Thứ Ba, 20 tháng 2, 2018

Về miền Bến Ngự - Sông Chanh

Về miền Bến Ngự - Sông Chanh
Thị xã Quảng Yên nằm bên sông Bạch Đằng. Phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Phố phường yên tĩnh. Làng xã trù phú với những cánh đồng bao la. Sông biển bao quanh cho nhiều thủy, hải sản… Đây là vùng đất không chỉ mang trong lòng những sự kiện lịch sử, tiềm năng kinh tế mà còn phong phú về văn hóa và du lịch.
Trên đất Quảng Yên còn bảo tồn hơn 230 di tích lịch sử-văn hoá, trong đó bao gồm các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể; 39 di tích đã được xếp hạng Quốc gia, một di tích thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt, 13 di tích xếp hạng cấp tỉnh cùng các lễ hội lớn là điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm du lịch. 
Không gian văn hóa du lịch Quảng Yên đa dạng và phong phú. Với những địa danh lịch sử, địa điểm văn hóa còn lưu giữ được nhiều bản sắc cổ truyền đậm đà tình dân tộc và Phật giáo, du khách có thể đến thăm những ngôi đình, đền, chùa cổ như chùa Giữa Đồng, (Nam Hòa), chùa Hải Yến, chùa Pháp Âm (Yên Hải), chùa Cốc (Phong Hải) Miếu Tiên Công (Cẩm La), đình Cốc (Phong Cốc), đình Trung Bản (Liên Hòa), chùa Dui, chùa Lái (Liên Vị)... Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, hoặc vào các mùa vụ nông ngư, khắp các làng xã lại nô nức mở hội đình, hội chùa và các lễ hội lớn như Lễ hội Rước Người, lễ hội bơi chải Xuống Đồng, lễ hội Cầu Ngư... Đặc biệt nổi bật vẫn là 2 Lễ hội lớn nhất vùng: Lễ hội Bạch Đằng và Lễ hội Tiên Công...
Về Quảng Yên, ai cũng muốn dành những khỏang thời gian nhất định đến thăm viếng di tích Quần thể chiến thắng Bạch Đằng (đã được xếp hạng Di tích Quốc gai đặc biệt) với đền thờ Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, đình Yên Giang, chùa Đống Phúc, đền Trung Cốc, Bãi cọc Yên Giang, Vạn Muối, Má Ngựa, hai cây lim Giếng Rừng... Một Bảo tàng Lịch sử ngoài trời còn đó chiến công của vua tôi, quân dân nhà Trần làm nên chiến thắng năm Mậu Tý 1288, cho hậu thế đến chiêm ngưỡng và luận bàn! Đặc biệt là di tích các bãi cọc lim từng là trận đồ mà Trần Hưng Đạo đã dụng thế sông hiểm yếu, sức nước kình ngư để đánh tan đạo quân Nguyên Mông xâm lược. Các công trình đền miếu và Bến đò cổ trong Quần thể Bạch Đằng đã được nhiều lần trùng tu, tôn tạo, mở rộng khuôn viên thêm sạch đẹp, tôn nghiêm. Hàng ngày luôn có nhiều đoàn khách từ các nơi về đây thăm viếng, dâng hương, khảo sát và nghiên cứu. Muốn tìm hiểu kỹ và sâu sắc, du khách còn vào Nhà Bảo tàng Bạch Đằng để chiêm ngưỡng, ngược dòng thời gian qua các tài liệu, tư liệu, các hiện vật khảo cổ và lịch sử.
Lễ hội rước Người diễn ra ở miếu Tiên Công xã Cẩm La, là lễ hội tôn vinh tuổi già: các cụ ông, cụ bà thượng thọ 80 tuổi được rước bằng võng đào; 90 hoặc 100 tuổi thì rước bằng kiệu lên miếu Tiên Công vào ngày mồng 7 tháng Giêng âm lịch để bái yết tổ tiên. Tổ tiên của cư dân Hà Nam là 17 vị Tiên công quê gốc từ kinh thành Thăng Long. Vào thời Hậu Lê khoảng năm 1434, đời Thiệu Bình thứ I, vâng chiếu vua Lê mở rộng kinh thành, một tập đoàn 17 người gồm các nho sĩ, thợ thủ công, ngư dân, cày cấy... xuôi thuyền qua sông Hồng đến cửa sông Bạch Đằng mở đất lập nghiệp... Nay ở thôn Trung Bản xã Liên Hoà cũng khôi phục Lễ hội này vào ngày mồng 5 tháng Giêng. Dân gian vùng Hà Nam kể rằng: Ngày xưa, mỗi độ xuân về, khôn nguôi nhớ kinh thành, nhớ những hội hè, đình đám… Nên các cụ ta đã vời các bô lão tuổi tác cao nhất trong phường xã đóng y phục giống như đức vua ngồi lên võng đào, lên kiệu rồng để con cháu nghinh rước lên Miếu đường và bày soạn tế lễ. Không khí diễn ra như thể ở triều đình, cũng lọng che, cũng phường nhạc bát âm, trống khẩu cầm nhịp, cũng hát xướng ca ngâm… Dần dà đã hình thành một Lễ hội Rước Người. Có thể nói đây là Lễ hội lớn nhất trong năm của cư dân Hà Nam và cũng là Lễ hội Rước Người duy nhất ở nước ta. Trong những ngày các hội hè, lễ tết, ta sẽ được thưởng thức những món ăn trong các mâm cỗ mang hồn quê dân dã cùng các loại bánh như: bánh dày, bánh gio, bánh mật, bánh chánh gừng... đậm chất dân gian thanh sạch của vùng đảo Hà Nam. Cùng với đó là một không gian văn hóa qua các làn điệu hát chèo, hò biển, hát đúm, hát giao duyên; các trò chơi: đu xuân, chọi gà, đánh vật, tổ tôm điếm, đánh cờ người...
Người nơi khác đến Quảng Yên luôn có cảm giác thấy mình đi trong một không gian thanh bình, yên ả. Từ cảnh vật đến nếp sống của người dân ở đây, dẫu đã có sự pha trộn những nét hiện đại nhưng vẫn còn đậm chất cổ xưa của vùng đô thị cổ qua những ngôi nhà kiến trúc kiểu Pháp hàng trăm năm tuổi nằm xen kẽ với những ngôi nhà ống trên các con phố Trần Nhật Duật, Hoàng Hoa Thám, Lê Lợi, Ngô Quyền… Phía đông bắc Thị xã còn khu vực thành cổ nhà Nguyễn. Thành cổ Quảng Yên được xây đắp bằng đất vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826) trên một ngọn núi thấp, hơi thoải, gọi là Tiên Sơn. Thành Quảng Yên còn sót lại những mảng thành xây đắp bằng gạch đất nung to bản như một dấu ấn khép lại vương triều nhà Nguyễn trên đất Yên Hưng-phủ Hải Đông. Chỉ tiếc rằng, sau kháng chiến chống Mỹ, do buông lỏng quản lý, người ta đã cấp đất và để dân làm đất ở lấn đè mất con đường ven thành cổ, khiến ai muốn vào quan sát cũng không thể vào được. Thành cổ bị kẹt giữa khu dân cư, nằm trơ gan không phải cùng tuế nguyệt, mà đành lặng lẽ bị đổ vỡ từng mảng gạch thấm đẫm bao mồ hôi, xương máu của người xưa.
Nếu đến một vùng miền nào đó, người ta thường quan sát và tận hưởng văn hóa kẻ chợ để đánh giá tiềm năng kinh tế-văn hóa xã hội, thì đến Quảng Yên, chợ Rừng như một bông sen nở trước mặt chúng ta. Trước đây, chợ Rừng là một chợ cổ nhất từ thuở trại An Hưng, huyện Yên Hưng cũ. Xưa, chợ nằm ven bìa rừng, từng là nơi chứng kiến một thời oanh liệt của dân chúng An Bang cùng Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn làm nên chiến thắng Bạch Đằng. Nay Chợ Rừng là một chợ lớn sầm uất nhất của Thị xã Quảng Yên. Chợ mới được mở rộng, xây dựng lại thành một trung tâm thương mại, đưa vào sử dụng từ năm 2006. Hàng hoá từ các phường xã, các nơi xung quanh trong tỉnh theo những chuyến xe nườm nượp đổ về. Chợ rất đa dạng hàng hoá và giá cả lại dễ mua. Du khách các nơi có dịp về Quảng Yênđều hài lòng và thừa nhận: chất lượng và giá cả hàng hóa ở đây, nhất là các loại đặc sản sông biển tươi sống như tôm, cua, mực, sò, ruốc... ngon và rẻ hẳn so với thị trường các nơi khác. Gạo Hà Nam, nhãn Hoàng Tân, rau Cộng Hoà, Tiền An, tôm cá Hải Yến, cua ngán Liên Vị, bún bánh Hiệp Hoà… rồi nem chua, nem chạo Quảng Yên ngon có tiếng và đậm hương vị riêng. Vẻ sầm uất và đậm phong cách bán buôn của một chợ quê, chợ Rừng như một nhánh sông đầy màu sắc và hương vị no ấm, phồn thịnh của vùng đất Bạch Đằng giang.
Quảng Yên có một bến sông trên sông Chanh mang tên Bến Ngự thật nên thơ. Bến Ngự-Sông Chanh từng là bến tàu khách đi Hồng Gai, Hải Phòng, từng khiến người ta mơ mộng nhớ tới Núi Ngự-Sông Hương xứ Huế. Tư­­ơng truyền, trong chuyến xa giá duyệt quân trên sông Bạch Đằng ra Hải Đông, nhà vua thi sĩ Lê Thánh Tông (1460-1497) qua đây, trước cảnh sông nước hữu tình đã dừng lại, sai lập hành dinh trên một bến nhỏ. Ban đêm thấy trăng thanh gió mát, cảnh vật yên tĩnh, nước chảy nhẹ nhàng như trong mộng, nhà vua liền tức cảnh làm thơ. Dân gian gọi bến sông đó là Bến Ngự. Bên Bến Ngự có bến đò Chanh. Nói đến Quảng Yên là nói đến Bến Ngự-Sông Chanh. Nhắc đến Sông Chanh-Bến Ngự là nhớ về Quảng Yên yêu dấu. Tiếng thơ ngâm thuở đức vua vi hành như còn văng vẳng vào những đêm trăng bâng khuâng những chuyến đò. “Quảng Yên-Bến Ngự-Sông Chanh…” cứ thế, câu thơ mềm mại mãi ngân nga trong tâm hồn người Quảng Yên. Nói đến Quảng Yên là không quên nói đến cái tên trại An Hưng thời Trần, đến các làng Việt cổ Yên Giang, Sông Khoai, Yên Trì, Quỳnh Lâu, La Khê, Bùi Xá... với bao câu chuyện dân gian: Vua Bà, bà chúa Liễu Hạnh, bà Chúa Ngóe và các danh nhân...
Ban mai. Nắng nhuốm màu vàng sậm trên đỉnh ngọn hai Cây Lim Giếng Rừng. Đây là hai cây lim muồng, vì lá giống lá lim, gỗ giống cây muồng, nên cư dân quen gọi thế. Khi xuất hiện hai chiếc giếng Rừng: Giếng Trong và Giếng Ngoài, người Quảng Yên gọi là hai Cây Lim Giếng Rừng. Tán hai cây lim lợp thành vòm cao vòi vọi. Gió reo trong tán lá như­­ tiếng vọng đại ngàn. Gốc lim lớn như hai pho tượng người lính già cổ đại gội mưa dãi nắng. Nhìn lên, sắc trời xanh như ngọc được lọc xanh hơn. Tự dưng thấy lòng thư thái, trong treo hẳn đi sau cuộc sống đời thường. Hai cây lim đại thụ duy nhất trên đất Quảng Yên còn sót lại là chứng tích lịch sử của hơn bảy thế kỷ mảnh đất này.
Nhân kỷ niệm 210 năm trấn lỵ Quảng Yên (1802-2012) và tái lập thị xã Quảng Yên, bên mạn bắc cầu Sông Chanh, Quảng Yên đã xây dựng một Quảng trường lớn và khu đô thị mới dọc bờ sông Chanh. Chiều chiều khi hoàng hôn buông xuống, đi bách bộ dọc bờ sông ta có cảm giác bờ sông như một quyển sách khổng lồ mở ra đón gió biển thổi vào. Dáng chót vót của tháp chuông Nhà thờ đạo Bến Than mới khôi phục đã in bóng xuống mặt sóng xao động. Tiếng chuông lại thong thả buông từng giọt ngân nga khiến miền quê thêm đượm vẻ thanh bình của một vùng nghỉ dưỡng.
Từ Thị xã Quảng Yên đi về phía đông qua xã Tiền An và Tân An, ta sẽ tới một vùng non xanh nước biếc. Đấy là đảo Hoàng Tân (dân gian thường gọi là Hoàng Lỗ). Vùng đảo này được hình thành bởi những dãy núi đá vôi như một đoạn đuôi rồng của vịnh Hạ Long quẫy về phía sông Chanh, sông Bạch Đằng. Xen giữa các hòn núi là những thung lũng và các bãi triều với các mảng rừng ngập mặn. Cả một không gian thoáng đãng của rừng cây, đảo biếc cùng sông biển mở ra trước mặt ta.
Từ xưa cư dân Hoàng Tân đã sinh sống bằng các nghề biển đánh bắt, khai thác thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi. Ở đây trước kia có những bãi phù sa sinh sản nhiều loài ngán, sò huyết, có nhiều vườn nhãn lâu đời ngon và quý, nổi tiếng trong vùng; có khoai lim dây tím, vỏ tím, ruột trắng và bở trong. Khoai lim Hoàng Tân sinh củ trong lòng đất cát vàng, để lâu tiết nhiều mật, luộc ăn thơm ngọt như được ngào trộn với mật ong. Trên đảo Hoàng Tân có Hang Trống chỉ có cửa hang mà không có trần hang, rộng tới vài chục ha, được bao quanh bởi những dãy núi đá bao bọc; có di tích Đầu Rằm, là nơi người Việt cổ sinh sống; có non nước Bình Hương sơn thủy hữu tình. Bình Hương có hòn núi Bình Hương, hòn Ông Sư Bà Vãi, giống hình ông sư và bà vãi đang theo nhau lội trên mặt nước long lanh. Ta còn được nghe câu chuyện “người đàn bà bị hổ vồ” thoát khỏi nanh vuốt hổ và còn sống trở về Đượng Hạc, như được nghe một huyền thoại vậy.
Phía bắc Thị xã Quảng Yên, ra khỏi không gian phố phường, cách khoảng hơn chục cây số, ta đến với một khu du lịch trên địa bàn phường Đông Mai. Đấy là khu du lịch sinh thái Thác Mơ do Công ty TNHH Ngọc Sơn quản lý, khai thác. Gồm các hạng mục giải trí: ẩm thực. picnic, tắm thác, tập bơi, nghỉ dưỡng, cắm trại qua đêm, đi rừng, leo núi... Thác Mơ được hình thành từ con suối Mơ bắt nguồn từ những dãy núi kéo dài từ Yên Tử đến Yên Lập, dài chừng hơn 2.000m qua các ghềnh đá. Nước suối Mơ trong vắt khoe những hòn đá cuội, chảy quanh co trong khu rừng thông Yên Lập bạt ngàn. Trên dốc cao đổ thấp dần, trườn qua các cung bậc khác nhau, đến mỗi điểm địa hình phân bậc, chảy xuống phía nam tới gần Quốc lộ 18, dòng suối lại tạo ra một con thác. Suối Mơ đã tạo nên 3 con thác lớn tuyệt đẹp: Thác Hoa Sen, Thác Đôi và Thác Mơ. Có thể nói đây coi như một “chốn bồng lai tiên cảnh” nghỉ chân thư giãn tuyệt vời dành cho người Quảng Yên, cho những du khách thích được đắm mình trong không gian yên tĩnh và trong lành của thiên nhiên rừng núi hoang sơ.
Qua cây cầu Sông Chanh, ta sẽ đến vùng làng đảo Hà Nam nằm trong chu vi 34 km đê biển bao bọc. Đây là quê hương của cư dân mà tổ tiên của họ là các vị Tiên Công từ đầu thế kỷ XV từ kinh thành Thăng Long đã ra đi tìm đất lập làng. Qua 6 thế kỷ, nơi đây còn kế thừa, phát triển và bảo tồn văn hoá, tín ngưỡng của người Việt với nền văn minh đồng bằng Bắc Bộ. Đúng như quy luật văn hóa, trong quá trình mở cõi và phát triển, càng xa cội nguồn thì càng bảo lưu văn hoá nguồn cội. Có thể nói rằng các thuần phong mỹ tục trong lễ nghi, hội hè, tang ma, cưới xin, trong ứng xử với thiên nhiên và cộng đồng làng xóm thuở xa xưa của người Thăng Long vẫn hiện hữu trong các phường xã nơi đây... Hay cũng có thể nói ở chốn cửa sông Bạch Đằng này, bên cạnh văn hóa Hạ Long vẫn còn giữ nhiều những nét nguyên sơ của ''Văn hóa Thăng Long'' thuở trước. Ngoài hệ thống đình chùa, đền miếu thờ Phật, thần thánh, danh nhân, du khách có thể đến thăm các khu quần thể nhà thờ họ ở các làng Yên Đông, Phong Cốc, Cẩm La, Quỳnh Biểu, Vị Dương cùng hàng trăm ngôi nhà gỗ cổ có tuổi từ một, hai trăm năm. Qua đây có thể tìm hiểu về nguồn gốc phát tích, tinh thần đoàn kết của các dòng họ -những tế bào bền vững làm nên sức mạnh làng xã và dân tộc Việt.
Trải qua thời gian và các thời đại, đến nay Quảng Yên còn tồn tại một số làng nghề truyền thống. Những làng nghề truyền thống đang tiếp tục phát triển như: làng nghề Yên Trì-Hiệp Hòa với nghề làm bún, nghề đan giành, đan thúng, đan rổ rá, bện quang mây... Làng đan ngư cụ Hưng Học (Nam Hòa) với những sản phẩm đặc trưng là những chiếc lờ, chiếc đó, thuyền nan và những dụng cụ đánh bắt thủy hải sản truyền thống. Rồi làng nghề đóng thuyền ở Cống Mương phường Phong Hải. Bên bờ nam sông Chanh, làng nghề này chuyên đóng những con thuyền vận tải gỗ có sức tải lớn vượt sông biển và đại dương. Bằng những con thuyền này, ngày xưa cư dân nơi đây từng vượt biển giao thương tận Trung Quốc, Sài Gòn, Indonexia, Malaixia... Bây giờ là sản phẩm tàu thuyền du lịch phục vụ trên vịnh biển Hạ Long... Hà Nam là một vùng làng đảo thấp hơn mực nước biển, điều kiện tự nhiên là sông nước, có hệ thống đê biển bao bọc xung quanh, hệ thống sông ngòi chằng chịt trong nội đồng, thôn xóm... nên phương tiện giao thông chủ yếu bằng bè mảng, thuyền, đò…. Ngay từ những buổi đầu khai cơ lập nghiệp vì đường sá chưa phát triển, các vị Tiên Công rồi các thế hệ cư dân đã dùng thuyền nan đan bằng tre, nứa để đi lại và làm nghề chài lưới đánh bắt cá tôm ven sông. Tới đây chúng ta có thể cảm nhận, tận hưởng hồn quê qua bàn tay khéo léo của những nghệ nhân đan nan, đóng gỗ thủ công của các gia đình qua bốn, năm thế hệ còn lưu giữ.
Sông biển và các làng nghề truyền thống có thể đưa vào hoạt động du lịch của du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Về tương lai du lịch này, thiết nghĩ những người làm du lịch Quảng Yên sao không sớm nghĩ tới việc đầu tư phục hồi những chiếc thuyền nan, những con thuyền gỗ cấu trúc cánh buồm vải, trang trí đẹp, không lắp máy, nhưng có đủ tiện nghi, tiện dụng hoạt động du lịch trên sông? Cũng như sông Hương xứ Huế, du khách có thể bơi thuyền thả cần câu, dong thuyền ngợp cánh buồm nâu dọc sông Chanh, sông Bạch Đằng ngắm nhìn đôi bờ, đón gió mát lành hoặc thả hồn dưới ánh trăng thanh. Bên khu công nghiệp của Công ty Biền Bắc cạnh làng Quỳnh Biểu, Lưu Khê cuối sông Chanh đã xuất hiện một bãi tắm nhỏ ven đê với dải cát xoải mịn màng. Nhiều người đã đến đây thả mình trong làn sóng biển từ những dãy đảo biếc vịnh Hạ Long ùa tới. Không gian thật mát lành!
Và sao trên cái nền ấy ta không tái hiện khung cảnh trai gái từng nhóm trên sông cất tiếng hò biển, giọng hát đúm, hát dân ca, ngâm thơ (ở Quảng Yên có nhiều người ngâm diễn thơ hay)... để từng bước đưa Bến Ngự-sông Chanh vào chương trình du lịch Quảng Yên. Sau một chặng rong ruổi trên sông nước, du khách có thể bước lên sàn các nhà bè nổi trên sông như “Nhà Bè Thu Vần” cạnh Bến Ngự thưởng thức các món ăn đặc sản của Quảng Yên! Hoặc lênh đênh đến các nhà đầm nuôi trồng thủy sản Đông Yên Hưng, đầm Nhà Mạc thưởng thức món tôm hấp, cua bể, món cá luộc, tôm bò ghém lá mui thật thú vị và thanh thản vô cùng! Với hơn 12 000 ha đầm bãi và rừng ngập mặn, du lịch sinh thái sẽ tạo nên không gian du lịch văn hóa góp phần thu hút các du khách trong và ngoài nước đến Quảng Yên, tạo thành điểm nhấn nối tiếp vào du lịch Hạ Long!.
20-12-2014 
DƯƠNG PHƯƠNG TOẠI
Theo http://newvietart.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...