Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2018

Ngày xưa giữa phố có rừng

Ngày xưa giữa phố có rừng
Tối muộn, tôi trở về nhà trong lúc trời lác đác những hạt mưa rồi trằn trọc cho giấc ngủ của mình. Nếu như tôi không để ý thấy một người quen thì có lẽ tôi đã không phải có nhiều suy nghĩ đến vậy. Những suy nghĩ linh tinh vớ vẩn thường làm tôi chẳng thể nào ngủ được.
Công ty sản xuất cho nên có xưởng ngay tại chỗ, công nhân cũng ăn ở tại đấy. Vừa rồi có một cậu bé đến làm, được một người quen giới thiệu với cái lý lịch bằng miệng vỏn vẹn mấy từ “nó ngoan nhất trong đám”. Nói là cậu bé vì cậu ít tuổi hơn tôi rất nhiều, vừa mới thành niên. Mấy ngày đầu cũng bình thường, mỗi tội tôi hay phải nhắc nhở các vấn đề về sinh hoạt sao cho sạch sẽ, ngăn nắp và có ý tứ hơn. Thôi thì nó nhỏ tuổi, uốn nắn dần. Cậu nghiện chơi điện tử, tối đến nghỉ việc là chạy ngay ra quán đến khuya mới về. Ngày nghỉ là đi thâu đêm.
Tôi nghĩ với cái tuổi ấy, lang thang trên thành phố làm các công việc chân tay bình thường thì có nghiện chơi game cũng bình thường, bằng tuổi cậu tôi cũng ham mê vào cái màn hình vi tính dữ lắm. Thế nhưng không dừng lại ở đấy, không nói đến các vấn đề ăn ở hàng ngày bê tha tùy tiện như người mới ở trong rừng ra thì khi quen đường quen lối, ngay cả ngày hôm sau là ngày làm việc vẫn đi chơi thâu đêm, sáng ra hoặc làm việc vật vờ hoặc lại kêu ốm xin nghỉ.
Đỉnh điểm là khi nhận được mấy đồng lương học việc (chưa cả tròn tháng nhưng đến ngày phát lương vẫn phát đủ) thì ngay lập tức đi chơi xuyên đêm, hai ba ngày liền, đến ngày thứ tư thì về thu dọn đồ đạc vì bị đuổi. Chuyện đã gần một tuần và hôm nay tôi gặp lại bóng dáng cậu ta xa xa, giữa đêm tối muộn, ở công viên với cái ba lô trên lưng. Hình ảnh thất thểu ấy khiến cho tôi không thể nào mà ngủ được.
Rồi, tự nhiên tôi lại nhớ đến một câu chuyện năm xưa.
Hồi đấy, ở một cái xưởng khác, cả công ty từ giám đốc cho đến thợ chính, thợ phụ chỉ vỏn vẹn có 5 người, xưởng là nơi làm việc, ăn ngủ… nằm lẫn với những dãy nhà trọ xập xệ của dân xe ôm, ba gác. Một hôm, công ty tiếp mấy vị khách đặc biệt. Đó là một người cha ở miền ngược dắt theo hai người con trai vào… xin việc. Ai cũng tò mò, và khi ngồi nghe người cha trình bày hoàn cảnh thì mới té ngửa hết cả ra. Thật khó có thể tưởng tượng được rằng ba cha con đều cùng nhau ngây ngô như ba tờ giấy trắng. Ông chỉ nghe người ta nói rằng ở dưới xuôi (Hà Nội) dễ kiếm tiền lắm, ở nhà lại không có nhiều rẫy, hai đứa con ông đã đến tuổi đi làm cho nên vay ít tiền đưa con xuống đây tìm việc. Xuống bến xe, hỏi ở đâu có việc làm thì có người chỉ vào đây (xưởng cũng gần bến xe).
Hai đứa con của ông gọi là đến tuổi đi làm nhưng mới được có mười mấy tuổi, còn chưa thành niên. Tôi cứ tưởng tượng ba con người ấy cứ nghĩ ở thành phố cũng như ở trong rừng chỉ cần bước chân vào là có thể tìm được thứ gì đó để ăn, hoặc là rau hoặc là thịt, tùy vào sức lực và sự may mắn, chí ít thì cũng không chết đói. Và tôi đến tận bây giờ cũng khó có thể tưởng tượng về sự ngây ngô đến tội nghiệp ấy.
Sau một hồi hỏi han, giám đốc quyết định nhận hai người con vào làm, học việc một thời gian coi sao. Người cha ở lại ăn một bữa cơm trưa rồi chiều bắt xe trở về bản. Và ông đi cũng thảnh thơi, đơn giản như thể hai đứa con ông được gửi gắm ở một nơi nào đó yên tâm lắm, và việc chúng được ở lại làm việc là đương nhiên. Chúng phải tự sinh tồn ở nơi rừng rú không có bóng cây này.
Hai cậu có thể nói là “linh vật” của cả xưởng bởi vì có những đặc điểm không giống ai. Thứ nhất, hai cậu có tiếng là “người nhà” của giám đốc vì được dặn là ai hỏi gì về thân thế thì cũng phải trả lời như vậy. Đơn giản là hai cậu chưa thành niên, chưa đủ tuổi lao động cho nên phải thế chứ không lại nhiều chuyện nhiêu khê. Lâu dần, ai không rõ cứ tưởng là người nhà thật. Thứ nữa là hai cậu có lịch sinh hoạt rất đều đặn như đồng hồ báo thức, ngày làm tối ngủ, chẳng đi đâu mà cũng chẳng lo nghĩ gì, ai dạy sao thì làm vậy. Hai cậu không biết đường, không biết chữ cho nên cũng không đi đâu. Vài năm sau cũng y như vậy.
Mỗi năm hai cậu về nhà một lần vào dịp tết, ngày hai cậu về phải đưa ra tận xe, viết địa chỉ nhà vào hai tờ giấy, một cho hai cậu cầm, một đưa cho nhà xe, trên đó viết cả địa chỉ công ty để nhỡ đâu có làm sao còn có người mà liên lạc được. Rồi ra tết, đúng ngày đi làm đã dặn thì ba bố con lại đã bắt xe xuống từ đêm để hôm sau kịp giờ đi làm. Người bố ở lại một bữa trưa rồi lại trở về. Chỉ đơn giản như vậy.
Cách đây hai năm, hai cậu “người rừng” vẫn người rừng thế vậy, chỉ có điều là biết dùng điện thoại, hai anh em mua chung một chiếc “cục gạch” và chỉ biết bấm vài số duy nhất, gọi cho bố hoặc một vài người trong xưởng. Và cũng là lúc hai cậu đã đủ tuổi thành niên, đã quá 18 tuổi, năm đấy hai cậu chào Hà Nội về bản để… cưới vợ.
Tự dưng tôi lại bật cười cho cái sự liên tưởng của mình và ký ức về những gì đã xa xôi. Những con người đi qua, đến nơi này và để lại một điều gì đấy, họ có thể coi đây là rừng, là nơi để rèn luyện trưởng thành hoặc cũng có thể bị pháp tắc nơi này biến thành những con thú hoang. Dù thế nào thì cũng không thể phủ nhận sự thật rằng dù ở phố hay ở đâu đó đi chăng nữa thì cũng tồn tại một khu rừng với những quy luật và sự tàn khốc của nó. Thuận theo thì sinh tồn mà ngược lại thì cũng là sinh tồn nhưng lại là một phương hướng khác không ai mong muốn.
Khi nghĩ đến hình ảnh người cha cũng như một đứa trẻ to xác dẫn hai đứa trẻ khác rời núi rừng đi tìm việc làm giữa chốn còi xe thì tôi lại cảm giác thật kính trọng. Không phải kính trọng cái sự to gan lớn mật của người cha mà kính trọng lòng tin tưởng của ông giữa người với người. Nó đơn giản và cũng thật chân thành.  Chắc ông nghĩ, ở đây người ta cũng giống như ở bản của ông thôi, có việc thì chia nhau làm, không có việc thì nghỉ ngơi. Chẳng ai làm hại ai và cũng chẳng có thứ gì làm hại người.
Mỗi khi anh giám đốc cũ giờ đã là chủ của một xưởng to hơn, công ty lớn hơn rất nhiều kể về chuyện của hai cậu nhân viên “người nhà” thì lại cứ ngậm ngùi: “Ngày xưa! Người ta tin nhau lắm”.
Ừ, ngày xưa giữa phố cũng có rừng.
Ngố Tiên
Theo https://ngotienwrite.tk/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hoàng hôn có nắng Nhà văn trẻ Hoàng Thị Trúc Ly vừa được bầu chọn làm hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh ngày 24.5.198...