Hồ Ba Bể - Pắc Bó
Sau một năm chuẩn bị và lên kế hoạch, 3 giờ sáng mùng 4 tết
Đinh Dậu (31/1/2015) chị em chúng có mặt đầy đủ tại Tân Sơn Nhất đáp chuyến
bay BL 790 cho chuyến hành trình du xuân đầu năm.
8 g sáng sân bay Nội Bài đón bước chân chúng tôi, thời tiết đẹp
nhiệt độ khoảng 18 độ C, đón đoàn chúng tôi là Điềm hướng dẫn viên du lịch và
Quân sẽ lái xe đưa chúng tôi đi suốt cuộc hành trình.
Theo dự kiến chúng tôi sẽ đi từ Đông Bắc qua Tây Bắc và điểm
cuối cùng đến viếng đền Hùng.
Chúng tôi ghé ngoại ô gần Nội Bài ăn sáng biết thêm chi tiết
nhỏ. Ở Hà Nội trong những ngày xuân nếu khách vào quán sẽ không phải trả theo
giá quy định mà chủ quán sẽ để một chiếc hộp mình muốn bỏ vào đó bao
nhiêu tùy ý (Đầu năm mới lại gặp phải lối gợi ý lịch sự như thế chắc không ai nở
chi trả thấp hơn mức thường ngày).
Hồ Ba Bể
Từ sân bay Nội Bài theo QL 3 cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến
Bắc Kạn khoảng 180km. Từ thành phố Bắc Kạn đi thêm 73km sẽ đến Hồ Ba Bể cũng là
điểm đến đầu tiên của chúng tôi.
Quán bên đường
Ba Bể là một hồ nước ngọt thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh
Bắc Kạn. Nó là một trong một trăm hồ nước ngọt lớn nhất thế giới *. Người dân địa
phương gọi Ba Bể là Slam Pé, nghĩa là ba hồ. Tên gọi này xuất phát từ việc hồ
là nơi hội tụ của 3 nhánh sông Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng.
Giá trị lớn nhất của Hồ Ba Bể là cảnh quan địa chất độc đáo
và đa dạng về sinh học. Đây là hồ nước ngọt thiên nhiên lớn nhất Việt Nam.
Năm 1995, Hồ Ba Bể đã được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới, tổ
chức tại Mỹ, công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần
được bảo vệ. Cuối năm 2004, Vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là Vườn di sản
ASEAN*.
Thong dong theo con thuyền lướt nhẹ trên sông Năng tĩnh lặng,
toàn cảnh hồ như bức tranh thủy mặc làm say lòng du khách thập phương. Mặc dù
đã tham khảo trước nhưng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng choáng ngợp trước phong cảnh
hữu tình. Dừng chân ngắm những hang động kỳ ảo với bao câu chuyện truyền thuyết,
thuyền đưa chúng tôi đến Thác Đầu Đẳng nơi đầu nguồn của dòng sông Năng. Văng vẵng
bên tai lời kể của người hướng dẫn về sự tích của Hồ Ba Bể, tôi như lạc vào chốn
bồng lai tiên cảnh, trong phút chốc tôi bổng thoáng cảm thấy mình hòa quyện với
quang cảnh chung quanh giúp tôi quên đi mọi ưu phiền lo toan của cuộc sống
khi đứng giữa lòng Hồ ngắm trời nước bao la. Sau đó ghé thăm Ao Tiên,
tương truyền đây là nơi các nàng Tiên trên trời hay tắm mỗi khi xuống hạ giới.
Cô lái đò trên sông Năng
Bước chân vui trên nẻo đường đất Bắc
Xuôi con thuyền ngắm trời nước bao la
Đưa hồn theo đàn chim nhỏ la đà
Nghe trong gió lời thì thầm dịu ngọt…
Mải mê ngắm cảnh quên cả chiều tà đang dần buông. Đành phải
chia tay thiên đường nơi hạ giới trong tiếc nuối.
Trước khi qua đêm tại nhà nghỉ Vườn Quốc gia Ba Bể; chúng tôi
giao lưu cùng những cô gái Tày xinh đẹp với cây đàn Tính trên tay và thưởng thức
điệu hát Then. Qua buổi giao lưu này tôi được mở rộng tầm hiểu biết về văn
hóa của những cư dân nơi đây, hát Then chỉ có ở 5 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng
Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang. Đây là một bộ môn nghệ thuật tổng hợp chứa nhiều yếu
tố ngữ văn như âm nhạc, mỹ thuật, múa, diễn xướng và có giá trị
về lịch sử, văn hóa, xã hội chứ không phải đơn thuần chỉ là giải trí.
Hát Then- đàn Tính gần như giống nhau về lối diễn tấu nhưng lời
có phần khác nhau để phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Đi cùng Tính tẩu
là hát Then (theo tiếng Tày có nghĩa là của, lối đi, lối hát) Then chỉ gồm có
vài điệu nên sự hấp dẫn lại thuộc về ca từ. Lời Then có đến 35 chương
đoạn khác nhau phụ thuộc vào người hát và mục đích, Then cổ còn kết hợp với
chùm nhạc xóc trong các nghi lễ lớn, đàn Tính và hát Then đã trở thành món
ăn tinh thần không thể thiếu là linh hồn trong đời sống văn hóa của bà con Tày,
Nùng, Thái.
Đêm đầu tiên giữa núi rừng Đông Bắc; điệu hát Then với cây
đàn Tính của những chàng trai cô gái Tày xinh xắn đã đưa tôi vào giấc ngủ êm đềm,
cho tôi bay cao bay xa…
Pắc Bó
Ngày 5 tháng giêng âm lịch (1/2/2017)
Giã từ Ba Bể trong sương mù giăng khắp lối chúng tôi lên xe
tiếp tục ngày thứ hai đến Cao Bằng đầy hứa hẹn vượt 129 km theo quốc lộ 3 qua
nhiều núi non hiểm trở.
Dọc theo quốc lộ tôi thấy hương vị Tết vẫn còn nguyên vẹn
qua màn sương mờ ảo, qua các cô gái chàng trai trong những bộ trang phục
sặc sỡ của đồng bào dân tộc đi chơi hội men theo những sườn đèo heo hút để đến
với lễ hội như níu giữ mùa xuân của đất trời.
Qua Đèo Gió mây giăng sương mờ đục
Em buông mình thong thả nhẹ bay cao.
Tiếp tục cuộc hành trình 11 giờ đến Cao Bằng theo dự tính sẽ
đến Thác Bản Giốc cách Cao Bằng 90 km đây là một trong những thác nước đẹp nhất
Việt Nam nằm ngay biên giới Việt Trung. Nhưng khi đến đèo Mã Phục đường đèo hẹp
quanh co khúc khuỷu (chỉ còn khoảng mươi km), phía trước lại có sự cố gây tắc
đường nên chúng tôi phải dừng lại chờ thông xe nhưng không thể chờ đợi lâu
chúng tôi quyết định đổi điểm đến thăm khu di tích lịch sử Pắc Bó.
Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng chỉ mới ngày thứ hai tôi và
các em đã mệt vì con đường quá gập ghềnh hiểm trở. Tôi phải cố gắng bình tĩnh để
động viên các em phải cố vượt qua để thử thách chính mình.
Dưới chân đèo Mã Phục
Di tích lịch sử Pắc Bó nằm trên địa bàn xã Trường Hà, huyện
Hà Quảng, cách trung tâm thành phố Cao Bằng 52 km về phía Bắc. Nơi đây vừa được
ngắm cảnh đẹp thơ mộng, tận hưởng không gian trong lành khoáng đạt nơi núi rừng
Việt Bắc vừa bước lần theo những con suối trong vắt, cùng các con dốc, vách đá
sừng sững đẹp như tranh vẽ để thấy mình như đã hóa thân lạc vào cõi thiên thai.
Cũng tại nơi đây tôi được đặt chân đến km số 0 của đường mòn
HCM trước khi về lại Cao Bằng nghỉ ngơi.
Chúng tôi không bỏ qua cơ hội cùng nhau dạo chơi chợ đêm vùng
cao phương Bắc để tìm cái cảm giác lành lạnh mà nơi thành phố tôi không bao giờ
có…
Sài Gòn ngày
9/2/2017
Bích Hà
Bích Hà
Du xuân ký sự (Phần 2)
Ngày mùng 6 tết (2/2/2017)
Sáng nay chúng tôi rời Cao Bằng đi Đồng Văn (Công viên địa chất
toàn cầu - Di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới) dự tính sẽ qua những nơi
Tĩnh Túc, Bảo Lạc, Mèo Vạc.
Cung đường Đông Bắc sang Tây Bắc của Việt Nam đang nổi lên là
điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Với những cảnh thiên nhiên
hoang sơ, những ngọn núi cao trùng trùng điệp điệp, những thung lũng xanh mướt,
những con đường quanh co hùng vĩ.
Từ Cao Bằng đến Đồng Văn dài 230 km theo QL 34 nhưng chỉ có
30 km đường bằng phẳng chúng tôi gọi đó là đoạn đường “khuyến mãi” còn tất cả đều
quanh co hiểm trở với những khung cảnh thiên nhiên đẹp đến nao lòng người khiến
ai đặt chân một lần là nhớ mãi không quên. Theo lời Điềm du khách thường ví von
đây là một trong những cung đường để chiêm ngưỡng thử sức và trải nghiệm.
Tại Tĩnh Túc (Cao Bằng) nơi đây có mỏ thiếc lớn nhất Việt Nam
vẫn đang hoạt động. Chúng tôi dừng ở chân đèo chụp vài tấm hình lưu niệm.
Trưa nay Bảo Lạc là thị trấn chúng tôi chọn để tiếp năng lượng
sau đó tiếp tục đến Đồng Văn.
Nhắc đến vùng núi Tây Bắc, không thể không nhắc tới 4 đường
đèo đã trở thành “huyền thoại” vì độ hiểm trở và phong cảnh hùng vĩ, được mệnh
danh là “Tứ đại đỉnh đèo” trứ danh của vùng núi phía Bắc gồm: Mã Pí
Lèng, Ô Quy Hồ, Khau Phạ, Pha Đin.
Đây là cung đường đẹp nhất với đèo Mã Pí Lèng, đường đèo
chênh vênh giữa lưng núi, đâu đó vẫn còn những bản làng nằm vắt vẻo trên cao,
thỉnh thoảng bắt gặp những cô gái chàng trai H’ Mông đi dọc theo đường đèo khiến
cho tôi liên tưởng đến bức tranh sống động. Những dãy núi đá tai mèo cao vút hiểm
trở như xé toạc bầu trời với đủ hình thù kỳ dị, chỗ thì dựng đứng, chỗ lại xô
nghiêng, chỗ xanh rì cỏ cây, nơi lại chỉ toàn một màu đá xám trần trụi. Ôi sao
đẹp và thơ mộng quá không bút mực nào có thể lột tả hết được cái đẹp tôi đang
diễm phúc chiêm ngưỡng….
Trên con đường hạnh phúc
Cung đường đèo hiểm trở này dài khoảng 20 km với đỉnh có độ
cao khoảng trên 2.000 m thuộc Cao nguyên Đồng Văn được công nhận là di
tích danh lam thắng cảnh quốc gia và cũng là khu vực di sản về địa chất.
Đèo nằm trên con đường mang tên Con Đường Hạnh Phúc nối liền
thành phố Hà Giang, thị trấn Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. Quanh những sườn núi
dấu chân người tạo nên những con đường mòn uốn lượn chạy xiên, con suối lại chảy
dọc khi thì như sợi chỉ mảnh, có đoạn như một tấm thổ cẩm hong khô dưới nắng một
màu trắng tinh khôi, nhà không chỉ khu trú trong bản mà còn nằm rải rác dọc các
sườn núi. Tôi không bao giờ hình dung ra mình có thể đến được đây để chiêm ngưỡng
núi non hùng vĩ và vượt qua những đoạn đèo khúc khuỷu như thế này. Trong khung
cảnh bao la của buổi xế chiều ấy qua những cánh rừng vách đá cheo leo, xa xa
làn khói gờn gợn bay lên, tạo cho tôi một cảnh chiều buồn da diết, một cảm giác
trào dâng như được hòa vào thiên nhiên, hòa vào sợi khói lam chiều đưa tôi về với
giấc mơ xưa với tuổi thơ nồng nàn.
Phía sau, khói lam nhẹ bay trong buổi chiều tà
Mã Pí Lèng được dịch theo nghĩa đen chỉ sống mũi con ngựa còn
theo nghĩa bóng tên gọi này chỉ sự nguy hiểm của đỉnh núi, nơi những con ngựa
leo lên dốc cao đến mức phải tắt thở. Vừa đến đỉnh đèo tôi như vỡ òa trong cảm
xúc, khó để nói hết cái cảm giác của tôi khi lần đầu được chiêm ngưỡng
choáng ngợp trước không gian sông núi hùng vĩ, ngắm nhìn dòng sông Nho Quế xanh
mướt uốn lượn quanh co như thân rồng uốn khúc ôm lấy chân núi không muốn chia
lìa, những đỉnh núi đá tai mèo cao vời vợi vươn tận mây xanh, xa xa kia là cao
nguyên đá Đồng Văn khiến những ai đến đây đều thấy như lạc vào tiên cảnh bồng
lai, ung dung tự tại giữa đất trời… Sung sướng đến ngất ngây tôi chiêm ngưỡng bức
tranh sơn thủy hữu tình trước mắt, một vẻ đẹp vừa dữ dội, vừa dịu dàng nên thơ
khiến cho những du khách như tôi mới đến đây lần đầu vừa dễ thấy bối rối sợ hãi
lại vừa yên bình đến kỳ lạ kích thích tôi cứ nhìn, ngắm mãi …
Em đi từng bước nở hoa
Bàn chân in dấu son ngà ngọc hương.
Mã Pí Lèng đỉnh mù sương
Vừng ơi cánh cửa thiên đường mở ra…
Em đem theo túi gang ba
Xin một chút lộc tinh hoa mang về
Đá núi đang ngủ say mê
Dòng sông Nho Quế thấp thoáng phía sau
Tôi đang nghe tiếng lòng tôi, tôi nghe đá gọi thì thầm bên
tai, nghe luôn cả dòng sông hát cho tôi bản tình ca đẹp nhất về
quê hương…
Và… tôi đã đem những nét đẹp, nét thơ, nét quyến rũ ấy trên suốt
chặng đường về; mang vào trong cả giấc mơ của đêm Đồng Văn để chuẩn bị cho cuộc
hành trình ngày mai…
Đêm Đồng Văn
Sài Gòn ngày 10/2/2017
Bích Hà
Du Xuân ký sự (Phần 3)
Cột cờ Lũng Cú - Dinh thự vua Mèo - Cổng trời Quản Bạ
Ngày thứ 4
Chinh phục đèo Mã Pí Lèng là một điểm khởi đầu cho chuyến đi
khá lý thú sau đó đặt chân vào cao nguyên đá nơi còn chứa đựng khá nhiều ẩn số.
Rồi từ đây tôi chuẩn bị đến cột cờ Lũng Cú và tiếp tục cuộc hành
trình thú vị khác nối dài…
Đêm Đồng Văn thật lạnh, nhiệt độ chênh lệch trên dưới 6 độ C.
Hôm nay chúng tôi phải di chuyển 200km đi theo QL 4C để đến những nơi chúng tôi
đã lên kế hoạch.
Buổi sáng tại Hoa Cương Hotel
– Lũng Cú.
Từ Đồng Văn đến Lũng Cú gần 20 km đường quanh co nhỏ hẹp với
vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ của nùi rừng Tây Bắc làm tôi
ngây ngất. Nơi đây có cao nguyên đá Đồng Văn mênh mông một màu trắng xám của đá
tai mèo.
Chúng tôi may mắn đến vào mùa xuân, mùa của lễ hội, mùa của
những đôi trai gái tâm tình gọi bạn qua tiếng đàn môi tiếng khèn của người H’
Mông say mê, quyến rũ. Chỉ cần 1 chiếc lá cây, cắt phần cuống, gấp đôi
theo sống lá là có 1 chiếc kèn đơn sơ. Phải chọn lá phù hợp, còn nguyên vẹn và
tươi tốt, kèn có âm thanh cao, vang xa.
Chúng tôi phải vượt qua chinh phục 389 bậc thang
đá, và hơn 140 bậc trong lòng cột cờ xoáy trôn ốc mới có thể đặt chân đến đỉnh nơi
dựng cột cờ.
Theo lời anh hướng dẫn cột cờ có lịch sử lâu đời, nó được xây
dựng từ thời Lý Thường Kiệt gần 1000 năm trước, trải qua nhiều lần phục dựng
trùng tu cột mốc vẫn không thay đổi vị trí cho đến hôm nay. Đây là điểm cực Bắc
của Việt Nam có độ cao trên 1500m.
– Dinh thự vua Mèo.
Rời Lũng Cú chúng tôi tiếp tục di chuyển 30 km theo TL 182B
tham quan dinh thự vua Mèo Vương Chính Đức.
Cung đường nhỏ đẹp và hiểm trở quanh co chỉ có xe dưới 29 chỗ
mới được lưu thông. Dưới mắt quan sát của tôi đây là cung đường đẹp nhất, quanh
co hiểm trở, cheo leo nhất trong những cung đường tôi đi qua.
Mùa xuân có lẽ là thời điểm hoàn hảo nhất vì những
sắc hoa đào, mận, cải… nở rực rỡ và ngập tràn nhựa sống trên nền núi đá
hùng vĩ của cao nguyên đá.
Ô kìa! Thật bất ngờ tôi bắt gặp một một khoảng trời rực rỡ
trong nắng với hoa cải vàng, hoa cải trắng xen lẫn với hoa cải tím đang nở rộ đẹp
lung linh bên vệ đường. Đá thì xám, vừa xấu xí lại xù xì, hoa cải mọc lên từ
đá. Hoa thì ít, đá thì nhiều, nhưng lạ thay, hoa cải và đá đều có những nét đẹp
quyến rũ làm nao lòng người nơi xứ sở chỉ có mây mù và sương giá.
Chúng tôi không thể bỏ lỡ cơ hội dừng xe chiêm ngưỡng thiên
đường nơi hạ giới trước khi tới dinh thự vua Mèo.
Giữa một vùng núi đá xám xịt, quanh năm khô hạn, mây mù phủ
kín là một công trình kiến trúc nguy nga theo lối cung điện, lâu đài, thành
quách của vương triều phong kiến. Đó là dinh thự của gia tộc họ Vương.
Vương Chính Đức (1865 - 1947) là người duy nhất được đồng bào
người H’ Mông nơi đây suy tôn là vua Mèo và chính thức cai quản 4 huyện Quản Bạ,
Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn.
Qua tìm hiểu tôi được biết thêm người H’ Mông theo chế độ phụ
hệ khác với đa phần các dân tộc khác. Ra đường đàn ông thường đi sau phụ nữ của
mình nhằm có ý bảo vệ và phụ nữ H’ Mông rất tôn trọng chồng. Nơi đây tôi được
nghe kể một câu chuyện cũng khá thú vị có lẽ các đức lang quân nên nghe.
Khi một người chồng quá chén. Nếu:
- Say nhưng còn biết: Để chồng nắm đuôi ngựa, vợ sẽ dắt ngựa.
- Say nhiều hơn: Nhờ người đỡ chồng nằm vắt ngang trên lưng ngựa
và người vợ sẽ dắt về.
- Say không còn biết trời trăng: Vợ sẽ là người ngồi tại chỗ cầm
ô che cho chồng đến khi chồng tỉnh rượu.
Các đức ông chồng thấy thế nào?
Thật tình cờ tôi gặp ngay cô gái H’ Mông Vương Thị Chờ cháu đời
thứ tư của vua Mèo.
Ngay từ cổng của tòa dinh thự, bằng một giọng Kinh lơ lớ, cô
gái ấy đã giới thiệu một cách tỉ mỉ xuất xứ của hàng sa mộc đứng uy nghiêm bảo
vệ tòa nhà, những hoa văn kỳ công được vua Mèo thuê chạm khắc và những phiến đá
lớn được đưa đến để xây dinh thự…
Số tiền cụ Vương Chính Đức thuê nhà thiết kế về đây mất rất
nhiều, 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương của Pháp, tương đương với 150 tỷ đồng
tiền Việt Nam lúc bấy giờ.
Làm cô gái bán bánh được
chế biến từ hoa Tam giác mạch.
chế biến từ hoa Tam giác mạch.
Ngày nay, khu dinh thự của vua Mèo Vương Chính Đức đã được
Nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, trở thành điểm đến
không thể bỏ qua đối với những du khách đặt chân đến cao nguyên đá Đồng Văn.
– Cổng trời Quản Bạ
Chúng tôi ăn trưa tại dinh thự, không quên mua thêm các loại
bánh được chế biến từ hoa tam giác mạch đặc sản của vùng đất Hà Giang.
Muốn lên cổng trời phải vượt qua những cung đường đèo khúc
khuỷu vắt ngang những ngọn núi đá tai mèo cao vút, một bên là vách núi dựng đứng,
một bên là vực sâu thăm thẳm, càng lên cao sương mù càng dày đặc. Qua những
khúc gấp khuỷu tay (miền trung gọi là quẹo dằng xay, miền Bắc gọi cua tay áo),
thỉnh thoảng lại bắt gặp những thân đào rêu mốc, xù xì, cành dày đặc nụ kiêu
hãnh bung nở giữa màu đá xám xịt và lạnh lẽo.
Và đây… trước mắt tôi Cổng trời Quản Bạ ngập chìm trong biển
mây mù, mưa phùn và sương núi chào đón bước chân chúng tôi…
Ghé thăm vườn mộng hoa vàng
Mượn chìa khóa cổng địa đàng dạo chơi
Ô che trắng giữa mù khơi
Hồng đào xuân điểm tô trời thiên thai.
Từ cổng trời nhìn lại phía sau; con đường uốn quanh và nhỏ
xíu như một sợi dây thừng, chẳng mấy chốc bị xóa nhòa bởi sương núi, tôi choáng
ngợp khi thấy mình như đang chìm trong một biển mây và nhỏ bé hẵn trong khung cảnh
ấy.
Mây giăng khắp lối, tôi đang đứng giữa biển mây bồng bềnh, cảm
giác như đang ở chốn bồng lai tiên cảnh, mọi lo âu mệt mỏi dường như tan biến.
Quản Bạ đúng là một bài thơ diệu vợi được ngân lên trên những
đỉnh núi cao; núi ủ trong mây mù, mây mù ôm cuốn lấy sông núi bản làng nguyên
sơ vời vợi những thành quách đá. Đá mọc thành nương, thành rẫy, đá chạy vào cả
sân nhà, gầm sàn, chạy vào cả trong giấc ngủ chập chờn mộng mị của đồng bào dân
tộc.
Mùa xuân ở đây dường như giá buốt hơn, cái lạnh đủ sức len lỏi
qua lớp áo khoác để lần vào da thịt.
Đứng từ cổng trời Quản Bạ, nơi có độ cao hơn 1.500m, tôi cứ
ngỡ như tay mình đã chạm vào mây trắng, nhìn về bốn phía chỉ thấy một màu xám lạnh
đá tai mèo. Đá hiện hữu khắp nơi, song hành cùng đời sống con người, những bản
làng như nhỏ trong tầm ngắm. Cảm giác thật phiêu lãng… hít hà thật thoải mái
khí trời vào lồng ngực, dang rộng vòng tay thấy lòng mình lâng lâng nhẹ hẳn…
Khi còn bé đọc những mẫu chuyện người dân tộc sử dụng “lá
ngón” tôi cứ ngỡ là chuyện hoang đường nhưng hôm nay tôi đã tận mắt nhìn thấy
những chiếc lá ngón chết người nơi vùng đất sương mù gió núi này.
Tạm biệt Cổng trời trong đằm thắm sắc màu thổ cẩm
quấn quýt men nồng rượu ngô bên quán nhỏ hiếu khách trên đỉnh núi. Tôi chợt lắng
lòng khi bắt gặp những vườn mận, vườn đào nhiều nụ hoa đã bung cánh tự bao giờ.
Bên hiên nhà đơn sơ, những sắc hoa đong đưa trong khói lam chiều… Mùa xuân trên
cổng trời đã thấm đẫm trong tôi… Mải mê ngắm nhìn bức tranh miền sơn cước trời
dần sập tối lúc nào chúng tôi chẳng hay.
Sương mù dày đặc, thoáng chốc đã chẳng còn thấy thung lũng
xinh đẹp, chẳng còn thấy những dãy núi cao ngang lưng trời và cũng chẳng còn thấy
đường đi trước mắt mình.
6 giờ chiều chúng tôi đã về đến thị trấn Yên Minh tỉnh Hà
Giang.
Sài Gòn 20/2/2017
Bích Hà
Du Xuân ký sự (Phần 4)
Yên Minh đi SaPa
Ngày thứ 5.
Thế là chúng tôi đã vượt qua nửa chặng đường với nhiều cung bậc
cảm xúc khác nhau. Hôm qua nghe dự báo thời tiết SaPa nhiệt độ xuống 2 độ C,
trên đỉnh Fansipan có mưa đá tôi thoáng chút lo lắng nhưng sáng nay may mắn trời
lại rất đẹp tuy lạnh nhưng vẫn có nắng vàng.
Một góc thị trấn Yên Minh nhìn từ trên cao
Đi dọc theo dòng sông hào hùng của thi ca tôi bất chợt có sự
liên tưởng và nhớ đến cố nhạc sĩ Văn Cao với Trường ca sông
Lô – tiếng hát mảnh dẻ trong vắt của ca sĩ Ánh Tuyết âm vang như có như
không trong tâm thức đưa tôi về với những tháng năm 1947, có điều gì đó thôi
thúc khiến tôi lẩm nhẩm hát theo:
“Sông Lô sóng ngàn
Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u….
Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước sông Lô xưa….
Trên dòng sông trở về đoàn người reo mừng vui
trên sóng nước biếc trôi đầy sông
Bao đám xác thù
Dân hân hoan nghe sóng réo vi vu xa xa
đường ngập người vang gió lá vi vu hiền hòa….”
… Dòng sông Lô trôi, dòng sông Lô trôi
mùa xuân tới nước băng qua ngàn
nước in ven bờ xanh ôm bóng tre, dòng sông Lô trôi”
Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u….
Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước sông Lô xưa….
Trên dòng sông trở về đoàn người reo mừng vui
trên sóng nước biếc trôi đầy sông
Bao đám xác thù
Dân hân hoan nghe sóng réo vi vu xa xa
đường ngập người vang gió lá vi vu hiền hòa….”
… Dòng sông Lô trôi, dòng sông Lô trôi
mùa xuân tới nước băng qua ngàn
nước in ven bờ xanh ôm bóng tre, dòng sông Lô trôi”
Sông Lô đoạn ở Yên Minh (Hà Giang)
Ca từ trong bài bình dân mộc mạc nhưng cũng đủ để mô tả về
tính cách và chiến tích của dòng sông. Từ hình hài trong cảnh thanh bình đến
lúc dậy sóng khi giặc tràn qua, từ cảnh dân chài bình thản ngược xuôi đến hình ảnh
oai hùng của đoàn quân chiến thắng trở về. Bàn tay tài hoa của một nhạc sĩ bậc
thầy đã dùng giai điệu, tiết tấu, cung bậc bổng trầm như tung một tấm lưới của
ngư dân sông Lô bao trùm lên tất cả nâng bài ca lên tầm hùng ca bất hủ. Với mức
cảm thụ như thế tôi cho là đủ. Nhưng không! Khi đến đây, đúng là chỉ khi đến được
nơi đây mới biết sự cảm thụ âm nhạc từng có trước đây của tôi bị đập vỡ vụn ra
chỉ còn lại cốt lỏi để thẩm thấu sâu và nhiều hơn về sông Lô và cả Vãn Cao nữa.
Sông Lô sâu rộng nhưng không kiêu kỳ, hiền hòa mà dữ dội, trầm lắng thiết tha
nhưng sẵn sàng cuộn chảy, hung hãn khi cần thiết nhưng không hiểm độc và trên tất
cả sông Lô vẫn luôn chịu thương chịu khó uốn mình lững lờ êm trôi về xuôi đem
nguồn sống đến cho muôn loài, khẳng định vị thế và sứ mạng chính thức của mình.
Sông Lô đã biến hình hài diễm tuyệt đầy sức sống thành tranh chồng lấp lên nhạc
của Văn Cao, hay ngọn bút thần của Văn Cao đã dùng nhạc vẽ lên bức tranh sống động
ấy cho đời?
Ngay trong khoảnh khắc nầy một ý tưởng huyền hoặc chợt hình
thành, chẳng hiểu tại sao tôi lại cảm nhận sông Lô là con Người bằng xương bằng
thịt…
Dòng Lô ơi! Tôi đã đến đây, đã được ngắm nhìn dòng sông thanh
bình bất tử gắn liền với lịch sử oai hùng chống giặc Pháp. Trước mắt tôi dòng
sông Lô trở nên hùng vĩ bao la tràn trề sức sống…Tôi yêu đất nước tôi, yêu con
người hiền hòa chân lấm tay bùn…
Từ giã Hà Giang với đại đa số người dân tộc Tày, H’ Mông, một
số ít dân tộc Pà Thèn, từ giã vùng đất khô cằn nằm trong danh sách những tỉnh
nghèo của đất nước. Nhưng những hình ảnh mù sương mờ ảo bên sườn núi, trên những
cao nguyên đá hòa quyện sắc hồng tím của hoa tam giác mạch, hay sắc màu hoa cải,
ruộng bậc thang…tất cả đều vẽ nên một bức tranh Hà Giang mê hoặc tôi và tôi sẽ
khắc sâu kỷ niệm này mãi mãi trong tim.
Để về Lào Cai chúng tôi phải di chuyển khoảng 330 km trong đó
có 23 km đường xấu phải đi trong hơn 3 tiếng. Theo như lời anh hướng dẫn đoạn
đường này khởi công xây dựng đã hơn 15 năm nhưng đến bây giờ vẫn chưa hoàn
thành, vật liệu tu sửa vẫn ngổn ngang bên vệ đường nay đang mục nát. Không thể
tưởng tượng tới thế kỷ thứ 21 này mà vẫn còn đó những đoạn đường với những ổ gà,
ổ voi mà tôi đã từng đi qua vào những thập niên 75-80. Chị em tôi đùa với nhau:
- Sao không có cảnh sát giao thông đến đây để bắn tốc độ tối
thiểu nhỉ?
Qua khỏi “đoạn đường đau khổ” chúng tôi mệt nhoài phải tạm dừng
chân bên thị trấn Yên Bình khá đẹp và thơ mộng. Giống như tên gọi thị trấn khi
tôi đến không một bóng người, tôi hỏi thăm một số cư dân ở đây họ cho tôi biết
thị trấn này dân cư thưa thớt nhưng cơ quan nhà nước mới xây dựng tu bổ nên
khang trang, đường xá rộng rãi.
Thị trấn Yên Bình
Vừa qua tới ranh giới tỉnh Lào Cai tuy đường vẫn quanh co
nhưng dễ đi, đó cũng là một tín hiệu tốt báo cho tôi biết sắp đến vùng đất trù
phú hơn.
Sau khi nghỉ trưa chúng tôi đến viếng đền Thượng nơi thờ Quốc
Công Tiết Chế Đức Trần Hưng Đạo gần cửa khẩu Lào Cai.
Cũng cần nói thêm một chút về nơi này.
Đền Thượng được xây dựng vào thời Lê, niên hiệu Chính
Hòa (1680 – 1705) thuộc phường Lào Cai, thành phố Lào Cai nơi hợp lưu giữa
sông Nậm Thi và sông Hồng chảy vào đất Việt. Đền được lập để thờ Đức Thánh Trần
(Trần Hưng Đạo), người đã có công ba lần đánh thắng quân Nguyên. Tưởng thưởng
cho công lao của Trần Hưng Đạo, triều đình đã phong cho “Ngài” tước danh cao nhất:
“Đại Vương”, còn nhân dân ta phong cho “Ngài” là “Đức Thánh Trần”. (*)
Di tích lịch sử văn hoá Đền Thượng gắn liền với cảnh quan thiên nhiên nơi địa đầu Tổ quốc. Không chỉ có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng mà còn có ý nghĩa là cột mốc về văn hoá, lịch sử dân tộc, khẳng định lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của Việt Nam ở biên giới.
Di tích lịch sử văn hoá Đền Thượng gắn liền với cảnh quan thiên nhiên nơi địa đầu Tổ quốc. Không chỉ có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng mà còn có ý nghĩa là cột mốc về văn hoá, lịch sử dân tộc, khẳng định lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của Việt Nam ở biên giới.
Vùng đất linh thiêng nơi địa đầu Tổ quốc này mỗi năm đón hàng
vạn lượt du khách thăm viếng tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc. Ngay khi bước chân
vào cổng đền, tôi đã được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây đa cổ thụ 300 năm tuổi
đang vươn cành uy nghi. Đây là cây cổ thụ đầu tiên của tỉnh Lào Cai được Hội Bảo
vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là “Cây di sản Việt Nam” và là
cây thứ 155 trong cả nước được công nhận. Dưới gốc cây nhân dân đã lập miếu thờ
“Bà Chúa Thượng Ngàn” để ghi nhớ công ơn Bà. (*)
Miếu thờ Bà Chúa dưới gốc cây đa cổ thụ
Chúng tôi rời đền Thượng tham quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai
nơi phân ranh giới VN-TQ bởi sông Nậm Thi, bên kia là Hà Khẩu nối liền bởi chiếc
cầu tên gọi Hồ kiều, sau đó ghé đền Mẫu ở ngay gần đó.
Sông Nậm Thi phân chia biên giới Việt-Trung
Đền Mẫu Lào Cai được xây dựng từ thế kỷ 18. Vị thần
được thờ chính ở đây là Liễu Hạnh công chúa. Ban đầu, đền chỉ là một miếu
nhỏ bên bờ sông Nậm Thi; qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, ngôi đền nay đã
khang trang với 9 gian thờ.
Dưới các triều đại vua chúa, ngôi đền đã được ban sắc
phong ba lần. Năm 2011 đã được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc
gia.
Đền Mẫu Lào Cai
Từ giã nơi đây chúng tôi tiếp tục hành trình đến SaPa.
Thị trấn SaPa thuộc tỉnh Lào Cai, có địa hình cao 1600
mét so với mực nước biển. Khí trời mát mẻ của vùng núi cọng với cảnh đẹp hoang
sơ chính là những yếu tố giúp SaPa trở thành một khu nghỉ mát nổi tiếng ở miền
Bắc Việt Nam. Tại đây có thể chinh phục đỉnh Fansipan nằm trong dãy Hoàng
Liên Sơn, ngắm vườn hoa Hàm Rồng, khám phá thung lũng Mường Hoa, Thác Bạc, Thác
Tình Yêu, Bản Hồ, Chợ phiên SaPa, Bản Cát Cát, Bản Tả Van…
SaPa được mọi người yêu mến gọi bằng cái tên Thành Phố trong
sương; đến đây mỗi người đều mang trong mình những cảm nhận khác nhau
nhưng tựu trung vẫn là: SaPa mờ sương, SaPa một ngày có bốn mùa, SaPa vương quốc
của các loài hoa, SaPa thị trấn bình yên…
Cảnh sắc thiên nhiên của SaPa ban ngày đã bồng bềnh kỳ diệu
đêm đến lại càng trở nên lung linh huyền ảo. Những làn sương trắng theo gió phủ
đầy những nóc nhà, con phố, lùm cây, lối đi…
Chị em chúng tôi thong thả bước dạo bên hè phố theo những con
dốc thoai thoải, trên những con đường cắt ngang xẻ dọc nhỏ nhắn dưới ánh sáng của
những ngọn đèn đường. Đây không phải lần đầu tôi đến nhưng cái cảm giác khoan
khoái trong trẻo dễ chịu vẫn hiện hữu trong tôi.
Gió thổi, mây bay, sương phảng phất … Màn sương tỏa ra dịu
dàng xua tan màn đêm thăm thẳm phả vào mặt cái se lạnh man mác. Gió lùa trong
áo khoác len lỏi vào da thịt như vừa lấy chiếc khăn lạnh xoa nhẹ lên má, lên
môi ướt mọng.
Dạo phố đêm SaPa
Nhà thờ đá SaPa tọa lạc ngay ở trung tâm thị trấn được xây dựng
từ năm 1895 được coi là một dấu ấn kiến trúc cổ của người Pháp còn sót lại. Nhà
thờ được tôn tạo và bảo tồn đã trở thành một hình ảnh không thể thiếu khi nhắc
đến SaPa.
Nhà thờ đá SaPa
Quang cảnh trước nhà thờ đá
Đứng nơi này tôi như đang bồng bềnh giữa sương bay, chơi vơi
theo tiếng thì thầm của gió. Mắt như nhìn thấy và tai nghe văng vẳng tiếng trống,
tiếng hát của những chàng trai cô gái H’ Mông, Dao… trong những màu áo rực rỡ,
họ lặng thầm bên nhau trao cho nhau ánh mắt nụ cười trong tiếng đàn dìu dặt…
thao thức thâu đêm trăn trở câu chuyện tình còn dang dở…
Đến SaPa đừng quên thưởng thức những món ăn trứ danh như: lợn
cắp nách, gà đen, thắng cố, cá hồi nước ngọt, cá tầm, các loại rau xanh….bên
chén rượu sán lùng, rượu táo mèo….
Nếu thích đồ nướng; còn gì tuyệt vời hơn khi buổi tối khoác
chiếc áo dày ngồi quây quần bên bạn bè, anh chị em… ở những dãy quán ven đường,
tự tay lựa chọn những xiên thịt nóng hổi, bánh tráng nướng, bắp nướng, trứng nướng,
rau củ nướng hoặc có thể thưởng thức món cơm lam… Có lẽ một khi đã nói thì phải
nói cho thật lòng; ở nơi đây tiết trời lạnh giá cọng với những ngày đi mệt mỏi
rã rời nên chúng tôi nhanh đói. Ngay từ ngoài đường các phân tử mùi đã mê hoặc
và làm khổ cái mũi của chị em chúng tôi, chẳng hiểu đây có phải là cách tiếp thị
khéo léo mà hiệu quả của các chủ hàng quán hay chỉ là thói tự do vô tổ chức của
“mùi thập cẩm”? Nhưng dù sao chăng nữa vẫn vui vì trong suốt chuyến đi xin cam
đoan đây là thứ duy nhất được miễn phí hoàn toàn. Hoặc cũng có thể ghé vào quán
cà phê nào đó nhâm nhi những giọt đắng bốc hơi ngắm nhìn thiên hạ dạo phố. Ôi!
Thiên đường ẩm thực là đây chứ đâu xa.
Bên quán cà
phê
Nếu đã một lần đến SaPa chắc hẳn khó lòng quên được cảm giác
ngắm cảnh về đêm, một vẻ đẹp đến nao lòng khiến tôi xa rời trong luyến tiếc và
thầm nhắn nhủ:
- SaPa ơi! Em hãy cứ trầm mặc như thế để chờ đợi tôi thêm lần
nữa.
Càng về khuya “thị trấn trong mây” lại càng giá lạnh và đẹp
như nàng tiên còn ngái ngủ. Nhưng dù có muốn chăng nữa chúng tôi cũng phải quay
về nghỉ ngơi để chuẩn bị cho ngày mai: Chinh phục Nóc nhà Đông Dương và thăm bản
Tả Van.
Sài Gòn ngày 5/3/2017
Bích Hà
Du Xuân ký sự (Phần 5)
Đỉnh Fansipan - Bản Tả Van
Sau một đêm ngon giấc, thức dậy thật sảng khoái, tôi tiếp tục
cuộc hành trình đang chờ phía trước.
Đã có nhiều chuyến du lịch đó đây, nhưng điểm đến hôm nay tôi
cảm thấy nôn nao muốn được mau tới đó.
Sáng nay thời tiết đã khá hơn, mọi thứ vật dụng mang theo gọn
nhẹ đã chuẩn bị đầy đủ như những lần trước, tôi thấy trong người như được tiếp
thêm nguồn năng lượng mới khi mặt trời bắt đầu ló dạng sau màn sương. Từ vị trí
đang đứng phóng tầm mắt nhìn phía xa kia, đỉnh Fansipan ẩn hiện sau màn sương mờ
lấp lánh bởi những tia nắng mai.
Phía sau: Dãy Hoàng Liên Sơn với đỉnh
Fansipan ẩn hiện lấp
lánh dưới tia nắng mai
Đỉnh Fansipan
Lướt qua những rừng cây còn ướt đẫm, những thung lũng đẹp như
mơ với ruộng bậc thang dọc ngang triền núi được bao phủ bởi mây mù…Chỉ sau 20
phút, đường đến cáp treo với dãy hoa đào đã hiện ra trước mặt.
Có lẽ từ lâu mỗi khi nhắc đến Fansipan ngọn núi cao nhất Việt
Nam cao nhất Đông Dương trong dãy Hoàng Liên Sơn mọi người tất thảy đều thở dài
ngao ngán. Bởi để chinh phục được “Nóc nhà Đông Dương” tính từ đầu năm 2016 trở
về trước, chỉ có con đường duy nhất là men theo dốc núi phải mất từ 2 đến 3
ngày nhưng bây giờ có thể rút ngắn thời gian xuống còn 20’.
Giá cáp treo không rẻ, 600.000 đồng cho một lượt đi về nhưng
dòng người xếp hàng mua vé lúc nào cũng chật ních. Với những ai từng có ý định
chinh phục nhưng không đủ sức khỏe như tôi thì đây là một cơ hội không thể bỏ lỡ.
Vào những ngày đầu năm cho nên lượng khách du lịch khá đông
và để đáp ứng nhu cầu; ngay tại ga đi của “Khu du lịch Fansipan Legend” đã tổ
chức Lễ hội khèn, hoa để thêm hương vị Tây Bắc đậm đà cho du khách.
Đường vào đi cáp treo
Cáp treo lên đỉnh là loại cáp treo ba dây tới thời điểm này
được công nhận hiện đại nhất thế giới, lập hai kỷ lục Guinness: Cáp treo ba dây
có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới (1.410 mét) và dài nhất thế
giới (hơn 6.292 mét). (*)
Từ trên cáp treo thung lũng Mường Hoa trong thời tiết ấm áp
có nắng nhẹ đang ẩn hiện dưới góc nhìn của tôi với phong cảnh núi non kỳ vĩ. Tôi
như thấy cả một mùa xuân trên những cánh rừng xanh thẫm, lộc non vừa mới nhú
trên những cành khô như gom cả đất trời mùa xuân Tây Bắc…
Ảnh chụp từ trong cáp treo
Bước ra khỏi cabin gió lạnh lùa vào mang theo không khí loãng
vì độ cao tôi phải vận động hít thở cho quen dần. Sau đó mới nhìn bao quát ghi
lại những khoảnh khắc tuyệt vời với cảm giác như được chạm tay đến những dãy
núi xa xa và đám mây bồng bềnh ngay trước mặt…
Nhà ga ở đây được xây dựng rất đẹp và chu đáo; có những khu vực
rộng để du khách nghỉ ngơi ngắm cảnh, cantin khá nhiều đồ ăn thức uống, ngoài
ra còn có một ngôi chùa để có thể vào chiêm bái nguyện cầu…
Bên phải là ngôi chùa ở cáp treo đến.
Phía sau: Những bậc thang đi tiếp lên đỉnh.
Từ ga đến, phải chinh phục thêm 600 bậc thang nữa mới tới đỉnh
Nóc nhà Đông Dương. Dù quãng đường không dài nhưng trong thời tiết giá lạnh và
không khí loãng cho nên tôi hơi lưỡng lự. Quan sát những bậc thang đá dựng đứng,
tầm bước chân quá cao và để bảo vệ sức khỏe tôi mua vé xe lửa đi tiếp trong khi
các em tôi quyết định leo. Tôi choáng ngợp và hơi có phần hoảng sợ vì có những
lúc xe lửa di chuyển gần như theo phương thẳng đứng.
Cuối cùng Nóc nhà Đông Dương đã hiện ta trước mắt. Không thể
diễn tả được cái cảm giác sung sướng của tôi lúc này.
Đây rồi đỉnh Fansipan
Độ cao chinh phục ba ngàn mét dư
Thỏa lòng một chuyến viễn du
Ước mơ ngày ấy bây chừ … chạm tay
Tôi vẫn nhớ khi còn học lớp nhất qua môn địa lý nói về đỉnh
Fansipan tôi có ước mơ không biết bao giờ mình đến được đỉnh núi này. Năm 2015
sau một chuyến đi SaPa trước lúc giã từ tôi đã ngước nhìn đỉnh núi trong tiếc
nuối vì nghĩ rằng sẽ không bao giờ mình có thể đặt chân đến, nhưng sau hơn nửa
thế kỷ giấc mơ ngày nào đã biến thành hiện thực.
Hôm nay may mắn cho chúng tôi thời tiết khá lý tưởng có nắng
nhiệt độ khoảng 8 độ C (chênh lệch ở đây thấp hơn SaPa 9 độ C), tôi có thể thấy
rõ những dãy núi nhấp nhô trong làn mây trắng. Một cơn gió lạnh thổi qua tay
tôi lạnh cóng nhưng cũng không dừng được sự phấn khích cầm máy ảnh đi khắp các
góc để ghi lại những hình ảnh đẹp nhất.
Bao nhiêu mệt mỏi bị cuốn sạch chỉ còn lại niềm hân hoan giữa
đất trời bao la lộng gió, bầu trời cũng trở nên gần hơn. Tôi thấy mình quá nhỏ
bé nhưng cảm giác lâng lâng với niềm phấn khích, tự hào vì tôi đã ghi tên mình
trên “Nóc nhà Đông Dương”.
Ai đã lên đến đây cũng muốn một lần chạm tay vào cột mốc đánh
dấu 3143m, thế nhưng tình trạng đông đúc cũng hơi khó khăn. Tôi nãy ra ý định
và vội thực hiện ngay:
- Các cháu ơi! Cô là người từ miền Nam ra, ước mơ của cô là có
ngày được chạm tay vào cột mốc, các cháu có thể giúp cô thực hiện được không?
Thật bất ngờ các cháu không những nhanh chân nhường bước mà
còn nói thêm.
Cám ơn các cháu đã giúp tôi thực hiện điều ước muốn.
Từ đỉnh nhìn xuống chỉ thấy một màu trắng của mây mù dày đặc
che chắn vực thẳm. Nhưng mỗi khi mây lững lờ trôi ngang, những tia nắng mặt trời
đan xen để lộ những đỉnh núi nối tiếp nhau, cảnh vật vừa hùng vĩ vừa thanh bình
cảm giác thật hạnh phúc tuyệt vời đến vô tận. Mọi người ai nấy đều tranh thủ chụp
cho mình những tấm ảnh, ghi lại khoảnh khắc có thể gọi là hiếm hoi trong đời.
Tôi không hề bỏ lỡ cơ hội đã chuẩn bị từ trước sẽ cất giấu một
kỷ vật bé nhỏ. Kỷ vật như một lời hẹn ước với hy vọng một ngày không xa có điều
kiện nhất định tôi sẽ đến đây một lần nữa. Nếu được nhìn lại kỷ vật mình đã cất
giấu thì tôi sẽ hạnh phúc biết dường nào!!! Đúng không các bạn?
Phải gần 30’ sau các em tôi mới lên tới mệt nhoài nói qua hơi
thở ngắt quãng:
- Biết thế chúng em lên xe lửa cùng chị để có nhiều thời gian
ngắm cảnh và đỡ mất sức hơn.
Đất nước mình sao đẹp quá! Hùng vĩ quá! Tôi thấy tự hào, hiểu
và yêu đất nước mình hơn.
Đã trưa cũng phải chia tay Nóc nhà Đông Dương trong tiếc nuối.
Chị em chúng tôi không ai bảo ai cùng thốt lên:
- Hôm nay là ngày tuyệt vời hạnh phúc nhất của chị em chúng
mình trong suốt cuộc hành trình đã trải qua.
Về lại SaPa nghỉ ngơi, chúng tôi theo lịch trình tham quan bản
Tả Van chiều nay.
Bản Tả Van
Bỏ lại sau lưng thị trấn SaPa men theo quốc lộ 4D về hướng
Đông Nam cách SaPa khoảng 8 km để tìm đến bản Tả Van của người Giáy một nơi yên
bình chỉ có nắng gió, ruộng nương và núi đồi.
Trên cung đường quanh co uốn lượn những thửa ruộng bậc thang
bát ngát tựa bên những sườn núi trùng trùng điệp điệp. Trước cảnh sắc thơ như
thế chúng tôi không thể cưỡng lại phải dừng bên đường để chiêm ngưỡng và tranh
thủ lưu giữ cảnh núi non hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc. Dù chưa thỏa mãn nhưng
thời gian có hạn chúng tôi phải tranh thủ đi tiếp để vào bản cho kịp lịch
trình.
Tiếp tục rong ruổi trên con đường dốc xuống tận chân núi
Hoàng Liên Sơn sẽ thấy thung lũng Mường Hoa. Tại đây, hướng tầm mắt ra phía xa
xa thấp thoáng chiếc cầu vắt vẻo bắc qua suối Mường Hoa đó là đường vào bản Tả
Van với hai bên cầu là những bụi lau sậy, hoa đỗ quyên… đang đong đưa trong gió
chiều.
Ghé qua thăm bản Tả Van
Làm cô sơn nữ…ruộng vàng bậc thang.
Đùa vui cất tiếng hát vang
Bên con suối nhỏ mênh mang mây trời.
Chúng tôi đi vào bản bằng con đường đất nhỏ hẹp với hàng tre
xanh mướt, xa xa kia ruộng bậc thang với mạ non lưa thưa mới cấy….Người dân nơi
đây hiền hòa thật thà dễ mến dắt chúng tôi qua những nơi gập ghềnh khó bước.
Trong khung cảnh thiên nhiên đó trước mắt tôi là bãi đá tuyệt
đẹp tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim rừng đang gọi bạn, tìm nhau…Chúng tôi
không chậm trễ cởi vội giày chạy ngay xuống dòng nước mát để tận hưởng cảm giác
hiếm hoi của dân thị thành. Thật sảng khoái trước phong cảnh hữu tình bên dòng
suối đẹp như trong mơ, một sự kết hợp hài hòa tuyệt diệu giữa suối và đá. Có suối
đá mới được tẩy trần và nổi bật lên giữa cảnh hoang vu rừng núi, có đá suối mới
được cất lên tiếng hát reo vui. Cả hai như có đời sống riêng tồn tại cùng thiên
nhiên một cách hoàn hảo mặc cho con nước của suối có vơi đầy theo từng cơn mưa
nắng đá vẫn ngàn năm yên lặng cúi nhìn.
Bước chân lần theo những tảng đá dù nhẹ nhàng nhưng vẫn làm
kinh động đàn cá nhỏ đang tung tăng bơi lội khiến chúng giật mình quay ngược hướng
bơi loạn xạ lúc hợp lúc tan nhịp nhàng rồi cùng quẩy đuôi về hướng mà chỉ chúng
mới biết.
- Xin lỗi cá! Ta chỉ mượn suối một lát thôi, không có ý làm
phiền cá nhiều đâu. Cứ yên tâm vui đùa cùng nhau và đừng buồn chị em ta cá nhé!
Có lẽ đã khá quen thuộc với việc du khách đến thăm nên mọi
sinh hoạt của người dân bản vẫn diễn ra bình thường. Những ánh mắt nụ cười thân
thiện mang chút rụt rè đã giúp tôi dễ dàng hòa nhập với mọi người trong bản.
Bản Tả Van phía sau
Trước lúc giã từ chúng tôi không quên gởi lời chào thân ái đến
tất cả bà con miền núi mộc mạc như vẻ bình dị của ngôi làng.
Sài Gòn 12/3/2017
Bích Hà
Du Xuân ký sự (Phần 6)
Thác Bạc - Đèo Ô Quy Hồ - Mù Cang Chải - Đèo Khau Phạ - Tú Lệ
Cuộc hành trình của chúng tôi sắp sửa đi đến chặng cuối. Hôm
nay sẽ là một ngày rong ruổi dài hơn so với những ngày qua. Có lẽ khi đã có quyết
tâm cao thì những chướng ngại thác ghềnh sẽ không còn là điều đáng ngại.
- Thác Bạc
8 giờ sáng sương mù vẫn còn dày đặc khắp nơi nhiệt độ xuống
thấp 5 độ C, chúng tôi xuôi về Lai Châu, Yên Bái đi qua Thác Bạc với đồi núi chập
chùng mây vương đỉnh núi những hạt sương li ti vờn bay trước mặt như muốn đùa
giỡn với tôi.
Thác Bạc có độ cao hơn 200 mét là thượng nguồn của
dòng suối Mường Hoa nằm dưới chân đèo Ô Quy Hồ. Đứng dưới
chân Thác Bạc sẽ nhìn thấy một thác nước như mái tóc dài của cô gái lấp
lánh ánh bạc lung linh sống động; khi tiếp xúc với những ghềnh đá bên dưới sự
va dập đột ngột biến dòng nước thành bọt tung tóe trắng xoá vung vãi tứ phía tạo
nên sự hỗn độn kèm theo âm thanh gầm gào của núi rừng đầy chất hoang sơ; vì vậy
người dân mới đặt tên là Thác Bạc, cái tên nghe thật ấn tượng.
Ngắm nhìn đất trời bao la với những rặng núi xa xa, tôi có cảm
giác mình thật nhỏ bé trước sự kỳ vĩ của thiên nhiên.
Để lên Thác Bạc có hai đường tách biệt, đường lên ở phía bên
phải đường xuống phía bên trái được nối bởi chiếc cầu Mây thơ mộng lơ lửng giữa
không trung.
Sau gần nửa giờ leo lên những đoạn đường quanh co uốn lượn;
thở cùng gió núi, nghe văng vẳng tiếng chim hót líu lo gọi bạn. Đứng trên chiếc
cầu Mây soi mình dưới dòng suối mát trong lòng thấy như được gột rửa mọi lo
toan của cuộc sống hoặc trò chuyện thư giãn dưới những bóng cây rừng xanh mơn mởn,
để mọi phiền não như trôi theo dòng thác khiến cho tôi có cái cảm giác
lâng lâng thoát tục.
Khi đã lưu giữ bên thác những khuôn hình làm kỷ niệm chúng
tôi đi dần xuống chân thác thưởng thức những sản vật của SaPa như: Chim rừng,
trứng, thịt lợn bản…. để nạp năng lượng và tiếp tục cuộc hành trình đến với đèo
Ô Quy Hồ, một con đèo cao nhất Việt Nam.
- Đèo Ô Quy Hồ
Tên gọi Ô Quy Hồ bắt nguồn từ tiếng kêu da diết của một loài
chim gắn liền với câu chuyện tình yêu không thành của đôi trai gái. Đèo nằm
ngay phía sau đỉnh Fansipan, cách dòng Thác Bạc khoảng 10 – 12 km là con đèo được
mệnh danh: một trong số những cung đường đèo dài, hiểm trở và hùng vĩ vào bậc
nhất ở miền núi phía Bắc Việt Nam, nằm trên tuyến quốc lộ 4D cắt ngang dãy
Hoàng Liên Sơn đèo nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, đỉnh đèo cũng chính
là ranh giới giữa hai tỉnh.
Với chiều dài lên đến 50km dài hơn cả đèo Pha Đin (dài 32km)
hay đèo Khau Phạ (gần 40km). Với độ cao trên 2000m, uốn lượn quanh co qua những
vách núi cao ngút trời và vực sâu thăm thẳm sự hiểm trở khiến người ta vừa ngưỡng
mộ vừa sợ hãi. Bởi thế nó được mọi người xưng tụng là “vua đèo vùng Tây Bắc”.
Tuy nhiên, nếu vượt qua nỗi sợ hãi và đến được đỉnh đèo hùng vĩ sẽ có cơ hội
thu gọn vào tầm nhìn cảnh sắc thiên nhiên của đại ngàn mênh mông với khí hậu
trong lành với trời mây bồng bềnh như cõi thần tiên.
Trên đỉnh Ô Quy Hồ
Đổ đèo chúng tôi đi ngược về Yên Bái địa hình núi non gần giống
đèo Hải Vân tương đối dễ đi hơn. Đã thấy thấp thoáng ruộng bậc thang trồng chè
dày đặc và sáng rực giữa triền đồi những ruộng hoa cải màu sắc lung linh
dưới nắng óng vàng rực rỡ như đang nhảy múa bất chấp cái lạnh giá dù đã sang
xuân. Chúng tôi không thể cưỡng lại phải dừng chân ngẩn ngơ chiêm ngưỡng ghi lại
những tấm hình đẹp hiếm có.
Bên ruộng bậc thang chè bát ngát
Em cười hoa cải cười theo,
Hoa khoe sắc áo và nheo mắt nhìn.
Nhìn cô quan họ Bắc Ninh,
Đi xa vẫn nhớ câu kinh chùa Vàng. (*)
Mù Cang Chải thuộc tỉnh Yên Bái với những thửa ruộng bậc
thang được công nhận Di tích Danh thắng cấp quốc gia từ năm 2007. Đẹp nhất vào
mùa lúa chín (tháng 5, 9).
Dù ruộng bậc thang có ở khắp các tỉnh vùng Đông Bắc và Tây Bắc
Việt Nam; tuy nhiên Mù Cang Chải vẫn là một điểm đến hút hồn du khách. “Đến với
Tây Bắc, nếu chưa ghé thăm ruộng bậc thang Mù Cang Chải đồng nghĩa với việc bạn
chưa thưởng thức hết các vẻ đẹp của non nước Việt Nam”. Tôi đã nghe và quả đúng
như thế.
Cứ ngỡ như thiên nhiên hình thành sắp đặt những tầng nấc chân
ruộng. Nhưng không phải vậy; ruộng bậc thang kiệt tác hiếm có trong nền văn
minh lúa nước Việt Nam lại do đồng bào dân tộc sáng tạo ra nhằm ngăn chặn sự rửa
trôi của đất đai vùng núi trung du. Những thửa ruộng bậc thang này không
chỉ đem lại cuộc sống ấm no hơn cho người dân miền núi mà ngày càng được biết tới
như một thắng cảnh nhân tạo đẹp tuyệt vời.
Những thửa ruộng bậc thang
Không những nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang, nơi đây
chính là mảnh đất sản sinh ra những hạt gạo nếp thơm dẻo không đâu sánh bằng. Từ
thứ gạo nếp như ấy người dân đã sáng tạo ra rất nhiều món ăn được nhiều người
yêu thích. Một trong số đó là món Xôi ngũ sắc Mù Cang Chải dẻo thơm và cũng là
món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ của dân tộc Thái nơi đây.
Xôi ngũ sắc. Ảnh internet
- Đèo Khau Phạ.
Đèo Khau Phạ là một trong những cung đường đèo quanh co
dốc đứng thuộc hàng bậc nhất nước ta với những cánh rừng già còn mang đậm nét
nguyên sơ những động thực vật quý hiếm như thông dầu, chò chỉ… cùng các loại
chim muông, thú rừng quý hiếm và tô điểm cho bức tranh đó thêm phần sống động
là những triền ruộng bậc thang đa dạng sắc màu.
Do đèo thường mịt mù sương phủ với đỉnh đèo như nhô lên trên
biển mây; trong tiếng dân tộc Thái Khau Phạ có nghĩa là Sừng Trời (chiếc sừng
núi nhô lên tận trời) và trong suốt chiều dài của đèo có đến vài chục đoạn cua
gấp khủyu tay.
Khau Phạ đẹp nhất vào mùa lúa tháng 9 tháng10, khi lúa trên
ruộng bậc thang chín vàng nhiều sắc độ, đây cũng là thời điểm mà nhiều du khách
tìm đến để ngoạn cảnh. Trong vài năm trở lại đây đỉnh đèo đã trở thành điểm xuất
phát cho hoạt động dù lượn tại Mù Cang Chải, một phần trong lễ hội ruộng bậc
thang Mù Cang Chải hàng năm (thường tổ chức vào tháng 9).
Trên đỉnh Khau Phạ
Thế là chúng tôi đã chiêm ngưỡng được ba trong “Tứ đại đỉnh
đèo” của Việt Nam chỉ còn một đèo cuối cùng là Pha Đin. Nhưng thời gian có hạn
chỉ còn ngày mai ngày cuối cùng của chuyến du xuân đất Bắc chúng tôi hội ý và
thay đổi điểm đến. Xin hẹn đèo Pha Đin vào dịp khác.
- Tú Lệ
Rời đèo Khâu Phạ chúng tôi tạm nghỉ ngơi ở Tú Lệ và thưởng thức
nếp Tú Lệ một sản vật rất nổi tiếng từ xa xưa có một không hai. Nó được cấy trồng
từ cánh đồng Mường Lò thuộc tỉnh Yên Bái nơi đa số là dân tộc Thái trắng sinh sống.
Xôi nếp Tú Lệ
Khách sạn Nghĩa Lộ là điểm dừng chân trong đêm nay, đêm cuối
cùng trên đất Bắc để tiếp tục cho chặng cuối. Dù mệt nhoài với bao ngày rong ruổi
trên những cung đường nhưng không ai bảo ai chúng tôi cùng nhau đi dạo trong
đêm; mỗi người mang một tâm trạng khác nhau nhưng hầu như tất cả đều thích thú
thỏa mãn trong đó có chút quyến luyến, man mác buồn vì sắp xa rời nơi đã cho
chúng tôi những dấu ấn khó phai nhòa.
Ngày mai chúng tôi sẽ dành một ngày để viếng nơi mà con dân đất
Việt ai cũng muốn một lần được đến: Đền Hùng.
(*) Chùa Bồ Vàng ở Bắc Ninh
Sài Gòn, ngày 23/3/2017
Bích Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét