Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2017

Trầm hương Vạn Giã

Trầm hương Vạn Giã
Cùng viết  với VÕ KHOA CHÂU
Trong nguồn tài nguyên rừng, trầm hương và kỳ nam (gọi tắt là trầm kỳ) là hai loại lâm đặc sản có giá trị kinh tế lớn nhất. Trầm hương và kỳ nam là phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm sinh ra từ thân cây dó bầu mọc hoang trong những cánh rừng già Trung bộ. Cây dó có 2 loại: dó bầu (tên khoa học là Aquilaria agallocha) và dó gạch hay còn gọi là dó niệt (Aquilaria malaccensis). Dó gạch cũng cho trầm nhưng mùi thơm nồng, hắc, có vị tanh và giá trị thấp. Chỉ có dó bầu mới cho ta trầm tốt và kỳ nam. Về nguyên nhân tạo trầm kỳ của cây dó, có nhiều giả thuyết khác nhau. Từ thế kỷ XVIII, nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) đã viết trong sách Phủ biên tạp lục: “Hương ấy là do ở ruột cây dó kết thành. Dó có ba loại: dó lưỡi trâu thì thành khổ trầm, dó niệt thì thành trầm hương, dó bầu thì thành kỳ nam hương. Người ta thấy cây già lá vàng mà nhỏ, thân nhiều u bướu, thì biết ngay là có hương, chặt mổ để lấy”.
Trước đây cây dó bầu mọc nhiều ở các vùng rừng núi của tỉnh Khánh Hòa. Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, phần viết về thổ sản của tỉnh Khánh Hoà cũng ghi: “Vùng núi các huyện đều có kỳ nam, trầm hương. Dân xã An Thành huyện Tân Định hàng năm đi kiếm để nạp, năm nào không có kỳ nam phải nạp thay bằng trầm hương”. Trầm Khánh Hòa tập trung nhiều ở rừng núi các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, Khánh Vĩnh, trong đó nổi tiếng nhất là vùng núi Hòn Chảo ở Tu Bông, Vạn Giã (thuộc huyện Vạn Ninh) mà danh tiếng đã đi vào ca dao: “Cây quế thiên thai mọc ngoài khe đá, Trầm nơi Vạn Giã hương toả sơn lâm”. 
1. NGƯỜI XƯA ĐI ĐỊU:
Theo các cụ cao niên ở Vạn Giã, mà ngày nay có con cháu nối đời theo nghề đi địu (nghề khai thác trầm kỳ), cho biết nơi phát tích nghề đi địu là từ thôn Quang Đông, xã Ninh Đông, huyện Ninh Hòa, rồi sau mới lan dần ra huyện Vạn Ninh. Còn trước nữa, nghĩa là người huyện Tân Định (Ninh Hòa) học nghề này từ đâu, thì việc ấy không ai biết một cách tường tận.
Khi được hỏi về ông tổ của nghề, các cụ lớn tuổi cho biết, nghề này không có ông tổ, cũng tương tự như các nghề đi củi, đốt than, chặt cây, đẵn gỗ, làm súc, chặt củi kèo, củi thước, gài bẫy, đi săn...
Có thể kể ra đây những lớp người tiên phong từ thời xa xưa, đó là ông Thừa Lương (con ông xã Cửu, ở Vạn Giã), kế tiếp là Bảy Lùn, Bảy Ba, ông Bớt (Nguyễn Hường), rồi đến ông Phạm Hỉnh (tên thường gọi là ông Điền) ở xã Vạn Bình, ông Giỏi, và lớp gần nhất là ông Sáu Mùi (Nguyễn Mùi). Tất cả những người ấy đều đi tìm trầm kỳ từ thời trước 1975. Đến những năm 80 (thế kỷ XX) ở huyện Vạn Ninh, các xã Vạn Thắng, Vạn Phú, Vạn Hưng... và nhất là tại thị trấn Vạn Giã, số người đi núi tìm trầm hương nhiều lắm. Họ ra đến La Hai, Phước Lãnh (Phú Yên), An Khê (Bình Định), rồi Ba Tơ (Quảng Ngãi), đến tận Quế Sơn, Trung Phước, Trà My, Tác Bỏ (Quảng Nam), lặn lội vào tận rừng sâu, lên tít núi cao, hợp tác với người dân tộc tại địa phương để tìm trầm hương. Ở Vạn Ninh, mãi đến tận ngày hôm nay, vẫn còn nhiều người đi tìm trầm kỳ, lục lạo, đào xới các gốc cây dó mà ngày trước họ đã tìm gặp, với hy vọng còn sót lại chút gì. Đây là một nghề hết sức cam go, nguy hiểm, có khi còn mất cả tính mạng: sốt rét vì muỗi rừng, gặp ác thú, lạc đường, bị nước lũ cuốn trôi... Vì thế mới có chuyện “ngậm ngãi tìm trầm”, rồi hóa thành người rừng như lời kể lại của các cụ ngày xưa. Đúng là “ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”!
2. PHÂN LOẠI TRẦM KỲ:
Cách phân loại trầm kỳ từng được người xưa xem xét tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn ghi rõ: “Kỳ nam hương xuất tự đầu núi các xã thuộc hai phủ Bình Khang và Diên Khánh xứ Quảng Nam là thứ tốt nhất, xuất tự Phú Yên và Quy Nhơn là thứ hai...Họ Nguyễn trước đặt đội Am sơn, hàng năm cứ tháng hai thì đi tìm kiếm, tháng sáu thì trở về, số lượng nhiều ít không nhất định, lấy sắc sáp trắng là tốt nhất, sắc xanh đầu vịt là thứ hai, sắc sáp xanh là kém nữa, sắc sáp vàng lại càng kém nữa, sắc như vằn hổ thì kém nhất; lấy chất mềm như phấn đông, có thể cắt thành miếng là hạng tốt nhất, bền rắn là hạng xấu. Tục ngữ nói: “Nhất bạch, nhị thanh, tam hoàng, tứ hắc”. Muốn phân biệt trầm với kỳ nam thì lấy hình, chất, khí vị mà phân biệt. Trầm hương thì cứng, nặng, ít thơm, sắc nhạt, vị đắng;, kỳ nam thì mềm nhẹ, có hơi dầu, thơm mát, vị gồm đủ cay ngọt, chua, đắng; đốt trầm hương thì khói kết xoáy rồi sau mới tan, đốt kỳ nam thì hơi khói lên thẳng mà dài. Trầm hương chỉ có thể giáng khí, kỳ nam có thể chữa bệnh trúng phong, đàm suyễn, cấm khẩu, mọi chứng, mài vào nước mà rỏ và đốt khói cho hơi hương vào mũi thì tỉnh lại ngay. Đau bụng đầy tức thì ngậm là khỏi ngay. Lại có thể trừ được tà khí, uế khí, nên trong chỗ hành dịch, hành quân không thể không dùng. Kiêng nhất là bọc giấy, nên chứa vào đồ sứ hay đồ thiếc, rồi lấy bẹ chuối bọc vào cho kín, phơi giữa chỗ mặt trời, đến chiều lấy ra thì nước dầu tiết ra. Cũng không nên phơi luôn”.
Gần đây, khi trầm hương có giá trị xuất khẩu cao trên thị trường thế giới, đã có nhiều công trình khoa học đề cập đến hương liệu quý này. Đa số các nhà nghiên cứu cho rằng trầm hương là một sản phẩm do bệnh lý cộng sinh với tế bào gỗ tạo thành. Dân đi địu chuyên nghiệp cũng cho rằng muốn xác định cây dó bầu có trầm hay kỳ thì trước hết nhìn mặt bì (vỏ) cây dó đó. Mặt bì có dạng kết cấu như thế nào đó thì bên trong mới có trầm kỳ. Người ta nghiệm rằng trên cây dó nơi nào có những chỗ lõm vào hoặc lồi ra mà da cây khô nứt, nổi lên những chấm màu tím, đỏ nâu là dấu hiệu có kỳ nam. Như vậy, mặt bì có thể là một lớp nấm cộng sinh ở vỏ cây báo hiệu bên trong thân cây đã có trầm kỳ.
Theo các nhà khoa học, sự hình thành trầm hương có liên quan chặt chẽ tới cấu trúc di truyền của loài, tuổi cây và một loạt các tiêu chí sinh thái khác như cường độ chiếu sáng, nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm, thành phần đất đai... Về nguyên lý, để cây dó tạo thành trầm phải có hai yếu tố:
- Chấn thương cơ giới mạnh, như bị mảnh bom đạn khi nổ găm vào thân cây, hoặc do con người dùng rìu, rựa chặt sâu vào thân cây, những lỗ hổng lớn do sâu bệnh đục khoét, hoặc những vị trí gãy cành, gãy ngọn do gió bão gây ra, hoặc những vị trí tỉa cành tự nhiên của cây.
- Tại những nơi chấn thương ấy, sau một thời gian dài từ 10 - 15 năm, dưới tác đông mỗi ngày một ít của những chỉ tiêu sinh thái vừa kể trên, những bào tử sẵn có nằm trong không gian môi trường tác động vào vết thương gây ra những phản  ứng hóa học bên trong cây dó và từ đó tạo thành trầm hương, tùy theo mức độ tác động mà cho ta trầm tốt hay xấu.
Trong thực tế, không phải vết thương nào trên cây dó cũng tạo trầm, nhưng cách lý giải này xem ra có độ xác thực hơn cả, chẳng thế mà xưa nay những những người đi địu khi gặp những cây dó bầu chưa ăn trầm, đã biết tác động vào nó (tiếng nghề là mở miệng) bằng cách chém vài nhát rìu (chành) sâu vào rễ, thân hoặc nhánh cây - là những nơi có nhiều khả năng tạo trầm - để tạo ra vết thương, với hy vọng sau đó một thời gian cây sẽ được tạo trầm.
Khi mở miệng cây dó, dân địu không bao giờ mở quá một nửa của các bộ phận nói trên. Vì mở quá sâu, thân cây sẽ dễ bị ngã đổ, rễ không còn nhựa sống. Hơn nữa, mở miệng phải dưỡng cây. Thông thường tỷ lệ không bao giờ vượt quá 4/6, tốt nhất là già hơn 3/7.
Do người đi địu mở miệng trên cây dó tạo vết sẹo để có trầm, nên tùy theo vị trí trên thân, rễ cây dó mà từ đó trầm hương có tên gọi khác nhau:
- Trầm rễ: do con người tạo vết miệng ở phần rễ. Loại này rất tốt, có giá trị cao.
- Trầm mặt nhang: mở miệng giữa thân.
- Trầm mặt thốn: là trầm ở gần mặt dưới của phần gốc.
- Trầm mắt tử: kết tạo trên nhánh cây.
Người ta thường đánh giá, phân biệt và xếp hạng trầm kỳ theo màu sắc, hương thơm, độ cứng, mềm. Giá cả cũng từ đó mà có khác nhau. Đây là kinh nghiệm truyền đời trong dân gian, cũng như theo cách tuyển chọn tiêu chuẩn xuất khẩu.
Trầm hương ít dùng làm thuốc, thường dùng để đốt lấy hương trong các dịp cúng tế, lễ lạc, giá trị thua kỳ nam nhưng thông dụng hơn. Hình dáng, màu sắc của một miếng trầm rất đa dạng, có khi là một miếng gỗ hình trụ hoặc hình chóp nón, có miếng màu nâu nhạt, miếng màu đen sẫm, miếng màu vàng bợt… Dân gian thường chia trầm hương làm nhiều loại:
+ Trầm rễ: do rễ cây sinh ra, loại này rất tốt, có giá trị cao.
+ Trầm kiến: có lỗ có hang do kiến đục làm tổ trước khi cây thành trầm (dân đi địu có câu: “nhất kỳ, nhì kiến”).
Loại này lại được chia thành:
- Kiến xanh: từ thân cây dó sinh ra, màu xanh đậm, cứng.
- Kiến điệp: mềm hơn, có rất nhiều dạng.
- Kiến kim: chạy đường vân nhỏ, dẹp, giống đường kim may.
- Kiến vách lầu: ăn theo đường vân có hình nhà tầng, trông thoạt như vách nhà lầu xây.
- Kiến gai: hay còn gọi là kiến cây trường lão, còn có tên là kiến ông. Kiến ăn giữa ruột cây Dó, chạy sợi vân có hình cây gậy “nam cực tiên ông”.
- Kiến lỗ: ăn đục thành từng lỗ trong ruột cây dó.
- Kiến trắng: gọi theo màu sắc. Loại này có giá tiền cao hơn, vì tạo nên trầm tốt.
- Kiến đen đụp: chỉ có trầm ở hai đầu, giữa thân toàn là cơm, trong giới đi địu, gọi là kiến tà ha.
+ Trầm tốc: ở nơi thân cây sinh ra, miếng trầm đặc, không có lỗ. Trầm tốc có nhiều nhất và được ưa chuộng trên thị trường, chia ra làm nhiều thứ giá bán khác nhau:
- Tốc bông: màu vàng lợt, có đường vân tạo giống như hình bông hoa.
- Tốc đá: có màu đen, sẫm, cứng, dáng hình kiến ăn dày như tán đường đinh. Lúc xoi trong cây dó, tốc đá có màu đen. Tuy nhiên, để một lát sau, do ảnh hưởng không khí tác động, tốc đá có màu bợt.
- Tốc lọ nghẹ: màu đen đen như bồ hóng và nặng.
- Tốc xám: màu xam xám như tro.
- Tốc nước: mềm, áo đen, màu vàng lợt, ngoài mỏng. Sau khi dạt ra, tốc nước có mùi thơm dịu dàng.
- Tốc ớt: có mùi hăng hăng, màu vàng bợt.
- Tốc hương: sắc vàng lợt, hương đượm, thường bao quanh kỳ nam, cho nên có nhiều gân nhiều điểm kỳ nam lẫn vào.
- Tốc thẻ: kiến ăn chạy theo đường vân giống như tấm thẻ.
- Tốc lưới: đường vân chằng chịt như mắt lưới đánh cá.
- Tốc phao: có hình tròn, giống phao lưới, màu vàng bợt. Tốc này có mùi thơm nhẹ nhàng và dịu.
- Tốc cá ngừ: Trông dáng hình ba khoanh tròn đồng tâm, màu sám giống thịt màu cá ngừ.
- Tốc da: do kiến ăn ngoài da cây dó, nổi từng đường vân trông thấy ngay ở ngoài da, vì thế rất dễ nhận biết.
Kỳ nam được phân biệt với trầm hương ở mùi thơm và lượng dầu kết tinh. Dầu ở kỳ nam kết tinh giống như sáp ong, tỏa mùi thơm ngào ngạt. Dựa vào màu sắc, người ta chia kỳ nam thành 4 loại theo thứ tự giá trị: “nhất bạch, nhì thanh, tam huỳnh, tứ hắc”. Kỳ bạch có màu trắng ngà, chất mềm và rất nhiều dầu; kỳ thanh có màu xanh bóng, nhiều dầu thì mềm, ít dầu thì cứng; kỳ huỳnh vàng như sáp ong, chất cứng và nặng, để lâu khô dầu trở nên nhẹ; kỳ hắc có màu đen bóng, ít mùi thơm. Theo kinh nghiệm dân gian, kỳ nam là vị thuốc quý dùng trị các chứng đau bụng kèm ói mửa, tiêu chảy rất hay (mài với nước hoặc ngâm rượu mà uống) hoặc dùng trong trường hợp người bị trúng gió, bất tỉnh, cấm khẩu (mài với nước cạy miệng đổ vào hoặc đốt xông vào lỗ mũi) hiệu nghiệm như thần. Phụ nữ có thai kỵ kỳ nam, không nên uống hoặc mang theo trong người vì có thể bị sẩy thai.
Kỳ nam là do thiên tạo, khác với trầm hương là do con người mở miệng cây dó. Chính vì thế mà kỳ nam vô cùng quý hiếm. Rất ít gia đình có được sản vật này, nếu có thì họ cất giữ đề phòng những khi bất trắc ngộ độc, trúng gió, hoặc để cứu người. Lại có ý kiến cho rằng kỳ nam còn có tác dụng xua đuổi những điều xấu, đem lại điều lành trong việc làm ăn.
3. ĐỒ NGHỀ KHAI THÁC TRẦM KỲ:
Có thể nói rằng các đồ dùng cho nghề đi địu trầm kỳ rất gọn nhẹ và đơn giản. Tất cả được đựng trong cái bài, tương tự như chiếc gùi của người dân tộc, mang qua vai. Ngoài những vật dụng tối cần thiết như gạo, thực phẩm, thuốc lá, thuốc phòng bệnh, các dụng cụ làm nghề gồm có:
- Dũm: để xoi trầm.
- Rìu, rựa xuồng, cúp: dùng chặt cây, moi đào đất.
- Đá mài.
Dũm cũng có nhiều loại: dũm trung, dũm đại và dũm tiểu. Trong loại dũm đại cũng có nhiều cỡ lớn, nhỏ. Công dụng của dũm đại là dùng để phá xác, “dớt” phần ngoài của vỏ cây dó, phá dần vào bên trong. Càng vào sâu, mạch trầm ăn càng rộng, đến lượt dùng dũm trung dũm tiểu. Dũm tiểu cũng gồm nhiều cỡ lớn, nhỏ, dùng để xoi, xỉa mạch trầm, đường vân có thể rất nhỏ. Sau cùng là cây móc bé hơn, để móc những vệt trắng nhỏ còn dính sát với trầm.
Có nhiều mạch trầm ăn rất nhỏ, kết thành viên tròn, bầu dục, trong giới đi địu gọi là trầm hột mít hoặc những trầm có hình dáng hang lỗ gọi là trầm ổ qua, nên lúc xoi xỉa rất cần đến những loại dũm nhỏ. Ngày nay, dân đi địu còn chế thêm dụng cụ móc trầm.
4. CÁC LỄ CÚNG:
Dân đi địu luôn tin rằng trầm kỳ là của Bà Thiên Y A Na, Bà cho ai gặp, ai được là ơn của Bà. Cho nên trước khi đi phải cúng Bà, đến nơi tìm trầm cũng phải bày lễ xin Bà cho được trầm, và ngay khi tìm thấy cây dó có trầm cũng phải bày lễ cúng tạ ơn trước khi đốn cây tìm trầm. Sự gắn kết giữa trầm kỳ với nữ thần Thiên Y A Na còn được thể hiện trong truyền thuyết về Bà lưu truyền tại Khánh Hòa (đã được Phan Thanh Giản ghi chép và cho khắc lên văn bia dựng tại Tháp Bà Nha Trang năm 1876, dưới triều vua Tự Đức), khi Bà nhập vào cây trầm, rồi từ cây trầm Bà hiện thân ra.
Dân đi địu kể lại, có một vị sư ở thôn Vĩnh Huề, xã Vạn Phú đi bứt mây rừng tại vùng núi Hòn Am, nơi gần nguồn sông Gốc chảy về xã Vạn Bình, thấy một cây dó tỏa hương trầm ngào ngạt. Ông bèn cột dây làm dấu, về nhà, rủ người lên khai thác. Nhưng khi lên đến nơi, cây làm dấu không phải là cây dó và không có hương gì cả. Có người cho rằng Bà Thiên Y không ban ơn cho vị sư nọ. Tương tự, ông Trợ ở xã Vạn Phú cũng phát hiện cây dó, vỏ cây nổi u bướu, thoảng mùi thơm. Ông cũng làm dấu, móc cả bi đông nước vào cây, nhưng hôm sau, đoàn người lên khai thác thì cây dó cũng không phải là cây dó.
Việc cúng bái trong nghề đi địu là hết sức quan trọng, thiêng liêng, vô cùng chu đáo. Mặc dầu không có nhiều lễ lạt như cúng đầm đăng, nhưng cách bày biện thì gồm rất nhiều bàn cúng.
1. Cúng tại núi:
Thường thường, phải đốt một đống lửa lớn trước nơi dựng trại, vừa để soi sáng nơi ở trong thời gian làm trầm vừa ngăn giữ thú rừng. Lễ vật dâng tại núi, gồm: chè xôi, nhang đèn, gạo muối.
Đặt tất cả 15 bàn. Chọn những viên đá núi, đá suối có bề mặt bằng phẳng ở gần đấy kê bàn cúng cho thẳng thớm, không được gập ghềnh. Cụ thể về cách sắp xếp như sau:
- Bàn Bà (Thiên Y A Na Thánh Mẫu)
- Bên tả: Bàn Cậu Hai, có 3 điếu thuốc, kèm với hai bàn bộ hạ, đặt nhang, vàng, rượu.
- Bên hữu: Bàn Chúa thượng đường rừng, Bàn Sơn lâm chúa tướng kèm với hai bàn bộ hạ.
- Bàn giữa: Tam cõi hội đồng, cũng có đặt bàn hai bên, gồm tả hữu ban liệt vị. Tiếp theo một bàn nữa, có thể cao bằng bàn cúng Bà, đặt nhang, vàng, giấy tiền. Cùng với hai bàn hai bên, đặt cháo nhão, chè xôi.
- Bàn cuối: Vái các bác, liệt vị, âm hồn, cô hồn.
- Bàn Sơn thần, thổ địa là bàn riêng... và được vái trước. Tương tự như lễ khai sơn, khai lạch bên nghề đầm đăng.
Dưới đây là sơ đồ bàn cúng được sắp xếp theo trình tự từ trên xuống dưới, từ cao đến thấp ( Xem ảnh)
- Bài văn cúng tại núi:
 (Vị chánh tế - ông trưởng bầu - khấn):
Hôm nay, ngày... tháng... năm... (âm lịch)
Thành tâm phụng thỉnh ơn trên lịnh Bà Thiên Y Thánh Mẫu, chứng minh hộ trì cho con: làm đâu đặng đó, may mắn được nhiều. Lớn nói nhỏ nghe, nhỏ nói lớn nghe. Điều lành đem tới, điều dữ lánh xa. Nam Mô... (Lạy ba lạy, vái ba vái).
(Vái bên hữu):
Ngày... tháng... năm...
Phụng thỉnh lệnh ngài chúa thượng đường rừng. Sơn lâm chúa tướng, tôn vị linh thần chứng minh.
(Vái trước bàn liệt vị):
Thành tâm phụng thỉnh: Tả ban liệt vị chư thần, hữu ban liệt vị chư thần. Các bác âm hồn, cô hồn ở năm phương hướng. Trên dương dưới thế, hữu danh vô vị, hữu vị vô danh. Các vị xiêu mồ, lạc mả. Kẻ chết sông, chết suối. Người chết bụi, chết bờ, mồ ly mả loạn, anh hùng liệt sĩ, các chiến sĩ trận vong, chứng minh: điều lành đem tới, điều dữ tránh xa. (Ba bái, ba lạy).
(Lời khấn trước bàn sơn thần, thổ địa):
Hôm nay, ngày... tháng... năm...
Lịnh ngài sơn thần, thổ địa, thần hoàng bổn xứ, tục danh Chão Lót, Vạn Ninh, Khánh Hòa, chứng minh cho con, nhờ ngài triệu thỉnh trong tam cõi hội đồng, thượng giới, trung giới, hạ giới và lịnh Bà Thiên Y Thánh Mẫu, chứng minh cho con được hưởng lộc mùi thơm của Bà.
2. Cúng hạ ban:
Lễ cúng sau khi đã về nhà, mục đích cúng tạ ơn và xin trong nội gia viên trạch nhiều may mắn, phúc lộc, thuận hòa... Tùy theo lời hứa trước khi đi, nếu được lộc lớn hoặc nhỏ, vật cúng có thể đơn giản hoặc trang trọng.
Thông thường lễ vật gồm có:
- Một con heo đực, toàn sắc đen.
- Hai con gà cồ đã biết gáy.
- Hoa đăng, chè xôi, nhang vàng, tiền giấy.
Cách bày biện bàn cúng như sau:
- Bàn giữa cúng Bà.
- Hai bàn tả ban hữu ban đặt hai bên.
- Dưới bàn Bà là bàn Cậu Hai. Bàn này, lễ vật gồm một cái xương (phần dưới nọng con heo đực), một tợ ba sườn, đồ xào nấu, cúng theo hai con gà cồ.
- Dưới bàn Cậu Hai, trải chiếu đặt lễ vật cúng Các Bác.
- Bàn Ông Chúa đặt riêng bên ngoài.
5. KIÊNG CỮ VÀ NÓI TRẠI TRONG NGHỀ  ĐI ĐỊU:
Hầu hết trong các nghề truyền thống, nhất là đối với những nghề nghiệp thường gây rủi ro, ảnh hưởng đến tính mạng, công việc càng khó khăn, càng nguy hiểm, thì sự kiêng cử lại càng nhiều. Trong nghề đi địu tìm trầm, ông cha ta thuở xưa đặt ra nhiều điều kiêng cữ, nhất là trong lời ăn tiếng nói hàng ngày. Ngoài việc giữ gìn không xúc phạm đến chư vị Thần linh và người khuất mặt, dân đi địu có tục nói trại tức là không nói trực tiếp mà nói lệch sang một từ khác tương đương ngữ nghĩa, hoặc có thể dùng một biệt ngữ để ám chỉ về công việc trong lúc đang thao tác, hoặc tránh né các danh từ chung, tên riêng vì sợ “phạm húy”, chẳng hạn gạo nói là mễ, muối: diêm, đồng hồ: đồng ảnh, cái võng: cái đưa, té: nhễu, con rắn hoặc trăn: râu dài…
Tuy nhiên nếu chẳng may, hoặc bất ngờ vô ý, theo phản xạ, mà đã lỡ lời trong câu chuyện hay trong việc sinh hoạt hàng ngày thì cũng không có gì đáng ngại. Nếu rủi ro như vậy, khi được hỏi có cách nào chế giảm hay không, thì các cụ nói rằng nếu vô ý lỡ lời thì không bị thần linh quở trách. Ai có trách chi đối với những người không biết. Tuy nhiên, vẫn có lệ phạt một cách tượng trưng người chủ bầu trong đoàn đi địu, bằng cách người chủ bầu tự nằm xuống để cho người nói lỡ lời ấy đánh ba roi! Một ý nghĩa tự phạt, tự nhận lỗi lầm vì đã không biết nhắc nhở người trong đoàn giữ dè lời ăn tiếng nói. Đây cũng là ý niệm xưa trong việc thầy dạy học trò không nên, trước hết người thầy tự nhận sai trái về mình...
Những từ nói trại mang tính thiêng liêng, mà ông cha ta đã quy ước “bất thành văn”, được nối đời sử dụng, tạo thành kho từ vựng độc đáo của nghề đi địu.
- Ăn: chuyển thành xóc (xóc xóc rồi lại nằm ình =  ăn rồi lại nằm nghỉ). Từ này, còn được nói là “xực phàn”, tiếng Quảng Đông, có nghĩa là ăn.
- Bao tử: nói là bao tải, hàm ý tránh chữ tử, sợ điều chết chóc.
- Bệnh (đau, ốm): nói là se. Đau bao tử chuyển thành se bao tải.
- Bị: có hai cách dùng. Khi với nghĩa là “mắc phải, gặp phải”, thì nói là bợi. Nếu dùng để ám chỉ ông cọp, phải gọi là ông Ba, ông Tư, hoặc ông Thầy, tỏ ý kính nể, sợ sệt vì cọp thường bắt người ăn thịt.
- Cái võng: gọi là cái đưa, gọi lệch như thế là vì sợ phải nằm võng khiêng về. Hơn nữa trên núi cao có nhiều sợi dây rừng cổ thụ rất to, người đi núi không dám quở, họ ngầm bảo là “võng của Bà”.
- Cá: gọi là rau.
- Chạy: nói lệch là sãi.
- Cháo = Nhão.
- Chết = trẫu (trỗi).
- Chó: gọi là cẩu, ý sợ chó sói, chó rừng.
- Cầu: nói thành kiều.
- Cọp: có nhiều tên thay thế: ông Ba, ông Bốn, ông Thầy.
- Dời (dời trại): chuyển trại đến nơi khác gọi là lấn trại.
- Đá (hòn đá): = hòn đớ. Hòn đá dùng làm bàn cúng.
- Đi tìm cây dó: gọi là đi dạo.
- Đi ăn của Ông Bà: đi địu
- Đói: nói là xót.
- Đồng hồ = đồng ảnh.
- Đường = đàng.
- Gà =  kê.
- Gạo = mễ.
- Gối = đầu kê.
- Heo rừng: gọi là con dũi.
- Hổ (cọp) = hảo.
- Khỉ = khởi, hoặc hón. Loài khỉ thường hay phá phách, đập chén bát, lục lạo nồi niêu, phải kiêng nể.
- Kiến: gọi là rát.
- Kỳ nam: gọi là hàng.
- Lạc đường: trong rừng sâu, trên núi cao, rất dễ bị đi lạc, phải dùng hai chữ lục xính (tiếng Quảng Đông).
- Lạt (trong mặn, lạt): nói là nhẹ.
- Lương: do trùng tên của Cậu Hai (Nguyễn Lương), nên chuyển thành lang (sông Hiền Lương = sông Hiền Lang).
- Ly (ly uống nước): nói là lơi, do sợ điều ly tán, chia lìa.
- Máu (bị chảy máu): gọi là mắm.
- Mặn (mặn, lạt): nói là nặng
- Mót trầm (đi mót): đi tìm lại gốc trầm cũ gọi là giũ rơm.
- Muối = diêm.
- Mưa = rơi.
- Ngủ lỡ đường giữa rừng: lạc đường về trại không kịp, phải ngủ trên cây để tránh thú dữ, gọi là ngủ khởi (khỉ).
- Nồi: gọi là niêu.
- Ong = con uông.
- Rắn, trăn = gọi là con dài, râu dài, hoặc ngựa Bà.
- Rít = râu ngắn, hoặc con tôm.
- Sạp ngủ: = cái đoan ( lót đoan, nằm đoan).
- Té (trợt té) = nhễu.
- Trăng (mặt trăng): gọi là nàng nàng (Đêm nay, nàng nàng sáng quá). Những từ con trăn, mặt trăng đồng âm với trăn trối, phải tránh né.
- Trầm; gọi là kiến.
- Tử: làm liên tưởng đến chết chóc, cho nên nói là trỗi hoặc trẫu.
- Về = trở (về nhà = trở chợ)
- Voi = ông Lớn
- Võng: gọi là cái đưa.
- Xa = khơi       
- Y: mỗi khi hàm ý so sánh, phải gọi là giống, vì kiêng tên Bà Thiên Y A Na.
Những người đi địu lâu năm còn nói rằng nghe tiếng chim kêu trên rừng có thể biết điềm lành dữ: 
- Nếu nghe tiếng con chim Chuông kêu “uông, uông” thì đó là tiếng báo hiệu canh giữ cửa rừng của chim Chuông, cho biết có của quý. Chim này thường kêu vào ban đêm.
- Nếu nghe tiếng con chim Nhang kêu “ tu oa, tu oa” vào giấc xẩm tối hoặc trước lúc rạng sáng là báo hiệu vùng quanh nơi ấy có mùi thơm của Bà ban tặng.
- Nếu nghe tiếng chim Lệnh dội vào vách núi âm vọng “thùng, thùng”, thường phát ra  từ 9 đến 11 giờ đêm thì đấy là tiếng “đánh trống”của chim canh giữ của rừng thiêng.
- Nếu nghe tiếng kêu từ trên thinh không vang ra “cà rắc, cà rắc” thì đó là tin báo có ông Ba, ông Bốn (cọp) đang đi tìm mồi.
Tất cả những loài chim (Chuông, Lệnh, Nhang) nói trên đều kêu vào ban đêm hoặc rạng sáng, rất ít người nhìn thấy....
6.CHUYỆN VỀ NGẢI,CHUỘC NGẢI VÀ NGẬM NGẢI TÌM TRẦM   
Trước hết, ngải là một loại cây thảo dược. Dân gian truyền lại rằng, giống cây này được các pháp sư, phù thủy nuôi trồng trong vườn, trước nhà. Có hai loại cây ngải. Một loại giống như cây riềng, và một loại tương tự như cây nén, cây hẹ. Đó là những loại cây có củ, được trồng và chăm sóc hết sức cẩn thận. Người nuôi ngải cho ngải ăn vào ban đêm, thức ăn thường là trứng gà, trứng vịt, cũng có khi là gà giò có lông đen, trói lại, đem bỏ vào giữa đám ngải. Khi ngải ăn, người ta nghe chúng phát ra những âm thanh “xào xào”. Sáng ra, chỉ thấy còn lông gà và vỏ trứng (?). 
Củ ngải được các pháp sư luyện phép, nên mang nhiều quyền năng thần bí, như làm cho người mắc ngải mê mẩn, nhớ thương, buộc phải đi theo. Muốn có ngải phải “chuộc ngải”. Không được gọi là mua, phải gọi là “thỉnh”. Các quán hàng ăn uống ngày trước cũng nuôi ngải trong nhà, để bán cho đắt!
“Ngậm ngải tìm trầm” là gói ngải cẩn thận trong lớp vải điều, mang theo trong người như vật “bất ly thân”. Ngải tìm trầm là loại ngải mách. Theo lời các cụ cao niên, ngải này để mách đường, chỉ hướng cho người đi đến chỗ có trầm!
Nghề khai thác trầm kỳ hết sức cam go, nguy hiểm! Chẳng vậy mà dân đi địu vẫn truyền tụng những câu chuyện huyễn hoặc về “ngậm ngải tìm trầm”. Xưa có người ngậm ngải tìm trầm đi mãi không thấy về vì bị lạc đường trên rừng núi hoang vu, phải ở luôn trong rừng, ăn trái rừng, uống nước suối, sống trong hang, gộp đá, gần gũi với một số loài thú, quên dần tiếng nói, lông trên người mọc dài ra, lâu ngày hóa thành con xà niên (người rừng). Bỗng một hôm trong cõi âm u sâu lắng ấy, người ngậm ngải nhớ đến quê nhà, tìm đường xuống làng, bị người dân tộc bắt gặp và đánh chết, cho là con thú hoang, khiêng về buôn ăn thịt! (Theo lời kể của các cụ cao niên trong nghề đi địu ở Vạn Giã). Những việc ấy thực hư thế nào, ngày nay mọi người không ai biết tường tận mà chỉ toàn nghe nói lại mà thôi!   
