Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2017

Mai trắng với mùa xuân

Mai trắng với mùa xuân
Mỗi độ tết đến, trên khắp phố phường Hà thành đi đâu người ta cũng thấy hoa đào. Hoa được bày trong khắp các khu chợ tết, bày dọc các tuyến đường trung tâm ở cửa ngõ thủ đô… Những ngày này người ta thấy có đủ các loại hoa đào ở khắp mọi nơi như thể tụ hội về đây để khoe sắc, khai xuân. Trong cái náo nhiệt rực rỡ sắc màu của hoa đào như vậy hoa mai có vẻ như kém thế. Mà có vẻ cũng như thế thật. Thường ngày, trước và sau tết, ta vẫn thấy nam thanh nữ tú nô nức kéo nhau lên Tây Bắc ngắm hoa đào, hoa mận … chứ có ai rủ nhau đi xem hoa mai bao giờ đâu! Thực ra không phải vậy. Không ồn ào, không phô trương nhưng ở cái đất kinh kì ngàn năm văn hiến này mai trắng (nhất chi mai) vẫn là một loài hoa có đẳng cấp chứ không chỉ phong độ nhất thời. Nói thật, mai trắng thuộc hàng cao sang, quí phái nên rất kén người. Ở Hà Nội, không phải ai cũng biết mai và hiểu cách chơi mai đâu nhé. Xưa nay chỉ có những gia đình người Hà thành truyền thống, những người sành chơi như thể các bậc quan nhân, văn thần, túc nho hay nghệ sĩ mới hiểu và biết cách chơi cái loài hoa vương giả vốn một thời nổi tiếng “thập đại danh hoa” này thôi đấy. Trong số những người mê hoa mai ấy, nổi tiếng nhất có lẽ vẫn là Chu Thần Cao Bá Quát với hai câu thơ như một lời tuyên bố bất hủ: “Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái hoa mai” (Tạm dịch: Mười năm bàn đạo giao du, khó như tìm kiếm cổ/ Một đời ta chỉ cúi đầu trước hoa mai).
Mai trắng vốn là một trong “tuế hàn tam hữu” (ba người bạn trong giá rét, gồm: tùng, trúc, mai). Bởi thế các nho gia thường lấy những loại cây này để thể hiện khí tiết của các bậc chính nhân quân tử. Tuy nhiên do đặc điểm trong tiết đông lạnh giá nhưng mai vẫn đâm chồi nảy lộc nở hoa trắng muốt tinh khôi nên người xưa còn chọn mai để làm biểu tượng cho sức sống trỗi dậy của mùa xuân. Có lẽ vì thế mà thi phú thời xưa đã tìm thấy ở nhất chi mai một nguồn cảm hứng dồi dào, phấn khích. Ngay từ thế kỉ XI, Thiền sư Mãi Giác đã để lại cho chúng ta một hình tượng hoa mai tuyệt đẹp: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Tiền đình tạc dạ nhất chi mai” (Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua xuân trước một nhành mai). Còn nữa, tương truyền rằng, khi xưa Trần Minh Tông có một nàng công chúa tên là Huy Ninh. Vua rất yêu quý nàng nên đã đặt cho một cái tên riêng là Nhất Chi Mai và cho ở trong cung Quảng Hàn. Hồi ấy Hồ Quí Ly còn làm nghề buôn bán trên sông nước. Một hôm ông tình cờ thấy trên bãi cát bên sông dòng chữ “Quảng Hàn cung lý nhất chi mai” (Một cành mai trong cung Quảng Hàn). Vốn sáng dạ nên Hồ Quí Lý đọc và nhập tâm liền. Sau này có cơ hội Hồ Quí Ly được vào làm quan trong triều. Một lần theo vua Trần Minh Tông nghỉ mát ở điện Thanh Thử. Vốn là vị vua hay chữ nên ngắm nhìn hàng quế trước điện ông bèn hứng khởi ra một vế đối “Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế” (Ngàn gốc quế trước điện Thanh Thử). Trong khi bầy tôi đang lúng túng chưa biết đối thế nào thì Hồ Quý Ly đọc cho vua lại vế đối mà vô tình đọc được trên bãi cát bên sông. Nhà vua giật mình thốt lên hay quá và hỏi: sao ngươi lại biết việc trong cung của ta? Hồ Quý Ly thực thà kể lại câu chuyện cho vua nghe. Vua Trần ngẫm nghĩ một hồi và nói: đây là số trời và sau đó gả con gái Huy Ninh cho Hồ Quý Ly. Sở dĩ phải diễn giải, dẫn dắt như thế là bởi chúng tôi muốn cho tỏ tường “dòng dõi” trâm anh của loài mai trắng.
