Thứ Năm, 2 tháng 2, 2017

Nhà thơ, nhạc sĩ Văn Cao

Nhà thơ, nhạc sĩ Văn Cao
Nhà thơ, nhạc sĩ Văn Cao (Nguyễn Văn Cao) sinh năm 1923, quê ở Liên Minh, Vụ Bản, Nam Định, hoạt động trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Ông là một nhạc sĩ, họa sĩ tài năng, tác giả bài Tiến quân ca là Quốc ca của nước Việt Nam, là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Phó Tổng thư ký Hội văn học nghệ thuật VN, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ VN (khóa 1 và 3).
   Nhà thơ - nhạc sĩ Văn Cao  
Tác phẩm chính của Văn Cao đã xuất bản: “Cái hầm sông” (kịch, 1948) “Những người trên cửa biển (trường ca 1956); Lá (thơ, 1988). Ông mất năm 1995 và được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, đợt 1, năm 1996.
THƠ VĂN CAO
THỜI GIAN
Thời gian qua kẽ tay
Làm khô những chiếc lá
Kỷ niệm trong tôi
Rơi
       Những tiếng sỏi
                         trong lòng giếng cạn
Riêng những câu thơ
                         còn xanh
Riêng những bài hát
                        còn xanh
Và đôi mắt em
                  như hai giếng nước
Xuân Đinh Mão, 2-1987
PHỐ PHÁI
(Tặng Bùi Xuân Phái)
Không người ở
Không số nhà
Không tên phố
Tôi gửi bài thơ về
Phố Phái
Người đưa thư sẽ tìm đến phố anh
Một góc phố Hà Nội
Một góc phố Việt Nam
Trước khi Tây chiếm thành
Hà Nội
Một góc phố anh sống
Một góc phố tôi sống
Không người ở
Không số nhà
Một mình
Phố trắng
Một góc phố tồn tại
Vĩnh viễn.
QUY NHƠN 3
Từ trời xanh
             rơi
                 vài giọt tháp Chàm
quanh Quy Nhơn
tôi như đứa nhỏ yêu huyền thoại
Từ núi xuống
từ biển vào
từ cánh đồng mọc lên
con trai
con gái
Bình Định
một lưỡi mác
vẳng tiếng trống Quang Trung
xác xe tăng bên đường Mười Chín
mọc những làng dừa
Mẹ ơi muối đâu Sa Huỳnh
phải mồ hôi làm nước biển
Mẹ ơi đường ngọt từ đâu
phải mồ hôi đọng
Mẹ ơi các con từ đâu
phải từ sữa mẹ
Mẹ ơi Quy Nhơn từ đâu
mảnh trời chim yến
Mẹ ơi! Bình  Định từ đâu
phải từ máu thắm
Không
đất này mọc lên
từ
nước mắt… !
15-4-1985
NĂM BUỔI SÁNG KHÔNG CÓ TRONG SỰ THẬT
"Những mái nhà như những cánh chim đêm
Ủ những giấc mơ dưới trời sao lồng lộng"
I
Ngủ dậy một sáng
Cả phố biến đâu mất
Không một bóng người đi
Im lặng hồ nước sâu thăm thẳm
Mặt đất đỏ màu gạch nung
Như miệng quả núi lửa
Anh đi tìm em
Tìm dấu vết những con đường
Chúng ta thường đi lại
Giữa mênh mông tôi gọi em mãi mãi
Thế kỷ chúng ta dừng lại nơi đây
Em ở đâu
Thế kỷ chúng ta còn đang tiếp tục
Trên trái đất này
Hàng ngày đứng lại nơi đây
Tôi gọi em mãi mãi.
II.
Buổi sáng nay không nghe tiếng chim hót
Một buổi sáng không thực
Tôi bước đi không thấy tiếng chân đi
Cả thành phố cùng tôi im lặng
Tất cả những con người
Chỉ thấy mắt đen lay láy
Cả tiếng xe không thành tiếng
Tại sao? Tại sao?
Không ai nhìn miệng tôi gào thét không ra tiếng
Trong kinh hoàng tôi chạy trên đất
Một mình
Giữa thành phố mọi người im lặng
Tại sao? Tại sao? Không tiếng nói
Không tiếng động, không sự sống
Tại sao thành phố sa mạc
Không nghe gió thổi
Những hình người như bị đẩy
Qua nhanh
Hình như nơi đây
Bị đày trong im lặng…
III.
Buổi sáng nay không phải mình thức dậy
Một người nào trong tôi đang thở
Trước mặt tôi
Buồn nửa đêm nửa ngày len lỏi
Nửa phố mặt trăng nửa phố mặt trời
Từ khi ấy chúng tôi, hai người suy nghĩ
Hai kẻ thù nhau
Hai thái cực tâm hồn
Hai người ấy trong một người chịu đựng
Mưu hại lẫn nhau
Không biết ngày đêm, không biết giả thật
Từ phút ấy, tôi không còn thật nữa.
IV.
Buổi sáng nay cả phố phường như mở hội
Mỗi con người đeo mặt nạ đi chơi
Những bước chân nhảy múa
Vui lên cành non
Lá bàng trên phố xanh màu ngọc
Xuân tháng hai
Cửa hàng rượu bên đường
Tơ lụa pha len, hoa giấy ni-lông
Những mặt nạ gặp nhau chào hỏi
Những em bé búp bê mùa xuân
Hồng hào da thịt
Ngồi đập nút chai làm tiền bạc chơi xuân
Mở tròn mắt nhìn kinh ngạc
Họ vui làm sao
Ô kìa
Nước mắt mồ hôi
Sao chảy ra trên từng mặt nạ
Từng con người
Vội vàng lau mồ hôi và nước mắt
Trên những mặt nạ giấy bồi.
V.
Những cánh cửa đều khóa chặt
Trong gian phòng trong suốt thủy tinh
Em ở đây với anh
Cho bớt lạnh sáng mùa xuân náo níu
Thịt da em cho anh sưởi
Hơi ấm mình con chim khuyên
Trong lòng bàn tay
Run rẩy
Giữa hai cành non
Nghe nhựa mùa xuân
Những nụ hồng mới nở
Và mật vừa thơm và ong đã tới
Chúng ta đi vào bí mật mùa xuân
Ngày đầu tiên của em trên biển.
KHUÔN MẶT EM
Giữa những ngày dài dằng dặc
Chỉ còn khuôn mặt em
Sáng trong và bình lặng
Dù hai đứa chúng ta
Chưa lúc nào sung sướng
Những ngày đau khổ ấy
Khuôn mặt em
Như mảnh trăng những đêm rừng cháy
Trên đường đi
Anh đặt em trên đồng cỏ
Thấy đẹp mãi màu xanh cỏ dại
Trên đường đi
Anh đặt em trên dốc núi
Ðể tìm lại những đường mềm của núi
Trên đường đi
Khuôn mặt em làm giếng
Ðể anh tìm lấy đáy ngọc châu
ôi khuôn mặt sáng trong và bình lặng
Tôi được đầu tiên và còn lại cuối cùng.
ANH CÓ NGHE THẤY KHÔNG
(Gửi một nhà thơ xưa đã nổi tiếng)
Cửa đóng lại từ chín giờ
Không một cuốn sách chờ đợi
Dù những ngôi sao đang nở trên trời
Dù đêm mùa xuân bắt đầu trở lại
Tất cả hướng về biển
Bọt cứ tan trên bãi cát xa
Mà cửa bể vẫn im lìm chưa mở
Bao giờ nghe được bản tình ca
Bao giờ bình yên xem một tranh tĩnh vật
Bao giờ
Bao giờ chúng nó đi tất cả
Những con người không phải của chúng ta
Vẫn ngày ngày ngày ngang nhiên sống
Chúng nó còn ở lại
Trong những áo dài đen nham hiểm
Bẻ cổ bẻ chân đeo tội ác cho người
Chúng nó còn ở lại
Trong những tủ sách gia đình
Ở điếu thuốc trên môi những em bé mười lăm
Từng bước chân các cô gái
Từng con đường từng bãi cỏ từng bóng tối
Mắt quầng thâm còn nhỡ mãi đêm
Chúng nó còn ở lại
Trong những tuổi bốn mươi
Đang đi vào cuộc sống
Như nấm mọc trên những thân gỗ mục
Người bán giấy cũ
Đã hết những trang tiểu thuyết ế
Những trang báo ngày xưa
Đang bán đến những trang sách mới
Những bài thơ mới nhất của anh
Anh muốn giơ tay lên mặt trời
Để vui da mình hồng hồng sắc máu
Mấy năm một điệu sáo
Như giọng máy nước thâu đêm chảy
Chung quanh còn những người khôn ngoan
Không có mồm
Mắt không bao giờ nhìn thẳng
Những con mèo ngủ yên trên ghế
Trong một cuộc dọn nhà
Những con sên chưa dám ló đầu ra
Những cây leo càng ngày càng, tốt lá
Một nửa thế giới
Một nửa tâm hồn
Một nửa thế kỷ
Chưa khai thác xong
Bây giờ không còn những tiểng nổ to
Nhưng còn những tiếng rạn vỡ
Có thể thu hết những khẩu súng phản động
Nhưng vẫn còn
Những khẩu súng đưa người tự tử.
Anh có nghe thấy không
Chỗ nào cũng có tiếng
Chưa nói lên
Những người của chúng ta
Đang mờ mờ xuất hiện
Le lói hy vọng
Trên những cánh đồng lầy
Nghìn năm cũ phủ mất nhiều giá trị
Đốt nghìn kinh chưa thắp sáng cuộc đời
Vào một cuộc đấu tranh mới
Với những người không phải của chúng ta
Anh có nghe thấy không
Vào một cuộc đấu tranh mới
Để mở tung các cánh cửa sổ
Mở tung các cửa bể
Và tung ra hàng loạt hàng loạt
Những con người thật của chúng ta.
KHÔNG ĐỀ
Con thuyền đi qua
để lại sóng
Đoàn tàu đi qua
để lại tiếng
Đoàn người đi qua
để lại bóng
Tôi không đi qua tôi
để lại gì?
NHỮNG NGƯỜI TRÊN CỬA BIỂN
(Trích trường ca)
Nước biển đổ vào quanh Hải Phòng ngày bão
Làng mạc bồng bềnh trời đất bềnh bồng
Ở những ngọn tre xác xơ mốc lên chất muối
Còn lại ít rơm khô của mái nhà trôi
Những mảnh lưới thuyền ai bay tan tác
Xe gạo ngày đêm từ Hải Phòng về các xóm
Chúng tôi đêm ngày vét nước nối đê
Tưới ngọt lại ruộng đồng, dựng lại từng thôn xóm
Tìm lại những nụ cười ở môi người sống sót
Lửa đỏ đêm đêm trên bãi biển bập bùng
Trong những ngày khó khăn chồng chất
Kẻ thù của chúng ta xuất hiện
Những con rồng đất khi đỏ khi xanh
Lẩn trong hàng ngũ
Những con bói cá
Đậu trên những chiếc dây buồm
Đang đo mực nước
Những con bạch tuộc
Bao nhiêu tay chân dìm chết một con người.
Đất nước đang lên da lên thịt
Đất nước còn đang nhỏ máu ngày ngày
Ta muốn gói cuộc đời gọn gàng như trái vải
Đã thấy loài sâu nằm tròn trong cuống
Chúng muốn những em nhỏ mới biết đi phải rụng
Mòn mỏi dần sức vỡ đất khai hoang
Làm rỗng những con người, lùi dần niềm hy vọng
Héo dần mầm sáng tạo, mất phẩm giá con người
Chúng nó ở bên ta, trong ta, lén lút
Đào rỗng từng kho tiền gạo, thuốc men
Tôi đã thấy từng mặt từng tên xâu chuỗi
Tôi sẽ vạch từng tên lên mặt
Hãy dừng lại
Những tên muốn ôm cây mùa xuân không cho mọc
Những tên muốn làm cây to chớ cớm mầm non
Con đường ta đi tự hào lực lượng
Con đường nước nguồn thành sông thành biển
Con đường ta đi tự hào duy nhất
Con đường đi trái đất quanh mặt trời…
MỘT ĐÊM ĐÀN LẠNH TRÊN SÔNG HUẾ
Nẩy nẩy tơ đồng nhịp nhịp đôi
Lòng nâng ngòn ngọt lại đầu môi
Này em hát khúc tương tư nhé
Ngâm khẽ em ơi nhẹ nhẹ lời
Sao đàn u hoài gì mùa thu?
Sao đàn u hoài gì mùa thu?
Tri âm nghe thử dây đồng vọng
Lạc lõng đêm vàng khi nhạc ru
Như Tử Kỳ nghe nhạc Bá Nha
Em nghe anh dạo khúc thu xa
Thuyền xuôi về bến mô thuyền bỉ
Sông trắng bờ xa lộ bóng nhà
Giọng hát sầu chi phấn nữ ơi
Từng canh trời điểm một sao rơi
Tà tà trăng lặn hiu hiu gió
Ánh lửa chài xa thấp thoáng trôi
Tay nhấn tơ chùng đã ngấm sương
Hò ngân cung Bắc lướt cung Thương
Dòng Tiêu Kim Thủy gà xao xác
Ngẩng thấy kinh kỳ khói vấn vương
Em cạn lời thôi anh dứt nhạc
Biệt ly đôi phách ngó đàn tranh
Một đêm đàn lạnh trên sông Huế
Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh
CÓ AI VỀ KINH BẮC
Có ai cưỡi ngựa về Kinh Bắc
Tôi gửi nhờ đem hộ lá thư?
Trời hỡi! ốm nằm trong quán trọ
Bạn bè còn lại mấy bài thơ...
Trông qua song cửa: trời vàng úa
Mấy lá bàng rơi nhắc nhở thu!
Chiều ốm cũng đang chầm chậm xuống
Sương mù chìm lẫn lá vàng thưa.
Hỡi người cưỡi ngựa về Kinh Bắc
Tôi gửi thư đưa hộ mẹ già
Cố thét song lời tôi yếu quá
Ngựa đều chân chạy, nhạc càng xa.
14/10/1941 
Theo http://vanvn.net/






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Truyền thông là một nghề bạc đức

Truyền thông là một nghề bạc đức Tôi đã nhiều lần có suy nghĩ loáng thoáng như thế và viện đủ cớ bao biện cho cái nghề mưu sinh của mình. ...