Nhánh mai vàng cho em tôi
Tết này là thằng Dế Mèn đã bảy tuổi. Nó học trường bán trú. Nó
lớn hơn ngày hôm qua và có nhiều thắc mắc hơn ngày hôm trước. “Chị Sơn Ca ơi! Tại
sao trái ớt cay? Tại sao con Bò hổng có sừng? Sao con Vịt hổng gáy như con Gà hả
chị?” và còn vô số câu hỏi khác mà một người chị mười sáu tuổi như tôi không có
khả năng trả lời.
Tôi học buổi chiều nên sáng tôi đưa nó đi học, chiều hết giờ
làm việc má đón nó. Ngồi sau lưng tôi trên chiếc xe đạp, Dế Mèn nói chuyện
huyên thuyên. Đôi khi xe xẹp bánh phải dừng lại ở góc đường để bơm xe. Chú Thịnh,
chủ tiệm sửa xe hay chọc ghẹo đùa giỡn với Dế Mèn và nó cũng tỏ ra yêu mến chú.
Dế Mèn là một đứa trẻ bụ bẫm, xinh xắn, trắng như cục bột, hai mắt tròn xoe,
long lanh sáng. Lúc nó mới biết đi lẩm đẩm, nói chuyện bập bẹ ai thấy cũng đều
thương. Từ lúc còn ẳm trên tay, nó đã cùng má và tôi lui tới tiệm sửa xe. Chiếc
xe gắn máy của má bị hư thắng, đứt dây sên … má đều đem tới đó. Chú Thịnh là một
người đàn ông hơn bốn mươi tuổi, đã từng đi bộ đội bị thương. “Vợ con chú đâu?”
Có lần đến sửa xe, tò mò tôi hỏi thằng Hòa trạc tuổi tôi, làm công trong tiệm
chú. “Chú không có vợ”. Tôi cũng không hề thắc mắc tại sao một người đàn ông đến
tuổi đó không lập gia đình. Chẳng biết chú sống ở đây từ lúc nào. Chỉ biết, lớn
lên tôi đã thấy chú. Người lấm lem dầu mỡ, đôi bàn tay to lem luốc thường đưa
ra hù dọa Dế Mèn. Nó cười khanh khách bỏ chạy.
Một lần, xe bị bể bánh phải vá. Thấy tôi thắc thỏm sợ trễ giờ
học của Dế Mèn chú liền lấy xe gắn máy đưa nó đi. Khi vừa xuống xe, một đứa bạn
cùng lớp hỏi: “Ba của bạn phải không ?” Nó đã trịnh trọng gật đầu. “Phải”. Chiều,
đi học về tôi thấy nó ngồi cúi đầu trước mặt má tôi, vẫn còn vẻ giận dữ. “Đó là
nói dối, con biết chưa ?”. một người bạn đưa con đi học đã nhìn thấy nên khi má
đến trường đón nó người này đã hỏi: “Chị có chồng rồi hả ?”.Dế Mèn thấy tôi, tức
tưởi “Bạn Diễm có ba, em hổng có ba”. Rồi nó khóc nức nở. Phải chi Dế Mèn nói
“Bạn Diễm có con Gấu nhồi bông, em hổng có” thì tôi sẽ nhịn tiền tiêu vặt mua
cho nó.
Ba đối với tôi cũng là một điều xa lạ lắm. cái cảm giác có ba
tôi chưa từng có. Chung quanh tôi là ông bà ngoại, cậu, dì. Bên nội mơ hồ như một
ảo ảnh. Và cũng không phải là một thiên đường để mà mơ tới. Tôi nhớ, khi bắt đầu
hiểu biết tôi cũng đã thường thắc mắc. Ba đâu? Má đã cười buồn. Hai người đã
chia tay nhau khi tôi còn chưa ra đời. Đúng hơn là má tôi bị phụ bạc.
Sau này tôi hiểu. Cái người đàn ông lẽ ra tôi phải gọi là ba đã không cần biết tôi có tồn tại trên đời hay không. Loại người sống không cần nhân quả, chỉ vì dục vọng thấp hèn. Má tôi vì tình yêu mù quáng bị lường gạt. Còn Dế Mèn thì khác, nó không biết và sẽ không bao giờ được biết, nó đã được đưa về từ một nơi nuôi trẻ mồ côi khi mới năm tháng tuổi. Má muốn tôi không cô độc. Có thêm một đứa trẻ gia đình sẽ vui hơn. Từ khi Dế Mèn có mặt trong nhà, tôi chưa bao giờ nghĩ nó là một đứa em nuôi. Má và tôi đã yêu thương chiều chuộng nó hết mực, bởi vì nó đáng được chiều chuộng và yêu thương.
Sau này tôi hiểu. Cái người đàn ông lẽ ra tôi phải gọi là ba đã không cần biết tôi có tồn tại trên đời hay không. Loại người sống không cần nhân quả, chỉ vì dục vọng thấp hèn. Má tôi vì tình yêu mù quáng bị lường gạt. Còn Dế Mèn thì khác, nó không biết và sẽ không bao giờ được biết, nó đã được đưa về từ một nơi nuôi trẻ mồ côi khi mới năm tháng tuổi. Má muốn tôi không cô độc. Có thêm một đứa trẻ gia đình sẽ vui hơn. Từ khi Dế Mèn có mặt trong nhà, tôi chưa bao giờ nghĩ nó là một đứa em nuôi. Má và tôi đã yêu thương chiều chuộng nó hết mực, bởi vì nó đáng được chiều chuộng và yêu thương.
Buổi tối, hai chị em đứng ngoài hàng ba, tôi vỗ về. “Trên đời
này đâu có ai giống ai. Bé Diễm có ba, Dế Mèn không có ba. Cũng như … em xem nè
…”. Tôi chỉ vào hai chậu hoa hồng. “Cây này có hai bông màu đỏ đẹp còn cây kia
không có cái bông nào”. Chẳng biết nó có chấp nhận câu trả lời này hay không chỉ
thấy nó im lặng mở to mắt nhìn. Cái thí dụ quá đơn giản của tôi lại gây nên nhiều
phức tạp. Chẳng biết bao nhiêu ngày đã qua, một sáng chuẩn bị lên xe đi học Dế
Mèn chợt reo lên. “Chị ơi! Cây kia có bông rồi! có bông rồi! Em có ba! Em có
ba!”. Tôi không biết nên khóc hay cười nữa. Giá mà tôi dậy sớm ngắt phứt cái
bông mới nở đó đi nhưng chỉ vì tôi quên đã từng thí dụ như vậy. Còn Dế Mèn
không quên, nó nói tôi nói dối, giận tôi, không thèm lên xe tôi chở đi học. Cuối
cùng má phải quát: “Có lên không hay muốn ăn đòn?” Mặt nó sa sầm, đôi gò má
phính xệ xuống, đôi mắt ngân ngân nước “Em sẽ nói dối! Em sẽ nói dối!” Dế Mèn
leo lên xe ngồi, hăm dọa tôi.
Chủ nhật cả nhà được nghỉ, má thường nấu những món thịnh soạn
hơn, đôi khi đổ rau câu hay nấu chè …Dế Mèn luôn lẩn quẩn một bên và … hỏi. Tôi
là người thường xuyên trả lời còn má thì cười lắc đầu.
Sáng nay trong lúc má đi chợ mua thức ăn tôi dọn dẹp nhà cửa,
rửa chén bát. Dế Mèn đùa nghịch thế nào làm chiếc bình bông trên bàn rơi xuống
nền nhà vỡ tan. Tôi hốt hoảng chạy lên phòng khách nhìn chiếc lọ hoa má tôi yêu
thích chỉ còn là những mảnh vụn. Nó đứng một bên lấm lét” Em xin lỗi! Em xin lỗi!”.
Tôi phát vào mông nó mấy cái. “Nghịch nè! Nghịch nè!” rồi tôi lo thu dọn mảnh vỡ,
lau nhà sạch sẽ. Trong lòng nơm nớp lo mẹ mắng, ở nhà giữ em để nó làm đổ bể.
Mãi làm việc tôi quên, đến khi sực nhớ thì không thấy Dế Mèn đâu nữa. Thoạt đầu,
tôi tưởng nó vào phòng ngủ hay vào nhà vệ sinh. Đến khi tìm không thấy tôi bắt
đầu hoảng sợ hớt hải chạy sang mấy nhà bên cạnh. Không ai thấy nó cả. Trời ơi!
Hai đầu gối tôi muốn nhủn ra, sụm xuống. Tôi lập cập gọi điện cho má rồi đóng cửa
dắt xe đạp chạy tìm Dế Mèn. Tôi chạy giữa trời nắng chang chang, không đội nón,
không mang dép. Trên người là bộ đồ lửng sát cánh dùng để mặc trong nhà. Tôi về
nhà ngoại dẫu biết nhà ngoại rất xa nó không thể nào đi tới. Tôi đến nhà cô
giáo chủ nhiệm cũng không thấy. Nơi nào quen biết tôi đều dừng lại tìm kiếm.
