơi, em có cái lạ cuả em, và anh có một cái vui và niềm hạnh phúc, đó là được sống và vui với Paris, mặc dù thời gian chưa trọn vẹn và thật ngắn cho anh. Anh vẫn mơ, mơ ngày trở lại .... Anh sẽ về với tháp sắt đang hờn trăng lạnh lẽo ngồi, về với Luxembourg bên ghế đá mùa thu hay về với sông Seine để tìm em trong bóng trăng. 
Một chuyến đi...
Ludovic Nguyễn
Theo http://nlsbaoloc.info/





1 nhận xét:

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...