Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2018

Ngàn lau gió cuốn

Ngàn lau gió cuốn
Đến chiếc cầu qua suối Đá ông Tuân xin dừng lại. Vẫn đây con suối sau mùa lũ, nước trong veo, nhìn rõ đáy sâu với những lớp cuội trắng. Thoai thoải mép nước, lô xô đá lưng trâu lưng voi màu tro xám. Sát hai bờ, lau trắng ngằn ngặt thổi rạp dưới gió đông còn rơi rớt lại. Con suối ngoằn ngoèo chia rừng thành hai phía. Ngày ấy, một bên phát cuốc thành những bãi sắn rộng vùi trong cỏ. Một bên là rừng rậm, che những ngôi nhà hầm, hậu cứ của bộ chỉ huy quân giải phóng mặt trận cánh bắc. Dọc triền hai mái suối là những vạt rau theo vụ. Mặt đất luôn được phủ xanh, vừa cung cấp thức ăn hàng ngày, vừa không để đất trống khiến máy bay địch nghi ngờ. Sắn đào lên gốc nào lập tức găm hom mới...
Ông Tuân ngước nhìn phía thượng nguồn, mắt ngợp lên bởi những khối trụ tròn sáng trắng dựng đứng giữa trời. Trên quả đồi, sát chân dãy Giăng Thành, nơi căn cứ hậu cần xưa của mặt trận là một nhà máy xi măng đang mọc lên. Con trai ông là chỉ huy thi công xây dựng. Chiều hôm kia nó ghé nhà kể khi triển khai một số hạng mục gần chân núi gặp nhiều nền cũ, nghi là kho tàng thời trận mạc. Chao ôi, chỉ một thông tin bâng quơ mà khiến ông nổi da gà, thái dương giật buốt. Ông phải cắn răng để khỏi run. Ông xin nó xem bản đồ địa hình và suýt nữa thốt lên.
Như đọc được tình cảm ông, con trai ngỏ lời mời ông đi chơi một chuyến. Lần trở lại này để nguôi ngoai nỗi nhớ đau đáu và ray rứt. Sự việc được ông đào sâu chôn chặt như chưa từng xảy ra. Những người lờ mờ biết, hoặc đã chết, hoặc biệt tăm sau ngày trại tạm giam giải tán. Nhưng ông càng chôn kĩ dưới lớp bụi thời gian thì nỗi nhớ về Diệu Vinh càng bùng cháy. Mới hay, cuộc tình đầu tiên như hòn than ủ trong tro nóng. Âm ỉ cháy không nguôi...
Những ngày cận tết năm đó cả cánh rừng này sôi lên trong im lặng. Dưới các khu nhà hầm những nồi bánh chưng rục rịch sôi. Không khí tết tràn ngập các ngách hào. Lính tráng thay nhau cắt tóc, cạo râu. Gió rét thổi hu hú ngọn cây nhưng họ vẫn kiếm được những bó hoa rừng đỏ thắm. Các đơn vị ăn tết sớm trong tuyệt mật trước giờ nổ súng. Háo hức và lo lắng...
Ngày ba mươi tết, các cánh quân ra khỏi cửa rừng. Lặng lẽ đi theo những bờ lau gió cuốn ràn rạt. Chiều hoe nắng. Máy bay do thám uể oải lượn vòng trên đầu. Mãi đến khi cầu tạm qua sông bị gãy, quân tràn xuống bơi đặc dòng nước chúng mới gọi máy bay ném bom. Nhưng tất cả quá muộn khi trời chuyển tối. Những cánh quân đi đầu đã tràn vào thành phố làm chủ các tử huyệt. Tiếng súng dậy lên như pháo giao thừa. Sáng hôm sau, đường phố rợp trời cờ giải phóng nửa đỏ nửa xanh.
Ông được chính ủy Vận cử vào ban chính trị, chuyên lo việc tù binh. Bị đánh vào thời điểm không ngờ, địch bị bắt nhiều vô kể. Chúng được tập trung phân loại nhanh tại sân một trường học. Số lính tráng được cho về nhà. Số sĩ quan nhốt riêng vào mấy nhà kho, thẩm vấn, lấy lời khai. Tiếp tục phân loại. Đấy là phần băng nổi. Hôm sau và hôm sau nữa phần băng chìm mới lộ diện. Cánh trinh sát tóm được tên quận trưởng cũ vừa chuyển đi làm giám đốc trung tâm huấn luyện cảnh sát khu vực ở Sơn Trà về nghỉ tết. Từ tên này một lô một lốc cảnh sát nổi, cảnh sát chìm, tình báo, mật vụ, chỉ điểm, được bắt về. Trong đó có một nữ sinh vừa học xong lớp mười hai, rất xinh đẹp.
Ba ngày sau, địch tổ chức phản kích chiếm lại thành phố. Để tránh phi pháo địch phá tan cung điện Đại Nội, bộ chỉ huy rút ra đóng tại một phường ngoại vi. Nhưng bom và pháo vẫn tìm được những nơi giam giữ tù binh mà rót xuống. Chính ủy Vận lệnh cho ông đưa số tù binh quan trọng và nguy hiểm về trại tạm giam hậu cứ.
Ngay trong đêm ông chỉ huy bộ phận áp giải tù binh bí mật rời thành phố. Tù binh được trói tay bằng dây dù. Ô tô dừng tại huyện ngoại thành. Từ đây, tù binh được dẫn đi theo lộ trình vạch sẵn. Băng qua ruộng, lội qua khe, men các đồi nương, theo lối dân làm rẫy... không lặp các con đường cũ. Để tránh phục kích và không cho địch kịp ghi nhận đường về cứ.
Nữ sinh Diệu Vinh biến đổi trạng thái rất nhanh. Từ chỗ tỏ ra tự tin, cứng cỏi, chuyển sang sợ hãi, yếu hèn. Khi bị bắt cô đang cùng nhóm bạn uống cà phê. Trước hai trinh sát quân giải phóng, Diệu Vinh lắc đầu hất mái tóc thề, mặt ngửng cao, mắt sáng quắc bước khoan thai như một anh hùng ra pháp trường trước sự ngỡ ngàng của đám bạn. Trong phòng giam Diệu Vinh trả lời nhát gừng, không tỏ ra sợ hãi, lo âu. Thậm chí cô không giật mình khi bom nổ ngoài sân, đạn rốc két xuyên thủng mái ngói trên đầu, trong khi đám tù binh nam dày dạn trận mạc run sợ, khóc như bò rống. Trên thùng xe ra khỏi thành phố trong đêm cô ngồi thu lu, lắc lư theo nhịp xe rung. Có lẽ cô xem đây như một chuyến dã ngoại. Nhưng khi xuống xe đi bộ cô thành con người khác. Sự kiêu hãnh của người đẹp biệt đội tình báo Thiên Nga biến mất. Chỉ còn lại một nữ sinh non nớt yếu đuối vừa mệt nhọc bước đi vừa khóc thút thít. Đôi giày băng túp tả tơi sau vài cây số lội bùn và leo dốc. Chưa đầy vài cây số cô đã tụt lại phía sau.
Đây là tình huống không lường trước. Trong số tù binh cô là phụ nữ duy nhất nên Tuân phải đi kèm một bên. Tuân phải nắm tay cô dìu đi. Lúc gặp mương nước, hố sâu, phải xốc nách nhấc bổng cô qua. Khoảng cách với đoàn ngày càng xa. Rừng đêm sau tết tối bưng, chờn vờn đom đóm lập lòe. Diệu Vinh co rúm lại vì sợ, bật khóc rấm rức.
- Con lạy bộ đội giải phóng. Bộ đội đừng bắn con...
Cô yếu ớt nói. Trong chiến tranh thời gian là yếu tố quyết định, nhùng nhằng thế này, đối phương chẳng có lí do gì để không cho cô một phát đạn. Một phát súng ngắn, đanh gọn, chìm đi trong bóng tối gió ngàn. Điều vẫn thường xảy ra trên đường áp giải tù binh. Cô thoáng rùng mình bật dậy. Tuân mừng vì cô vẫn đi được.
Hai người gặp con suối cạn khá rộng giăng ngang trước mặt. Đêm lạnh. Nước buốt. Diệu Vinh rụt rè đặt chân xuống, cắn răng chịu đựng. Tiếng chân khua nước bì bõm đánh thức lũ đỉa đói lao đến. Nước lạnh làm cô tỉnh táo. Nhưng khi vừa bước lên bờ cô bỗng đổ vật ngay xuống hoang cỏ dưới chân. Thân thể mềm nhũn. Mắt nhắm tịt. Miệng không kịp rên. Hai bắp chân con gái tròn lẳn vằn những con đỉa đen.
Tuân dùng dầu trị vắt vuốt trôi lũ đỉa. Xát dầu con hổ lên thái dương, lòng bàn chân, xong anh lập cập bật đèn pin hạt đỗ xem còn con đỉa nào không. Những chỗ rộp hai lòng chân Diệu Vinh khô vỡ ra, máu ứa thành vệt bầm đem. Anh moi trong ba lô đôi tất đeo vào chân cho cô gái. Lát sau tỉnh dậy, thấy mình vẫn chưa bị bắn, Diệu Vinh đột ngột vùng lên:
- Ông bắn tôi đi! Kết thúc đi!
Cô nói ráo hoảnh. Tuân bất ngờ chùng xuống, cúi người, đưa hai tay xốc nách nâng cô đứng dậy.
 - Cách mạng không giết tù binh, nếu...
Nhưng tay Tuân vừa chạm vào người, cô đã òa khóc. Nước mắt nước mũi giàn giụa khuôn mặt thanh tú.
 - Con không đi được nữa... Bộ đội bắn con đi...
Tuân sốt ruột xem đồng hồ. Đã nửa đêm về sáng. Đoàn có thể đã cách vài cây số. Đường rừng còn xa. Dưới ánh đèn pin Diệu Vinh thấy mặt Tuân đanh lại. Cô dựng tóc gáy khi nghe tiếng dao găm rút khỏi vỏ da. Dao đâm chắc đau lắm. Diệu Vinh cắn răng nhắm mắt chờ đợi. Nhưng mũi dao chỉ lách nhẹ, cắt đi nút thắt buộc dây trói. Đôi bàn tay nhẹ tênh. Nhưng chưa kịp mở mắt cô đã nghe tiếng dao găm tra vỏ và tiếng lách cách của súng ngắn. Thì ra người ta thay dao găm bằng súng ngắn. Trước khi ra tay tháo dây buộc để thây ma của cô không bị chết còng queo đây mà. Cô bất giác đưa tay bịt chặt hai tai...
- Cô điếc à? Sao nói mãi không nghe?
Diệu Vinh ngơ ngác. Sát ngay trước mặt cô tấm lưng đàn ông đưa ra sực mùi mồ hôi.
- Dạ?...
- Mang lấy ba lô và ôm người tôi cho chặt!
Tuân nói như ra lệnh. Cô như một cái máy khoác cái ba lô lên vai và đổ sấp người ôm lấy vai Tuân. Tuân đưa hai cánh tay quàng qua đỡ dưới hai khớp gối của cô như thời nhỏ cõng em gái. Tuân chủng chẳng cất bước. Diệu Vinh chưa hết bàng hoàng. Một cái gì vừa vỡ ra mới mẻ và khác lạ, chưa hề có trong ý nghĩ cùng các trang tiểu thuyết đã đọc.
Tuân vừa bước vừa tranh thủ lấy lời khai tù binh:
- Cô giỏi thiệt. Còn trẻ nít mà đã làm tình báo...
- Dạ thưa, em có biết chi mô! Cô chuyển cách xưng hô - Em là một con bé suốt ngày chúi mũi vô các tiểu thuyết trinh thám. Một nhóm bạn trong lớp cứ giờ chơi là rủ em ra quán cà phê trước cổng trường. Cốt để được thót tim theo các câu chuyện éo le em kể. Ông chủ quán tuổi trung niên, tốt bụng, cũng háo hức đón nghe, cổ vũ khiến em càng trổ tài thêu dệt. Nhiều khi quá say sưa ông không lấy tiền. Ông ta rất quý bọn em. Cả những tháng hè thi thoảng vẫn mời bọn em đến uống cà phê miễn phí...
- Chắc ông ta là người của CIA?
- Dạ đúng rồi! Bọn em có biết mô. Rồi mùa hè năm hết mười hai có giấy gọi tụi em về sở cảnh sát. Độ vài chục người lạ hoắc, xinh đẹp như người mẫu í. Chỉ một nhóm nhỏ mấy đứa nữ sinh Đồng Khánh. Em giật mình, thoáng thấy bóng ông chủ quán cà phê cổng trường sau cánh gà. Định gọi nhưng ông ta lẩn mất. Người chủ trì nói, từ nay, các cô là thành viên Biệt đội tình báo Thiên Nga của quốc gia, vùng chiến thuật I. Ai cũng sợ. Em thấy thinh thích. Tình báo, oai hén? Họ huấn luyện một tháng những điều cơ bản. Chủ yếu là dùng mĩ nhân để tìm cách đột nhập vào hàng ngũ đối phương moi thông tin, chỉ điểm, ám sát, chia rẽ, đánh phá nội bộ...
- Họ trang bị những kĩ thuật chi cho cô? Chẳng hạn máy chụp ảnh, máy ghi âm, máy truyền tin...
- Dạ thưa, chưa! Chắc dịp khác...
- Cô đã làm được mấy phi vụ rồi?
- Dạ chưa. Học xong, được phân về quận. Em chẳng thấy hàng ngũ Việt cộng mô để chui vô. Với lại, lên xanh ngại lắm. Cực khổ quá. Chắc chui vô được hai hôm là bị tóm liền à. Thâm tâm em chỉ muốn chui vào hàng ngũ người Mĩ. Em ghét bọn ấy. Chúng rất mê gái. Em muốn dùng nhan sắc của mình tạo nên những cơn sóng ngầm ghen tuông khiến chúng bắn vào đầu nhau. Nhưng không kịp vì quân giải phóng đã tấn công đánh chiếm toàn thành phố.
- Chừ... vô tình cô đã chui được vào hàng ngũ Việt cộng rồi đấy. Êm chưa?
- Em nỏ dại! Chừ... em kinh hãi chiến tranh. Em muốn ở nhà với mạ...
Bốn giờ sáng, hai người còn cách vùng rừng căn cứ vài trăm mét. Không gian im ắng. Tuân đặt Diệu Vinh xuống đất, trói tay lại như cũ rồi dìu đi.
Tuân đẩy nhẹ cô bước theo những bậc tam cấp bằng đất, kè gỗ xẻ xuống nhà hầm dành cho tù binh. Trong ánh nhờ nhờ của đèn pin, Diệu Vinh thấy hai chiếc giường đặt song song, chân chôn xuống đất, nan kết bằng cây rừng, trải sơ sài chiếu cá nhân. Tuân chỉ cho cô lối vào hầm trú ẩn khi có bom. Nhưng chẳng kịp nghe hết cô đã đổ vật xuống giường thiếp đi.
Phải mười giờ trưa hôm sau Diệu Vinh mới dậy. Ngơ ngác nhìn nhà hầm nhỏ bé nửa nổi nửa chìm. Trần nhà đắp đất. Bốn phía lũy dày. Khoảng cách giữa lũy và trần được ken dày bằng thân cây to như bắp tay kết mắt cáo. Bên ngoài là cây rừng. Có một lối cửa hậu vừa một người đi cúi mình. Cô tò mò bước đến. Đó là hầm chữ A, phía cuối có ánh sáng mờ mờ lọt qua cánh cửa được đóng chặt. Mùi đất ẩm hắc, nồng.
Diệu Vinh quay trở lại nhận ra trên giường đối diện có vài thứ để từ bao giờ. Đĩa sắn luộc nở trắng phau và mảnh giấy ghi hãy ngâm chân. Dưới nền đất có một chậu nước. Cô ngồi xuống giường, cởi tất, rụt rè ướm chân vào chậu. Nước ấm. Rát buốt rồi êm dần. Cô vừa ăn sắn vừa nhìn ra phía cửa. Cánh cửa gỗ đan mắt cáo, thưa thoáng, đã khóa chặt. Tất cả còn mới.
Chiều, nghe tiếng cửa mở, Diệu Vinh nhỏm dậy. Tuân bước vào trao cho cô bộ đồ lính cũ. Nói dùng tạm, khi mô kiếm được đồ nữ, sẽ thay. Tuân đi, cô lau mình, thay đồ sạch. Trông ngồ ngộ, không dài lắm nhưng rộng thùng thình. Đôi dép cao su phải rút ngắn quai mới đi được.
Tù binh tiếp tục được thẩm vấn. Một số chuyển gấp ra Bắc. Số còn lại học tập cải tạo tại chỗ. Họ được chia thành nhóm nhỏ chủ yếu tăng gia sản xuất như phát cây, cuốc gốc, trồng sắn, rau ngắn ngày... Sau ít ngày, Diệu Vinh được đưa về tổ hậu cần. Công việc chính là gánh nước, rửa rau, bóc sắn. Cô hòa nhập rất nhanh. Cánh lính nữ nhường cho bộ quần áo, cô mặc vừa khéo nổi rõ đường cong con gái. Mái tóc thề rẽ đôi, tết thành hai bím to. Cô vui tươi nhí nhảnh, quên phận mình là tù binh. Con suối Đá khá sâu, nước chảy mạnh, không có đỉa. Cô ngâm mình cùng các cô gái khác bắt cua trong hốc đá. Cua giã ra nấu canh rau rất ngon. Đất đỏ ba zan, sắn củ to, mập, nhiều bột. Cô đề xuất làm bánh sắn, ăn thay đổi. Món này khi ở nhà cô thường phụ mẹ làm mang ra chợ bán. Lon đồ hộp cắt trải ra, đục lỗ, làm bàn mài. Vỏ sắn khô giã nhỏ, rang mỡ hóa học làm mồi cất tép. Hai hôm sau đã có bữa bánh bột lọc nhân tép suối ngon đáo để.
Tù binh về chỗ giam vào cuối chiều. Sau một ngày lao động mệt nhọc họ được đưa đi tắm. Chờ cho cánh nam lên bờ, Tuân dẫn Diệu Vinh xuống suối. Trời vừa sẩm tối, anh đứng trên bờ canh chừng. Không phải sợ cô bỏ trốn mà sợ bất trắc. Cô tắm quấy quá mấy phút đã thấy lên thay quần áo.
- Sao cô tắm nhanh thế? Hay sợ rắn, sợ ma, sợ... Có tôi đây mà!
- Nhưng anh... ở trên bờ, xa...
Hôm sau Tuân đứng gần mép suối hơn. Mặt suối tối đen, chỉ nghe tiếng nước róc rách, rỉ rả. Lát sau, nghe tiếng gọi khẽ. Quay lại, đã thấy ngay trước mặt tấm lưng con gái nõn nà, ánh lên như một pho tượng bằng sứ. “Anh ơi, xem lưng em... có con đỉa mô bám không?” “Không có!” Tuân đáp gấp và bước nhanh lên trước. Tình báo Thiên Nga đang ra tay ư? Có thể nào!

Khi hai người về đến trước cửa nhà hầm, Diệu Vinh vượt lên, quay lại đứng chắn ngang cửa, nói thầm thĩ: “Khi ta ở tận cùng gian khổ lại nhận ra những giá trị của cuộc đời. Anh hỉ? Em muốn... trở thành quân giải phóng được không?” Ánh mắt chiếu thẳng vào Tuân, rõ ràng không phải chuyện đùa. Tuân hơi sửng sốt, không nghĩ có tình huống này. “Để tôi báo cáo lên cấp trên. Nhưng cô không chịu khổ mãi được đâu! Tôi nghĩ, nếu quả thật cô muốn đi theo cách mạng thì nên về thành chui vào sở Mĩ như ý muốn trước đây. Cách mạng sẽ luôn bên cô.” “Không được nữa rồi. Em là một Thiên Nga bị bắt, đã lộ. Họ sẽ nghĩ em được đối phương cài trở lại...” Tuân bần thần trước lý lẽ của cô. Rõ ràng, đời Diệu Vinh rơi vào bi kịch khi cả hai phía đều không thể tin.
 Hôm sau, Tuân lên gặp chính ủy Vận. Trong nhà hầm có chính ủy và một người lạ. Cuộc tấn công vào thành thắng lợi, chính ủy hài lòng về sự hiệp đồng tác chiến giữa bộ đội chủ lực với cánh biệt động nội thành cùng phong trào sinh viên. Chính ủy giới thiệu người lạ với Tuân. Phong, một sinh viên văn khoa nhanh nhẹn, hoạt bát, giỏi tiếng Anh, thông thạo từng nẻo phố… Chính ủy đem theo Phong về cứ như một cần vụ.
Khi Tuân báo cáo về Diệu Vinh, vẻ mặt chính ủy khá căng thẳng. Ông nói: “Không cảm tính, chủ quan khinh địch được đâu.” Phong đế thêm, rành rọt: “Tình báo Thiên Nga được huấn luyện, dùng mĩ nhân kế, chui sâu leo cao.” Tuân phật ý nói: “Thưa chính ủy, thực ra, Diệu Vinh chỉ là một nữ sinh hiếu kì, a dua, chẳng mục đích. Không thật sự là tình báo.” Phong lắc đầu: “Biết đâu đây lại là khổ nhục kế của ả? Thấy thế, mà không phải thế. Thật đấy, mà giả đấy. Binh pháp tôn tử mà!” Chính ủy Vận nghe vậy gật đầu nói: “Thôi, việc này dừng ở đây, hỉ?”
Tuân trở về trong tâm trạng nặng trĩu. Thấy Diệu Vinh cắt về một ôm to bông lau khô chỉ còn phần xương thường dùng bện chổi, khoe thứ này nhóm bếp Hoàng Cầm rất nhanh, cần dự trữ khi mưa gió, rồi quay người đi xuống nhà hầm. Tuân nhìn theo tấm lưng thon, thầm ước cưới được một cô vợ như thế...
Cay cú bởi bị đối phương vào tận sào huyệt, địch tập trung phản kích điên cuồng. Bầu trời đen đặc máy bay. Mặt đất gầm gào xe tăng. Lính các binh chủng của cả Mĩ và Việt Nam Cộng hòa kéo về tràn ngập thành phố. Quân giải phóng bị đánh bật lên rừng. Các ngả đường tiếp vận từ Bắc vào bầm dập bởi bom B52 ngày đêm rải thảm. Khu hậu cần dưới chân dãy Giăng Thành nhiều lần hứng bom. Các căn hầm nảy giật liên hồi theo cơn mưa tiếng nổ.
Đêm định mệnh, máy bay địch rải bom bi xuống khu trại tạm giam. Tiếng bom chát chúa, giòn đanh, giật giội từng tràng long óc. Dứt bom, lính canh tóa ra lao đến các phòng giam. Tuân đi nhanh đến chỗ Diệu Vinh. Trời đêm đen đặc. Vừa bước vừa rọi đèn xuống mặt hào tránh giẫm phải bom chưa nổ.
Phòng giam Diệu Vinh lặng phắc. Khét sặc thuốc bom. Hơi nóng phả ra hầm hập. Tuân luống cuống mãi mới mở được cửa. Lao vào, quờ tay lên mặt giường. Giường trống không. Môi Tuân bật lên: “Diệu Vinh! Em ở đâu?” Tuân chui vào căn hầm chữ A. Hầm rỗng không. Hốt hoảng quay lại lia đèn nhanh bốn phía. Hình dung một xác chết nằm thõng thượt trên nền đất nhưng không có. Trên gờ lũy một mảng hàng rào gỗ bị băm nát. Hẳn là một trái bom đã nổ cạnh đấy. Diệu Vinh chui ra phía này sau khi bom dứt chăng?

Nhưng ngay tức thì Tuân nghe tiếng con gái vọng từ lòng đất: “Em đơ... ơi...!” Tuân giật mình rọi đèn xuống chân. Từ dưới gầm giường Diệu Vinh lóp ngóp chui ra. Hai người ôm ghì lấy nhau, nước mắt trào ra. Tiếng cô thì thầm: “Em đang ngủ say chợt tiếng nổ chát tai. Chiếc giường giội lên bần bật hắt em xuống đất. Em lăn vào gầm giường theo phản xạ. Chết giấc vì sợ trong tiếng rào rào như ai ném đá dăm vào phòng.”
Như những trái cây chín nẫu, mềm mại và nóng rực, cả hai rơi xuống mặt giường. Sau lần để Tuân cõng đi trong rừng đêm, Diệu Vinh nghĩ rằng đã trao thân gửi phận cho Tuân rồi. Tuân thoạt đầu lo lắng, nhưng chỉ vài giây sau đã bị hút vào tòa thiên nhiên tráng lệ mà có lần Tuân chiêm ngưỡng vội bên bờ suối lúc mờ tối.
Hôm sau và những hôm sau nữa, Tuân không đứng lâu canh cho Diệu Vinh tắm. Trời tối, Tuân bí mật đút khẩu súng ngắn vào hốc đá, lột quần áo, nhẹ nhàng lặn tìm nàng trong dòng nước. Hai người mặc sức vùng vẫy. Tảng đá rộng nằm là là mặt nước, giữa bốn bề đá dựng trở thành chiếc giường bí mật của hai người.
Ông Tuân chậm rãi bước theo lối mòn ngược suối. Cách trại tạm giam chừng nửa cây số là khu chỉ huy mặt trận. Vẫn còn đây dấu vết hầm hào. Ông bần thần hồi lâu. Số phận Diệu Vinh được định đoạt sau lần chết hụt của chính ủy Vận ở đây.
Hôm đó vào buổi sáng, mọi người ra rẫy sớm, tranh thủ làm việc lúc máy bay địch chưa hoạt động. Chính ủy Vận đêm qua lên cơn sốt cao. Ông nằm trong màn, toàn thân ê ẩm như búa dần từng đốt xương. Môi khô nứt. Miệng đắng ngắt.
Phong nói với mọi người để tôi về xem chính ủy thế nào, đã ăn cháo, uống thuốc chưa. Phong đi nhanh về phía lán. Nhà hầm vắng tanh. Mỗi mình chính ủy Vận nằm trong màn. Anh ta vén màn. Thấy ông Vận đang lim dim mắt, Phong giật ngay bao súng ngắn kèm con dao găm và cái xắc cốt nằm cạnh gối. “Cậu làm gì đấy?” Ông Vận bật dậy hỏi. “Ông biết mà!” Phong lùi ra nói thản nhiên. “Cậu không thể làm thế. Súng nổ, mọi ngả đường lập tức bị bao vây!” “Tôi biết. Nhưng đây là cơ hội trời cho. Tôi không thể theo ông được nữa. Tôi không có ý chí như các ông. Tôi hãi lắm. Không chết đói cũng chết vì bom Mĩ.” “Cậu nhất thiết phải giết tôi? Làm tình báo như cậu thì mèng quá!”
Ông Vận muốn kéo dài thời gian tìm cách đối phó. Phong cũng chẳng vừa. Hắn rút phắt con dao găm ngời xanh nước thép. Chớp mắt, lưỡi dao lóe sáng tia chớp hình vòng cung. Ông Vận tung hai chân đạp thẳng vào bụng Phong. Lưỡi dao sượt qua bắp chân. Hắn mất đà, ngã ngửa. Chiếc màn đứt dây đổ trùm xuống. Phong thoát ra, nhanh tay gói được ông Vận trong màn.

Nhưng khi con dao chuẩn bị nhằm ông Vận cắm xuống thì Tuân đã đứng choán cửa nhà hầm. Phong vội ôm bao súng cùng xắc cốt lủi cửa sau. Tuân lao theo. Phát súng nổ đanh giòn. Bóng Phong lẩn vào khoảng rừng. Phút sau, các ngả đường được bao vây. Tuân và một trinh sát chạy cắt rừng, phục kích trong một bụi rậm, cạnh cái thác nhỏ, nước lắp xắp đá.
Phong biết mọi ngả đường đã bị phong tỏa. Chỉ duy nhất con đường bơi theo suối. Lau lách phủ kín. Xắc cốt tài liệu, áo quần, súng ngắn đội lên đầu. Dòng nước đẩy đi nhanh. Đến thác cạn lóp ngóp lên, nhanh chóng chui vào bụi rậm mặc lại quần áo. Nhưng bất ngờ Phong ngã sõng soài. Cậu trinh sát khóa tay. Tuân giật cặp tài liệu và khẩu súng...
Khi mọi việc trở lại bình thường, ông Vận mắt sáng rỡ nhìn Tuân nói: “Ơn trời! Số tớ chưa chết. Hỉ?” Lát sau, ông trầm giọng nói với Tuân: “Có thể cậu đúng. Về tình cảm cá nhân, tôi tin cậu, tin Diệu Vinh. Nhưng về mặt tổ chức không thể sơ hở. Phải có thời gian...”
Nhưng thời gian không ủng hộ Diệu Vinh. Cô đã mang thai. Mỗi buổi làm về hai hàm răng Diệu Vinh tím ngắt. Trong túi áo đầy những quả me rừng chín nứt vỏ. Thứ này rất chua. Nhưng Tuân chỉ nghĩ cô như con nít, không thích quả này mới lạ.
Rồi Diệu Vinh bất ngờ trốn đi trong đêm, chỉ để lại cho Tuân bức thư nói số phận đã xui cô được gặp anh, yêu anh, một tình yêu ngang trái. Giờ cô quyết định ra khỏi cuộc chiến để bảo vệ đứa con của hai người. Tuân vừa mừng vừa lo, đưa mắt nhìn quanh, bật lửa đốt thư...
Ông Tuân nhớ ngay hôm đó lệnh của bộ chỉ huy mặt trận cánh bắc các đơn vị bí mật di chuyển trong đêm. Nhưng một tháng, rồi hai tháng sau nơi này vẫn bình yên. Không bị B52 ném bom rải thảm, không một trận tập kích, trận càn nào. Quả thật, Diệu Vinh đã ra khỏi cuộc chiến.
Ông Tuân đào sâu chôn chặt sự việc suốt bốn mươi năm qua. Nhưng càng lùi xa hình ảnh và tình yêu của Diệu Vinh càng làm ông nhức nhối. Nỗi nhớ âm thầm và đau đớn. Nước mắt trào ra trên khuôn mặt nhăn nheo chạt vết tàn nhang.
Có tiếng gọi của Diệu Vinh.
Từ đâu đó rất xa...

Trại sáng tác Đà Lạt, tháng 3/2016 
Hà Phương
Theo http://vannghequandoi.com.vn/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...