Tuyệt vọng và sự hãi tôi quay về, hình dung ra má đang cuống cuồng trong chợ
không biết lối về nhà. Sắp đến nhà tôi vụt nhớ tiệm sửa xe. Vừa thấy tôi dừng
xe, thằng Hòa đã nói to: “Sơn ca! chú Thịnh đưa Dế Mèn về rồi!”. Trời đất ơi!
tôi thót lên xe đạp quên cả cám ơn thằng Hòa. Tuy vậy tôi vẫn kịp thấy đôi mắt
tò mò của nó nhìn vào tôi. Xa xa, tôi thấy chú Thịnh đang cõng dế mèn đứng trước
nhà. Má tôi cũng vừa về đến, vừa sợ, vừa mừng và vừa giận. Nó sợ bị đòn nên lén
đến chỗ chú Thịnh. Chú đang bận nên bảo nó chờ xong việc đưa nó về, không dám để
nó về một mình. Má định phát cho nó mấy cái nhưng chú Thịnh đã can. Má đánh
không phải vì làm bể bình bông mà vì dám đi một mình không cho ai biết.
Chẳng biết có phải từ lần đó má và chú Thịnh thân nhau hơn.
Chỉ biết có vài lần Dế Mèn nói má và chú cùng đến trường đón nó. Dĩ nhiên là Dế
Mèn lên xe chú Thịnh, ngồi sau lưng chú nó thích hơn. Hai người đưa nó đi ăn
kem, khi về chú mua quà cho nó. Đôi khi má có nhắc đến chú trong bữa ăn: “chú
là người không có quá khứ, chú bị thương trong chiến tranh và bị mất trí nhớ”.
Dế Mèn quay qua tôi. “Quá khứ là gì hả chị Sơn Ca?” “ờ… ờ… thì là… là lúc em
không ngoan, ngủ còn tè trên giường”. Tôi ậm ừ lấp liếm cho qua, thay vì nghiêm
trang nói với nó như trong phim. “Lớn lên, đến một tuổi nào đó em sẽ hiểu quá
khứ là gì”. Mấy ngày sau đến chỗ chú Thịnh bơm xe, nó nói oang oang. “Má nói
chú ngoan, ngủ không tè trên giường”. Tôi bụm miệng nó không kịp, vội vã xốc nó
lên xe chạy biến còn nghe tiếng cười của chú và thằng Hòa đuổi theo.
Giói thổi hiu hiu gờn gợn. Buổi sáng thức giấc lười dậy nằm
quấn mền thật chặt thưởng thức cái lạnh se se của những ngày giáp tết. Đã qua rồi
tuổi thơ lòng tôi vẫn nôn nao háo hức nói chi Dế Mèn. Nó vui vì sẽ được mặc quần
áo mới, sẽ được nhiều tiền lì xì, sẽ được đi chơi … Má mua về mấy chậu cúc vàng
rực rỡ. Nó vỗ tay reo lên: “cây nào cũng có bông”. Bằng một giọng hết sức vui mừng
khiến tôi muốn phát khóc vì cái thí dụ quá đơn giản của mình ngày nọ. Chú Thịnh
mang đến nhà một nhánh mai, nụ đầy cành, điểm lác đác vài cái hoa nở sớm. Dế
Mèn chạy ra đón chú, khệ nệ cầm nhánh mai cao qua khỏi đầu nó, miệng cười toe
toét. Tôi nhìn ra, chú Thịnh đi bên cạnh nó uy nghiêm, dũng mãnh. Đôi bờ vai
khiến người khác tin tưởng tựa đầu.
Mồng một tết, trời mới mờ mờ sáng, Dế Mèn đã gọi tôi dậy. Chẳng
biết nó thức từ lúc nào, đêm qua lúc giao thừa nó vẫn cùng má và tôi đón năm mới.
“Chị ơi! Dậy! Dậy! Đi mừng tuổi ông bà ngoại”. Tôi nằm nướng một lúc không được
với nó đành phải dậy sửa soạn đi mừng tuổi ông bà như hàng năm. Dế Mèn đã tự mặc
quần áo xong, trong lúc ngồi mang giày nó bỗng nói. “Em xin lỗi! Em xin lỗi!”
Đang chải tóc, tôi nhìn nó trong gương. “Em đã nói dối! Em đã nói với các bạn
chú Thịnh là ba. Em xin lỗi ! chị Sơn Ca đừng giận em”. Tôi đến giúp Dế Mèn mang
giày, âu yếm nói với nó. “Em không có nói dối đâu. Em nói thật đó, lát nữa chú
sẽ đi cùng má và chị em mình về ngoại mừng tuổi”. Dế Mèn nhảy cởn lên vỗ tay.
“Em không nói dối, em đã có ba!”. Trông nó thật đáng yêu và cũng thật buồn cười
với một chân chưa mang giày. Mùa xuân này quả thật dành cho em tôi. Nhánh mai
vàng của chú Thịnh là một mùa xuân hạnh phúc nhất chú mang tặng Dế Mèn. Mùa
xuân nó hằng mong đợi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét