Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017

Cảm nhận bài thơ Vầng trăng em - Thơ Triệu Lam Châu

Cảm nhận bài thơ Vầng trăng em
Thơ Triệu Lam Châu
VẦNG TRĂNG EM 
HAY VẦNG TÌNH EM ĐẤY?
Tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp nhà thơ Triệu Lam Châu, ta thấy: Anh được sinh ra và lớn lên ở bản Nà Pằng, xã Đức Long, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng - một miền biên cương điệp trùng rừng núi ở phía Bắc của Tổ Quốc. Nơi đó được bao trùm một trường văn hoá Tày – Nùng – Việt độc đáo và giàu bản sắc dân tộc, đậm đà chất núi rừng.
Sau khi tốt nghiệp Trường cấp 3 Đặc biệt toán tỉnh Cao Bằng, anh lại trúng tuyển kỳ thi chọn đi du học nước ngoài, được học và rèn luyện tại Trường Đại học Mỏ Lêningrát (Xanh Pêtecbua) ở nước Nga (1970 - 1976). Sau khi về nước anh làm công tác tác giảng dạy địa chất ở Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa (Trực thuộc Bộ Công Thương), đóng tại tỉnh Phú Yên, miền Nam Trung Bộ xa vời... cách nơi ở của Tuyết Mai (TM) hàng vạn ngàn hải lý. Anh có khá nhiều bài thơ tình lãng mạn rất hay, cuốn hút người đọc, người yêu thơ chân chính, nhất là các bạn đã và đang yêu... Trong số những bài thơ tình hay đó TM rất thích bài thơ Vầng Trăng Em này. Bài thơ được sáng tác tại đất Phù Ninh, Bãi Bằng quê hương thứ 2 - Phú Thọ thân thương của mình, gợi cho TM nhớ lại tuổi xuân đã từng gửi nhớ, đan thương nơi Nghĩa Lĩnh Vua Hùng, Đất Tổ một thời vàng son nồng nàn và say đắm...
VẦNG TRĂNG EM
Thơ Triệu Lam Châu
Sao em lại cứ đùa như thế
Hẹn gặp nhau nơi Đất Tổ Vua Hùng
Mà chiều nay chỉ mình anh đơn lẻ
Em gửi qua mây trời cho anh một vầng trăng
Cầm vầng trăng em, anh soi dòng Lô Giang
Thấy vầng trán Vua Hùng cao vời lồng lộng
Thấy dân chúng thuận hoà chung tay xây cuộc sống
Điệu hát xoan thơm cả áng mây chiều
Anh cầm vầng trăng em phiêu diêu
Soi thấy cả Thủ đô gió ngàn kháng chiến
Cây đa Tân Trào trầm hùng hiển hiện
Nụ cười cô gái Tày chan ánh mắt em chăng?
Ôi vầng trăng em long lanh
Soi thấu cả ngày qua lộng lẫy
Soi thấy cả ngày mai huy hoàng nữa đấy
Anh biết em ở cuối trời đang thao thức đêm nay…
Phù Ninh, lúc 1 giờ 54’ sáng 28/4/2015

Được biết năm TM lên 4 tuổi thì Triệu Lam Châu đã biết làm thơ, anh làm thơ từ rất sớm, hồi học cấp 2 đã ấp ủ trong tâm hồn thơ non nớt một vầng trăng rất đỗi dễ thương, nồng nàn từ độ ấy. Chả thế mà sau này anh dành hẳn cho thơ một tập riêng có tên là "Trăng sáng trên non" Hội VHNT Phú Yên xuất bản 1998. TM từng được đọc tập thơ này, trong đó có khổ thơ:
Trăng mọc lên từ nơi giấu kim cương
Nơi giấu trái tim rừng rộn rực
Nơi những chòm sao giấu trong vòm lá mật
Bỗng nở bùng chuỗi hạt sáng lung linh.
(Dưới tán lá phong vàng -1973)
Đọc thơ anh, TM nhận thấy một trái tim rừng rất đỗi hồn nhiên, không mấy khi thấy nỗi buồn trong đó, dù anh đã từng xa xứ tha hương du học xứ người những sáu năm ròng. Mà ngược lại ở đây chỉ có niềm tin yêu vào những điều tốt đẹp. Một tâm hồn thơ vô cùng lãng mạn, rừng rực như lá phong vàng, như ngọn lửa rừng, như những chòm sao, như vầng trăng tỏa sáng... Tác giả đã không điệu đàng gọt giũa tô vẽ cho tứ thơ mà để tự nhiên, nguyên sơ và trong lành như suối núi. Vậy mà vẫn toát lên được vẻ đẹp tâm hồn của người địa chất. Ngoài tình yêu lứa đôi nồng nàn say đắm ra là tình yêu, cảm xúc dạt dào sâu nặng với quê hương Cao Bằng, với đồng chí, đồng nghiệp, với các dân tộc anh em. Bởi vậy tập thơ "Trăng Sáng Trên Non" anh đã trân trọng ghi lời kính tặng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, thật cảm động lòng người. Có phải nghề mỏ - địa chất thường gắn liền với núi rừng, với mưa gió, đêm trăng đã cho anh tâm hồn thơ trong trẻo, mát lành như suối Nà Cơ Cao Bằng đó không? Hay là tác giả được lớn lên từ núi rừng, được nuôi dưỡng từ màu xanh yêu thương ngút ngàn kia nhỉ? Song TM nghĩ có lẽ cả hai cái đó đã tạo nên một Triệu Lam Châu có cuộc sống hồn thơ phong phú, cảm xúc dồi dào mà sâu lắng và ngày càng đằm thắm như bây giờ đó chăng? 
Bài thơ Vầng Trăng Em dẫu không mô tả cụ thể vẻ đẹp nào của nhân vật em ra sao. Song người đọc cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của cô gái có thể nói là đạt mức LÝ TƯỞNG VÀ NHIỆM MÀU.
Thật vậy - Mới mở đầu bài thơ ta đã chạm câu thơ tình ý, chàng mở lời hờn trách nhẹ nhàng. Mà không trách làm sao được khi nàng đã lỡ hẹn cơ chứ ! Dù là ai trong tình yêu mà lỡ hẹn thì thật khó dằn lòng để không có phút giây dỗi hờn. Bởi vậy chàng mới bật ra chẳng giấu lòng: 
Sao em lại cứ đùa như thế
Hẹn gặp nhau nơi Đất Tổ Vua Hùng
Mà chiều nay chỉ mình anh đơn lẻ
Em gửi qua mây trời cho anh một vầng trăng.
Nàng đã vô tình hay cố ý, vô tâm mà lỡ hẹn đây, để chiều ấy một mình chàng đơn lẻ, thế có buồn không, thương quá phải không? Thế rồi nàng đã gửi cho chàng một vầng trăng. Dĩ nhiên hình tượng vầng trăng là tình em gửi cho anh từ nơi xa xăm nào đó.
Em gửi qua mây trời cho anh một vầng trăng.
Xưa nay người đời thường nói đẹp như chị Hằng Nga, như ánh Nguyệt ... thì em ở đây, tình yêu của em dành cho chàng cũng đẹp tựa vầng trăng ngời sáng. Do vậy chàng cảm nhận nàng đã gửi cho mình vầng trăng trong bối cảnh nàng đã lỡ hẹn như vậy. Câu thơ bồng bềnh mà hết sức gợi cảm, chứa chan tình người trong đó, cho chúng ta thấy tâm hồn nàng trong thơ quá đẹp, đẹp tới mức lý tưởng, thể hiện ở chỗ:

Nàng biết đặt tình yêu đôi lứa riêng tư nằm trong tình yêu chung là Tổ Quốc và giống nòi. Chính vì lẽ đó nàng gửi vầng trăng cho chàng soi thấy Vua Hùng nơi Đất Tổ, nghĩa là thấy cả một chiều sâu của lịch sử dựng nước của giống nòi tổ tiên ta. Rồi cũng vầng trăng tình em ấy mà chàng soi thấy cả một quá trình giữ nước hào hùng của dân tộc qua hình tượng: "Soi thấy Thủ đô gió ngàn"…
Điệu hát xoan thơm cả áng mây chiều
Vâng, chàng vừa ở xa đến đây, mới vừa nhận một vầng trăng - là tình nàng bồng bềnh cùng gió mây huyền ảo. Điều ấy khiến chàng ngỡ ngàng cảm thấy vầng tình say đắm ấy của mình hòa tan và ngát thơm trong lòng như điệu hát xoan Phú Thọ - di sản văn hóa phi vật thể quê nàng, thế rồi chàng mới thốt lên như vậy chăng? Ôi… vậy là vầng hồn của chàng và nàng được choàng thêm vầng thơm của điệu hát xoan lồng lộng giữa trời chiều. Chất văn hoá Đất Tổ Hùng Vương thấm sâu vào tâm hồn của mọi người và của những đôi lứa yêu nhau. Thật là diệu huyền và thiêng liêng quá đỗi! Điệu hát xoan Phú Thọ là lối hát giao duyên, tương truyền có từ thời Vua Hùng, được tác giả diễn đạt bằng tình cảm của mình qua lời thơ rất đỗi bình dị mà toát lên sự trong sáng rất đáng tự hào - chúng ta trân trọng điều đó. 
Cầm vầng trăng em, anh soi dòng Lô Giang
Thấy vầng trán Vua Hùng cao vời lồng lộng
Thấy dân chúng thuận hoà chung tay xây cuộc sống
Điệu hát xoan thơm cả áng mây chiều
Chao ôi! Mối tình của nàng là một vầng ấm nồng toả ra và hình như có sức quyến rũ đặc biệt để cảm hoá chàng, để chàng đi vào quỹ đạo của những giá trị cao vời của giống nòi và Tổ Quốc. Chính điều đó, ta thấy sự nhiệm màu của tâm hồn nàng - Qua vầng trăng nhiệm màu của tình nàng chan chứa ấy…
Phải rồi, có lẽ đây là một lời chuộc lỗi với chàng đấy! Tác giả đã khôn khéo biết dằn lòng tự huyền ảo tình em bằng ánh trăng ngời để rồi cầm soi cho lòng chàng dịu bớt đi phần nào nỗi tủi hờn đơn lẻ đó chăng? Chả thế mà chàng hồ hởi nhận ngay, và: 
Anh cầm vầng trăng em phiêu diêu
Soi thấy cả Thủ đô gió ngàn kháng chiến
Cây đa Tân Trào trầm hùng hiển hiện
Nụ cười cô gái Tày chan ánh mắt em chăng?
Ôi ! Sự phiêu diêu của chàng sao mà đáng yêu đến vậy! Như ta thấy từ cầm - nắm là những thứ mà tay có thể sờ vào được. Còn ở đây chàng đã Cầm vầng trăng em - Có thể nói hình tượng trong thơ được nhà thơ Triệu Lam Châu sử dụng một cách sống động, khá độc đáo. Tuy nhiên, trước đó nhạc sĩ An Thuyên từng bạo gan“cắt, xẻ” vầng trăng để “Làm con thuyền nhỏ”... Có lẽ chỉ sau Đại thi hào Nguyễn Du, trong truyện Kiều đã từng có câu: Vầng trăng ai xẻ làm đôi/Nửa in gối chiếc nửa soi dăm trường.
Ngày nay nhạc sĩ, nhà thơ Triệu Lam Châu của chúng ta nhẹ nhàng "cầm" vầng trăng để "soi" thấy Vua Hùng nơi Đất Tổ - mới thật là độc đáo và ngưỡng mộ ... đâu phải vầng trăng em gửi cho, chàng cầm để soi con đường kỷ niệm của hai đứa đã từng đi qua hay soi chỗ ngồi nơi công viên thường hẹn... Trộm nghĩ có lẽ do tác giả đang sống ở Thành Phố biển Tuy Hòa quanh co với những ngõ hẻm chật chội, những ngôi nhà tầng chót vót chọc trời, những ánh đèn đường sáng trưng lấp loáng... Bởi vậy hiếm khi được ngắm ánh trăng cho thỏa lòng? Nên khi anh đến vùng Đất Tổ Vua Hùng giao lưu thơ - nhạc, đã bắt gặp vầng trăng vùng Trung Du sáng ngời bên cửa sổ, soi vào trong đêm khuya thanh vắng thì chàng nghĩ ngay đó là tình em xa xăm gửi đến cho mình rồi đây… Cũng chẳng biết thế nào, song vầng trăng em này hẳn là vầng trăng Phú Thọ, quê hương của TM rồi, nghĩ vậy mà thấy sung sướng và tự hào lắm thay!
Nhân đây chúng ta cùng bàn một chút về trăng, bởi trăng luôn là đề tài muôn thuở, là nguồn cảm hứng của biết bao văn nhân thi sĩ; Trăng có mặt ở mọi nơi, mọi chốn thông qua: thơ, ca, nhạc, họa... Song để có lối nghĩ, sức tưởng tượng táo bạo trong sáng tạo nghệ thuật thì nhà thơ Triệu Lam Châu của chúng ta đã làm được việc là cầm vầng trăng em - xưa nay hiếm có nhà thơ nào dám cầm như thế. Tất nhiên trên thế gian này, có thi sĩ nào làm thơ mà lại không biết để cho vầng trăng len lỏi vào tâm hồn mình và dàn trải theo từng cung bậc của cảm hứng sáng tác nhỉ? Hẳn là mỗi thi sĩ ít nhất cũng có một vài sáng tác dành cho trăng của mình đó chứ? Theo cảm nhận riêng, TM thấy hầu như các thi sĩ làm thơ về trăng thường là sự rung động tâm hồn trước cảnh đẹp nên thơ giữa đêm khuya thanh vắng.
Chỉ có Hàn Mặc Tử có lẽ do bạo bệnh cùng đường nên đã nhân cách hóa lên một cách quá đáng, kiểu điên loạn. Ông xem ánh trăng trong thơ như một thực thể của tạo hóa có linh hồn, chẳng thế mà ông đã từng có những lời thơ mạnh bạo: Nhảy xuống giếng vớt trăng (Trăng tự tử); Ta nằm trong vũng trăng. (Say Trăng); Đầy mình lốm đốm những hào quang. (Ngủ với Trăng)…
Dưới con mắt của Xuân Diệu có lúc trăng khỏa thân, trông tựa như một người đang tắm vậy. Song ở đây, trăng được vượt lên một tầm cao hơn mang nhiều sắc thái: Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá/Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ! ("Trăng", Thơ Thơ)
Trăng trong thơ Bùi Giáng thì sao nhỉ - nhà thơ hiện đại Việt Nam viết nhiều về trần gian như ông mà có lần tự hỏi "Ta đếm lại từng ngón tay lẩy bẩy/Đời chúng ta là mấy trăng tròn?" Giờ đây con người chuyên lo lắng cho cõi người ta ấy, đã yên nghỉ. Có lẽ trước lúc vĩnh việt cõi trần ông vẫn còn băn khoăn lắm:"Còn không một bận quay về/Vườn xưa ngó bóng trăng thề vàng gieo"…
Còn nhà thơ Triệu Lam Châu của chúng ta cũng đã từng ấp ủ nâng niu nhìn ngắm vầng trăng Nà Pẳng toả ánh thầm ảo huyền./đẹp như hoa đào tiên; Vầng trăng Tuy Hòa núi Nhạn bây giờ đẹp hơn trăng xưa/Bao gương trăng long lanh… Và gần đây đã tình tứ Cầm vầng trăng Phú Thọ quê hương của TM rồi đấy!
Bây giờ chúng ta quay lại vấn để trên để thấy vẻ đẹp tâm hồn của nàng(em trong Vầng Trăng Em) đẹp đến mức lý tưởng thể hiện như thế nào nữa nhé.
Nếu chỉ là tình yêu ích kỷ cá nhân – thì chàng cầm vầng trăng em chỉ soi thấy hình bóng riêng của đôi ta mà thôi. Song cái cá nhân ấy hình như chìm đi – để cho tình yêu Tổ Quốc và giống nòi hiện lên qua sự soi của vầng trăng nhiệm màu ấy. Chính vì vậy ta thấy đó là một tình yêu lý tưởng và thiêng liêng. Bởi vì bất cứ thời đại nào tình yêu đôi lứa hay gia đình riêng bao giờ cũng nằm chung trong vầng thiêng liêng của sự trường tồn giống nòi và Tổ Quốc.
Ôi vầng trăng em long lanh
Soi thấu cả ngày qua lộng lẫy
Soi thấy cả ngày mai huy hoàng nữa đấy
Anh biết em ở cuối trời đang thao thức đêm nay…
Và chàng yêu nàng đến nỗi, khi nhìn thấy nụ cười tươi đẹp của cô gái Tuyên Quang, Tân Trào (Miền gái đẹp) – thì chàng cứ nghĩ là nhờ ánh mắt của người mình yêu đang ở nơi xa chan vào, nên nụ cười cô gái Tày nơi đây mới xinh như thế đó.
Nụ cười cô gái Tày chan ánh mắt em chăng?
Đọc câu thơ này ta thấy tác giả hết sức "khôn ngoan" và tế nhị vô cùng, khi dành tặng cho nàng một lời khen mà lại không nói thẳng toẹt ra như: "Em đẹp lắm. Em xinh lắm..." mà dùng hình tượng chan ánh mắt của em vào nụ cười cô gái Tày, để cô gái ấy đẹp hơn và xinh hơn nữa là nhờ có ánh mắt của nàng... Ôi! TM nhận thấy Thơ Triệu Lam Châu đã với tới độ chín thơm rồi đó. Chúng ta những độc giả yêu thơ chân chính, cùng ngưỡng mộ và mừng về cách làm thơ của nhà thơ Triệu Lam Châu - một tâm hồn thơ vô cùng tinh tế.
Anh biết em ở cuối trời đang thao thức đêm nay…
Cho dù chàng có mải mê cầm vầng trăng em vừa gửi, đem soi lên cội nguồn dân tộc Con Lạc Cháu Hồng để khám phá và nhận ra nhiều điều thú vị tại nơi Đất Tổ Vua Hùng đi chăng nữa, thì chàng vẫn không hề lãng quên và luôn phập phồng, thao thức dõi theo cùng giấc ngủ của em ở phía trời xa nào đó. Đây chính là tiếng lòng của tác giả, được kết tinh từ tình cảm rất đỗi đắm say, chắc ở nơi xa bằng giác quan thứ sáu, hẳn nàng cũng đã cảm nhận được điều đó rồi chăng?
Thế rồi ở nơi Đất Tổ ấy vầng trăng nhiệm màu của nàng soi thấy cả một quá trình yêu chứa chan kỷ niệm riêng của đôi ta hôm qua – hôm nay và mai sau nữa…. Ôi! Vầng trăng lồng lộng của tình em bao chùm cả non ngàn bao la từ quá khứ hôm qua – hôm nay và mãi mãi…
Như vậy đọc tổng thể bài thơ ta thấy toát lên một vẻ đẹp lý tưởng và vĩnh hằng trong mọi thời đại từ Vầng Trăng Em… Vậy vầng trăng em hay chính là Vầng Tình Em Đấy?
Viết đến đây TM chợt nghĩ giá như tất cả chúng ta, ai cũng biết mở rộng tâm hồn, để đón trăng vào cho tỏa sáng nguồn, cơn - mỗi khi lòng xác xơ thì thể nào cũng cảm thấy cuộc đời đầy những gian nan sẽ ấm nồng và yêu đời hơn biết mấy!
Có phải duyên trời đem tình thu trao nhau
Đem nụ cười tươi lén vào nhung nhớ
Cho ta xua tan bao nỗi niềm trăn trở
Đời bỗng bừng lên như ánh sương mai.
Nguyễn Tuyết Mai
Nguồn http://nganhdao.vnweblogs.com/
Theo http://vnthihuu.net/


1 nhận xét:

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...