Duyên đời thường
Duyên, theo đời thường, đó là một cái đẹp ngầm từ thân diện đến
cử chỉ ngôn từ. Không cần đẹp, vì cái đẹp (cũng chỉ là một khái niệm) cũng tan
hoại như mọi vật chất khác trên thế gian này. Duyên làm cho mọi người hiểu và cảm
thông mà đến gần nhau hơn như Bá Nha - Tử Kỳ, như Thúy Kiều - Kim Trọng, như Thầy
Trò, Vợ Chồng, như kẻ khát nước gặp trời mưa…
Thế mà Duyên cũng đem lại bao phiền
phức nếu ta không biết giữ gìn và đối chọi nhau vì biết bao kẻ tranh giành chiếm
đoạt. Nhan sắc kia nhạt phai mà duyên cũng lụi tàn theo thì có nghĩa chỉ còn là
nợ nần nhau thôi khi đã lỡ ràng buộc vào nhau (mà có Duyên với nhau rồi thì đó
cũng là sự ràng buộc mà thôi)?. Duyên còn mãi trong ý ức, trong từng phút giây
nằm sâu trong a lại da thức và chỉ đợi một “khoảnh khắc” nó sẽ tái hiện và cũng
gọi là Duyên!
Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không? (Kiều – ND)
Duyên đây không dừng chỗ cho Duyên
phận đời người mà Duyên của kết quả từ mọi yếu tố khác tạo nên theo luật nhân
quả như nước bốc hơi làm mây cho mưa…cho đến khi hết nước hết mưa, ngược lại!
Để Duyên lành kia còn thì trong ta
phải có những ý niệm tốt, cứ thăng hoa mãi lên rồi đến một lúc nào đó các ý niệm
tốt sẽ tích hợp kết thành mà vững trụ. Và, trong ta cứ trổi dậy ý niệm xấu thì
ta chấp nhận Duyên lành kia rủ áo ra đi, cho là nghịch duyên!.
Được thì mừng rỡ “Thuận duyên” mà đâu biết cái “thuận duyên”
này lại là “Nghịch duyên” của kẻ khác. Anh thắng thì sẽ có người khác thua. Ta
“được” thì có người khác “mất”. Thế nhưng, “nghịch duyên” đôi lúc là động lực
thúc đẩy cho bản thân thêm phần bản lĩnh vượt qua chướng ngại và “thuận duyên”
lại tạo ra một bản chất cao ngạo ỷ lại. Kẻ bàng quang những gì xảy ra cho mình
như một người đứng ngoài bàn cờ nhìn vào và bảo “Trời kêu ai nấy dạ”.
Nhưng Duyên sẽ không còn nữa khi hết
Duyên vì mọi điều kiện kết cấu lại thành Duyên kia đã đến lúc không còn, Duyên
lực mỏng manh. Quả là rắc rối! Mây tan rồi làm gì còn mưa? Duyên đến với đời
người với muôn hình vạn trạng chẳng biết đâu mà lần, có đó mất đó để nhường cho
một trạng thái khác. Ta hiện diện trên cõi đời này cũng là Duyên cho đến khi nhắm
mắt xuôi tay cũng là Duyên. Nên người mới tìm tòi cầu mong xin chút duyên cho đời
thêm đẹp. Duyên đâu có sẵn lắm thế mà mong cầu. Duyên đâu thể nắm bắt được, nó
chẳng có thời gian chẳng có không gian, mà nó là thành phần của Nhân tích hợp lại
mà thành Quả như nước có từ sự kết hợp giữa khí Hydro và Oxy..“Hữu duyên thiên
lý năng tương ngộ, Vô duyên đối diện bất tương phùng”. Người ta hay nói
thế khi tìm hiểu nhau. Duyên đưa đẩy ba anh em kết nghĩa vườn đào, Lưu Bị ba lần
cầu Khổng Minh nếu không có Duyên đó mà làm nên sự nghiệp! Có người hỏi, sao
Lưu Bị không cầu người khác mà lại cầu Khổng Minh và tại sao Khổng Minh không
giúp cho Tào Tháo lại giúp cho Lưu Bị để cho thế chân vạc đảo điên “Trời sanh
Du sao còn sanh Lượng?”. Thế nên cớ sự mới đòi hỏi ba điều kiện ắt có và đủ:
Thiên thời-Địa lợi-Nhân hòa.
Duyên thuận hay nghịch không thành vấn
đề thành hư của cuộc đời mà vấn đề là ta có chấp nhận nó hay không. “Sông có
khúc, người có lúc”, Duyên chẳng còn quan trọng khi tâm ta kiên trì nơi chính bản
ngã của mình, thong dong tự tại, chẳng gì phiền hà cay cú hay lẩy bẩy mừng rơn.
Biết Duyên không là sự vật cụ thể nắm bắt được thì cớ chi chấp chặt như câu
chuyện thiền sư cõng cô gái qua sông và sao không như cụ Nguyễn Khuyến “Thu
ăn măng trúc, Đông ăn giá, Xuân tắm hồ sen, Hạ tắm ao”… Thảnh thơi, buông xả, chẳng
tìm kiếm, lấy đó làm vui. Duyên tự đến tự đi khi nó cảm thấy thích hợp. Tâm còn
phân biệt mà cứ nói vạn sự Vô thường.
Là Phật tử thì thường nghe câu “Tùy duyên bất biến”. Không có niềm vui nào mãi mãi và cũng
không có nỗi khổ đau nào kéo dài. Nếu sống mãi với khổ đau thì không thể sống với
chính mình, không thương mình và cũng không thấy được sự thư thái buông xả mà
trong mình sẵn có. Không dấn thân cải đổi “chướng” thành “thuận” mà cứ than
vãn trôi xuôi “đời là bể khổ”, phó thác cuộc sống đẩy đưa mặc tình chẳng chịu
“sống với lũ” sao bảo “tùy duyên”. Cứ chối bỏ những gì khó chấp nhận
chung quanh để tìm một thuận duyên là một trong những mâu thuẫn lớn nhất của đời
người như chẳng thấy ở bầu trời đêm kia vẫn có lấp lánh của ngàn vì sao đáng
chiêm ngưỡng. Tìm kiếm cầu vọng cái hư vọng trong những hư vọng như cứ thắp lên
ngọn ánh sáng bằng con đom đóm trong không gian tràn ngập nắng mai, chẳng thấy
“bản lai diện mục” bình thường của mình. Biết chừng đâu trong điều gọi là “thuận”
lại ẩn tàng một “nghịch” tựa như đứa con hoang đàng trong một gia đình nề nếp
gia phong?
Đã sống thì không thể trốn tránh thực
tại. Bạn hãy “thỏng tay vào chợ” cho hiện tại thăng hoa tốt đẹp hơn để có tương
lai sáng lạng huy hoàng, có nghĩa là mình đang tạo Duyên. Và, Duyên đã có sẵn
trong tâm của mỗi chúng ta chưa lần phát khởi vọng niệm phân biệt tốt- xấu
hơn- thua. Mà biết đâu, không gặp nhau, không có nhau cũng là là Duyên rồi!
BẢO LỄ
Theo http://newvietart.com/
Theo http://newvietart.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét