Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2018

Đàn bà hai bến nước

Đàn bà hai bến nước
Phương ngồi thế, không biết đã bao lâu. Từ trong vách nhìn ra, qua hai lỗ thủng đã bịt rồi lại tróc. Ngoài trời cứ mưa. Mưa mãi. Mấy ngày nay chẳng được một nhát cuốc nào trên nương. Vạt sắn đặt dở hom, vạt ngô vẫn chờ tra hạt.
Mưa. Lúc ồn ào sôi réo. Lúc nỉ non rên xiết như tiếng khóc hờ của bà mế mất con. Những cơn mưa như thế này ngày xưa, thế nào bố cũng thúc anh trai mang đó ra đồng. Cá rô lên nhiều lắm. Có khi nhảy tanh tách trên đường Phương đi học. Có hôm bắt được ba bốn con, Phương xâu vào cái cỏ may tung tẩy mang về cho mẹ.
Có lần, trong mùa nước nổi, cá rô còn nhảy lên cả sân, lạch vào tận cửa buồng mẹ. Phương ùa ra nhưng bà nội ngăn lại: “Đừng vội, chim sa cá nhảy bắt nó thì khổ con à!” Rõ ràng cũng con cá rô nằm ở rệ ao, bờ ruộng không sao. Nhưng cao quá, lạch lên, giãy đành đạch trước cửa nhà lại làm người ta sợ.
Thì ra kiếp cá phải ở nước, kiếp người ở trên khô. Phương lên khô ở lâu lắm rồi, càng ngày càng xa nước. Càng ngày càng lên cao. Giờ đây những cơn mưa như thế, mùa nước nổi như thế, tiếng ếch gọi bạn tình râm ran, những chú rô mình đen trơn tuột đâm toạc tay người chỉ còn trong quá khứ. Xa lắm, xa vời như đoạn đường tít tắp của bao cánh đồng, ngọn núi dòng sông, bước chân của bao ngày đi bộ. Phương không về. Lâu lắm rồi không về. Những con suối, những rạch thung, giờ Phương quen với nó. Phương bắt cá ở đó. Lâu rồi, cái lưới cũng quên. Phương quen với cái giỏ, cái thùng.
Cứ vậy, Phương chìm trong miên man nghĩ ngợi. Thằng Sềnh đến bên mẹ lúc nào chẳng hay: “Mế ơi, hôm nay nấu cháo độn ngô hay củ?” Nó hỏi đến lần thứ hai, Phương mới giật mình: “Ngô con ạ!” Mấy anh em ríu ran nhóm lửa.
Đống lửa được nhen lên ngay giữa nhà. Củi bạch đàn gặp lửa nổ tanh tách bắn ra những hoa lửa vòng vòng. Mỗi lần vòng hoa đỏ tung lên, thằng út lại nhảy cẫng reo hò. Tiếng xình xịch của nồi ngô, tiếng chem chép miệng của con Lình. Thằng Sềnh gọi mấy đứa em chuẩn bị bắc nồi, dọn bát. Một đĩa muối trắng rang vàng giữa mâm. Vài cọng dưa lưa thái mỏng được khều ra cái bát lôm nhôm. Bốn cái miệng chum vào, tám cặp chân chồm hỗm. Phương nghẹn lòng. Ngoài trời vẫn mưa. Nỉ non, rả riết như tiếng khóc hờ của người mế già mất con.
Thế là Phương đã gắn bó với mảnh đất này mười lăm năm. Năm năm trước nữa, cũng ở núi rừng, nhưng không cao quá thế này. Ở đó có một lâm trường, có lớp học con con, mái bằng lá cọ. Gọi là lớp học, nhưng là cái bờ tường bỏ hoang, người ta trát trình thêm. Lợp lên vài cây muồng. Ken cho dày lá cọ. Thế là thành lớp học. Thế mà Phương cũng gắn bó với nơi đó năm năm, cho đến ngày thằng Lành lên bốn tuổi, thì rời cái lớp học ê a, toàn những đứa bụng to, đít ỏng, chun quần dải rút, vừa chạy vừa ra sức giữ mông.

Phương về đây. Ken sức yếu rồi không thể xuyên rừng trồng cây được nữa. Ken có mẹ yếu ở nhà không ai chăm. Ken phải về với quê cha đất tổ, đúng như phong tục của người dân nơi đây. Phương theo Ken về cùng cái bụng chửa phưỡn. Chín tháng. Thằng Sềnh sắp ra đời. Hồi đầu trông thấy Phương, người bản ồ lên: “Ken à, mày đi, tậu được cả gái Kin về đấy à. Giỏi đấy!”
Ngày đó, Phương còn cặp tóc bằng cái cặp hoa xanh. Cái áo màu đỏ thẫm. Cái nón trắng quai đen. Phương ra đường, người trong bản xì xào: “Nó là người Kin đấy. Nó là cô giáo. Nó có với Ken đứa con bốn tuổi. Hai đứa giờ đưa nhau về bản. Thằng Ken tưởng đi được đâu xa lắm, cuối cùng cũng chả bỏ được cái đít con ngựa, chẳng quay mặt được với nồi cháo ngô người Mông ta à.”
Phương về đây, thế mà đã mười lăm năm có lẻ. Ken gầy. Ken bệnh. Rồi Ken mất. Phương cũng kịp có thêm bốn đứa nữa với Ken. Trừ thằng Lành. Thằng Lành mang cái tên “Kinh” nhất. Cũng dễ giải thích với dân bản, Lành được sinh ra ở một lâm trường. Đến các em của Lành cũng chưa biết Lành là người anh không cùng bố. Dân làng không biết. Đến Lành cũng không. Phương chưa nói. Ken bảo đừng nói. Ken yêu Lành hơn mọi đứa khác. Lành nhu thuận, chiều em, nghe mẹ, đặc biệt hợp Ken.
Lành khoẻ như Ken ngày trẻ. Mười lăm tuổi mà ngực nở hơn ức con trâu. Theo bố lên rừng, đạp cây đạp cỏ, băng băng.  Đuổi con hoẵng đến khi nó mệt gục xuống, lượm về cho mẹ. Ken yêu Lành lắm. Yêu hơn cả những đứa con mình đẻ ra. Có phải là vì Ken yêu Phương. Có phải là do trái tim nhân hậu trong người đàn ông chân thành, chất phác, cả đời chỉ biết lấy tấm lòng, sức vóc, tình yêu làm sự che chở, cưu mang và lực hút cho Phương.
Vì thế, Phương về đây. Vì thế, Phương gắn bó với mảnh đất này đã mười lăm năm có lẻ. Kể cả giờ Ken chết đi, nhà Ken chẳng còn ai. Nhưng Phương cũng không hề có ý nghĩ sẽ rời bỏ nơi này. Còn biết đi đâu nữa? Còn mảnh đất nào để dung thân nữa? Đâu đâu cũng đồng đất này, mảnh đồi này, vạt sắn này. Con đường đá gập ghềnh heo hút cứa toạc chân người, túp lều nhỏ chênh vênh trên sườn núi cao. Ngày mưa, gió hú ào ào. Ngày nắng, mở cửa là mây mù che kín mặt trời.
Đâu chả vậy, nơi nào chả thế, khắp cái đồng đất này. Vẫn nồi ngô, niêu sắn, vẫn tra hạt đốt nương, mấy cái gùi cái địu và con ngựa thồ mỗi lần xuống chợ.

Tờ mờ tinh sương gà chưa gáy đợt đầu. Ngôi sao vượt còn ngang trời đợi trăng. Côn trùng rỉ rả. Tiếng hoẵng kêu xa. Từng cặp mắt quắc lên của những chú chồn nào đó vừa vọt ra khỏi bụi cây bởi bước chân người rậm rịch. Đó là lúc Phương cùng Lành hay Sếnh xuống chợ.
Tối mịt khi quả đồi đã im lìm ngủ. Mọi vật ngủ im. Con chuột cũng chẳng buồn nhúc nhích sau một ngày lặn lội kiếm mồi. Là lúc mẹ con Phương rong ruổi trên đường trở về cùng con ngựa.
Thường khi đến nhà, ba đứa bé đã ngủ, chỉ còn thằng Dính là thức chờ anh và mế. Chờ vài cái bỏng ngô. Một tấm đường phèn, năm ba quả chuối, vài cân muối, cùng sọt su hào mua về thái phơi làm rau, dự trữ cho những tháng ngày nương rẫy. Đấy là cuộc sống của Phương.
Còn đi đâu nữa? Ở đây Phương có ngôi nhà. Ngôi nhà Ken dựng trước khi về với đất. Không to nhưng cột kèo chắc chắn. Bão bao lần không đổ. Mưa xối mòn vách đất, vẫn trơ trơ. Kết quả của bao tháng ngày Ken cùng Lành lặn lội rừng sâu chọn từng tấm gỗ. Ra đi từ mờ sương với nắm ngô bung cùng nhúm muối. Đủ chỗ cho năm mẹ con chui ra chui vào, ngày nắng ngày mưa. Có chỗ cho thằng Lành trở về sau mùa buôn trâu.
Thằng Lành đã ra đi nửa tháng, theo lái bạn buôn trâu giáp vùng biên giới. Trời mưa tầm tã chẳng biết đường nó đi có lầy lội không. Phải dắt trâu rồi, Phương biết, cực lắm. Trâu đâu như người. Một mình điều khiển vài con qua núi rừng chênh vênh, cheo lẻo. Cực lắm. Lòng Phương lại nhói lên.
Phương từng là cô giáo, mà Lành cũng chỉ được học đến lớp bảy. Ken mất, Lành nghỉ học lên nương cùng mẹ. Lành sớm ý thức được vai trò trụ cột. Ken mất đi, Lành như người anh, người cha trong nhà bên lũ em. Có thể không nghe lời mế, nhưng anh Lành thì không bao giờ chúng dám cãi lại. Phương không ở nhà thì công việc bao giờ cũng được Lành cắt đặt đâu ra đấy. Thằng Dếnh vẫn được đến trường. Sang năm Lành còn định gửi nó về dưới huyện để học tiếp khi nó qua lớp sáu ở đây.
Trong tất cả những đứa con, lòng Phương hay nhói lên vì thằng Lành nhất. Lành thiệt thòi. Lành không có bố. Lành phải gánh vác cả trách nhiệm làm anh, làm cha. Yêu con, phần nào biết ơn con.
Yêu hơn, thương hơn, còn vì, Lành là kỷ niệm mối tình đầu của Phương với người ấy. Người ấy giờ xa Phương lắm. Người ấy giờ ra sao Phương đâu có biết. Đến bố mẹ, Phương cũng còn chẳng biết chết sống ra sao. Bao năm rồi Phương không về nơi ấy. Hai mươi năm. Kể từ ngày Phương bước chân ra đi mang trong mình giọt máu của anh.
Cánh đồng làng. Mảnh sân hợp tác. Bờ giếng thơi xanh rêu. Gốc gạo ngoài điếm. Cả con đường làng men theo cánh đồng với hàng bạch đàn ngút ngàn tít tắp từ nhà Phương lên trường học. Là bao kỉ niệm giữa anh và Phương.
Anh học trước Phương hai khoá. Ngày Phương mới chập chững bước chân vào lớp mười, anh đã làm bao cô gái khoá trước và sau xiêu lòng.
Tiếng hát của anh, nụ cười của anh làm nghiêng ngả bao trái tim thiếu nữ. Nhưng anh vẫn đợi Phương sau mỗi giờ tan lớp. Thong dong trên hai chiếc xe, cùng về trên con đường có hàng bạch đàn tít tắp. Bím tóc đuôi sam của Phương cứ nảy lên lúc lắc, mỗi khi bánh trước chiếc xe va vào ổ gà. Tiếng anh văng vẳng bên tai kể cho Phương nghe về bạn bè, về thầy chủ nhiệm và bài kiểm tra môn lí đầu giờ.
Đó là tháng ngày đẹp nhất với Phương. Đẹp nhất trong suốt cả cuộc đời. Giọng nói của anh, nụ cười của anh, cái nhìn đôn hậu theo Phương vào cả giấc mơ. Giấc mơ đến từ hai mươi năm trước. Từ khoảng trời xa lắc, vượt bao núi cao, về với người đàn bà năm con với bộ váy áo Mông sặc sỡ.
Lâu rồi, Phương không mặc áo trắng. Phương cũng đã quen tên mình là Cón. Tên “Phương” chỉ trở về trong những giấc mơ. Trong những lần Phương chìm trong miên man hoài niệm thế này.
Cón. Tên Ken gọi. Tên người trong bản đặt. Mẹ Cón. Những đứa con nhà Phương giờ cũng gọi vậy. Cái áo trắng từ thời xa xưa, nằm yên trong góc của cái hòm cũ kĩ. Năm tháng làm cho nó ngả màu bã đậu. Phương không mặc đến nó. Phương vẫn để ở đấy.
Giờ Phương mặc bộ váy hoa xòe rộng. Vấn tóc cao. Không là cái cặp hoa nhỏ gập đôi. Chiếc áo trắng vẫn được Phương giở ra thi thoảng. Nó là chứng tích cũ. Chứng tích của ngày xưa, của tình yêu xưa. Ngày Phương là hoa khôi trường huyện.
Phương học giỏi nhất khối, anh học giỏi nhất trường. Anh hát hay đàn giỏi. Phương múa đẹp và giọng hát như chim vành khuyên líu lo trong mỗi mùa văn nghệ. Chiếc đuôi sam vẫn lúc la lúc lắc. Giọng của anh vẫn bổng trầm, theo nhịp lên xuống của chiếc xe đạp, mỗi trưa học về. Nó theo Phương về tận trong giấc mơ bây giờ.
Phương có giấy gọi của trường sư phạm. Là lúc anh được cử sang Liên Xô học tập. Ba năm. Rồi một hè anh về nước.
Đó là mùa hè hạnh phúc nhất với Phương. Và cũng là cái hè, mở đầu cho chuỗi ngày đau khổ tiếp diễn. Nó cũng đánh dấu một bước ngoặt, để đến tận giờ Phương vẫn chưa quay được về chốn cũ.
Tình yêu, với bao tháng ngày mong nhớ, bao đêm khắc khoải đợi chờ. Niềm thương, nỗi mơ hồ sợ xa cách phôi phai làm Phương không thể giữ mình. Anh cũng khó kiềm chế. Vào một đêm bên bờ ao vắng. Ánh trăng. Bóng đêm. Tàu chuối. Hàng dừa. Tiếng ếch gọi bạn tình… như đồng lõa. Đồng lõa cho phút giây tự tình của hai đứa.
Rồi anh đi. Anh đi, cũng là lúc Phương rời trường sư phạm về nhận việc. Nhờ mối quan hệ từ ngày còn làm ở công ti, nên chẳng khó khăn, bố đã xin được cho Phương về dạy ở một trường không xa thành phố. Cũng là lúc, Phương biết mình mang giọt máu của anh.
Hạnh phúc mà đớn đau. Sợ hãi tột cùng xen lẫn sự mơn man bổi hổi, mỗi lần Phương đặt tay vào đó. Cái sinh linh bé bỏng, chứng tích tình yêu của Phương và anh.
Nhưng cô ruột của Phương đã từng bị cạo trọc đầu. Trói quặt tay. Lôi ra giữa sân đình, để thiên hạ phỉ báng. Chính ông nội Phương là người trói và dắt cô đi. Danh dự to lớn của dòng họ xửa xưa, đã làm người cô của Phương chết vì uất hận sau đó. Cái chết của đứa con ruột không ngờ lại làm cho vị thế của người cha được tôn cao hơn nữa. Ngoài danh dự của dòng tộc phần nào được gột rửa, ông nội còn được ngồi lên mâm cao nhất trong ngày giỗ họ. Với khăn xếp, áo chùng, ông nội kính cẩn dâng hương trước vong linh của nghìn năm danh giá. Mà khấn, mà xin. Để các vong linh chứng giám cho lòng ngay thẳng, kiên trinh của đứa con trung hiếu. Sẵn sàng xuống tay với bất cứ ai, kể cả giọt máu của mình, nếu dám làm ô danh dòng tộc.
Ông nội Phương cứ kính cẩn rạp mình ở trên, phía dưới, bao cụ già vuốt râu gật gù tán thưởng.
Bố Phương từ đó chẳng nói chẳng rằng. Sau này Phương lớn lên, ông chỉ nói có một câu: “Hãy nhìn gương cô Tuế. Tao chặt đầu hết không chỉ là bôi vôi như ông nội.”
Phương bỏ làng ra đi vào một đêm trăng khuyết. Ánh trăng thượng huyền lúc mờ lúc tỏ. Tiếng ếch nhái giống như đêm nào. Giọng con mèo hoang gừ lên rên xiết. Như tiếng khóc ỉ on não nề của trẻ nhỏ. Hoang lạnh, rợn rùng, thao thiết trong đêm...
Vài bộ quần áo. Chiếc cặp hoa kỉ vật anh mang từ Liên Xô về tặng. Phương đi. Gặp xe hàng Phương lên xe hàng. Gặp xe tải, Phương đi nhờ xe tải. Mông lung. Chẳng biết mình sẽ đi đâu, về đâu. Đêm thứ ba, người tài xế xe tải vỗ vai Phương: “Này cô gái. Nếu không có chỗ nào, hãy đến với lâm trường tôi. Ở đó có buồn, có khổ, nhưng có chỗ dung thân. Có tình người. Có cơm cho cô ăn. Chứ nhìn sắc mặt cô, tôi biết, cô đang mang thai. Cái bụng lùm lùm rồi. Hãy bỏ cái nịt ra cho đứa bé thở. Nó có tội tình gì đâu!” Phương thấy ấm lòng. Mà đêm ngoài kia lạnh quá. Phương theo xe tải đến lâm trường. Và Phương gặp Ken.
Ken chất phác hiền lành. Ken cùng đội sản xuất với Phương. Ken đi rừng kiếm được thức ăn chua mang về nấu bát canh cho Phương ăn đỡ thèm. Ngày Phương mệt, Ken nhận làm cả hai phần việc.
Dựng lại vách tường, lợp lá cọ cho thật dày, làm lớp học cho con em công nhân. Là ý kiến của Ken. Phương thành cô giáo. Cô giáo giữa đại ngàn rừng thẳm, với mươi đứa học trò bụng ỏng, đít cong, chạy đến lớp từ những quả đồi xa tít, khi gà vừa dứt tiếng gáy cuối cùng. Thằng Lành ra đời ở đó. Ken làm bố nó cũng từ ngày đó.
Anh và Ken. Hai người đàn ông đi qua đời Phương. Cho Phương buồn, vui. Cho cả đắng cay và năm mặt con. Anh tài hoa, Ken thật thà. Anh mặc áo trắng, quần xanh, tay đeo đồng hồ, xách cặp. Ken áo chàm, quần suông ống rộng, cầm cuốc lên rừng. Anh mãi phương trời xa nước Nga có rừng bạch dương. Ken nơi mù mây, chỉ có nắng, có gió, có núi đá tai mèo, đến hạt thóc nảy mầm cũng từ một hốc đất hiếm hoi. Anh cho Phương thằng Lành. Ken cho Phương thằng Sềnh, thằng Dếnh, thằng Quây, con Lình. Anh giờ chắc nhà cao cửa rộng nơi phố phuờng tấp nập. Ken của Phương thì đã về với đất, thanh thản như người làm xong nhiệm vụ thế trần. Anh làm chồng của Phương một đêm. Ken làm bố của lũ trẻ, trong đó có con anh, mười bảy năm ròng.
Nhưng, Phương nhớ anh nhiều hơn. Nhớ nụ cười, ánh mắt, giọng nói ấm trầm của anh. Một bóng áo trắng nào qua bản cũng làm Phương giật mình. Áo trắng là người Kinh đấy. Phương nhớ bóng áo trắng. Về chợ, cũng để nhìn áo trắng. Anh của Phương thấp thoáng trong từng mảnh áo trắng, xen giữa những điệp trùng màu xanh của rừng, màu đỏ, màu vàng của váy hoa xòe thổ cẩm.
Mỗi lần, nghe dân bản kháo nhau, có đoàn cán bộ người Kinh qua đây. Phương phải tìm đến tận nơi. Hy vọng gặp anh chăng? Không. Chỉ là để nhìn bóng áo trắng. Ở đó, Phương thấy anh, thấy bố, thấy mẹ, thấy chị Tồn. Thấy cả cái làng quê của vùng miền xuôi mênh mông nước. Nơi Phương đã sống hết mình thời tuổi trẻ.
Giờ thì Phương đã là con người của hai miền xuôi, ngược. Nửa đời Phương sống ở xuôi, nửa đời lội lăn ở ngược. Nhưng, Phương vẫn là con người nơi ấy. Phía xa kia. Bao cánh đồng, ngọn núi, dòng sông, bao bước chân của những ngày đi bộ... Ở đó, Phương có gia đình, có bạn bè, có tuổi thơ và kỉ niệm đẹp nhất một đời.
Giờ, Phương và anh cách biệt lắm rồi. Khoảng không gian và khoảng lòng cách xa vời vợi. Đến bao giờ, Phương mới có thể vượt ngọn núi, dòng sông, cánh đồng, ngả đường xa lắc, cùng khoảng lòng cách ngăn vời vợi của sự tự ti mặc cảm, để về nơi ấy. Nơi có chị Tồn, có bố mẹ, có làng quê, cùng kỷ niệm suốt một thời thơ ấu. Cái giếng thơi đầu làng. Mảnh sân đình ngày gặt. Con cá rô ngoi mùa nước nổi. Và anh. Khi mà Phương đã là người phụ nữ Mông với váy hoa xoè thổ cẩm, năm mặt con, cùng con ngựa thồ xuống chợ...
Phương thả tay, đánh rơi cái khăn xuống đất, ở đâu, xa lắm, là tiếng gọi của một thứ khắc khoải cứ vọng về…
Bảo Thương
Theo http://vannghequandoi.com.vn/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...