Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2017

Các ca khúc thấm đẫm chất thơ của chủ nhân Nobel Văn học 2016

Các ca khúc thấm đẫm chất thơ 
của chủ nhân Nobel Văn học 2016
Những tác phẩm giao hòa lời thơ và giai điệu của nhạc sĩ Mỹ Bob Dylan - chủ nhân giải Nobel Văn học 2016 - đưa người nghe đến thế giới đầy màu sắc, cảm xúc của tâm hồn, trí tuệ.
Nhà văn, nhạc sĩ, ca sĩ, nhạc công, nhà thơ và họa sĩ 
người Mỹ Robert Allen Zimmerman (nghệ danh Bob Dylan)
"It's Alright, Ma (I'm only bleeding)"
Ca khúc nằm trong album Bringing It All Back Home phát hành năm 1965 của Bob Dylan - thời kỳ ông sáng tác chủ yếu dòng nhạc dân gian (folk). Đây là một trong những bản nhạc có ngôn từ quyến rũ, giàu hình ảnh nhất của nhạc sĩ. Mượn lời tâm sự của một đứa con với mẹ, ca khúc là những câu châm ngôn đẹp. Toàn bộ bài hát được chia thành nhiều khổ thơ sáu câu trong đó năm câu đầu hiệp vần âm tiết cuối. Ở mỗi câu, thường xuyên có sự đối sánh về mặt ngữ nghĩa.
Nguồn: internet
Giai điệu nhạc dân gian và tiếng kèn harmonica trong bài chỉ như trang trí cho lời ca nhiều chất thơ. Nếu bỏ đi phần nhạc, ca từ hoàn toàn là một bài thơ với những câu ngắn bộc lộ sự mỉa mai, giận dữ về thói đạo đức giả, chủ nghĩa tiêu dùng và tâm thức cố hữu về chiến tranh trong văn hóa Mỹ đương thời. Hơn cả, đây là bài thơ về cuộc đời.
Những câu hát nổi tiếng nhất là:
"He not busy being born is busy dying,"
"Money doesn't talk, it swears,"
“Although the masters make the rules
For the wise men and the fools
I got nothing, Ma, to live up to”
“Kẻ nào không bận sống thì bận chết
“Đồng tiền không chỉ nói, mà nó còn thề thốt"
"Dù những bậc thầy là người tạo luật,
Cho người khôn và kẻ ngốc,
Con chả việc gì phải sống theo ai, mẹ ạ"
"Positively Fourth Street"
Đây là đĩa đơn được phát hành ngay sau bản hit Like a Rolling Stone năm 1965. Bản nhạc folk rock (rock dân gian) này có ca từ vừa trực diện vừa chua chát, đầy chất tự sự về những mối quan hệ trong cuộc sống.
Nguồn: internet
"You got a lotta nerve
To say you are my friend
When I was down you just stood there grinning
You got a lotta nerve
To say you gotta helping hand to lend
You just want to be on the side that's winning"
Tạm dịch:
"Anh phải thật cả gan
Để bảo rằng anh là bạn tôi
Khi tôi sa cơ thì anh đứng cười
Anh phải thật cả gan
Để bảo rằng anh muốn chìa tay giúp tôi
Khi anh chỉ muốn đứng về phe thắng cuộc"
Bản nhạc giống như cú tát vào bối cảnh những nhạc sĩ bảo thủ ở New York vốn ưa chuộng nhạc folk và khó chấp nhận folk rock. Bài hát như tuyên ngôn để Dylan bước hẳn sang địa hạt một ngôi sao nhạc rock.
"Desolation Row"
Ca khúc Desolation Row (tạm dịch: Miền cô độc) có thời lượng hơn 11 phút - nằm trong số những bài hát dài hơi của Bob Dylan. Nhạc phẩm thuộc album thứ sáu của ông - Highway 61 Revisted (1965).
Nếu đại văn hào người Pháp - Voltaire - từng nói: "Thơ ca là âm nhạc của tâm hồn, và trên hết là của những tâm hồn vĩ đại, giàu cảm xúc", có thể thấy Bob Dylan đã bộc lộ khá nhiều điều trong tâm hồn và nhãn quan về cuộc đời qua bài này. Như cô bé Alice - "nàng thơ" của văn hào Lewis Caroll, Bob Dylan dấn thân vào "xứ sở thần tiên" do chính ông thêu dệt. Ở đó, nhà bác học Einstein có thể đang giả trang làm anh hùng Robin Hood, Ophelia - người tình tuyệt vọng của Hamlet (Shakespeares) - có thể không chết mà đang ngồi đâu đó bên cửa sổ và nhìn vào miền cô độc.
Nguồn: internet
Ca khúc dài gần 120 câu là bản trường thi đưa người nghe vào cuộc du hành vượt không gian, thời gian. Trong đó, người ta như thấy ánh mắt nheo cười lãng tử của Bob Dylan khi ông sẵn sàng giễu nhại những danh nhân và cả những nhân vật hư cấu nổi tiếng, giễu nhại những biến động của lịch sử, biến thiên trong đời sống của nhân loại. Giữa những biến thiên ấy, tất cả dường như quên rằng ai rồi cũng chỉ thuộc về "miền cô độc".
"Forever young"
Bài hát được Bob Dylan viết cho con trai đầu lòng (sinh năm 1966) của ông. Tác phẩm xuất hiện trong album thứ 14 của nhạc sĩ mang tên Planet Waves (1974). Đây là năm Bob Dylan trở lại với âm nhạc sau tám năm gián đoạn công việc để toàn tâm toàn ý là người đàn ông của gia đình.
Bài hát là tình cảm dạt dào của người cha dành cho con, mong con mãi luôn hạnh phúc, tự tin giữa cuộc đời. Bob Dylan trút bỏ mọi rối rắm, phức tạp trong ca từ, chỉ để lại trên trang viết sự chân thành, giản dị. Vần điệu, hình ảnh ẩn dụ, liên tưởng được tác giả áp dụng khéo léo khiến bài hát tưởng đơn giản lại có sức quyến rũ với nhiều thế hệ khán giả.
"May you grow up to be righteous
May you grow up to be true
May you always know the truth
And see the lights surrounding you
May you always be courageous
Stand upright and be strong
May you stay forever young
Forever young, forever young
May you stay forever young"
Tạm dịch:
"Con ơi nhớ lấy lời cha
Lớn lên ngay thẳng, thật thà thì hơn
Đường đời rộng lớn, mông mênh
Thẳng ngay, chân lý sẽ luôn vững bền
Chúc con dũng cảm, kiên cường
Vững chân sải bước trên đường tiến thân
Mong con luôn mãi an lành
Tâm hồn son trẻ, trắng ngần không phai"
"Make you feel my love"
Bài này xuất hiện trong album năm 1997 - Time out of mind - album thứ 13 của Bob Dylan đoạt giải Grammy cho hạng mục Album của năm. Nhạc phẩm thành công vang dội về mặt thương mại, được nhiều nghệ sĩ như Billy Joel, Garth Brooks, Adele... yêu thích hát lại và khán giả đón nhận nồng nhiệt.
Nguồn: internet
Từng bị đánh giá là khá lạnh lùng, thậm chí cay đắng, phũ phàng với nữ giới trong các ca khúc của mình, Bob Dylan vẫn có nhiều tình khúc đầy ấm áp, lay động người nghe. Bài Make you feel my love là một minh chứng.
"When the rain is blowing in your face
And the whole world is on your case
I could offer you a warm embrace
To make you feel my love
When the evening shadows and the stars appear
And there is no one there to dry your tears
I could hold you for a million years
To make you feel my love"
Tạm dịch:
"Khi mưa gió phũ phàng trước mặt
Và bên em thế giới quay lưng
Anh xin đến ôm em thật chặt
Tình trao em thắm thiết vô chừng
Khi những ánh sao xa ló dạng
Trong đêm dài nước mắt em rơi
Anh nguyện mãi ôm em thật chặt
Tình trao em thắm thiết không lời"
Tuy vậy, với một nhạc sĩ có gia tài sáng tác âm nhạc đồ sộ và các ca khúc thường mang nhiều tầng nghĩa, bài Make you feel my love còn được xem như nhạc phẩm thể hiện một đức tin, niềm tin tôn giáo chứ không chỉ là tình khúc.
"Blowing in the wind"
Đây là bản nhạc mở màn cho album thứ hai phát hành năm 1963 của Bob Dylan - The Freewheelin' Bob Dylan. Trong khi phần nhạc là những nốt đơn gợi âm hưởng dân gian và đồng quê nước Mỹ, lời ca là những câu hỏi tu từ bày tỏ chiêm nghiệm về cuộc sống, đời người. Càng đắm chìm vào ca khúc, người nghe như được giai điệu dẫn dắt qua từng vùng đồng quê mênh mang nước Mỹ, trong khi bị người hát liên tục "chất vấn" về những vấn đề nhân sinh. Để cuối cùng câu trả lời được đưa ra mà như không. Dường như tác giả yêu cầu người nghe phải tự trả lời bằng trải nghiệm của mỗi người.
Nguồn: internet
"How many roads must a man walk down.
Before you can call him a man?
How many ears must one man have.
Before he can hear people cry?
How many deaths will it take 'til he knows.
That too many people have died?
The answer, my friend, is blowin' in the wind".
Tạm dịch:
"Bao nhiêu đường một người phải đi.
Trước khi ta gọi anh là một con người?
Anh phải có bao nhiêu chiếc tai?
Để nghe được hết tiếng khóc của mọi người.
Phải bao nhiêu người chết nữa
để đến lúc anh nhận ra, có quá nhiều chết chóc lắm rồi?
Câu trả lời, bạn tôi ơi, đang bay trong gió..."
Bob Dylan từng nói, ông viết ca khúc này trong vòng 10 phút. Nhạc phẩm và album giúp nhạc sĩ - chỉ mới là chàng trai 22 tuổi khi đó - được mệnh danh là ca sĩ phản chiến. Tạp chí Rolling Stone xếp hạng ca khúc này đứng thứ 14 trong danh sách "500 bài hát vĩ đại nhất mọi thời đại".
"A Hard Rain's a gonna Fall"
Đây cũng là một bản nhạc khác trong album The Freewheelin' Bob Dylan. Thay vì được thể hiện thành những cặp câu hỏi tu từ như trong Blowing in the Wind, bài ca giống như lời thủ thỉ của người cha với con nhỏ, mà qua đó, tác giả thể hiện quan điểm bi quan và những dự báo u tối về thời cuộc. Ca khúc bắt đầu bằng việc nhân vật người cha băng rừng vượt suối đi tìm con, để rồi hỏi con đã gặp và thấy những gì ở những năm tháng chiến tranh thập niên 1960.
Nguồn: internet
"Oh, where have you been, my blue-eyed son?
I've stepped in the middle of seven sad forests
Oh, what did you see, my blue eyed son?
I saw guns and sharp swords in the hands of young children
And it's a hard, it's a hard, it's a hard, and it's a hard
It's a hard rain's a-gonna fall".
Tạm dịch:
"Ôi, con trai mắt xanh của ta, con đã ở đâu?
Ta đã bước vào giữa bảy khu rừng buồn bã.
Ôi con trai mắt xanh của ta, con đã thấy gì?
Ta thấy súng và gươm sắc trong tay trẻ nhỏ
Và kìa, sắp có trận giông lớn, lớn, lớn xảy ra".
Cách đặt vấn đề và cách trả lời vấn đề gợi người nghe tới tích Noah trong Kinh Thánh về những trận đại họa giáng xuống con người. Đoản khúc nhờ đó giống như những lời sấm truyền huyền bí, lớp lang và vang vọng từ thời cổ đại.
"Like a rolling stone"
Đây là bản nhạc thuộc album Highway 61 Revisited (1965). Bob Dylan sáng tác bài hát này đúng vào thời kỳ ông kiệt quệ trong cảm xúc và có lúc tưởng chừng như muốn từ bỏ công việc ca hát. Thế nhưng, Like a rolling stone đã ra đời và được xem là nhạc phẩm mang sức ảnh hưởng mạnh mẽ giúp tác giả chuyển mình từ ca sĩ nhạc folk (dân gian) sang folk rock (rock mang âm hưởng dân gian). Bản nhạc được coi như tiên phong của nhạc folk rock nước Mỹ thời đó, cũng như Bob Dylan lên một vị thế khó ai thay thế được.
Nguồn: internet
Giọng khàn đục, chất chứa đầy nỗi hoài nghi về thời đại đã khiến Bob Dylan là một trong những ca sĩ thành công khi thể hiện ca khúc do chính ông sáng tác. "Cảm giác thế nào nhỉ? Cảm giác ra sao nhỉ? Khi bạn thui thủi một mình. Không có nhà để về. Như một kẻ vô danh. Như hòn đá cứ lăn... (How does it feel How does it feel. To be on your own. With no direction home. Like a complete unknown. Like a rolling stone".
"Knockin' on heaven door"
Năm 1973, Bob Dylan sáng tác album nhạc nền cho phim Pat Garrett & Billy the Kid. Bài Knockin’ on Heaven’s door trích từ album này là một single bán rất chạy. Nhạc phẩm này được yêu thích và nhiều nghệ sĩ hát lại bản nhạc của Bob Dylan như ca sĩ Eric Clapton, nhóm nhạc Guns N Roses, Avril Lavigne... Trong đó, bản cover của Gun N Roses được giới trẻ yêu chuộng. Ca khúc từng được đề cử giải Oscar ca khúc viết cho phim xuất sắc. Tạp chí Rolling Stone xếp ca khúc này vị trí 190 trong bảng xếp hạng "500 ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại". 
Nguồn: internet
Knockin’ on Heaven’s door được xem là một ca khúc phản chiến nổi tiếng của Bob Dylan. Bài hát miêu tả cảm giác một người sắp lìa khỏi cuộc đời để diễn tả nỗi thống khổ của chiến tranh với thân phận con người. "Mẹ ơi, hãy đặt khẩu súng con xuống đất. Con không thể bắn vào họ được nữa. Đám mây đen dài đang dần phủ xuống. Con cảm thấy như con sắp chết rồi" (Mama, put my guns in the ground. I can't shoot them anymore. That long black cloud is comin' down. I feel like I'm knockin' on heaven's door.)
Năm 1997, Đức Giáo hoàng John Paul từng mời Bob Dylan đến trình diễn nhiều bài, trong đó có bài Knockin' on the heaven's door.
"Not Dark Yet"
Bài hát này nằm trong album Time Out of Mind, phát hành năm 1997 và được phát hành single vào năm 1998.
Nguồn: internet
Với Not dark yet, Bob Dylan cho thấy một tâm hồn khắc khoải và trăn trở về cuộc sống qua những nốt nhạc, tinh tế đầy cảm xúc và gợi hình tượng. "...Tôi trượt dần xuống đáy của thế giới đầy dối trá. Tôi tìm kiếm thứ chẳng có gì trong mắt bất kỳ ai. Đôi khi tôi cảm thấy cõi lòng mình nặng trĩu, quá sức chịu đựng rồi. Trời chưa tối đâu nhưng sẽ sớm mà thôi." (I’ve been down on the bottom of a world full of lies. I ain’t looking for nothing in anyone’s eyes. Sometimes my burden seems more than I can bear. It’s not dark yet, but it’s getting there)
Vũ Hà
Nguồn: vnexpress.net
Theo http://www.hoiamnhachanoi.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tình quê hương Thuyên, Đồng là hai người bạn thân cùng ở một làng: Làng Mỹ Lý. Sau ba tháng vào tìm việc ở Nam Kỳ, hai người mới tìm đượ...