Quách Tấn tự Đăng Đạo, hiệu là Trường Xuyên. Ông
sinh ngày 4 tháng 1 năm 1910 tại thôn Trường Định, Bình Khê, tỉnh Bình Định, từ
trần vào ngày 21 tháng 12 năm 1992 tại Nha Trang.
Những năm 20 của thế kỷ XX, thơ Quách Tấn thường
xuyên xuất hiện trên An Nam tạp chí ở Hà Nội, Phụ Nữ Tân Văn ở Sài Gòn và trên
báo Tiếng Dân ở Huế. Chí sĩ Phan Bội Châu, thi sĩ Tản Đà và Hàn Mặc Tử đã cảm mến
và có những đánh giá cao về thơ Quách Tấn.
Từ năm 1929 đến năm 1941, trên các diễn đàn văn học
nghệ thuật và báo chí trong cả nước đã liên tục diễn ra những tranh luận giữa
những người thuộc hai trường phái thơ cũ và thơ mới. Hơn 10 năm trời, những người
khởi xướng và ủng hộ thơ mới đã đấu tranh gay gắt với trường phái thơ cũ. Và, mở
ra một thời đại mới cho nền thi ca Việt Nam. Lúc bấy giờ, Quách Tấn không
tham gia vào cuộc tranh luận giữa hai trường phái thơ cũ và thơ mới. Nhưng, vào
năm 1931, Quách Tấn xuất bản tập thơ Đường "Một tấm lòng". Hai năm
sau, Quách Tấn cho ra mắt tập thơ Đường thứ hai "Mùa cổ điển".
Lúc bấy giờ, có người cho rằng Quách Tấn là sứ giả cuối cùng của dòng thơ cũ –
thơ Đường luật. Riêng nhà phê bình văn học Hoài Thanh nhận định: "Thơ
Đường như người đàn bà khó chịu kia, họa chỉ có Quách Tấn. Mối lương duyên từ "Một
tấm lòng" đến "Mùa cổ điển" thì thực là đằm thắm.
"Mùa cổ điển" là một tập thơ cũ rất có giá trị. "Mùa cổ
điển" của Quách Tấn gồm cả cái giàu sang của Thái Can, Leiba, súc
tích lại trong một khuôn khổ rắn chắc..."
Trong tập thơ "Một tấm lòng", Quách Tấn
viết những câu thơ mà nhà thơ Chế Lan Viên cho rằng đáng xếp hạng vào những câu
thơ hay nhất của Việt Nam:
"Lụy nhớ mưa ngàn tuôn nườm nượp
Tóc thề mây núi bạc phơ phơ"
Bài thơ "Đêm thu nghe quạ kêu" trong
tập "Mùa cổ điển" của Quách Tấn đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng
người yêu thơ bao đời nay. Nhiều học giả, nhà nghiên cứu văn học cho rằng: Thơ
Đường của Quách Tấn sánh ngang với các nhà thơ đời Đường, đời Tống của Trung
Hoa. Chính thi sĩ Tản Đà đã sắp Quách Tấn ngang tài với Hồ Xuân Hương, Nguyễn
Khuyến:
"Từ Ô y hạng rủ rê sang,
Bóng lẫn đêm thâu tiếng rộn ràng...
Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng,
Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng.
Bồn chồn thương kẻ nương song bạc.
Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng?
Tiếng dội lưng mây đồng vọng mãi,
Tình hoang mang gợi tứ hoang mang...
("Mùa cổ điển")
Trong lúc những người bạn thân thiết của Quách Tấn
như Bích Khê, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên từ bỏ thơ cũ, bước sang lĩnh vực thơ mới.
Có người tiếp cận với trường phái thơ tượng trưng của phương Tây. Quách Tấn vẫn
không từ bỏ dòng thơ cũ. Ông tâm sự: "Đối với thơ, tôi không tách biệt
"mới" và "cũ". Tôi chọn lựa thể Đường luật vì thấy thích hợp
với tâm hồn mình. Vì đã lựa chọn con đường đi nên từ năm 1932 đến năm 1941, mặc
dầu phong trào thơ mới sôi nổi, tôi vẫn giữ thể thơ Đường luật". Quách
Tấn tự nhận mình là "người giữ Đền", giữ "Từ đường, lo hương hỏa
dòng tộc". Ông động viên và cầu chúc các bạn thơ của mình bay đến chân trời
mới, gặt hái những thành công mới trên con đường sáng tạo nghệ thuật thơ ca.
Trong suốt cuộc đời sáng tác, Quách Tấn vẫn thủy chung với dòng thơ cũ. Ông để
lại cho đời những tác phẩm: Về thơ có các tập: Một tấm lòng (1939), Mùa
cổ điển (1941), Động bóng chiều (1965), Mộng Ngân Sơn (1967), Giọt
trăng (1973), Mây cổ tháp (1973), Giàn hoa lý (1979 –
chưa xuất bản), Trường Xuyên thi thoại (chưa xuất bản). Quách Tấn còn
dịch các tập thơ: Lữ Đường thi (Năm 2001), Tố Như thi (Năm
1995). Bên cạnh thơ, Quách Tấn còn viết các tác phẩm bằng văn xuôi gồm: Bước
lãng du (1965), Non nước Bình Định (1968), Xứ trầm hương (1969)
và các tập hồi ký: Cảnh cũ còn đây (chưa xuất bản), Hồi ký Quách
Tấn (2005), Đôi nét về Hàn Mặc Tử (1967), Đôi nét về Đào Tấn (chưa
xuất bản), Đời Bích Khê (1971)...
Thơ Quách Tấn ý mới, lời mới, sâu sắc, tình cảm nồng
nàn, mang đậm một tâm hồn phương Đông, tâm hồn Việt Nam. Trong thơ Quách Tấn,
con người và đất trời, cảnh và tình hòa quyện vào nhau như máu thịt, hơi thở của
sự sống đầy thơ mộng:
"Bến lạ thu bay lá rợp đường
Khôn tìm giấc mộng ẩn canh sương
Tờ thơ gió lật trăng bên gối
Giếng ngọt vườn quê khởi nhớ thương"
(Đọng bóng chiều)
"Sân hoa phay pháy mưa hoàng cúc
Thuyền cỏ hiu hiu gió bích đầm
Nâng chén hương trà pha độc ẩm
Lặng nhìn thu cảnh ửng thu tâm"
(Đọng bóng chiều)
Và lung linh kỳ ảo cảnh sắc thiên nhiên:
"Mưa xửng rừng thêm vắng
Mong tìm một bóng chim
Gió rung cành rụng nắng
Bừng sáng cánh hoa sim"
(Mộng ngân sơn)
Quách Tấn còn viết những câu thơ mà khi chúng ta đọc
xong, nghe rúng động trong hồn. Chúng ta cảm nhận được sự cô đơn của kiếp người
giữa đất trời, giữa thời gian, không gian mênh mông sâu thẳm:
"Chớp mắt nghìn thu quạnh
Về đâu chiếc lá bay..."
Thời kỳ về sau, thơ Quách Tấn mang đậm triết lý và
màu sắc Phật giáo:
"Nghìn xưa không còn nữa
Nghìn sau rồi cũng không
Phảng phất bờ trăng rạng
Hương Ưu đàm trổ bông"
(Thoáng hiện)
Đây cũng chính là bốn câu thơ khắc trên mộ bia của
Quách Tấn sau khi ông qua đời. Nhiều người đã thấy lòng mình tĩnh lặng, bình an
khi đọc những câu thơ trên.
Suốt cuộc đời Quách Tấn đã sáng tác trên 1500 bài
thơ Đường. Ông thật sự là một "người giữ đền" tài hoa. Và, có những cống
hiến lớn đối với lịch sử thi ca Việt Nam. Qua những bài thơ hay, những câu thơ
đẹp của Quách Tấn cho chúng ta nhận ra một điều: Không có thơ cũ và thơ mới. Chỉ
có thơ hay và thơ chưa hay. Những bài thơ sống mãi với thời gian là những bài
thơ được viết bởi những cây bút chân tài và được viết từ những rung động chân
thật tột cùng với ngôn từ đẹp, phong phú, hấp dẫn làm lay động tâm hồn bao thế
hệ người yêu thơ.
Tài liệu tham khảo & trích dẫn:
- Một thời đại thi ca (Hoài Thanh - 1941)
- Từ điển tác giả văn hóa Việt Nam (1999)
- Đời Bích Khê (Quách Tấn - 1971)
- Nhà văn hiện đại (Vũ Ngọc Phan - 1972)
- Thi nhân Việt Nam (NXB Văn Học - 2005)
- Quách Tấn - thiên nhiên và quê hương (Nhiều
tác giả - 2007).
Lê Ngọc Trác
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét