Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2018

Cây rơm mùa đông

Cây rơm mùa đông
Chiều nay, gió mùa đông bắc tràn về mang theo cái lạnh len lỏi khắp ngõ phố, cây bàng mồ côi đỏ lá đứng chơ vơ, tôi biết mùa đông đã về rồi. Giấu bàn tay lục tìm hơi ấm, tôi lại nhớ về những mùa đông tuổi thơ. Và trong tôi lại hiện về cây rơm đầu xóm, một hình ảnh bình dị mà thân quen, ấm áp của những mùa đông ngày nhỏ nơi quê nghèo.
Ai lần đầu về làng tôi cũng đều ngỡ ngàng: Sao ở đây có nhiều cây rơm thế. Làng tôi hầu như nhà nào cũng chất rơm. Dọc theo con đường đất quanh quanh dẫn vào làng tôi, chỗ nào cũng gặp những cây rơm sừng sững. Rơm để làm thức ăn cho trâu bò, để đun nấu, và cả một thời làm ổ rơm để chống rét mỗi khi đông về. Có lẽ đã quen với một thời vất vả, mùa đông cậy hết vào rơm để chống rét, nên người dân quê tôi sau mỗi mùa gặt lại chất những cây rơm.
Ký ức về mùa đông ngày nhỏ của tôi cũng đơn sơ như tâm trí trẻ con, chỉ có những ngày mưa đằng đẵng, những đêm trời trở rét không sao ngủ được. Ký ức trong tôi còn có những cây rơm đứng bên đường lặng lẽ, những cây rơm im lìm trong rét mướt nhưng ủ trong mình hơi ấm nồng nàn, ủ cả những kỷ niệm của một thời thơ dại.
Tôi nhớ những ngày trở lạnh, bọn trẻ con trong làng chúng tôi lại có những niềm vui mà không phải đứa trẻ nào cũng có được. Đó là những ngày chăn trâu giữa đồng, chúng tôi chia nhau đứa đi tìm củi khô, đứa về nhà lấy rơm ra nhóm lửa. Bếp lửa nhóm giữa đồng thuở ấy có khi để nướng quả ngô, củ sắn, cũng có khi chỉ để ngồi huơ tay cho đỡ lạnh. Nhớ sao cái cảm giác giữa đồng gió thổi ù ù từng đợt, cả bọn ngồi xuýt xoa bên bếp lửa rơm cháy xì xèo, chia nhau củ sắn, quả ngô nướng nhiều khi chưa kịp chín, đôi má đứa nào cũng đỏ hồng lẫn đôi vết nhọ than, và tiếng reo cười cứ thế râm ran mãi cho đến khi trời chiều trở gió phải lùa trâu về.
Ngày xưa xa ấy, tôi nhớ kỹ lắm, mỗi khi gió mùa đông bắc về, cha lại lụi cụi ra cây rơm đầu ngõ lấy rơm về lót cho ổ gà, bỏ chuồng trâu. Một thời nghèo khó, trong nhà không đủ chăn mền, mỗi khi gió mùa về mẹ lại tất tả lo mền áo cho anh em chúng tôi. Những năm trời rét đậm, không kịp xoay xở, mẹ phải chằm những chiếc ổ rơm cho cả nhà. Cây rơm đầu ngõ lại khuyết thêm mấy chỗ.
Tôi nhớ mãi hơi ấm từ ổ rơm mẹ chằm thuở ấy. Có lẽ không gì ấm bằng hơi ấm ổ rơm. Ngày đó, mặc cho ngoài trời mưa triền miên, gió lùa từng đợt rét buốt, trong ổ rơm mẹ chằm chúng tôi ngủ thật say. Đêm không còn dài nữa, không còn những cái cựa mình rồi lại co ro, anh em chúng tôi nằm trong ổ rơm như nằm trong lòng mẹ, thoảng về trong giấc mơ hương rơm rạ thơm thơm…
Hình ảnh những cây rơm đứng lầm lũi giữa mùa đông rét mướt dọc đường làng cứ đọng mãi trong tôi. Xa quê đã lâu, khi nghĩ về những mùa đông tuổi thơ của một thời nghèo khó, trong tôi lại hiện về hình ảnh cây rơm sừng sững, những mớ rơm vàng ươm nhóm bếp giữa đồng gió lạnh và hơi ấm từ những chiếc ổ rơm mẹ chằm. Đã qua rồi một thời nhờ rơm để chống rét vậy mà nhiều khi tôi vẫn muốn về lại làng mình, ngồi nhóm bếp lửa rơm để huơ tay, nằm trong ổ rơm mẹ chằm để nghe hơi ấm của rơm rạ đồng quê, của tấm lòng cha mẹ lan tỏa trong mình…
Tư Hương
Theo http://baodaklak.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ám ảnh nỗi đau chiến tranh trong tác phẩm của nhà văn Kiều Vượng Một buổi chiều xuân muộn, chúng tôi gặp nhà văn Kiều Vượng trên chiếc x...