Ngôi nhà cổ ở Sài Gòn nơi cụ Vương Hồng Sển viết
hồi ức về
"cuộc tình tàn" với "em Tuyết". Ảnh: Diệp Đức Minh
Ngày 9/12/2006, kỷ niệm 10 năm ngày mất nhà văn hóa Vương Hồng
Sển, tại trụ sở mới của tạp chí Xưa và Nay (181 Đề Thám, quận 1, TP.HCM) đã cử
hành lễ tưởng nhớ cũng như trưng bày một số hình ảnh, hiện vật của cụ Vương với
sự tham gia đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo, nhà sưu tập cổ vật
trong nước.
Trong dịp "đốt lò hương cũ nhớ người xưa" này đã có
nhiều phát biểu nêu bật những đóng góp của cụ Vương đối với sự nghiệp văn hóa
nước nhà. Riêng về cuộc sống tình cảm của cụ, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn và một
số vị khác có nhắc đến nữ nghệ sĩ Năm Sa Đéc và hình bóng của một "em Tuyết"
đẹp tuyệt vời đã làm rung động trái tim của cụ từ thuở thanh xuân cho tới lúc bạc
đầu. Vậy "em Tuyết" là ai?
Nhà xưa mái Tuyết...
Cô Dương Thị Tuyết đẹp có tiếng ở vùng chợ Sóc Trăng vào những
năm cuối thập niên 20 của thế kỷ trước. Đẹp đến nỗi cụ Vương Hồng Sển gọi bằng
mấy tiếng "sắc nước hương trời" và vẻ tươi mát trẻ trung như hoa hàm
tiếu sánh với những nụ "hoa đào vừa hé". Ngoài sắc đẹp được xếp vào
hàng hoa khôi trong vùng, cô Tuyết lại là cháu nội của bà phủ An nức tiếng giàu
có với 2.000 mẫu ruộng cò bay thẳng cánh và gia sản sáng lòa với nhà cao cửa rộng
mà tiếng đồn phú quý lan khắp Sài Gòn. Thế nhưng có hai điều đã đặt "em
Tuyết" (chữ cụ Vương Hồng Sển dùng) trước ngã năm ngã sáu đường đời.
Một là, bà phủ An do một chướng duyên nào đấy đã "không
nhìn" cô cháu nội (Tuyết) của mình trong một thời gian dài, lúc đó cô Tuyết
vừa đang trong độ tuổi trăng tròn. Hai là, ba má cô Tuyết rất ham đánh bạc, tiền
của trong nhà đội nón ra đi khiến cho "nợ thiếu tứ giăng". Trong tình
cảnh như vậy, cô Tuyết như một đóa hoa hàm tiếu nở hé trên đất nóng. Chẳng thiếu
gì người mơ ước được đem những giọt nước mát tưới cho đời Tuyết được tươi,
trong số đó có một thanh niên 26 tuổi.
Thanh niên đó chính là Vương Hồng Thạnh, sinh năm Nhâm Dần
(1902) tại Sóc Trăng (cùng quê với Tuyết). Mấy chữ Vương Hồng Thạnh (đọc theo
âm Hán Việt) khi làm khai sinh (ghi theo chữ Quốc ngữ) mới thành Vương Hồng Sển.
Chữ Sển, theo một số người hiểu chuyện, thì không có nghĩa gì, mà chỉ do đọc chệch
âm "Thạnh" mà ra. Tới năm 17 tuổi, chàng Vương rời Sóc Trăng lên Sài
Gòn học Trường Chasseloup Laubat tức Trường Jean Jacques Rousseau sau này (nay
là Trường Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM). Bốn năm sau, tốt nghiệp Thành chung lúc
21 tuổi (1923). Đến năm 23 tuổi đã cưới vợ, không phải "em Tuyết" mà
là cô Trần Thị Th. nhưng chỉ ở với nhau 9 tháng rồi ly dị.
Khi cuộc hôn nhân đầu tiên trong đời khép lại, chàng Vương mới
mở ra một cánh cửa mới nhằm đến "em Tuyết" mà Vương thương yêu nồng
nàn và cũng đau khổ nhiều năm vì Tuyết. Bấy giờ, chàng Vương 26 tuổi và cô Tuyết
mới 17 tuổi (1928) đã làm lễ thành hôn và sống chung với nhau trong 19 năm trước
khi chia tay. Lúc mới gặp nhau, chàng Vương đưa "em Tuyết" từ chốn
tha hương về lại quê Sa Đéc và sau này trong một hồi ức đã kể lại đoạn trường tứ
cố vô thân ấy như sau: "Rồi từ ngày anh (Vương Hồng Sển) đưa em (Dương Thị
Tuyết) về tỉnh Sa Đéc, mười lượng vàng của mẹ anh mãn phần trối để lại, anh
dâng cho nhạc phụ, nhạc mẫu làm lễ sính, ông bà "nướng" tất cả trong
sòng me (cờ bạc), cầm thế cho nhà Tăng Quang Vỉ, 10 lượng thế lấy 600 đồng bạc
đầm xòe, khi mẹ chúng ta mất rồi, người bố ghẻ hứa chuộc nhưng không giữ lời...".
Nhà xưa mái Tuyết phai tàn, Tình xưa vẫn ngõ
mấy hàng song
song. Ảnh: Diệp Đức Minh
Tình cảnh lúc ấy thật bi đát. May sao bà phủ An thay đổi thái
độ nhìn nhận "em Tuyết" làm cháu ruột của mình và cho hưởng gia tài.
Khi bà phủ mất năm 1931 đã trối lại cho "em Tuyết" một gia sản không
nhỏ trong đó có đôi bông 6 ly là đôi bông tai kim cương mà bà đã đeo từ lúc còn
sống, nhất là "cái vòng xoàn đeo cổ, đếm 16 miếng vàng có nhận hột xoàn từ
3 đến 4 ly (nếu biết lấy xoàn này nhận làm bông tai sẽ có 160 đôi hoa tai, mỗi
đôi nay giá mấy triệu đồng)". Nhưng về sau này tất cả của cải nói trên
theo lời thuật của cụ Vương thì "thảy đều tiêu tan như bọt xà phòng vì em
Tuyết thua bài thua bạc sạch trơn".
Còn những ngày hàn vi chân ướt chân ráo ở Sài Gòn về Sa Đéc lại
rất ấm áp như cụ Vương kể: "mỗi đêm anh mê chia bài thiên cửu, dắt em theo
ngồi ngoài sòng chờ anh sát phạt ba cây bài gỗ, đến khuya rủ nhau đi xơi mì chú
Dầu nơi mé rạch Sa Đéc, qua năm 1931 đổi về tỉnh nhà Sóc Trăng, rồi năm 1938 đổi
lên Cần Thơ, kế thuyên chuyển về đô thành Sài Gòn làm việc nơi Soái phủ Nam kỳ,
có tiền dư, có sức khỏe, ngờ đâu từ ngày xảy ra việc binh Nhựt tràn vào cõi
Nam, tiếp theo là cuộc Pháp mất thuộc địa, toàn quyền Decoux bị hạ bệ, Nhựt hất
chưn Tây, để lãnh đủ hai trái bom (nguyên tử) tan tành giấc mơ Đại Đông Á, đôi
ta chạy về ruộng nhà ở làng Hòa Tú, trần ai khổ cực có nhau, bỗng chuyến trở về
Châu Thành Sóc Trăng, ngồi dưới sương lạnh trọn một đêm dài, về tới nhà phụ
thân anh, em xán một bịnh trối chết, bịnh ban cua lưỡi trắng, chạy thầy chạy
thuốc, bổn thân anh bơm thuốc, hốt bụm chất dơ, em lành mạnh rồi, em đáp xe đò
lên Sài Gòn mượn tiếng đi bán xoàn để có tiền chi dụng, ngờ đâu kim cương là đại
họa, cái bâu cổ 320 hột quý làm cho đổi trần thay đen...". Nghĩa là về sau
những chuyến đi Sài Gòn của "em Tuyết" đã dần dần rời xa mối duyên
"nghìn xưa đã lại" với cụ Vương để ra đi cùng một người khác tên là
Th. Nỗi đau lại đến với cụ Vương trong "cuộc tình tàn" thứ hai này.
Vượt qua cơn bệnh nặng, "em Tuyết" của cụ Vương hồi
phục. Sắc đẹp mặn mà của người phụ nữ ở độ tuổi 30 - độ tuổi của quả ngọt đang
hồi chín tới - đã làm xiêu lòng một "người thứ ba" nhỏ hơn cụ Vương đến
mười mấy tuổi.
Đó là Hồ Văn Th. được cụ nhắc tới trong hồi ức như một người
quen biết với cụ cũng như với "em Tuyết" từ trước và là một tay chơi
bài "khôn" đáo để. Cụ viết như nói với "em Tuyết" rằng:
"Anh không lanh lợi như Th., mỗi dịp Tết hội nhau chơi bài, Th. ăn gian mà
anh lù khù vẫn chung tiền...". Con người "lanh lợi" ấy, tuổi lại
trẻ hơn cụ Vương nhiều, đã cùng "em Tuyết" hẹn hò, lao vào cơn lốc đầy
ma lực của tình yêu mới. Ở lãnh địa nhiều sức hút này, Th. và "em Tuyết"
ngày càng đi đến chỗ gắn bó không còn muốn xa nhau nữa. Hai người ngày càng biểu
lộ rõ hơn tình cảm của họ trước mọi người. Để rồi đến một bữa nọ "em Tuyết"
công khai ngỏ lời muốn chia tay với "chàng Vương" sau 19 năm chung sống
(không có con).
Cụ Vương lúc đầu tìm lời khuyên nhủ, nhắc nhớ những ngày hai
người đầu ấp tay gối, đùm bọc chia sẻ ấm lạnh từ đất Sài Gòn, Sa Đéc đến Cần
Thơ và Sóc Trăng với Tuyết. Nhưng dường như những kỷ niệm xưa do cụ Vương khơi
dậy đã không mạnh bằng tiếng nói mới thầm thì nhưng mãnh liệt từ mối giao tình
với Th. nên cuối cùng, như cụ Vương viết: "Em (Tuyết) vẫn bỏ anh, mấy lần
cậy anh em thương thuyết, nài nỉ cách mấy, em cũng không ở lại. Thế rồi em lấy
Hồ Văn Th., nhỏ hơn anh trên mười mấy có dư, em vui duyên mới, anh tê tái, nát
ruột như tương". Thế là cụ Vương đành chia tay với người vợ thứ hai này
sau gần hai thập niên ăn ở với nhau. Lúc ấy cụ Vương đã 46 tuổi và "em Tuyết"
36 tuổi (1947), khi chia của cải "em biếu anh mớ sách cũ và bao nhiêu thứ
đồ cổ mà em không tha thiết, em chỉ xin và anh ưng lòng để em ôm hộp sắt Fichet
ra đi, hộp chứa đựng vàng vòng của phụ thân anh tự tay làm ra, và bao nhiêu của
báu mà anh không màng, anh chỉ màng mối tình 19 năm âu yếm mà em đành đứt đoạn,
của báu ấy xiết bao người mê thích, chỉ một anh không thích mê chút nào, thật vậy,
anh chỉ mê chén xưa tuy nứt nẻ và mê ấm sứt vòi".
Dưới mái ngói của "vuông nhà cổ tích" này, cụ Vương
đã viết
những dòng khóc lóc "cuộc tình tàn" với Tuyết - ảnh: Diệp Đức
Minh
Đúng thế thật, lúc bấy giờ cụ Vương đã say mê sưu tầm đồ cổ
và sách báo. Trong những năm cuối sống với "em Tuyết" cụ đã biên soạn
công trình nghiên cứu đầu tiên công bố trong kỷ yếu của Hội Khuyến học Nam Việt
vào đầu năm 1943 và xuất bản Les Bleus de Hue à decor Mai Hạc par Vương Hồng Sển
vào năm kế đó, 1944. Có thể tình yêu đồ cổ và nghiên cứu những giá trị quá khứ
của cụ đã không hợp mấy với tâm hồn đang đòi hỏi một "hiện tại" ngọt
ngào hơn của Tuyết. Song theo cụ sở dĩ "em Tuyết" khăng khăng theo mối
duyên mới là vì "mấy hột kim cương tai hại... ai kia nói có xoàn là sang
là quý, xin cho tôi cãi lại, tại tôi quá dễ dãi, bắt chước lối ăn ở theo Tây, để
vợ quá tự do" lấy cớ mang xoàn lên Sài Gòn bán để rồi giao du rộng rãi. Một
lý do nữa do cụ Vương nêu lên và viết lại về nguyên do dẫn đến thái độ chia tay
quyết liệt của Tuyết là: "Một phần cũng tại Cảnh (em khác mẹ của cụ). Cảnh
nhẫn tâm đổ lư hương nhạc mẫu (mẹ của em Tuyết) để em nước mắt dầm dề, rồi xảy
ra chia uyên rẽ thúy từ đây, ôi nhắc lại làm chi, mọi sự đã trễ rồi. Quan (anh
của Cảnh) lạy em xin tội, anh riêng nhờ chị Emille Penne giải hòa nhưng mối hòa
nan giải".
Sau ngày xa "em Tuyết", cụ Vương rời Sóc Trăng trở
lại Sài Gòn vào mùa thu năm 1947. Còn Tuyết lập tổ ấm mới với Th. cùng chung sống
trong hơn 30 năm rồi Th. qua đời trước, hai bên cũng không có đứa con nào. Từ
đó bà Dương Thị Tuyết sống đơn chiếc ở Sài Gòn cho đến ngày qua đời tại cư xá
Thanh Đa. Ngày bà mất, cụ Vương được tin trễ sau khi liệm. Cụ đã vội đến viếng
ngay khi hay tin và viết những dòng thắm thiết sau đây: "Em Tư (Tuyết)
ôi, anh khóc em đây, thôi thôi, em Tư của anh đã không còn rồi! Chiều 6 Juillet
(6.7.1992), thằng Thông đến vội vàng, cho hay tin em đã nhắm mắt từ hôm 4 và đã
liệm xong rồi, trễ quá rồi và ngày mai 7.7, sẽ đưa đi hỏa táng ở Cây Quéo và
tro cốt sẽ gởi nơi nhà thờ. Tin như sét đánh, chẳng kịp bưng tai. Còn gì nữa
đâu !". Đọc những dòng tiếp theo của một người chồng 91 tuổi rất mực
yêu vợ cũ chúng ta sẽ hiểu rõ thêm tấm tình của cụ Vương dành cho bà Dương Thị
Tuyết vẫn nồng nàn như thuở nào, và biết thêm những giờ phút cô đơn cuối đời
khi mãn phần của một hoa khôi Sóc Trăng ngày nọ: "Em hai lần lấy chồng
mà "hoa không kết quả", em sạch sành sanh, nhắn anh một lời cụt ngủn:
"Gởi lời thăm nhé!", Tư Tuyết em ôi, lòng anh đau như cắt, nhứt là
hay tin cốt tro của em sẽ gởi vào thánh đường, nhưng nhà thờ gần đây mới bày ra
tro cốt gởi nhà lưu trữ, còn anh đây, nửa theo Thánh Giá, nửa theo đạo Khổng,
anh đang điều đình với Phụng là dưỡng tử của em, hãy cho anh rước tro em đưa về
an táng nơi đất chùa ở Quang Mỹ tự (Phước Thiền), Biên Hòa, may ra được gần phần
mộ của bà và của anh Ba Thoại, bào huynh của em. Nay em ra đi, anh sống lại làm
chi với tuổi 91 để chứng kiến cảnh thương tâm này? Hồn em có linh, xin chứng
chiếu...".
Chàng Vương cầu hôn (năm 22 tuổi) - Ảnh: T.L
Người đàn bà thứ ba xuất hiện trong đời sống tình cảm của cụ
Vương và trở thành người vợ chung sống mặn nồng, lâu nhất với cụ suốt 41 năm là
nữ nghệ sĩ Năm Sa Đéc mà NSND Đinh Bằng Phi đã tóm lược cuộc đời hoạt động nghệ
thuật vang bóng của bà bằng mấy câu: "Trong giới hát bội, ít ai quên được
một nữ nghệ sĩ tài danh mà tiếng tăm vang lừng từ Nam ra Bắc, từ lúc thanh xuân
đến tuổi lão thành, đó là nghệ sĩ Năm Sa Đéc. Bà có một cuộc đời nghệ thuật khá
vinh quang và cuộc đời thường của bà không kém phần sóng gió".
Nói sóng gió là do việc đổi dời của bà theo nhiều bước thăng
trầm của các gánh hát trứ danh thời đó và ngay cái tên Năm Sa Đéc cũng xuất
phát từ việc "đụng hàng" với một cô đào khác. Nguyên tên thật của bà
là Nguyễn Kim Chung, sinh năm 1907, là con của ông bầu gánh hát bội Nguyễn Duy
Tam. Lúc đầu ông Tam đặt cho bà tên gọi ở nhà là Năm Nhỏ. Nhưng về sau để tránh
trùng tên với cô đào Năm Nhỏ gốc người Cần Thơ lúc bấy giờ đã nổi tiếng, ông
Tam đã đổi tên gọi bà thành Năm Sa Đéc với ý là "Cô Năm (Nguyễn Kim Chung)
gốc người Sa Đéc".
Trước khi gặp cụ Vương, Năm Sa Đéc đã là một trong những nghệ
sĩ tiền phong trên sân khấu hát bội được đánh giá thanh sắc lưỡng toàn thu hút
đông đảo khán giả ái mộ. Và cụ Vương là một "khán giả" đặc biệt đã
ghi sâu hình ảnh "em Năm Sa Đéc" vào mộng chiều xuân, như bài văn tế
sau này ghi lại:
"Gió lá vai mang nhè nhẹ", em xuống giọng
"thoàn"
Người hùng lòng thấy lâng lâng, hồn theo mộng bướm.
Đôi chân bước khoan thai dìu dặt, êm đềm như gió trúc lay
cành.
Muôn mắt nhìn đắm đuối say sưa, miên man tưởng "chiều
thu đổ lá". (...)
Rạp Quảng Lạc Hà Thành nô nức, lễ tiếp nghinh, tiệc mở cờ
treo;
Danh "Cô Năm Sa Đéc" lẫy lừng, đến biểu diễn hoa
dâng quạt thưởng.
Cụ Vương để tâm tìm hiểu "cô Năm Sa Đéc" và biết
sau ngày gánh hát nhà của cha tan rã, Năm Sa Đéc dạt sang Cần Thơ đi hát cho
gánh của Bầu Bòn. Ở đó, mặc dầu xuất thân từ sân khấu hát bội, song Năm Sa Đéc
cũng phải chiều ý của Bầu Bòn để hát pha cải lương theo nhu cầu của khán giả thời
ấy. Nhưng rồi, cũng không bền, Năm Sa Đéc lại xuất hiện ở các đoàn hát của Trần
Đắt, Huỳnh Kỳ sắm các vai kiếm khách, văn thần, võ tướng qua các vở cải lương.
Tiếp đó cô đến với đoàn Song Phụng, rồi lại về Sài Gòn với đoàn Phước Xương (của
cô Ba Ngoạn) và tài năng lại rực sáng, lôi cuốn khán giả với các vai kép, vai
văn, hoặc vai võ như Lữ Bố, Triệu Tử, Địch Thanh...