Mai trắng được biết đến ở nhiều nơi, được người sành chơi chọn làm thú vui tao nhã từ lâu đời nhưng có lẽ nhiều nhất, lâu nhất vẫn phải kể đến đất Bắc kinh kì. Nghe nói thời trước đất kẻ chợ có rất nhiều làng trồng mai nổi tiếng. Người ta bảo những làng trồng mai đó được dân quanh vùng gọi là làng mai. Bây giờ những tên đất, tên làng đó vẫn còn nguyên vẹn nhưng những vườn mai chỉ còn lại trong kí ức như một miền cổ tích xa lắc như thể Hoàng Mai, Bạch Mai, Tương Mai, Cổ Mai (tức kẻ Mơ) … Ông ngoại tôi vốn là người được học chữ nho và cũng rất sành cái thú vui tao nhã này. Khi xưa, hồi người chưa mất, mỗi khi sắp tết, ông thường đưa tôi đi đến các chợ hoa để chọn mai đón xuân. Tôi thấy cái thú chơi mai của ông cũng cũng cầu kỳ và công phu lắm. Loay hoay nửa ngày vòng qua chợ nọ lại đến chợ kia để chọn cây chọn chậu. Có năm phải chọn cả mấy ngày mới mua được một chậu mai như ý. Ông bảo cây đẹp phải có chậu phù hợp thì mới đẹp. Có cây thì hợp với chậu hình tròn. Có cây lại hợp chậu hình chữ nhật hoặc hình vuông. Đôi khi đặt mai vào chậu kiểu nào còn phải phụ thuộc vào dáng (thế) của cây. Cứ đi theo ông, tôi thấy các cụ hồi ấy chơi mai thường tạo các dáng và mỗi dáng lại thể hiện một hàm ý của người chơi. Người khí tiết cứng cỏi, hiên ngang thì ưa dáng trực. Kẻ thức giả trốn đời ở ẩn nhưng vẫn nặng lòng thế sự lại chọn dáng siêu. Giai nhân, mặc khách lại thích dáng huyền mềm mại, thướt tha như người thục nữ đẹp người đẹp nết. Trượng phu, no đủ, an nhàn lại tìm dáng hoành để toát lên sự viên mãn... Như thế, người tinh ý ngắm vật sẽ biết tính chủ. Và khi đã hiểu được tính để đối nhân xử thế với nhau thì cũng rất dễ thành tri âm.  
Hoa mai trắng cũng có hai loại phổ biến là hoa cánh đơn và hoa cánh kép. Hoa cánh đơn thường có khoảng 5 cánh. Hoa cánh kép thường có khoảng trên 10 cánh. Khi xưa nhà tôi thường bày cây mai hoa cánh kép. Ông tôi thích lão mai dáng huyền. Tôi nhớ có năm ông mang về một cây mai có thân dễ xù xì, vỏ già bong tróc thâm đen nhìn rất cổ kính. Từ cái thân dáng cổ kính, mảnh mai ấy những lá già đã được chủ nhân tỉa tót chỉ còn lại một vài lá non cùng những búp lộc và thấp thoáng đôi ba bông hoa trắng muốt xung quanh những nụ hoa chúm chím, lấm tấm, li ti…
Ông bảo tôi rằng, chơi hoa mai không cần hoa nở nhiều cùng một lúc, cây có đủ hoa đủ nụ, hoa và nụ thay nhau nở để cây lúc nào cũng có hoa có nụ. Người sành chơi mai chỉ thích những cây nở điểm một vài bông hoa to tròn, trắng muốt tinh khôi để làm điểm nhấn và làm bừng sáng cả không gian là đủ còn lại chủ yếu chọn cây có thân có dễ cổ kính yêu kiều mang dáng vẻ phong sương để làm toát lên cái khí tiết cứng cỏi cũng như khí phách của người quân tử hay thể hiện một nét đẹp giai nhân với một tình yêu tha thiết.
Chơi mai cũng lắm công phu. Tuy cây mai ưa nước nhưng không được tưới quá ẩm. Cây mai do đẹp ở cái dáng mảnh khảnh nên người chăm không được để cây tốt lá tốt cành. Thường thì chơi tết xong người ta chăm mai đến khoảng tháng bẩy. Sang tháng tám thì bắt đầu cắt tỉa, trước tết phải tuốt lá để cho ra hoa. Để có cây mai dáng đẹp có khi người trồng phải mất cả năm để uốn thế. Không những thế, khi hè sang, mai rất dễ bị sâu đục thân, chảy nhựa nên phải chú ý để bắt sâu. Người ta cũng thường hay dùng nước vo gạo hay nước ốc ngâm để bón cho mai. Mai ưa nhất là tiết trời mùa lạnh, mưa phùn gió bấc. Nhưng nếu trời lạnh quá thì tết sẽ chẳng có hoa chơi. Khi ấy, người chơi hoa phải dùng nước ấm tưới cho cây hay ủ bã chè vào gốc, thậm chí còn phải để vào nhà thắp điện cho ấm để kích thích nở hoa. Ông tôi chơi mai cũng cầu kì lắm, chậu mai của ông được đặt trong thau nước, để trên một đôn gỗ đặt bên bàn trà. Mọi người cứ thử hình dung xem, khi mai hàm tiếu nhìn rất đẹp. Khi mai nở mùi hương nhẹ nhàng, kín đáo thoang thoảng đưa hương, ban đầu hoa he hé phơn phớt hồng với những lộc non mơn mởn xung quanh nhìn lại càng thích. Khi hoa nở bung thì màu chuyển sang trắng muốt và vài ngày sau mới tàn và rụng. Khi rụng cánh hoa bồng bềnh trên mặt nước nhìn rất đỗi nên thơ. Cảnh ấy, trong không gian thoang thoảng trầm nhang của ngày tết, có một ấm trà sen, cùng một vài người bạn tâm giao ngắm hoa thưởng trà bàn chuyện thì còn gì bằng nữa! Thú chơ hoa mai và thưởng trà của người xưa cũng công phu lắm. Tôi nhớ có lần được đọc ở đâu đó về cách uống trà sương mai. Đó là người ta phải hứng những giọt sương trên cành mai rồi chắt dồn vào lọ sành đem hạ thổ. Tết đến mới đào lên lấy nước cho vào siêu đất đun sôi bằng tham hoa để hãm trà. Có lẽ, bây giờ, chẳng ai có đủ thời gian và sự kiên nhẫn, cầu kì để uống trà như cổ nhân theo cách này đâu nhỉ?
Chơi mai trắng không phổ biến như chơi đào chơi quất, không ồn ào tấp nập như thú chơi mai vàng phương Nam. Chẳng biết mai trắng kén người hay người chơi kén hoa mai. Chỉ biết kẻ phàm phu thì chẳng bao giờ hiểu mai để biết. Còn bậc trí giả hay những tao nhân mặc khách, thi sĩ văn nhân thì từ muôn đời đến nay vẫn yêu mai, quí mai. Với họ, ngày tết không thể không có nhất chi mai. Tết đến, xuân về dáng mai vẫn yêu kiều trong những phòng khách, bên những bàn trà. Chỉ cần thế thôi, với mai là đủ!.
Bài và Ảnh: PHAN ANH
 Phòng GD&ĐT Hoài Đức, Hà Nội 
Theo http://tacphammoi.net/
                                           



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXVăn học miền Nam: Tổng quan 3

Văn học miền Nam: Tổng quan 3 Phần 15 Văn học Từ giai đoạn trước sang giai đoạn sau 1963 người ta có thể ghi nhận nhiều chuyển biến quan...