Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

Trường ca Sông Lô, bản hùng ca bất tử

Trường ca Sông Lô, bản hùng ca bất tử
     Âm hưởng của Trường ca Sông Lô ăn sâu vào trí não tôi. Và tôi biết, không chỉ riêng mình tôi coi Trường ca Sông Lô luôn là bản trường ca hay nhất, hiện đại nhất và đỉnh cao nhất của tân nhạc Việt Nam. 
Rời quê nhà đi kháng chiến, Anh Bộ đội Cụ Hồ về nhà với mẹ già mang theo tấm ảnh Bác Hồ bột mầu tự vẽ trên vải bao tải, mang theo lòng yêu nước tuyệt đối, sự tin tưởng bất biến vào Đảng, vào Bác và của riêng chỉ có giọng hát âm vang ru con. Và từ đó, nhận biết về ca nhạc của tôi không phải trên bất cứ thiết bị Hi - end nào, không phải từ loa truyền thanh, máy quay đĩa, máy ghi âm nào; mà từ giọng hát của bố tôi, anh vệ trọc Lục quân Trần Quốc Tuấn. Bố tôi ru con bằng Lá còn xanh như anh đang còn trẻ..., ru con bằng Du kích Sông Thao, bằng lời hát có anh Bộ đội về làng, có Đoàn cứu quốc quân một lòng ra đi, và tất nhiên, không thể không có Trường ca Sông Lô, bản hùng ca về sự hy sinh, quyết tâm chiến thắng và chiến thắng oai hùng của Pháo binh Việt Nam, của Đoàn quân Việt Nam.
Âm hưởng của Trường ca Sông Lô ăn sâu vào trí não tôi. Và tôi biết, không chỉ riêng mình tôi coi Trường ca Sông Lô luôn là bản trường ca hay nhất, hiện đại nhất và đỉnh cao nhất của tân nhạc Việt Nam.
Cuối năm 1947, Văn Cao lên Chiến khu. Ông qua Phú Thọ để lên Việt Bắc. Mùa Đông năm ấy, giặc Pháp thua trận thảm hại trên dòng Sông Lô, khắp nơi xác thù còn vương, tàu giặc còn cháy. Phải rút chạy nên chúng đã trả thù hèn hạ, cướp bóc, đốt sạch phá sạch xóm làng ven sông Lô. Ông cũng chứng kiến đoàn quân chiến thắng ca khúc khải hoàn và người dân nô nức hát ca tái tạo cuộc sống mới trên những nền nhà giặc đốt chỉ còn màu xám của tro bụi.
Đến Việt Bắc, ông gặp Doãn Tuế, người chỉ huy pháo binh Việt Nam thắng Pháp trên dòng Lô. Qua những say sưa thuật lại của người chiến binh anh dũng, Văn Cao đã ứng tác bài Trường ca Sông Lô, và bài hát đã được sinh ra từ cuộc sống vinh quang, từ cuộc chiến hào hùng.
Bài hát được đăng trên báo Văn nghệ số tháng 3 năm 1948.
Viết về dòng Lô, về chiến thắng trên dòng Lô có nhiều: Trường ca sông Lô của Văn Cao; Lô giang của Lương Ngọc Trác; Bến Bình Ca của Nguyễn Đình Phúc; Tiếng hát trên sông Lô của Phạm Duy. Sau này có thêm Sông Lô Chiều cuối năm của Minh Quang...
Nhưng tuyệt đỉnh vẫn là và chỉ là Trường ca Sông Lô của Văn Cao.
Sông Lô bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy vào đất Việt và hội cùng sông Thao ở Ngã ba Bạch Hạc, Việt Trì thành Sông Hồng; con sông Mẹ, sông Cả của nền văn minh Sông Hồng. Từ núi cao, sông chảy về xuôi qua bao ghềnh thác, qua bao đồi núi, qua bãi bồi phù sa và chứa biết bao nhiêu tầng văn hóa. Trong Trường ca Sông Lô như thấy tất cả. Có đồi núi gió reo vi vu, có dòng êm trôi rì rào bờ lau ngút ngàn, hay gập ghềnh dòng Lô chảy qua đại ngàn. Bài hát có tự hào của đội quân chiến thắng, có niềm vinh quang sung sướng của người dân sông Lô, những người thà hy sinh tất cả chứ không chịu làm nô lệ, không chịu cúi đầu.
Đoàn quân thời chinh chiến ấy, có chia thành quân dân binh chủng gì đâu, tất cả chỉ là quân ta... Quân ta đoàn kết một lòng thắng giặc, và đều mang nặng tình yêu đất nước. Hết giặc là bắt tay xây dựng lại quê hương, xây dựng cuộc sống ấm no chan hòa...
Tất cả, tất cả đều có trong Trường ca Sông Lô.
Trường ca Sông Lô được Phạm Duy, người bạn nhạc của Văn Cao ca tụng là bản hùng ca sánh ngang bất cứ bản hùng ca xứ Tây nào khác và là bài hát thay đổi nền tân nhạc Việt Nam, bài hát hay nhất trong những bài hát tân nhạc Việt.
Phạm Duy đã viết: “Trường ca sông Lô phải là đỉnh cao nhất của nhạc kháng chiến nói riêng, của tân nhạc Việt Nam nói chung”.
Đã gần bảy mươi năm ra đời, Trường ca Sông Lô vẫn sừng sững trên đỉnh nhạc Việt. Ở đó, có những thủ pháp âm nhạc hiện đại vô cùng, nghe trong gió có tiếng hát, và nghe trong sóng có tiếng lòng. Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, sau giải phóng miền Nam, tháng 12 năm 1975 đã lặn lội ra Bắc chỉ để thỏa một mong ước, được gặp "Hoàng đế của Nhạc Việt": Văn Cao!
Và dấu ấn của Văn Cao trong nhạc Trịnh từ đó cũng rõ. Hãy nghe Đóa hoa Vô thường. Khi gặp những đảo phách, nghịch phách thì càng gợi nhớ đến Trường ca Sông Lô. Nếu như Trường ca Sông Lô, những phách đảo, phách nghịch được dùng để mô tả thiên nhiên hùng tráng thì trong Đóa hoa vô thường được dùng để thể hiện những éo le nghịch cảnh trong nội tâm của đời người.
Hát Trường ca Sông Lô, nam giới có Quang Hưng, Quốc Hương, Quý Dương thành danh. Nữ có Diệu Thúy với giọng nữ cao trong vắt. Những người khác, dù đã cố thử nhưng không hát nổi bài hát này.
Hãy nghe Quang Hưng, chú liên lạc của Cảm tử quân Hà Nội hát Trường ca Sông Lô:
Trường ca sông Lô - Bài ca đi cùng năm tháng

Có lẽ chỉ có mình ông solo cả bài, cho người nghe như được thả hồn trôi từ Tuyên Quang qua bao làng xóm thân yêu bình dị, qua chiến thắng, qua dòng sông nuôi bao lớp người và cuốn đi lũ giặc hung tàn để về hiền hòa thành Con sông Mẹ. Ông là người hát đầy đủ nhất, thể hiện hết khí thế hào hùng, hào hoa của bài hát.
Nghe Mai Hương và Quỳnh Giao: 

Trường ca sông Lô (Văn Cao) Mai Hương, Quỳnh Giao Lyric Loi ...

Chúng ta thấy da diết của những chiến binh rời quê nhà, thắng giặc rồi chỉ mong về quê hương xây dựng lại ngôi nhà có mẹ già, vợ trẻ và đàn em thơ.
Nghe Quý Dương và Dàn Hợp xướng Đài Tiếng nói Việt Nam hát Sông Lô, ta thấy sự sang trọng trong âm thanh, trong ca từ, trong sáng tạo của người nhạc sỹ thiên tài Văn Cao.
Nghe Lê Dung: 

Trường Ca Sông Lô - NSND Lê Dung | Bài hát, lyrics - Zing MP3

thấy trong trẻo tâm hồn Việt Nam, rất hào hùng và mềm mại. Tròn vành, rõ chữ, trong veo, giả thanh cao vút...
Lạy giời, những Đờm, Hồ, Mỳ Mỹ.... chưa dám làm vấy bẩn bài hát này. May cho họ và cho người nghe.
Tháng 3/2017, kỷ niệm 69 năm ngày Bản Hùng ca ra đời.
 Phạm Ngọc Thắng 
Theo http://www.hoinhacsi.info.vn/


1 nhận xét:

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...