Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2017

Vẻ đẹp Hà Nội qua những sáng tác trẻ

Vẻ đẹp Hà Nội qua những sáng tác trẻ
Nếu như Hà Nội xưa êm đềm và trầm mặc thì Hà Nội bây giờ đông đúc và ồn ào hơn nhiều, cuộc sống hối hả và gấp gáp hiện đại khiến cho không ít người cảm thấy buồn và tiếc nuối... Thế nhưng, nỗi buồn và sự tiếc nuối đó dường như không tồn tại trong cách nhìn của giới nghệ sĩ trẻ, trong đó phải kể đến những “họa sĩ” đã vẽ nên những bức tranh tuyệt đẹp về Hà Nội bằng chất liệu âm nhạc.
Khi người trẻ sáng tác về Hà Nội
Nếu phải kể tên nhạc sĩ 8X có những sáng tác về Hà Nội hay nhất chắc chắn người nghe nhạc sẽ nhớ ngay đến nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường. Anh được xem là một nhạc sĩ khá thành công với những ca khúc trở thành hit và giành được nhiều giải thưởng. Tiêu biểu là bài hát Nồng nàn Hà Nội giành giải Thể nghiệm trong cuộc thi Bài hát Việt năm 2007 và đặc biệt, bài hát Em trong mắt tôi đã giành được "cú ăn ba": Ca sĩ thể hiện (do chính Nguyễn Đức Cường thể hiện), Phối khí hiệu quả và Bài hát của tháng trong lễ trao giải Bài hát Việt tháng 11 năm 2008. Không những thế, bài hát này còn giành giải Bài hát mang phong cách pop do Hội đồng nghệ thuật bình chọn.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường  
Tác giả ca khúc Nồng nàn Hà Nội
Sau này, Nguyễn Đức Cường còn có rất nhiều sáng tác hay, đóng vai trò "bệ phóng" mang đến thành công cho những ca sĩ trẻ. Nhưng khi nhắc đến tên anh, khán giả luôn nhớ đến Nồng nàn Hà Nội, đơn giản là vì bài hát này đã phác họa một Hà Nội quá đỗi gần gũi, thân quen: "Bước xuống phố sáng tinh mơ, dạo qua góc công viên, có bao điều, người người chào bình minh đang đến, nhìn cụ già tập dưỡng sinh, sao trong tâm ta thấy bình yên, một Hà Nội rất thân quen... Mặt trời hồng rạng rỡ phố xá bỗng nhiên càng đông hơn, nhìn dòng người vội vã nối những chiếc xe dài lê thê...".
Nồng nàn Hà Nội trở thành một hiện tượng của nhạc trẻ Việt, lời bài hát giống như một sự kể lể, "điểm danh" về những điều mà đôi mắt người nhạc sĩ này đã thu lại được... Càng nghe càng thấy hay, càng "ngắm" càng thấy đẹp: "Đưa em đi qua phố phường bao sắc màu bao ánh đèn, ngồi ăn một quán ven đường, Hà Nội nhẹ nhàng ấm áp, dịu dàng đậm chất thơ, một ngày xa một cảm giác, lòng chợt nhớ...".
Dù là một tác phẩm âm nhạc nhưng người nghe cảm nhận được chất thơ, chất họa trong ca khúc này. Sức lan tỏa của Nồng nàn Hà Nội mãi về sau đã khiến nhiều khán giả cảm thấy giải thưởng Thử nghiệm dành cho ca khúc này dường như chưa đủ. Nhưng mỗi khi nói về Nồng nàn Hà Nội, Nguyễn Đức Cường vẫn khá rụt rè, anh cho rằng cảm nhận của mình có lẽ chưa thể đủ đầy và chân thực bằng những người Hà Nội gốc.
Cùng thế hệ với Nguyễn Đức Cường còn có một nhạc sĩ trẻ khác, một tâm hồn đồng điệu với mạch cảm xúc về Hà Nội, đó chính là nhạc sĩ Đinh Mạnh Ninh. Với tuổi đời còn khá trẻ (sinh năm 1989) nhưng Đinh Mạnh Ninh đã là một gương mặt quen thuộc với nhiều cuộc thi hát. "Sở hữu" trong tay khá nhiều thành tích cũng như giải thưởng lớn - nhỏ, Đinh Mạnh Ninh khiến nhiều người ghen tị. Đó là Thủ khoa Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội 2010, giải Nhất cuộc thi Tuổi đời mênh mông (2005), giải Nhất Tiếng ca học đường (2008), giải triển vọng cuộc thi Sao mai điểm hẹn 2010. Dường như tham vọng của chàng ca sĩ trẻ này không chỉ dừng lại ở đó. Mong muốn trở thành một nghệ sĩ đa năng vừa ca hát vừa sáng tác là động lực giúp Ninh cho ra đời những sáng tác khá ấn tượng trong thời gian gần đây.
Nhắc đến tác phẩm Hà Nội trà đá vỉa hè cũng là một "hiện tượng" của Bài hát Việt năm 2012, Đinh Mạnh Ninh lúc đó đã gây tò mò không ít cho những khán giả của chương trình. Nói về cảm hứng sáng tác ca khúc này, nhạc sĩ trẻ tâm sự: "Tới Hà Nội phải uống trà đá vỉa hè ở ngoài đường mới gọi là đã đến Hà Nội, cảm nhận hết không khí của Hà Nội. Khi nhạc sĩ Hà Okio giới thiệu về ca khúc của anh ấy thì Ninh nghĩ Sài Gòn có cà phê sữa đá và Hà Nội thì có trà đá vỉa hè, vậy tại sao mình không có một bài hát như vậy? Ninh sáng tác ca khúc Hà Nội trà đá vỉa hè nhằm phục vụ giới trẻ nên những tiết tấu nhanh, mạnh cùng những ca từ quen thuộc thường được các bạn trẻ sử dụng hàng ngày là yếu tố thu hút đầu tiên do bản thân ca khúc mang lại...".
"Nhạc vỉa hè" có vấn đề?
Nguyễn Mạnh Cường và Đinh Mạnh Ninh nổi lên gần như cùng một thời điểm và tác phẩm của họ đều lấy cảm hứng từ Hà Nội. Bên cạnh sức lan tỏa tích cực của 2 ca khúc đình đám này thì cũng có một vài ý kiến cho rằng hình ảnh quá đỗi xuề xòa, gần gũi trong sáng tác của họ sẽ tạo nên trào lưu âm nhạc "vỉa hè".
"Chủ đề bài hát là nhịp sống quen thuộc của người Hà Nội. Ngay cả câu kết vừa thật lại vừa dí dỏm, hài hước: "Hà Nội không vội được đâu" vừa là một sự phản ánh thực tế lại vừa là lời nhắc nhở khiến không ít bạn trẻ giật mình, nhìn lại bản thân. Ninh thích chinh phục khán giả trẻ bằng những điều bình dị như thế" - Đây chính là câu trả lời của nhạc sĩ Đinh Mạnh Ninh về vấn đề "nhạc vỉa hè". Sự gần gũi, giản dị thường bị "đánh đồng" với những thứ dễ dãi, đó là điều không tránh khỏi, nhưng những đôi tai biết nghe sẽ là bộ máy lọc chính xác nhất, số đông luôn đúng. Hơn nữa, những sáng tác đậm chất "vỉa hè" còn được "bảo đảm" bằng những giải thưởng danh giá từ giới chuyên môn. "Vỉa hè" cũng có sự sang chảnh riêng của nó, làm nên một nét văn hóa, đặc trưng của Hà Nội mà không phải ai cũng có thể khéo léo đưa vào âm nhạc đậm chất thơ và họa đến thế.
Sự tiếp nối đáng khen
Tất nhiên, cảm hứng sáng tác về Hà Nội đâu chỉ có trà đá vỉa hè, mỗi nhạc sĩ trẻ lại có một sự phát hiện đặc biệt về Hà Nội, ví như bài hát Thu cuối của nhạc sĩ Yanbi, một hiện tượng gây sốt trong giới trẻ suốt thời gian dài, tác giả lại cho rằng "Hà Nội có lẽ đẹp nhất về đêm...".
Nhắc đến những sáng tác về Hà Nội trong thời gian gần đây thì nữ nhạc sĩ Trịnh Minh Hiền cũng là một đại diện tiêu biểu. Tuy không được đánh giá cao về tiết tấu nhưng ca khúc Gọi tôi Hà Nội đã thực sự mang đến cho công chúng một "món ăn lạ" thông qua ca từ, giai điệu và khẳng định một phong cách rất riêng, đậm chất Trịnh Minh Hiền. Trong Gọi tôi Hà Nội, Thủ đô hiện lên qua vẻ đẹp cổ kính của một thời đã xa với những nét đặc trưng như tàu điện, chiếc đồng hồ trên nóc Bưu điện Thành phố, kem Bôđêga và áo bông trời lạnh; Hà Nội với những địa danh quen thuộc như Hồ Tây, Cà phê Nhân trên phố Hàng Hành, Hiệu ảnh quốc tế bên Hồ Gươm...
Vẻ duyên dáng của Hà Nội dù được phát hiện ở góc độ nào thì điều quan trọng nhất là tất cả những giá trị thẩm mỹ đó đều được thu lại dưới con mắt của những người trẻ. Tưởng rằng Hà Nội thời "cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ..." trong Nhớ mùa thu Hà Nội của Trịnh Công Sơn hay "Hà Nội ơi, nhớ về mùa thu tháng mười, áo học trò xanh những hàng me..." trong Hà Nội đêm trở gió (nhạc: Trọng Đài/ lời: Chu Lai - Trọng Đài) là những ca khúc đã "có tuổi" thì những sáng tác về Hà Nội sẽ không có được sự tiếp nối đẹp và sang như thế nữa, vậy mà các nhạc sĩ thế hệ 8X đã làm tốt vai trò "kế nhiệm" của họ. Chắc chắn rằng những sáng tác mới về Hà Nội sẽ còn nữa, bởi những ai đã từng sống ở đây sẽ luôn nhớ về Hà Nội với một tình yêu nồng nàn nhất mà âm nhạc chính là chất liệu tuyệt vời để thể hiện.
Ánh Mai
Nguồn: http://suckhoedoisong.vn
Theo http://www.hoiamnhachanoi.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Hoa Ngày luân chuyển theo nhịp điệu của trời đất. Sài gòn sớm mai mờ hơi sương trong se lạnh mùa noel. Thời gian như muốn tạo một dấu...