Thứ Năm, 22 tháng 3, 2018

Hình như trời đang mưa

Hình như trời đang mưa
1/ Đài loan tin cơn bão sẽ đổ vào thành phố trong vài ngày tới. Vợ tôi cũng như những người dân khác đều lo mua gạo, thức ăn khô, nước uống và rất nhiều dầu lửa, đèn cầy để dự trữ, phòng thân. Thời tiết thay đổi hẳn. Trời âm u suốt ngày. Lại có mưa lâm râm. Không khí lành lạnh. Tôi không thể ngồi yên ở nhà trong những bức tường ngột ngạt. Tôi cảm thấy cần phải đi, đi đâu cũng được. Tôi thay quần áo, khoác thêm chiếc áo gió. Vợ tôi khuyên tôi không nên đi xa, khi thấy có triệu chứng cơn bão sắp đến, về nhà liền, tránh nguy hiểm giữa đường. Tôi gật đầu cho vợ tôi yên tâm. Tôi gọi điện hẹn Phan đến một quán ăn sân vườn, nơi thỉnh thoảng chúng tôi ngồi lai rai vài chai bia, đủ ngà ngà say.
Phan đã ngồi đợi tôi từ lâu. Tôi đến kéo ghế ngồi đối diện với Phan. Quán vắng hoe, không đông như mọi hôm. Hai chúng tôi ngồi dưới gốc cây bàng, tàn lá sum suê. Mưa bay lất phất. Cô chiêu đãi như biết ý, đem đến đặt trên bàn bốn chai bia tiger ướp lạnh, một cái đồ khui, cùng một dĩa khoai tây chiên rồi bỏ đi, để mặc chúng tôi.
Trong những lần họp mặt anh em bạn bè tôi rất bực mình khi phải ngồi nghe Phan kể những thông tin về đời thường chẳng ăn nhập vào không khí văn nghệ của chúng tôi. Bao nhiêu ước mơ, ấp ủ để thực hiện về một tờ báo văn học mà thời tuổi trẻ chúng tôi đã đình chỉ. Rồi vì thời cuộc chúng tôi đã ngừng bút. Đời sống khắc nghiệt đã làm tôi vắng đi những nụ cười. Tìm đến bạn bè, một chút men say trong không khí thân tình êm ái, cùng nhớ lại một thời đã qua, thì nói làm gì những chuyện vô vị của cuộc sống. Chỉ có những lúc hai đứa tôi ngồi riêng với nhau Phan mới nhắc lại những kỷ niệm về một thời làm báo văn nghệ hăng say với lòng nhiệt thành của tuổi ba mươi. Cùng tiếng tặc lưỡi luyến tiếc. Sao ta không khởi đầu lại những gì đã từng ấp ủ, say mê của thời tuổi trẻ. Giờ tóc đã bạc trắng. Một đời hoang phế! Uống tiếp những cốc bia đầy. Hồn lâng lâng đi về đâu? Những lúc như vầy, Phan ngồi bên tôi, không nói gì cả. Va, tôi cũng thế. Chỉ vài ngày sau là Phan ra đi. Bên kia nửa quả địa cầu. Sao mà xa vời vợi. Tôi sắp mất đi một người bạn. Cuối đời Phan lại phiêu bạt nơi xứ người. Lại một lần nữa thay đổi đời sống. Một cơn bão lịch sử đã làm thay đổi đời ta. Giờ Phan lại đón một cơn bão khác.
Trời vẫn còn mưa, nhưng chúng tôi vẫn còn ngồi ngoài sân vườn, dưới mái dù che bằng tấm nhựa, những giọt nước thi nhau rơi tí tách xoay chung quanh chỗ ngồi hai đứa tôi. Trời vẫn lặng gió. Chưa thấy hiện tượng gì cơn bão sắp qua thành phố. Chỉ còn tôi và Phan là những người khách còn ngồi lại ngoài sân vườn, những người khác đều chuyển chỗ vào trong nhà. Tôi ra dấu gọi cô tiếp viên cho thêm vài chai bia. Cô gái che dù mang bia đến. Phan cười bảo:
- Hôm nay ông uống hơi nhiều, phá lệ à. Ngồi đợi bão đến hả?
- Có lẽ vậy.
- Không đợi nó cũng đến mà đợi chắc gì nó sẽ đến.
Tôi gật gù uống tiếp một hơi dài. Rồi cười khan. Phan ngạc nhiên hỏi:
- Có gì thích thú mà ông cười?
- Nhớ lại cảnh mưa bão ngày ở quê, ngày nào..
Tôi không kể lại cho Phan nghe, nhưng trong tôi đang gợn lên hình ảnh vợ chồng con cái co ro, run rẩy ở một góc nhà trên chiếc giường tre. Mưa như thác đổ. Gió thổi mạnh như bão. Nóc nhà đã tróc bay nơi đâu. Nước xối xả theo khoảng trống ào xuống sàn nhà lênh láng. Vợ tôi chỉ kịp khiêng lu gạo để lên giường, chỗ khô ráo duy nhất trong nhà. Còn tôi chỉ khư khư ôm lấy cái cassette vào lòng rồi lấy bao ny lông bọc lại, sợ nước mưa nhỏ vào hư máy. Khi tạnh cơn mưa, trời đã về khuya. Các con tôi đã ngủ say, chỉ còn vợ chồng tôi còn thức. Nằm cạnh bên nhau nhìn lên, một đường trống trơn chạy dài, như cắt mái nhà ra làm hai mảnh riêng biệt, đủ để ánh trăng lấp vào thả ánh sáng lên hai thân hình của đôi vợ chồng trẻ đang ôm nhau khắng khít. Vợ tôi ngủ say. Còn tôi vẫn thức, nghe nhạc một mình. Tiếng nhạc du dương hòa tấu khúc Hồ thiên nga của Tchaikovski, đưa tôi vào một cõi mộng mơ xa xôi. Nơi đó vắng bóng người đàn bà trẻ đẹp, mảnh mai, phải còng lưng gánh lúa cho Hợp tác xã nông nghiệp. Nơi đó không có nắng chang chang để làm làn da vốn trắng trẻo trở thành nám cháy, khi suốt ngày phải ở ngoài đồng cấy mạ gặt lúa, làm bàn tay năm ngón thon thả trở thành cục mịch và lòng bàn tay ngày nào hồng hào thành dầy cợm, chai lì. Cuộc sống lam lũ vẫn không làm chúng tôi bi quan. Vui vẻ mà sống. Sau những giờ lao động chân tay chúng tôi còn một đời sống khác. Buổi sáng dậy sớm, tôi nghe nhạc không lời, cùng uống cà phê sữa nóng, cùng hút một điếu thuốc, nhớ lại một vài kỷ niệm đẹp của những ngày đã qua trong một đời sống khá giả trước đây, và tuyệt đối vợ chồng tôi tránh nhắc đến những cơ cực của cuộc sống hiện tại. Sau đó mỗi người tản ra đi làm. Vợ tôi ra đồng. Tôi đến văn phòng hợp tác xã với những con số về công điểm ăn chia, về số lúa thu hoạch, về phân bón nhập kho. Một kế toán trưởng hợp tác xã nông nghiệp mà tôi không hề phân biệt được đâu là cỏ cú đâu là lúa non. Về đến nhà, tối thắp đèn dầu, đọc sách văn học. Khuya nghe nhạc cổ điển tây phương. Nhưng hằng ngày phải ăn cơm độn. Bo bo. Khoai mì. Khoai lang. Những năm 79-80, bao nhiêu người thân, bạn bè bỏ quê hương, lén lút trốn tránh nhau để vượt biển ra đi. Những năm 90 họ ung dung trở về rạng rỡ nụ cười với những người thân ra đón mừng. Bao nhiêu sai lầm tôi đã trải qua. Mười lăm năm sau tôi mới mang gia đình vào sống ở Sài Gòn. Bạn bè tôi từ từ cũng tụ về một mối.
Tôi hỏi Phan:
- Ra giêng, ông cưới vợ cho con trai đầu rồi mới đi chứ.
Phan không trả lời, chỉ gật đầu.
Bắt đầu lại một cuộc sống mới với tuổi gần sáu mươi kể cũng buồn thật. Tôi đưa ly bia định uống một hơi, bỗng ngừng tay lại, đôi mắt nhìn quanh đâu đó, tai nghểnh lên. Tôi nhận ra trong tiếng mưa rơi, văng vẳng tiếng đàn ghi-ta từ xa vọng lại. Lúc đầu, từng tiếng khoan thai, sau dồn dập. Những ca khúc của một thời đã làm tôi say mê. Hoài cảm. Đêm đông. Buồn tàn thu. Tôi sững sờ, bàng hoàng, nhận ra tiếng đàn này rất quen thuộc với tôi, từ thời niên thiếu. Vẫn những tiếng láy rung rung mang âm hưởng của đàn mandoline. Đúng rồi, tiếng đàn của bạn tôi. Của bốn mươi năm về trước. Một khoảng thời gian dài bỗng rút ngắn lại trong tích tắc, trong từng âm thanh dồn dập xô đẩy tôi vào một không gian khác, một thời gian khác. Tôi nở nụ cười héo hắt. Bậm môi mình thật chặt để chận lại nỗi uất nghẹn sắp trào ra thành tiếng khóc. Nhưng nước mắt tôi đã chảy thành từng giọt, rơi xuống mặt nước vàng sủi bọt của ly bia tôi đang uống dở. Phan sững sốt nhìn tôi, hỏi rất khẽ:
- Cậu sao vậy?
Tôi lẩm bẩm:
- Đúng là hắn.
Rồi, tôi gọi cô chiêu đãi hỏi tác giả đàn ghi-ta là ai. Cô chiêu đãi đáp gọn:
- Vô Thường.
Tôi gật đầu nói nhỏ nhưng cũng đủ cho Phan nghe:
- Đúng hắn. Võ văn Thường. Bảy Rìu.
Tuổi thơ của chúng tôi, tên trong giấy khai sanh ít được gọi tới, chỉ kêu nhau bằng biệt danh, không hiểu xuất xứ từ đâu, hồi nào. Bạn nối khố gọi tôi: Minh Bui, Vô Thường là Bảy Rìu. Nhà chúng tôi ở hai con đường khác nhau. Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo, nhưng nhà hai đứa kế hông nhau. Căn gác nhỏ của tôi, cửa sổ mở ra, nhìn qua căn gác của hắn. Chỉ cần tín hiệu huýt gió, chúng tôi xuống gác ra khỏi nhà gặp nhau chẳng ai biết. Thường vào những đêm có trăng, khi những ngọn đèn nhà trong phố tắt hẳn, lũ chúng tôi ba đứa, Minh Bui, Bảy Rìu và Tín Chả, rủ nhau ra ngồi ở sân quần vợt cùng đánh đàn ghi-ta, và ca hát. Suốt cả đêm, có khi thiếp ngủ luôn tại đó, giật mình thức giấc, tưởng rằng sương khuya sẽ ướt mất cây đàn, mới hay ai đó trong ba đứa đã lấy tấm chăn phủ kín cây đàn, đánh thức nhau dậy, chạy về nhà chui vào ghế bố đã để sẳn từ đầu hôm trước hiên, ngủ tiếp.
Những năm đầu thập kỷ 60, đất nước còn thanh bình. Không có giới nghiêm. Không có tiếng súng. Thị trấn nhỏ nhất miền Nam này sống hiền hòa, êm đềm. Cả ba cùng một tuổi Tỵ. Tân Tỵ Tín Chả và Bảy Rìu còn là anh em bạn dì. Cả ba chúng tôi cùng học một trường tiểu học, và khác trường khi lên trung học. Trong những đêm mùa hè nóng nực, chúng tôi thường kéo nhau ra ngồi dưới cột đèn đường hay ngoài bờ thành của một ngôi chùa nhỏ.
Thường chơi đàn ghi-ta bằng tay trái, Tín  bằng tay mặt. Hai đứa ngồi đâu lưng với nhau, hai cần đàn dài hướng về hai phía khác nhau. Đầu họ cúi xuống, tóc phủ trán lất phất bay theo gió. Những ngón tay phải bấm trên dây đàn, còn ngón cái và ngón trỏ bàn tay trái của Thường cầm lấy phím đàn bằng đồi mồi, gảy từng tiếng một rồi liên hồi, tạo thành những âm thanh giòn giã tựa như tiếng đàn mandoline. Tín thì ngược lại. Những ngón tay có móng  dài, thong thả, búng vào dây đàn tạo ra âm thanh đục trầm. Tôi ngồi trước mặt họ, hai người bạn từ lối chơi đến cách cầm đàn trái ngược hẳn nhau, đối kháng nhau. Tôi không biết đàn. Tôi chỉ là người thưởng thức, cảm nhận được sự hòa hợp của hai tiếng đàn đó. Tiếng đàn của Tín trầm và khoan thai, ngược lại giọng hát cao vút. Còn Vô Thường giọng trầm và khàn khàn trái ngược với tiếng đàn âm cao.
Tôi không biết hai người biết đàn ghi-ta từ lúc nào, nhưng chắc chắn cả hai chưa thông qua một trường lớp nào. Tôi thường mua sách Tự học đàn ghi-ta gởi tặng hai bạn, khi tôi rời khỏi thị trấn nhỏ đó ra học ở Huế. Tôi tưởng từ đó chúng tôi không gặp nhau nữa.
Năm năm sau tôi lại trở về thị xã này, làm nghề gõ đầu trẻ. Tín Chả bị động viên vào quân ngủ. Thường đã có vợ và làm công chức ở tỉnh. Mỗi đứa đều có một đời sống riêng, tưởng rằng không còn liên quan gì với nhau. Nhưng tôi đã lầm. 
Nhớ lại ngày chúng tôi quen nhau lúc còn bé, ngồi vây quanh anh Đề, một thanh niên trong xóm tôi, gảy đàn mandoline. Anh Đề là bạn của anh Hai tôi, từ thuở nhỏ, lớn lên theo Việt Minh. Tôi không hiểu sao anh Đề lại bỏ chiến khu về thành. Nhìn nước da của anh xanh mét, và người gầy đét, khô cằn, rõ ràng anh mang bệnh sốt rét. Tôi chỉ nhớ có một buổi tối trời có trăng, lần theo tiếng đàn, tôi mới gặp được anh. Anh đang ngồi trên thành lan can, dựa lưng vào vách, tay ôm cây mandoline và đàn liên tục, từ bài này sang bài khác. Những âm thanh dòn dã, hùng hồn, nhưng có lúc như tỉ tê, phiền muộn. Toàn những bản nhạc lúc bấy giờ tôi chưa nghe. Có hỏi, anh Đề chỉ cười và nói nhỏ: “Lớn lên chú mày sẽ biết”. Sau này tôi khám phá ra đó là những bản nhạc kháng chiến: An Phú Đông. Nhớ chiến khu. Bà Mẹ Gio Linh. Anh chỉ đàn mà không hát. Lần sau tôi tìm đến anh, nhà anh chỉ cách nhà tôi mấy căn, năn nỉ anh đàn cho tôi nghe. Hai anh em dắt nhau ra ngoài hiên, người đàn người nghe. Khi anh Đề ngừng tay, hút thuốc, tôi mới nhận ra hai chú bé tuổi bằng tôi, ngồi cạnh mình từ lúc nào.
Anh Đề chợt đến chợt đi như một bóng ma, nhưng tiếng đàn của anh đã để lại cho tuổi thơ chúng tôi một dấu ấn tuyệt vời về âm nhạc. Một đêm trăng, ba đứa không ai rủ ai tìm đến anh Đề, mới hay anh đã bỏ nhà ra đi từ đêm qua. Sau này tôi mới hiểu vì sao một đêm trước đó anh đàn cho chúng tôi bài Cây đàn bỏ quên và tặng cho Bảy Rìu cái phím đàn bằng đồi mồi. Nghe anh Đề đàn, tôi chỉ nhìn trời bâng quơ. Còn Bảy Rìu, chăm bẳm nhìn bàn tay anh Đề cầm phím đàn liên tục gảy nhạc. Từ đó Bảy Rìu tập tành đàn. Tín Chả tập hát. Còn tôi tập viết văn.
Từ ngày Phan qua Mỹ, nhiều lần tôi tìm băng cassette hoặc dĩa CD về đàn ghi-ta của Vô Thường ở hải ngoại để thưởng thức tài nghệ của anh, cũng như xem lại tôi có xúc động đến rơi nước mắt, như vài năm trước khi ngồi với Phan. Tôi có tìm đến  quán sân vườn ngồi uống bia và yêu cầu họ cho tôi nghe lại băng đàn guitar nhưng họ trả lời đã bị hư nát rồi. Tôi có hỏi những nơi thu băng nhưng họ lắc đầu, chưa thấy. Vài năm sau trong một chuyến đi lên Đà Lạt nghỉ mát, vào nhà sách, nơi quầy bán băng cassette tôi thấy có tên Vô Thường, mừng như vừa gặp lại người bạn cũ. Tôi mua về. Chiều đó tôi không ngồi ở nhà Thủy tạ cùng Trọng, lấy cớ đang có hứng để viết một truyện ngắn. Trong không khí lạnh lẽo của vùng Cao nguyên, ngồi trong căn nhà gỗ, trước mắt là màu xanh lục của rừng thông bên kia ngọn đồi vương vấn những áng mây trắng lờ đờ trôi qua. Tiếng đàn Vô Thường trỗi dậy. Âm thanh đó kéo tôi đi vào một cõi khác, xa lìa với cuộc đời này. Và tôi lại bật tiếng khóc. Sá gì một tiếng đàn của người bạn cũ làm tôi xúc động như thế. Tôi ngồi suy ngẫm cố tìm xem từ trong đáy lòng mình một dấu vết đau thương nào trong cõi u minh.
Thì ra, ngày ấy…
Ba tôi, trong những ngày cuối đời thành một ông già gầy nhom, mặc quần áo lụa trắng, tay chống gậy, mỏi mệt lần bước chân đi. Tuổi tác ba tôi bấy giờ cũng bằng tôi lúc này. Sáu mươi, nhưng cơn bệnh lao phá nát hai buồng phổi, những cơn ho dữ dội làm tuôn máu đỏ tươi. Trông ba tôi như một cụ già tám mươi.
Muốn lên gác, tôi phải đi ngang qua ba tôi. Ban ngày ông nằm trên chiếc ghế xích đu bằng vải bố, trước bàn thờ leo lét một ngọn đèn dầu, một lư hương luôn luôn có cây nhang được đốt lẻ loi, phảng phất mùi thơm, phía sau là tấm hình đã hoen ố của mẹ tôi. Ba tôi như người giữ mồ. Ban đêm ông cũng không cho bật đèn điện, ông không chịu được ánh sáng. Chỉ vài bước chân ngang qua, mới thoát ra cõi tối tăm, ma quái. Chỉ cần bước nhanh qua nơi ba tôi nằm như xác chết, để lên được căn gác tôi cũng đủ làm T. run sợ khôn xiết.
Trước ngày giỗ mẹ tôi, ba tôi qua đời. Khi ba tôi chết tôi mới khám phá ra ba tôi tự tử bằng thuốc ngủ. Bác sĩ bảo cơn bệnh sẽ còn hành hạ và keo dài cuộc sống ba tôi một hai tháng nữa. Trước đó, Ba tôi đã từng nói: Sao con cái không giỗ mẹ, giỗ cha cùng một ngày. Cùng lúc nơi chín suối cả hai ông bà dắt nhau về nhìn con cái sum họp cúng vái cha mẹ. Trước ngày  ba tôi mất, ông buộc anh Quế phải đem trầu cau cưới chị Muội, cũng như Định ngoài Huế cưới Ngân. Đám cưới chạy tang. Còn tôi, ba tôi dặn dò tôi và T. phải giữ vững tình yêu để thuyết phục ba mẹ T. vài năm sau đổi ý, chấp nhận, cũng không muộn màn gì.
Đám tang của ba tôi, mọi người thân từ xa đến phúng điếu trước giờ đi chôn. Thắp cho ba tôi một nén nhang Thường khấn thầm: “Như vậy con đã đàn tiễn đưa bác đi rồi nhé.” Tôi giật mình nhớ lại những ngày trước đó. Thường báo cho tôi anh mới khám phá việc khuếch đại âm thanh đưa tiếng đàn ghi-ta thùng, thánh thót như ghi-ta điện của ban nhạc Shadow thịnh hành thời đó. Anh gắn micro sát vào mặt gỗ thùng đàn, đầu kia phích cắm vào sau chấu điện của cái đài Philippe 6 đèn.  Anh cầm phím đàn của anh Đề cho thuở nào gảy lên dây đàn ghi-ta như gảy lên  đàn mandoline. Âm thanh vang dội qua nhà tôi. Không còn phải ngồi bên cạnh nhau và phải lắng tai tôi mới nghe hết âm thanh của tiếng đàn. Tôi tắt ngọn đèn trên căn gác, định ngủ, ánh trăng chiếu qua khung cửa sổ dọi vào một góc phòng, và tiếng đàn guitar réo rắt và liên tục từ Hoài cảm, Đêm đông, Buồn tàn thu, Bến xuân. Không biết còn đến ca khúc nào nữa đã đưa tôi vào những giấc mơ thần tiên rồi. Những đêm sau đó, lúc trăng lên ngay đỉnh đầu, Thường ôm đàn với âm thanh khuếch đại, không cần biết đến những người ở nhà bên cạnh đang cần sự yên tĩnh. Ba tôi là người phản ứng đầu tiên. Ông hỏi tôi: “Nhà ai mới mua máy hát mà để dĩa nhạc to vậy.” Tôi trả lời ngay: “Thằng Bảy Rìu chơi đàn đó ba.”Ba tôi thắc mắc hỏi tiếp: “Đàn gì vậy?” – “Dạ, ghi-ta.” – “Như cây đàn của thằng Tín hả. Sao lạ tai vậy?” –“Ghi-ta điện tự chế. Mà hay không ba?” Ông gật đầu: “Da diết quá. Buồn quá.” Bấy giờ tôi mới nhận ra vẻ mặt quá bơ phờ của ba tôi. Hai mắt ông lõm sâu và có quầng thâm, chứng tỏ những đêm giấc ngủ chập chờn cùng những cơn ho dữ dội, tàn phá thân xác ông. Gặp Thường tôi kể lại. Và gợi ý: “Mày đàn ban ngày to mấy cũng được, ban đêm giảm âm thanh lại.” Thường phản ứng với vẻ mặt buồn xo: “Ban đêm trăng thanh gió mát và tâm mình lắng dịu, chơi đàn mới sướng, âm thanh thật mạnh mới đã.” Những đêm sau đó, trời vẫn còn trăng, gió vẫn mát nhưng lại vắng tiếng đàn của Thường. Ba tôi mới hỏi: “Bộ thằng Thường bệnh hả?” - “Sao ba lại nghĩ vậy?” - “Thế sao tao không nghe nó đàn?” – “Sợ ba ngủ không được con bảo nó đừng đàn giữa đêm khuya. Nó nghe lời nhưng con biết nó rất buồn” - “Nghe nó đàn tao buồn nhưng vắng tiếng đàn của nó tao lại đau khổ hơn. Tao chờ đợi. Tao lắng tai. Tao thao thức. Tao thấy trong tâm hồn tao thiếu vắng cái gì đó. Té ra tiếng đàn.  Nó dẫn dắt tao tìm thấy mẹ mày trong một cõi xa vời khác.” Ba tôi ngừng tiếng một lúc rồi năn nỉ “Tội ba, con nói nó đàn cho ba được gặp mẹ con với”. Đêm đó Thường đàn cho ba tôi nghe bài Dạ lai hương. 
Âm thanh ma quái, liêu trai. Sáng mai thân xác ba tôi đã cứng lạnh. Dưới gối có một ống thuốc ngủ trống trơn. Chắc giờ này ba tôi đã gặp được mẹ tôi rồi. 
Mấy mươi năm qua rồi. Tối nay, trên căn gác, tôi không bật đèn, dưới bóng tối lờ mờ, tôi ngồi gác cằm lên song cửa sổ, mắt đăm đăm nhìn bãi đáp máy bay của phi trường Tân Sơn Nhất. Trời tối đen như mực. Sao lấp lánh. Một dãy đèn xanh đỏ chằng chịt cắt ngang như phân chia ranh giới giữa biển cả và trời mây. Ánh đèn pha chớp chớp như những tia sấm, báo hiệu cho máy bay đáp xuống. Âm thanh réo rắt của tiếng đàn guitar của Vô Thường từ dàn máy CD vang lên. Tôi tự hỏi: “Tại sao hai lần trước tôi nghe tiếng đàn này tôi đều chảy nước mắt, rồi sau đó một vài kỷ niệm giữa tôi và Vô Thường cùng những hình ảnh xa vời của cha tôi, của anh Đề, của Tín Chả mới hiện lên sống lại trong tim tôi. Tôi chưa tìm ra lý do nhưng tôi biết có một cái gì sâu xa hơn nữa nằm tận đáy lòng tôi đang bị một khối đá nặng nề đè nặng lên. Nó muốn vùng dậy và thoát ra”. Tôi một mình muốn chìm đắm trong tiếng đàn đó xem nó dẫn tôi tới đâu, có làm tôi xúc động trước khi nhận ra một khuôn mặt ai đó đã qua trong đời mình những ngày xa xưa tưởng chừng như đã chết.
Tiếng đàn Vô Thường có lúc tỉ tê như đang muốn tâm sự với tôi. Âm thanh trầm trầm, rời rạc, bỗng lên như cánh diều bay vút theo gió lên trời cao, rồi bị đứt dây, lảo đảo giữa khoảng không gian bát ngát. Có lúc tiếng đàn dồn dập như xô tôi vào một cõi mênh mông nào đó. Có tiếng gào thét, vẫy vùng. Và uất nghẹn. Giận hờn. Và thương nhớ. Sau bao nhiêu năm từ thời tuổi thanh niên đến lúc này đầu đã bạc mà một câu hỏi đã làm tôi cũng như Vô Thường bứt rứt không có câu trả lời thích đáng. Tại sao hắn chết. Tín Chả. Tín không chết ngoài trận mạc mà hắn chết vì tự tử. Một viên đạn súng lục hắn tự bắn vào đầu. Tín chết để lại cho Bảy Rìu cây ghi-ta mới mua, các dây đàn bằng sợi cước. Thường treo lên tường cạnh giường ngủ, cứ nhìn thấy chứ không cầm lên nổi để bấm đàn. Anh bị cái chết bí ẩn của Tín ám ảnh. Cũng như tôi, không đọc nổi vài trang tiểu thuyết, không nghe nổi vài đoạn nhạc cổ điển Tây phương hoặc những ca khúc tiền chiến. Những buổi chiều tối xẩm tôi hay ngồi hút thuốc liên miên, không muốn suy nghĩ về cái chết của Tín. Tôi trách mình vô tâm. Tôi trách bạn vô tình. Giật mình nhớ những đêm Tín rủ tôi và Thường cùng nhau vào Sài Gòn đi khiêu vũ. Tín nhảy những bản tango rất tuyệt vời. Người vũ nữ trẻ đẹp thướt tha theo từng bước dìu của Tín. Cả vũ trường đều nhìn say mê. Một người bạn cùng quê, cùng mê vũ trường như chúng tôi báo tin về sự bỏ nhà ra đi theo người tình của vợ Thường. Thường không tỏ một thái độ gì cả. Mặt vẫn lạnh lùng, nhưng nửa đêm, tôi nằm bên cạnh mới nghe tiếng khóc rấm rứt của Thường.
2/ Cũng như về T., tôi ước mơ cuối đời mình sẽ được gặp lại nàng, dù chỉ một lần. Trong giấc mộng, T. tránh mặt tôi, lúc tỉnh dậy tôi buồn vô hạn. Gặp nhau để làm gì, khi hai chúng tôi mỗi đứa đã an bề gia thất. Và tuổi già đã đến trên đầu mỗi đứa. Tôi nghĩ đến lúc mình nhắm mắt xuôi tay không bao giờ tôi được gặp lại T., người tình xưa. Trong tâm tưởng chỉ còn mơ hồ một hình ảnh người con gái hai mươi tuổi, ngây thơ và trong trắng.
Nào ngờ, chúng tôi gặp lại nhau thật, sau ba mươi năm cách biệt. Người đang ngồi đối diện với tôi là T., người đàn bà đã từng trải, chịu bao đắng cay sau năm 1975, chồng chết một năm sau đó. T. dắt mấy đứa con thơ dại vào sống ở Sài Gòn. Bon chen. Rồi vượt biên. Bị bắt. Thả ra lại tiếp tục vượt biên. Thọ bạn tôi cũng là anh rể của T. chỉ cho tôi biết tin chừng đó. Ngày tôi dắt cả gia đình từ bỏ thị trấn nhỏ vào sống Sài Gòn cũng chính là những ngày cuối cùng T. còn ở Việt Nam. Thọ cho tôi biết hình như T. buôn bán giày dép ở đường Lê Thánh Tôn. Tôi lang thang mãi suốt con đường đó mong có tiếng ai rất quen thuộc, rất thân ái gọi khẽ tên mình để ngừng bước quay lại nhìn khuôn mặt người tình năm xưa, xem lòng mình còn bàng hoàng đến mức độ nào. Bây giờ, T. cười và lắc đầu:
- Anh Thọ cho sai tin về T. hay anh nghe lầm. Tuyên có sạp vải ở chợ Tân Định, sau những lần thất bại ê chề, bị bắt tù vì tội buôn thuốc tây lậu. Vài lần gặp lại người quen T. có hỏi về anh, họ nói anh đi kinh tế mới.
Nói chung, sau năm 1975 chúng tôi không nhận được tin tức đích xác của nhau. Sau này tình cờ gặp lại Minh, em ruột của T., mới cho tôi hay T. và các con hiện nay ở Mỹ. Đời sống đã ổn định.
- Anh nghĩ khoảng đời còn lại tụi mình không còn gặp được nhau. Tại quê nhà, cùng một thành phố mà chúng ta còn không có cơ hội, huống gì khi hai đứa ở cách nhau nửa quả địa cầu. Phải không T.
T. khẽ lắc đầu. Đôi mắt nhìn thẳng vào mặt tôi, nàng nói:
- Không. Nếu vậy em không về lại Việt Nam, sau khi Minh cho em biết tin tức đích xác về anh.
- Giờ, tóc anh đã bạc trắng đầu. Em cũng không còn trẻ. Chúng ta đang ngồi lại với nhau, nhìn lại nhau, đánh giá lại tình yêu đã dành cho nhau cùng những lầm lỡ của thời tuổi trẻ. Lúc đó tụi mình không biết để cho nó trôi qua. Mất mát. Ân hận. Ray rứt. Hối tiếc.
Người phục vụ đem đến thực đơn, lịch sự hỏi:
- Thưa hai bác dùng gì?
Lúc ấy tôi mới nhận ra tôi và T. đang ngồi tại nhà hàng Tib. Nhìn xung quanh mình, còn nhiều bàn vắng khách, hai đứa tôi là khách đến sớm nhất. Bàn tôi ngồi sát vách bằng kính trắng ngăn cách với cái sân trống để mấy hàng chậu kiểng bonsai, hòn non bộ. Tiếng hát Khánh Ly thầm thì quanh đây. “Người ngỡ đã xa nhau nhưng người bỗng lại về… Tình ngỡ đã quên đi nhưng tình quá bao la…” Lời bài ca giống như tâm trạng của chúng tôi. Tôi hỏi T.:
- Những ngày rằm ở Mỹ em có ăn chay không? Như ngày nào khi còn con gái, ở trọ trong chùa?
- Có. Dù chỉ một mình.
- Giờ có anh. Tại quê nhà. Em gọi món gì đi, thứ ở Mỹ hiếm thấy. Nhà hàng này đặc biệt chỉ bán quanh năm suốt tháng các món ăn chay xứ Huế và nghe nhạc Trịnh Công Sơn.
Những giọng ca quen thuộc của Khánh Ly, Lệ Thu diễn tả lời thơ, âm điệu nhạc buồn của Trịnh Công Sơn từ từ đưa chúng tôi lùi về quá khứ. Thời gian đi thụt lùi. Không gian đảo ngược, quăng chúng tôi về thị trấn nhỏ đầy kỷ niệm của một mối tình thơ ngây. Bặt đi tiếng hát. Vọng lại tiếng đàn ghi-ta độc tấu những ca khúc Trịnh Công Sơn thành một liên khúc. T. ngẩn ngơ rồi buột miệng:
- Tiếng đàn ghi-ta của Vô Thường.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Sao em biết.
- Ở Mỹ, Vô Thường nổi tiếng cả mười năm nay. Ở nhà em cũng có vài dĩa CD Vô Thường. Mỗi lần nghe, lòng em nôn nao, như xa lìa đời sống quá bon chen, như con lật đật, để trở về vùng im vắng của quê nhà. Nơi ấy có những người thân yêu của một thời xa vắng. Cứ vương vấn bên lòng. Dù thời gian có trôi qua.
- Em thử nhớ xem, tiếng đàn này em đã nghe một lần nào trong cái dĩ vãng xa xưa, thời còn con gái. Riêng anh, nó cứ ám ảnh anh vì cả một khoảng đời trai trẻ các anh dính liền với nhau. Hắn đó: Vô Thường, bạn anh, Tín Chả mà ngày nào mới quen nhau anh đã kể cho em nghe về cái chết của một thanh niên đẹp trai, tài hoa.
- Ngày ấy em là cô gái tuổi 18, nghe anh kể cảnh anh Tín tự tử, suốt mấy đêm liền mất ngủ, miệng phải lâm râm đọc kinh Phật, để xô đuổi hình ảnh máu đổ trộn lẫn với não tủy từ màng tang tuôn ra. Ghê quá. Anh Vô Thường em chưa nghe anh nhắc tới.
- Giờ cũng chưa muộn dù đã 30 năm bọn anh chưa gặp nhau lại, anh kể cho T. về hắn. Hắn xấu trai, mắt lồi răng hô, nói chuyện thô lỗ, vô duyên. Có tật là mọi vật đều cầm tay trái, kể cả cây đàn. Không có mối tình nào đẹp. Có vợ sớm để vợ ngoại tình bỏ đi. Cưới vợ khác có vài đứa con rồi cũng bỏ họ lại quê nhà, di tản sang Mỹ những năm 75. Hồi nhỏ đi học, lớn lên thành lính kiểng. Niềm say mê nhất đời hắn là đàn ghi-ta. Cái duyên, cái đẹp tâm hồn của hắn đều nằm trong tiếng đàn. Như Trương Chi còn có Mỵ Nương. Còn Vô Thường thì có ai? Sau này vài người quen từ Mỹ về anh có hỏi thăm về Vô Thường, họ cho biết vẫn ở một mình sau bao nhiêu đời vợ, bao nhiêu cuộc ly dị. Bao nhiêu cuộc chia đôi tài sản. Chàng chỉ còn lại chiếc nhà xe di động có trang bị dàn máy ghi âm để thu tiếng đàn của mình vào dĩa CD.
Tôi ngừng nói khi thấy T. đang ngơ ngẩn như có ai đó đang dẫn dắt nàng đi vào một cõi nào. T. đang chập choạng, quờ quạng, lềnh bềnh như mây bay. Tôi cũng bước theo nàng, hụt hẫng, bồng bềnh trong trời mênh mông. Tiếng đàn tỉ tê. Khi chậm khi nhanh. Khi trầm khi bổng. Khi lưa thưa, khi dồn dập, dẫn dắt tôi và T. lang thang trong cõi mộng mơ. T. nói như còn trong cơn mộng du:
- Chẳng lẽ em đã nghe tiếng đàn ghi-ta này. Cũng bản Ướt Mi của Trịnh Công Sơn. Một buổi chiều mưa trên căn gác nhà anh. Từ đâu vọng lại. Em ngồi một mình.  Anh quên lời hẹn với em. Anh không về. Tiếng đàn lập đi lập lại cũng vẫn một bản Ướt Mi cho đến lúc em bước chân nhẹ nhàng xuống cầu thang và rón rén đi ngang qua chỗ ba anh nằm bệnh mới vững bước tự nhiên ra khỏi nhà anh.
Tín chết làm tôi lảo đảo, chênh vênh, như một kẻ say rượu bước chân lên cầu thang mà cứ tưởng bước xuống vực sâu, tôi lao mình rơi xuống, chới với trong miền hoang vu, bấy giờ khuôn mặt T., đôi mắt T. long lanh những giọt lệ và đôi bàn tay xinh xắn nắm chặt tay tôi kéo lên, dìu dắt tôi, vững chải bước tiếp tục trên cõi đời này. Từ giã những cơn say túy lúy, từ giã những đêm đi lang thang một mình giữa phố phường đã đóng cửa mà lòng tan hoang, cùng nỗi ám ảnh về cái chết của Tín, tôi đã bước vào thế giới tình yêu của T. mang lại cho tôi.
- Đúng là tiếng đàn Vô Thường sau một thời gian im tiếng vì cái chết của Tín. Em nhắc đến buổi chiều đó làm anh giật mình nhớ ra có lần Thường hỏi anh có biết vì sao hắn có hứng thú để đánh đàn ghi-ta, ngay chính trên cây đàn Tín để lại, âm thanh du dương, lanh lảnh, gây xúc động cho người nghe. Phải khuếch đại âm thanh. Chỉ một hình ảnh về khuôn mặt ngây thơ và trong trắng của một người con gái bên kia khung cửa sổ, lờ mờ qua màn mưa rơi lớt phớt ngoài trời tao cũng nhận ra được những giọt nước mắt của nàng đang nhỏ xuống, đã tạo ra những âm thanh tuyệt vời trong tâm hồn tao khiến những ngón tay tao gảy lên những dây đàn theo nỗi cảm xúc mà tao không cầm lòng được. Nó mạnh hơn cái ám ảnh của cái chết. Ai? Mày biết không. Anh lắc đầu và hắn chỉ thốt lên, dù sao tao cũng cám ơn cô bé ấy. Anh không thắc mắc tìm hiểu chỉ mừng là hắn đã đàn được mà càng lúc càng hay, những âm thanh điêu luyện làm rung động lòng người. Bây giờ, tình cờ anh mới biết cô bé ấy là ai roi. T. 
Tôi ngừng nói, cầm ly nước uống một hớp nhẹ, rồi nhìn T. hiện tại sau 30 năm vẫn còn mang dáng dấp ngày xưa, đôi mắt trong sáng nhưng u hoài, và nụ cười héo hắt. Tôi nói tiếp:
- Mỗi lần anh nhớ về T. anh không thể quên được những giọt nước mắt của em. Lúc nào cũng khóc được. Đáng lý ra anh phải dỗ dành T., an ủi T. nhưng anh cứ ngồi trơ mà nhìn. Anh như con mồi mắc bẫy màng nhện, tay chân cứng đơ nhưng lòng lại xót xa.
T. không nhìn thẳng vào mắt tôi, nàng nhìn ra ngoài sân, nói rất khẽ như tự nhủ thầm với lòng mình:
- Tụi mình gặp nhau lúc nào trời cũng mưa.
Tôi cứ ray rứt mãi về buổi tối đã bỏ T. giữa đường đứng núp mưa. Một mình với thân con gái. Trời lạnh, rét run. Sài Gòn ban đêm đầy cạm bẫy. Cả tiếng đồng hồ sau Trọng mới đi đón hộ tôi. Bao nhiêu năm qua tôi cứ ân hận mãi. Ngay sáng hôm sau tôi kể lại cho chị Muội. Chị ấy chưởi tôi là kẻ vô tâm. Và tôi chuộc lỗi bằng cách tối đó mang đến cho T. những trái cam với sự ngạc nhiên của T.: Em đâu có bệnh. Tôi tự trách mình. Hết vô tâm lại ngớ ngẩn.
- Mỗi lần trời mưa lòng T. xốn xao. Bao nhiêu năm rồi cũng vậy, nhớ đến một cái gì đó không rõ ràng. Buồn về một điều gì đó không rõ nét. Rất mơ hồ. Rất xa xôi. Nó nằm rất sâu trong lòng em. Có dịp nó trổi dậy: Những cơn mưa cùng tiếng đàn ghi-ta của Vô Thường.
Tôi nói :
- Về mối tình đầu. Thuở ấy em chỉ biết yêu và chỉ biết khóc?
T. nói như một lời trách móc:
- Còn anh, anh chỉ biết nhìn, để nó trôi qua. Anh không biết giữ gìn, quí trọng.
Tôi gật đầu như thú nhận:
- Đến khi mất em rồi anh mới nhận ra, đã muộn.
Tôi rút trong túi áo ra tấm hình đã hoen ố vì thời gian đặt trước mặt T. Nàng cầm lên xem. Hai tay nàng run rẩy. Tấm ảnh đen trắng T. chụp thuở còn nữ sinh. Ngây thơ. Đôi mắt mở to. Buồn. Đôi môi mỏng nở nụ cười. Phía sau chữ của T. viết nghiêng: Trao về anh với nhiều thương nhớ. Tôi đọc cho T. nghe đoạn kết của một lá thư ba mươi lăm năm về trước của T. 18 tuổi: Em  lo sợ tình mình sẽ tan vỡ mất thôi. Không biết lúc ấy ai buồn hơn ai?
- Đã bao nhiêu năm rồi  anh vẫn giữ được. Lan không ghen sao?
- Đời anh chỉ có một mối tình duy nhất. Lan biết và quí trọng nó.
Trong bữa ăn, T. thường gắp bỏ vào chen tôi những thức ăn nhẹ, và dặn dò đủ thứ, anh không được ăn cay, cử chất béo, cấm hút thuốc, cà phê, và rượu, bao tử mới bớt hành anh. Tôi nhìn từng cử chỉ nhỏ nhặt, săn sóc tôi, lòng mình se thắt.
Tôi gọi người chiêu đãi ra dọn dẹp và mang lại hai ly nước cam tươi. Thì giờ ngồi lại để thưởng thức nhạc Trịnh Công Sơn. Cả tôi và T. đều im lặng trong tiếng đàn ghi-ta của Vô Thường không phải như những thính giả xa lạ, mà là hai người bạn thân đang nghe tiếng lòng anh đang thổn thức. Tiếng đàn dập dìu dẫn tôi và T. trở về căn gác xưa. Ngồi bên song cửa sổ hai đứa nhìn sang căn gác đối diện, Vô Thường đang cầm đàn ghi-ta và ngẫu hứng gảy đàn, những tình khúc của Trịnh Công Sơn thành một liên khúc. Mưa rơi lất phất làm thành bức rèm ngăn cách kẻ đàn người nghe. Trong cái ánh sáng lờ mờ của buổi xế chiều tôi nhận ra hình như có bóng dáng ai đó cầm chiếc đàn ghi-ta lẳng lặng ngồi bên Vô Thường. Đúng là Tín Chả thời trai trẻ. Hai người lưng dựa vào nhau. Một mái đầu tóc đen chạm vào một mái đầu tóc đã bạc.
Như thân hình của con bướm. Hai cần đàn chĩa về hai phía khác nhau. Một bên cầm đàn bằng tay phải. Một bên cầm đàn bằng tay trái. Như đôi cánh bướm giang ra. Người trẻ đệm tiếng đàn trầm cho người già đánh lướt qua âm thanh cao vút và giòn tan, lanh lảnh. Tiếng basse như tiếng ai thở dài. Hai cánh bướm cứ chập chờn. Âm thanh của hai cây đàn hòa lẫn vào nhau. Hai cánh bướm đã nhập lại dính sát vào nhau. Tiếng đàn bỗng dưng u uất. Rồi thảng thốt. Rồi tức tưởi. Bóng dáng chàng thanh niên biến mất và hồn Tín Chả đã nhập vào Thường Bảy Rìu.
Có tiếng gậy gõ trên cầu thang, và bước chân ai rất nhẹ lên gác tôi, rồi im bặt. Tôi quay lại thấy cha tôi chống gậy dựa lưng vào vách tường, mắt nhắm nghiền, lắng tai nghe.
Chuyển từ ca khúc này qua ca khúc khác bằng âm thanh của đàn mandoline, giòn tan, cao vút rồi chợt trầm xuống. Khi khoan thai, khi dồn dập. Không biết anh Đề còn sống hay đã chết. Anh có nhận ra âm hưởng của phím đàn mà ngày nào anh đã tặng Bảy Rìu. Anh sẽ mỉm cười. Cảm động. Tiếng đàn càng lúc càng tha thiết. Một cảm giác tê lạnh nơi bàn tay tôi, nhìn xuống mới hay giọt nước mắt nào ai nhỏ xuống. Đôi mắt ngây thơ đã ứa lệ. T. của tuổi 18. Của mối tình đầu. Biết yêu và chỉ biết sợ. Bỗng dưng trời mưa to. Những giọt mưa xuyên qua cửa sổ làm ướt người T. Không như ngày đó tôi chỉ biết đứng nhìn. Bấy giờ tôi ôm T. sát vào lòng như truyền hơi ấm cho nhau.
Không biết T. có cùng một cảm nghĩ như tôi không? Tôi định hỏi thì T. đã nói trước, giọng nhỏ lại:
- Anh Vô Thường độc tấu ghi-ta nhưng em nghe sao như có tiếng đàn thứ hai của ai đệm theo.
Ở Mỹ về Việt Nam, được ngồi với anh tại nhà hàng ở Sài Gòn, cùng anh nghe tiếng đàn Vô Thường, em cứ ngỡ tụi mình đang ngồi trên căn gác nhỏ nhà anh của 30 năm về trước.
Nước mắt T. bỗng chảy dài. Tiếng đàn đã dứt. Tôi nắm chặt lấy bàn tay T. Nàng thảng thốt hỏi tôi:
- Hình như trời đang mưa phải không anh.
Mưa tình dĩ vãng - Guitar Vô Thường
Nguyên Minh
Theo http://www.vanchuongviet.org/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...