Thứ Ba, 7 tháng 2, 2017

Nguyễn Thị Hoài Thanh, tiếp nối truyền thống yêu thơ của dân tộc

Nguyễn Thị Hoài Thanh, tiếp nối 
truyền thống yêu thơ của dân tộc
Hoài Thanh lần đầu qua bốn câu:
Kiếp sau nếu được làm chim

Tình thương trang trải bay tìm nơi nơi
Giương cung đừng nhé, người ơi!
Vết thương thuở trước luân hồi còn đau …
Do giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh đọc cho nghe. Câu cuối đã đánh động tim tôi ngay tức khắc. Nó nói lên nỗi “đau đời” qúa thâm sâu, dai dẳng của kiếp này mà đến kiếp sau chưa chắc đã nguôi. Chỉ với một câu thơ tám chữ, Hoài Thanh đã diễn tả tài tình và “hết ý” cái đau này. Sau đó mấy ngày, giáo sơ Nguyễn Xuân Vinh đã gởi cho tôi baì “Một ước mơ về kiếp sau” được in trong tập “Rừng Xưa Xanh Lá” của Bùi Ngọc Tấn (nhà xuất bản Hải phòng 2003). Nhờ đó tôi đưọc biết thêm về thi tài cũng như cuộc đời trôi nổi của Hoài Thanh.
Tôi viết bài này không phải để phê bình thơ của Hoài Thanh vì phê bình không phải là chuyên môn của tôi. Tôi cũng không làm công việc “mặc áo thụng vái nhau” như một số người có liên quan đến chữ nghĩa thường làm trong thời buổi này. Tôi chỉ muốn viết đôi điều về cảm nghĩ của riêng mình khi đọc thơ của Hoài Thanh với tư cách một độc giả. Nếu muốn nói “bảnh” hơn chút nữa thì có thể gọi là đi tìm cái duy cảm, duy tình của truyền thống Việt Nam trong thơ của Hoài Thanh.
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
Tôi thường cảm thấy áy náy cho các thi sĩ hay nhạc sĩ khi họ được hỏi là bài thơ, bài nhạc của họ lấy cảm hứng từ đâu, từ người nào, từ mối tình nào? Tại sao người hỏi không chịu hiểu rằng nghệ sĩ sáng tác có thể lấy cảm hứng từ chính cuộc đời mình nhưng cũng có thể lấy cảm hứng từ những người và việc ngoài đời, không liên quan gì đến người sáng tác?
Nghệ sĩ là người có tâm hồn bén nhậy, dễ rung cảm trước những nỗi vui buồn của người khác,dễ dàng khóc mướn thương vay kiểu “thấy người nằm đó biết sau thế nào?”, không nhất thiết phải có một trăm cuộc tình mới làm được một trăm bài thơ tình. Đó là một thực tế. Nhưng cũng có một thực tế khác là không có một nghệ sĩ nào có cuộc đời vui vẻ, hạnh phúc mà lại sáng tác toàn những tác phẩm buồn, không có ai sống một cuộc đời buồn mà lại viết và hát toàn điệu vui. Chúng ta có Hàn Mặc Tử với thơ điên, Vũ Hoàng Chương với thơ say, Nguyễn Bính với “hoa đồng cỏ nội bay đi ít nhiều”, Nguyễn Du với “hàng thần lơ láo phận mình ra sao”… Thơ của họ phản ảnh tâm sự và chính cuộc đời của họ. Trong trường hợp của Hoài Thanh, không cần kiểm chứng cuộc đời của tác giả, chỉ cần đọc thơ, chúng ta đã thấy tác giả có nhiều nỗi buồn hơn niềm vui.
Buồn vì cuộc đời không thuận chèo xuôi mái, nhất là không ổn định dưới một mái nhà êm ấm mà người phụ nữ nào cũng mong muốn:
Con đã đi cuối trời cơn ấm lạnh
Con đã đi cay đắng những mùa đau
Nắng cũ chiều hay ngày mới mưa mau
Vẫn chẳng thấy đâu một mái nhà cho con nghỉ.
Buồn vì cô đơn,thui thủi một mình, không có người tri kỷ, không có ai chia sẻ nỗi niềm, chỉ có một mình với bóng, với đường cũ và trăng xưa:
Sông Cấm ơi! Sông như người bạn mới quen
Thân thiết thế mà không sao hiểu được
Chiều tan ca tôi đi bên dòng nước
Sông với tôi với bóng là ba
Giờ em đã cũ con đường cũ
Chỉ gió trăng là vẫn mới thôi
Buồn vì cuộc sống bị gò bó, thiếu tự do. Tự do là sức mạnh giúp người vượt qua sa mạc cuộc đời. Tự do quá trân quý, nên muốn có, phải sẵn sàng trả với giá cao:
Như cơn gió thổi
Tự do cho cửa trước cửa sau
Tôi như người khát được hớp nước
Thấy mình đủ sức vượt qua sa mạc đời
Ai bán tự do bằng lá biếc
Tôi xin trả màu xanh lục diệp
Ai bán tự do bằng nước mắt
Tôi xin được trả bằng đời
Buồn vì nhà thanh cảnh vắng, một mình nuôi mẹ, nuôi con, anh chị em thì kẻ qua đời, người ở xa, không có ai ở bên để nâng đở, an ủi và san sẻ gánh nặng với mình:
Em nằm bên kia sông
Chợ Cầu Rào chiều hôm nắng tái
Qua chợ dùng dằng
Nửa muốn đi nửa toan ghé lại
Định mua quà cho em nhưng nào biết mua chi
Anh đã xa cầu xi măng 
Ba muơi năm từ đó
Xa con sông quê nước lợ
Anh có mơ một lần
Sóng vỗ giấc mơ anh…
… Mẹ ơi cầu có tự bao giờ
Mẹ bảo tuổi cầu cùng với tuổi anh…
Người em nằm bên kia sông Sầu Rào, trong nghĩa trang Ninh Hải là Nguyễn Xuân Đăng. Người anh xa nhà từ rất lâu năm là nhà văn kiêm khoa học gia Nguyễn Xuân Vinh. Cảnh đời của Hoài Thanh éo le đến thế đã quá đủ buồn, không cần kể thêm những mối buồn khác, dù còn rất nhiều. Điều đặc biệt là thơ buồn của Hoài Thanh không não nuột, chua cay, không trách đời trách người, chỉ nhẹ nhàng nhưng rất thấm.

Yêu người và yêu cuộc đời
Thơ Hoài Thanh toát ra một vẻ nhân hậu, bao dung đối với con người và cuộc đời. Ngay trong lãnh vực tình yêu, một lãnh vực mà các nhà thơ thường có cảm hứng và viết nhiều nhất, với những ngôn từ say đắm nhất hay đau buồn nhất, Hoài Thanh cũng chỉ viết rất ít, tình cảm đằm thắm, không đam mê, có nuối tiếc ngậm ngùi nhưng không than van trách cứ:
Tôi yêu anh
Chẳng biết tìm ai mà nói
Đêm tôi đợi
Giấc mơ về
Tôi đợi đêm đêm
Sáng giấc mơ qua để lại dấu chân bên cửa
Dấu chân giấc mơ là tia nắng nhỏ.
Tôi yêu anh
Tôi thầm nói với bình minh
Giá mà cầm được trên tay
Giá mà cầm được những ngày say mê
Giá mà gói được tiếng ve
Gửi người ở tận bên kia nắng chiều.

Tình yêu nam nữ không có nhiều trong thơ của Hoài Thanh. Đó là một điều lạ. Bình thường số lượng thơ yêu chiếm phần quan trọng nhất trong hầu hết công trình sáng tác của các nhà thơ. Ta không thể nói là Hoài Thanh thiếu cảm hứng về mặt này. Những bài thơ tình dù ít ỏi của Hoài Thanh không thiếu những tình cảm sâu đậm, dạt dào, được diễn tả bằng những hình ảnh và những lời rất đẹp. Ta chỉ có thể đoán rằng tình yêu người và yêu cuộc đời của Hoài Thanh lớn hơn tình yêu lứa đôi, nên Hoài Thanh không muốn quá bi lụy về một thứ tình mà bỏ quên những thứ tình yêu khác. Cuộc đời đa dạng nên tình yêu cũng trải rộng.
Yêu quý bạn bè, coi bạn bè như một bến đỗ, một chỗ nghĩ chân đầy bóng mát:
Tôi ghé nhà anh
Như người bộ hành
Một chiều mệt mỏi
Xin nghỉ nhờ bóng cây
Bóng cây không từ chối 
Như cơn gió thổi
Tự do cho cửa trước cửa sau

Yêu bạn sống rồi yêu bạn chết, nhớ ngưòi đã đi nhưng tưởng như vẫn đâu đây:
Ngỡ như ông vẫn còn đây
Trong từng cánh mỏng phượng bay hè về
Hình như ông hiểu tiếng ve
Tiếng nhện giăng võng tiếng ve đầu ngày

Có lẽ tình yêu lớn lao nhất của Hoài Thanh là tình yêu gia đình. Tập thơ của Hoài Thanh đầy dẫy những bài thơ nói về mẹ hiền, con thơ, cháu nhỏ, anh em đã đi xa. Ở đề tài này, Hoài Thanh có nhiều cảm hứng và đã viết thành những vần thơ rất cảm động. Trọng tâm của những bài thơ này xoay quanh tiểu gia đình của tác giả: những đứa con lúc còn thơ dại và những đứa cháu khi còn tấm bé. Điều này cũng dể hiểu thôi. Hoàn cảnh của Hoài Thanh là hoàn cảnh của một gà mẹ một mình ấp ủ lũ gà con, vừa vất vả tìm mồi, vừa phải giuơng đôi cánh che chở cho con trước những đe dọa của nắng mưa, chồn cáo và diều hâu. Khi bắt buộc phải tạm xa con đi làm ăn, long mẹ âu lo, khác khoải, căn dặn đủ điều:
Rồi mai đây mẹ đi vắng ít ngày
Các con ơi đêm thu gió lạnh
Ngủ nhớ đắp tấm vỏ chăn cho ấm
Cửa sổ mở ra cho thoáng gió nghe con
Biết bao lo âu long mẹ ngày đêm
Từ khi các con còn là giọt sương trong lòng mẹ

Ngoài những lo lắng cho các con trong hiện tại, tác giả còn lo xa, có thể nói hơi quá xa, là lỡ mình phải nhắm mắt khi chưa được làm bà thì hứa trước đêm đêm sẽ về ru cháu ngủ:
Nếu như mẹ ra đi khi chưa kịp làm bà
Thì đêm đêm mẹ vẫn ru những đứa cháu ra đời trong giấc mộng

Hoài Thanh an ủi các con rằng nếu mẹ có ra đi thật thì cũng đừng khóc. Mẹ đi bằng thể xác nhưng sẽ lại về với các con bằng linh hồn. Các con không nhìn thấy mẹ nhưng lúc nào mẹ cũng ở bên các con. Các con đừng buồn, vì “tình thương lớn không thể đo bằng năm tháng”. Nó phải là mãi mãi thiên thu:

Đừng khóc con ơi! Mẹ ra đi như đêm tối
Bước lặng thầm như thể bóng đêm thôi
Mẹ lại về trong tiếng chim rơi
Trong làn khói cơm thơm lửa reo bếp nhỏ
Lời mẹ chuyện trò lao xao trong lời gió
Bóng mẹ ra vào trong bóng lá xanh tươi

Với thời gian, nỗi lo phải bỏ con ra đi sớm và không được nhìn thấy cháu đã được giải tỏa. Hoài Thanh đã nuôi con khôn lớn nên người, đã có cháu nhỏ để ẵm bồng nâng niu. Nhưng con gái chị cũng long đong giống mẹ, phải vào Nam kiếm sống, để con thơ lại cho bà. Bà cháu hủ hỉ sống với nhau và nuôi niềm hy vọng một ngày được mẹ cháu gửi ra xuất vé tàu hỏa để bà cháu ríu rít dẫn nhau xuôi Nam, tìm lại cảnh xum họp:
Bố mẹ chia tay từ đó
Về đây cháu ở với bà
Hai gian chông chênh đầy gió
Sớm chiều bà cháu vào ra
Đêm gối tay bà cháu hỏi
Mẹ sao đi mãi đi đâu
Thương cháu lựa lời bà nói
Thương bà cháu vuốt tay đau…

Bao giờ mẹ cháu gửi ra
Xuất tàu cho hai bà cháu
Bấy giờ lại được ra ga
Tay xách làn, tay dắt cháu
Bóng bà bóng cháu nương nhau

Chính tình thương đã giúp mẹ, giúp bà có thể chịu đựng những vất vả, gian lao, xa cách. Gáng nặng trên vai sẽ nhẹ bớt nhờ có tình thương. Gia tài của tình thương để lại cho con không phải là của cải trần gian, nhưng chỉ nước mắt và những vần thơ:
Không có gia tài để lại cho con
Chỉ có nước mắt rơi và ngày vui chưa trọn
Và thơ cười đi suốt những đêm thâu
Yêu con người, yêu cuộc đời, Hoài Thanh yêu cả những nơi chốn đã sống hoặc đã ghé qua, nhất là yêu Hải Phòng, thành phố cảng với những hàng phượng vĩ đỏ rực vào mùa hè, nơi chị gắn bó nặng tình nhất. Rải rác khắp tập thơ, Hải Phòng được nhắc tới rất nhiều với những địa danh sông Cấm, cầu Rào, cầu Xi Măng, cầu treo Tam bạc, cầu Sắt, Lạc Tiên, Kỳ Sơn, Hạ Lũng... Mỗi địa danh là mỗi kỷ niệm thân thương dối với chị, dù là vui hay buồn. Chị yêu Hải Phòng đến nỗi công khai tỏ tình với thành phố là muôn đời chị sẽ làm gió để "ôm thành phố hát ca":
Tôi ở Hải Phòng
Dù mai sau tôi sẽ còn
Thì hoa phượng khắp nẻo đường vẫn cháy lên mong ngóng
Thành phố hôm nay cất mình gió lộng
Tôi xin làm gió
Đời đời ôm thành phố hát ca

Hải Phòng của chị cũng gắn liền với màu hoa phượng đỏ. Màu hoa phượng không chỉ là màu hoa học trò báo mùa thi tới hay gợi mối buồn chia ly của những mối tình câm "ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu", nhưng còn là màu của rạo rực, đợi chờ của những người yêu nhau dù đã qua tuổi cắp sách đến trường:
Hoa rong chơi từ màu thu năm ngoái
Hôm nay ghé phố gọi rủ nhau về
Gió đã mở nắng vàng đã chín
Hồn đã say chân đã bước đinh ninh
Trong ngây ngất như có ai cuối phố đợi mình

Nhưng nếu hoa đỏ không đốt nóng được mối tình, nếu chân đã bước đi tìm mà không thấy ai đợi mình cuối phố, thì hoa ơi, hoa bừng nở làm chi? Bừng nở với quá nhiều đam mê, hy vọng để sớm héo tàn thì có khác chi cuộc tình cũng thay đổi theo mùa!

Ai hát nữa điều gì thao thức lạ
Hoa khờ dại cháy mình trong nắng hạ
Để thu về tan tác cả lòng ai

Con người tuy luôn hướng về tương lai lại cũng nặng lòng với quá khứ. Hồi tưởng về một quá khứ vui khiền người ta nhớ tiếc nhưng cũng tìm được chút ấm lòng khi lâm cảnh khổ trong hiện tại. Tình càng nặng với một nơi chốn khi nơi chốn ấy gắn liền với những niềm vui nỗi buồn cùa một đời người. Xem ra càng nhiều nỗi buồn người ta càng nhớ thương hơn. Đó là lý do Hoài Thnah đã bộc lộ tình yêu Hải Phòng một cách rất đằm thắm, dù sau năm 1975 chị đã đi và sống nhiều nơi ở miền Nam như Đồng Xoài, Tùng Nghiã, Đức Trọng, Di Linh…, những nơi chị cũng để rơi rớt chút cảm tình, nhưng không đâu bằng Hải Phòng. Thấy hoa phượng nở ở một nơi xa xăm như Xuân Định, chị đã nhận ngay là “đồng hương” và nhớ ngay đến hoa phượng Hải Phòng:
Đứng đó làm chi phượng vĩ ơi
Tuổi cây nay đã mấy mươi rồi?
Đồng hương mình với ta bầu bạn
Quê cũ bây giờ hoa đỏ rơi

Hoa phượng và Hải Phòng đã chiếm một phần không nhỏ và đã được cất kỹ trong trái tim của Hoài Thanh:
Thành phố này mỗi bận đi xa tôi cất kỹ
Trong trái tim ở chỗ nghẹn ngào
Có lẽ nào tôi một lần ích kỷ
Ngày trở về bóng đã ngã chênh chao

Dù có yêu thương, nhớ nhung, ngậm ngùi, tưởng tiếc, thơ của Hoài Thanh vẫn điềm đạm, đằm thắm như một thứ rượu êm không làm người uống say ngay nhưng thấm từ từ và làm ngất như lúc nào không biết. Sự điềm đạm cũng thể hiện trong thái độ đối với cuộc đời. Đó là thái độ chấp nhận hoàn cảnh dù có gặp ngang trái và thiệt thòi. Chấp nhận không tính toán hơn thiệt, không đổ lỗi cho Trời, cho người hay cho mình. Chấp nhận không tranh cãi và không muốn nhiều lời:
Thôi anh đừng nói nữa
Chiều bên sông em lại một mình đi
Nước sông trôi như nỗi buồn muôn thuở
Cứ thản nhiên lờ lững chẳng can chi…
Thuở ấy câu thơ trăng bắt được

(Anh đi mà hỏi bóng trăng rơi)
Vì biết chấp nhận hoàn cảnh nên cuôc sống bớt hệ lụy, lúc nào cũng thanh thản như con chim hót hồn nhiên, sẵn sang nhảy sang cành khác nếu gặp cành gai và lối chật:
Trăng chiếu vờ ngủ trong mây
Bếp nghèo ngọn khói cũng gầy ngả nghiêng
Ôi con chim hót hồn nhiên
Cuộc đời chật quá… em chuyền lên cây

Chấp nhận cuộc đời, dù cuộc đời đã nhiều lần làm cho bần gan tím ruột không phải là chuyện dễ. Hoài Thanh đã làm được chuyện này vì Hoài Thanh biết rộng lượng với con người và cuộc đời.
Nhận định về giá trị của thơ Hoài Thanh
Như đã nói ở trên, tôi không viết bài phê bình thơ Hoài Thanh. Tôi thường dè dặt khi thấy những nhà phê bình đưa ra nhiều thứ phương pháp luận để xét đoán táv phẩm của người khác, bỏ tác phẩm vào trong những cái rọ hay những cái khung của hiện tượng luận, phân tâm luận, cấu trúc luận, hiện thực xã hội chủ nghiã .v.v... để nhào nắn trước khi công bố bản án hay bản tuyên dương. Đọc thơ, tôi chỉ muốn cảm được thơ và thơ cảm được tôi để thích thú với tình ý, tứ thơ và lời thơ. Nếu thơ và người đọc không cảm được nhau thì đó là một thất bại. Lôí nhận định có vẻ cổ điển và sơ đẳng này giúp tôidễ gần gũi với thơ và dễ cảm thông với tác giả hơn.
Về tình và ý trong thơ Hoài Thanh, tôi đã trình bày ở những phần trên. Đó là những tình ý rất chân thật, rất con người, rất gần gũi với đời thường, không có gì là cao siêu, bí hiểm. Hoài Thanh không luận về triết lý của phận người Ôn Như Hầu trong Cung Oán Ngâm Khúc, không bàn về thuyết tài mệnh tương đố như Nguyễn Du trong truyện Kiều, không “nhớ rừng” như Thế Lữ, không thương nhớ nước non Hời như Chế Lan Viên… Tình ý của thơ Hoài Thanh là tình ý của một phụ nữ Việt Nam bình thường, quen thuộc và gần gũi như hàng cau bụi chuối bên nhà. Khác chăng là nó được diễn tả bằng một tâm hồn bén nhậy, từ một hoàn cảnh có ít nhiều khác biệt. Chính việc diễn tả bằng thơ những tình ý gần gũi hiền hòa này đã nói lên sự tiếp nối truyền thống yêu thơ của người ViệtNam. Người Việt Nam làm thơ, ngâm thơ và hát thơ trong mọi hoàn cảnh.
Nói về tứ thơ, đó là cái gì rất khó định nghĩa, là cái cốt yếu làm cho thơ khác với văn xuôi. Tứ thơ có thể là một ý, một lời, một hình ảnh đánh trúng vào tình cảm của người thưởng ngoạn, khiến người đó cảm thấy sững sờ hay thích thú. Nó làm cho những câu thơ có hồn, làm cho người ta thích ngâm nga, thích nghe đi nghe lại. Chúng ta hãy thử tìm tứ thơ trong những câu sau đây của Nguyễn Bính:
Xóm giềng đã đỏ đèn đâu
Chờ em ăn giập miếng trầu đã sang
Đôi ta cùng ở một làng
Cùng chung một ngõ, vội vàng chi anh?
Em nghe họ nói mong manh
Hình như họ biết chúng mình với nhau…

Câu cuối cùng làm cho đoạn thơ hay hẳn lên. Nó vừa diễn tả một sự e ngại kỳ thú của kẻ ăn vụng sợ người biết, vừa là một lời xác nhận tình yêu, vừa là một lời hứa hẹn rất tình tứ. Đó là tứ thơ nằm trong ý.
Bốn câu thơ sau đây của Vũ Hoàng Chương lại có tứ thơ kiểu khác:
Sao đọng kim cương sáng ngập bờ
Lúa thì con gái mượt như tơ
Gốc đa cổ thụ duyên còn đượm
Và cái trăng vàng qúa lẳng lơ

“Sáng ngập bờ” làm người đọc thấy trăng sao in hình trong làn nước ngập tràn bờ ruộng. “Luá thì con gái mượt như tơ”, mới đọc lên người ta có thể hiễu chữ “thì” là động từ đi trước những chữ chỉ trạng thái. Đúng ra, “thì” này là “thơì”, lúa vào thời con gái tới tuổi dậy thì mới mượt như tơ, nhưng chữ “thì” đắc địa hơn chữ “thời” cả về cách nói lẫn âm điệu. “Cái trăng vàng” làm tăng thêm cái “lẳng lơ”. Vì thế lhông thể thay thế bằng “mặt trăng” hay “ông trăng”. Tứ thơ trong trường hợp này nằm ở lời và hình ảnh.
Dĩ nhiên khó có thể so sánh tứ thơ trong thơ của Hoài Thanh với thơ của Nguyễn Bính hay Vũ Hoàng Chương. Không thể nói chyện hơn thua vì mỗi người có nét độc đáo riêng. Phải nhận rằng tứ thơ của Hoài thanh cũng rất đặc sắc, có khả năng làm cho những câu thơ nên đẹp và đánh động lòng người đọc:
Giương cung đừng nhé người ơi!
Vết thương thuở trước luân hồi còn đau

Hai câu trên diễn tả rất thơ những nỗi đau còn kéo dài, vết thương vẫn nhức nhối từ kiếp này sang kiếp khác. Đó là tứ thơ nằm trong ý với hình ảnh diễn tả theo câu văn cổ “cung kinh chi điểu” (con chim sợ cây cung).
Hai câu sau đây lại có tứ thơ kiểu khác, ý hay và lời đẹp:
Tiếng gà xưa thức trong mơ
Tiếng xanh sợi tóc thuở chưa đổi màu

Tiếng thì không thể có màu. Vậy “tiếng xanh sợi tóc” là tiếng gà gáy trong mơ, mơ về tuổi thanh xuân. Tứ thơ rất đạt.
Ở một trường hợp khác, tứ thơ cùa Hoài Thanh rất gần với ca dao:
Giờ thì ước được như trăng
Bao nhiêu tuổi vẫn ngang bằng ngọn tre

Tứ và lời của hai câu thơ này chúng ta liên tưởng tới hai câu ca dao đã được hát trong một bài quan họ:
Sáng trăng suông sáng cả cái đêm trăng rằm
Nửa đêm về sáng (chứ) trăng bằng cái ngọn tre

Có thể nói tứ thơ trong thơ của Hoài Thanh cũng giản dị, đôn hậu, rất gần với ca dao. Điều này lại càng xác định thơ của Hoài Thanh rất gần với dòng truyền thống cuả thơ Việt.
Hoài Thanh cũng sử dụng thể thơ mới có vần một cách rất điêu luyện:
Vết thương cũ chưa lành
Vết thương sau còn mới
Người đã bỏ đi mà ta vẫn đợi
Như sen trong hồ khát hạ để hồi xuân
Ta đợi người ban trưa nắng cũng tần ngần…

Nhưng da số thơ mới của Hoài Thanh không có vần. hoặc không chú trọng vần, chỉ thỉnh thoảng gieo vần ở một đôi câu rất tình cờ:
Tôi ở dưới vực sâu kêu lên
Tôi chỉ xin
Một ánh trăng cô đơn
Tỏa xuống vực sâu để cứu rỗi linh hồn

Điều đặc biệt là lối làm thơ thoải mái không vần, không giới hạn câu, chữ của Hoài Thanh không thể xếp vào thể thơ tự do, bởi lẽ những câu thơ đó có vẻ không được cố tình làm mới (hay làm dáng), không kéo dài lê thê, vẫn ngắn gọn, ít lời và có nhạc điệu của thơ:
Tôi yêu anh tôi kể với đám mây
Gió thổi mây bay đi
Tôi kể với cơn mưa
Mưa thành suối ra sông gặp biển
Tôi kể với con mèo
Mèo bỏ ra sân tìm nắng
Tôi yêu anh chẳng biết tìm ai mà nói.

Về lời thơ, chúng ta đừng mong tìm được những chữ “xuất thần” hay cầu kỳ trong thơ Hoài Thanh. Ý thơ, tứ thơ của Hoài Thanh đã dung dị thì lời thơ cũng không đi ra ngoài đặc tính ấy. Những câu thơ sau đây lời thơ tuy giản dị nhưng chữ dùng rất “đắt địa” và rất “thơ”:
Nắng trưa thì trú tàn cây
Tuổi thơ trú ở những ngày bâng khuâng
Người ta đi hỏi cầu vồng
Con đường ấy có còn không ở trời

Ngoài ra, thơ Hoài Thanh còn có đặc tính “lời ít nói nhiều”. Chỉ bằng một câu hỏi và một câu trả lời, Hoài Thanh đã diễn tả được nỗi nhớ nhung người anh đã xa nhà từ lâu:
“Mẹ ơi cầu có tự bao giờ?” em hỏi mẹ
Mẹ bảo tuổi cầu cùng tuổi với anh

Chỉ cần nhắc chuyện mua bán khi đi qua một ngôi chợ, Hoài Thanh đã nói lên nỗi đau đớn của một người chị khóc em đến không còn nước mắt:
Chỉ một thứ chẳng ai cần mua là nước mắt
Em mặc cả với đời mang nó đi theo

Tôi ngạc nhiên khi đọc thơ của Hoài Thanh. Ngạc nhiên vì không hiểu tại sao thơ Hoài Thanh đã “cảm” tôi một cách dễ dàng như thế? Ngạc nhiên vì những vần thơ dung dị, gần gũi đã nói lên được nỗi lòng và hoàn cảnh của một kiếp người, một kiếp người Việt Nam, đặc biệt là một phụ nữ phải kinh qua giai đoạn thăng trầm quá dài của đất nước với rất nhiều đổ vỡ và chia ly. Thơ Hoài Thanh chỉ là những lời tâm sự của môt người bạn, rất ôn tồn, nhẹ nhàng nhưng thấm thía.
Tôi cảm nhận thơ Hoài Thanh như thế và tôi nghĩ rằng đất nước này, dân tộc này vẫn còn vô số những “thi sĩ cần được khám phá”, cần được giới thiệu như Hoài Thanh để những vần thơ hay và đẹp không bị mai một và di sản văn hóa Việt Nam không bị thiệt thòi.

Mặc Giao
Nguồn: Việt Luận
Theo http://forum.phunuviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vàng và máu

Vàng và máu Phần 1 Kể từ châu Kao Lâm ở phía đông và miền bản Slay ở phía tây mà đến, từ mạn bản Pắc đi xuống, và từ bản Hạ trở lên, cách ...