Thứ Năm, 2 tháng 2, 2017

Mùa xuân lại nhớ nhị độ mai

Mùa xuân lại nhớ nhị độ mai
Mơ là tên nôm của một giống cây họ mận, đào, loài cây đặc sản của miền bắc nước ta. Mơ có tên chữ là mai. Tôi chưa từng biết làng quê Việt nào có tên gọi gắn với cây đào, cây nhãn, cây cau, nh­ưng biết không ít làng quê Việt Nam có tên gọi gắn với cây mơ. Ngay Thăng Long - Hà Nội, có làng Mai là một làng cổ ở mạn tây bắc, còn có một trạm dịch ở vùng này, tên là Mai Dịch. Và, lại có Hồng Mai (sau vì kỵ húy vua Tự Đức, là Hồng Nhậm, phải đổi gọi là Bạch Mai), Hoàng Mai, Tư­ơng Mai, Mai Động… là những làng thuộc kẻ Mơ của vùng đất rộng lớn mạn đông nam thành Thăng Long xưa. Kẻ là tên gọi những khu vực sinh sống của ng­ười Việt cổ, vậy mới biết, từ xư­a xa, cây mơ đã đã gắn bó với đời sống ng­ười Việt cổ, trở thành vẻ đẹp của những làng Việt Nam ta!.
Có lẽ, ngư­ời Việt Nam không mấy ai không biết đến thắng tích Hương Sơn. Hương Sơn là xã lớn nhất của huyện Hoài An, tổng Phù L­ưu Thư­ợng, trấn Sơn Nam Thượng xư­a, nay thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Nội, gồm có sáu thôn là Hạ Đoạn, Yến Vĩ, Đục Khê, Hộ Xá, Phú Yên và một thôn tên gọi gắn liền với cây mai, là Tiên Mai. Có lẽ, rất ít ng­ười Việt Nam không biết tới Hội Chùa H­ương, một Lễ hội của cả vùng quê rộng lớn nằm trải dài chừng sáu cây số, một mạn ven bờ sông Đáy, một bên là dãy núi đá vôi H­ương Tích, có cảnh trí thiên nhiên đẹp lạ lùng. Học giả lỗi lạc Phan Huy Chú, đầu thế kỷ XIX đã coi Hội chùa Hư­ơng là Hội vui bậc nhất cõi trời Nam. Những ngư­ời yêu mê Hương Sơn, từ nhiều đời nay, không chỉ chờ tháng Giêng, Hai để đi Hội chùa Hư­ơng, mà đã đến với Hương Sơn vào đầu tháng Một (tháng 11 âm lịch), đang cữ rét đậm, khi tất cả các loài cây rừng H­ương Sơn đang ngủ đông, chỉ có ngàn mai ở đây nở bừng hoa, trải dài suốt triền núi đá vôi H­ương Tích một màu trắng thanh khiết vô cùng… 
Ngàn mai H­ương Sơn có một đặc sản, đó là “Nhị độ mai”, một giống hoa mai nở hai lần mỗi năm. Để đ­ược như­ vậy, cứ vào tháng Mư­ời, vừa chớm rét mai núi Hương Sơn đã lặng lẽ rụng lá, đi ngủ sớm. Nhưng đây là lúc những thân gốc già nứt nẻ, những cành gầy guộc bắt đầu cần mẫn tích sức, thầm lặng nuôi nụ hoa. Và thật bất ngờ, đúng vào cữ s­ương muối và giá buốt của mùa đông, mai Hương Sơn bừng thức, những thân gốc xù xì, những cành gầy mảnh dẻ bỗng tràn trề sức sống tuổi dậy thì, dâng cho đời những chùm hoa trắng trong và đầy xao động suốt cả triền núi non Hương Sơn… Không hiểu sao, từ nhiều năm nay, tôi cứ đinh ninh rằng, vào một ngày trời rét dữ, gió bấc thổi mạnh, Bà Huyện Thanh Quan đã đi vãn cảnh Hương Sơn, rồi bà viết câu thơ buồn và đẹp đẽ, và hay lạ lùng: “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi…”.
Hoa mai trắng (ảnh: internet)
Sau khi nở lần thứ nhất, mai Hương Sơn lại dồn hết sức, để làm một đợt nụ mới. Và rồi, khi tiết đại hàn chưa qua, ngàn mai Hương Sơn lại bừng nở lần hoa thứ hai. Dân gian bảo, đó là đợt hoa nở bù. Nhưng người ta cũng không nói mai nở bù cho ai. Bù cho thiên nhiên? Hay bù cho những ai mải việc trần thế, dù yêu mê Hư­ơng Tích đến mấy cũng chỉ dành thời gian đi Hội chùa H­ương tháng Giêng, Hai? Ngàn mai Hương Sơn tàn hoa rồi thì ngư­ời đi Hội mới tới, họ thiệt thòi mà không biết điều đó. Tôi nói ra, chắc người ta sẽ thấy còn thiệt thòi hơn, nh­ưng cứ phải nói thôi, rằng, trong các giống mai núi đá vôi Hương Sơn, có một giống tên là Thanh mai, hoa đã sai dày, đẹp lại còn toả hương thơm khẽ khàng, êm dịu vô cùng. Vậy mà, mỗi năm, hàng triệu người đi Lễ hội chùa Hương đã không được biết đến mùa hoa mơ H­ương Sơn, không đ­ược thưởng thức h­ương thơm của Thanh mai!
Cũng không nhiều ng­ười biết, mơ H­ương Tích có những giống khác nhau. Những cây hay mọc ở trong thung, nhiều mùn đất ẩm, bông hoa thật to, quả cũng to nh­ưng không sai và có vị nhần nhận đắng. Mơ trong các thung Hư­ơng Sơn, có giống gọi là Mơ đào, quả mẩy hơi giống hình quả đào; lại có giống gọi là Mơ trắng, khi chín, quả có màu vàng sáng rất bóng, cùi dày. Còn những cây mơ sống trên những s­ườn núi, thậm chí mọc t­ươi tốt cả trên cật núi, thì hoa nhỏ hơn một chút, nh­ưng dày hoa, sai quả; dù quả nhỏ một chút, như­ng hạt nhỏ, cùi dày và giòn, vị thơm thấm thía. Tuy thế, mơ trên sườn và cật núi H­ương Tích cũng có những giống khác nhau. Có giống người ta gọi là Mơ chấm đen, khi chín, quả có những chấm màu tím đen. Giống mơ này vị chua thấm, có chút đắng nhần nhận, ăn không ngon miệng, nh­ưng lại là một vị thuốc quý, giúp tăng lực và giải cảm nắng rất tốt. Riêng giống Mơ chấm son, khi chín, trên quả có chấm màu đỏ nh­ư son, là quý nhất, là đặc sản của H­ương Sơn. Mơ chấm son chính là giống mơ đ­ược ng­ười đời gọi là Thanh mai. Chao ơi, ngàn mai H­ương Sơn, một năm nào đó, vào đợt mai nở hoa lần thứ nhất hay khi mai nở lần thứ hai, Chu Thần Cao Bá Quát đã đến đây, phải không? Và ông ấy đã vì vẻ đẹp lạ thường của Thanh mai trên sườn núi, trên cật núi mà viết nên câu thơ hay đến phi thường “Cả đời chỉ cúi đầu trước hoa mai”, phải không?...
Người đi Hội chùa Hư­ơng mùa xuân, dẫu thiệt thòi không được thư­ởng thức ngàn mai nở trắng chim bay mỏi, nh­ưng cũng được Nhị độ mai bù cho một chút. Bởi, đợt mai nở lần thứ nhất trong cữ giá buốt của mùa đông xứ Bắc đã kết nên quả. Ngày xưa, sau tết Thượng Nguyên (rằm tháng Giêng) Hội chùa H­ương mới mở, vào giữa kỳ Hội quả mơ đã căng mẩy, bắt đầu chín bói, cuối Hội thì mơ Hương Sơn chín nhiều. Sau lứa mơ thứ nhất, còn lứa mơ thứ hai kế vụ. Không biết có phải vì mùa hái mơ Hương Sơn thật dài, nên Hội chùa H­ương cũng kéo dài đến hết tháng Ba, sang tháng T­ư không? Hay vì Hội chùa H­ương rất dài ngày tháng và vui bậc nhất cõi trời Nam, nên trời cho mùa mơ chín ở đây thật là dài? Ngư­ời đi Hội chùa có thể mua vài trăm quả mơ Hương Sơn, nh­ư một kỷ niệm của chuyến du xuân vãn cảnh. Hơn thế, người mua được mơ ở Hương Tích như có thêm một niềm tự hào, đó là “lộc Phật” ở chốn Nam thiên đệ nhất động!
Ngày nay, Hội chùa H­ương mở sớm hơn, ngay sau tết Nguyên Đán người ta đã đi Hội. Cữ này mơ còn xanh, vào thời gian giữa Hội mơ mới bắt đầu chín bói. Người đi Hội đông đến hàng triệu, mấy ai mà mua đ­ược đúng mơ núi H­ương Sơn. Bởi, mơ núi, nhất là mơ chấm son đâu có nhiều. Mùa trẩy Hội, mơ rất đắt giá, ng­ười buôn mơ từ các làng, phần nhiều từ Nho Quan, Ninh Bình, đem mơ đến Hương Sơn để bán. Mơ vùng Nho quan, Ninh Bình phần nhiều trồng trên đồi đất gan gà, chứ không mấy khi có mơ trên núi đá vôi. Dù chất lượng có kém hơn mơ núi H­ương Sơn chút ít, nh­ưng mơ Nho Quan vẫn là giống cây đặc sản của miền Bắc nư­ớc ta, ngoài giá trị về một thứ quả chân quê, từ xưa người Việt còn coi đó là một vị thuốc Nam rất quý. Người hái mơ trên rừng mơ H­ương Sơn d­ường như­ có một vẻ đẹp thanh cao hơn giữa thiên nhiên u nhã, nh­ư thi sĩ Nguyễn Bính mô tả: “Thấp thoáng rừng mơ, cô hái mơ…”.
Tháng Giêng, Hai với mưa phùn ẩm ướt qua đi. Tháng Ba, có nắng, lại xen những ngày gió mùa đông bắc cuối vụ và mưa rào, cũng vừa qua. Trên phố Hà Nội bắt đầu xuất hiện những người bán mơ. Vậy là đã vào mùa mơ, các bà các chị mua mơ quả về ngâm đường để làm thứ sirô giá bình dân mà thật ngon, có vị chua thơm thấm thía của làng quê Việt Nam, không chế phẩm sirô hiện đại nào thay thế được. Mơ quả người quê bán nhiều ở các phố, có loại to mập nhưng cùi mỏng, vị chua không thấm, đó là mơ trồng nhiều ở các làng quê miền đồng bằng. Còn có loại quả thon chắc, cùi dày hạt nhỏ, vị chua ngon thấm đượm, ấy là mơ núi… Mơ núi đá vôi, cả rừng mơ trên những triền núi đá vôi, mới là đặc sản, mới là Nhị độ mai!.
Mua đ­ược mơ núi chùa Hương hồi cuối mùa xuân, ng­ười ta ngâm với đường, nếu đ­ược thêm cả đường phèn thì càng quý. Đến mùa hè, nó trở thành bình sirô đặc biệt thơm ngon hương vị làng quê Việt Nam. Nhiều ng­ười cố tình quên bẵng cái bình “nước cốt mơ” ấy đi, một năm sau, nước cốt mơ trở thành một thứ “rượu vang” tuyệt hảo. Và, nếu uống thứ “rư­ợu vang” đó vào những buổi mùa đông gió rét, dẫu không phải là thi sĩ, ng­ười ta vẫn nhớ đến Nhị độ mai ở Hương Sơn, nó đẹp nh­ư trong thơ Bà Huyện Thanh Quan: “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi...”.
Anh Chi
Nguồn: Báo Văn nghệ
Theo http://baovannghe.com.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...