Thứ Tư, 21 tháng 2, 2018

Những mùa hoa đi qua

Những mùa hoa đi qua
Đã không còn là mùa hoa năm nào với tiếng cười rộn rã cùng ba và Ninh. Mọi chuyện đã trôi qua lâu lắm rồi. Tôi đi qua vụng dại tuổi trẻ bằng một trái tim ngu ngơ nhưng nồng nàn. Tôi đã yêu, đã khát khao sống một cuộc đời tươi sáng để rồi nhận ra, tình yêu không phải là tất cả và có những thứ dù lộng lẫy đến mấy vẫn không phù hợp với mình.
Khi gió lạnh phương Bắc bắt đầu tràn về cũng là lúc cao nguyên chúng tôi chìm trong sắc trắng tinh khôi của hoa cải. Mộc Châu đẹp lạ lùng vào khoảng thời gian đầu tháng mười một hằng năm. Những triền hoa trắng trải dài, xa tít tắp tiếp nối từ thung lũng này sang chân núi khác. Vài quả đồi mới đây còn trơ trọi nay lại khoác lên mình màu áo mới trông dịu dàng, e ấp nhưng cũng không kém phần hoang dại. Tôi và Ninh vẫn thường đứng nép vào nhau trên con đường nhỏ xíu ngoằn ngoèo, nằm lẻ loi như một lằn ranh mỏng mảnh giữa núi đồi bạt ngàn hoa. Chúng tôi đứng đó, dưới cái lạnh cắt da cắt thịt và lặng lẽ nhìn nhau. Mãi đến bây giờ tôi vẫn nghĩ, sẽ chẳng có ai hiểu hết cái nghèo và niềm mơ ước mỏng manh của những đứa trẻ vùng cao như chúng tôi năm tháng ấy.
Tôi lại đứng đây, trên mỏm đá cao có gờ nhô ra phía ngoài và dưới chân là thảm hoa trắng ngần dài ngút tầm mắt. Ninh vẫn gọi mỏm đá bé tẹo này bằng cái tên kì cục: “đồi lưng chừng”. Còn nhớ dưới cái nắng oi nồng của mùa hè năm nào, anh kéo tay lôi tôi qua mấy ụn đất mấp mô, luồn lách dưới những hẻm mòn cằn cỗi giăng đầy cây cỏ với dây leo. Khi đã đứng yên vị và nhìn xuống một góc nơi chân đồi, tôi chu mỏ:
– Chỉ có vậy mà làm em tưởng có gì hay ho lắm cơ!
Ninh cười và đưa tay chỉ xuống những quả đồi nhỏ xíu, cheo leo lọt thõm giữa bốn bề toàn mây và núi:
– Này nhé, cái đồi lưng chừng này có khối cái thú vị nhé… Đứng đây nè, nhìn xuống, nhìn qua, nhìn lên, thấy gì không? Nơi này chỉ mỗi hai đứa biết thôi. Cấm tiệt mấy đứa khác bén mảng tới.
Tôi nhìn theo hướng tay Ninh chỉ. Đó là một khoảng trời bao la ôm ấp thung lũng chúng tôi sống. Ở đây không quá cao để có thể nhìn trọn vẹn núi đồi hay nghe mây sà xuống nhưng lại vừa đủ để thấy mình nhỏ bé, thấy màu xanh bát ngát thân thuộc, thấy những cánh chim tung trời và đâu đó còn có thể đoán biết dáng dấp người quen thấp thoáng dưới bóng cây um tùm. Trong mắt của đứa trẻ tuổi mười bốn tuổi khi ấy, lời anh nói như gió núi hòa lẫn và vang vọng mãi. Tôi đứng chôn chân trên bờ đá in dấu kỷ niệm cũ, tự nhiên lại nhớ đến hai chữ “lưng chừng” anh đặt. Như một lời tiên đoán ứng lên vận mệnh, đó không chỉ là một khung cảnh lưng chừng tôi và Ninh nhìn thấy, một bầu trời lưng chừng dưới bóng chiều sẫm màu mà là chính chúng tôi: mối quan hệ lưng chừng, thương nhớ lưng chừng và một cái kết vĩnh viễn không thể nào trọn vẹn.
Từ khi trở về tôi cố gắng tránh chạm mặt Ninh. Chuyện Ninh lấy vợ đã trở thành chuyện cũ đối với người trong xóm núi nghèo nàn hẻo lánh này. Ấy vậy mà với tôi cứ như một mũi kim mới đâm lên mảnh vải đã cũ mòn vì thời gian. Tôi và anh đều bước đi trên những con đường khác nhau. Ký ức là chuyện chẳng ai còn nhớ hay muốn nhắc lại. Thi thoảng gặp vài người quen cũ, tôi gượng gạo cúi chào rồi dợm bước đi. Cảm giác tủi hổ đeo bám như một món nợ tôi phải trả cho lựa chọn và ảo tưởng nhất thời của tuổi trẻ. Khi nhận lại những cái lén nhìn đầy miệt thị, tôi biết sau lưng là vô vàn lời mỉa mai cay độc. Mọi dèm pha đều có ngọn nguồn và nguyên nhân của nó. Chuyện đứa con gái mười chín tuổi bỏ núi đi theo người đàn ông xa lạ ở tận phương nào đến giờ vẫn là câu chuyện dùng để răn đe các thiếu nữ mới lớn. Tôi cười, chưa bao giờ thấy môi mình đắng đến vậy.
Năm ấy tôi và Ninh vừa tròn mười tám tuổi, với một tình yêu chớm nở dịu dàng và lời hứa hẹn rất chân thành. Giữa núi đồi mênh mông hoa cải, Ninh vuốt nhẹ mái tóc và xiết chặt tôi trong vòng tay cứng cáp còn thơm mùi nắng gió của anh.
Chúng tôi là hai đứa bé lớn lên cùng nhau và cùng ngậm chung một bầu vú, uống cùng một dòng sữa mẹ. Người ta kể mẹ bị băng huyết qua đời ngay khi tôi vừa lọt lòng. Trẻ khát sữa là cảnh tượng đau xót nhất trên đời. Ba ngồi trơ trơ bên góc bàn thờ nhỏ xíu tạm bợ, dưới mái nhà lụp xụp chỉ đủ che nắng mưa. Mặc cho tiếng gõ cửa dồn dập pha lẫn lo lắng thì ba vẫn không động đậy. Mãi khi có tiếng đạp cửa khô khốc và mẹ Ninh bế tôi trên tay thì ba mới liếc mắt nhìn sang. Ba bảo mang tôi cút đi cho rảnh nợ, và trả lại người phụ nữ hiền lành ông yêu thương. Thật may vì sau đó tình yêu vốn thuộc về mẹ được chuyển dần sang phía tôi, và dù nghèo đói nhưng tôi luôn cảm nhận được những điều tốt đẹp nhất ba đều mang đến cho mình.
Tôi yêu Ninh vì anh giống ba. Hay nói đúng hơn, dưới chân cái thung lũng bình dị ấy chỉ có tầm ba mươi mấy con người quá thân quen và đôi khi không tránh khỏi nhàm chán. Người ở đây vẫn xem chuyện chúng tôi yêu nhau đã là một chuyện hiển nhiên. Tuổi thơ hai đứa quanh quẩn bên nhau, cùng nhau đi qua ngày rét căm căm và chia nhau củ khoai nướng bùi bùi còn thơm lừng khói. Một ngày mưa xối xả cuối tháng mười, Ninh dúi vào tay tôi chiếc áo bông to sụ, hai má anh đỏ bừng và đôi tay tím ngắt vì lạnh:
– Em mặc cái này cho ấm nè
– Em có rồi, anh giữ mà mặc
– Ôi, anh con trai mặc gì bông hoa này chứ
Không đợi tôi trả lời Ninh đã chạy băng qua màn mưa và mất hút. Đó là kỷ niệm mà mỗi khi nhắc về Ninh tôi không sao quên được. Những mùa hoa cải đối với tôi và anh không ngọt ngào như trong vài bộ phim tình cảm mà sau này tôi có cơ hội xem và thấy chính mình trong đó. Trong gió lạnh, mưa phùn, cái đói và bầu không khí ủ ê, chúng tôi nhìn nhau và thấy bầu trời giăng đầy những đám mây xám xịt. Cuộc sống ở núi đối với nhiều người sẽ rất bình yên và dung dị. Ngược lại với tôi, đó là những tháng ngày cơ cực và đơn điệu vô cùng.
Nỗi hối hận cứ lớn dần lên khi tôi đứng trước di ảnh của ba. Nó đau đáu và dai dẳng hơn cả khao khát lúc tôi chọn bỏ lại Ninh, ba – hai con người như một phần máu thịt – để băng băng qua những thửa hoa bạt ngàn và cuốn quýt níu lấy tay Nguyên. Tôi miết ngón tay lên mấy đồ đạc cũ kĩ sơ xài. Dáng người đàn ông khắc khổ hì hụi bên góc bếp với làn khói mù mịt vẫn còn đâu đây. Ba ngoái đầu nhìn tôi, tay giơ giơ một con gà đã làm sạch và ướp lá chanh thơm phức:
\r\n
– Con gà này ba mới bắt lúc chiều đấy, nướng lên ngon phải biết. Để ba gọi thằng Ninh sang hai cha con ngồi lai rai
– Lại lai rai, thế nào ba cũng say cho mà coi – tôi ngúng nguẩy mang rổ rau mới hái đi vào sau nhà. Những kỷ niệm ngược về chầm chậm mà nhức nhói.
Mùa đông ấy không biết mưa có dữ dội và gió Bắc có lạnh như bây giờ. Nghe người trong xóm núi bảo tôi đi chừng một tuần thì ba mất. Ngày Ninh cùng vài bà con thân thiết mang ba lên ngọn đồi nhỏ sau núi cũng là ngày bão về. Cả thung lũng chìm trong mưa và bóng tối, tiếng gió rít hung hăng và cái lạnh thấm tận xương tủy. Những đồi hoa cải cũng dập úa tan tành khi bão đi qua.
Ninh đợi tôi trước nhà. Đây là lần đầu tiên anh đến tìm tôi từ ngày tôi trở về. Ánh nắng của chiều tà sót lại phản chiếu trên gương mặt anh làn da rám nắng, nụ cười mệt mỏi nhưng không làm mất đi đường nét rắn rỏi ương ngạnh. Chúng tôi ngồi trên chiếc ghế gỗ vẫn hay ngồi ngày trước và nhìn ra khoảng trời nhập nhoạng trước mặt. Đâu đó vài cánh chim lạc bầy bay vút lên, chao lượn rồi mất hút trong thăm thẳm.
– Ba nhờ anh đưa cho em cái này
Ninh đặt vào tay tôi bọc giấy màu vàng được gói cẩn thận, bên trong là chiếc vòng tay bằng vàng cùng một ít tiền ba dành dụm hồi lâu. Đó là tín vật ngày xưa ba tặng mẹ khi hai người lấy nhau. Gói giấy tự nhiên nặng trĩu trên tay tôi.
– Ba bảo không còn trách em nữa
– Ba mất… thế nào vậy anh?
– Ừ…
Ninh quay sang nhìn tôi, câu trả lời chưa kịp thoát ra thì trong khoảnh khắc, tôi chợt òa khóc nức nở trên vai anh.
– Nếu mà em không đi thì chắc bây giờ ba vẫn…
– Chuyện qua rồi – Ninh xoa đầu tôi nhè nhẹ, giọng anh hòa vào gió như khi chúng tôi đứng trên gò đá cao cao năm xưa.
Tôi muốn hỏi Ninh liệu còn giận tôi không, có hạnh phúc không, hỏi về vợ anh – người con gái xinh xắn và may mắn nhất chân núi này. Có rất nhiều điều muốn nói nhưng trong giây phút tôi nhận ra mọi chuyện đã chẳng còn ý nghĩa. Ninh không còn là chàng trai năm nào với một trái tim nồng nàn và tình yêu mãnh liệt hướng về tôi. Có lẽ qua đi lầm lỡ và xa cách, chúng tôi đơn thuần chỉ là sự ràng buộc giữa hai con người lớn lên cùng nhau và cùng uống chung một dòng sữa. Chuyện qua thật rồi. Bẵng đi hai năm từ ngày bỏ lại đồi núi và không có một tin tức gì về ba, về Nin, tôi lại quay về như lựa chọn cuối cùng. Tôi luôn nghĩ ba vẫn ở đó đợi tôi, vì ba hiền và thương tôi biết mấy.
Mùa hoa cải năm ấy đẹp vô cùng.
Những cơn gió lạnh se se không mang theo mưa phùn. Bầu không khí hanh khô quang đãng phủ lên cao nguyên màu trắng ngần xao xuyến. Đâu đó thấp thoáng dưới chân thung lũng có vài bóng người xa lạ. Đó là lần đầu tiên tôi gặp Nguyên. Anh theo đoàn tình nguyện về đây để giúp đỡ bà con và dạy chữ cho trẻ em nghèo. Nguyên điển trai và nồng ấm. Cái vẻ lãng tử phong nhã nơi anh không giống bất cứ người đàn ông nào sinh ra từ núi. Nếu Ninh ăn nói cụt ngủn, vụng về thì Nguyên lại ân cần và ngọt ngào. Người đó như một cơn gió mới mẻ thổi qua vùng đất cằn cỗi và gieo vào lòng người mầm sống dịu dàng. Ngay khi chạm phải ánh nhìn trìu mến từ Nguyên, tim tôi mềm nhũn vi thổn thức.
Mọi thứ đều bỡ ngỡ, lạ lẫm pha lẫn sự rạo rực trinh nguyên. Nguyên cùng với khoảng mười anh em khác trong đoàn giúp chúng tôi sửa sang nhà cửa, dọn dẹp lối đi. Xóm núi không dưng lại rộn rã như ngày hội. Không chỉ trẻ em tíu tít nói cười, tâm trạng của người lớn cũng phấn chấn hẳn lên.
Những món đồ Nguyên mang từ thành thị đến khiến tôi khao khát được sống một cuộc đời hào nhoáng hơn. Những câu chuyện anh kể mở ra trước mắt tôi thế giới cổ tích mà người con gái nào cũng từng mơ mộng. Nguyên bảo sẽ đưa tôi đi đến bất cứ nơi nào, chỉ cần tôi muốn. Anh vén nhẹ mái tóc và cài lên đó một chiếc kẹp được đính pha lê lung linh. Một nụ hôn nhẹ nhàng lướt qua gò má ửng hồng và ngay giây phút đó, tôi quên bẵng rằng Ninh đang đợi mình dưới những triền đồi gió lạnh thấu xương.
Lời Nguyên hứa cứ văng vẳng bên tai và giày vò trong từng giấc ngủ. Ba biết điều đó, cả Ninh cũng biết. Ánh mắt đượm buồn khi Ninh nhìn tôi rồi lặng lẽ bước qua đã nói lên tất cả. Giữa chúng tôi bất giác có một khoảng không thinh lặng nhưng chẳng ai dám nói ra. Ninh vẫn đều đặn đến nhà thăm ba, vẫn cố gắng cư xử như chẳng có chuyện gì thay đổi. Tôi thấy day dứt bởi sự phản bội nhen nhóm trong tư tưởng càng lúc càng rõ rệt. Một ngày Ninh hẹn tôi ở mỏm đá có gờ nhô ra phía ngoài và nhìn xuống chân trời lưng chừng xám xịt. Anh cúi mặt nhìn đôi bàn chân thô kệch, đen đúa và quê mùa. Vẫn bàn tay gân guốc chai sạm ngày nào nắm tay mình nhưng tôi thấy ớn lạnh. Tôi nghĩ đến đôi tay trắng trẻo của chàng công tử thành phố, mùi mồ hôi thoang thoảng hương thơm cuốn hút, chiếc áo sơ mi đẹp đẽ trên dáng người thanh mảnh. Tôi biết Ninh đã không còn là lựa chọn tốt nhất mà tôi có.
Ninh hỏi tôi còn thương anh không? Ba hỏi tôi có còn muốn cưới Ninh như ngày xưa vẫn nhõng nhẽo sẽ không lấy ai ngoài anh? Và tôi im lặng. Sự im lặng bao giờ cũng là câu trả lời chính xác nhất cho điều người ta băn khoăn. Ninh tránh mặt tôi, cả tôi cũng vậy. Cảm giác day dứt của người có tội lúc nào cũng đè nặng trên ngực. Cùng với đó thì khao khát được vùng vẫy cùng người đàn ông hào hoa ngày càng mãnh liệt hơn.
\r\n
– Lúc em đi ba còn khỏe lắm mà sao lại…?
Không hiểu tôi đã ngồi vững như thế nào, hay ngã khụy xuống và gục đầu lên gối Ninh khóc rưng rức như ngày xưa. Giọng Ninh đều đều, bình thản như nhắc lại câu chuyện cũ của một người xa lạ nào đó. Tôi nghe cơn đau buốt nhói nơi lồng ngực.
– Em đi được hai ngày thì ba lên cơn sốt và không đi đứng bình thường được. Chú Kha bảo là do biến chứng gì đó anh không rõ. Ba khỏe được năm ngày thì mất. Tối đó mưa to lắm, anh làm về khuya quá nên nghĩ sáng mai qua thăm ba. Trời mới tờ mờ sáng thì mọi người đã kéo đến đông đúc, hình như ba bị trượt té ở ngoài vườn, tay ba còn cầm theo cái đèn pin…
– Đừng kể nữa anh…
\r\n
– Ừm,… anh xin lỗi
Ninh ngượng ngập vỗ nhè nhẹ vào vai tôi. Bên ngoài bóng đêm đã bắt đầu đổ xuống. Màu đen mịt mờ, mông lung như đêm tối của hai năm trước đây. Trên con đường nhỏ xíu nằm chơi vơi những thửa hoa cải bạt ngàn, cô gái chạy chân trần băng băng và hơi thở cuống quýt. Tôi đã gọi tên Nguyên trên chặng đường lạnh buốt đó, bỏ lại ba, Ninh, núi đồi Tây Bắc từng dung dưỡng mình suốt mười chín năm ròng. Tôi gọi tên anh bằng tất thảy niềm tin và tình yêu tuổi trẻ. Tôi đặt cược với ván cờ cuộc đời, vẫn vững tin Nguyên sẽ yêu thương như lời anh hứa, giống như Ninh vậy.
Ngày cuối cùng rời đi Nguyên bảo sẽ mang tôi theo cùng. Dù có đi qua bao cuộc tình, vấp ngã thêm bao nhiêu lần thì cảm giác mê đắm ấy tôi cũng không thể nào quên. Trong tâm trí tôi chỉ là Nguyên, là mái nhà ấm cúng xán lạn mà Nguyên hứa hẹn, là thị thành với những cung đường rộng rãi, xa hoa. Tôi đã chẳng mảy may suy nghĩ gì đến ba và Ninh, đến ấu thơ nghèo đói nhưng ấm áp tình người. Ba cấm tôi bước chân ra khỏi bậc cửa. Ba thề chỉ cần tôi bước theo người đó thì vĩnh viễn không còn là con gái ba nữa. Chưa bao giờ tôi thấy đáy mắt ba cuồn cuộn sóng ngầm và gương mặt hung hăng đến vậy. Ninh im lìm như pho tượng. Mãi lâu sau anh mới chầm chậm tiến lại và nắm lấy bàn tay tôi. Lần cuối cùng tôi được nghe một điều chân tình mà mãi sau này tôi mới nhận ra. Ninh xin tôi đừng bỏ anh ở lại. Nước mắt tôi chảy dài. Nỗi chua xót và phân vân làm cổ nghẹn đắng. Vậy nhưng khi màn đêm cô tịch buông xuống, tôi len lén mở chốt cửa và cắm cúi lao về phía trước. Tôi chẳng hề ngoái lại lần nào.
Cuộc đời không êm ái như người ta vẫn tưởng. Tình yêu cũng không ngọt ngào như người ta mông muội. Từ ngày theo Nguyên, tôi nhận ra mình chỉ là một trong những người con gái ngang qua đời anh. Bản năng chinh phục của người đàn ông thật kỳ lạ. Họ sẵn sàng nói lời yêu, sẵn sàng hứa hẹn và ngay sau đó cũng sẵn sàng quên bẵng đi như chưa từng say đắm.
Nguyên bỏ tôi lại trong căn nhà trọ vắng tanh lọt thỏm giữa phố phường. Bơ vơ và sợ hãi, mưu sinh nơi xứ người xa lạ mà không một ai cưu mang. Tiếng inh ỏi của xe cộ, giọng cười ồn ả và lời xã giao nhạt thếch khiến tôi nhớ quay quắt núi rừng phương Bắc. Những đêm ngồi thui thủi trong căn phòng ọp ẹp và dỏng tai đợi tiếng bước chân anh, lòng tôi thắt lại cay đắng. Nhớ ba, nhớ Ninh nhưng chưa lần nào tôi dám trở về.
Hiếm hoi lắm mới có một bầu trời xanh trong như thế này vào mùa đông. Tôi ngồi trên gò đá ngày xưa, nhớ năm nào đấy Ninh chỉ tay xuống chân thung lũng, nơi có những triền đồi đung đưa hoa cải, lùm cây um tùm với dây leo chằng chịt khắp lối đi. Ở góc này có thể nhìn được đồi núi bao la thẹn thùng trong màu cải trắng tinh khôi. Đã không còn là mùa hoa năm nào với tiếng cười rộn rã cùng ba và Ninh. Không còn là mùa hoa chúng tôi đứng nép vào nhau giữa cái lạnh cắt da mà nghe tim ấm áp. Mọi chuyện đã trôi qua lâu lắm rồi. Tôi đi qua vụng dại tuổi trẻ bằng một trái tim ngu ngơ nhưng nồng nàn. Tôi đã yêu, đã khát khao sống một cuộc đời tươi sáng để rồi nhận ra, tình yêu không phải là tất cả và có những thứ dù lộng lẫy đến mấy vẫn không phù hợp với mình. Như Nguyên, như thị thành, như những tòa nhà chót vót và ánh đèn kiêu kỳ. Dù sai nhưng nếu được chọn lại lần nữa, tôi tin mình vẫn sẽ điên cuồng lao theo cảm xúc trái tim khi ấy. Chúng ta – ai cũng từng lầm lỡ để rồi trưởng thành và can đảm hơn. 
Ngày mai tôi sẽ lại đi, sẽ tìm kiếm hạnh phúc và sẽ lại quay về khi chùn chân mỏi gối. Những vết thương ngày cũ là hành trang nhắc nhớ về tổn thương và lỗi lầm đã qua. Nỗi hối hận đeo bám suốt đời là lời răn đe nghiệt ngã cho lựa chọn bồng bột. Nhưng mọi chuyện đã qua rồi – như Ninh nói. Và có phải đến bây giờ chúng ta nên khoan dung với quá khứ để sống tốt hơn cho tháng ngày còn lại?
Tôi nhìn xuống triền đồi xa xa. Đâu đó thấp thoáng dáng người phụ nữ đứng đợi chồng trên con đường nhỏ xíu giữa đồi hoa. Đằng xa là người đàn ông cao gầy đang vẫy tay thân thiết. Ninh và vợ anh. Có một hoài niệm thoáng qua rồi tan vỡ, hình như trước kia Ninh cũng từng đợi tôi như thế.
Giao Yên 
Theo https://girly.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...