Thứ Hai, 13 tháng 2, 2017

Bùi Giáng - Nhà thơ điên giữa cõi đời hư thực

Bùi Giáng - Nhà thơ điên giữa cõi đời hư thực 
Tôi gặp nhà thơ Bùi Giáng được ba lần:
Lần thứ nhất vào giữa năm 1974 tại khuôn viên trường Đại học Vạn Hạnh ở đường Trương Minh Giảng (nay là trường sư phạm đường Nguyễn văn Trổi) khi tôi theo người cậu là nhạc sĩ Anh Việt Thu đi trình diễn buổi récital piano classique theo lời mời cuả Ban đại diện sinh viên trường. (lúc đó nhân ngày lễ tốt nghiệp phát bằng Cử nhân cho sinh viên ra trường)
Hình ảnh một ông già râu tóc bạc, tóc để dài nhưng không búi, ăn mặc xềnh xoàng ngồi uống cà phê với một nhóm sinh viên hăng say tranh luận về triết học đã gây cho tôi một ấn tượng đặc biệt về nhà thơ lớn nầy. 

Lần thứ hai vào khoảng tháng 12 năm 1974 ông vào trường Đại học Luật khoa Saigon ở số 17 đưởng Duy Tân, nơi tôi đang theo học Ban Cao học tư pháp để tìm một ngưởi bạn (nay là trường Đại học kinh tế đường Phạm Ngọc Thạch). Lúc đó, vì vội vàng vào giảng đường nên tôi chỉ kịp gật đầu chào ông. 
Lần thứ ba, khoảng cuối năm 1976 khi tôi đang đi cùng người bạn ở vòng xoay ngã sáu SaiGon thì bạn tôi la lên: "Bùi Giáng kìa mầy". Tôi quay lại nhìn thì thấy ông ăn mặc rách rưới, đang đứng ở dưới chân tượng Phù Đổng Thiên Vương, mắt ngó lên trời, chỉ trỏ nói lảm nhảm những gì không nghe rõ. Phía sau là một đám trẻ con tò mò, có đứa la to "Ông già điên, ông già điên" Ông đi qua những dãy phố, cúi nhặt những bao thuốc lá, giấy báo cũ, vỏ chai bỏ vào một cái bao to mang bên cạnh mình. Tôi cứ ngỡ ông lượm ve chai về bán nhưng sau nầy một người cháu của ông cho biết là ông mang về thấy người mua ve chai nào đi ngang qua ông cũng gọi vào cho. Với ông, một hoa hậu hay một cô gái lam lũ đi mua ve chai cũng như nhau. Tôi rất quý trọng ông về phẩm chất đó. Đấy, những hình ảnh về nhà Thơ lớn Bùi Giáng trong tôi chỉ có thế, nhưng nó đã trở thành một nỗi ám ảnh, thôi thúc mà cho đến hôm nay sau 13 năm từ ngày ông mất, tôi mới có dịp viết về ông: Một nhà thơ điên giữa cuộc đời hư thật.
Nếu gọi Bùi Giáng là nhà thơ cũng không đúng hẳn mặc dù đa số tác phẩm ông là Thơ, bên cạnh đó ông cũng có những bài Nhận Định, Giảng Luận, Phê Phán, Triết Học, Tạp Văn, dịch thuật v .v..., tóm lại theo tôi ông là nhà Thơ, nhà Dịch Thuật, Nhà Nghiên Cứu Văn Học Ở đây, tôi giới thiệu Bùi Giáng trên lãnh vực Thơ cùng một số bài tiệu biểu của ông để chúng ta cùng thưởng thức.
1-TÁC GIẢ:
Bùi Giáng sinh năm 1926 tại huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam, năm hai tuổi (năm 1928) ông bị té bể trán phải sống đi chết lại bốn năm trời, đến năm 1933 ông mới hết bệnh, khoẻ và đi học được. Năm 1952 ông đậu Tú Tài Toàn Phần Ban Văn Chương rồi học Đại Học Văn Khoa SaiGon. Sau đó ông nghĩ học và đi day tai các trường tư thục ở Sài Gòn. Có thời gian hận đời, ông bỏ về quê đi chăn bò. Sau đó năm 1969 ông trở lại SaiGon bắt đầu thay đổi cách ăn mặc, tạo lối sống lập dị, để râu tóc bạc dài, thường lang thang ở các trường Đại Học để tranh luận với sinh viên về văn học, triết học. Ông tự nhận năm 1969 là năm "ta bắt đầu điên rực rỡ", rồi sau đó dường như tự mãn với cái cao ngạo thoát tục của mình ông tuyên bố: "tuy điên rồ nhưng lừng lẫy, chết đi sống lại vẫn vẻ vang".
Ông mất ngày 7/10/1998 tại bệnh Viện Chợ Rẫy sau một cơn tai biến mạch máu não.
Bùi Giáng (1926 -1998), là nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu văn học của nước ta. Các bút danh khác của ông là: Trung niên thi sĩ, Thi sĩ, Bùi Bàn Dúi, Bùi Văn Bốn, Vân Mồng... Ông nổi tiếng từ năm 1962 (Bùi Bàn Dúi là bút danh nói "láy" tên Bùi Giáng của ông, đây lá cách chơi chữ rất ngông của thi sĩ).
2- VÀI TÁC PHẨM TIÊU BIỂU:
1.BỜ LÚA
Em chết trên bờ lúa
Để lại trên đường mòn
Một dấu chân bước của
Một bàn chân bé con
Anh qua miền cao nguyên
Nhìn mây trời bữa nọ

Đêm cuồng mưa khóc điên
Trăng cuồng mưa trốn gió
Mười năm sau xuống ruộng
Đếm lại lúa bờ liền
Máu trong mình mòn ruỗng
Xương trong mình rã riêng
Anh đi về đô hội
Ngó phố thị mơ màng
Anh vùi thân trong tội lỗi
Chợt đêm nào gió bờ nọ bay sang.

2- CỎ HOA HỒN DU MỤC
Nghe trời đổ lộn nguyên khê
Tiếng vàng rụng rớt gieo về động xanh
Gót chân khơi rộng bóng cành
Nhịp vang đầu núi vọng cành lũy siêu
Thời gian chắc bước bên chiều
Khóc sông bến lạ mưa chiều sớm xuân
Cỏ hoa từ bỏ ruộng đồng
Hồn du mục cũ xa gần hử em
3- MAI SAU EM VỀ
Em về ấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy chăng
Ta đi còn gởi đôi giòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù!
Những thương nhớ lạnh bao giờ
Đường Thu chia ngã chân trời rộng tênh
Đây phồn hoa của thị thành
Đây hồn thủy thảo khóc tình ngửa ngang
Càn khôn xưa của riêng chàng
Xưa đài vũ trụ thiếp mang riêng mình
4- MẮT BUỒN
Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu, bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga giữa trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con

Bùi Giáng viết, viết rất nhiều, đủ thể loại từ Thơ, Văn,, Khảo Cứu, Giãng Luận, Triét Học,,có thể nói Ông là một kho tàng kiến thức văn học. Nhưng điều mà người ta biết đến ông nhiều là Thơ, Thơ ông bàng bạc những ngôn từ mới, những ẩn dụ chìm khuất trong ảo tưởng siêu hình của Chủ Nghĩa Ấn Tưọng (Impressionism) hay Chủ Nghĩa Siêu Thực (Surrealism)
Ông đã để những ấn tượng, siêu thực đó đi vào thơ lục bát một cách nhẹ nhàng, thanh thoát, nhưng đầy bí mật, mông mị, Đôi khi ta cũng thấy thơ Ông cũng có tính cách lãng mạn, nghịch ngợm của một hàn sĩ, của kẻ khinh đời bất cần tha nhân.

Đọc hết những bài Thơ của Bùi Giáng, tôi thấy hình như ông đang đi trong một cái vòng lẩn quẩn đầy mê trận,những ngỏ cụt của hồn thơ của một người chưa nhìn thấy hết bản sắc của ta và bản chất của đời ,hiểu hết cái suy nghĩ của mình về cuộc sống nửa hư nửa thật nầy. Như con kiến cứ bò vòng vòng trên miêng cái chén ,cũng không biết chổ nào là khởi điểm, chỗ nào là cuối cùng nên hồn thơ, ý thơ của Ông cũng mông mênh, dàn trải không bao giờ hết, không bao giờ ngừng ,không bao giờ mỏi mệt
Đôi khi tôi bắt gặp trong thơ ông nhửng ảnh tượng lập đi, lập lại, trùng lấp, lập dị nhiều đến tội nghiệp Sự, trùng lấp đến lẩn thẩn đó như là để giải thoát những ẩn ức phải có, trong tư duy nhà thơ Nó chợt đến từ tha nhân, và chợt đi trong Thơ khỏanh khắc mà không thể chối từ, Vì mang nhiều tính siêu thực tính triết lý lãng mạn đến cho Thơ, nên trong thơ Ông có những đoạn ông như gò ép, vắt cái hồn thơ của mình vào những câu sáo vô nghĩa (thí dụ bài "Đi và Về"
"Em đi từ tỉnh mộng đầu.
Trùng lai chất vấn biết đâu điệu chào"

Một điểm khác là Ông cũng rất thích chơi chữ, chơi âm trong bài "Giã từ Đà Lạt" ông viết:
"Xa biệt lắm mưa nguồn trên mái tóc"
"Đà mấy lần thổi lạc lệ lưa thưa"
Sau khi chơi chữ (âm chữ ĐÀ và âm chữ LẠC), Ông bỗng nhiên ông bức phá bài thơ tám chữ nầy bằng hai câu lục bát như một cua rơ xe đạp rạp mình đạp hết ga khi chỉ còn vài thước nữa là đến đích khiến người đọc ngỡ ngàng:
"Bây giờ đếm bước em xinh"
"Sầu đau nhan sắc bất bình ra sao? "
Bùi Giáng đã cố ý hay vô tình lám cho Thơ mình trở nên bí hiểm, đa nguyên?. Trong Thơ Bùi Giáng, ngôn từ ông dung nạp rất hào phóng, nếu không nói là lãng phí, cái lãng phí đó như một anh nhà giầu làm điều từ thiện dốc hết tâm ý Thơ, ngôn từ Thơ cho người đọc đồng cảm, trong cái mông lung, ảo tưởng cuộc sống, nổi hiu qụanh huyền ảo, mộng mị của riếng mình một cách không thương tiếc.
Ông đã tự nhận mình điên "tuy điên rồ nhưng lừng lẫy, chết đi sống lại vẫn vẽ vang". Nhưng theo tôi, nhà Thơ Bùi Bàn Dúi (Bùi Giáng) không điên, mà trái lại rất tỉnh, tỉnh trong những dao động cuả thời cuộc, của nhân sinh nhiểu cái lập lờ chân lý trong những lý thuyết ma mị mà người ta mang ra lừa đảo bản thân, và lọc lừa xã hội đầy dẫy trên trái đất nầy.
Về một góc độ nào đó, theo tôi (và chắc cũng theo ông nữa), chính những con người trong xã hội mới điên, bởi vì họ sống cuộc đời trong một thế giới nửa hư, nửa thất, âm u đầy ảo tưởng ,mà tự cho mình là mình sáng suốt, khôn ngoan. Hơn nửa một người điên thật thì nào có biết mình điên đâu.
Hiện nay, tôi vốn rất coi thường những cái gọi là "tác phẩm" thơ, văn, nghệ thuật , ca nhạc, phim ảnh hiện đại vì họ viết còn nhiều còn nhiều ảo tưỡng hay đánh cắp của nước ngoài, viết rất vong thân như một thứ đơn đặt hàng vì miếng cơm manh áo, địa vị xã hội.
Điều cuối cùng mà tôi muốn nói đên Thơ Bùi Giáng là Thơ ông có những nét thoát tục, cái thoát tục của một nhà sư đi tu chỉ để trốn tránh bản thân mình, trốn tránh thế gian, mượn khoác áo cà sa đi hành khất để trốn nợ đời như nhà Thơ Phạm Thiên Thư đi tu rồi hoàn tục. Ở đây, Bùi Giáng chỉ hoàn tục trong Thơ.
Bàng bạc đâu đó trong Thơ Bùi Giáng, tôi cững bắt gặp những câu thơ nói về số phận con người tuy nó không rỏ nét bằng Đoạn Trường Tân Thanh hay Cung Oán Ngâm Khúc ,nhưng Bùi Giáng rất can đảm đã đem nó vào thơ lục bát biến thể, một cách siêu nhiên, giúp nó thoát tục khi nghĩ vế số phận định mạng hiện đại của những con người đương đại
Là một nhà Thơ nổi tiếng với rất nhiều bài Thơ hay, Bùi Giáng xuất hiện trong bản sắc con người giữa Đời và Thơ, Đời trong Thơ và Thơ trong Đời bằng một con người đặc biệt trong một hoàn cảnh cũng hết sức đặc biết.
Trong bài thơ "Mắt Buồn" Bùi Giáng có hai câu Thơ tôi rất tâm đác là:
"Bây giờ riêng đối diện tôi"
"Còn hai con mắt khóc người một con"

Nếu nhà Thơ còn sống tôi sẽ xin phép Ông sửa lại là:
"Còn hai con mắt ngó đời một con"
"Em về mấy thế kỷ sau"
"Nhín trăng có thấy nguyên mầu ấy chăng"
Hai câu thơ hay nhất tôi chọn trong bài Thơ "Mai sau em về" của Bùi Giáng để kết thúc bài viết này.

ĐÀ LẠT ĐÊM MƯA BÃO
HUY THANH 
Theo http://huythanhts.blogspot.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...