Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2018

Thu cô liêu bên cà phê Huế

Thu cô liêu bên cà phê Huế
Tôi thường chọn cho mình những phút giây lặng lẽ, bình yên của những ngày vào thu ở một góc quán vắng để ngắm nhìn dòng xe xuôi ngược, mỗi chuyến xe là một cuộc đi.
Tôi nhìn mùa thu đến và đi đã nhiều lần, mỗi mùa thu Huế đều có những gam màu khác biệt. Trong không gian mênh mông đó, những kỷ niệm là nơi bắt nguồn nỗi nhớ. Tôi nhớ Huế dù tôi đang ở Huế. Tôi nhớ những hạt sương nhẹ phủ trên vai Trường Tiền; nhớ những cơn mưa nhè nhẹ đủ để cất lên âm thanh tí tách; nhớ những hạt nắng màu vàng mơ khoác lên màu xanh của Huế; và tôi nhớ những tách cà phê thơm nồng; những ngõ nhỏ, những con phố cà phê của Huế đã làm tôi mê đắm.
Tôi thích lang thang một mình trên những con đường xao xác lá mùa thu, bỗng thấy lòng nhẹ nhàng, được thỏa sức để nhớ, để suy tư, để được có một khoảng lặng. Có khi chỉ cần ngồi trong một quán cà phê nhỏ, nghe những bản tình ca của Trịnh Công Sơn, của Phạm Duy hay Văn Cao và nhâm nhi ly cà phê thả hồn theo mây khói cũng đã đủ hạnh phúc.
Cà phê tạo cảm giác lâng lâng, cuốn theo dòng tâm cảm và bao giờ cũng quyến rũ người ta bằng vị đắng và mùi hương thơm nồng. Tôi thích uống cà phê, và không hẳn chỉ là cà phê sữa, cả cà phê đen, cà phê muối bởi rất nhiều vị cà phê giống những mùi đời tôi đã trải qua suốt hai lăm năm. Với tôi, mỗi ly cà phê như một kỷ niệm; là một câu chuyện về cuộc đời, về tình yêu về sự mong manh của thân phận... Tôi yêu cà phê Huế theo mùa; mỗi mùa tôi lại tìm cho mình một góc nhỏ, có khi cùng bạn bè, có khi cùng người yêu hay một mình.

Có những chiều tàn tôi đắm mình trong nỗi nhớ, tôi lang thang trong cái nắng của mùa thu để ngắm hoàng hôn. Đặt chân đến bờ hồ bán nguyệt, nơi đây tôi thấy bầu trời rất rộng, mây rất xanh và ánh mặt trời yếu ớt cuối ngày rọi xuống những nóc nhà thành phố. Nơi lưu dấu kỷ niệm đáng yêu của lũ chúng tôi thời sinh viên. Thuở ấy, mỗi khi nắng chiều bỗng tắt, khi phố lên đèn chúng tôi lại hẹn hò. Tôi cùng những người bạn ngồi bệt bên cà phê bờ hồ bán nguyệt ngắm màn đêm, trò chuyện cùng nhau dưới trăng thanh gió mát và nói với nhau về những ước mơ và giới hạn của ước mơ. Cà phê bờ hồ là nơi đặc biệt, những tấm giấy cứng được thay bằng ghế, tiếng đàn guitar của các bạn sinh viên làm cho cả không gian như muốn khiêu vũ. Bờ hồ với thảm cỏ xanh bao quanh, là nơi hẹn hò của những đôi vừa mới rung động đầu đời; là nơi rộng rãi để tụ tập bạn bè; khung cảnh lãng mạn, miên man của những cành liễu rủ soi mình dưới nước chạm vào mặt hồ cùng ánh đèn linh nhưng rất đỗi bình yên. Bình yên như chính vùng đất này vậy. Giờ đây, khi bạn bè đã xa, tôi vẫn thường lang thang và ngồi một mình nơi không gian này, bên nhành liễu đã hết mùa hoa cùng những hạt mưa lất phất qua ánh đèn vàng của phố.
Đôi khi, những quán cà phê Huế cho tôi có thể trú nhờ những nỗi buồn, những lúc đó tôi chỉ cần ngồi bên quán Chiều, nghe nhạc Trịnh và đọc sách, vơi đi bao nỗi ưu phiền. Cà phê Chiều giản dị giữa lòng thành phố, một chút sen khô, một chút hoa dại, đôi ba bức ảnh xưa cũ với nét u tịch như cả trăm năm bên thành quách xưa. Tôi chọn cho mình một góc thật đẹp, thả mình vào mùi hương cà phê nồng nàn và nghe vị ngọt từ giọng hát Thái Thanh, Khánh Ly, Tuấn Ngọc... “Chiều nay em ra phố về/ Thấy đời mình là những chuyến xe/ Còn đây âm vang não nề/ Ngày đi đêm tới trăm tiếng mơ hồ...”. Trong tiết trời tháng tám, quán

Chiều với mùi hương của ký ức, mùi cà phê hòa quyện vào tâm trạng làm cho tôi có cảm giác bình yên. Tôi như thể một cô gái Huế nào đó đang tìm kiếm một mối tình lãng mạn trong hư áo của mùa thu. Chẳng phải riêng tôi, hầu như ai đến Huế cũng tìm đến cái hay cái lạ nhưng rất đỗi thân quen của Chiều. Những ánh nến leo lắt qua những khung cửa nhỏ càng tạo nên sự bí ẩn của quán cà phê đặc biệt này. Sự bình dị của Chiều đã tạo nên một nét riêng cho những người yêu cà phê Huế, yêu Huế và yêu cả những phút trầm tư nơi mảnh đất đã trải qua bao dâu bể trong 700 năm lịch sử.
Gió heo may lại về, đôi khi lại muốn chạy trốn những yêu thương xưa cũ bởi ký ức chẳng bao giờ phai tàn và tìm cho mình một khoảng lặng giữa cuộc sống ồn ào. Bên cạnh những quán cà phê bình dị, đôi lúc tôi cũng tìm cho mình một nơi thật cao để ngắm nhìn, để thỏa cơn mộng mị. Tôi chọn cho mình quán cà phê trên sân thượng của một khách sạn, nhìn qua cửa kính trên một tòa nhà, thấy lòng mình bao la, cả thành phố xanh mát ôm dòng Hương. Phố chiều thu sương giăng như những bản tình ca buồn, ước gì có một cơn mưa nhẹ đủ làm nhòe mặt kính, để Huế càng mờ ảo, càng lung linh. Ở đây, tôi gọi cho mình một ly cà phê của Ý và ngắm Huế chiều sương. Tôi nhìn xuống dòng người trên phố, tự dưng thấy Huế bình yên, không vội vã, không chen lấn, họ điềm tĩnh và lướt nhẹ giữa lòng thành phố.
Huế là vậy, luôn mang trong mình một nỗi buồn man mác, nỗi buồn tuyệt đẹp như những giấc mơ cổ tích. Huế là nơi sinh ra con người tài hoa họ Trịnh, giờ đây khi đã khuất xa, căn nhà xưa vẫn đó, vẫn lời nhạc du dương bao năm không bao giờ quên lãng. Trước đây, khi Gác Trịnh chưa đóng cửa, tôi vẫn thường hay đến. Trong căn gác đơn sơ, những tách cà phê đã hòa quyện cùng điệu nhạc, những ánh đèn vàng cho những tâm hồn yêu Trịnh. Gác Trịnh là một không gian văn hóa của những anh em văn nghệ sĩ Huế, là điểm đến cho những người ghé về Huế và yêu nhạc Trịnh, nhớ Trịnh. Nhớ lần đầu đến với Gác Trịnh, cái ngày lạnh buốt da thịt, tôi ngồi bên song cửa sổ với nhành lan tím, với những tàn thuốc đã tắt cùng tiếng rao yếu ớt của cô bán bánh rán. Trên một căn gác lặng yên, với tách cà phê nóng, ngoài kia gió rít vào lồng ngực; chợt thương những đôi quang gánh, đôi chân tê buốt trên con đường lạnh giá để mưu sinh. Đêm lạnh, lòng tôi cũng lạnh. Những tiếng rao làm não nề cả một con đường. Tôi yêu Trịnh, yêu căn gác này, yêu tiếng thở của những ca từ vang vọng.
Sau những cơn mưa, tôi đã cùng anh ngồi trong ánh nắng chiều len lỏi vào từng song cửa, chiếu vào tôi, vào anh, vào đôi mắt buồn. Nhìn ánh nắng tuyệt đẹp đó, anh hát cho tôi nghe “Có người lòng như nắng qua đèo” bởi ánh nắng vàng nhạt, không rực rỡ mà mơ màng buồn và cô đơn. Và tôi biết những nỗi buồn luôn hiện hữu trong cuộc đời này nhưng không phải sự đau khổ nào cũng làm ta tuyệt vọng, và đôi khi“hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy nó cũng đẹp như một bông hoa...”.
Khi những cơn mưa ngang qua để lại chút lòng se lạnh, lại nhớ những ngày xưa. Ngày mưa, tôi thường được anh chở đi trong mưa và nghe anh hát, hát cả đoạn đường dài mặc cho mưa tan vào cổ họng. Tôi hạnh phúc nép vào lưng anh và cười khúc khích, cười vì hạnh phúc như trong giấc mơ tôi thường nghĩ về. Cái hạnh phúc tưởng chừng như đơn giản. Hôm đó là mùa đông, trời vẫn cứ mưa, hai chúng tôi ướt sũng và lạnh vô cùng, nhưng trong lòng thì ấm áp. Chúng tôi trò chuyện, cười cười nói nói, hạnh phúc như chưa bao giờ hơn thế. Anh là người thích cà phê, và luôn là cà phê đen đá. Nhưng hôm nay, tôi rủ anh vào cà phê muối, trong một căn nhà nhỏ màu tím với những khúc tình ca. Chúng tôi từ từ nếm mùi vị của cà phê muối và mới cảm nhận hơn được vị đắng của cà phê, vị mặn của muối quyện vào vị ngậy béo của bọt sữa. Tất cả tạo thành mùi vị khó quên. Ngoài trời mưa trắng xóa, hai đứa ngồi bên góc nhỏ có ánh sáng màu vàng đủ để có cảm giác ấm, và cứ thế, chúng tôi im lặng nhìn nhau.
Trước mắt chúng tôi là một màu Huế đầy thơ, một không gian yên ắng, một cuộc sống nhẹ nhàng hiện ra như những gì tôi ao ước. Và vì thế mà chúng tôi chọn Huế, gắn trọn với Huế để được sống thỏa tâm hồn mơ mộng. Và chúng tôi tin rằng trong cuộc đời mặn chát đắng cay này luôn có những niềm hạnh phúc ngọt ngào, đôi khi sự ngọt ngào do mình tạo ra giữa thế giới đầy bất hạnh.
Trong cuộc sống, tôi tin vào định mệnh. Sự gặp gỡ cũng là do nhân duyên, bởi thế, nhân duyên đã mang đến cho tôi những người bạn, quý nhau từ lần gặp đầu tiên. Những tách cà phê Huế đôi khi làm chúng tôi gần nhau hơn. Mỗi khi những người bạn trở về Huế, tôi lại dẫn họ lang thang đến những quán cà phê cóc. Chúng tôi thường quen ngồi những quán ven đường, dưới những tán cây rợp mát với những ánh nắng rọi vào những ly cà phê. Không gian cà phê cóc ồn ào nào nhiệt nhưng lại là nơi thân thiện và gần gũi biết bao. Chúng tôi ngồi trò chuyện với nhau với tách cà phê chưa đến mười ngàn đồng, với những câu chuyện tiếu lâm mà cười nghiêng ngả, có đôi nghe loáng thoáng đôi ba câu chuyện đứt đầu đứt đuôi của những người xung quanh cũng thấy vui lòng.
Chạy dọc con phố Chi Lăng, con đường ven sông Hương trữ tình, quán cà phê mang tên Hoàng Phương là nơi tôi chọn để ngắm trăng. Dưới chân là nước, trăng từ từ trên đỉnh đầu và dòng nước đưa trăng về gần với tôi. Trăng tròn và rất đẹp, lần đầu tiên tôi thấy trăng đẹp đến thế, trăng trước mắt tôi và trăng dưới dòng nước, lững lờ lững lờ, tôi ước gì được bắt lấy trăng và nhớ tới tích xưa có một chàng thi sĩ yêu trăng và nhảy xuống sông vớt trăng lên… Chẳng phải là quá ủy mị, chẳng phải là một người quá mộng mơ, nhưng cảm xúc thì không bao giờ kìm nén được. Tôi không kìm nén được những cảm xúc của mình khi nhìn thấy cái đẹp, và tôi có cách yêu cái đẹp của riêng mình, và cứ thế yêu trăng, yêu cà phê, yêu Huế. Và cứ như thế, mỗi khi nhớ trăng nhớ người, tôi lại đến bên bờ sông từ chiều sớm và ngồi đến khuya để được gặp trăng.
Khi mùa thu chợt đến, mùa của những nỗi buồn man mác, là khi tôi lại muốn lang thang. Mùa đẹp nhất để tôi có thể bung tỏa tâm trạng của mình. Mùa để tôi được nhớ, được yêu. Và mùa tôi được loanh quanh với những tách cà phê xứ Huế. Bởi tôi yêu cà phê, yêu Huế như yêu chính tình yêu của mình. Tôi như muốn tan vào theo những dư vị của cà phê trên đầu lưỡi, như muốn đi cùng với những cơn gió heo may. Và rồi tôi nhận ra cuộc sống này thật đẹp, đẹp như chính những nỗi buồn của tôi. Chiều nay, tôi lại lang thang, vay mượn những hạt mưa mùa thu làm nỗi nhớ, mượn chút sen cuối mùa và một nơi quen thuộc để lại được hòa quyện cùng cà phê, để lại được suy tư và mơ mộng.
Thu cô liêu
Văn Cao - Ánh Tuyết
Phương Anh
Theo http://tapchisonghuong.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...