Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2018

Kỷ niệm về bài hát Quán bên đường của Phạm Duy

Kỷ niệm về bài hát 
Quán bên đường của Phạm Duy
Cách đây vài năm, tình cờ gặp lại người chị họ (gọi là chị nhưng chị nhỏ hơn tôi khoảng 5-6 tuổi) trong một tiệc cưới đứa cháu. Chị mừng khi gặp lại tôi, vừa nhắc và yêu cầu tôi hát lại bài hát Quán bên đường của nhạc sĩ Phạm Duy. Tôi sực nhớ lại khoảng năm 1972, tôi trọ học Y khoa ở gần nhà chị (lúc đó chị học lớp 9 hay lớp 10 gì đó). Vì gần nhà nên lúc tối rãnh rỗi, chị hay qua chỗ tôi trọ chơi cho vui. Lúc đó, tôi có bên mình cây đàn Guitar và giải trí bằng cách ôm đàn nghêu ngao, trong đó một ca khúc phổ từ thơ khá nổi tiếng là bài Quán bên đường của Phạm Duy. Không ngờ, cho đến bây giờ, chị ấy còn “ấn tượng” với bài hát này. Bài hát Quán bên đường của Phạm Duy nhanh chóng phổ biến khi ấy bởi có những ca từ rất lạ, rất bình dân: “Ngày xưa… ngày xửa… ngày xưa. Chiều mơ chiều nắng đẹp khoe màu tơ. Hai đứa mình còn trẻ thơ. Rủ nhau ngồi ngưỡng cửa chơi thẩn thơ… Em cầm một củ khoai, ghé răng cạp vỏ rơi, xong rồi mình chia đôi. Khoai sùng này lượm mót, sao ngọt lại ngọt ghê!… Nhà em phải chăng là đây? Dè đâu chẳng may là quán. Em bẹo hình hài đem bán… Rồi em hỏi anh: làm chi? Cầm bút để viết ngày đêm, viết gì? Đời thối phải nói là thơm. Ngòi bút là chiếc cần câu nồi cơm. Em hỏi nghệ thuật là chi? Là đui, là điếc, là câm mà đi…”.
Sau này tìm hiểu lại thì xuất xứ bài hát này cũng khá phức tạp. Xin tóm tắt thế này: Phần nhạc thì đã có tác giả rõ ràng nhưng tác giả của phần thơ lại ghi là “khuyết danh”. Sau này, có nhiều người xì xầm rằng tác giả bài thơ là nhà văn Bình Nguyên Lộc, người khác bảo của Minh Phẩm, lại có nhiều ý kiến cho rằng của Trang Thế Hy. Tuy nhiên, sau khi thẩm định lại từ các nguồn tư liệu, giờ đây có thể khẳng định đó là bài thơ Đắng và ngọt của tác giả Minh Phẩm. Trong sự nghiệp 60 năm sáng tác của mình, Trang Thế Hy đã sử dụng gần 10 bút danh, trong đó có những bút danh chỉ dùng một lần, như trường hợp bút danh Song Diệp ở bài thơ Thanh gươm tháng Tám và Minh Phẩm ở bài thơ Đắng và ngọt.
Về bài thơ sau, tác giả bộc bạch: “Tháng 9.1959, người chủ biên tuần báo Vui sống (Sài Gòn), nhà văn Bình Nguyên Lộc, khi duyệt bài vở cho tờ báo số 9, đã góp ý với cộng tác viên Minh Phẩm - người nộp bài thơ Đắng và ngọt, rằng cái vị của cuộc đời này nó đa dạng và phức hợp lắm chứ không đơn giản như sự nhu hiền đồng thuận tạo hài hòa hay ngạo mạn đương đầu gây đối nghịch giữa hai cái vị đắng và ngọt”. Vậy rồi, Bình Nguyên Lộc sửa cái tựa từ Đắng và ngọt thành Cuộc đời. Sau đó, Bình Nguyên Lộc lại trao bài thơ cho Phạm Duy phổ nhạc thành ca khúc Quán bên đường. Lúc này Trang Thế Hy (Minh Phẩm) đã vào vùng kháng chiến, Phạm Duy sợ bản nhạc bị kiểm duyệt, không cho phát hành nên để tên tác giả thơ là “khuyết danh”. Tuy nhiên, hiện nay ở một số trang mạng chuyên về ca nhạc, có nơi vẫn để Quán bên đường, nhạc Phạm Duy, thơ Bình Nguyên Lộc…
Nguyên bản bài thơ và tên tác giả in trên Vui Sống năm 1959.

Cuộc đời
Ngày xưa tôi còn thơ
Một chiều nắng đẹp khoe màu tơ
Tôi cùng em hai đứa
Thơ thẩn ngồi chơi trên ngạch cửạ
Tóc em chừa bánh bèo
Môi chưa hồng, da mét: con nhà nghèo!
Ðầu tôi còn hớt trọc
Khét nắng hôi trâu, thèm đi học
Em cầm một củ khoai
Cạp vỏ bằng răng rồi chia hai
Thứ khoai sùng lượm mót

Mà sao nó ngọt thôi là ngọt.
Bây giờ giữa đường đời
Kỷ niệm ngày xưa mù khơi
Gặp nhau chiều mưa lạnh
Hai đứa đều sang trong bộ cánh
Dung nhan em còn tươi
Anh mừng tưởng đâu đời em vuị
Dè đâu đây là quán
Em bẹo hình hài rao lên bán
Ðang thời đông khách mua
Chợ thịt còn sung được vài mùạ
Nghe nói anh cầm viết
Nghệ thuật là gì em muốn biết.
– "Mùi hôi nói mùi thơm
Cây bút cầm tay: cần câu cơm
Ðó em ơi! Nghệ thuật:
Nhắm mắt quay lưng chào sự thật."
Rồi đôi ta nhìn nhau
Không có ai đánh mà lòng đau
Em mời ăn bánh ngọt
Nhắc củ khoai sùng mình lượm mót
Ðường bánh tươm vàng mơ
Như nắng chiều xưa khoe màu tơ
Mới cầm tay chưa cắn
Mà sao đắng thôi là đắng!
Xin anh một nụ cười
Cười là sao nhỉ? Quên rồi!
Xin em chút nước mắt
Mạch lệ em từ lâu đã tắt!
Hỏi nhau: buồn hay vui?
Biết đâu? Ta cùng hỏi cuộc đời.
Minh Phẩm
(Vui sống số 9, 4-10.11.1959) 

Lời bài hát
Quán bên đường
Ngày xưa ngày xửa ngày xưa
Chiều mơ chiều nắng đẹp khoe mầu tơ
Hai đứa mình còn trẻ thơ
Rủ nhau ngồi ngưỡng cửa chơi thẩn thơ.
À a a nhớ nhớ em còn mái tóc bánh bèo
À a a nhớ má chưa hồng da mét vì em nghèo
Đầu anh còn húi trọc, còn húi trọc
Khét nắng hôi trâu thèm đi học, thèm đi học
Thèm đi học…
Em cầm một củ khoai
Ghé răng cạp vỏ rơi
Xong rồi mình chia đôi
Khoai sùng này lượm mót
Sao ngọt lại ngọt ghê
Giờ đây kỷ niệm ngày xưa
Giờ đây cảnh cũ chìm xa mù khơi
Gặp nhau một chiều lạnh mưa
Nhìn nhau quần áo bảnh bao mừng sao.
Nhìn em còn xinh còn tươi
Đời em tưởng đâu là vui
Nhà em phải chăng là đây?
Dè đâu chẳng may là quán
Em bẹo hình hài đem bán…
Rồi em hỏi anh: làm chi?
Cầm bút để viết ngày đêm, viết gì?
Đời thối phải nói là thơm
Ngòi bút là chiếc cần câu miếng cơm
Em hỏi nghệ thuật là chi?
Là đui, là điếc, là câm mà đi.
Nhìn nhau lặng lẽ nhìn nhau
Nào có ai đánh mà sao lòng đau.
Bánh ngọt cùng mời ăn Nhớ chăng củ khoai ngon
Bánh tươm vàng như nắng
Bánh này mình chưa cắn
Sao mà miệng cay đắng?
Rồi xin một nụ cười thôi
Cười ư? Anh đã vùi quên nụ cười
Thì xin vài giọt lệ rơi
Lệ em cạn đã từ lâu, người ơi
Trước khi từ giã hỏi nhau buồn h
ay là vui
Thì cứ hỏi ngay cuộc đời.

Quán bên đường
Phạm Duy - Thái Thanh
Lê Trung Ngân
Theo https://bacsiletrungngan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...