7. CÂY NHANG THƠM TỪ TRẦM HƯƠNG:
Trong những ngày Tết cổ truyền dân tộc, trên bàn thờ tổ tiên, ông bà không bao giờ thiếu mùi trầm ngào ngạt cùng với cây nhang thơm tỏa khói.
Xông trầm và đốt nhang là những nghi thức liên quan mật thiết đến đời sống tâm linh của người dân Việt từ xa xưa đến ngày nay. Cây nhang được thắp trong các chùa chiền, đền miếu, lăng tẩm... rồi dần dần đến rộng ra trong dân chúng, nhất là khi đạo Phật bắt đầu phát triển mạnh. Trong dân gian, xông trầm cũng là một cách để tẩy uế mỗi khi người dân gặp điều chẳng may trong việc làm ăn, buôn bán...
Ở Vạn Giã, Vạn Ninh có nhiều hộ làm nhang đã đến đời thứ tư. Trước đây,  trầm hương được dùng làm hương liệu chính trong việc ướp, se bột làm nhang thơm. Đó là phần vỏ giác bên ngoài của cây dó bầu hoặc phần dạt ra từ xung quanh, cận kề với chỗ kết tụ trầm, trong đó còn dính theo những sợi vân trầm màu đen (chính những sợi vân này sẽ tạo tăng thêm mùi thơm cho cây nhang) do người xoi trầm trong quá trình phá xác gọt tỉa ra được, đem xay bột làm nhang. Nhưng hiện nay, do giá cả trầm hương quá đắt, người ta dùng những hương liệu khác thay thế vào để giá thành mang tính phổ thông với khắp mọi nhà.
Trong khi xoi, xỉa, cào, tỉa, vỏ giác sẽ bám dính theo nhiều sợi vân trầm màu đen hoặc màu bợt, mảnh dẻ như đường chỉ, sợi tơ, người trong nghề gọi là “sợi trầm ăn theo”. Hiện nay, giá sản phẩm này từ 180.000 đồng đến 200.000 đồng/ký, được người mua về nấu tinh dầu, chưng cất thành dầu trầm hương xuất khẩu. Phần còn lại của lõi cây dó, tức là trầm hương nguyên khối, mới đem bán hoặc dùng làm những mặt hàng mỹ nghệ.
8.TRẦM HƯƠNG MỸ NGHỆ:                                           
Trong 8 thôn của xã Vạn Thắng huyện Vạn Ninh thì Xóm Đồn và Phú Hội là những thôn có nhiều hộ làm nghề trầm hương. Theo lời kể lại của các vị cao niên thì nghề khai thác trầm hương ở đây đã có từ lâu đời. Những người đầu tiên trực tiếp mua bán trầm kỳ với người đi địu là các ông Phúc Ky, rồi ông Ban Lạc tức Hàn Tú Kỳ người Hoa, thầy thuốc đông y nổi tiếng ở Vạn Ninh. Sau nữa có các ông Năm Be (Mai Be), bà Hường, ông Nhựt, ông Nghĩa Ệch, ông Ba Thương… Từ đó, người đi địu mới làm theo đơn đặt hàng, rồi tiến dần đến tạo mẫu mã, hình dáng, theo cấp loại, màu sắc hoặc theo thị hiếu khách hàng…
Tại Xóm Đồn có trên 90% số hộ có người làm nghề trầm kỳ. Nếu không đi núi khai thác thì cũng mua bán, nhưng nhiều nhất là gia công hàng trầm hương mỹ nghệ cho các gia đình chuyên mua trầm. Ngày trước có ông Chiêm, bà Đúng, bà Nghĩ, ông Sang, ông Tám Dương, ông Tiến (rể ông Chiêm), bà Thơm… Tiếp đến thế hệ bây giờ là gia đình các anh Hạnh, Khanh, Bình, Tài Chút, Đạt, Dũng,Vui, các chị Thu, Nga, Lan... Cả một xóm làm nghề, suốt ngày cặm cụi phá xác, xoi xỉa, chạm trỗ tỉ mỉ các thanh dó bầu, những khúc dó niệt, để lọc lõi trầm thành hạng nguyên chất, rồi từ đó làm nên tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Những người thợ xoi trầm ở đây hầu hết đều còn trẻ. Tiền công trung bình từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng/ngày (thợ nữ), và từ 40.000 đồng đến 50.000 đồng/ngày (thợ nam). Nếu là công nghệ thuật thì cao hơn nhiều, có thể gần gấp đôi. Công việc liên tục quanh năm, suốt tháng. Như vậy, thu nhập tính ra cũng tương đối so với mặt bằng sinh hoạt ở nông thôn.
Nếu được dịp “mục sở thị” tại chỗ công việc của những người làm nghề xoi trầm, chúng ta mới thấy hết được sự tỉ mỉ và khéo léo của họ để có được một thanh trầm nguyên chất. Bước đầu tiên, những khúc dó bầu từ trên núi gùi về, người ta dùng rựa đẽo, chặt bỏ lớp vỏ ngoài cùng. Công việc này rất dễ, có thể dành cho những người mới tập làm quen. Tiếp theo là khâu phá xác. Trong khâu này, người thợ bắt đầu dùng các loại dũm: trung, đại,  tiểu để xoi, xỉa. Càng đi vào sâu càng cẩn thận, chi li, tỉ mỉ. Dân xoi trầm có câu: “Nhẹ nhàng cẩn thận ngón tay, Nếu như không khéo, sẽ bay áo trầm”. Gặp những chỗ ngóc ngách (chẳng hạn những mạch trầm dạng như trái khổ qua hoặc nhỏ tròn trịa như hột mít, cuộn mảnh mai như chiếc lá khô hoặc đường vân uốn lượn ngoằn ngoèo như hình con rắn…), người thợ phải dùng cây móc, còn gọi là cây cào để săm soi. Cần mẫn, chắt chiu như vậy mới làm nên được những thanh trầm vừa ý cho khách hàng. Về giá cả thì vô chừng nhưng cũng phải tính bằng bạc triệu. Bởi trầm hương rất nhiều loại, nhiều cấp độ khác nhau từ màu sắc, mùi vị, hình dáng, kích cỡ lớn nhỏ…
Sau khi có được thanh trầm nguyên chất, bấy giờ người thợ mới chuyển sang công đoạn chạm khắc, tạo dáng, lắp ghép… để biến khúc trầm hương thành một tác phẩm nghệ thuật. Đây là công việc hoàn toàn thủ công, chỉ dành riêng cho những nghệ nhân có tay nghề cao và óc thẩm mỹ. Đó có thể là một chú cún con dễ thương, một chiếc tàu buồm thời cổ đại, một con  chim đại bàng kiêu hãnh hay một dáng cây cổ thụ lồi lõm u bướu…, tất cả đều hiện ra từ những bàn tay điệu nghệ, sắc sảo, tài hoa của những người thợ làm trầm lành nghề và đam mê nghệ thuật.
Ở Vạn Giã có những tác phẩm trầm hương mỹ nghệ ra đời cách đây trên hai chục năm, nay vẫn được trân trọng trưng bày trong tủ kính của các gia đình. Giá cả phải tính bằng vàng cây, bởi vì ngoài chất liệu trầm hương quý hiếm, còn phải tính đến công sức nghệ nhân và giá trị nghệ thuật trên mỗi tác phẩm ấy.
9. NGƯỜI NAY ĐI ĐỊU:
Dân đi địu luôn quan niệm rằng: “Nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc”, quý người thì được người quý lại, quý rừng thì rừng hậu đãi. Ngày xưa, các cụ “đi ăn của Ông Bà” luôn tâm niệm 3 điều: không được chặt phá bừa bãi, có kế hoạch bảo vệ cây dó để còn khai thác lâu dài và giữ chữ tín với nhà thầu (người thu mua). Sự ứng xử của các lớp người “dậm sơn” tiền bối tỏ ra ý tứ, tôn trọng tài nguyên đất nước biết bao, không như lối đi địu của thiên hạ thời nay là “đi chụp giựt”, người dân ham giá cao đổ xô vào việc đi khai thác trầm hương, bỏ cả sản xuất. Tất cả những cây dó bầu, dó gạch từ lớn đến nhỏ đều bị chặt sạch để tìm trầm. Cây dó đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng! Hiện nay, tìm được một vài cây dó bầu con còn sót lại trong rừng thật vô cùng khó khăn, mà nếu có thì những cây dó non này dễ chừng phải đến bốn năm chục năm sau hoặc lâu hơn mới có lại trầm kỳ. Đối với loại cây quý hiếm và có giá trị kinh tế cao này, không thể trông chờ vào sự phát triển tự nhiên của rừng mà phải tìm cách gây trồng thuần hóa nó. Trầm hương là sản phẩm đặc biệt của cây dó bầu, nhưng nó không phải là sản phẩm tất yếu như ở các loại thực vật khác để rồi cứ đến mùa vụ là thu hoạch. Trầm hương sinh ra từ cây dó bầu, nhưng không phải bất cứ cây dó bầu nào cũng cho ta trầm hương, thậm chí theo lời anh em đi địu cho biết, có những khu rừng dày đặc cây dó bầu, nhiều cây đã lớn nhưng không một cây nào cho trầm! Bởi vậy, song song với việc gây trồng, thuần hóa, phải đầu tư nghiên cứu để tìm ra quy luật hình thành trầm hương trong cây dó bầu và rút ngắn chu kỳ tạo trầm, đem lại nhiều trầm tốt. Đồng thời phải thấy rằng chu kỳ sinh trưởng của cây dó rất dài, có thể đến hàng chục năm sau khi gây trồng. Vì vậy, việc nghiên cứu đòi hỏi phải có sự kế thừa của nhiều thế hệ cán bộ khoa học để có thể đưa sự nghiệp này đến kết quả.
Mỗi xứ sở có một đặc sản tiêu biểu, đó là niềm tự hào của nhân dân địa phương. Khánh Hòa nói chung và Vạn Giã nói riêng đã từ lâu nổi tiếng là “xứ trầm hương”, nhưng nếu chúng ta không biết bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này, không chủ động đầu tư để gây trồng thuần hóa cây dó bầu ngay từ bây giờ, không tái tạo lại nó, thì e rằng niềm tự hào đó ngày mai đây sẽ chỉ còn là vang bóng.
10. TỪ VỰNG TRẦM HƯƠNG
Quê quán của cây dó bầu kết tụ nên hương trầm ngào ngạt là nơi “sơn man”, “đầu núi”, thể hiện qua câu hát xa xưa:
“Trầm hương ở tận núi cao,
Gió đông nam thổi xuống, bộ lư nào cũng thơm”.
Những đỉnh núi cao ấy thật không dễ dàng tìm đến. Trong bước đường gian truân “ngậm ngãi tìm trầm”, có khi ông cha ta phải “lục xính” (lạc đường) đến nỗi “hóa ngãi thành ri” (người rừng)! Sự rủi ro, điều may mắn của người đi núi ngày trước hoàn toàn dựa vào tâm linh, “nằm điềm”, mong nhờ “Ông, Bà, Cô, Cậu mách bảo”. Vả lại, cho dù nghề gì đi nữa cũng có những kiêng cữ theo phép tắc, quy định riêng. Những điều ấy có thể phát nguyên nơi tổ nghiệp hay kế tục liền dòng từ thời khai cơ mở đất. Nghề đi địu tìm trầm “hưởng lộc mùi thơm của Bà”, do những quy định bất thành văn, mà ông cha ta đã tự tìm cho mình những từ ngữ riêng dùng trong công việc hoặc phải tìm cách nói lệch sang một từ ngữ tương đương khác (dân gian gọi là nói trại) nhằm mục đích tránh né, sợ điều “phạm húy”, hầu để tôn vinh hoặc cầu mong “điều lành đem đến, việc dữ lánh xa”. Chính vì thế nghề trầm kỳ đã phát sinh nhiều thuật ngữ vô cùng lý thú.
A  - Ă - Â
- Am Sơn: tên gọi của đội khai thác trầm hương được thành lập dưới triều Nguyễn, hằng năm cứ tháng Hai thì đi tìm kiếm, tháng sáu thì trở về.
- An Thành: tên gọi của một xã thuộc huyện Tân Định (nay là huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa), người dân nơi đây hằng năm đi kiếm trầm kỳ nộp cho triều đình.
- Áo trầm: phần vỏ, dác, mặc sát bên ngoài của trầm.
- Ăn của rừng: chỉ việc đi tìm trầm hương đầy gian nan, khó nhọc: “ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”.
- Ẩn xanh: màu của trầm loại tốt, “xịn”, có sắc “huyền ẩn xanh”, bóng, tuơng tự như màu bánh ít lá gai.
B
- Bà: chỉ Bà Thiên Y A Na (còn gọi là Bà Chúa Ngọc), vị phúc thần của cả người Chăm lẫn người Việt, ban hưởng lộc “mùi thơm”.
- Bài: một dụng cụ làm bằng tre, nứa, giống như chiếc gùi, nhưng lỗ nan được đan thưa theo hình vuông chéo. Người đi địu nói là hình con bài xì rô.
- Bàn cúng: là những bàn bằng đá núi, đá suối, gồm cả thảy 5 bàn (bàn Bà, bàn Cậu Hai, bàn Ông Chúa, bàn Tam cõi hội đồng, bàn Sơn thần thổ địa). Mỗi bàn, lại kèm theo hai bàn hai bên, gọi là bàn “tay chân bộ hạ”. Như vậy có tất cả 15 bàn. Người đi địu kiếm tìm đá tại nơi sơn lâm, lấy lá rừng làm đĩa, để sắp trưng bày, đặt trên các bàn đá ấy, mà dâng lễ thần linh.
- Bay áo trầm: cách diễn đạt chỉ người làm trầm không khéo tay, thiếu nhẹ nhàng, không cẩn thận, sẽ làm “bay áo trầm hương”.
- Bắp chuối: Gọi theo hình dạng đối với kỳ nam (hàng), kết tụ khối đặc, nặng, đẹp.
- Bầu:  tên gọi chỉ một đoàn, một nhóm làm trầm. Số lượng người cùng đi trong một bầu có thể là chẵn hoặc lẻ, nhưng không được 5 người (sợ trùng với ngũ quỷ).
- Bị: có hai nghĩa khi sử dụng. Nếu là “bị” theo ý “mắc phải” thì chuyển đổi thành “bợi”. Nếu để chỉ “cọp” (hổ) thì được gọi là ông Ba, ông Bốn, ông Thầy.
- Bợt: chỉ màu sắc, có nghĩa là bạc, hơi trăng trắng.
- Buộng: bộng trong ruột trầm, có lỗ hổng, trống, có thể nhìn thấy được.
C
- Cắm quẻ coi giò: Chọn ngày lành đi núi: “Ở nhà cắm quẻ coi giò, Dọn ngày sạch sẽ, ông bà cho của tiền. Lên đây là chỗ đất thiêng, Ngày rằm bá sự kỵ, cử kiêng chốn lâm rừng”.
- Cắt rừng : Đi đường tắt xuyên qua rừng rậm, không theo đường mòn
- Cây móc trầm: Một dụng cụ dùng làm phương tiện để móc những sợi dác trầm, màu trắng, nằm sâu trong các kẻ bên trong.
- Cậu Hai: Để chỉ tên ông Nguyễn Lương, một trong “Quảng Phước tam hùng”, nhân vật được dân địa phương rất tôn kính. Mỗi khi vái cúng ở trong gia đình, cũng như nơi núi non…đều có đặt một bàn riêng. Lễ vật gồm rượu, miếng tợ ba sườn heo, hai trứng vịt, hai con ghẹ.
- Chành: mở miệng cây dó bầu (chành mặt trên, chành mặt dưới), “hễ có chành, mới có trầm”. Tuy nhiên, nếu không do con người chành, cây dó bầu cũng có thể tạo trầm bởi nhiều nguyên nhân, như bị bão tố ngã đỗ nhánh, bị mẻ bom, kiến đục…
- Chão lót: chỉ núi Hòn Chão, nằm về phía tây nam huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
- Chích lưng: Khi đốn cây dó bầu, cần mở rộng mặt trước, đồng thời sau đó, phải “chích lưng”, tức là chặt về phía sau thân cây, đối xứng phía mở mặt trước, cây dó sẽ ngã đổ dễ dàng.
- Chim Chuông: Một loài chim mà theo dân đi địu cho biết, khi nghe tiếng kêu “uông-uông” là biết vùng ấy có trầm.
- Chim Lệnh: Tiếng kêu phát ra âm thanh dội vào vách núi “thùng thùng”. Tiếng chim báo hiệu có người lạ, cũng đồng thời cho người đi địu biết là vùng núi quanh nơi này có “mùi thơm” của Bà. Theo quan niệm người đi rừng, Chim Lệnh là chim canh giữ, gác cửa rừng.
- Chim Nhang: Phát tiếng kêu “túc túc”, cũng là báo có người lạ mặt, đồng thời cho người biết tín hiệu trầm kỳ.
- Chồng chuyến: Khi hết lương thực nhưng không về nhà mà xuống làng, xuống chợ hoặc vào bản gần đó mua thực phẩm để dùng cho chuyến nối tiếp.
- Chúa thượng đường rừng: Ông cọp (tên gọi trong bài cúng).
- Chuyến núi: Một chuyến đi rừng, tìm trầm.
- Cội kỳ: Gốc kỳ nam: “Phút đâu nước lụt trôi qua cội kỳ”.
- Cơm: chỉ phần trong cây dó, gần sát với chỗ có trầm, nhưng lại không có trầm. Chỗ này lấy ra để xay bột làm nhang.
- Cúng hạ ban: Dâng lễ tạ ơn tại nhà, sau khi đã hạ sơn xuống núi và trúng nhiều “mùi thơm” của Bà cho.
D, Đ
- Dách lầu: Tiếng Quảng Đông, có nghĩa là số một, số “dách”, để chỉ các loại trầm tốt nhất như kiến xanh, tốc bông.
- Dạt xác: Gọt bỏ dần phần vỏ bên ngoài.
- Dậm sơn: Dạo núi tìm cây dó.
- Dính rượng: Khi đổ dó, cây dó bị ngã dính vào các dây rừng chằng chịt, như rượng lưới đăng.
- Dó: Cây dó có thân suông, mọc thẳng tương tự như cây gòn. Vỏ cây dó có thể tước chạy được, mùi vị cảm nhận nghe ngót ngót. Lá dó bóng sáng, nhỏ, giống như lá khế, màu xanh mướt. Dó sống liên cư, mọc đứng cạnh gần nhau. Có nhiều loại cây dó và không phải bất kỳ cây dó nào cũng tạo thành trầm hương.
- Dó bầu: loại cây dó cho trầm tốt và kỳ nam: “Lâu ngày dó cũng thành kỳ, Đá kia lăn lóc cũng có khi thành vàng” (Hát huê tình).
- Dó dây: mặc dầu có dạng cấu thành giống như trầm nhưng không có mùi thơm gì cả.
- Dó duốt: để chỉ những cây dó chưa mở miệng. Bên ngoài vỏ “trơn lu bạch tuột”, không có nổi u bướu, không có dấu hiệu trầm hương khi nhìn bên ngoài.
- Dó gạch: còn gọi là dó niệt. Dó gạch cũng cho trầm nhưng mùi thơm nồng, hắc, có vị tanh và giá trị thấp.
- Dó lưỡi trâu: Một loại dó kết thành “khổ trầm”. Chữ “khổ” nghĩa là lâu năm.
- Dó me: Gọi theo dạng đường vân kết thành trầm hương.
- Dó sồi, dó xủ: Màu sẫm hoặc sắc trắng.
- Dó tứ quý: Loại dó này chỉ có ở núi vùng cao thuộc tỉnh Quảng Nam, đuôi lá nhọn, và lá nhỏ hơn các loại cây dó khác.
- Dời trại: chuyển trại đến một nơi mới.
- Dớt: Động tác dùng dũm để dớt xác, nạo cào vỏ trầm.
- Dũm: Dụng cụ dùng để xoi, xỉa trầm (dũm đại, dũm trung, dũm tiểu). Cây dũm có độ dài từ 3 đến 4 tấc tây. Cán dũm có dáng tròn, vừa vặn nắm tay cầm, làm bằng gỗ. Phần thân dũm còn lại bằng thép cuốn tròn, ruột rỗng. Mũi dũm dài độ bằng ngón tay trỏ của người lớn, có hình lõm xuống như một đường mương. Chính nhờ mương này mà các vỏ - giác của khúc dó bầu dễ dàng theo ra khi xoi xĩa.          
- Dưng lễ: Cúng núi sau khi dựng trại xong.
- Dựng trại: làm trại, dùng chỗ nghỉ ngơi, làm trầm. Việc đầu tiên khi dựng trại là chọn cây đòn dông, đường kính  tương đương 20cm, dài hơn 3m. Không được để  nằm dưới đất mà phải dựng đứng (tránh không được sơ ý bước qua). Chặt 4 cây trụ cột, dài từ 2m5 đến 3m, trên đầu chừa ngạnh cháng hai để làm thế giữ vững cho cây gác ngang qua. Chặt 7 cây rui, vài bó mè. Ngày trước lợp trại bằng bẹ đát. Từ đầu thập niên 1950, lợp bằng nhựa. Trại làm một mái, xuôi về phía sau. Mặt trước che mỏ quạ, chung quanh che bằng tàu đát. Diện tích trại rộng vào khoảng 7 - 8m2, có chái bếp riêng. Chặt cây làm đoan, lót, kê nằm nghỉ ngủ.
- Dương: Triền dốc núi (trên dương, dưới dương).
- Dưỡng thân: Dưỡng thân cây dó sống mãi lớn, tươi tốt về sau, đăng lấy trầm: “Mở miệng, thì phải dưỡmg thân”.
- Đày: Tương tự như giàn giáo của thợ nề. Ngày trước, người lấy trầm làm giàn, tựa vào thân cây dó bầu, đứng lên đó dùng rìu rựa, chỉ phá đoạn có trầm rồi lấy ra “hộp trầm” mà thôi, còn vẫn giữ nguyên thân cây dó. Nếu thấy u bướu hoặc kiến đục ở vị trí quá khỏi tầm tay, họ làm thêm một đày nữa. Có thể ba hoặc bốn đày. Càng lên cao, đày càng làm thấp lại cho vững vàng. Không như lớp trẻ bây giờ, hễ gặp bất cứ cây dó nào, không kể lớn bé cũng đốn ngã tiệt luôn!
- Đi địu (= đi núi): Mang gùi, bài đi kiếm trầm hương: “Đi địu là nghề của tui, Cái rựa, cái gùi tui vác trên vai”. Ngày nay, người đi địu mang ba lô gọn nhẹ, thuận tiện hơn.
- Đi một rựa: Đi một hơi tới chỗ, cây rựa luôn vác trên vai, không nghỉ nửa chừng.
- Đoan (lót đoan): Cái sạp làm bằng cây rừng, kê lót nằm ngủ.
- Đổ cây dó: Đốn, hạ ngã các cây dó bầu, dó niệt: “Đổ bên miệng, chích bên lưng” (các thao tác khi đốn cây dó).
G
- Gặp rắn thì đi, gặp quy thì về: Câu ngạn ngữ xưa, kiêng cử việc đi núi. Thế nhưng ngày nay câu này không những không còn phù hợp, mà ngược lại, người ta cho đó là điều lợi.
- Gân núi: Đường chân núi làm chuẩn, làm dấu, phòng khi lạc. Người đi rừng nhìn hướng núi tìm về.
- Giác hương: vỏ trầm.
- Gộp: Hang đá
- Gùi: mang trên lưng: “gùi bắp, gùi lúa”, hoặc giỏ chứa đồ dùng người đi núi thường mang trên lưng: “địu gùi”.
H
- Hạ sơn: Xuống núi, trở về.
- Hàng hổ: Kỳ nam có vân rằn sọc, thoạt trông như da cọp.
- Hàng ngang: Một cách gọi tên khác của hàng hổ, vì hàng này ăn ngang trong thân cây dó bầu. Xưa gặp hàng hổ, hàng ngang, các cụ cho là xui xẻo, vì sợ gặp cọp. Ngay cả người mua cũng không dám. Ngày nay, dân đi địu hoặc người mua trầm kỳ khi gặp “ hàng hổ” thì xem là bình thường.
- Hàng làm: Tạo trầm hương có màu sắc, vân trầm đẹp, một kiểu trong kỹ thuật “làm nước”, rờ tút (retoucher”).
- Hóa ngãi thành ri: Người ngậm ngãi tìm trầm lâu ngày, ngãi bị hóa giải, hóa thành “người rừng”.
- Hòn Chão: ngọn núi nằm phía Tây Nam huyện Vạn Ninh. Mặt lõm, có ba phía núi non: Chão nhứt, ở mặt trước, Chão nhì ở mặt sau và Chão ba (bao gồm Hòn Dữ, Đá Bàn), liên sơn đến Suối Thơm, giáp ranh giới với tỉnh Phú Yên.
- Hộp kiến, hộp trầm: Một tên gọi theo hình dáng về kỹ thuật lấy hộp trầm. Sau đó, đem về dớt, dạt, phá xác để có thanh trầm nguyên.
- Huyền ẩn xanh: Màu sắc của loại trầm hảo hạng, tương tự màu bánh ít lá gai.
- Hưởng lộc mùi thơm: được lộc của Bà cho.
- Ình: Nằm nghỉ: “xóc xóc rồi lại nằm ình” (ăn rồi nằm nghỉ).
K
- Kiến dách lầu: Trầm tốt nhất.
- Kiến đen đụp: còn gọi là Kiến tà ha, loại này chỉ có trầm ăn hai đầu, ở giữa toàn là “cơm”.
- Kiến điệp: Loại trầm gọi theo tính chất mềm, nhẹ.
- Kiến gai: Còn gọi là kiến gậy trưởng lão, cũng có tên là kiến ông hoặc kiến gậy nam cực tiên ông. Loại trầm do kiến ăn giữa ruột cây dó.
- Kiến kim: Gọi theo hình dáng, đường vân nhỏ, dẹp, mảnh mai.
- Kiến lỗ: Loại trầm do kiến ăn theo hang, lỗ.
- Kiến trắng: Gọi theo màu sắc. Loại trầm này có giá trị thương mại cao.
- Kiến xanh: Loại trầm có màu xanh ẩn huyền, tương tự màu bánh ít lá gai, kết thành khối đặc, tinh dầu nhiều, dày. Kiến này thuộc hạng “kiến dách lầu”.
- Khổ trầm: Để chỉ loại trầm được kết tụ từ cây dó lưỡi trâu. Chữ “khổ” ở đây nói về  thời gian lâu năm kết tụ.
- Kỳ nam: Thường gọi là hàng, giá trị cao hơn trầm hương rất nhiều.
L
- Lá đèn: Một loại lá giống như lá chằm nón. Tại núi, người ta cắt vuông vức tạo thành chén đựng xôi, chè, đặt trên bàn đá, dưng lễ cúng.
- Làm cạnh: gọt, tỉa gọn cẩn thận chỗ có trầm trên thân cây dó.
- Làm hàng: Nói chung về các công việc làm trầm, tạo thành sản phẩm.
- Lấy cạnh: Sau khi làm cạnh, từ từ lấy hộp trầm ra ngoài.
- Lấy mặt nhang: Lấy phần thân.
- Lấy mặt thốn: Lấy phần rễ.
- Liên cư: Đặc tính của các cây dó, mọc thành đám, liền sát bên nhau.
- Lộc: Hửởng ơn phước lộc (trầm kỳ) của Bà cho.
M
- Mé: Dùng rìu, rựa chặt một bên hông cây dó.
- Mở luồng: Mở miệng cây dó theo một luồng đi riêng. Đây cũng là cách làm dấu để nhớ theo sáng kiến của mỗi người.
- Mở miệng: Dùng rìu hoặc rựa tạo thành “cái miệng” trên thân cây dó để lâu năm về sau cây sẽ kết thành trầm. Theo kinh nghiệm, không nên mở quá tỷ lệ 4/6 đối với cây dó, tốt nhất là 3/7 vì “mở miệng, phải dưỡng thân”. Nếu không được con người “mở miệng” thì cây dó vẫn có thể tạo trầm từ nhiều nguyên nhân khác như bị kiến đục, gãy đổ…
- Mùi thơm (hưởng mùi thơm của Bà): để chỉ kỳ nam, trầm hương hạng đặc biệt.
N
- Nằm điềm: Các cụ trưởng bầu ngày xưa đi núi, mỗi khi cảm thấy mệt, buồn ngủ là bảo đám đệ tử lót đoan, làm chỗ nằm nghỉ, hy vọng chờ báo điềm lành, mộng thấy Bà kêu cho. Do đó, một chuyến núi kéo dài rất lâu ngày.
- Ngãi: củ ngãi, bùa ngãi.
- Ngãi mách: ngãi có thể mách cho người biết được mọi điều cầu xin, ước muốn.
- Ngậm ngãi tìm trầm: Ngậm có nghĩa là cẩn trọng gói, bọc ngãi vào trong miếng vải điều, mang trong người như vật bất ly thân, hy vọng nhờ đó người đi địu có đủ sức khỏe và sự may mắn trong khi đi núi. Cũng có ý chỉ sự gian nan, vất vả của người đi tìm trầm ngày trước.
- Nhứt bạch, nhì thanh, tam huỳnh, tứ hắc: Tiêu chuẩn phân loại trầm kỳ theo màu sắc: trăng trắng, ẩn xanh, vàng bợt và xám đen.
- Nhứt kỳ, nhì kiến: Kỳ chỉ kỳ nam. Kiến chỉ các loại trầm.
- Núi khơi:  Núi xa ngoài tỉnh.
- Núi nhà: Núi trong tỉnh Khánh Hòa.
Ô
- Ông Ba, ông Tư, ông Thầy: Ám chỉ cọp.
P
- Phá xác: Công đoạn đầu tiên của việc xoi trầm.
S
- Sánh (lột sánh): chỉ đoạn cây dó nằm giữa vạch mở mặt thốn (gần dưới gốc) và vạch mở mặt nhang (phần ở thân). Cả hai vạch này là dấu mở miệng (chành) của lớp người đi trước. Tại đoạn này, dùng rìu mở dần vào bên trong. Bề mặt của bên trong này gọi là sánh. Lần lượt làm cạnh, lấy cạnh để có thanh trầm.
- Sáng núi : Nhớ rõ các lối đi trên rừng mỗi khi qua. Nhìn hướng núi, biết rành rẽ.
- Sắm chuyến: Chuẩn bị lương thực đầy đủ cho chuyến đi.
- Sơn lâm chúa tướng: Ông cọp.
T
- Thượng sơn: Lên núi.
- Tốc bánh canh: Vân trầm có màu sắc đậm nhạt chạy dài.
- Tốc bông: Loại tốt, trầm ăn có đường vân theo dáng đẹp.
- Tốc cá ngừ: Có nhiều khoanh tròn đồng tâm, màu sẫm xám.
- Tốc da: Trầm ăn thấy rõ bên ngoài .
- Tốc đá: Màu đen sẫm, cứng. Kiến tạo vân giống như tán đường Dinh làm tại lò đường Xuân Tự ngày xưa.
- Tốc lọ: Màu đen tương tự lọ nồi.
- Tốc lưới: Có dạng chằng chịt như mắt lưới đánh cá.
- Tốc nước: Áo trầm thoảng đen, mềm, ngoài mỏng, trong có màu vàng nhạt, mùi thơm dịu dàng.
- Tốc ớt: Có mùi hăng, nồng, màu vàng bợt.
- Tốc phao: Nhẹ, thả xuống nước thì nổi mùi thơm thoang thoảng dịu.
- Tối núi: Trái nghĩa với sáng núi. Có nghĩa là không rành đường, rành núi, cho dù đã đi nhiều lần tại vùng núi ấy hoặc các núi khác. Có nhiều người không thể nhớ, nhận dạng đường rừng.
- Tôn nhĩ linh thần: Tên ông cọp khi vái cúng. Người xưa truyền lại rằng cọp rất thính “tai nghe nghìn dặm”, nhưng lại rất mau quên. Trên đường đi, mỗi khi nghe bất cứ tiếng động gì, cũng giật mình quên tuốt hết.
- Tống mặt nhang: Động tác để chỉ công việc sau khi dạt vỏ, lột sánh, thì tóng mặt nhang, theo hướng phía trên tống xuống.
- Trầm hột mít: Gọi theo hình dáng.
- Trầm khẹ: Để chỉ những thanh trầm do dấu con voi đạp lên, hoặc có thể do đá lăn qua,  chân thú rừng để lại dấu vết.
- Trầm mặt thốn: Ở gần mặt dưới của gốc cây dó.
- Trầm mắt đảo: Có vân trầm hiện ra bên ngoài theo hình nổi “cù lao”.
- Trầm mắt tử: Còn gọi là trầm mắt trẫu (trẫu nghĩa là chết), kết vân trầm theo dáng lõm.
- Trầm mặt nhang: Trầm kết tụ từ giữa thân cây dó.
- Trầm mặt rễ: Trầm kết tụ ở phần rễ. Loại này rất tốt.
- Trầm ổ qua: Mạch trầm ăn theo dạng hang, ổ, ngóc ngách.
- Trầm rục: Những thanh trầm nguyên chất còn lại sau khi vỏ ngoài của cây dó bị rục, vữa, do mưa lũ, nước xoi…
- Trầm sô: Để chỉ chung các loại trầm chưa phân loại.
X
- Xoi - xỉa (tỉa): Xoi sạch xác, vỏ, dác và tỉa gọn gàng, làm đẹp thành phẩm.
- Xở rượng: Khi đổ cây dó, vướng vào các nhánh dây, nhành cây chằng chịt.
Nguyễn Man Nhiên
Theo http://www.vanchuongviet.org/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...