Bấy giờ, tuy Năm Sa Đéc sống giữa chốn đô hội nhưng không mấy
vui, vì mang trong lòng mối tình đổ vỡ giữa cô và nghệ sĩ Hai Th. Chính lúc đó
cụ Vương cũng lên Sài Gòn, cũng mang trong lòng mối ngổn ngang sau ngày chia
tay với Tuyết. Hai người gặp nhau và có lẽ mối đồng cảm trong "trường
tương tư" đã nhanh chóng kết nối cụ Vương với nữ nghệ sĩ tài danh này như
lời nhận xét của người trong giới, rằng: "Cuộc đời của nghệ sĩ Năm Sa Đéc
bước vào một khúc quanh mới, khi cô gặp gỡ và kết nghĩa với học giả, nhà khảo cổ
Vương Hồng Sển, khi hai người vừa "gãy gánh giữa đường". Ông thì làm
công chức, viết sách, nghiên cứu các thú chơi đồ cổ, đá gà, hát bội, bà thì hát
bội, diễn cải lương... Ban đầu lúc kết nghĩa vợ chồng, vào cuối năm 1947, cụ
Vương và Năm Sa Đéc sống trong một ngôi nhà nhỏ ở xóm Cù Lao nằm trên đường Võ
Di Nguy cũ. Đó là ngôi nhà lợp lá ọp ẹp nhưng cũng không phải là nhà riêng mà
phải thuê lại của một người chủ quen gọi là thầy Sáu. Tuy vậy cuộc sống chung ấm
áp dưới mái lá đó đã để lại những kỷ niệm không quên mà sau này cụ Vương nhắc lại:
Anh hồi tưởng: Chòi lá năm xưa, Cù lao xóm cũ
Ngồi nghe em hát, giọng du dương trưa sớm chẳng nhàm tai,
Bàng hoàng giấc mộng trầm tư, đành chết điếng khúc quanh chiều
rẽ lối.
Long lanh ngấn lệ trào dâng,
Lặng lẽ trang tình xếp lại (...).
Đôi vợ chồng ra vào khắng khít, mắm muối mà vui,
Một chòi tranh sau trước đìu hiu, ghế bàn chẳng có.
Cụ Vương thời sống với nghệ sĩ
Năm Sa Đéc ở "vuông nhà cổ
tích" - Ảnh: T.L
Những câu trên nằm trong bài "văn tế Năm Sa Đéc"
khá thảm thiết. Bài này do một người khác ký tên Tế Nhị chấp bút "viết
thay lời chồng là Vương Hồng Sển". Mà lại viết trước khi nghệ sĩ Năm Sa
Đéc qua đời để nhằm "dọn sẵn bài khóc vợ" cho cụ Vương với sự đồng ý
của cụ.
Thật vậy, nguyên vào cuối tháng 7.1981 (tức 7 năm trước khi
bà Năm Sa Đéc mất), cụ Vương đến nhà của Tế Nhị ở đường Hai Bà Trưng rồi thuật
hết tâm tình của mình trong đời sống vợ chồng với bà Năm Sa Đéc cho Tế Nhị
nghe. Tế Nhị ngồi trên chiếc ghế mây, vừa nghe vừa ngẫm nghĩ và theo lời cụ
Vương sau đó Tế Nhị đã "xuất thần đọc cho tôi chép (bài văn tế), chép tới
đâu nước mắt tôi chảy tới đó". Là vì trước hết bài văn nhắc đến quãng đời
"rất nghệ sĩ" của hai người trong cảnh khó khăn: Bút rè ngòi, tiền cạn
túi, anh khoe đồ cổ, chúng chẳng thèm mua. Nhà dột nóc, gạo lưng nồi, em bán
bánh bao, lời không đủ sống (...). Tôi la cà quán sách giải buồn. Bà cắp củm,
túi tiền nhỏ giọt.
Về sau này, cuộc sống khá hơn khi họ dời về "vuông nhà cổ
tích" rộng rãi hơn nhiều, khang trang hơn nhiều ở đường Nguyễn Thiện Thuật
gần chợ Bà Chiểu năm xưa... Chính ở ngôi nhà này bà đã qua đời đột ngột vào
trưa ngày 26.1.1988 sau khi đã đi một vòng thăm những nghệ sĩ lão thành như Ba
Út và Năm Đồ về. Cụ Vương than: "Em sao vội phủi tay đứng dậy?. Tắt đèn đời,
tìm giấc ngủ thiên thu. Anh chỉ còn trơ mắt nhìn theo: qua dòng lệ viết trang
tình nửa đoạn"...
Hồng Hạc
Nguồn: Báo Thanh niên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét