Có lẽ, họ là một gia đình đặc biệt và tôi cũng không nên hỏi
nhiều mà làm chi. Mình có giúp gì được đâu? Chỉ cảm thông thôi thì hỏi mà làm
gì? Nặng chuyện, nặng lòng.
Con đường tôi đi cũng như bao nhiêu những con đường khác, chỉ
đặc biệt mỗi điều là hàng ngày tôi cứ thản nhiên qua. Năm tháng rồi trôi, đường
sẽ đổi khác và người trên đường cũng vậy. Chỉ có tôi vẫn cứ hay trầm trồ về những
điều chẳng bao giờ liên quan đến mình.
Một trong các con đường ấy đi qua công viên nhỏ. Nhỏ thôi
nhưng là cái công viên duy nhất gần đây cho nên người nơi này cứ gọi là lắm. Đặc
biệt là trong những ngày đầu hè, chỉ cần một chút gió mát, một chút không gian
rộng cho tầm mắt là đã có thể khiến cho nơi này ồn ào, nhốn nháo. Công viên nơi
phố thị thì được ưu tiên cho một số đại diện nhất định. Nhiều nhất vẫn là người
già, trẻ em các cặp đôi tình nhân và… chó. Có một ngoại lệ là tôi, thi thoảng cứ
lững thững lạc lõng một mình nơi đây. Tôi chẳng biết phải xếp mình vào đại diện
nào trong ấy cả. Thôi thì coi như mình là kẻ qua đường, dạo chơi với nhân gian.
Người ta và tôi để ý đến các lớp đối tượng ấy nhiều hơn cho đến
khi tôi thấy, dọc những lối này cũng là nơi kiếm sống của không ít phận người.
Hàng nước ở đây là nhiều hơn cả. Vào những ngày nắng nóng,
chúng cứ sát sạt nhau giành từng mẩu đất. Chỗ sang sang thì trải cái chiếu hay
kê những chiếc ghế nhựa, chỗ bình thường thì đặt vài viên gạch, gác mấy tấm ván
đã bỏ đi… Lại có chỗ thì chẳng cần có thứ gì, khách uống nước ngồi bệt ngay
trên bờ kè của hồ mà thưởng thức. Giá cả chỗ sang hay chỗ không sang đều như
nhau, cùng trên một con đường cả.
Có cô bé chiều chiều lại dọn hàng. Xinh đẹp, trẻ trung, duyên
dáng. Điều đáng nói ở đây là cô vừa bán nước vừa chăm hai đứa con của mình. Đứa
còn nằm nôi đứa thì đã biết chạy nhảy, hò hét. Thỉnh thoảng có người mẹ ra bán
để giữ chỗ, cô nghỉ ở nhà vì con ốm. Có hôm tôi đi dạo sớm, gặp cô loay hoay với
chiếc xe nôi và những đồ lề lỉnh kỉnh. Chỉ có một mình. Mà tuyệt nhiên, chưa
bao giờ tôi thấy sự xuất hiện của bóng dáng người đàn ông nào cả, chỉ có ba mẹ
con, ba bà cháu. Có lẽ, họ là một gia đình đặc biệt và tôi cũng không nên hỏi
nhiều mà làm chi. Mình có giúp gì được đâu? Chỉ cảm thông thôi thì hỏi mà làm
gì? Nặng chuyện, nặng lòng.
Trên đấy một đoạn, lại có một hàng nước khác đặc biệt hơn. Chủ
hàng này là mấy cậu thanh niên lúc nào cũng cởi trần khoe những hình xăm gần
như kín cả thân thể. Với đội hình đấy thì hầu như chẳng có một người khách nào
dám bén mảng đến mà ngồi cả. Vậy mà vẫn có, những vị khách ngồi cũng khác với
bình thường một chút. Đó là những cô gái còn rất trẻ. Các cô nói chuyện với
nhau đủ các thứ giọng từ Bắc, Trung cho đến Nam. Giọng nào giọng nấy đặc sền sệt.
Hàng ngày các cô ngồi đấy, ăn mặc thật đẹp, trang điểm thật lộng lẫy rồi nói
chuyện, rồi cười đùa, rồi uống nước, rồi cùng ăn cơm hộp và… làm việc. Việc của
các cô là mỗi người ôm một chiếc điện thoại, cười cười, nói nói. Và rồi thi thoảng
đứng lên, ra góc xa xa nghe điện, ngã giá rồi một cậu thanh niên xăm trổ đứng dậy
dắt xe khi nhận được cái gật đầu từ chỗ xa xa đó. Điều tôi bất ngờ ở đây là có
hôm tôi chạm mặt các cô (vốn đã quen mắt) ở một quán cơm bình dân, cô nào gọi
món cũng nói bằng giọng Hà Nội. Rất ngọt ngào. Rất thương.
Có cô bé ngày ngày đi bán sim dạo. Tôi đoán chắc là sinh
viên. Người cô nho nhỏ, da mặt xạm xạm, mái tóc đuôi gà cũng hoe hoe và giọng
nói thì bẽn lẽn. Có bận, cô mời chào một nhóm các bà các mẹ tuổi sồn sồn đang
ngồi tán chuyện sôi nổi (thực ra đây là các chủ quán nước và các chủ quán bán đồ
cũ ở vỉa hè, nóng quá chẳng ai bán bưng gì nên túm lại chuyện trò). Cũng câu
nói bình thường thôi: “cháu chào các cô ạ!”. Thế là một loạt các lời chỉ trích:
“Mày nhìn kiểu gì mà các cô?” “Cô nào ở đây?” “Ai là cô hả?” “Chào lại đi không
là không ra đây bán được cái gì đâu, chả ai mua đâu…” Tôi vô tình đi ngang qua,
thấy giọng bé lạc đi, run rẩy, đôi mắt đã ngân ngấn nước, vừa cúi đầu vừa rối
rít “Em xin lỗi ạ! Em bị cận nên không nhìn rõ!”. Khổ! Cận mà chẳng đeo kính
vào. Tôi còn nghe thấy có cô cười sặc lên: “Gớm chưa? Mới thế thôi mà đã khóc?
Thế thì còn bán buôn được gì hả con?”.
Có một anh bán hàng đồ cũ, chiều nào cũng bê bức tranh sơn
mài “gia bảo” ra ngồi triển lãm. Ai hỏi thì cũng chỉ ứ ừ cho xong, chẳng bán. Rồi
một hôm tôi đi qua, thấy bức tranh hình cô gái cũ kỹ ấy dựa vào chân cột đèn
bên cạnh lùm cỏ. Một ngày, rồi hai ngày, bức tranh vẫn đấy mà người bán lại chẳng
thấy đâu. Nghe nói đã có chuyện gì đó bất trắc xảy ra, bức tranh của anh chẳng
ai dám mang về khi chưa trả tiền cho nên vẫn để đấy. Ông già bán phụ tùng xe đạp
chặc lưỡi: “ngày nào tao cũng gạ mà nó có chịu bán cho đâu?”. Rồi lùm cỏ được
phát quang, rác rến được nhặt nhạnh. Bức tranh nằm lẫn cùng với đống cỏ đang úa
tàn, chờ ngày đoàn tụ với chủ. Trong quên lãng và hư vô.
Có hai cô bé xách làn bán bánh, chiều nào cũng đi đến vài
vòng quanh công viên cho đến tận tối muộn. Hai cô chỉ bán hai làn bánh, hôm nào
hết sớm thì về sớm. Bánh cũng chẳng phải là loại xa xỉ hay thuộc dòng danh tiếng
gì. Chỉ là mấy cái quẩy, bánh quy, kẹo lạc… được làm thủ công. Vậy mà cũng đắt
khách ra trò. Có bận tôi thèm ăn chiếc quẩy có dáng dấp xưa cũ ấy nên gọi mua một
gói. Tôi cười hỏi “các em đi hai người, sao không một người bán bánh, một người
bán nước? Vừa bán quẩy, vừa bán nước là chuẩn đấy”. Hai cô nhìn tôi, cười chân
thành: “Ở đây nhiều hàng nước thế, anh muốn uống bao nhiêu mà chẳng được?”. Tôi
giật mình. Thì ra, trong cái chuỗi cộng sinh giữa con người với con người ấy,
người ta luôn luôn tìm được cho mình và cho người một điểm nào đấy, gọi là sự
cân bằng, gọi là nhường cho nhau một con đường. Để sống.
Có cô đã đứng tuổi mà mái tóc nhuộm vàng rực, lông mày xăm thật
đậm. Cô bán những đồ cả mới cả cũ linh tinh vớ vẩn trên vỉa hè. Bán những đồ ấy
thì chỉ được một chặp lúc chiều tối, cho nên sau buổi hàng là những lúc ngồi rảnh
rỗi. Cô gọi điện cho tình nhân: “mới mua được cái sim khuyến mãi, gọi tẹt ga, gọi
xong vứt đi mua cái khác”. Tình nhân của cô là ông xe ôm, cũng đứng tuổi và
cũng giống cô – có một gia đình riêng nhưng tàn khuyết. Có hôm tôi thấy người
đàn ông ấy không đi chở khách mà đến chỗ cô bán hàng: “hôm nay hàng họ gì nữa,
dọn sớm về đi uống bia cho mát”. Tôi thấy người đàn bà có gương mặt cũ kỹ như một
con đường nào đã nhàu nhĩ những dấu chân chim ấy nở một nụ cười. Nụ cười toang
hoác ấy thật tươi trẻ, đẹp đẽ như một đóa hoa vẫn đương lúc xuân thì.
Phải chăng vì… có kẻ biết thương hoa?.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét